Tin Biển Đông – 30/04/2017
ASEAN ra Tuyên Bố Chung muộn
do hồ sơ Biển Đông và Trung Quốc ?
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 đã kết thúc ngày 29/04/2017. Bản Tuyên Bố Chung của hội nghị thường được công bố ngay sau khi thượng đỉnh bế mạc, nhưng phải chờ đến sáng nay, 30/04, văn kiện chính thức mới được công bố trên trang web của hội nghị. Nội dung liên quan đến Biển Đông rất nhẹ nhàng đối với Trung Quốc : Từ ngữ nói về hành động của Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông hoàn toàn biến mất.
Theo ghi nhận của kênh truyền thông Philippines ABS-CBN, việc công bố muộn màng bản Tuyên Bố Chung là một sự kiện khác thường vì « lần đầu tiên trong lịch sử của mình, thượng đỉnh ASEAN đã bế mạc mà không có bản tuyên bố chung được công bố trong cùng một ngày ».
Báo Singapore The Straits Times cũng nêu lên việc mọi người đều chờ đợi tổng thống Philippines Duterte, trong tư cách chủ tịch ASEAN, sẽ đọc bản tuyên bố chung tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị. Tuy nhiên, ông đã loan báo văn kiện này sẽ được đưa sau lên website của ASEAN và gửi tới các phóng viên bằng thư điện tử.
Về vấn đề Biển Đông, Tuyên Bố Chung của thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 ngắn gọn khác thường : Gộp lại trong vỏn vẹn 2 điều và bao gồm 265 từ, trong lúc bản tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2016 ở Lào có đến 8 điều và 439 từ.
Trên bình diện nội dung, phần nói về Biển Đông chỉ lập lại những điểm thường thấy như « tái khẳng định » tầm quan trọng của quyền tự do hàng không và hàng hải, của việc xây dựng lòng tin lẫn nhau, tự kiềm chế để tránh làm cho tình hình phức tạp thêm, không sử dụng võ lực hay đe dọa dùng võ lực để giải quyết tranh chấp.
Không còn « quan ngại sâu sắc » về hoạt động « cải tạo đất » và quân sự hóa »
Tuy nhiên, điểm được giới quan sát chú ý nhất là việc Tuyên Bố Chung của thượng đỉnh ASEAN lần này tại Manila như không còn lo ngại về tình hình Biển Đông nữa, và đã xóa bỏ toàn bộ các nhóm từ gợi đến các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã và đang tiến hành tại vùng Biển Đông. Thay vào đó là từ ngữ rất chung chung và mơ hồ « những diễn biến gần đây ».
Thay đổi lộ rõ khi so sánh văn kiện ở thượng đỉnh ASEAN thứ 30 tại Philippines với Tuyên Bố Chung của hội nghị thượng đỉnh ASEAN thứ 28-29 tại Lào vào tháng 09/2016. Tuyên bố chung của ASEAN tại Lào đã nói rõ trong điều thứ 121 mở đầu phần Biển Đông là các lãnh đạo ASEAN « tiếp tục quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây và đang diễn ra, đồng thời ghi nhận quan ngại của một số Bộ trưởng về việc cải tạo đất và sự gia tăng các hoạt động ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực ».
Trong điều 120 của bản tuyên bố chung Manila mở đầu phần Biển Đông, câu nói về thái độ quan ngại sâu sắc chung của khối Đông Nam Á biến mất hoàn toàn, và chỉ còn một số nước ASEAN quan ngại mà thôi, điều được thấy trong câu ngắn gọn : « Chúng tôi ghi nhận những quan ngại của một số lãnh đạo về các diễn biến gần đây trong khu vực ».
Nhóm từ đề cập cụ thể đến hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc như vậy đã biến mất, cũng như từ ngữ liên quan đến việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Trong Tuyên bố chung tại Lào, các lãnh đạo ASEAN đã nói trong điều 124 : « Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và tự kiềm chế trong mọi hoạt động, trong đó có việc cải tạo đất, có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông ». Câu này với hai nhóm từ « quân sự hóa và cải tạo đất » không được ghi lại trong văn kiện vừa công bố.
Điểm đáng nói là các từ ngữ này không có trong dự thảo ban đầu của Philippines, nhưng đã được tái lập trong dự thảo cuối cùng ngày 29/04, mà các hãng tin AP của Mỹ, AFP của Pháp và Reuters của Anh đọc được. Theo các nguồn tin này, có 4 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam, theo nguồn của AFP) đã yêu cầu như trên. Tuy nhiên, việc các từ ngữ trên không có trong bản Tuyên Bố Chung cho thấy là trong vòng đàm phán tối hậu, phe chủ trương không phê phán Trung Quốc đã áp đặt được quan điểm của mình.
Chiến hạm Nhật hộ tống tàu quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương
Trong bối cảnh tình hình căng thẳng với Bắc Triều Tiên, chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản sẽ bảo vệ một tàu tiếp liệu của quân đội Mỹ trong vùng Tây Thái Bình Dương. Tin này được truyền thông Nhật Bản tiết lộ nhưng hải quân Nhật từ chối bình luận.
Theo hãng thông tấn JiJi và nhật báo cánh tả có uy tín tại Nhật Bản Asahi Shimbum ngày Chủ Nhật 30/04/2017, chính phủ Shinzo Abe đưa « trực thăng mẫu hạm Izumo » tham gia nhiệm vụ bảo vệ đồng minh . Một nguồn tin ẩn danh của chính phủ cho biết tàu Izumo sẽ rời quân cảng hậu cứ Yokosuka vào ngày thứ Hai 01/5 để yểm trợ cho một tàu vận tải của Mỹ tiếp tế cho các chiến hạm, trong đó có cả hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, đang được đặt trong tình trạng báo động vì những đe dọa quân sự của Bắc Triều Tiên.
Trừ những cuộc tập trận, đây là lần đầu tiên từ khi chính phủ Shinzo Abe diễn giải lại Hiến pháp chủ hòa, hải quân Nhật Bản trực tiếp bảo vệ, hộ tống hạm đội Hoa Kỳ. Hàng không mẫu hạm Carl Vinson đang tập trận với hải quân Hàn Quốc sau khi thao dợt với hải quân Nhật Bản hồi đầu tuần.
THAAD : Washington lãnh gánh nặng tài chính
Theo Reuters, Hoa Kỳ sẽ không bắt Seoul chi trả một đôla nào cho hệ thống lá chắn chống tên lửa tầm trung cao THAAD, đang được bố trí ở Hàn Quốc, khác với tuyên bố của tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu, yêu cầu đồng minh trả 1 tỷ đôla.
Trong cuộc điện đàm dài 35 phút vào Chủ Nhật 30/04, tướng McMaster, cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ Donald Trump, xác nhận với đồng nhiệm Hàn Quốc Kim Kwan Jin, là Hoa Kỳ tôn trọng thỏa thuận song phương vào năm 2016, thời tổng thống Obama : viện trợ THAAD để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc chống lại đe dọa tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, Mỹ xác nhận sẽ đảm nhận phần chi phí từ trang thiết bị, bố trí, cho đến bảo trì hệ thống THAAD. Trong cuộc điện đàm, cố vấn an ninh tổng thống Donald Trump giải thích tuyên bố của chủ nhân Nhà Trắng là nhắm vào công luận Mỹ muốn các đồng minh chia sẽ gánh nặng phòng thủ chung.
TT Philippines
hy vọng sớm có được bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông
Trong buổi họp báo bế mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào hôm qua, 29/04/2017, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã rất hy vọng đạt được một bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông COC từ nay đến cuối năm. ASEAN đang đàm phán với Trung Quốc về văn kiện này vào lúc Bắc Kinh bị tố cáo đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông.
Văn kiện này có mục tiêu đề ra những quy tắc để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích.
Theo Marianne Dardard, thông tín viên RFI tại Manila, câu hỏi đặt ra là các nước ASEAN bị chia rẽ có thể ràng buộc Trung Quốc bằng bộ Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông hay không ?
Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông đang đàm phán với Bắc Kinh liệu có mang tính chất ràng buộc về pháp lý hay không? Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa bế mạc, tổng thống Philippine Duterte đã cẩn thận tránh bất kỳ lời lẽ nào có khả năng đụng chạm đến Trung Quốc.
ASEAN gồm mười thành viên trong đó có ít nhất là bốn nước đang tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông: Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines, quốc gia đầu tiên và duy nhất đã kiện Trung Quốc. Cách nay một năm, Tòa Trọng Tài ở La Haye đã đánh giá là bất hợp pháp các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tại thượng đỉnh ASEAN năm nay mà chủ tịch chính là ông Duterte, một người đang tìm cách xích lại gần Bắc Kinh hơn vì lý do kinh tế, các thành viên ASEAN có vẻ vẫn rất chia rẽ trong việc cùng nhau đòi hỏi một « bộ quy tắc ứng xử » ràng buộc về pháp lý đối với Bắc Kinh.
Cho đến giờ phút chót, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã áp lực trong hậu trường để xóa bỏ từ ngữ « quân sự hóa » trong bản Tuyên Bố Chung của hội nghị ASEAN, một cụm từ phản ánh những cáo buộc theo đó Trung Quốc đã đặt tên lửa trên các hòn đảo nhân tạo.
Trung Quốc ra mắt thủy phi cơ ‘lớn nhất thế giới’
AG600, chiếc thủy phi cơ được coi là lớn nhất thế giới, đã bay thử chuyến đầu tiên hôm 29/4.
Sản phẩm hoàn toàn “made in China” này được thiết kế để dập các đám cháy rừng cũng như tiến hành các hoạt động cứu hộ trên biển.
Reuters dẫn lại Tân Hoa Xã nói thêm rằng chiếc thủy phi cơ này “có thể được sử dụng để giám sát và bảo vệ đại dương”.
Chuyến bay thử được tiến hành trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng củng cố, khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, nơi nước này đã xây đảo nhân tạo và triển khai thiết bị quân sự.
Theo Reuters, Trung Quốc đang trong tiến trình rầm rộ hiện đại hóa quân sự, từ việc thử nghiệm các tên lửa lẫn chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình cùng thiết kế một chiếc hàng không mẫu hạm hoàn toàn được sản xuất nội địa.
Tân Hoa Xã hồi tháng Ba từng đưa tin rằng AG600 sẽ bay thử chuyến đầu tiên vào cuối tháng Năm.
Nhận xét
Đăng nhận xét