Tin khắp nơi – 28/04/2017

Tin khắp nơi – 28/04/2017

Hạ viện Mỹ sắp biểu quyết tăng chế tài Bình Nhưỡng

Hạ viện Mỹ sớm nhất là tuần tới sẽ biểu quyết về dự luật tăng cường các biện pháp chế tài đối với Bắc Triều Tiên bằng cách nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp vận tải biển của Bình Nhưỡng và các công ty làm ăn với nước này, theo nguồn tin từ các phụ tá ở Hạ viện ngày 27/4.
Dự luật được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ thông qua vào tháng trước nhắm mục tiêu cắt đứt nguồn cung cấp tiền mặt giúp tài trợ cho chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và tăng áp lực để ngăn chặn vi phạm nhân quyền như sử dụng lao động nô lệ, Chủ tịch Ủy ban, dân biểu Ed Royce bảo trợ dự luật này, cho biết.
Dự luật cũng kêu gọi chính phủ của Tổng thống Donald Trump xác quyết liệu Bắc Triều Tiên có phải là nhà nước tài trợ cho khủng bố hay không.
Giữa những quan ngại quốc tế về leo thang hạt nhân tại Bắc Triều Tiên, giới chức hàng đầu của chính quyền Trump hôm 26/4 đã tổ chức buổi điều trần với toàn thể Thượng viện về vấn đề Triều Tiên tại Tòa Bạch Ốc và sau đó tới họp kín với 435 thành viên trong Hạ viện tại trụ sở Quốc hội.
Dân biểu Ed Royce hy vọng dự luật vừa kể sẽ xúc tiến nhanh chóng, một phần trong nỗ lực mạnh mẽ của quốc tế nhằm dùng mọi biện pháp có thể để áp lực Bình Nhưỡng hạn chế tham vọng hạt nhân.
Chính quyền Tổng thống Trump muốn thúc đẩy Bắc Triều Tiên giải giới bằng các biện pháp chế tài và áp lực ngoại giao khắt khe hơn, nhưng vẫn mở ngỏ cho các cuộc đàm phán để đưa đến kết quả.
Các quan chức Mỹ hôm 26/4 cũng cho biết muốn đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách tài trợ khủng bố.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ họp với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 28/4 để thúc đẩy các biện pháp trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt hơn đối với Bình Nhưỡng.

Căng thẳng giữa Nga và Phương Tây

tại hội nghị an ninh Moscow

Những căng thẳng giữa Nga và phương Tây về vấn đề an ninh ở châu Âu, Trung Đông và châu Á đã nổi lên tại một hội nghị quốc phòng hàng năm ở Moscow. Những điểm nóng chính bao gồm tình hình Syria và việc mở rộng liên minh NATO. Từ Moscow Thông tín viên Daniel Schearf của VOA tường trình thêm chi tiết.
Ngoại trưởng Nga mạnh mẽ cảnh báo về mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng và nguy cơ xảy ra xung đột toàn cầu.
“Tình hình trên thế giới không trở nên ổn định hơn hay dễ tiên đoán hơn, mà hoàn toàn ngược lại. Trước mắt, chúng ta thấy sự căng thẳng đó đang tăng cả ở cấp khu vực lẫn trên toàn cầu.”
Như thể để nhấn mạnh điểm này, tên lửa của Israel đánh trúng một địa điểm bị nghi là kho vũ khí của Iran ở thủ đô Damascus, chỉ vài giờ sau khi ông Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Israel gặp nhau tại Hội nghị An ninh Quốc tế thường niên ở Moscow.
Nhà phân tích Alexey Malashenko nói qua Skype rằng các cuộc không kích này cho thấy tính chất phức tạp của mối quan hệ giữa Nga với Israel.
Ông Alexey Malashenko nói:
“Nga đang trong vị thế khó khăn là đu dây giữa Israel và Iran. Vị thế này tạo ra một số vấn đề, nhưng theo tôi nghĩ, tình hình hiện nay sẽ vẫn tiếp diễn. Nga sẽ giữ mối quan hệ bình thường với cả hai nước.”
Nga nói rằng họ muốn có một liên minh toàn cầu chống khủng bố và đang chiến đấu chống khủng bố ở Syria, tương tự như điều mà một liên minh phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đang làm.
Về Đông Á, Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, đang ở thăm Moscow, thảo luận về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Nga đồng ý tăng áp lực lên Bình Nhưỡng để chính quyền nước này từ bỏ các tham vọng hạt nhân, nhưng Nga nhấn mạnh là chỉ làm việc này qua trung gian của Hội đồng Bảo an LHQ.

Mỹ: Visa cho 7 nước Hồi giáo giảm

Số visa Mỹ cấp cho công dân bảy nước trong sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump trong tháng ba ít hơn 40% so với mức trung bình hàng tháng hồi năm ngoái, theo phân tích của Reuters dựa trên dữ liệu sơ bộ của chính phủ Mỹ công bố hôm 27/4.
Tuy nhiên, số liệu cho thấy tổng số thị thực không định cư mà Hoa Kỳ cấp cho công dân tất cả các nước tăng gần 5% trong tháng rồi so với mức trung bình hàng tháng năm 2016.
Công dân từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo trong lệnh cấm bao gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen trong tháng 3 năm nay nhận được 3.200 thị thực không định cư tới Mỹ, so với trung bình khoảng 5.700 visa mỗi tháng trong năm tài chính 2016 và con số hơn 6.000 visa hàng tháng của năm 2015 và 2014.
Tòa Bạch Ốc chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Các luật sư nói mức sụt giảm trong tháng rồi là đáng chú ý và rằng số liệu được công bố ngày 27/4 cho thấy các chính sách của ông Trump tác động thế nào đến quyết định cấp thị thực của cơ quan hữu trách Mỹ.
Tổng thống Trump nói sắc lệnh cấm du lịch nhằm bảo đảm an toàn cho người Mỹ trước các cuộc tấn công khủng bố.
Sắc lệnh ông ký ngày 27 tháng 1 cấm người dân từ bảy quốc gia vừa kể vào Mỹ trong 90 ngày đã bị các tòa án liên bang ngăn chặn và chính quyền Trump đã thay thế bằng lệnh cấm sửa đổi hôm 16 tháng 3, bỏ Iraq khỏi danh sách. Lệnh lần hai này cũng bị các tòa án đình chỉ.

Hai lính Mỹ thiệt mạng ở Afghanistan

Ngũ Giác Đài cho biết hai binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng và người thứ ba bị thương trong một cuộc đột kích chống các phần tử nổi dậy tại khu vực hoạt động của Nhà nước Hồi Giáo ở miền đông Afghanistan.
Một thông báo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng hôm tối thứ Tư, các binh sĩ Mỹ đang hành quân cùng với các lực lượng an ninh Afghanistan thì bị tấn công.
Tướng John W. Nicholson, Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ-Afghanistan, nói: “Cuộc chiến chống lại ISIS tại tỉnh Khorasan rất quan trọng đối với thế giới, nhưng thật đáng buồn, không thể tránh khỏi hy sinh, mất mát.”
Đầu tháng này, một máy bay chiến đấu Mỹ đã thả một quả bom lớn nhất trong kho vũ khí của Hoa Kỳ vào mạng lưới hầm trú ẩn của IS ở tỉnh Nangarhar. Cuộc tấn công này được mô tả là một phần của một chiến dịch để tiêu diệt IS.
Các giới chức nói ít nhất 92 phần tử nổi dậy bị hạ sát trong vụ đánh bom đó.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho biết các lực lượng Afghanistan và Mỹ phối hợp chặt chẽ với nhau trong vụ đánh bom.

Hoa Kỳ sẵn sàng mở cuộc chiến với Bắc Hàn

Hôm nay, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson chủ trì phiên nhóm đặc biệt của Hội Đồng Bảo An, để thảo luận về căng thẳng đang xảy ra ở bán đảo Triều Tiên do chương trình tên lửa và hạt nhân của Bắc Hàn gây nên.
Trước khi phiên họp bắt đầu, tin từ Washington cho hay Hoa Kỳ có thể đề nghị Hội Đồng Bảo An thông qua một nghị quyết mới, trong đó lên án những hành động gây hấn mà Bắc Hàn thường làm, đồng thời kèm theo một số biện pháp cấm vận đối với nhà cầm quyền Bình Nhưỡng.
Những nguồn tin khác nhau phát xuất từ Nhà Trắng cho hay hai đề nghị sẽ được Hoa Kỳ và các nước đồng minh đưa ra là không cho hãng hàng không Bắc Hàn bay những đường bay quốc tế, và cấm các ngân hàng nước ngoài hoạt động tài chánh với Bình Nhưỡng.
Những điểm này được giải thích là nhằm mục đích ngân chận không cho Bắc Hàn có ngoại tệ.
Hôm 27 tháng tư trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Reuters, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump nhắc lại ông muốn giải quyết khủng hoảng với Bắc Hàn theo đường lối ngoại giao, ôn hòa, nhưng đồng thời cũng cho hay đó là điều rất khó làm, và cảnh báo một cuộc xung đột rất lớn có thể xảy ra giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Tổng Thống Hoa Kỳ không nói rõ xung đột này là gì, sẽ diễn ra giới hình thức nào, nhưng trong những tuần gần đây, các viên chức cao cấp của hành pháp Mỹ đều nói mọi giải pháp đều được nói tới, và tuần rồi khi ghé thăm Nam Hàn và Nhật Bản, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence còn nói rằng nước Mỹ đã sẵn sàng rút gươm ra khỏi vỏ, cho thấy nếu cần thiết, Washington sẵn sàng mở cuộc chiến với Bắc Hàn.
Cũng trong ngày 26 tháng tư, Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson cho hay được Trung Quốc thông báo là đã cảnh cáo Bình Nhưỡng rằng nếu Bắc Hàn tiếp tục nổ thử nghiệm hạt nhân, lúc đó Bắc Kinh sẽ có những biện pháp trừng phạt riêng đối với chính phủ Bình Nhưỡng.
Chính Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng lên tiếng ca ngợi những nỗ lực mà Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện trong những tuần qua, để giúp giải quyết vấn đề Bắc Hàn.
Trong cuộc phỏng vấn của Reuters, Tổng Thống Trump cho biết ông Tập Cận Bình không hề muốn thấy hỗn loạn và chết chóc, do đó, nhà lãnh đạo Bắc Kinh muốn làm một điều gì đó để giải quyết tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên.
Tổng Thống Hoa Kỳ còn ngợi khen ông Tập là một người tốt, là nhà lãnh đạo yêu nước và yêu nhân dân Trung Quốc.

100 ngày đầu của Trump: Lo ngại về hạt nhân

Một cựu quan chức chuyên trách chống phổ biến vũ khí hàng loạt lo ngại trước quan điểm của Donald Trump về vũ khí hạt nhân.
Ông Thomas Countryman, nguyên trợ lý ngoại trưởng chuyên trách an ninh quốc tế và chống phổ biến vũ khí hàng loạt bị buộc phải từ nhiệm ngay sau khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống.
Ông Countryman ví 100 ngày đầu làm tổng thống của ông Trump như theo dõi một cảnh quay chậm của “vụ tai nạn xe lửa”.

Luật sư nhân quyền Lý Hòa Bình bị kết tội ‘lật đổ’

Một trong những luật sư nhân quyền nổi tiếng nhất Trung Quốc bị kết án ba năm tù treo về tội lật đổ chính quyền.
Luật sư Lý Hòa Bình bị kết án trong phiên xử kín, truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Phiên xử diễn ra hôm 25/04 ở Tòa án Nhân dân Trung cấp số Hai thành phố Thiên Tân, và có những thông tin mật cấp nhà nước, theo thông tin từ mạng xã hội Weibo của tòa án.
Ông Lý Hòa Bình đã bào chữa cho nhiều luật sư có tiếng khác, trong đó có ông Trần Quang Thành và Cao Trí Thịnh, cũng như một số nhân vật theo Pháp Luân Công.
Ông Lý bị bắt giữ từ năm 2015 trong đợt đàn áp diện rộng của chính quyền Tập Cận Bình.
‘Bôi nhọ chính quyền’
Ông Lý Hòa Bình không được hưởng đặc quyền chính trị, tòa án cho biết.
Hưởng án treo có nghĩa là ông có thể sẽ sớm được thả. Thời gian tạm giam cũng sẽ được tính vào mức án tù treo.
Tuy nhiên, vợ ông Lý, hiện sống ở Bắc Kinh, nói với BBC rằng bà đã nói chuyện ngắn với chồng qua điện thoại hôm thứ Sáu 28/04, và ông yêu cầu bà tới thành phố Thiên Tân nơi ông bị tạm giữ.
Bà Vương Tiễu Lĩnh nói bà bị cảnh sát mặc thường phục theo dõi nên không muốn đi Thiên Tân.
Trong tuyên án, tòa nói từ năm 2008, ông Lý đã dùng mạng xã hội và truyền thông nước ngoài để “bôi nhọ và tấn công các cơ quan nhà nước và hệ thống pháp luật”.
Tòa cũng cáo buộc ông dùng tiền của nước ngoài để “can thiệp vào những vụ án quan trọng” và thông đồng với một số người “nung nấu ý định lật đổ”, trong đó có nhiều luật sư và những người “tham gia các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp”.

Trump khen ngợi Tập trong nỗ lực giải quyết Bắc Hàn

Tổng thống Mỹ Donald Trump khen ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc giải quyết vấn đề Bắc Hàn, và nói ông Tập là “một người đàn ông tốt,” một người yêu nước.
Tổng thống Mỹ nói với Reuters rằng ông rất muốn giải quyết khủng hoảng theo phương cách ngoại giao nhưng nó “rất khó” và “một xung đột lớn, rất lớn” có thể xảy ra.
Ông nói hẳn đã “rất khó khăn” cho Kim Jong-un khi phải dẫn dắt Bắc Hàn khi tuổi đời còn trẻ.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang có một buổi họp để bàn luận về Bắc Hàn hôm 28/4.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói phía Trung Quốc đã trao đổi với Mỹ rằng nước này sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên Bắc Hàn nếu Bình Nhưỡng tiếp tục các vụ thử hạt nhân.
Sau khi nhậm chức, ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc vì đã không nỗ lực đủ để kiểm soát Bắc Hàn, và đề nghị Hoa Kỳ sẽ có hành động đơn phương.
Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tại Phòng Bầu Dục, ông Trump – người đã gặp ông Tập vào tháng trước – nói chủ tịch Trung Quốc “không hề muốn thấy sự hỗn loạn và chết chóc.”
“Ông Tập là một người tốt và tôi đã hiểu ông ấy hơn.”
“Ông ta yêu Trung Quốc và yêu quý nhân dân Trung Quốc. Tôi biết ông ta rất muốn làm điều gì đó, có thể ông ấy không làm gì được,” ông Trump nói.
Về ông Kim, ông Trump nói: “Anh ta chỉ mới 27 tuổi. Cha anh ta qua đời, anh ta lên thay thế. Nói gì thì nói, hẳn nó đã không dễ dàng gì ở độ tuổi đó.”
Nhưng ông Trump nhấn mạnh rằng ông không “công nhận anh ta” và nói thêm “Tôi hi vọng anh ta suy nghĩ sáng suốt.”
“Có khả năng là chúng ta sẽ có một xung đột lớn, rất lớn với Bắc Hàn. Chắc chắn vậy,” ông Trump nói.
Bắc Hàn đã tiến hành nhiều đợt thử tên lửa liên tiếp trong vài tháng gần đây và đang đe dọa sẽ tiến hành cuộc thử hạt nhân lần thứ sáu.

Đức giáo hoàng đến Ai Cập để tái lập đối thoại với Hồi Giáo

Đức giáo hoàng Phanxicô hôm nay 28/04/2017 đến Ai Cập với hy vọng tái lập đối thoại giữa Công Giáo và Hồi Giáo, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ các tín đồ Cơ Đốc vùng Cận Đông đang là nạn nhân những vụ tấn công liên tục của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS).
Trong một thông điệp video gởi đến người dân Ai Cập hôm thứ Ba 25/4, người đứng đầu Giáo Hội tố cáo « bạo lực mù quáng », mong muốn chuyến đi « hành hương hòa bình » của ngài diễn tiến tốt đẹp, giúp tiến hành cuộc đối thoại liên tôn giáo.
Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh căng thẳng, ba tuần sau các vụ khủng bố của Daech vào một nhà thờ Công giáo ở Alexandria làm cho 45 người thiệt mạng ngay trong Chủ nhật Lễ Lá. Daech còn nhận trách nhiệm vụ tấn công đẫm máu vào một nhà thờ Chính thống giáo ở Cairo tháng 12/2016, khiến hầu hết giáo dân vùng Bắc Sinai phải di tản.
Bất chấp mọi nguy cơ, đức giáo hoàng Phanxicô vẫn yêu cầu di chuyển bằng xe bình thường không có kính chống đạn, trong chuyến thăm Cairo 27 tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Chính quyền Ai Cập cố gắng giữ an ninh các con đường xung quanh đại sứ quán Vatican và các địa điểm khác của thủ đô, cấm đậu xe hơi và chận lối băng qua đường của khách bộ hành.
Ngoài giáo chủ Chính thống giáo Théodore II của Alexandria, Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ gặp gỡ tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sissi và giáo chủ Hồi giáo Ahmed Al Tayeb, phụ trách đền thờ Al Azhar chuyên giảng dạy đạo Hồi Sunni.
Cuộc đối thoại với giáo chủ Al Azhar, người đã cắt đứt quan hệ với Tòa Thánh năm 2011, gây chút ít bất mãn cho phe bảo thủ ở Vatican. Tuy nhiên ông Azhar vốn luôn chỉ trích Daech, có thể là đồng minh quý giá của Tòa Thánh.
Từ khi được bầu lên năm 2013, Đức giáo hoàng Phanxicô liên tục chìa tay về phía người Hồi giáo, đến nỗi đôi khi gây bất bình cho tín đồ Công Giáo. Ngài đã đến thăm các đền thờ đạo Hồi, rửa chân cho các di dân Hồi Giáo trong dịp lễ Phục Sinh, mang theo ba gia đình Syria theo đạo Hồi từ đảo Lesbos, Hy Lạp về Vatican cưu mang.

Nghị Viện Châu Âu bị thiệt 5 triệu euro

vì Mặt Trận Quốc Gia Pháp

Nghị Viện Châu Âu ước tính bị thiệt hại gần 5 triệu euro vì các khoản tiền lương sai lệch của các trợ lý nghị sĩ châu Âu của đảng Mặt Trận Quốc Gia (Front National, FN) trong khoảng thời gian từ năm 2012-2017.
Theo tiết lộ của một nguồn tin nắm rõ hồ sơ với AFP ngày 27/04/2017, số tiền được cập nhật đến ngày 21/04 là 4.978.122 euro, sau khi phát hiện « nhiều tình tiết mới » liên quan đến hồ sơ này trong những tháng vừa qua. Trước đó, vào tháng 09/2015, số tiền thiệt hại được Nghị viện ước tính là 1,9 triệu euro.
Tuy nhiên, con số này còn có thể thay đổi, theo ghi chú của luật sư của Nghị Viện Châu Âu gửi đến các thẩm phán dự thẩm. Luật sư Patrick Maisonneuve đã khẳng định thông tin trên với AFP. Vẫn theo văn bản của luật sư, 17 nghị sĩ châu Âu của đảng Mặt Trận Quốc Gia, trong đó có cả ứng viên tổng thống Pháp Marine Le Pen, bị nhắm đến.
Luật sư của ứng viên cực hữu Marine Le Pen cho rằng « các xâm phạm bí mật này được tính toán để tiết lộ đúng lúc » khi vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào ngày 07/05. Bà Le Pen bác bỏ mọi điểm bất thường và tố cáo « một cuộc chiến mang tính chính trị » nhằm chống lại bà.
Thứ Tư 26/04, Nghị Viện Châu Âu đã khởi động tiến trình để dỡ bỏ quyền miễn trừ nghị sĩ của bà Marine Le Pen sau khi nhận được yêu cầu của các quan tòa Pháp để có thể tiến hành điều tra về hồ sơ « việc làm giả » cho các trợ lý nghị sĩ châu Âu của đảng FN.
Nghị Viện Châu Âu đã tiến hành thủ tục đòi đảng FN hoàn trả 1,1 triệu euro liên quan đến 6 nghị sĩ châu Âu của đảng này, trong đó có bà Marine Le Pen (340.000 euro). Phía đảng FN đã kháng án lên các tòa án châu Âu.

Assad muốn mua hệ thống chống hỏa tiễn mới nhất của Nga

Tổng thống Syria Bachar Al Assad hôm qua 27/04/2017 khẳng định đang thương lượng với Nga để mua một hệ thống chống hỏa tiễn thế hệ mới nhất của Nga, nhằm đối phó với các vụ tấn công của Israel và mối đe dọa Mỹ.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Telesur của Venezuela, được hãng thông tấn chính thức Syria là Sana đăng lại, ông Assad nói rằng : « Mong muốn sở hữu hệ thống phòng không này là chuyện đương nhiên, vì Israel từ khi lập quốc năm 1948 luôn tấn công vào các nước Ả Rập xung quanh ».
Hồi tháng Giêng, chế độ Damas đã tố cáo Israel oanh kích vào sân bay quân sự Mazzé ở ngoại ô thủ đô, nơi đặt trụ sở tình báo của không quân. Hôm qua Syria lại cáo buộc Tel Aviv gây ra vụ nổ lớn gần sân bay quốc tế Damas.
Trước đó hôm 7/4, Mỹ đã cho bắn 59 hỏa tiễn hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Al Chaayrate, mà Lầu Năm Góc cho là nơi xuất phát vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào khu vực quân nổi dậy.
Tại Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ hôm qua yêu cầu Hội Đồng Bảo An họp lại về cuộc xung đột Syria, gây áp lực lên Nga, đồng minh của Damas để áp đặt ngưng bắn và đưa viện trợ nhân đạo đến Syria.
Trên thực địa, hai máy bay có lẽ của Syria và Nga đã thả bom xuống hai bệnh viện ở tỉnh Idlib do phe nổi dậy kiểm soát, làm 8 nhân viên y tế và thường dân thiệt mạng.

Nga nổi giận vì Sputnik và RT

bị ứng viên tổng thống Pháp Macron từ chối

Matxcơva hôm qua 27/04/2017 lên án đội ngũ của ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron phân biệt đối xử khi từ chối cho hai cơ quan truyền thông Nga tham gia các sự kiện. Phía ông Macron khẳng định tờ Sputnik và đài RT là « các cơ quan tuyên truyền của Nhà nước », chuyên « đưa các thông tin dối trá một cách có hệ thống ».
Hai cơ quan báo chí được Nhà nước Nga tài trợ cho biết đã bị mời ra khỏi trụ sở của ban chỉ huy chiến dịch tranh cử của ông Emmanuel Macron hôm Chủ nhật tuần trước, khi đến để đưa tin kết quả vòng một.
Quyết định này khiến Matxcơva giận dữ. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga tố cáo một sự vi phạm tự do báo chí « quá đáng », cho rằng « đây là một sự phân biệt đối xử » với truyền thông Nga, của « ứng cử viên tổng thống một nước luôn chú trọng tự do ngôn luận ».
Một phát ngôn viên phong trào « Tiến Bước ! » của ông Emmanuel Macron khẳng định với Reuters là sẵn sàng giải thích với chính quyền Nga, cùng với đầy đủ chứng cớ cho việc từ chối Sputnik và RT. Phát ngôn viên này nhấn mạnh không coi đây là hai tổ chức báo chí mà « thực sự là cơ quan tuyên truyền của Nhà Nước », « chuyên đưa tin bịa đặt một cách có hệ thống » – một hiện tượng « khá đặc thù ».
Nga bị nghi ngờ đứng sau một loạt vụ tấn công tin tặc trong những tháng gần đây nhắm vào phong trào « Tiến Bước ! ». Theo báo cáo của công ty an ninh mạng Trend Micro hôm thứ Ba 25/4, phong trào này là mục tiêu tấn công của một nhóm tin tặc Nga trong tháng Ba.
Emmanuel Macron, ứng viên trung dung ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu, được cho là có nhiều khả năng thắng ứng viên cực hữu thân Nga, bà Marine Le Pen. Tổng thống Nga Putin đã tiếp bà Le Pen hồi tháng Ba, nhưng Kremlin vẫn khẳng định không dành ưu ái cho chủ tịch đảng cực hữu Pháp.
Ngoài ra, Nga còn bị tố cáo là đã tấn công tin học vào đảng Dân Chủ Mỹ và bà Hillary Clinton, nhằm giúp ông Donald Trump thắng cử tổng thống năm ngoái. Berlin cũng bày tỏ quan ngại có bàn tay của Matxcơva.

Mỹ: Lầu Năm Góc điều tra cựu cố vấn an ninh Michael Flynn

Bộ Quốc Phòng Mỹ ngày 27/04/2017 thông báo mở một cuộc điều tra liên quan đến tướng Michael Flynn, chỉ một ngày sau khi ủy ban của Quốc Hội tiết lộ cựu cố vấn an ninh quốc gia của Donald Trump đã vi phạm quy tắc. Ông Flynn đã không xin phép Lầu Năm Góc để xuất ngoại và làm việc có thù lao, cho nước ngoài, gồm Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio tại Washington, Lầu Năm Góc đã quyết định tham gia cuộc điều tra lại đang rộ lên về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump và Matxcơva.
« Một lần nữa, tướng Flynn lại trở thành tâm điểm chú ý. Các nghị sĩ cho biết, cơ quan tình báo của bộ Quốc Phòng đã thông báo (bằng văn bản) cho cựu sĩ quan quân đội về các nghĩa vụ của ông khi xuất ngũ. Nhưng dường như, ông Michael Flynn đã không đoái hoài đến những nghĩa vụ này. Ngày 27/04, ông Sean Spicer, phát ngôn viên của Nhà Trắng, nhận định là chính quyền Obama phần nào cũng phải chịu trách nhiệm.
Ông nói : Chính chính quyền Obama đã đồng ý cho ông Flynn làm việc này. Khi ai đó xin phép và được chấp nhận ở cấp cao nhất và có giá trị trong vòng 5 năm, thì người được phép có nghĩa vụ theo luật định phải thông báo cho cơ quan chủ quản về mọi thay đổi.
Một sự hồi tưởng có lựa chọn. Tướng Flynn đã nghỉ hưu sớm vào năm 2014 dưới thời tổng thống Obama vì bất đồng sâu sắc về chiến lược và xung khắc với bộ Quốc Phòng, cơ quan hiện đang mở điều tra vị cựu sĩ quan Mỹ.
Theo ông Sean Spicer, một người được phép làm các việc có liên quan đến bí mật quốc phòng thì phải thông báo mọi thay đổi trong hoạt động của mình, mọi chuyến công du ngoại quốc và phải xin phép trước khi nhận thù lao. Điều mà tướng Flynn dường như đã « quên » làm trong giai đoạn từ khi ông rời bộ Quốc Phòng cho đến lúc được tuyển vào nhóm vận động tranh cử của Donald Trump ».
Donald Trump sẽ đưa ra quyết định về Thỏa Thuận Khí Hậu Paris
Trên lĩnh vực khí hậu, trả lời phỏng vấn Reuters ngày 27/04/2017, tổng thống Donald Trump cho rằng Hoa Kỳ không được đối xử công bằng với các nước khác tham gia ký kết Thỏa thuận Khí hậu Paris. Từ giờ đến hai tuần nữa, Washington sẽ đưa ra quyết định có rút khỏi văn kiện trên hay không.
Lý do được tổng thống Mỹ đưa ra là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và nhiều nước khác không đóng góp đủ để giúp đỡ các nước nghèo hơn chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Hoa Kỳ phải « góp khoản tiền lớn », vì vậy, tổng thống Mỹ « muốn được đối xử đúng đắn ».

Putin muốn nối lại đàm phán sáu bên về Bắc Triều Tiên

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/04/2017 cho biết muốn tái thúc đẩy vòng đàm phán sáu bên về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Tuyên bố trên được đưa ra trong cuộc họp báo chung tại Matxcơva với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Các nước tham gia tiến trình ngoại giao này gồm có hai nước Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản. Bình Nhưỡng đã rút khỏi vòng đàm phán vào năm 2009.
Tổng thống Nga và thủ tướng Nhật cùng đề nghị các nước liên quan tránh mọi hành vi hay tuyên bố có thể gây thêm căng thẳng trong hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Shinzo Abe cho biết đã thỏa thuận sẽ hợp tác chặt chẽ, để cố gắng làm dịu bớt tình hình và nối lại cuộc thương lượng sáu bên.
Ông Putin nói : « Theo ý kiến của tôi và thủ tướng Nhật, tình hình bán đảo Triều Tiên rất tệ hại. Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ liên quan đến vấn đề khu vực nên kềm chế, tránh sử dụng những từ ngữ hiếu chiến, và nỗ lực đối thoại hòa bình ». Còn thủ tướng Shinzo Abe cho biết ông mong Bình Nhưỡng ngưng mọi hành động có thể bị các nước khác coi là khiêu khích.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khẳng định sẽ ngăn chận việc Bắc Triều Tiên bắn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử sang đất Mỹ – một khả năng mà theo các chuyên gia, Bình Nhưỡng có thể đạt được sau năm 2020.
Hai lãnh đạo Nga-Nhật gặp gỡ để thảo luận về bốn hòn đảo tranh chấp đã khiến hai nước không thể ký hiệp ước hòa bình sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc. Bên cạnh đó là việc cùng khai thác hải sản, phát triển du lịch.

LHQ: Ở vị trí chủ tọa HĐBA,

Mỹ sẽ gây sức ép chống Bình Nhưỡng

Với tư cách chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Mỹ Rex Tilleson sẽ đặt Trung Quốc trước trách nhiệm « kiểm soát » đồng minh Bình Nhưỡng trong mục tiêu chung « phi hạt nhân hóa » bán đảo Triều Tiên. Trả lời truyền thông, ngoại trưởng Rex Tillerson không loại trừ khả năng đối thoại với Bình Nhưỡng.
Theo AFP, ngày thứ Sáu 28/04/2017 sẽ là cơ hội thử lửa đầu tiên của Rex Tillerson tại Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh Bình Nhưỡng phô trương chương trình tên lửa và hạt nhân, bất chấp các nghị quyết ngăn cấm.
Ngoại trưởng Mỹ có tiếng kín đáo, chủ tọa cuộc họp cấp ngoại trưởng của 15 thành viên Hội Đồng Bảo An và thảo luận song phương với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị. Được đài truyền thanh nhà nước NPR đặt câu hỏi về khả năng « đối thoại trực tiếp » với Bắc Triều Tiên, ngoại trưởng Mỹ tuyên bố « đó cũng là cách giải quyết vấn đề nhưng Bình Nhưỡng phải sẵn sàng đàm phán phi hạt nhân hóa chứ không chỉ tạm ngưng mà thôi ».
Trước đó, trả lời phỏng vấn truyền hình Mỹ, ông Rex Tilleson cho biết « chiến lược » của Washington là « gây sức ép với chế độ Bình Nhưỡng » và thúc giục Trung Quốc « đảm nhận vai trò xử lý mối đe dọa to lớn này » có thể đưa đến chiến tranh. Hoa Kỳ không có thâm ý làm cho chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ mà chỉ muốn giúp Bắc Triều Tiên phát triển kinh tế và góp phần ổn định ở Bắc Á.
Bắc Kinh cho biết đã cảnh báo Bình Nhưỡng nếu thử nghiệm hạt nhân một lần nữa, Trung Quốc sẽ thi hành các biện pháp trừng phạt như các nước phương Tây. Ngoại trưởng Mỹ nhận định là Trung Quốc « dường như » muốn hợp tác nhưng « để xem » thiện chí của Bắc Kinh đến đâu.
Các biện pháp gây sức ép sẽ được thảo luận nhân cơ hội Hoa Kỳ làm chủ tịch luân lưu Hội Đồng Bảo An trong tháng 5.

ASEAN “hết sức quan ngại”

về việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân và tên lửa

Các nước ASEAN hôm nay 28/04/2017 bày tỏ thái độ « hết sức quan ngại » trước các vụ thử nghiệm nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Triều Tiên, bất chấp lời kêu gọi ủng hộ của Bình Nhưỡng.
Điều hiếm thấy là ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho đã viết thư cho tổng thư ký Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) đề nghị ủng hộ trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ, nhằm tránh « nạn diệt chủng nguyên tử ».
Nhưng các ngoại trưởng ASEAN họp hôm nay tại Manila, lại chỉ trích Bình Nhưỡng về hai vụ thử hạt nhân năm ngoái và các vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo sau đó.
Theo dự thảo tuyên bố chung mà AFP có được, « ASEAN hết sức quan ngại về sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. ASEAN ý thức rằng tình hình bất ổn tại đây sẽ gây tác động nghiêm trọng trong và ngoài khu vực ». Các ngoại trưởng ASEAN « kiên quyết kêu gọi Bắc Triều Tiên tôn trọng hoàn toàn các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc » cấm các chương trình đạn đạo và nguyên tử.
Bên cạnh đó, ASEAN cũng kêu gọi « tất cả các bên liên quan ngưng mọi hành động khiêu khích, chứng tỏ sự kềm chế nhằm làm giảm căng thẳng, tránh các hành vi có thể làm trầm trọng thêm tình hình ». Có nghĩa là ngoài Bắc Triều Tiên, còn có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong lá thư gởi cho ASEAN, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên cho rằng tình hình tại bán đảo Triều Tiên « đang bên bờ vực chiến tranh » do các động thái của Hoa Kỳ. Ông Ri Yong Ho thúc giục các lãnh đạo ASEAN đưa ra những « đề xuất phù hợp » cho các ngoại trưởng của khối, đồng thời chỉ trích cuộc tập trận Mỹ-Hàn.
Được biết hôm thứ Tư 26/4, Mỹ đã đưa những bộ phận đầu tiên của hệ thống lá chắn tên lửa THAAD đến Hàn Quốc.
Bắc Triều Tiên lâu nay vẫn có quan hệ chặt chẽ với một số thành viên ASEAN trong đó có Cam Bốt và Lào. Nhưng quan hệ với Malaysia đã bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ ám sát Kim Jong Nam ở Kuala Lumpur.
Các lãnh đạo ASEAN họp lại ngày mai tại Manila cũng sẽ bàn về tình hình bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc không thanh toán chi phí lắp đặt THAAD cho Mỹ

Ngày 28/04/2017, Seoul tuyên bố không thanh toán chi phí thiết lập hệ thống lá chắn tên lửa THAAD lên đến một tỉ đô la, sau phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump. Hệ thống phòng thủ được hai đồng minh lắp đặt trên lãnh thổ Hàn Quốc để đối phó với các đe dọa từ Bắc Triều Tiên.
Trong buổi trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, tổng thống Mỹ cho biết đã « thông báo cho phía Hàn Quốc rằng họ thanh toán (hệ thống đó) là điều thích hợp vì chi phí lên đến một tỉ đô la ».
Seoul phản đối ý kiến của tổng thống Donald Trump vì theo thỏa thuận về sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc, Seoul cấp đất và cơ sở hạ tầng để lắp hệ thống THAAD, còn Washington chịu chi phí triển khai và hoạt động. Bản thông cáo của bộ Quốc Phòng Hàn Quốc khẳng định « không có bất kỳ thay đổi nào về quan điểm cơ bản này ».
Ứng viên tổng thống đảng đối lập phản đối THAAD
Hệ thống lá chắn tên lửa cũng trở thành chủ đề tranh luận trong đợt vận động tranh cử tổng thống Hàn Quốc. Trong một thông cáo ngày 28/04, phát ngôn viên của ông Moon Jae In, ứng viên tổng thống của đảng đối lập, đã yêu cầu « đình chỉ ngay lập tức » việc triển khai hệ thống lá chắn vì cho rằng « quyết định triển khai hệ thống THAAD thuộc thẩm quyền của chính phủ sắp tới ».
Ứng viên Moon Jae In, thuộc đảng Dân Chủ đối lập, hiện đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận bầu cử tổng thống Hàn Quốc. Thủ tướng thuộc đảng bảo thủ Hwang Kyo Ahn, hiện giữ chức quyền tổng thống từ tháng 12/2016 thay bà Park Guen Hye, không ra tranh cử.
Những thiết bị đầu tiên của hệ thống THAAD đã đến khu vực trước đây là một sân golf ở Seongju, cách thủ đô Seoul 250 km về phía nam.
Theo tuyên bố của một số quan chức Mỹ, hệ thống phòng thủ sẽ hoạt động trong « những ngày tới ». Quyết định lắp THAAD khiến Trung Quốc giận dữ trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?