Tin Việt Nam – 28/04/2017

Tin Việt Nam – 28/04/2017

USCIRF 2017: ‘Việt Nam đáng bị đưa vào CPC’

Hôm 26/4, trong báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đánh giá rằng Việt Nam “tiếp tục có tiến bộ về các điều kiện tự do tôn giáo”, nhưng “các vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng vẫn tiếp diễn, đặc biệt nhắm vào các cộng đồng dân tộc thiểu số ở những vùng nông thôn tại một số tỉnh, thành.”
Trong báo cáo năm 2017, USCIRF một lần nữa kết luận rằng Việt Nam đáng bị đưa vào danh sách “các quốc gia đáng quan tâm” hay CPC, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA).
Báo cáo của USCIRF nhắc đến việc chính quyền tỉnh Nghệ An tấn công và tra hỏi các nhà hoạt động tôn giáo và những người khác ở Giáo xứ Song Ngọc.
Báo cáo của USCIRF
Hiện tại Việt Nam bị USCIRF xếp vào Cấp 1 (Tier 1), tức là thuộc Các Quốc gia cần phải Quan tâm Đặc biệt – CPC. Trong tương lai, USCIRF có thể đưa Việt Nam vào danh sách Cấp 2 (Tier 2), tức Các quốc gia và Khu vực cần Theo dõi, nhưng USCIRF nói điều này còn tùy thuộc liệu chính phủ Việt Nam có thực hiện và thực thi luật mới “theo tinh thần bảo đảm quyền lợi của các tổ chức tôn giáo và các đạo hữu, đem lại sự đối xử bình đẳng và công bằng cho cả những nhóm tôn giáo được nhà nước bảo trợ cũng như những nhóm độc lập, các nhóm có đăng ký và không đăng ký.”
Trong một thông báo hôm 26/4, Chủ tịch USCIRF, Linh mục Thomas Reese, nói “tình hình vi phạm tự do tôn giáo đang ngày càng xấu đi cả về chiều sâu và diện rộng”.
USCIRF kêu gọi quốc hội và chính quyền Hoa Kỳ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do tôn giáo “cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, thông qua những tuyên bố chính thức cũng như tại các cuộc gặp gỡ công khai hay trong vòng riêng tư.”
Báo cáo về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam 2017 của USCIRF dài 6 trang, nhắc đến việc chính quyền tỉnh Nghệ An tấn công và tra hỏi các nhà hoạt động tôn giáo và những người khác ở Giáo xứ Song Ngọc vì đã biểu tình ôn hòa phản đối cách đối phó của chính quyền trước thảm họa môi trường Formosa.
Báo cáo viết: “các nhà phê bình vẫn tin là Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng hạn chế các quyền tự do bằng các quy định rườm rà, cho phép chính quyền Việt Nam can thiệp vào nhiều khía cạnh của đời sống tôn giáo. Luật này có một điều khoản về an ninh quốc gia có từ ngữ mơ hồ liên quan tới những nhà hoạt động nhân quyền và các cộng đồng tôn giáo có thể được hiểu theo nghĩa rộng, và như vậy sẽ hạn chế tự do, đặc biệt ở cấp địa phương.”
USCIRF nói các giới chức Việt Nam chủ ý nhắm vào các cá nhân có tiếp xúc với đại diện các nước ngoài, đặc biệt là người phương Tây. Ví dụ, vào tháng 3 năm 2016, nhà chức trách giam giữ Trần Thị Hồng, vợ của Mục sư Nguyễn Công Chính đang bị bỏ tù, khi bà đang trên đường đi gặp Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ đặc trách về Tự do Tôn giáo Quốc tế David Saperstein. Cuối cùng bà đã gặp phái đoàn Hòa Kỳ ở nhà riêng, nhưng từ đó bị sách nhiễu nhiều lần.”
USCIRF hôm 6/4 công bố việc lập danh sách tù nhân lương tâm tôn giáo quốc tế, nêu trường hợp của Mục sư Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng.
Từ Pleiku, Gia Lai, bà Trần Thị Hồng cho VOA biết bà tán thành việc USCIRF đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách CPC năm 2017:
… Chúng tôi cũng rất quan tâm tới việc các linh mục, tu sĩ, mục sư bị công an hành hung và bị tống giam. Điều này thật không phù hợp cho một quốc gia tôn trọng tự do tôn giáo…
Linh mục Thomas Reese, Chủ tịch USCIRF
“Rất là hoan nghênh việc Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, do vi phạm về tự do tôn giáo, là điều hết sức chính đáng. Ở Việt Nam vấn đề tôn giáo vẫn còn sự kiểm chế của nhà nước, đặc biệt là những người theo đạo Tin Lành ở vùng núi cao nguyên, họ luôn bị kìm kẹp và đàn áp của chính quyền Việt Nam. Khi Việt Nam bị đưa vào danh sách CPC thì điều đó chính đáng.”
Linh mục Thomas Reese, Chủ tịch USCIRF, nhận định về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam trong một phỏng vấn với VOA-Việt ngữ:
“Tuy ghi nhận có tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam, chúng tôi vẫn quan ngại. Chúng tôi muốn theo dõi kỹ xem Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng mới được thực thi như thế nào ở Việt Nam. Chúng tôi cũng rất quan tâm tới việc các linh mục, tu sĩ, mục sư bị công an hành hung và bị tống giam. Điều này thật không phù hợp cho một quốc gia tôn trọng tự do tôn giáo.”
Trong báo cáo năm 2017, USCIRF đề nghị chính phủ Hoa Kỳ “bảo đảm nhân quyền và tự do tôn giáo được nêu bật tại mọi cấp độ trong quan hệ Việt-Mỹ, kể cả trong các cuộc thảo luận liên quan đến quân sự, mậu dịch, hay trợ giúp kinh tế và an ninh, cũng như các chương trình về tự do Internet và phát triển xã hội dân sự.”
USCIRF còn đề nghị chính phủ Hoa Kỳ hối thúc Hà nội ngưng bắt giữ và bỏ tù các thành viên của các tổ chức tôn giáo, các nhà hoạt động nhân quyền chỉ vì họ tham gia các hoạt động tôn giáo ôn hòa, và nhanh chóng thả tất cả các tù nhân lương tâm.
USCIRF còn đề nghị chính phủ Hoa Kỳ sử dụng các công cụ chống lại các viên chức và cơ quan được xác định là tham gia hoặc chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền, đặc biệt là các vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo, như danh sách “những công dân bị chỉ định trừng phạt đặc biệt” được lưu ở Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Ngân Khố, từ chối cấp visa theo điều 604(a) của IRFA và phỏng tỏa tài sản theo Đạo Luật Magnitsky Toàn cầu.
USCIRF là một ủy ban độc lập, lưỡng đảng của chính phủ liên bang Hoa kỳ, được thành lập theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA), chuyên giám sát quyền phổ quát về tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở nước ngoài. USCIRF sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế để giám sát các vi phạm tự do tôn giáo và đưa ra khuyến nghị về chính sách cho tổng thống, ngoại trưởng, và quốc hội.
Kể từ khi Việt Nam được xoá tên khỏi CPC từ 2006 đến nay, mỗi năm USCIRF đều đề nghị đưa Việt Nam trở lại CPC vì thường xuyên vi phạm tự do tôn giáo, nhưng đề nghị này cho tới nay vẫn bị Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ.
Lần đầu tiên Việt Nam bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách CPC là từ tháng 9/2004 đến tháng 11/2006.

Hơn 40% diện tích rừng Sơn Trà

bị chuyển đổi mục đích sử dụng

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội Thảo Giải Pháp Bảo Tồn Và Phát Triển Bền Vững Bán Đảo Sơn Trà  ngày 28 tháng Tư tổ chức tại Đại Học Sư Phạm Đà Nẵng.
Buổi hội thảo có sự phối hợp giữa Trung Tâm Con Người Và Thiên Nhiên, Trung Tâm Bảo Tồn Đa Dạng Sinh Học, Nước Việt Xanh và nhóm nghiên cứu giảng dạy về môi trường của Đại Học Sư Phạm Đà Nẵng.
Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng việc cắt giảm 41%  diện tích rừng chuyển sang đất khác, tức chuyển đổi mục đích sử dụng, là quá lớn, trong lúc khu vực rừng bị cắt giảm nằm ở chân núi thuộc vùng  đệm có khả năng bảo vệ cũng như bảo tồn sinh thái và động vật quí hiếm trước những hoạt động của con người.
Theo chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh, việc phát triển du lịch ở Sơn Trà phải dựa trên nguyên tắc là giảm thiểu tác động đối với môi trường , cung cấp lợi ích tài chính thiệt thực cho việc bảo tồn thiên nhiên.
Vừa qua việc phát hiện 40 móng biệt thực xây dựng trên bán đảo Sơn Trà khiến dư luận bức xúc. Một chiến dịch kêu gọi cứu Sơn Trà được phát động trên mạng xã hội.

Bộ Công an rút quy định cấm ghi âm, ghi hình ngụy trang

Bộ Công an Việt Nam quyết định rút bỏ một nội dung trong dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh thiết bị phần mềm nguỵ trang vốn gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.
Trả lời Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, một lãnh đạo Cục pháp chế và Cải cách Hành chính Tư pháp cho biết việc quy định đối tượng sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình bí mật là chưa phù hợp vì mâu thuẫn với quyền tự do tác nghiệp của báo chí.
Cũng theo vị lãnh đạo này, một số qui định trong dự thảo liên quan đến “nghiêm cấm cá nhân” sử dụng những thiết bị trên cũng được rút bỏ.
Khoản 3, Điều 4 của dự thảo Nghị định nói rằng “chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh, quốc gia trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và an ninh quốc phòng.”

Cử tri yêu cầu thông qua luật biểu tình

Cử tri huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh sáng ngày 28 tháng tư có buổi tiếp xúc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về vấn đề xử lý hậu quả của sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.
Việc thực hiện đền bù, tạo việc làm cho người dân bị ảnh hưởng được thảo luận trong buổi gặp.
Tại buổi tiếp xúc với cử tri, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết nhận được kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Biểu tình để người dân thực hiện quyền công dân và xử lý nghiêm biểu tình trái phép.
Tại Hà Tĩnh từ khi xảy ra thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên, nhiều cuộc biểu tình đòi bồi thường thiệt hại đã diễn ra. Có những cuộc đông đến gần chục ngàn người bên ngoái nhà máy Formosa, có cuộc biểu tình người dân chiếm trụ sở ủy ban nhân dân huyện như ở Lộc Hà hồi đầu tháng tư vừa qua.
Cơ quan an ninh ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự đối với cuộc biểu tình chiếm trụ sở ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Trong khi đó người dân cho rằng họ đi đòi hỏi quyền lợi chính đáng, cũng như phản đối hành vi sai trái của chính quyền địa phương trong bồi thường thiệt hại cũng như trong hành xử với công dân.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà:

Formosa phải xem môi trường Việt Nam như Đài Loan

Bộ trưởng Tài Nguyên- Môi trường Việt Nam, Trần Hồng Hà lại dẫn đầu đoàn đến làm việc với nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh vào ngày 27 tháng tư và kêu gọi chủ đầu tư hãy gìn giữ môi trường nơi nhà máy hoạt động ở Việt Nam giống như tại mẫu quốc Đài Loan.
Đoàn kiểm tra đưa ra lại đánh giá là 52/53 lỗi vi phạm môi trường của Formosa Hà Tĩnh đã được khắc phục. Còn lại một hạng mục duy nhất là chuyển đổi công nghệ dập cốc ướt sang dập cốc khô và một phần hồ sinh học giai đoạn 2 dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30 tháng 6 năm nay.
Nguồn tin từ trong nước cho biết trong buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Việt Nam cần thép nhưng không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Do đó, không được để sự cố môi trường xảy ra thêm một lần nữa.
Cũng trong buổi làm việc, có đề nghị về hợp đồng xử lý chất thải của Formosa và công ty Phú Hà cần phải xem lại về mặt pháp lý. Trả lời vấn đề này, ông Hoàng Chí Thức, Phó Giám đốc công ty TNHH Môi trường Phú Hà khẳng định đảm bảo về mặt pháp lý.
Xin nhắc lại trong buổi họp báo đầu tiên giữa Formosa và báo giới ngày 25 tháng 4 năm 2016, Ông Chu Xuân Phàm – Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh trả lời kênh truyền hình VTC 14 rằng: “Được cái nọ thì phải mất cái kia”, được mọi người dẫn giải rằng “Chọn cá, tôm hay chọn gang thép?”

Quốc Hội bãi nhiệm tư cách đại biểu ông Võ Kim Cự

Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo đảng đoàn Quốc hội làm thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội của ông Võ Kim Cự, nguyên chủ tịch và bí thư tỉnh Hà Tĩnh, và cũng là một trong những người ký giấy phép cho Formosa xây dựng nhà máy gang thép tại Vũng Áng, Hà Tĩnh và gây nên thảm họa môi trường ven biển các tỉnh bắc miền Trung kể từ đầu tháng tư năm ngoái.
Chủ tịch quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn thị Kim Ngân cho biết như vừa nêu trong cuộc gặp cử tri vào ngày 28 tháng tư ở Cần Thơ. Theo bà Nguyễn thị Kim Ngân thì chính phủ Hà Nội cũng cho ông Võ Kim Cự nghỉ hưu và nguyên văn lời bà được báo chí tường thuật ‘chức trong quá khứ thì cách, chức trong hiện tại là thôi, đâu còn gì nữa’.
Sau khi Ban Bí Thư Trung ương ra quyết định kỷ luật cách hết các chức vụ mà ông Võ Kim Cự đảm nhận từ năm 2005 đến năm 2015, bản thân ông này cũng có đơn xin thôi chức đại biểu quốc hội vì lý do sức khỏe vào ngày 25 tháng tư vừa qua.
Ông Võ Kim Cự trúng đại biểu quốc hội khóa 14 do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giới thiệu mà ông này lả chủ tịch.

Sẽ công bố kết quả xử lý 12 dự án thua lỗ

Kết quả xử lý 12 dự án ngàn tỷ thua lỗ sẽ được Quốc hội Việt Nam công bố sau khi được phía Chính phủ báo cáo xử lý.
Bà chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân cho biết như vừa nêu vào ngày 28 tháng tư khi tiếp xúc cử tri quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Sau khi được cử tri nêu câu hỏi về vấn đề phòng chống tham nhũng, bà chủ tịch quốc hội Việt Nam trả lời rằng vừa qua một số vụ án tham nhũng được đưa ra ánh sáng. Trong năm nay lãnh đạo đảng chỉ đạo làm rõ 12 vụ án.
Đối với 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của các tập đoàn Nhà nước, bà Nguyễn thị Kim Ngân cho biết Quốc hội có yêu cầu phía Chính phủ xử lý nghiêm những tồn tại, yếu kém và Quốc hội sẽ cống bố kết quả cho cử tri khi nhận được báo cáo từ phía Chính phủ.
Một dự án thua lỗ đang khó giải quyết
Một dự án trong số 12 dự án ngàn tỷ bị thua lỗ là Đạm Ninh Bình cho biết đang vướng mắc 10 vấn đề pháp lý liên quan đến hơp đồng EPC với nhà thầu Trung Quốc nên chưa thể trình hồ sơ quyết toán trong quí 1 năm nay được.
Tin cho biết Ban Quản lý Dự án Đạm Ninh Bình nhận khuyết điểm và xin hoãn cho đến cuối 2 năm nay mới có thể trình hồ sơ quyết toán của dự án.
Báo cáo do ông Chu Văn Tuấn, giám đốc Ban Quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) ký trình lãnh đạo chính phủ Hà Nội thừa nhận khó khăn mà tổ đàm phán của Ban quản lý Dự án với nhà thầu Hoàn Cầu của Trung Quốc chưa thể thống nhất để giải quyết.
Ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình còn cho biết đã 7 lần gửi văn bản cho nhà thầu yêu cầu quyết toán nhưng bất thành.
Xin được nhắc lại 12 dự án ngàn tỷ thua lỗ thuộc các tập đoàn lớn của Việt Nam gồm : Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy đạm DAP 1 Lào Cai, Nhà máy đạm DAP 2 Hải Phòng, Dự án Ethanol Bình Phước, Dự án Ethanol Phú Thọ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất và Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai.

Việt Nam thua Lào và Campuchia mọi mặt – Vì sao?

Cát Linh, phóng viên RFA
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Campuchia và Lào từ ngày 24 đến 27 tháng 4, năm 2017.
Theo thông tin nhận được từ trong nước, rất nhiều hợp tác quan hệ song phương giữa Việt Nam, Lào và Campuchia được đánh giá tăng trưởng tốt trong vài năm qua. Tuy nhiên, theo những số liệu báo cáo do Ngân hàng thế giới – World Bank và Diễn đàn kinh tế Thế giới – WEF đưa ra cho thấy Việt Nam ngày càng thua Lào và Campuchia về mọi mặt.
Thậm chí, trong một bài viết đăng tải trên báo Một Thế giới viết rằng: “Việt Nam bị Lào, Campuchia vượt qua không còn là dự báo, không còn là nguy cơ nữa mà đã thành hiện thực và cái danh sách thua kém ngày càng dài ra.”
Kinh tế
Nói về báo cáo của các tổ chức tài chính thế giới liên quan đến mức tăng trưởng của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, từ Hà Nội đưa ra những điểm ông cho là đáng chú ý:
“Cái tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Campuchia và của Lào cao hơn Việt Nam những năm gần đây. Campuchia tăng trưởng khoảng 7 – 8%. Trong khi đó Việt Nam năm ngoái chỉ tăng 6,21%, quí 1 năm nay tăng 5%.
Cái thứ hai, số doanh nghiệp tư nhân của Campuchia thì cũng cao hơn Việt Nam.
Campuchia cũng ít, hay hầu như không có những doanh nghiệp nhà nước lớn như Việt Nam kinh doanh vào những lĩnh vực có tính chất thương mại.
Lào có nhiều tài nguyên, nhất là tài nguyên thuỷ điện. và Lào đang cố gắng hướng đến sự phát triển mạnh mẽ.”
Lào có nhiều tài nguyên, nhất là tài nguyên thuỷ điện. và Lào đang cố gắng hướng đến sự phát triển mạnh mẽ.
- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Báo Một Thế Giới từng trích dẫn lời chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển – đánh giá về khả năng hoạt động của các doanh nghiệp ở Việt Nam so với Lào và Campuchia. Ông đã đưa ra một vài nhận định khá đồng thuận với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Điển hình là ở mô hình kinh tế, một vấn đề dẫn đến sự tụt hậu của Việt Nam. Ông Lưu Bích Hồ cũng nói rằng “doanh nghiệp tư nhân của Campuchia không bị trì trệ, và đặc biệt, Campuchia không có nhiều doanh nghiệp nhà nước nên họ không gặp trở ngại về hệ thống hành chính”. Ngược lại, theo ông, nguyên nhân chủ yếu của Việt Nam là do “bộ máy hành chính quá cồng kềnh và chậm chạp trong việc cải cách.”
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan hoàn toàn không phản biện vấn đề này. Bà chia sẻ ý kiến với báo trong nước rằng hoạt động kinh tế của Lào và Campuchia không xây dựng ở quy mô hoành tráng. Ngược lại, họ tập trung một số ít ngành có thế mạnh nên dẫn đến chất lượng hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn Việt Nam.
Giáo dục dừng lại
Không phải chỉ riêng nền kinh tế, sự thụt lùi của Việt Nam so với Lào và Campuchia được báo chí trong nước nhắc đến ở nhiều dấu hiệu. Một trong những dấu hiệu đó nằm ở lĩnh vực giáo dục.
Tiến sĩ, nhà giáo Vũ Minh Giang đưa ra ý kiến về dấu hiệu tụt hậu giáo dục ở Việt Nam so với hiện tại và thập kỷ trước.
“Có một thời kỳ người ta đánh giá cao giáo dục Việt Nam thì lúc đó, tôi nghĩ rằng, những thành tựu của giáo dục Việt Nam tập trung ở cái giải quyết mặt bằng có tính đại trà.
Ví dụ từ một dân tộc mà số người không biết chữ rất đông, sau đó bằng nhiều chính sách có tính chất phổ cập thì người biết chữ gần như phổ cập toàn bộ thì đó là thành tích rất lớn của giáo dục Việt Nam.”
Với điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý rất khác nhau của các vùng miền trong xã hội Việt Nam, nhưng nền giáo dục Việt Nam đã tạo ra được một sự tương đối khá đồng đều, Nhà giáo Vũ Minh Giang đánh giá đó là một nỗ lực rất lớn.
Tuy nhiên, ông đưa ra phản biện về ý kiến nói rằng giáo dục Việt Nam đã tụt hậu so với các nước láng giềng từ sau khi giáo dục được phổ cập toàn bộ.
“Những gì mà ngay cả thời kỳ gọi là phát triển mạnh ấy thì bây giờ không gọi là tụt hậu mà là vẫn duy trì như thế. Người ta gọi là dừng lại. Trong khi đó thì các nước xung quanh phát triển bắt kịp với chuyển biến nhanh của thế giới.”
Vào giữa năm 2016, Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, với vai trò là diễn giả trong buổi toạ đàm tại trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết điều ông trăn trở nhất là nguồn nhân lực của Việt Nam không được đào tạo và sử dụng có hiệu quả. So sánh với hình thức thi cử của các nước khác, ông Vinh chỉ ra thể chế của giáo dục Việt Nam là “kiểm soát đầu vào chặt chẽ mà không xem xét kết quả”.
Nhận xét về điều này, nhà giáo, Tiến sĩ Vũ Minh Giang nói rằng hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam cần phải có những cải cách rất mạnh mẽ và cấp bách. Ông gọi vấn đề này là “Đổi mới căn bản toàn diện.”
Cái điều Việt Nam cần phải làm là cải cách thể chế, cải cách bộ máy, nghĩa là nhà nước làm những việc mà đích thị nhà nước làm có hiệu quả và cần thiết.
- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh 
Theo ông, giáo dục Việt Nam đã dừng lại quá lâu một phương thức tiếp cận mà cho đến bây giờ không phù hợp nữa, là tiếp cận nội dung, tức là dạy rất nhiều những kiến thức mà rồi kiến thức đó vận dụng vào xã hội khó khăn. Để tiếp cận nội dung thì học sinh phải học và nhớ rất nhiều. Hệ thống thi cử đánh giá thì cũng theo cách đó.
“Đấy là một hạn chế mà bây giờ đang bắt đầu công việc đổi mới không hề dễ chút nào, rất là khó khăn. Nó chuyển đổi hẳn sang một tiếp cận để người học được học phương pháp, học kỹ năng, học làm người và nhiều cái khác nữa. Bởi bây giờ, kiến thức thì người ta có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, học ở bất cứ đâu.”
Bên cạnh đó, ông ý kiến thêm, người học phổ thông ở Việt Nam còn nhiều hạn chế về định hướng ngành nghề tương lai. Ông nhận thấy sự học ở Việt Nam vẫn còn trong tư tưởng Đại học là con đường duy nhất nên tạo ra sự mất cân đối trong đào tạo.
Bên cạnh nền giáo dục có tính cách đại chúng, theo nhà giáo Vũ Minh Giang, cần phải có một cơ chế thu hút nhân tài, sử dụng tài năng.
“Việc tìm, phát hiện và đặc biệt sử dụng tài năng ở Việt Nam hiện nay vẫn còn đang nhiều cái chưa phù hợp, chưa thu hút tài năng. Nguồn nhân lực tài năng hiện nay đang tìm đường đi nơi này nơi khác, nên vẫn còn hiện tượng người ta hay gọi là chảy máu chất xám.”
Cải cách thể chế
Không thiếu những buổi toạ đàm, những ý kiến của chuyên gia, tiến sĩ trong nước bày tỏ lo ngại về lời cảnh báo Việt Nam thua kém Lào và Campuchia. Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế vĩ mô – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong lần trả lời báo trong nước vào năm 2016 cho biết giải pháp cần thiết theo ông là chính sách tiền tệ phải được cân bằng, giữ ổn định thành quả kinh tế vĩ mô. Nhưng quan trọng hơn hết là cải cách thể chế.
Đồng thuận với ý kiến này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói rằng Việt Nam cần phải xem xét thực hiện một số vấn đề liên quan đến thể chế.
Cái điều Việt Nam cần phải làm là cải cách thể chế, cải cách bộ máy, nghĩa là nhà nước làm những việc mà đích thị nhà nước làm có hiệu quả và cần thiết.
- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
“Cái điều Việt Nam cần phải làm là cải cách thể chế, cải cách bộ máy, nghĩa là nhà nước làm những việc mà đích thị nhà nước làm có hiệu quả và cần thiết. Như chăm lo bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng, chăm lo giáo dục y tế. Còn các lĩnh vực thuần tuý thương mại như sản xuất bia nước ngọt thì nhà nước nên thoái vốn để tư nhân hoạt động có hiệu quả hơn.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói rằng những vấn đề này một lần nữa đã được đề cập trong nghị quyết 19 của năm nay. Kết quả thực hiện sẽ như thế nào, vẫn còn là câu hỏi chưa có đáp án đối với xã hội, người dân Việt Nam. Tuy nhiên, có  hai điều mà ai quan tâm đến tình hình tăng trưởng của đất nước cũng tìm hiểu được, đó là chiếc ôtô “Angkor EV 2014″ lấy tên ngôi đền cổ Angkor của Campuchia được điều khiển bằng điện thoại thông minh và thẻ căn cước tần số rađiô (RFID) có trang bị hệ thống GPS, có vận tốc tối đa 60km/giờ và do nhà sáng chế Nhean Phaloek, người Campuchia thiết kế.
Điều thứ hai, là câu nói nổi tiếng của ông Lý Quang Diệu, cố Thủ tướng Singapore từng nhận xét hàng: “Nếu có vị trí số một Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam.”

Khách du lịch Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam

Lan Hương, phóng viên RFA
Lượng khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam gần đây được cho là cao hơn hẳn so với các năm trước. Một trong những lý do là bởi các tour du lịch giá rẻ, 0 đồng.
Loại hình du lịch này bộc lộ nhiều bất cập khi đưa vào thực tế. Những bất cập đó là gì và ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn gì trong việc quản lý một số lượng lớn khách Trung Quốc?
Số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 27/4 cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay có hơn 4,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có hơn 1,2 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm trước, và tăng mạnh nhất trong nhóm thị trường có lượng khách du lịch Việt Nam.
Số lượng khách Trung Quốc ồ ạt đến Việt Nam như vậy cũng gây nhiều vấn đề cho ngành du lịch Việt Nam. Một hướng dẫn viên chuyên dẫn đoàn Trung Quốc ở Quảng Ninh cho chúng tôi biết:
Không biết có phải xuất phát từ phong tục tập quán của người Trung Quốc hay không, người ta nói năng có vẻ hơi to tiếng. Ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường cũng không được họ chú trọng. Ngoài Quảng Ninh, hiện tại họ còn đến cả Khánh Hòa, Phú Quốc, Kiên Giang, Đà Nẵng. Khách Trung Quốc đến đông như vậy gây nhiều khó khăn trong việc tổ chức hướng dẫn và cung cấp dịch vụ.
Tour giá rẻ, chất lượng kém
Một trong những nguyên nhân thu hút lượng khách Trung Quốc đông như vậy được cho là sự ra đời của các tour du lịch giá rẻ, đặc biệt là tour 0 đồng.
Ông Trần Chí Cường – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng từng giải thích rằng tour 0 đồng thật ra là hình thức du lịch mà du khách không phải bỏ tiền ra mua các dịch vụ mặt đất mà thay vào đó, họ chỉ bỏ tiền đặt mua vé máy bay và nơi lưu trú. Để lấy lại vốn, các đơn vị tổ chức tour đưa du khách tới những cửa hàng bán với giá cao hơn thị trường rất nhiều. Từ khoản chênh lệch trong mua sắm này, các cửa hàng sẽ chi trả tiền hoa hồng lại cho đơn vị tổ chức tour.
Khách Trung Quốc đến đông như vậy gây nhiều khó khăn trong việc tổ chức hướng dẫn và cung cấp dịch vụ.
- Một HDV du lịch
Tuy nhiên ngày 27/3, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đã chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan cần chấn chỉnh ngay hoạt động kinh doanh tour 0 đồng kiểu này vì trong quá trình áp dụng đã để lại nhiều hệ lụy.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, chuyên gia du lịch Việt Nam giải thích với chúng tôi:
Ví dụ người ta buôn bán lời khoảng vài chục phần trăm nhưng để có tiền bù đắp vào tour này có khi họ phải lấy lời 200-300%. Bản thân khách Trung Quốc tưởng là lời vì đi không tốn tiền nhưng thực ra họ phải thiệt hại là vì chất lượng dịch vụ kém. Họ sẽ cắt rất nhiều khoản, chẳng hạn như họ cho đi chơi những nhà thờ không tốn vé, hoặc những chỗ phí cao một chút thì họ sẽ tìm mọi cách để lướt qua hoặc nói để người ta không đi. Mục đích của họ là dành càng nhiều thời gian shopping các tốt như vậy tiền lời từ việc mua sắm sẽ lấy lại được tiền tour. Mua phải những mặt hàng nhiều khi không những không dùng được mà còn nguy hiểm.
Một bất cập lớn nhất được ông Nguyễn Văn Mỹ nhắc tới đó là hình ảnh của Việt Nam sẽ bị làm xấu đi vì hãng du lịch cung cấp những dịch vụ kém chất lượng để tiết kiệm chi phí và bán hàng với giá thành “cắt cổ” để lấy lại kinh phí tour.
Hơn nữa, Việt Nam sẽ phải chịu thất thu thuế từ loại hình du lịch này. Gần đây, Thái Lan công bố mất 9 tỷ đô la Mỹ mỗi năm vì “tour 0 đồng” của Trung Quốc. Hình thức kinh doanh này cũng là nguyên nhân khiến chính phủ Thái Lan thất thu tiền thuế, mất uy tín của ngành du lịch.
Như vậy, hình thức du lịch 0 đồng không mang lại lợi ích gì cho cả khách Trung Quốc và nhà nước Việt Nam. Ông Mỹ cho rằng chính những công ty du lịch mới là những người được hưởng lợi. Ông nói:
Ai sẽ là người được lợi? Một là các công ty lữ hành Trung Quốc. Tiền lời họ lấy còn tiếng xấu Việt Nam chịu. Các công ty du lịch Việt Nam và một số quan chức Việt Nam bán mình cho hội đó sẽ thu được một khoản lợi nhưng không đáng kể. Người ta bảo thả tép bắt tôm, nhưng bi kịch hiện nay của người Việt hiện nay là sẵn sàng đuổi con tôm của đất nước để đổi lấy con tép cho bản thân họ. Vì lợi ích trước mắt mà sẵn sàng bán rẻ lợi ích của đất nước, của cộng đồng.
Vừa rồi phía Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng cho báo giới biết sẽ cương quyết phản đối hình thức du kịch này và yêu cầu các ban ngành rà soát, siết chặt hoạt động kinh doanh này.
Trước những hậu quả không lường của Tour 0 đồng, tỉnh Quảng Ninh – nơi có lượng khách Trung Quốc đông nhất trong cả nước, vừa rồi đã như tiến hành thu hồi giấy phép của các công ty lữ hành khi không có trưởng đoàn, hướng dẫn viên đưa khách qua cửa khẩu, tổ chức “tour 0 đồng”.
Quản lý “không tới nơi tới chốn”
Khách Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam nhưng việc quản lý nguồn khách này của ngành du lịch Việt Nam còn gặp rất nhiều vấn đề. Vừa rồi trang báo Kinh tế & Đô thị đã đăng tải bài viết “Du lịch Việt lúng túng quản lý khách Trung Quốc” trong đó đề cập đến những vấn đề như dịch vụ giá rẻ kém chất lượng tràn lan, hướng dẫn viên Trung Quốc làm “chui” và xuyên tạc lịch sử, địa lý Việt Nam. Khách Trung Quốc đến Nha Trang còn “núp bóng” du khách để kinh doanh trái phép, trong khi chính quyền địa phương hay cơ quan quản lý “ngại” xử lý vi phạm do sợ mất khách. Ngoài ra còn tình trạng “quản lý theo đuôi” của cơ quan chức năng tức là sai phạm xảy ra rồi nhưng một thời gian dài sau đó mới có báo cáo và ra văn bản yêu cầu khắc phục. Ông Nguyễn Văn Mỹ phân tích thêm:
Những người Trung Quốc qua đây quấy rối, làm đảo lộn trật tự xã hội mình có thể cấm cửa không cho vào.
- Ông Nguyễn Văn Mỹ 
Để xảy ra chuyện này cũng có trách nhiệm về mặt quản lý của nhà nước, không dự báo được từ trước, không chuẩn bị tinh thần để đối phó. Khách Trung Quốc đâu phải bây giờ mới lộn xộn, họ lộn xộn từ trước đến nay rồi. Thay vì trước đó chấn chỉnh, thì lại chờ đến lúc xảy ra rồi mới đối phó. Những người Trung Quốc qua đây quấy rối, làm đảo lộn trật tự xã hội mình có thể cấm cửa không cho vào.
Thứ 2, là chưa thấy xử lý những người Việt tiếp tay. Có thể là vì đồng tiền bao che. Tôi nghĩ rằng phải xử lý quyết liệt những người Việt tiếp tay, kể cả quan chức.
Cũng trong thông báo ngày 27/4 phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao các ban ngành liên quan triển khai đồng bộ việc quản lý kinh doanh lữ hành, đặc biệt là hoạt động đón khách du lịch Trung Quốc bằng đường bộ.
Vừa qua, nhiều người dân lên tiếng phản ánh tình trạng nhiều cửa hàng ở Hạ Long treo biển tiếng Trung, nhân viên nói tiếng Trung, giao dịch bằng nhân dân tệ và chỉ bán đồ cho người Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tỉnh Quảng Ninh kiểm tra và xử lý tình trạng đó.

Giáo dục trước và sau năm 1975

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Giáo dục các thế hệ trở thành những con người có đầy đủ lòng yêu thương và nhân cách để bước vào đời, hòa điệu cùng xã hội hay đào tạo ra những cỗ máy biết đi, đứng, nằm ngồi và biết đào ra tiền nhưng lại nhanh chóng làm nghèo đất nước? Đó là câu hỏi chung của mọi nền giáo dục. Vấn đề giáo dục tại Việt Nam trước và sau 30 tháng 4 năm 1975 là một câu chuyện dài. Trong giới hạn của tường trình này, chúng tôi chỉ xin phép đề cập đến những lát cắt thông qua các nhận định của những người từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, trong phép so sánh của họ về giáo dục trước và sau 1975 tại Việt Nam.
Một nền giáo dục nhân bản đã mất
Thầy Luận, một giáo sư dạy cấp trung học phổ thông (trước năm 1975, những người dạy trung học phổ thông được gọi là giáo sư), chia sẻ: “Hồi đó giáo dục thì yêu thương gia đình, tổ quốc, tôn sư trọng đạo, nhưng họ làm thật. Rồi chào cờ thì phải nghiêm túc, đi gặp đám tang thì dở mũ đưa tiễn, đó là nhưng thứ liên quan đến đạo đức mà gần như ai cũng được dạy và làm. Hồi đó học sinh tôn trọng thầy lắm, sợ thầy lắm. Còn thầy thì gương mẫu lắm, nghiêm túc. Cái kiểu mặc quần đùi lên giảng dạy là không có rồi. Anh có thể dạy học sinh phá vỡ nhiều thứ, ví dụ như những hủ tục nhưng tư cách của anh phải nghiêm túc. Mô phạm đó.”
Theo thầy Luận, vấn đề trọng tâm của giáo dục nằm ở chỗ người làm quản lý và người dạy đang nắm cái lõi nào, nhắm vào trung tâm, hạt nhân nào để từ đó khai triển thành một bộ khung triết lý trong giáo dục con người. Và nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa miền Nam Việt Nam đã làm được điều này.
Theo ông, chính nhờ vào nền giáo dục nhân bản, lấy triết lý con người làm trung tâm mà trong vòng hai mươi năm nội chiến với khói lửa chiến tranh và máu đổ, nền giáo dục miền Nam vẫn mọc lên những cây trái thành tựu hết sức xuất sắc với những cái tên như Bùi Giáng, Bùi Văn Nam Sơn, Phạm Cộng Thiện, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh cùng hàng loạt trí thức, nghệ sĩ tài năng và đức độ khác.
Điều này, cũng tại miền Nam Việt Nam, với quĩ thời gian hơn gấp đôi, 42 năm, sống trong hòa bình, không có lửa đạn chiến tranh nhưng lại không có những cá nhân xuất sắc như trước đây. Đó là nói riêng về các thành tựu đỉnh cao,nhưng khi nói tới giáo dục, mặt bằng chung vẫn là quan trọng nhất, nghĩa là một xã hội được hình thành từ giáo dục như thế nào. Điều này thì giáo dục miền Nam Việt Nam tốt hơn rất nhiều so với giáo dục sau 1975.
Với triết lý nhân bản, dân tộc và khai phóng, qua giáo dục, phát triển toàn diện mỗi cá nhân, phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh, phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học… Điều này đã mang lại một mặt bằng xã hội tương đối cân bằng, ổn định bởi sự hiểu biết, tôn trọng dân chủ, yêu quê hương, đất nước và yêu dân tộc cũng như coi trọng con người, lấy nhân cách và phẩm hạnh làm mục tiêu của đời người.
Như kết luận vấn đề đã nêu, thầy Luận cho rằng nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là một nền giáo dục tốt nhất trong lịch sử các nền giáo dục Việt Nam trong lịch sử và cho đến thời điểm hiện nay. Và hơn nữa, vấn đề chính phủ, nhà nước quan tâm đến giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa cũng là điều đáng nói, bởi ngân sách giáo dục tuy không phì đại như hiện nay nhưng lại đảm bảo học sinh không tốn tiền khi đến trường và nếu học tốt thì có cơ hội du học nước ngoài. Nền giáo dục không có tính chợ búa như nền giáo dục hiện tại.
Một nền giáo dục chợ búa
Như để chứng mình cho những luận điểm của thầy giáo cũ của mình, thầy Toàn, một giáo viên dạy môn văn vừa nghỉ hưu, chia sẻ thêm: “Thì đầu tiên, chính sự dối trá đã phá vỡ giáo dục. Nó dẫn đến giả bằng thật, dẫn đến bệnh háu danh, cả xã hội bùng lên lạm phát bằng cấp. Rồi người ta lợi dụng, hợp thức hóa những cái bằng, học vị chuyên tu, toàn bi kịch, dốt nát kinh khủng, điều này kéo dài đã bao nhiêu năm. Rồi những cái học vị xỏ lá đó tạo nên những vết thương trong xã hội, cái bất công trong giáo dục cũng giống như bất công trong xã hội vậy.
Cái bất công trong giáo dục là thằng học vị cao nhất, ngu dốt nhất sẽ là thằng lên học vị cao nhất bởi nó sẽ tìm cách hợp thức hóa cái bằng nhanh nhất, cái học vị khốn nạn nhất. Những cái thằng học đại học chuyên tu nó sẽ là thằng đầu tiên đi học thạc sĩ chuyên tu. Chính vì sự chen lấn như vậy nên người có học theo kiểu này càng có nhiều bằng cấp, học vị càng tàn ác bởi họ trả giá quá đắt. Cái kiểu đổi tình, đổi tiền lấy điểm phổ biến.
Và khi mà họ đã trả giá quá đắt cho việc có được cái bằng, cái học vị đó, cả thân xác họ mà họ còn không quý nữa thì nghĩa lý gì người khác, họ phải tận thu để ‘bù vốn’, vì họ đầu tư quá lớn. Cái trụ cột đạo đức bị gãy. Như những cô giáo mẫu giáo, họ nghĩ ra việc trộn thuốc ngủ cho con người ta ăn đi ngủ khỏi phải trông. Những cái độc ác xuất phát từ những gì độc ác mà họ phải trải qua trong quá trình chen lấn để lấy cái bằng.”
Theo thầy Toàn, để nói về nền giáo dục Việt Nam hiện tại, ông có thể tóm gọn trong mấy chữ, đó là nền giáo dục chợ búa. Tính chợ búa này thể hiện rất rõ trong các chính sách giáo dục tốn kém nhưng không có hiệu quả và đằng sau nó là hàng tá các nhà giáo dục xôi thịt đang chực chờ để tham nhũng, đục khoét. Cứ mỗi lần cải cách giáo dục, học sinh phải chịu thêm một gánh nặng mới từ học phí, sách mới, học thêm, kính thưa các loại gánh nặng chất lên đôi vai non nớt của học sinh.
Nói sâu xa hơn một chút, nền giáo dục phía Bắc vĩ tuyến 17 những năm trước 1975 đã có những dấu hiệu thiếu vắng tính nhân bản. Nếu như miền Nam chú trọng vào triết lý nhân bản trong giáo dục thì miền Bắc lại tập trung vào tính chiến đấu trong giáo dục. Những bài thơ, những truyện ngắn đầy tính giết tróc được áp dụng triệt để trong các giáo trình văn học miền Bắc. Từ thơ Tố Hữu cho đến truyện ngắn của Nguyên Ngọc và nhiều nhà văn, nhà thơ khác. Các tác phẩm văn học miền Bắc đều lấy tinh thần kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam làm kim chỉ Nam.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, trận gió giáo dục mang tính chiến đấu của miền Bắc đã xô dạt những thư viện giáo dục nhân bản miền Nam. Và hệ quả của nó là suốt 42 năm, nền giáo dục càng lúc càng bệ rạc. Những quan chức giáo dục bị kỉ luật ở cấp thấp thì lại được thăng cấp, nhảy tót lên ghế trên để làm quản lý. Hiện tại, có nhiều quan chức giáo dục cấp tỉnh, với vị trí giám đốc sở giáo dục, nhưng nếu chịu khó kiểm tra kiến thức, trình độ và đạo đức của họ, dường như là có quá nhiều vấn đề để bàn.
Theo thầy Toàn, có người từng bị kỉ luật ở nhà trường vì nạn đề đóm nhưng sau đó lại được cất nhắc làm chuyên viên sở, rồi cuối cùng là giám đốc sở giáo dục, trong khi đó, người này từng ra đề thi sai nhiều lần vì không có kiến thức và ông ta chỉ giỏi duy nhất một điều, đó là biết làm được lòng cấp trên, biết đội trên đạp dưới.
Một nền giáo dục không có triết lý, không coi trọng dân chủ và không đề cao nhân cách đã và đang cho ra những đáp số xã hội đầy rẫy tội lỗi và cái ác. Thầy Toàn khẳng định rằng nếu như truy tìm nguyên nhân gây ra một xã hội hết sức manh động và vô cảm như hiện tại, nền giáo dục đã góp một phần rất lớn để xây dựng nên xã hội như đang thấy.
Nói cho cùng, một nền giáo dục chỉ lấy vật dục làm kim chỉ Nam và không coi trọng tính nhân bản, tính dân chủ, cộng thêm với sự thiếu thành thật và phiến diện sẽ không bao giờ là một nền giáo dục có khả năng hoàn thiện con người. Và những người trưởng thành trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, nói cho cùng là nhờ vào niềm đam mê tri thức cũng như thiện căn có sẵn của họ chứ không phải do tác động của giáo dục.
Một nền giáo dục tốt phải là nền giáo dục có khả năng tác động, làm giàu nhân tính xã hội, ngược lại, một nền giáo dục tồi tệ là nền giáo dục luôn chịu lời nhắc nhở về nhân tính cũng như phẩm hạnh từ xã hội. Và nền giáo dục Việt Nam kể từ sau 30 tháng 4 năm 1975 đến nay là nền giáo dục như thế!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?