Biển Đông: Bàn tay Trung Quốc tại ASEAN 2017 ?

mediaLogo ASEAN logo trước Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế tại Manila (Philippines), nơi diễn ra Thượng Đỉnh ASEAN 2017. Ảnh chụp ngày 25/04/2017.TED ALJIBE / AFP
Ngày 28/04/2017, ngoại trưởng 10 nước ASEAN bắt đầu họp lại tại Manila (Philippines) để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 sẽ mở ra ngày 29/04. Trong những ngày qua, rất nhiều tín hiệu cho thấy là Philippines trong vai trò chủ tịch ASEAN năm nay sẽ cố tránh đụng chạm Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, mà dấu hiệu rõ nhất là một bản thông cáo chung sẽ chỉ đề cập đến vấn đề Biển Đông một cách thoáng qua








Trả lời phỏng vấn của ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) đã nêu bật một số sai lầm của tổng thống Philippines khi chạy theo Trung Quốc.
Trước hết giáo sư Long xác định tầm quan trọng của ASEAN đối với an ninh Đông Nam Á, và đặc biệt là của các hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay.
Ngô Vĩnh Long : ASEAN hiện nay là tổ chức đa phương duy nhất có các cơ chế để 10 nước Đông Nam Á trao đổi với nhau cũng như với các nước ngoài khu vực về các vấn đề an ninh và hoà bình chung. Hoa Kỳ đã thấy rõ tầm quan trọng của tổ chức này cho nên từ thời Tổng thống Obama đã cố gắng củng cố quan hệ với ASEAN trên nhiều mặt, đặc biệt là trên mặt trận an ninh. 
Năm 2009 Obama là tổng thống đầu tiên của Mỹ đã gặp lãnh tụ của tất cả 10 nước ASEAN trong một cuộc họp thượng đỉnh và sau đó đã đi thăm một số nước này sáu lần nữa. Năm 2010 Mỹ là nước đầu tiên ngoài hiệp hội này đã thiết lập văn phòng thường trực cấp đại sứ ở trụ sở ASEAN tại Jakarta để có thể thường xuyên và trực tiếp tham gia các hoạt động của các cơ chế mà Mỹ đã được làm thành viên. Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Mỹ cũng hàng năm tham gia các cuộc họp của ASEAN.
Hội Nghị Thượng Đỉnh năm nay có tầm quan trọng đặc biệt, vì đang có nhiều vấn đề an ninh nổi cộm cần đem ra thảo luận mà sẽ được sự chú ý của dư luận nhiều hơn các năm trước vì đây cũng là dịp kỷ niệm 50 năm thành lập của hiệp hội này.
Manila 2017 sẽ giống như Phnom Penh 2012?
RFI : Mỗi lần ASEAN họp là mỗi lần hồ sơ Biển Đông nổi cộm lên, với mối quan ngại là Trung Quốc sẽ tìm cách thao túng nội bộ khối Đông Nam Á để tránh bị vạch mặt chỉ tên là kẻ hung hăng đang lấn chiếm biển đảo của các láng giềng Đông Nam Á. Căn cứ vào những tuyên bố thuận thảo theo Trung Quốc, thậm chí là khiếp nhược trước Trung Quốc, của tổng thống Duterte của Philippines, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, theo ý giáo sư, liệu Manila có lại chơi một vố theo kiểu Phnom Penh năm 2012 là áp đặt một cái gì đó theo ý Bắc Kinh hay không ? Câu hỏi này được đặt ra vì lẽ bản dự thảo thông cáo chung của các lãnh đạo ASEAN có vẻ rất thuận lợi cho Trung Quốc ?
Ngô Vĩnh Long : Chưa có thể biết chắc là Tổng thống Duterte của Philippines lại chơi một vố theo kiểu Campuchia năm 2012 hay không trong việc áp đặt ý kiến của Trung Quốc. Tuy ông ta rất muốn thu hút thêm đầu tư của Trung Quốc cũng như tăng cường quan hệ mậu dịch giữa hai nước, đến nay những tuyên bố của vị tổng thống này cho thấy ông ta không có lập trường kiên định. Có thể ông sẽ thay đổi thái độ đối với Trung Quốc nếu bị áp lực hay phản ứng mạnh hơn của người dân trong nước và của dư luận từ các nước trong khu vực và các nơi khác trên thế giới.
Tuy nhiên ta có thể nhận định rằng bản dự thảo nghị quyết của ASEAN hiện nay rõ ràng là rất mềm mỏng và thuận lợi cho Trung Quốc. Dự thảo đó không đề cập gì đến phán quyết tháng 7 năm 2016 của Toà Trọng Tài Thường Trực (PCA) về việc Trung Quốc không có cơ sở lịch sử hay nền tảng pháp lý để đòi chủ quyền ở Biển Đông. Phán quyết cũng phê phán việc Trung Quốc phá hoại môi trường để bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực này. Thêm vào đó phán quyết cũng nói rõ rằng Trung Quốc không có quyền cấm đoán ngư dân các nước khác hành nghề trong khu vực đánh bắt truyền thống của họ như Trung Quốc đã và đang làm.
Sai lầm lớn của Duterte: Tuyên bố rằng PCA là việc riêng giữa Trung Quốc và Philippines 
Phán quyết của PCA là một thắng lợi lớn về mặt pháp lý và ngoại giao cho Philippines, nói riêng, và cho các nước ven Biển Đông, nói chung, trong việc đối phó sự bành trướng và đe doạ an ninh của Trung Quốc. Không dựa vào phán quyết này để vận động sự hợp tác của các nước trong khu vực và sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới để bảo vệ lợi ích chung là một thiếu sót lớn.
Hơn thế nữa, Duterte đã rất sai lầm khi tuyên bố nhiều lần là Trung Quốc quá mạnh cho nên Philippines không thể làm gì được ngoài việc gác lại phán quyết PCA để khỏi mất lòng Trung Quốc. Ông ta tại càng sai lầm lớn hơn khi tuyên bố trước thềm hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này là phán quyết PCA chỉ là vấn đề riêng giữa Philippines và Trung Quốc chứ không phải là vấn đề chung với ASEAN.
Trong khi đó thì Duterte đã công khai nguyền rủa Mỹ đã không can thiệp khi Trung Quốc đánh chiếm các đảo hay đã không ngăn chặn việc Trung Quốc bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo. Không những Duterte đã đổ thừa Mỹ về các hành động chiếm đóng của Trung Quốc mà ông ta lại còn đã chửi đích danh cựu Tổng thống Obama làm như Mỹ là một nước nhược tiểu dễ bắt nạt. Nhưng không có sự hỗ trợ và hiện diện của Mỹ về lâu về dài, thì Trung Quốc sẽ gặm nhấm dần hết các vùng biển đảo của Philippines cũng như đe đoạ trầm trọng an ninh toàn khu vực.
RFI : Giáo sư thấy chiều hướng Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào nếu Manila áp đặt văn kiện đó ?
Ngô Vĩnh Long : Nếu Manila áp đặt được văn kiện như dự thảo hiện nay thì điều này chứng tỏ rằng Việt Nam đã chưa vận động tích cực đủ, hoặc là vì có cản trở trong nội bộ hay là vì có áp lực từ bên ngoài. Hoặc là cả hai. Cho nên khi văn kiện này được công bố thì có thể chiều hướng là Việt Nam sẽ tuyên bố rằng đang có “quan ngại sâu sắc về những diễn biến leo thang gần đây” như đã thường phát biểu trước đây.
COC: Thủ thuật giúp Trung Quốc mua thời gian
RFI : Về bộ Quy Tắc Ứng Xử COC giữa ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông mà cả Philippines lẫn Trung Quốc đều tỏ vẻ sốt sắng, giáo sư nghĩ sao ? Có người cho rằng Bắc Kinh vẫn giả vờ sốt sắng để « câu giờ » ?
Ngô Vĩnh Long : Cả Philippines lẫn Trung Quốc đều tỏ vẻ sốt sắng, nếu không nói là hồ hởi, về bản Quy Tắc Ứng Xử (COC) hiện nay là vì nó chưa có gì thật sự cụ thể và thực tế. Nó chỉ rất chung chung cho nên có thể sẽ được thoả thuận chung là đến tháng 6 sắp tới sẽ có bộ khung của COC.
Nhưng từ bộ khung chung chung đó đi đến việc cụ thể hoá thì còn sẽ mất nhiều năm nữa. Trung Quốc sẽ dùng việc này để chứng tỏ là Trung Quốc thực sự có thiện chí. Trong khi đó thì thật ra đây là một thủ thuật giúp Trung Quốc mua thời gian cho việc bồi đắp và xây dựng thêm để thực thi việc đòi hỏi chủ quyền của mình trên Biển Đông như là việc đã rồi.
Những nước có quyền lợi lớn ven Biển Đông, như Philippines và Việt Nam, nên có chiến lược đối phó rõ ràng và cương quyết trước mưu đồ thâm hiểm của Trung Quốc. Không thể làm như Duterte gần đây là khi thấy nguy thì tuyên bố bừa là sẽ đưa quân ra bồi đắp và củng cố các thực thể ở Trường Sa. Nhưng ngay sau khi Trung Quốc lên tiếng lại vội vàng rụt cổ. Làm như thế không khác nào là vừa chấp nhận sự chiếm đóng trái phép của Trung Quốc và vừa thừa nhận sự bất lực và hèn nhát của chính mình.
Phải có chiến lược đối phó với Trung Quốc 
RFI : Giáo sư vừa nói là "Những nước có quyền lợi lớn ven Biển Đông, như Philippines và Việt Nam, nên có chiến lược đối phó rõ ràng và cương quyết trước mưu đồ thâm hiểm của Trung Quốc " .Riêng đối với Việt Nam thì chiến lược đối phó đó phải như thể nào ?
Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ vì Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất ở khu vực Biển Đông và là nước đã phải chịu đựng nhiều nhất trước những hành động đánh chiếm và đe doạ an ninh của Trung Quốc thì ít ra Việt Nam cũng có thế để vận động các thành viên ASEAN cũng như những nước đã gia nhập tổ chức Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Việc Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi tổ chức này không có nghĩa những quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên còn lại đã hoàn toàn bị triệt tiêu. Trump và Duterte càng thụ động thì Việt Nam lại càng có cơ hội để năng động hơn.
GS Ngô Vĩnh Long28/04/2017Nghe

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?