Tin khắp nơi – 27/04/2017
QH Hoa Kỳ chất vấn chính phủ
về giải pháp đối phó Bắc Triều Tiên
Các nhà lập pháp ở Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ đã được báo cáo các thông tin mật trong hai cuộc họp bất thường do chính quyền Tổng thống Donald Trump tổ chức hôm thứ Tư 26/4.
Các nghị sĩ dự họp đã có dịp hỏi nhóm an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc để hiểu rõ hơn về “những phương án còn quá rộng để loại bỏ mối đe dọa” Bắc Triều Tiên, mà một quan chức cấp cao mô tả là “rất nghiêm trọng”, do sự tàn bạo và không thể dự đoán được của chính quyền Kim Jong Un.
Tất cả 100 thượng nghị sĩ chiều hôm thứ Tư đã có mặt tại hội trường của Văn phòng Hành pháp, liền kề với Tòa Bạch Ốc, để nghe báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats và Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Joseph Dunford.
Tổng thống Donald Trump cũng đã tham dự cuộc họp một lúc, và ông gọi đó là một sự kiện “rất quan trọng”.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chris Coons của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nói với các phóng viên sau cuộc họp:
“Đó là một cuộc họp nghiêm túc, nêu rõ ý kiến và phương án chọn lựa quân sự, nếu được yêu cầu, cũng như chiến lược ngoại giao mà theo tôi là rõ ràng và tương ứng với mối đe dọa này”.
Sau đó các quan chức trong chính quyền Trump cũng đã đến điện Capitol để thực hiện một cuộc họp tương tự trước tất cả 431 dân biểu ở Hạ viện. Một tuyên bố chung giữa ông Tillerson và ông Coats nói rằng: “Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta” nếu chiến lược ngoại giao không chặn được Bắc Triều Tiên theo đuổi việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Lãnh đạo khối đa số Thượng viện thuộc đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell nói rằng chế độ Bắc Triều Tiên khó đoán đã thôi thúc ông yêu cầu tổng thống cung cấp thông tin đầy đủ cho Thượng viện.
Ông McConnell nói tại Thượng viện: “Tổng thống đã nói rõ rằng một nước Bắc Triều Tiên có tên lửa hạt nhân, một khả năng mà họ chưa thử nghiệm, là điều không thể chấp nhận đối với chúng ta, và nó đe doạ an ninh quốc gia của chúng ta.”
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, đưa ra những nhận xét tương tự. Ông nói Bắc Triều Tiên có khả năng hạt nhân là một mối đe dọa.
Ông McCain nói với ban tiếng Serbia của đài VOA: “ở một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ tình hình cũng nguy hiểm như cuộc khủng hoảng tên lửa của Cuba. Nhưng cũng có một khía cạnh khác của vấn đề này, đó là Trung Quốc có thể kìm chế Bắc Triều Tiên. Nói cách khác, đây không chỉ là vấn đề đối đầu giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên mà Trung Quốc có thể kiểm soát – kiểm soát kinh tế của Bắc Triều Tiên. Tổng thống Trump đã thiết lập một mối quan hệ với nhà lãnh đạo Trung Quốc, và do đó, ít nhất có thể biết rằng đó có sự lựa chọn đó.”
Chiều Thứ Tư, Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mattis đã báo cáo cho Hạ viện các thông tin trong cuộc họp kéo dài hơn một giờ.
Ông Ed Royce, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện, một dân biểu Cộng hòa đại diện bang California, nói với các phóng viên sau đó rằng: “Chúng ta phải phối hợp hành động.”
Ông Royce cho biết ủy ban của ông trong các tuần tiếp theo sẽ thảo luận các lựa chọn, bao gồm cả sự cần thiết phải trừng phạt tài chính Bắc Triều Tiên.
Ông Adam Schiff, người đứng đầu đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói: “Nếu có con đường ngoại giao, con đường đó sẽ thông qua ngõ Trung Quốc. Chúng ta cần phải gây ấn tượng với Trung Quốc rằng chúng ta cần phải có những bước đi để tự bảo vệ mình và các đồng minh của chúng ta trong trường hợp không có hành động mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc để kiềm chế nước láng giềng.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói hôm thứ Năm rằng Trung Quốc muốn làm việc với tất cả các bên liên quan, kể cả Hoa Kỳ, để đưa ra một giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Trung Quốc đã áp dụng một cách nhất quán các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Bắc Triều Tiên, và Trung Quốc đã thực hiện nghĩa vụ quốc tế và không phải do áp lực từ một quốc gia khác.
Ông Schiff cho biết các cuộc họp của chính quyền Trump là triệt để và thỏa đáng trong việc trả lời các câu hỏi từ các thành viên của Quốc hội. Nhưng ông đã yêu cầu một cách tiếp cận thận trọng từ Tòa Bạch Ốc trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
Ông Schiff nói: “Tôi khuyên chính quyền nên thận trọng trong các tính toán để tránh mọi sai lầm – chúng tôi đang đối phó với chế độ thất thường, một nhà lãnh đạo trẻ, thiếu kinh nghiệm, người đã giết hại các thành viên trong gia đình. Tôi nghĩ cách tiếp cận tốt nhất là chính quyền cần gây áp lực ngoại giao tối đa với Trung Quốc cũng như với Bắc Triều Tiên, mặt khác thì vẫn nên hành động từ từ, nhẹ nhàng và mang theo một cây gậy lớn.”
Dân biểu Mac Thornberry của đảng Cộng hòa, đại diện bang Texas nói: “Các các quan chức chủ chốt trong chính quyền cho thấy có sự tự tin lớn. Họ biết họ đang nói gì, có phối hợp và đã thực hiện một công việc tuyệt vời.”
Dân biểu Thornberry, người đứng đầu Uỷ ban Quân vụ Hạ viện cho biết cuộc họp báo cho thấy Quốc hội có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho quân đội Mỹ.
Ông Thornberry nói thêm: “Một phần quan trọng của việc này là phải có biện pháp ngăn chặn bằng quân sự đáng tin cậy. Chúng tôi có thể thực hiện phần việc của chúng tôi trong Quốc hội bằng cách đảm bảo rằng quân đội sẽ được cấp ngân sách thích hợp trong năm tới và được cấp đủ ngân sách trong thời gian còn lại của năm nay. Vì vậy, tất cả những điều này sẽ có tác dụng. Quan trọng là phải tăng áp lực về mặt kinh tế, ngoại giao, nhưng cũng cần phải có một biện pháp ngăn chặn quân sự đáng tin cậy mới đạt được kết quả.”
TT Trump có thể sẽ thỏa thuận lại NAFTA
Tổng thống Donald Trump nói rằng các mối quan hệ giữa Mỹ với Mexico và Canada là tốt và “rất có thể” ba nước có thể đạt được một thỏa thuận mới để điều chỉnh Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), một hiệp định được ký cách đây 23 năm.
Hôm thứ Năm, ông Trump cho biết trên Twitter rằng Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto và Thủ tướng Canada Justin Trudeau trước đó một ngày đã điện thoại yêu cầu ông đàm phán lại thay vì hủy bỏ hiệp định này. Ông Trung đã cân nhắc và đồng ý với yêu cầu này.
Nhưng Tổng thống Trump nói: “Nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận công bằng cho tất cả các bên, chúng ta sẽ chấm dứt hiệp định NAFTA.”
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump thường xuyên tấn công NAFTA, gọi đó là “thảm hoạ” và nói rằng hiệp định này đã khiến cho công nhân Mỹ ở thế bất lợi, đặc biệt khi các công ty Mỹ di chuyển các hoạt động sang Mexico để trả tiền nhân công rẻ hơn.
Ông Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong đó có 12 quốc gia tham gia, một hiệp định do người tiền nhiệm Barack Obama thương lượng, mặc dù chưa được Quốc hội thông qua.
Trước khi ông Trump đưa ra những nhận xét của mình, Tòa Bạch Ốc cho biết ba nhà lãnh đạo “đã đồng ý sẽ khẩn trương tiến hành, theo các thủ tục nội bộ, để thương lượng lại thỏa thuận NAFTA vì lợi ích của cả ba nước.”
Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cho biết thêm rằng ông Trump rất vinh dự được làm việc với ông Peña Nieto và ông Trudeau và ông tin rằng quá trình đàm phán sẽ làm cho ba quốc gia mạnh hơn.
Một tuyên bố của chính phủ Mexico đã xác nhận cuộc điện thoại giữa ông Trump và ông Peña Nieto, nói rằng các nhà lãnh đạo đã đồng ý việc duy trì NAFTA và làm việc với Canada để tiến hành thành công các cuộc đàm phán.
Hôm thứ Tư, một phát ngôn viên Bộ ngoại giao Canada cho biết Canada đã “sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào.”
Trump – 100 Ngày Đầu: Phe Dân chủ dốc sức chống
Tổng thống Donald Trump đánh dấu 100 ngày đầu nhiệm kỳ vào thứ Bảy 29/4 này giữa lúc những tranh cãi đang nổi lên mạnh về việc liệu ông đã thực hiện những gì hứa hẹn trong quá trình tranh cử hay chưa. Dấu mốc 100 ngày để đo mức độ thành công của các tổng thống được áp dụng từ khi Tổng thống Franklin Roosevelt nhậm chức vào đúng cao điểm của cuộc Đại suy thoái kinh tế năm 1933 và ông đã thực thi một loạt biện pháp để khắc phục ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng. Dấu mốc 100 ngày cũng là thời điểm để Ðảng Dân chủ đối lập đánh giá chiến lược tiếp cận của họ với tân tổng thống.
Các đảng viên Dân chủ tập trung sức mạnh tại các diễn đàn cử tri trong các cuộc vận động bầu cử Quốc hội. Họ tăng áp lực lên các đảng viên Cộng hòa – chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Jeff Flake của bang Arizona – về sự ủng hộ của họ đối với Tổng thống Trump.
Ông Flake nói: “Có những điều tôi nhất trí với ông Trump, và có những điều tôi không đồng ý với ông Trump.”
Những người theo Ðảng Dân chủ cũng tham gia các cuộc biểu tình mới đây phản đối việc Tổng thống Trump không chịu công bố bản khai thuế thu nhập. Phe Dân chủ đang tập trung vào cuộc bầu cử Quốc hội đặc biệt ở bang Georgia vào tháng 6 mà nhiều người xem đó như là một cuộc trắc nghiệm về mức độ công chúng ủng hộ ông Trump.
Cựu ứng cử viên tổng thống Bernie Sanders thuộc số những người tìm cách gầy dựng uy lực mới tìm được cho đảng qua chuyến vận động toàn quốc.
Thượng nghị sĩ Sanders: “Đó là việc tái thiết Ðảng Dân chủ và biến nó thành đảng của toàn dân, đảng của mọi người thuộc tất cả các thành phần.”
Mặc dù phe Dân chủ ra sức trui rèn vũ khí để chống ông Trump, Tổng thống Trump có thể sẽ vẫn phải mưu tìm sự hỗ trợ của họ tại Quốc hội để tránh một cuộc khủng hoảng ngân sách đang đe dọa bùng ra.
Tổng thống Trump nói: “Về việc giữa cho chính phủ hoạt động, theo tôi, tôi muốn giữa cho chính phủ tiếp tục hoạt động. Chắc quý vị đồng ý chứ?”
Phe Dân chủ đẩy mạnh chống đối có thể khiến cho các hy vọng của Tổng thống Trump khó đạt được.
Bà Sarah Binder, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Brookings, nhận định: “Theo tôi, phe Dân chủ đã rút được kinh nghiệm từ bài học hợp tác. Trừ phi bạn thực sự cần chính sách hợp tác đó, bằng không nó sẽ không giúp thu phục được cử tri cho đảng. Do đó phe Dân chủ sẽ bị nhiều áp lực chính trị trong trong việc hợp tác, và tôi đoán là sẽ không có sự hợp tác đáng kể nào.”
Ông Trump cũng gặp phải những chia rẽ tiếp tục diễn ra ngay trong nội bộ Ðảng Cộng hòa về luật chăm sóc sức khỏe và các vấn đề khác.
Chuyên gia William Galston của Viện nghiên cứu Brookings nhận định: “Trong cương vị tổng thống, bạn cần phải có chiến lược đoàn kết với bè bạn, và khiến kẻ thù chia rẽ. Cho đến giờ, tổng thống làm ngược lại hoàn toàn. Ông ấy không dự tính như vậy, nhưng ông ấy đã làm như vậy.”
Giáo sư Jeremy Mayer của đại học George Mason nói với VOA qua Skype rằng đẩy mạnh tối đa chống đối ông Trump của cũng có những rủi ro: “Triệt để chống đối bằng mọi cách có thể không phải là chiến lược tổng thể đúng của Ðảng Dân chủ ngay vào lúc này. Luôn có một ai đó hết sức mong muốn thực hiện một điều gì đó sẽ sẵn sàng thương lượng với đảng bên kia để tìm ra một một giải pháp dung hòa.”
Phe Dân chủ đẩy mạnh chống đối ông Trump kết hợp với những cú vấp chính trị của ông Trump dường như là cơ hội thật hiếm có để Ðảng Dân chủ xây dựng lại hình ảnh của mình sau thất bại thảm hại của bà Hillary Clinton hồi năm ngoái.
TQ tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên, dù còn hạn chế
Một trong những thông điệp quan trọng được đưa ra trong cuộc họp của Tổng thống Donald Trump với các nhà lập pháp Mỹ về Bắc Triều Tiên là tái khẳng định việc cần thiết phải sử dụng các biện pháp trừng phạt và ngoại giao để tăng áp lực buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.
Các nhà phân tích cho biết trong khi triển vọng nối lại đàm phán vẫn còn ảm đạm, hỗ trợ của Trung Quốc trong nỗ lực này là rất quan trọng. Việc Bắc Kinh sẵn sàng ra tay và hỗ trợ đến mức nào vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Các nhà phân tích ở Trung Quốc nói rằng chính phủ đã làm tất cả những gì có thể để kiểm soát Bắc Triều Tiên. Đầu năm nay Trung Quốc đã cắt giảm nhập khẩu than đá từ Bắc Triều Tiên và đã thắt chặt nguồn tài chính vào nước này.
Ông Lu Chao, một học giả Bắc Triều tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc cho biết tất cả các ngân hàng Trung Quốc đã ngừng giao dịch với các ngân hàng Bắc Triều Tiên.
Trong tuần qua, giá nhiên liệu đã tăng lên ở Bắc Triều Tiên và một số người nghi ngờ rằng Bắc Kinh đứng đằng sau việc tăng giá này.
Hiện vẫn chưa rõ điều gì gây tăng giá đột biến. Một số nhà phân tích nói rằng Bắc Triều Tiên có thể đang dự trữ xăng vì sợ rằng nhập khẩu xăng dầu có thể sắp bị cấm. Một số khác nói rằng khi căng thẳng gia tăng, nhiên liệu được ưu tiên dành cho quân đội.
Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc có thể không đơn phương áp dụng lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, các hạn chế về năng lượng chặt chẽ hơn, bao gồm các lệnh cấm bán xăng dầu và năng lượng khác cho Bình Nhưỡng sẽ sớm được đưa ra nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục vi phạm các nghị quyết của LHQ.
Hàn Quốc: THAAD sắp hoạt động, bất chấp chống đối
Các ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Hàn Quốc chỉ trích việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Hoa Kỳ khi còn chưa đầy hai tuần nữa là đến ngày bầu cử.
Sáng thứ Tư, một đoàn xe quân sự với khoảng 20 xe tải và xe thùng vận chuyển các bộ phận hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD tới vị trí triển khai tại địa điểm trước đó được dự trù làm sân gôn do công ty Lotte sở hữu ở quận nông thôn Seongju, miền đông nam Hàn Quốc. Đây là các bộ phận chính để vận hành hệ thống THAAD, gồm các bệ phóng di chuyển trên đường, tên lửa đánh chặn với công nghệ tầm nhiệt có độ chính xác cao, và một hệ thống radar cực mạnh để phát hiện lửa của đối phương.
Hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói rằng THAAD đang được triển khai sớm hơn kế hoạch để đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Ông Moon Sang-kyun, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng cho biết: “Dựa trên sự hiểu biết chung giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ và về tình hình an ninh nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên, cần thiết phải đẩy nhanh khả năng hoạt động tức thời của hệ thống THAAD.
Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ (PACOM), phát biểu trước một cuộc điều trần tại Quốc hội Washington hôm thứ Tư rằng hệ thống THAAD sẽ hoạt động “trong vài ngày tới”.
Nghị Sĩ Mỹ: Trump chưa có giải pháp rõ ràng về Bắc Hàn
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cho hay các thông tin về Bắc Triều Tiên do chính quyền Tổng thống Trump trình bày tại cuộc họp hôm thứ Tư vẫn chưa đưa ra một chiến lược vững chắc như họ mong muốn để đối phó với những gì được mô tả là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia.
Trước tình trạng bết tắt về việc Bắc Tiều Tiên leo thang phát triển vũ khí hạt nhận và tên lửa đạn đạo tầm xa, Tổng thống Donald Trump đã mời tất cả 100 nghị sĩ ở Thượng viện đến họp bất thường tại toà Bạch Ốc, cùng với Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats, và Tướng Thủy quân Lục chiến Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Trưởng Liên quân.
Thông thường các quan chức chính quyền hay đến Điện Capitol để truyền đạt thông tin cho các nhà lập pháp về các vấn đề an ninh quốc gia, lần này thì toàn bộ Thượng viện đi xe buýt tới toà Bạch Ốc.
Sau đó, theo Reuters, Phó Tổng thống Mike Pence và bốn quan chức đã đến Quốc hội để báo cáo thông tin về cuộc họp cho Hạ viện. Cuộc họp mật đã diễn ra tại một hội trường ở điện Capitol.
Các cuộc họp này diễn ra khi Tổng thống Trump cố gắng giữ uy thế trong 100 ngày đầu tiên từ khi lên nhậm chức. Ông đã ký các sắc lệnh hành pháp bãi bỏ các chính sách của đảng Dân chủ nhưng tính đến này được cho là chưa đạt được bất kỳ thành tựu lập pháp quan trọng nào.
Một số đảng viên Dân chủ chỉ trích cuộc họp của các nghị sĩ Thượng viện tại Tòa Bạch Ốc chẳng có gì quan trọng hơn là một dịp để chụp ảnh.
Trong khi đó, một số đảng viên Cộng hòa tham gia nhiệt tình hơn.
Nguồn: Reuters
Trump được ủng hộ về vấn đề Bắc Triều Tiên
Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Rex Tillerson, và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đều công du châu Á trong 100 ngày đầu làm Tổng thống của ông Donald Trump, nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng Hoa Kỳ còn thiếu chiến lược rõ ràng và nhất quán về châu Á.
Tất cả 100 Thượng nghị sĩ được mời tham dự một buổi thuyết trình về Bắc Triều Tiên tại Tòa Bạch Ốc ngày 25 tháng 4. Một buổi thuyết trình tương tự cho 453 dân biểu Hạ viện cũng được dự kiến.
Vấn đề Bắc Triều Tiên bao trùm cuộc thảo luận giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Trump trước đây trong tháng.
Tuy nhiên, dù nhiều lần đe dọa dùng vũ lực và nỗ lực buộc Trung Quốc có những hành động chống Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ chưa xác định được một chiến lược rõ ràng về Bắc Triều Tiên và về các nước khác tại châu Á.
Một bài báo mới đây trên tờ Washington Post trích lời các giới chức cao cấp Nhật Bản thúc đẩy Tòa Bạch Ốc không những chỉ có một chính sách rõ ràng và ngắn hạn đối với Bắc Triều Tiên, mà còn phải có một chính sách dài hạn đối với Trung Quốc. Hành động của Bắc Kinh lấn chiếm Biển Đông bị ông Trump chỉ trích và gây căng thẳng với các nước láng giềng trong vùng.
Tuy nhiên, trong khi chính quyền ông Trump có thể thắng trong cuộc chiến buộc Trung Quốc hành động chống Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ có thể thua trong cuộc chiến rộng lớn về ảnh hưởng trong vùng Thái Bình Dương.
Dù ông Trump có tham vọng lớn muốn điều chỉnh mối quan hệ Mỹ-Á, nhưng theo bà Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, chưa nghe đến bất cứ sự duyệt xét về chính sách nào từ chính quyền Trump.
(Nguồn: Business Insider)
Cựu cố vấn an ninh của ông Trump có thể đã vi phạm luật
Hai nhà lập pháp quan trọng của Hoa Kỳ nói cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump dường như đã vi phạm luật liên bang khi không tiết lộ chính xác các khoản thanh toán mà ông nhận được từ các chính phủ nước ngoài cho các hoạt động công cộng.
Ông Jason Chaffetz, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, và ông Elijah Cummings, thành viên kỳ cựu của đảng Dân chủ trong ủy ban, nói hôm thứ Ba rằng tướng Michael Flynn lẽ ra phải được cho phép mới được phát biểu nhận thù lao tại một buổi tiệc hồi năm 2015 do đài truyền hình RT chủ trì. Đài này nhận ngân quỹ của Nga. Khi đó, ông ngồi cùng bàn với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Flynn nhận được 45.000 đôla cho sự hiện diện của ông, và hơn 500.000 đôla để vận động thay mặt chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Dân biểu Chaffetz nói: “Với tư cách là cựu sĩ quan quân đội, một người không thể nhận tiền từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hay bất cứ ai khác một cách đơn thuần, và dường như ông ấy đã nhận số tiền đó. Điều đó không phù hợp, và có những hậu quả cho sự vi phạm luật pháp”.
Hai ông Chaffetz và Cummings đã đưa ra lời cáo buộc đối với ông Flynn sau khi Tòa Bạch Ốc từ chối yêu cầu của ủy ban về các tài liệu liên quan đến việc ông tiếp xúc với người nước ngoài.
Thư ký báo chí Sean Spicer đã nói giảm nhẹ về những cáo buộc là Tòa Bạch Ốc đã từ chối yêu cầu, và ông nói rằng ủy ban đã nhận được tất cả các tài liệu cần thiết từ các cơ quan khác.
Ông Spicer nói: “Yêu cầu Tòa Bạch Ốc đưa ra những tài liệu không thuộc sở hữu của Tòa Bạch Ốc thì thật nực cười”.
Ông Flynn bị buộc phải rời khỏi Tòa Bạch Ốc sau khi nói dối với Phó Tổng thống Mike Pence về các cuộc đối thoại của ông với Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ Sergey Kislyak trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi ông Trump nhậm chức.
Trung Quốc đề nghị hòa giải vấn đề Rohingya
Trung Quốc ngày 25/4 đề nghị giúp giải quyết tranh chấp ngoại giao giữa Bangladesh và Myanmar về số phận người thiểu số Rohingya, theo tin từ hai giới chức Bộ Ngoại giao Bangladesh.
Khoảng 69.000 người Rohingya di tản sang Bangladesh để tránh bạo động tại Myanmar, nước có đa số người dân theo Phật Giáo, kể từ tháng 10 năm ngoái gây nên căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước láng giềng xem nhóm người thiểu số Hồi Giáo không quốc gia này không phải là vấn đề của nước mình.
Đặc sứ Trung Quốc, Sun Guoxiang, bắt đầu chuyến viếng thăm Bangladesh 4 ngày, đã hối thúc Dhaka giải quyết song phương những tranh chấp với Myanmar, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng giúp giải quyết vấn đề, một viên chức Bộ Ngoại giao tại Dhaka nói với Reuters.
Nguồn tin này cho biết ông Sun đưa ra đề nghị này trong một phiên họp với Ngoại trưởng Bangladesh, Shahidul Haque.
Một viên chức khác tại Bộ Ngoại giao Bangladesh xác nhận tin này nhưng cũng yêu cầu dấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với cả Myanmar lẫn Bangladesh, giúp phát triển hạ tầng cơ sở tại hai nước. Quan hệ với Myanmar trở nên nồng ấm hơn kể từ khi Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về ống dẫn dầu giữa hai nước láng giềng sau gần một thập niên thương thuyết.
Bắc Kinh có sự hiện diện đông đảo tại Bangladesh, xây dựng đường sá, nhà máy điện và cung cấp các trang bị quân sự.
Trong những cuộc thảo luận ngày thứ Ba 25 tháng 4, Bộ trưởng Ngoại giao Haque nói với Đặc sứ Trung Quốc rằng Bangladesh hoan nghênh những nỗ lực của Trung Quốc giải quyết những vấn đề với Myanmar phát sinh từ làn sóng người Rohingya chạy sang Bangladesh.
Dhaka đề nghị ông Sun đến Cox’s Bazar gần biên giới Myanmar để thấy sự thống khổ của hàng chục ngàn người sống tại các trại ở đây. Đại sứ Trung Quốc tại Bangladesh, Ma Mingqiang, đã thăm viếng trại của người Rohingya tại đây vào tháng 3 năm nay.
Myanmar ngày càng bị thế giới chỉ trích về bạo động bùng phát chống lại người Rohingya. Chính phủ Myanmar thú nhận là một số binh sĩ có thể phạm các tội hình sự nhưng đã bác bỏ cáo buộc là đàn áp những người sắc tộc.
Trung Quốc-EU bàn chuyện lập căn cứ trên mặt trăng
Đại diện Trung Quốc và Cơ quan Không gian châu Âu đang thảo luận về khả năng hợp tác để đặt một căn cứ có người trên mặt trăng và những nỗ lực chung khác.
Tổng thư ký cơ quan không gian Trung Quốc, Tian Yulong, lần đầu tiết lộ về các cuộc thảo luận liên quan đến việc đặt một căn cứ trên mặt trăng với truyền thông Trung Quốc. Tin này đã được ông Pal Hvistendahl, một phát ngôn viên của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) xác nhận vào ngày thứ Tư 26 tháng 4.
Ông Johann-Dietrich Woerner, Tổng thư ký của ESA gồm 22 thành viên, mô tả đề nghị về “Làng Nguyệt” như một bệ phóng quốc tế cho các cuộc thám hiểm Sao Hỏa trong tương lai và là một cơ hội để phát triển du lịch không gian hay thậm chí là khai mỏ trên mặt trăng.
Trung Quốc tương đối chậm chân trong lĩnh vực du hành không gian nhưng đang gia tăng các chương trình kể từ chuyến bay có người lái vào không gian năm 2003, hơn 42 năm sau khi một phi hành gia Xô Viết trở thành người đầu tiên bay vào quỹ đạo trái đất.
Tuần trước, Cơ quan Quản trị Không gian Quốc gia Trung Quốc phóng một tàu không gian không người lái nhằm ráp nối với một trạm không gian không người. Trung Quốc có kế hoạch khởi sự sứ mạng thu thập mẫu vật phẩm trên mặt trăng vào cuối năm nay và sang năm sẽ tiến hành sứ mạng đầu tiên lên phía bên kia của mặt trăng để mang về các mẫu khoáng sản.
ESA hy vọng sẽ tiến hành phân tích các mẫu do phi thuyền Trung Quốc có tên là Chang’e 5 mang về trong năm nay. ESA cũng kỳ vọng sẽ đưa người lên trạm không gian Trung Quốc trong tương lai, ông Hvistendahl nói. Cả hai triển vọng này chưa được chung quyết.
Trung Quốc bị ‘cấm cửa’ trên Trạm Không gian Quốc tế, chủ yếu vì một đạo luật của Mỹ và vì các quan ngại rằng chương trình không gian của Trung Quốc có liên hệ chặt chẽ với quân sự.
Mỹ tấn công quân sự Bắc Hàn sẽ đẩy Seoul vào thế nguy hiểm
Bắc Triều Tiên sẽ nã hàng ngàn quả đại pháo vào Seoul, hàng trăm tấn chất nổ đánh vào thủ đô có 25 triệu cư dân của Nam Triều Tiên, tên lửa sẽ bắn đến Nhật Bản và tận đảo Guam của Mỹ sẽ là một số những hậu quả mà các nhà hoạch định kế hoạch quân sự của Mỹ và Nam Triều Tiên phải cân nhắc khi tính đến một cuộc tấn công phủ đầu để ngăn chặn đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump nhiều lập lại cảnh cáo rằng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” với Bắc Triều Tiên của Tổng thống Obama đã chấm dứt, và gợi ý có thể sử dụng đến biện pháp quân sự để ngăn chặn Bắc Hàn phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân (ICMB) có thể bắn tới đại lục Hoa Kỳ.
Thêm vào việc giương oai diễu võ cùng với lời cảnh cáo đó, Mỹ vừa điều một tàu ngầm, loại có thể trang bị 150 tên lửa điều hướng Tomahawk, đến một hải cảng của Nam Triều Tiên hôm thứ Ba 25/4. Hạm đội do hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn đầu của Mỹ cũng đang trên đường hướng đến khu vực và sẽ tiến hành các cuộc thao diễn hải quân chung với Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ trong tuần này đã đưa các bộ phận của hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD đến địa điểm triển khai cách thủ đô Seoul khoảng 250 kilômét về hướng nam.
Sẽ chìm trong khói lửa
Nhưng các nhà phân tích nói rằng một cuộc tấn công quân sự thật sự của Mỹ sẽ có rủi ro rất cao. Một cuộc tấn công chính xác của Mỹ nhắm vào một hay nhiều địa điểm hạt nhân và tên lửa đạn đạo chắc chắn không đủ để phá hủy toàn bộ hoặc phần lớn kho vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bắc Hàn, nước mà các báo cáo nói rằng có vô số địa điểm quân sự kiên cố dưới lòng đất ở khắp nơi.
Nhưng một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ hầu như chắc chắc sẽ khơi mào cho một cuộc trả đũa ngay tức khắc của Bắc Triều Tiên nhắm vào Nam Triều Tiên.Ông John Schilling, chuyên gia về công nghệ hỏa tiễn đang làm việc với trang web tên 38 North chuyên quan sát Bắc Triều Tiên thuộc khoa Nghiên cứu quốc tế cấp cao của Đại học Johns Hopkins (SAIS) ở Washington, nhận định:
“Bắc Hàn có thể nã đại pháo vào Seoul hoặc những nơi khác dọc theo khu phi quân sự (DMZ.) Có thể có những cuộc hành quân bí mật, nhưng phải có thêm nhiều mức độ leo thang xung đột nữa trước khi Bình Nhưỡng dùng đến vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa học.”
Bắc Triều Tiên có hơn 21.000 khẩu đại bác, phần lớn được triển khai dọc theo biên giới liên Triều, để có thể luôn sẵn sàng đe dọa tính mạng của 25 triệu cư dân Seoul, thủ đô của Nam Hàn chỉ cách biên giới liên Triều 56 kilômét.
Một bản đánh giá về khả năng quân sự Bắc Triều Tiên do tổ chức phân tích tình báo Strafor ở Texas thực hiện ghi nhận rằng pháo binh Bắc Hàn có các thệ thống phóng nhiều rocket 300 millimet cùng lúc có thể “tưới lửa đạn” lên Seoul và các vùng phụ cận. Bản phân tích của Strafor nói rằng “một đợt phóng rocket” có thể bắn hơn 350 tấn chất nổ bao phủ khắp thủ đô của Nam Hàn, tương đương với khối lượng bom đạn của khoảng 11 máy bay ném bom B-52 cùng lúc thả xuống.
Tên lửa hạt nhân
Bắc Triều Tiên có hơn một ngàn tên lửa đạn đạo có thể bắn đến bất cứ nơi nào ở Nam Hàn, Nhật Bản và có thể bắn đến tận các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam.
Mặc dù Bắc Triều Tiên chưa cho thấy khả năng có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa, các giới chức Mỹ và Nam Hàn tin là Bình Nhưỡng có một tên lửa hạt nhân Nodong có thể mang theo đầu đạn nặng một tấn đi xa đến 2 ngàn kilômét, đủ để bắn đến bất cứ nơi nào ở Nam Hàn, một số phần của Nhật Bản, Nga và Trung Quốc.
Ông Joel Wit, đồng sáng lập trang web 38 North và là chuyên gia kỳ cựu của Viện nghiên cứu Mỹ-Triều Tiên của SAIS, nhận định:
“Theo tôi thì đa số mọi người nay tin rằng Bắc Hàn có thể gắn một đầu đạn vào tên lửa bắn đến các mục tiêu ở Đông bắc Á. Nhưng đền khi nào thì Bình Nhưỡng mới có được một phi đạn tầm xa hơn mà họ cần, chẳng hạn như để bắn đến Hoa Kỳ, thì tôi không chắc.”
Ngoài 10 cho đến 20 đầu đạn hạt nhân mà Bắc Triều Tiên được cho là đang có trong tay, các tên lửa của Bình Nhưỡng còn có thể mang vũ khí hóa học bị tình nghi đã đang có sẵn trong kho vũ khí hơi độc của nước này.
Nodong là tên lửa một tầng dùng nhiêu liệu lỏng được sản xuất dựa theo phiên bản tên lửa scud của Liên Xô cũ. Trong một số vụ thử mới đây nhất, Bắc Hàn đã thử nghiệm các tên lửa nhiêu liệu rắn Musudan có tầm bắn tối đa ước tính khoảng 3.000 kilômét, có khả năng bắn đến các mục tiêu ở Nhật Bản và thậm chí đến các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam. Các nhà phân tích nói rằng nếu để cho Bắc Hàn tiếp tục phát triển vũ khí mà không có biện pháp nào kiềm chế thì Bình Nhưỡng đang trên đường tiến đến tên lửa đạn đạo liên lục địa trước năm 2020, để có thế bắn đến đại lục Hoa Kỳ. Bắc Triều Tiên cũng đang phát triển tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo.
Lực lượng quân sự Mỹ với hơn 28.000 binh sĩ đang trú đóng tại Nhật Bản và 50.00 binh sĩ ở Nam Triều Tiên cũng có thể là những mục tiêu tấn công trả đũa của Bắc Triều Tiên.
Các nhà phân tích nói bất cứ một cuộc tấn công trả đũa nào của Bắc Triều Tiên cũng sẽ dẫn đến một phản ứng tức thời từ Mỹ, Nam Triều Tiên và Nhật Bản và sẽ dẫn đến tình trạng leo thang xung đột, kéo theo Trung Quốc, và dẫn đến một cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ hai.
Syria: Israel gây ra vụ nổ lớn gần sân bay Damascus
Một vụ nổ lớn xảy ra gần sân bay quốc tế Damascus, Syria sáng sớm hôm thứ Năm, gây ra hỏa hoạn và hiện đang có nhiều nghi vấn về nguyên nhân của vụ việc.
Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh, chuyên giám sát cuộc xung đột ở Syria, cho biết vụ nổ không xảy ra ngay trong sân bay, nhưng là một vụ nổ rất lớn đến nỗi cách tâm trung thủ đô Damacus 25 km vẫn nghe được.
Đài truyền hình al-Manar thân Hezbollah của Lebanon cho hay vụ nổ do các cuộc không kích bằng máy bay chiến đấu của Israel gây ra, trong khi truyền thông nhà nước Syria nói Israel đã bắn tên lửa vào khu vực này.
Bộ trưởng Tình báo Israel Yisrael Katz không nói Israel thực thực hiện vụ tấn công, nhưng nói rằng “nó hoàn toàn phù hợp với chính sách như đã tuyên bố của chúng tôi, một chính sách mà chúng tôi cũng thực hiện.”
Trong suốt cuộc chiến Syria bắt đầu vào tháng 3 năm 2011, Israel đã tuyên bố rõ rằng họ sẽ không cho phép việc vận chuyển vũ khí từ Iran đến cho các đơn vị Hezbollah đang chiến đấu ở Syria. Các lực lượng Israel đã nhiều lần sử dụng các cuộc không kích hoặc các cuộc tấn công khác để ngăn chặn những hoạt động này. Quân đội Israel thường xuyên từ chối xác nhận rằng họ thực hiện các cuộc tấn công. Hezbollah và Israel đối đầu với nhau trong cuộc Chiến tranh Lebanon vào năm 2006.
Từ năm 2013 đến nay, các chiến binh Hezbollah công khai chiến đấu tại Syria, ủng hộ cho Tổng thống Bashar al-Assad.
Tổng thống Đài Loan có thể lại điện đàm với tổng thống Mỹ
Một cuộc điện đàm thứ hai với Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump có thể sẽ được thực hiện. Lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn đặc biệt diễn ra ngày 27 tháng tư.
Tin từ Reuters cho biết cuộc điện đàm thứ hai có thể xoay quanh việc kêu gọi đối thủ chính trị đang chiếm chủ quyền các đảo là Trung Quốc phải nỗ lực hơn nữa để giữ hòa bình đúng với vai trò của một quốc gia lớn.
Bà Thái Anh Văn từng gọi điện thoại chúc mừng ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ hồi đầu tháng 12 năm 2016. Điều này đã khiến Trung Quốc nổi giận. Đây là liên lạc đầu tiên giữa một tổng thống hoặc một tổng thống đắc cử Mỹ với một nhà lãnh đạo của Đài Loan sau gần 4 thập niên, phá vỡ nguyên tắc ngoại giao nền tảng giữa Mỹ và Trung Quốc trong mối quan hệ với Đài Loan.
Bắc Hàn kêu gọi sự ủng hộ từ ASEAN
Bắc Hàn kêu gọi sự ủng hộ của các nước Đông Nam Á giữa những căng thẳng với Hoa Kỳ, để ngăn chặn “cuộc tàn sát hạt nhân” như đã từng cảnh báo trước đây.
Đó là nội dung trong bức thư gửi Tổng thư ký của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á- ASEAN của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-Ho. Hãng tin AFP ngày 27/4 cho biết trong bức thư, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-Ho cảnh báo tình hình trên bán đảo Triều Tiên “đang tiến gần bờ vực chiến tranh” vì các hành động của Washington.
Ông kêu gọi người đứng đầu ASEAN thông báo cho các bộ trưởng ngoại giao 10 nước về tình hình nghiêm trọng trên bán đảo và đưa ra một đề xuất phù hợp.
Những căng thẳng giữa hai quốc gia đang leo thang trong mấy tuần gần đây khi Bắc Hàn tiến hành hàng loạt các cuộc thử hỏa tiễn trước những lời chỉ trích gay gắt từ Washington.
Bức thư được gửi đi ngay trước thềm hội nghị ASEAN diễn ra trong tuần này tại Manila.
Bắc Hàn chịu lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn vì Trump
Hoa Kỳ sẽ thắt chặt các lệnh trừng phạt cho Bắc Hàn và có các bước tiến ngoại giao gây áp lực cho nước này dừng các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Chiến lược của Tổng thống Donald Trump được thông báo sau một cuộc họp đặc biệt với tất cả 100 Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ.
Căng thẳng trong khu vực đang leo thang với lo sợ Bắc Hàn đang lên kế hoạch về các cuộc thử vũ khí mới.
“Hoa Kỳ muốn tìm kiếm một sự ổn định và hòa bình phi hạt nhân trong bán đảo Triều Tiên,” theo một tuyên bố chung của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Giám đốc Cơ quan Tình báo Dan Coats.
“Chúng tôi vẫn sẵn lòng thương lượng theo mục tiêu đó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn sẵn sàng bảo vệ chính mình và các đồng minh.”
“Tổng thống muốn gây áp lực lên Bắc Hàn để khiến nước này hủy bỏ các chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và phổ biến hạt nhân bằng cách thắt chặt lệnh trừng phạt kinh tế và theo đuổi các phương sách ngoại giao với đồng minh và đối tác trong khu vực,” bản tuyên bố ghi nhận.
Thượng nghị sĩ Dân Chủ Christopher Coons nói với phóng viên rằng các biện pháp quân sự đã được thảo luận tại buổi họp đặc biệt tại Nhà Trắng.
“Cuộc họp cho thấy có rất nhiều tính toán tỉ mỉ và kế hoạch kĩ lưỡng đã được đề ra để chuẩn bị cho các biện pháp quân sự và một chiến lược ngoại giao thích đáng với lời đe dọa,” ông nói.
Bắc Hàn cũng đang phải đối mặt với lệnh trừng phạt nghiêm khắc từ Liên Hiệp Quốc vì các chương trình vũ khí. Một quan chức Nhà Trắng cho biết một biện pháp đang được cân nhắc là đưa Bắc Hàn vào danh sách các quốc gia ủng hộ khủng bố của bộ ngoại giao.
Người tiền nhiệm ông Trump, ông Barack Obama đã đưa ra các lệnh trừng phạt một năm trước sau khi Bắc Hàn tiến hành thử hạt nhân và phóng vệ tinh.
Trước đó Đô đốc Harry Harris, lãnh đạo Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương nói Hoa Kỳ sẵn sàng “với công nghệ tốt nhất” đánh bại bất cứ đe dọa tên lửa nào.
Đô đốc Harris nói ông tin Bắc Hàn sẽ cố gắng tấn công Hoa Kỳ ngay khi nó đạt được năng lực quân sự.
Trung Quốc nói việc lắp đặt hệ thống Thaad sẽ gây bất ổn an ninh và tại Nam Hàn cũng đã diễn ra một số cuộc biểu tình phản đối khiến ba người bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát khi hệ thống được lắp đặt trên một sân gôn cũ hôm 26/4.
Hoa Kỳ dịu giọng với Bắc Hàn
Trung Quốc hoan nghênh giọng điệu mềm mỏng hơn mà chính phủ Hoa Kỳ mới đưa ra, bao gồm việc sẵn sàng đối thoại để nhằm giải quyết căng thẳng tên lửa và hạt nhân với chính quyền Bắc Hàn.
Trong cuộc họp báo sáng ngày 27 tháng tư ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng những điểm chính phủ Hoa Kỳ mới đưa ra ngày hôm qua mang dấu hiệu tích cực, hy vọng sẽ giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Hàn theo đường hướng hòa bình, thông qua đối thoại và tham vấn.
Phát biểu này được đưa ra sau khi Washington cho phổ biến bản tuyên bố, trong đó viết rằng Hoa Kỳ muốn bán đảo Triều Tiên ổn định và là khu vực phi hạt nhân qua đường hướng hòa bình, sẵn sàng thương lượng để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, bản tuyên bố của chính phủ Mỹ cũng nói rõ rằng Hoa Kỳ luôn chuẩn bị để sẵn sàng bảo vệ nước Mỹ và các nước đồng minh, trước nguy cơ có thể bị Bắc Hàn gây rối.
Tin ghi nhận từ Washington cho thấy chính phủ của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tiếp tục gây sức ép kinh tế và ngoại giao với Bình Nhưỡng, buộc Bắc Hàn phải từ bỏ chương trình chế tạo võ khí hạt nhân.
Hôm 26 tháng tư trong cuộc họp riêng ở Nhà Trắng với các thượng nghị sĩ, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ ông Rex Tillerson, ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis và Giám Đốc Tình Báo quốc gia Dan Coats đều nói Bắc Hàn là hiểm họa cho nền an ninh quốc gia, đồng thời cũng là vấn đề hàng đầu mà Tổng Thống Trump muốn giải quyết.
Nội dung cuộc họp không được tiết lộ, nhưng có tin nói rằng ngày mai 28 tháng tư trong phiên họp đặc biệt của Hội Đồng Bảo An, Hoa Kỳ sẽ yêu cầu thông qua một số biện pháp cấm vận kinh tế với Bắc Hàn, trong đó có đề nghị không cho hãng hàng không của Bắc Hàn bay những đường bay quốc tế, và cấm ngân hàng nước ngoài không được giao dịch với Bình Nhưỡng.
Những điểm này được nói tới với mục đích chận nguồn ngoại tệ của Bắc Hàn.
Phản ứng ghi nhận được Bình Nhưỡng là thái độ cứng rắn thường lệ. Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình CNN, ông Sok Chol Won Giám Dốc Viện Nhân Quyền thuộc Học Viện Khoa Học Xã Hội Bắc Hàn nói rằng ngày nào Hoa Kỳ còn có những hành động khiêu khích, ngày đó Bắc Hàn còn nổ thử nghiệm hạt nhân và phóng thử tên lửa.
Một diễn biến khác cũng cần nói tới là việc chính phủ Hoa Kỳ đặt hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD ở Nam Hàn.
Hôm 26 tháng tư khi ra điều trần trước Hạ Viện Liên Bang Mỹ, Đô Đốc Harry Harris, Tư Lệnh Lực Lượng Quân Sự Mỹ Tại Thái Bình Dương cho hay hệ thống này sẽ bắt đầu hoạt động trong một ngày gần đây, để bảo vệ an ninh cho đồng minh Nam Hàn và bảo vệ cho 28,500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại nước này.
Sáng ngày 27 tháng tư, Trung Quốc lại lên tiếng phản đối, cho rằng việc làm của Hoa Kỳ chỉ tạo thêm bất ổn cho khu vực.
Phát ngôn viên Dương Vũ Quân của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cũng cho hay Bắc Kinh sẽ tiếp tục những cuộc tập trận bắn đạn thật và thử nghiệm những loại võ khí mới để đảm bảo an ninh quốc phòng và góp phần xây dựng ổn định hòa bình trong khu vực.
Pháp : Vẫn xấp xỉ 60% muốn bầu Macron làm tổng thống
Về cuộc tranh cử tổng thống Pháp, theo một thăm dò dư luận hôm qua, 26/04/2017, của OpinionWay-Orpi cho báo Les Echos và đài Radio Classique, 60% cử tri có ý định bầu cho ứng cử viên Emmnuel Macron, lãnh đạo phong trào Tiến Bước ! (En Marche !), và 40% cho Marine Le Pen, lãnh đạo phong trào cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (Front National). Tỉ lệ chênh lệch này không khác nhiều so với các cuộc thăm dò trước đó.
Tuy nhiên, về hoạt động của hai ứng cử viên trong giai đoạn tranh cử vòng hai, theo điều tra của Harris Interactive, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen được 61% người trả lời cho là thành công, trong khi đó 52% người lại chê ứng cử viên về đầu vòng một Emmnuel Macron đã không thành công trong những ngày vận động tranh cử đầu tiên của vòng hai.
43% người được hỏi phê phán cựu bộ trưởng Kinh Tế đã tổ chức ăn mừng chiến thắng sau cuộc bầu cử vòng một, tại nhà hàng La Rotonde, Paris, trong lúc 22% cho rằng ông có lý khi làm điều này.
Macron – Le Pen : Cuộc trạm chán nảy lửa tại Whirlpool
Cuộc tranh cử tổng thống Pháp vòng hai đột ngột nóng lên với cuộc trạm chán bất ngờ đầu tiên giữa hai ứng cử viên chung kết hôm qua, 26/04/2017, tại Whirlpool, một nhà máy sắp bị đóng cửa, ở miền bắc đất nước. Theo các nhà quan sát, cuộc đối đầu cho thấy sự đối lập hoàn toàn giữa cương lĩnh kinh tế của hai ứng cử viên, nhưng nhất là hai phong cách vận động tranh cử hoàn toàn khác biệt.
Để khởi sự trở lại cuộc tranh cử vòng hai, đang bị công chúng chê trách, ứng cử viên Tiến Bước ! có kế hoạch tiếp xúc với các nhân viên nhà máy Whirlpool, của chủ Hoa Kỳ, một xí nghiệp sản xuất đồ điện dân dụng đang có nguy cơ đóng cửa, và dự kiến sẽ chuyển sang Ba Lan vào tháng 6/2018, nhân viên ở đây hết sức phẫn nộ.
Nhà máy nói trên thuộc tỉnh Somme, vùng Hauts-de-France (cực bắc), khu vực được coi là căn cứ địa của lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia Marine Le Pen. Vòng một vừa qua, 30% cử tri tỉnh Somme bầu cho Marine Le Pen.
Kế hoạch vào thăm nhà máy của ông Macron thoạt tiên không được ban lãnh đạo doanh nghiệp chấp thuận. Emmanuel Macron buộc phải khởi sự với cuộc gặp các lãnh đạo công đoàn tại phòng thương mại thành phố Amiens, cách đó vài cây số. Đúng trong lúc ứng cử viên Tiến Bước ! đang họp, đối thủ Mặt Trận Quốc Gia bất ngờ tới thăm các công nhân Whirlpool đang bãi công. Ngoại trừ một kênh truyền hình, báo chí Pháp hoàn toàn không được báo trước về chuyến đi này. Bà Le Pen chỉ lưu lại mặt tại nhà máy trong vòng khoảng 20 phút đồng hồ gặp gỡ công nhân, chụp ảnh kỷ niệm.
Ứng cử viên Emmanuel Macron rốt cục cũng vào được nhà máy vào buổi chiều, nhưng thoạt tiên ông đã được tiếp đón bằng những tràng la ó, chửi rủa, phản đối và khẩu hiệu « Marine (Le Pen), tổng thống ! », cứ như thể một cuộc mít tính của những người ủng hộ Mặt Trận Quốc Gia. Tuy nhiên, theo báo chí Pháp, sau một giờ kiên nhẫn đối thoại với công nhân, được truyền đi trực tiếp qua Facebook, rút cục lãnh đạo Tiến Bước ! đã có thể bày tỏ quan điểm của mình, trong bầu không khí có phần ít căng thẳng hơn lúc đầu.
Bắt tay các công nhân bãi công, ông Macron hứa sẽ trở lại sau bầu cử. « Chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử hơn tuần nữa, vấn đề là chúng ta sẽ làm gì cùng nhau. Những việc cần làm sẽ rất lớn. Thách thức với chúng ta lớn như núi ! », ông kết luận trước khi rời nhà máy (Le Monde).
Báo chí hoan nghênh ”mànkhởi đầu thực sự” cho vòng 2
Báo chí Pháp nhìn chung hoan nghênh cuộc chạm trán đầu tiên giữa hai ứng cử viên. Tờ báo miền bắc La Voix du Nord nhận xét : biến cố tại Amiens đúng là « màn khởi đầu thực sự cho cuộc tranh cử vòng hai ».
Báo Haute-Marne thì bình luận : « Đọ sức không khoan nhượng. Đọ sức đến cùng. Bị tụt lại trong các thăm dò dư luận, Marine Le Pen không có cách nào khác là phải đi nước trước, khiêu khích đối thủ, chọc giận đối thủ ».
Theo giới quan sát, cuộc chạm trán Whiripool làm nổi bật hai tiếp cận hoàn toàn đối nghịch.
Ứng cử viên Le Pen hứa hẹn « quốc hữu hóa tạm thời » xí nghiệp để chống lại việc sa thải, trong khi đó chủ trương của lãnh đạo Tiến Bước ! là gây áp lực với doanh nghiệp để đạt được một « chương trình xã hội » tối ưu, có nghĩa là chủ xí nghiệp chấp nhận tài trợ để nhân viên có điều kiện tìm được việc làm mới.
Đối lại quan điểm đóng cửa biên giới, bảo hộ kinh tế của bà Le Pen, là chủ trương chấp nhận cuộc chơi toàn cầu hóa của Emmanuel Macron.
Macron, Le Pen và châu Âu : Cải tổ để hội nhập hay ‘Frexit’ ?
Chưa bao giờ cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp lại mang tính quyết định cho tương lại của Liên Hiệp Châu Âu như lần này, với hai ứng cử viên vào « vòng chung kết » có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về Liên Hiệp Châu Âu : Một bên là ông Macron, muốn đẩy mạnh cải cách cơ chế để thúc đẩy hội nhập chính trị, kinh tế, tài chính trong Liên Hiệp, còn một bên kia, bà Marine Le Pen, chủ trương Frexit, tức là rút nước Pháp, một trong hai đầu tàu Châu Âu, ra khỏi Liên Hiệp và vùng euro. Ba hôm sau khi cử tri Pháp đã phán quyết ở vòng 1 cuộc bầu cử, các nhà bình luận trên nhật báo Công Giáo Pháp La Croix ngày 26/04/2017 đã có phân tích chi tiết về hồ sơ quan trọng này.
Khác biệt căn bản giữa hai ứng cử viên trên hồ sơ châu Âu được thấy rõ trên bình diện hình ảnh : Lá cờ châu Âu luôn xuất hiện trong các cuộc mít tinh tranh cử của ông Macron, chen lẫn với cờ Pháp, nhưng hoàn toàn vắng bóng trong các cuộc tập hợp của bà Le Pen.
Về tương lai các định chế ; ứng cử viên trung dung chủ trương duy trì nước Pháp trong châu Âu, trong khi ứng viên cực hữu kiên quyết từ chối. Điểm chung duy nhất giữa hai người là cả hai bên đều không muốn giữ nguyên trạng như hiện nay, và đều muốn để cho người dân có tiếng nói quyết định.
Nhìn chung, theo các nhà phân tích, để thực hiện chương trình của mình, bà Marine Le Pen muốn được tự do hành động, không muốn bị các cam kết của Pháp với châu Âu ràng buộc. Sự kiện được gọi là Brexit, tức là Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, là một tấm gương mà bà hoan nghênh và muốn noi theo. Bà muốn đàm phán lại với các nước khác trong Liên Hiệp để đòi lại « chủ quyền tiền tệ, pháp lý, lãnh thổ, kinh tế » cho nước Pháp. Nói cách khác Liên Hiệp Châu Âu sẽ chỉ còn là một cái vỏ rỗng.
Theo bà Le Pen, đề nghị có thể mệnh danh là Frexit đó, sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý. Ứng cử viên này từng tuyên bố : « Nếu thương lượng không thành công thì tôi sẽ nói với người dân Pháp phải rời bỏ Liên Hiệp để xây dựng một châu Âu của các Quốc Gia và các Công Cuộc Hợp Tác ». Bà cho biết sẽ từ chức nếu người Pháp không tán đồng ý kiến của bà.
Về phần mình, ông Emmanuel Macron cũng thấy rõ là dư luận hiện nay không mấy hài lòng với Liên Hiệp Châu Âu, nhưng ông không chủ trương tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mà kết quả quá bấp bênh. Ông đã đề nghị tổ chức những « hội nghị dân chủ » tại 27 quốc gia trong Liên Hiệp vào cuối năm nay. Theo ông Macron, đó sẽ là một loại « hội nghị toàn dân », nối tiếp theo một sáng kiến Pháp-Đức chờ được thực hiện sau cuộc bầu cử Quốc Hội ở Đức vào tháng 9 tới đây. Lộ trình đưa ra sau đó sẽ làm cơ sở cho « một sức bật mới của châu Âu » với những nước tình nguyện…
Emmanuel Macron sẵn sàng chấp nhận một châu Âu phát triển theo nhiều vận tốc khác nhau, một khái niệm mà các nước phía đông Liên Hiệp Châu Âu rất phản đối vì sơ mất quyền lợi. Đối với ông Macron, một châu Âu đa vận tốc đã tồn tại trong thực tế, cụ thể là các thỏa thuận hợp tác tăng cường giữa một nhóm thành viên cụ thể, là khối dùng đồng euro…
Ngày 02/03 vừa qua, khi giới thiệu toàn bộ chương trình hành động của mình, ông Macron khẳng định: « Hãy mạnh dạn gánh vác trách nhiệm về một châu Âu đa vận tốc. Châu Âu đã luôn luôn được xây dựng bằng những khát vọng về châu Âu. Thế nhưng trong 10 năm qua, không thấy có thêm khát vọng châu Âu nào, khiến cho những người yêu châu Âu không dám đề xuất bất cứ điều gì ». Đối với ứng cử viên tổng thống Pháp, « điều tồi tệ nhất chính là chần chừ, không dám tiến lên phía trước để duy trì sự thuần nhất ».
Về đồng tiền chung euro, hai ứng cử viên hoàn toàn đối nghịch nhau
Trong điều cam kết thứ 35 trong cương lĩnh tranh cử của mình, bà Le Pen đã nói thẳng thừng về chủ trương « tái lập đồng tiền quốc gia phù hợp với tình trạng kinh tế…là đòn bẩy cho sức cạnh tranh » để « hỗ trợ cho các doanh nghiệp Pháp » và lấy lại « chủ quyền tiền tệ ». Nói cách khác là vứt bỏ đồng euro, trở lại đồng tiền riêng của Pháp.
Còn ông Macron trái lại đã ủng hộ hết mình đồng tiền duy nhất, cho dù vẫn muốn khắc phục một số điểm yếu trong khâu in tiền và một số lệch lạc trong các quy tắc châu Âu. Ông chủ trương « một châu Âu đóng vai trò phát triển công việc làm và kinh tế » của nước Pháp và đề nghị thành lập « một ngân sách của khu vực đồng euro do nghị viện của khu vực này thông qua ». Nghị viện này bao gồm các nghị sĩ châu Âu của các quốc gia sử dụng đồng euro.
Về không gian tự do đi lại Schengen, tức là việc tiếp tục duy trì biên giới phía ngoài không gian châu Âu hay tái lập biên giới từng quốc gia, trên vấn đề then chốt này, quan điểm hai bên cũng hoàn toàn đối nghịch nhau.
Emmanuel Macron muốn một châu Âu cởi mở, và việc tạm đóng cửa không gian Schengen, theo ông là chỉ nên nhất thời, khi có « tình trạng khẩn cấp » mà thôi. Đối với ông, và điều được ghi rõ trên siteweb tranh cử của ông, việc « tự do đi lại giữa các nước châu Âu là một thực tế với những khoản lợi không thể chối cãi » về mọi mặt.
Trong chuyến thăm Berlin vào tháng Giêng, hai tuần sau vụ tấn công khủng bố tại thủ đô nước Đức, ông Macron đã lên tiếng cảnh báo là không nên co cụm, thậm chí còn chủ trương một « không gian Schengen được tăng cường ». Ông đề nghị tuyển mộ thêm 5000 cảnh sát để canh chừng biên giới châu Âu, hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước, nhất là giữa Paris và Berlin.
Ngược lại thì bà Le Pen cho rằng việc « bỏ dần biên giới » giữa các nước là một « sai lầm chủ yếu » dẫn đến việc « lượng vũ khí lưu hành tăng vọt và giúp cho các phần tử khủng bố Hồi Giáo đi lại một cách cực kỳ dễ dàng trong các nước thuộc không gian Schengen ». Nếu bà được bầu thì bà sẽ thương lượng lại thỏa thuận về Schengen mà đảng Mặt Trận Quốc Gia FN của bà cho là « vi phạm chủ quyền quốc gia ».
Marine Le Pen muốn bỏ đi thỏa thuận này và tái lập lại biên giới Pháp và tuyển dụng thêm 6.000 nhân viên hải quan trong nhiệm kỳ năm năm của bà, nếu bà được bầu.
Vấn đề tự do mậu dịch cũng đối lập bà Le Pen với ông Macron, với câu hỏi đặt ra là có nên ký thỏa thuận thương mại với các nước khác hay chỉ tập trung trên lãnh thổ Pháp ?
Khi đòi tái lập biên giới Pháp, bà Marine Le Pen nêu lên quan điểm « yêu nước » chống « tòan cầu hóa ». Xem tự do mậu dịch là yếu tố làm suy yếu kinh tế Pháp, bà chủ trương từ bỏ các hiệp định tự do mậu dịch và muốn đánh thuế 3% trên hàng nhập, chống lại « sự cạnh tranh bất chính của quốc tế ».
Ngược lại thì ông Macron xem tự do mậu dịch là một cơ may. Tuy nhiên ông cũng tỏ ra cẩn trọng, muốn tăng cường các biện pháp chống phá giá như đối với Trung Quốc hay Ấn Độ trên mặt hàng thép, chẳng hạn. Ông còn đề nghị cử ra một « Chưởng Lý Thương Mại Châu Âu » phụ trách vấn đề giám sát việc thực hiện các hiệp định thương mại, điều cũng sẽ được các « Ủy Ban Cảnh Giác Công Dân » theo dõi.
Nhìn chung, quan điểm châu Âu của ông Macron là duy trì, củng cố Liên Hiệp Châu Âu, duy trì Công Ước Schengen với những biện pháp bảo vệ an ninh : tăng cường cơ chế Frontex nhằm bảo vệ biên giới châu Âu, huy động 5.000 lính gác biên giới, tạo ra một hệ thống tình báo chung cho toàn thể Liên Hiệp, thậm chí « tiến tới việc thành lập một lực lượng cảnh sát chung để chống các tổ chức tội phạm và khủng bố ». Trên mặt tài chính ông còn muốn thiết lập một ngân sách của khu vực đồng euro cùng với một nghị viện và một bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính riêng cho vùng đồng euro, và chủ trương dành thị trường công cộng châu Âu cho các doanh nghiệp có một nửa sản lượng làm ra tại châu Âu.
Với quan điểm trên, Emmanuel Macron về đầu trong vòng một cuộc bỏ phiếu đã khiến các nước láng giềng của Pháp thở phào nhẹ nhõm, nhất là khi các thăm dò dư luận cho thấy ông có thể giành hơn 60% số phiếu ở vòng hai. Tuy nhiên các nước chưa hết thấp thỏm vì dù bà Marine Le Pen hiện chỉ được không đầy 40% dự định bầu, nhưng vẫn e ngại khả năng ngựa về ngược.
Venezuela rút ra khỏi Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ
Vào lúc đất nước đang chao đảo do các cuộc biểu tình của phe đối lập chống chính phủ, hôm qua, 26/04/2017, chính phủ của tổng thống Nicolas Maduro đã tuyên bố rút nước này ra khỏi Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ (OAS) với lý do tổ chức này đã can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela.
Theo AFP, trên truyền hình Venezuela, ngoại trưởng Delcy Rodriguez tuyên bố sẽ đệ đơn kiện lên OAS và tiến hành thủ tục rút ra khỏi một tổ chức khu vực có trụ sở tại Washington. Thủ tục này kéo dài khoảng 24 tháng.
Hôm qua, tổ chức OAS đã nhóm họp cấp ngoại trưởng và đồng ý triệu tập một hội nghị thượng thu hẹp để thảo luận về tình hình Venezuela. Trước đó, ngoại trưởng Venezuela đã cảnh báo là Caracas sẽ ra khỏi OAS nếu có một hội nghị như vậy.
Hồi đầu tháng, ngoại trưởng Venezuela đã tố cáo nhiều nước trong khu vực hành động phối hợp với Hoa Kỳ để can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela.
Đối với một bộ phận dân Pháp,
Macron và Le Pen chỉ là “Thổ tả” và “Dịch hạch”
Thất bại của hai ứng viên tổng thống, Jean Luc Melenchon – thuộc phe cực tả, chủ trương chống tự do thương mại và François Fillon – cánh hữu có tư tưởng bảo thủ trong vòng một bầu cử tổng thống hôm Chủ Nhật 23/4 để lại trong tâm khảm một bộ phận cử tri của họ nỗi cay đắng khó nuốt trôi. Giờ đây, đối với họ, việc phải chọn giữa hai ứng viên Macron và Le Pen ở vòng hai chẳng khác nào như bị bắt buộc phải chọn giữa “Dịch hạch” và “Thổ tả”, những lựa chọn mà họ từ chối.
Ngay hôm sau vòng một bầu cử, thứ Hai 24/4, hashtag #SansMoile7mai (tạm dịch là Không có tôi ngày 7/5), lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Đông đảo cử tri ủng hộ Jean-Luc Melenchon bày tỏ sự căm ghét cay đắng đối với ứng viên cực hữu Marine Le Pen cũng như ứng viên cánh trung phong trào Tiến Bước!, Emmanuel Macron.
Đối với họ, “giữa dịch hạch tóc nâu và thổ tả tài chính, hai kẻ phát xít” chẳng ai đáng được chọn. Họ cáo buộc, chính chủ trương ủng hộ tự do thương mại của Macron sẽ còn tiếp tục làm tăng số phiếu ủng hộ ứng viên Mặt Trận Quốc Gia.
Một phần ba cử tri ủng hộ Melenchon dự định hoặc bỏ phiếu trắng hoặc vắng mặt, theo như một thăm dò do Viện Thống Kê Ifop công bố hôm thứ Ba 25/4. Trong khi chính bản thân lãnh đạo phong trào Nước Pháp Bất Khuất, cho đến ngày hôm nay, 27/04, cũng từ chối kêu gọi bỏ phiếu chống Le Pen và không cho biết ý định ủng hộ ai ở vòng hai. Theo phân tích của AFP, mặt trận chung chống Marine Le Pen như lời kêu gọi của đông đảo chính khách Pháp lần này không còn mạnh mẽ và vững chắc như từng có cách đây 15 năm, nhắm vào ông Jean-Marie, cha của bà Le Pen.
Đối với những cử tri đã ủng hộ ứng viên cánh hữu François Fillon, lời kêu gọi bỏ phiếu cho Macron ở vòng hai cũng gặp phải sự kháng cự. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử vòng một, Macron thường xuyên bị tấn công là người kế thừa của François Hollande, vị tổng thống mãn nhiệm mất uy tín. Do đó, theo thăm dò của Ifof, hơn một phần tư cử tri cánh hữu (27%), vẫn còn cảm thấy cay đắng về thất bại của Fillon, dự định vắng mặt hay bỏ phiếu trắng.
Với phong trào công giáo bảo thủ Sens Commun (Lẽ thường), chiếm đa số trong phe ủng hộ Fillon, thì giá trị truyền thống về gia đình đã bị đảo lộn trong suốt nhiệm kỳ 5 năm của chính phủ cánh tả Xã Hội với việc thông qua đạo luật Hôn nhân đồng tính. “Chọn thế nào đây giữa một bên là sự bất ổn do Marine Le Pen gây ra và bên kia là sự thối nát chính trị của Emmanuel Macron?”, như lời chất vấn của ông Christophe Billan, chủ tịch phong trào công giáo.
Trên bình diện kinh tế, rất nhiều cử tri cánh hữu cảm thấy chẳng có gì khác biệt giữa một người muốn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Le Pen) với một người ủng hộ châu Âu theo kiểu “Juncker” (Macron) với việc di dời nhà xưởng đến những nước thành viên khác trong khối vì có giá nhân công rẻ hơn tại Pháp từ 2-3 lần.
Nhiều người cho rằng, chọn lựa hợp lý nhất là “lá phiếu trắng”. Họ đã mất niềm tin vào các chính khách. “Tất cả đều như nhau. Người dân chỉ có dịp thấy họ 5 năm một lần, và tất tất đều hứa như nhau cả”, như lời nhận xét của một nhà buôn tại chợ đầu mối thực phẩm Rungis.
Hiện tại, các thăm dò đều dự đoán tỷ lệ vắng mặt là 27% trong ngày bỏ phiếu vòng hai 7/5, và Emmanuel Macron sẽ giành phần thắng với 61% số phiếu, trước đối thủ là Marine Le Pen, với 39% số phiếu. Thế nhưng, tính khả tín của các thăm dò dư luận vẫn là chủ đề tranh luận.
Mỹ : Donald Trump
đề xuất kế hoạch giảm thuế « lịch sử » cho doanh nghiệp
Tân chính quyền Mỹ chuẩn bị đánh dấu 100 ngày cầm quyền trong bối cảnh nhiều cam kết chủ yếu của Donald Trump bị thất bại, như dự án hủy bỏ Obamacare hay sắc lệnh cấm di dân từ các nước Hồi Giáo. Hôm qua, 26/04/2017, chính quyền Trump tung ra đề nghị giảm thuế ồ ạt cho các doanh nghiệp được mô tả như là « một trong các kế hoạch giảm thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ ». Tuy nhiên, rất ít có khả năng đề nghị, vốn là một cam kết tranh cử chính của ông Donald Trump, được Quốc Hội Mỹ dễ dàng thông qua.
Kế hoạch được tổng thống Mỹ Donald Trump tán dương là « tuyệt vời » trên thực tế là một bản đề nghị dài một trang giấy, được bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin và cố vấn kinh tế Gary Cohn giới thiệu với báo giới. Nội dung chính là ba nguyên tắc : giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 15%, giảm thuế thu nhập gia đình xuống còn tối đa là 35%, so với 39,6% như hiện nay, và đơn giản hóa thủ tục khai thuế, đến mức văn bản này chỉ còn là một trang.
Theo cố vấn Gary Cohn, nếu được thông qua, đây sẽ là cuộc cải cách thuế lớn nhất kể từ cải cách năm 1986 của tổng thống Reagan.
Phe Cộng Hòa tại Hạ Viện không sẵn sàng hưởng ứng đề xuất cải cách thuế nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của tổng thống, bởi lo ngại ngân sách sẽ thâm hụt nghiêm trọng. Từ nhiều tháng nay, đa số Cộng Hòa chuẩn bị một dự án cải cách riêng, cũng bao gồm giảm thuế, nhưng lấy việc tăng thuế nhập khẩu để bù vào cho nguồn thu thâm hụt. Tuy nhiên, dự án của phe Cộng Hòa đã không được chính quyền Trump chấp nhận.
Ngay sau khi chính phủ công bố dự án cải cách thuế, lãnh đạo phe Cộng Hòa ra thông báo ca ngợi đề xuất mới của tổng thống, xét về nguyên tắc, nhưng không coi đây là cơ sở cho các thương lượng cụ thể sắp tới.
Bộ trưởng Tài Chính Mnuchin cố gắng trấn an, với lời giải thích là kế hoạch giảm thuế ồ ạt nói trên sẽ không ảnh hưởng đến cân bằng ngân sách Liên Bang, bởi tăng trưởng được thúc đẩy sẽ mang lại nguồn thu. Tuy nhiên, cách giải thích này bị chỉ trích, bởi không dựa trên các nghiên cứu đáng tin cậy, như nhận định của giám đốc Urban-Brookings Taxe Policy Center, cựu thứ trưởng Tài Chính Mark Mazur, với AFP.
Nghị sĩ Dân Chủ Bernie Sanders, nguyên ứng cử viên tổng thống sơ bộ, cho rằng kế hoạch giảm thuế này chỉ có lợi cho Donald Trump « và những người bạn tỉ phú », mà không mang lại gì cho giới trung lưu. Các nghị sĩ Dân Chủ hứa hẹn sẽ xem xét chi ly từng điều khoản một của dự luật.
Trước mắt, tổng thống Trump phải đạt được thỏa hiệp với Quốc Hội để dự luật về ngân sách cho các hoạt động của Liên Bang được thông qua trước nửa đêm ngày mai, thứ Sáu, 28/04. Nếu không, chính quyền Liên bang sẽ phải ngừng hoạt động như năm 2013, vì không có tiền. Báo Mỹ The New York Post dẫn nguồn tin từ Hạ Viện cho biết có khả năng tổng thống Trump sẽ phải chấp nhận chi tiền cho bảo hiểm y tế Obamacare, để đổi lại việc phe Dân Chủ chấp thuận dự án ngân sách Liên Bang, tránh cho chính quyền phải đóng cửa vào đúng dịp 100 ngày cầm quyền của Donald Trump.
« Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ ngừng thử hạt nhân »
Một quan chức chính phủ Bắc Triều Tiên, trong một buổi phỏng vấn hiếm hoi, đã khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ ngừng thử hạt nhân chừng nào Hoa Kỳ còn tiếp tục coi đó là « những hành động gây hấn ».
Trả lời phỏng vấn đài CNN hôm 26/04/2017, ông Sok Chol Won không xác nhận khi nào Bắc Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu, nhưng ông cho rằng vụ thử sẽ không bị ảnh hưởng từ các sự kiện bên ngoài.
Ông nói : « Thử nghiệm hạt nhân là một phần quan trọng trong nỗ lực không ngừng củng cố lực lượng hạt nhân của chúng tôi. Chừng nào mà Mỹ tiếp tục hành động thù địch, chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa ».
Ông Sok Chol Won là giám đốc Viện Nhân Quyền, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học-Xã Hội Bắc Triều Tiên, nhưng được phép bình luận với CNN về mọi chủ đề. Lời bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh Nghị Viện Mỹ đề xuất tăng cường trừng phạt kinh tế và gây sức ép về ngoại giao để kiềm chế Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi nối lại đối thoại.
Mỹ thử tên lửa đề phòng Bắc Triều Tiên
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Bắc Triều Tiên, ngày Hoa Kỳ cho bắn thử tên lửa ở California sáng sớm ngày 26/04/2017, để chứng tỏ « năng lực nguyên tử quốc gia ».
Theo đài truyền hình Mỹ Foxnews, một số quan chức quốc phòng cho biết một tên lửa hành trình xuyên lục địa đã được phóng từ căn cứ không quân Vandenberg, California. Tên lửa Minuteman III, không mang đầu đạn, đã bay được 4.200 dặm trước khi đến mục tiêu ở khu vực thử trên quần đảo Marshall, ngoài khơi Nam Thái Bình Dương.
Vẫn theo Foxnews, Không Quân Mỹ có 450 tên lửa hành trình xuyên lục địa loại Minuteman III được chứa trong hầm tại ba căn cứ ở Wyoming, Bắc Dakota và Montana. Tuy nhiên, theo một sĩ quan cao cấp Mỹ, số lượng này có thể sẽ giảm xuống còn 400 trong vài năm tới.
Đường vào điện Elysée :
Marine Le Pen tự tin có thể thắng ngược
Hai tuần lễ ngắn ngủi giữa vòng một 23/04/2017 vừa qua và vòng hai bầu tổng thống Pháp Chủ Nhật 07/05 sắp đến là thời gian để hai ứng cử viên còn lại dồn toàn lực đánh trận cuối cùng. Thăm dò ý kiến cho lãnh đạo phong trào Tiến Bước Emmanuel Macron bỏ xa Marine Le Pen của Mặt Trận Quốc Gia từ 20 đến 24 điểm (*). Tuy nhiên, ứng cử viên chủ trương « dân Pháp trước đã » cho rằng đủ sức lật ngược thế cờ, đánh bại đối thủ theo « toàn cầu hóa ».
Ngay buổi sáng hôm sau vòng một với kết quả về nhì, nữ luật sư Marine Le Pen « xuống đường » thăm một khu chợ trời độ 15 phút để chứng tỏ là đại diện của tầng lớp dân nghèo đương đầu với đối thủ Emmanuel Macron, « một kẻ thiếu tình người ».
Chiều lại, trên đài truyền hình Pháp France 2, Marine Le Pen, thông báo « từ chức chủ tịch Mặt Trận Quốc Gia » để « tập hợp dân chúng chung quanh dự án lãnh đạo quốc gia ». Bỏ vị thế « đối thủ », ứng cử viên cực hữu khẳng định dự án « yêu nước » của bà đang ở thế thượng phong, đè bẹp chương trình tranh cử « rỗng tuếch » của Emmanuel Macron mà bà gọi là « đại diện của giới chính trị bất tài ». Marine Le Pen tuyên bố đủ sức thu ngắn khoảng cách, mà theo bà « chỉ có 10 điểm ».
Trong khi đó, ứng cử viên về nhất Emmanuel Macron liên tục nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía. Hầu hết các đối thủ cũ cho đến tổng thống mãn nhiệm François Hollande, kêu gọi cử tri dồn phiếu để ngăn chận nguy cơ cực hữu nắm quyền.
Trước một « mặt trận cộng hoà » đang được huy động làm rào cản, bà Marine Le Pen chỉ được cựu chủ tịch một đảng nhỏ theo xu hướng Thiên Chúa Giáo ủng hộ, nhưng với lý do là để « làm suy yếu » Emmanuel Macron. Tuy nhiên, đảng Mặt Trận Quốc Gia có cơ sở hạ tầng phát triển, trong khi phong trào Tiến Bước chỉ mới có một tuổi. Nội bộ cánh hữu cũng lủng củng không dứt khoát ủng hộ Macron.
Câu hỏi đặt ra là liệu ứng cử viên chủ trương nước Pháp co cụm, bỏ châu Âu, hội đủ cơ may lật ngược thế cờ ?
Một đảng viên, bi quan, phân tích với AFP : Để đốt ngọn lửa hy vọng, bà Marine Le Pen phải hội đủ hai điều kiện : một là 7 triệu ủng hộ viên của ứng cử viên cực tả Jean Luc Mélenchon ở vòng một, « đi câu cá » ngày Chủ Nhật 07/05, tức là không bầu cho cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron. Điều kiện thứ hai là cử tri của cựu thủ tướng François Fillon nghĩ rằng Marine Le Pen chống khủng bố hiệu quả hơn Emmanuel Macron.
Theo AFP, trên thực tế, trong khi lãnh đạo tuyên bố mạnh miệng, nhiều đảng viên của Mặt Trận Quốc Gia cho rằng so với François Fillon, Emmanuel Macron là đối thủ « khó nuốt ».
Để tìm hiểu thêm về chiến thuật và điểm mạnh, điểm yếu của hai đấu thủ, sau đây là phần phân tích của nhà báo Nguyễn Văn Huy, tạp chí mạng Thông Luận (Paris) :
Nhà báo Nguyễn Văn Huy : Theo dõi bầu cử tổng thống, người ta thấy sau vòng một, nước Pháp bị chia thành hai : phe những người cộng sản đứng về phía những người bị thua thiệt, còn phe cộng hòa cũng như xã hội đứng về phía xí nghiệp công ty và những người thành công, có học thức. Sau vòng một, đảng của bà Le Pen nhắm vào thành phần bị thua thiệt đó và cố lôi kéo họ bỏ phiếu cho mình.Trong khi đó, Emmanuel Macron nắm chắc phần thắng trong tay. Nhưng bất trắc là Pháp có câu ngụ ngôn « chưa bắn được gấu thì đừng bán da gấu … ».
Nhận xét
Đăng nhận xét