Câu chuyện cổ tích trên núi Cấm

14/04/2017



Câu chuyện cổ tích trên núi Cấm
Dì Ba và cháu đầu tiên tên Ngọc 15 năm trước

Đoàn Dự ghi chép
Núi Cấm hay còn gọi là núi Ông Cấm, có tên chữ là Thiên Cẩm Sơn (nghĩa là một ngọn núi đẹp như gẩm của trời), nằm trong khu tam giác Tịnh Biên – Nhà Bàng – Tri Tôn, thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là ngọn núi cao nhất (705 m) và hùng vĩ nhất trong dãy Thất Sơn tỉnh An Giang, giáp giới với Campuchia.
Núi Cấm cách trung tâm thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang khoảng 90km và cách thành phố Châu Đốc khoảng 37 km (tỉnh Châu Đốc ngày trước nay là một huyện của tỉnh An Giang). Núi có nhiều chỏm và chỏm Bồ Hong cao nhất cả vùng Thất Sơn, đồng thời núi Cấm cũng là ngọn núi cao nhất đồng bằng sông Cửu Long.
Núi Cấm có nhiều “vồ” (chỏm núi) nhưng có 5 vồ chính thường được nói đến là:
– Vồ Bồ Hong: cao 705 m, cao nhất. Tương truyền khi xưa có nhiều côn trùng là con Bồ hong (Bù mắt, tên tiếng Anh là Fruit fly) sinh sống nên có tên này. Trên vồ có tượng thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, được nhiều người đến lễ bái.
– Vồ Đầu: đỉnh cao đầu tiên về phía bắc của Núi Cấm, cao 584 m.
– Vồ Bà: cao 579 m, có điện thờ Bà Chúa (không phải điện thờ Bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc).
– Vồ Ông Bướm (hay vồ Ông Voi): cao 480 m, tương truyền xưa kia có hai người Khmer tên là ông Bướm và ông Voi đến sinh sống nên vồ có tên như vậy.
– Vồ Thiên Tuế: cao 541 m, trước kia có rừng cây thiên tuế, nay còn số ít.
Trên thực tế, núi Cấm còn có nhiều vồ khác nữa, như Vồ Mồ Côi, Vồ Chư Thần, Vồ Cây Quế, Vồ Đá Dựng, Vồ Pháo Binh, Vồ Bạch Tượng… Chúng ta sẽ nói nhiều về vồ Mồ Côi mà người ta thường gọi là đỉnh Mồ Côi. Thật ra, “vồ” cũng là phần cao của núi nhưng trên vồ có cây cối, đất đai, có thể trồng trọt được. Còn tiếng “đỉnh” nghe như một chỏm núi toàn là đá, không thể hoặc rất khó trồng trọt. Tuy nhiên, vì mọi sách vở, tài liệu đều gọi là “đỉnh Mồ Côi” nên chúng ta cũng gọi như vậy cho đồng nhất (còn dân chúng ở đấy thì vẫn gọi là “vồ Mô Côi”).
Hiện nay Núi Cấm là nơi du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang, vì núi có dáng vẻ hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp và cây cối luôn xanh tươi. Trên núi có các danh lam thắng cảnh như chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm, điện thờ Bà Chúa…
Ngoài ra, dọc theo những lối mòn từ chân lên tới đỉnh núi còn có nhiều suối Thanh Long, suối Tiên, điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, hang Ông Hổ, hang Bác Vật Lang, động Thủy Liêm…
Dưới chân núi Cấm về phía đông là khu du lịch Lâm Viên, với diện tích khoảng 100 ha, có cảnh đẹp, có đường tráng nhựa khá rộng lên đến đỉnh. Đặc biệt là có cáp treo đã được hoàn thành và đưa vào phục vụ khách du lịch từ tháng 2 năm 2015.
Bây giờ chúng ta nói đến bà Võ Thị Ba và người con trai của bà tên Nguyễn Tấn Bông. Hai mẹ con bà sống trên vồ Mồ Côi, nhân đức lạ lùng nên người ta gọi đó là chuyện “Cổ tích hiện đại trên đỉnh Mồ Côi”.
Bà Võ Thị Ba và người con trai
Bà Võ Thị Ba năm nay 72 tuổi, tóc bạc trắng như bông. Con trai bà, anh Nguyễn Tấn Bông, 45 tuổi, người dong dỏng cao, mặt mũi “có nét” và rất mạnh khỏe, luôn luôn cần cù làm việc từ đốn củi, chở xe đạp đem củi xuống chân núi bán, cho tới trồng trọt khoai, sắn, chuối, cùng các cây ăn trái khác trên “vồ” để nuôi mẹ và 11 đứa trẻ – 9 trai, 2 gái – (trước đây là 12 cháu nhưng mất một cháu do bệnh nhũn não) mặc dầu anh không phải là một tiều phu hoặc một “dân miền núi” chính hiệu. Tất cả các cháu đều là trẻ mồ côi – con hoang hoặc bệnh tật – do mẹ các cháu nghèo quá hoặc lỡ lầm, sợ bị mang tiếng, vứt bỏ cháu trong bụi rậm hay trong bệnh viện từ lúc lọt lòng. Nay tất cả các cháu đều rất xinh xắn, ngoan ngoãn, trắng trẻo, được “ba Bông” và “bà nội” chăm sóc, cho ăn mặc sạch sẽ trông rất dễ thương. Người ta nói đó là một gia đình tuy nghèo nhưng rất đặc biệt, có một không hai trên vùng đất này.
Dì Ba kể rằng quê dì ở Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Ngày trước dì đã từng là chủ một chiếc xe đò cọc cạch. Năm 1980, những lần theo xe đi qua vùng Thất Sơn, dì thấy mê cảnh núi non hùng vĩ, bạt ngàn. Từ đó, hễ rảnh là dì “đi núi”, không phải để cúng cấp gì cả mà là để nghỉ ngơi, thăm viếng cảnh đẹp.
Dì nói: “Tui mắc lo kiếm ăn, không chỉn theo đạo nào cả. Nhưng nghĩ đạo nào cũng dạy người ta điều hay lẽ phải nên tui quý trọng tất cả các đạo. Mỗi lần lên núi tui thích lắm, cứ nấn ná ở đấy không muốn về”.
Núi Cấm hồi ấy còn hoang sơ, cô tịch. Chiếc xe đò của dì cũ quá, luôn luôn hư hỏng không chạy được, phải bán cho người ta lấy sắt và lấy máy sửa lại làm máy “cô-le” dùng cho thuyền chạy trên sông. Dì bảo các con: “Tụi bay đã lớn, có gia đình riêng cả rồi. Má bán nhà, lên Núi Cấm làm cái chòi, trồng trọt sanh sống”. Anh Nguyễn Tấn Bông là con trai út của dì lúc đó 26 tuổi, chưa có gia đình, nói: “Má đi thì con cũng đi theo chớ má lớn tuổi rồi, những lúc đau yếu lấy ai trông nom”.
Cuối năm 1991, dì Ba bán căn nhà và miếng đất được 3 cây vàng, dẫn anh Bông từ Cần Thơ qua An Giang, đi lên Núi Cấm.
Anh Bông kể: “Đầu tiên khi đến đây, hai má con tui mua một căn nhà nhỏ ở dưới chân núi để mở quán cà phê. Được một năm, má tui nói ở đây xe cộ ồn ào, những ngày lễ chùa khách hành hương tới đông nghẹt. Bán quán thì cần khách, nhưng khách đông quá má tui cảm thấy khó chịu. Biết tánh má ưa yên tĩnh, không thích đông người, nên tui lên đỉnh Mồ Côi mua đất. Gọi là mua nhưng thiệt ra hồi ấy 3 mẫu đất giá chỉ có 2 chỉ vàng do kiểm lâm cấp và viết giấy tay vậy thôi”.
Anh kể tiếp: “Từ chân núi Cấm lên tới đỉnh Mồ Côi hồi đó (khoảng 1990-1991) chưa có đường xe, chỉ có một con đường mòn chạy dọc theo con suối Thanh Long. Độ cao của Núi Cấm chỉ hơn 700 mét nhưng đường lên đỉnh Mồ Côi quanh co gần 10 cây số, lên xuống nhiều dốc, lởm chởm đất đá hết sức nguy hiểm. Cách một hai cây số mới có một căn nhà. Rừng núi hoang vu, buồn đứt ruột vậy mà má tui kiên quyết ở lại”.
Được hỏi lúc mới lên thì dì Ba với anh sống bằng gì? Anh Bông trả lời: “Hồi 18 tuổi tui bị kêu đi nghĩa vụ quân sự, họ đưa qua bộ đội rồi qua chiến trường Campuchia đánh nhau. Khi yên bình, được xuất ngũ trở về, tui đã quen với núi rừng Campuchia cũng giống với bên Việt Nam nên rất khỏe mạnh. Ban đầu tui đi gánh mướn các đồ trên rẫy cho các gia đình trên núi. Nào chuối, nào xoài, nào mít, nào măng tre…. Mỗi gánh nặng trung bình 70 ký, mỗi ký 2.000 đồng, mỗi ngày 2 chuyến từ đỉnh núi xuống chân núi, vậy là được khoảng 300 ngàn đồng. Có khi chuyến lên tui gánh thêm gạo, cát, đá, xi măng, gạch ngói, cực nhọc vô cùng nhưng kiếm ăn cũng khá”.
Anh Bông vừa gánh thuê, vừa tập trồng trọt, làm rẫy. Mấy năm sau, 3 mẫu đất của má con anh đã thành một khu vườn trù phú. Từ đấy Bông thôi không đi gánh thuê cho người ta nữa mà gánh các sản phẩm của mẹ con mình và để thời gian làm vườn. Cứ 3 ngày đi một chuyến, mỗi chuyến bán được 3-4 trăm ngàn, vị chi mỗi tháng thu được 3-4 triệu bạc. Tiền lúc đó rất cao, vậy là hai má con dư sống rồi, lại còn mua được một chiếc xe gắn máy nữa. Thấy Bông làm ăn giỏi, chi cục kiểm lâm giao cho anh quản lý thêm 12 hécta rừng để khai phá, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm.
Khoảng 10 năm sau kể từ ngày đặt chân lên Núi Cấm mở quán cà phê rồi lên đỉnh Mồ Côi làm rẫy, anh chàng “tiều phu tập sự” Nguyễn Tấn Bông đã tích lũy được một con số to lớn tới vài chục cây vàng!
Dì Ba giục lấy vợ vì Bông cũng đã 36-37 tuổi rồi. Thật ra Bông cũng mong trong căn nhà tôn bé nhỏ trên vồ Mô Côi hoang vắng của mình có bóng dáng phụ nữ, có tiếng cười trẻ thơ cho má được vui. Nhưng lấy ai bây giờ? Suốt 10 năm nay sống ở đây, Bông chưa từng gặp gỡ hay quen biết một người con gái nào cả.
Thế rồi, bỗng dưng từ năm 2002 đến nay – 2017, tức 15 năm – lòng trời xếp đặt hay do lòng người nhân đức sao đó, từ đứa trẻ thứ nhất, Bông dần dần có tới 12 đứa trẻ (mất một đứa do bệnh nhũn não), còn 9 trai, 2 gái. Đứa lớn nhất năm nay 15 tuổi, tên Nguyễn Sơn Ngọc – tức cháu bé sơ sinh được 1 ngày tuổi ở Bệnh viện Cần Thơ, mẹ nó nghèo quá, vừa khóc vừa quỳ xuống lạy nhờ hai má con Bông nuôi giùm. Còn đứa nhỏ nhất năm nay 3 tuổi, lúc mới sơ sinh người ta bỏ ở chân bụi tre, còn nguyên cuống rún, kiến bâu đầy, da dẻ tím ngắt. Bông đem lên về chăm sóc, đặt tên là Nguyễn Sơn Thành. Vì cái vồ Mồ Côi tên chữ là Thiên Cẩm Sơn nên tất cả 9 đứa con trai Bông đều lót chữ “Sơn”: Sơn Ngọc, Sơn Lập, Sơn Thành, Sơn Giàu…, còn 2 đứa con gái thì lót chữ “Cẩm”: Nguyễn Cẩm Như, Nguyễn Cẩm Ý. Câu chuyện cứ thế lan truyền như một huyền thoại khắp vùng Thất Sơn, và trong khi lan truyền, nó được thêu dệt thêm đôi chút nhưng cái chính vẫn là tấm lòng nhân hậu của hai má con anh Bông.
Đứa trẻ sơ sinh anh Bông nhận đầu tiên
Năm 2002, anh Bông chở dì Ba bằng xe gắn máy từ Núi Cấm về quê nhà ở Cần Thơ, vào Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ thăm đứa cháu gái con người chị của anh Bông đang nằm điều trị trong đó.
Bất ngờ họ thấy một phụ nữ bụng mang dạ chửa đang ngồi dựa lưng vào tường, ôm bụng rên rỉ, khóc lóc trên hành lang phía trước khoa sản. Dì Ba ngạc nhiên hỏi những người gần đấy, họ nói chị đó nghèo quá, không có tiền đóng tiền viện phí nên không được vô khám để sanh, mà chị cũng không có tiền trở về trong quê. Dì Ba cúi xuống hỏi, chị phụ nữ ôm bụng nức nở: “Con đau lắm, chắc sắp sanh rồi mà không có tiền, họ không cho vô”. “Sao đi sanh lại không đem tiền?”. “Nhà con nghèo lắm, hổng có tiền. Thằng xe ôm quen con nó chở con từ quê lên Cần Thơ, đưa vô đây rồi bỏ đi. Nó cũng hổng có tiền đặng cho con một đồng nào…”. Dì Ba thương tình dắt chị đứng dậy: “Thôi được, cứ tới mần thủ tục, hết bao nhiêu tiền dì đóng cho, hổng sao đâu”.
Đóng tiền xong, chị phụ nữ có giấy tờ, được vào khám. Mãi đến chiều tối hôm ấy chị mới sanh, con trai. Dì Ba và anh Bông phải ở tạm lại nhà người chị gái ở Bình Thủy.
Sáng hôm sau anh Bông chở dì Ba vô thăm, thấy chị phụ nữ đã chuẩn bị sẵn, đang ẵm con ngồi chờ. Dì Ba ngạc nhiên: “Ủa, mới sanh mà đã định về rồi sao? Cứ ở lợi đây mấy bữa cho khỏe hẳn đã, tiền ứng trước dì đã đóng đầy đủ, đừng lo”. Chị phụ nữ chậm nước mắt: “Dạ, con khỏe, về được”. Rồi chị ẵm con quỳ xuống nền nhà trước mặt dì Ba: “Con ở dưới quê, chồng chết, nghèo lắm vì phải một mình mần việc lặt vặt cho gia đình người ta kiếm gạo nuôi hai đứa con. Gặp thằng xe ôm ở trong xóm có vợ con rồi nó dụ dỗ làm con có bầu. Con lạy dì, xin dì làm ơn nuôi giùm con đứa nhỏ này chớ sức con về trỏng nuôi cả ba đứa không nổi!…”. Vừa nói chị vừa khóc, sụp lạy và trao đứa trẻ mới sanh vào tay dì Ba. Dì đỡ chị dậy nhưng ngần ngừ nửa muốn bồng đứa trẻ nửa muốn không, và đưa mắt hội ý với con trai: “Sao con? Liệu có nuôi nổi không?”, và dì nói thêm: “Nuôi một đứa trẻ ở trển thiếu thốn đủ thứ khó khăn lắm à”. Anh Bông cũng ngần ngừ suy nghĩ. Sau cùng anh quyết định: “Thôi được, đành vậy chớ biết sao bây giờ má!”. Anh ẵm thằng bé rồi nói với chị phụ nữ: “Má con tui sống trên Núi Cấm ở bên An Giang trên vồ Mồ Côi. Lát họ tính tiền viện phí thế nào cũng còn dư, tui sẽ giúp chị rồi đưa thêm chút ít đặng chị làm vốn buôn bán rau cỏ kiếm sống nuôi hai đứa lớn. Sau này nếu khá, muốn nhận lại con chị cứ hỏi thăm lên vồ Mồ Côi trên Núi Cấm, tui sẽ giao lại. Điện thoại của tui, lát tui sẽ ghi cho chị”.
Chị phụ nữ chắp tay xá và cám ơn rồi nhờ văn phòng làm giấy cho anh Bông đứa con với sự xác nhận của bác sĩ trưởng khoa sản và hai cô nữ hộ sinh đã trực tiếp đỡ cho chị. Trước khi hai má con ẵm thằng bé ra về, anh Bông cho tiền chị phụ nữ, ghi số điện thoại cho chị rồi dặn các bác sĩ và hai cô nữ hộ sinh: “Má con tui không giàu có gì, lại sống trên núi nữa nhưng đây là số điện thoại của tui, nếu gặp trường hợp người ta nghèo quá, hổng có tiền đóng viện phí hay không nuôi nổi con như trường hợp vừa rồi, bác sĩ với các cô gọi cho tui, má con tui sẽ tới giúp đỡ họ”.
Câu chuyện bắt đầu là như vậy. Mỗi lần nghe điện thoại từ Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ gọi tới, anh Bông dù đang làm gì cũng bỏ đó chạy về, nhờ người tới giữ nhà giùm và trông coi thằng bé anh đặt tên là Nguyễn Sơn Ngọc rồi hai má con chở nhau xuống núi. Từ Núi Cấm phải qua Tịnh Biên, từ Tịnh Biên qua Long Xuyên rồi từ Long Xuyên đi Cần Thơ, cuộc hành trình không hề đơn giản để làm một công việc lạ lùng và độc nhất trên đời là cứu giúp những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và những người mẹ quá nghèo không nuôi nổi con hay những cô bé mới 15 – 16 tuổi, vì nhẹ dạ, bị lừa đảo, sợ bị mang tiếng, kiếm tiền vô bệnh viện sanh rồi bỏ trốn.
Cha con anh Bông khi các cháu còn nhỏ
“A-lô, em ở khoa sản Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ đây anh. Có một trường hợp người ta cần anh giúp đỡ…”. Cứ mỗi lần có “a-lô” của cô nữ hộ sinh như vậy là căn nhà tôn nhỏ bé trên đỉnh Mồ Côi của hai má con anh Bông lại thêm một đứa trẻ sơ sinh. Trên núi thiếu nước, không có điện, nhiều khi thiếu cả sữa cho trẻ nữa, hết sức cực nhọc. Đặc biệt, anh Bông chỉ quen với Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ nên 12 đứa trẻ đều phát xuất từ Cần Thơ chứ không có tại các nơi khác. Anh Bông nói đùa: “May quá, nếu tui để số điện thoại ở nơi khác nữa như bịnh viện An Giang chẳng hạn thì chắc chết quá!”. “Ban đêm nếu lỡ có cháu nào bị bệnh thì sao?”. “Thì cũng ráng chờ đến sáng chớ đường trên núi tối thui, đất đá lổn nhổn đâu có đi nổi”. Và anh vui vẻ nói thêm: “Được cái trời cũng phó tánh, có lẽ khí hậu trên núi tốt nên các cháu ít đau yếu, đứa nào cũng khỏe mạnh. Đôi khi trái gió trở trời, có thể hai hay ba cháu cùng đau giống nhau, tui chở một đứa xuống khám bịnh rồi mua thuốc chung cho cho cả mấy đứa kia uống luôn vậy mà cũng khỏi”. Cái này thì anh Bông hơi… thiếu khoa học. Cho trẻ uống chung một thứ thuốc, chẳng ai làm như vậy!
Cái khó khăn nhất đối với anh Bông là những đứa trẻ lớn dần, cần phải đi học. Trên vồ Mồ Côi vắng tanh không có trường lớp gì cả. Anh giải quyết bằng cách mua sách dạy vỡ lòng và tập vở về rồi tự mình dạy cho thằng Ngọc và thằng Thành là hai đứa lớn nhất học, với hy vọng sau khi biết đọc biết viết, chúng sẽ dạy lại cho những đứa em.
Nhưng khốn nỗi, chữ nghĩa của anh Bông không nhiều, còn dì Ba thì chữ biết dì chứ dì không biết chữ. Chẳng bao lâu thằng Ngọc với thằng Thành… học hết chữ của “Ba Út”. Nhất là môn Toán, “Ba Út” quên hết trơn, hễ dạy là lúng túng không biết phải dạy thế nào. Hai đứa bèn nói với Ba Út chở xe Honda xuống xin cho vô học tại trường tiểu học cũng nhỏ chút xíu trong thị trấn Ba Voi ở dưới chân núi. Cô hiệu trưởng kiêm giáo viên đứng lớp mừng lắm, cô bảo ở nơi núi non đèo heo hút gió này có học trò chịu khó đi học là quý hết sức. Cô cho hai đứa thử tập đọc, thử làm toán cộng trừ nhân chia rồi xếp cho thằng Ngọc vô học lớp 3, thằng Thành vô lớp 2, hơn kém nhau một lớp. “Ba Út” mừng quá chừng, anh tưởng với cái vốn chữ nghĩa của anh thì tụi nó… khỏi được vô học!
Nhưng một điều “Ba Út” rất áy náy là hàng ngày hai đứa con phải cuốc bộ gần 10 cây số từ trên vồ Mồ Côi xuống tới chân núi, rồi trưa về lại cuốc bộ gần 10 cây số từ chân núi lên vồ Mồ Côi. Xuống núi thì dễ, tương đối nhẹ nhàng còn lên núi thì khó vì dốc và buổi trưa hai đưa đã mệt mà lại đói bụng. Năm ấy thằng Ngọc 12 tuổi còn thằng Thành 10 tuổi. Anh Bông thương lắm nhưng không biết làm sao. Anh còn lo khi những đứa bé lớn lên rồi cũng sẽ phải cuốc bộ như thế thì rất tội nghiệp.
Năm sau, thằng Ngọc 13 tuổi, tương đối đã lớn, có thể đi được xe đạp không sợ nguy hiểm. Anh Bông mua cho hai đứa chung một chiếc xe đạp để chúng chở nhau khỏi phải cuốc bộ. Nhưng đường núi, lên dốc chở nhau bằng xe đạp tuy nặng nhọc song cũng được, còn lúc xuống dốc, chở nhau sẽ trơn trượt, xe chạy vù vù không vững tay lái sẽ rất nguy hiểm. Anh Bông lại lo nữa. Anh vẽ ra giấy dạy cho chúng khi xuống dốc, từ khoảng nào tới khoảng nào tương đối bằng phẳng có thể chở nhau, từ khoảng nào tới khoảng nào rất dốc hoặc có chỗ quẹo phải xuống dẫn bộ. Chúng nghe theo răm rắp, anh cũng hơi yên tâm. Tất cả các con anh Bông đều rất ngoan ngoãn do bà nội dạy, và cứ thế chúng tiếp tục lớn lên…
Câu chuyện “Cổ tích trên đỉnh Mồ Côi” có hậu
Năm 2014, khi câu chuyện “Cổ tích trên đỉnh Mồ Côi” được nhà báo Võ Đắc Danh khám phá, viết bài đăng trên báo và đưa lên Internet, có rất nhiều độc giả cả ở trong nước lẫn nước ngoài gọi điện thoại về theo số 0986544323 của anh Bông để bày tỏ tình cảm và có nhã ý muốn giúp đỡ các cháu nhỏ.
Nhóm thanh niên có tên là “Nhóm chim cò” gồm 36 người, do Dược sĩ Trần Anh Tuấn đứng đầu, từ Đồng Nai lên, đã chở 3 tấm nệm Kym Đan là loại nệm tốt và mắc tiền nhất tại VN hiện nay, cùng một số đồ chơi và 14 triệu đồng tặng cho đám trẻ.
Rất nhiều các đoàn thể tôn giáo và các hội đoàn từ thiện trong Nam và ngoài Bắc kể cả nước ngoài cùng đóng góp với ý định nhờ anh Bông làm con đường tráng bê-tông từ chân núi lên đến đỉnh Mồ Côi để các cháu và mọi người đi lại cho thuận tiện. Nay, con đường này đã làm xong, xe có thể chạy lên tới đỉnh.
Đặc biệt, có một chị phụ nữ ở Hà Nội cho biết, chị lấy chồng gần 5 năm nhưng không có khả năng sinh sản nên bị chồng bỏ, đi lấy vợ khác. Chị đang sống những ngày tuyệt vọng thì tình cờ đọc được câu chuyện “Cổ tích trên đỉnh Mồ Côi” trên báo và Internet. Chị khao khát muốn được làm mẹ của những đứa trẻ, được phụ với anh để bồng ẵm và chăm sóc chúng như con ruột của mình.
Một chị khác ở California bên Mỹ thì thẳng thắn đặt vấn đề là chị sẵn sàng kết hôn với anh và bảo lãnh những đứa con đó sang Mỹ để chúng đi học.
Anh Lê Minh Triển và gia đình anh Bông trong ngôi nhà mới
Đặc biệt nhất là một Việt kiều Mỹ tên Lê Minh Triển gốc người Trà Vinh, hiện ở San Diego, là một nhà doanh nghiệp trẻ rất giàu có. Một hôm, anh Triển từ Mỹ trở về, một thân một mình trèo lên đỉnh núi, khi tới nơi, anh ôm những đứa trẻ vào lòng rồi bật khóc. Anh nói, đọc câu chuyện trên mạng tưởng người ta hư cấu, không ngờ sự thật là như vậy. Minh Triển cũng không nói gì thêm, trước khi ra về, anh gởi cho dì Ba 300USD cùng với lời hứa sẽ tìm cách giúp dì với anh Bông lo cho mấy đứa nhỏ học hành.
Mấy tuần sau, Triển gọi điện qua nói với dì Ba: “Con xin phép được làm con nuôi của má, làm em của anh Bông, làm chú của 11 đứa trẻ để con được góp sức chăm lo cho tụi nó”. Thì ra, trong chuyến đến thăm lần ấy, Triển đã khảo sát dưới chân núi Cấm có trường học dạy từ lớp một đến lớp 12. Anh đề nghị anh Bông xuống chân núi mua đất xây nhà cho các cháu có chỗ ở gần trường để học hành, công việc tiến hành tới đâu Triển gởi tiền về tới đó.
Đến nay, ngôi nhà đã được hoàn tất, chiều ngang 9 mét, chiều dài 20 mét, một trệt một lầu, phía sau có 1.000 mét vuông đất vườn. Anh Bông cho biết, anh Triển gởi về tổng cộng 45.000USD. Ngôi nhà 360 mét vuông, mỗi đứa một phòng ngủ riêng, đó là ý tưởng của anh Triển vừa tập cho các cháu sinh hoạt độc lập, vừa dự phòng khi chúng lớn lên có đủ không gian để sinh hoạt cá nhân.
Đoàn Dự

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?