Ký ức của một thuyền nhân
BBC
30 tháng 4 2017
30 tháng 4 2017
"Trái bom nổ rất gần làm má hết hồn nên má bỏ chạy," má tôi kể thế khi bà hồi tưởng lại về tính đãng trí của mình giữa cuộc giao tranh. "Chạy chừng 30 thước rồi mới phát hiện là má đang ôm cái gối, chớ không phải ôm con," bà bẽn lẽn khúc khích cười.
Đó là vào khoảng ngày 30 tháng Tư năm 1975, tại Đà Nẵng, một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh Việt Nam.
Tôi thích thú nghe bà kể chuyện. Tôi chưa hề có giây phút nào cảm thấy bị bỏ rơi hay thiếu tình thương của má, nên chuyện má quên ôm tôi theo không làm tôi thắc mắc. Tôi chỉ kinh ngạc khi nghĩ tới má chạy vào vùng bom đạn để cứu đứa con gái mới 2 tháng.
Đây là câu chuyện đầu tiên về đời mình tôi được biết - câu chuyện của một đứa bé kẹt ở khúc quanh lịch sử; câu chuyện về tình thương vô điều kiện giữa mẹ với con; và câu chuyện trong giờ phút đất nước đổi chủ, con người trải qua những hệ lụy của chiến tranh.
Tôi đã biết sẽ mất má ngay cả trước khi bà ra đi. Không phải là tôi tiên tri gì. Hồi nào tới giờ, như anh tôi vẫn thường nói, tôi luôn luôn "để ý rất kỹ, nhiều khi tới mức làm người khác khó chịu."
Đó là 10 năm rưỡi sau khi tôi sinh ra đời.
Chúng tôi đang bập bềnh đâu đó ngoài khơi Việt Nam, trên một chiếc thuyền rách nát và quá nhỏ để cưu mang 31 mạng người, quá thiếu an toàn để vượt biển, chứ đừng nói tới mục tiêu đầy tham vọng là đến được nước Mỹ.
Má ôm cơ thể gầy gò và khô cằn của đứa em gái 1 tuổi rưỡi vào lòng, dưới ánh nắng nhiệt đới thiêu đốt. Bà nhìn nó chằm chặp một cách tuyệt vọng, làn da bị nứt nẻ của đứa bé do sức nóng, nước biển và khát.
Má lúc đó đã mất ba đứa con rồi, và tôi thấy bà vuốt ve em tôi nhè nhẹ, dường như mong rằng hơi ấm và sự săn sóc dịu dàng của bà có thể giữ em tôi sống thêm vài phút nữa.
Khi em tôi trút hơi thở cuối cùng, mặt của má tôi chuyển từ một người mẹ bám víu vào niềm hy vọng mong manh, đến một người phụ nữ không còn lý do để sống nữa.
Má có thể nói bằng ánh mắt, và khi bà ngẩng mặt lên từ đứa em lúc đó đã chết để chuyển chầm chậm sang nhìn tôi, cho đến giờ phút này tôi chưa thấy cặp mắt nào buồn như thế, và tôi biết tôi sẽ mất luôn cả má. Tôi khóc dữ dội không kềm được, gần như tới độ bị co giật.
Bề ngoài, có vẻ như tất cả sự khổ đau của tôi là do cái chết của đứa em, nhưng tôi biết mình đang khóc cho cả em lẫn má.
Má luôn luôn là một người kiên cường - dẻo dai tuy trầm lặng - nhưng mặt bà lúc này không còn dấu hiệu kháng cự gì nữa. Con là tất cả, và bị mất bốn đứa con trong mấy ngày, cùng với viễn tượng sẽ mất thêm cả hai đứa con trai và tôi, là điều quá sức chịu đựng của bà.
Anh tôi phát hiện má đã chết trong giấc ngủ hai ngày sau đó. Bà lúc đó bằng tuổi tôi bây giờ. Em trai tôi cũng qua đời đêm đó. Và tôi mừng là má đã không phải chứng kiến cảnh em trai tôi chết.
Ngày 30 tháng Tư với tôi chưa bao giờ có ý nghĩa thắng hay bại.
Nó chỉ tượng trưng cho những cái chết oan uổng, cho những hy vọng và ước mơ bị dập tan.
Có người muốn tôi ủng hộ hay kết án phe này hay phe kia, Việt hay Mỹ.
Tôi không làm thế. Thay vào đó, tôi vững vàng sống trong một thế giới mà tôi không muốn mang chiến tranh đến với ai, và tôi làm những gì trong khả năng của mình để ngăn ngừa các hành động ác độc xảy đến cho người khác.
Đôi khi vì chúng ta đã từng làm nhân chứng cho cái chết, chúng ta trở nên sáng suốt hơn về cuộc sống. Tôi nghĩ điều đó đúng với tôi, và đã được lập lại nhiều lần.
Chúng ta nên vận động cho mọi người trên thế giới này đạt được một mục đích chung - sống một cuộc đời có ý nghĩa. Những gì còn lại chẳng có giá trị bao nhiêu, kể cả tiền bạc, quyền lực và danh vọng.
Bài viết của tác giả Nguyễn Uyên (viết bằng tiếng Anh) đã đăng trên báo Viet Tide, và được Đỗ Nguyên Thắng chuyển ngữ. Bài được đăng trên BBC Tiếng Việt với sự đồng ý của tác giả và người dịch.
Nhận xét
Đăng nhận xét