Tin khắp nơi – 29/04/2017
Bắc Hàn lại phóng thử tên lửa, lại bị nổ tung
Bắc Hàn lại phóng thử tên lửa, bất chấp những nỗ lực hai chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thực hiện nhằm chận đứng các hoạt động mang tính gây rối mà chính phủ Bình Nhưỡng thường làm, tạo bất ổn cho bán đảo Triều Tiên, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc phòng của 2 nước đồng minh Mỹ là Nam Hàn và Nhật Bản.
Trong một bản tin ngắn vừa phổ biến, nhật báo The New York Times trích dẫn thông cáo của Bộ Tổng Tham Mưu Nam Hàn viết rằng vụ phóng tên lửa xảy ra hồi sáng sớm hôm nay, thứ Bảy 29/4.2017, tại một địa điểm nằm gần căn cứ quân sự Pukchang ở phía Đông Bắc thủ đô Bình Nhưỡng.
Vẫn theo tờ Times, thông cáo không nói tên lửa của Bắc Hàn thuộc loại nào, nhưng cho biết vụ phóng này không thành công.
Trong khi đó dựa theo một viên chức Hoa Kỳ, đài truyền hình CNN nói rằng tên lửa Bắc Hàn mới phóng thuộc loại tên lửa đạn đạo tầm trung KN-17.
Viên chức này cũng cho CNN biết là tên lửa của Bắc Hàn bay khoảng từ 30 đến 40 km, rơi xuống vùng biển nằm phía ngoài bán đảo Triều Tiên.
Bản tin của hãng thông tấn AP cũng trích dẫn lời một viên chức Mỹ, lại nói là tên lửa của Bắc Hàn vỡ thành nhiều mảnh sau khi rời dàn phóng chỉ vài phút đồng hồ, mạnh vụn rơi xuống vùng Biển Nhật Bản.
Tờ The Washington Post cũng đưa tin xác nhận Bình Nhưỡng mới phóng thử tên lửa, nhưng nói thêm chưa có chi tiết rõ rệt. Tờ Post cũng cho hay kể từ ngày lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong-Un nắm quyền lãnh đạo tới giờ, đây là lần thứ 75 Bắc Hàn phóng tên lửa.
Bộ Quốc phòng
điều tra cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Flynn
Ông Michael Flynn, trước đây là Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Donald Trump, đang đối mặt với một cuộc điều tra mới của Ngũ Giác Đài, theo thủ lãnh Đảng Dân chủ trong Ủy ban Giám sát Hạ viện hôm thứ Năm. Cuộc điều tra mới được xúc tiến sau khi cả hai chính đảng bày tỏ quan tâm về những liên lạc giữa ông Flynn với các chính phủ nước ngoài, cũng như về các quan hệ của ông Trump với Nga.
Ông Michael Flynn bị sa thải khỏi Toà Bạch Ốc sau vỏn vẹn có 24 ngày … nhưng các cuộc tiếp xúc giữa cựu cố vấn an ninh của ông Trump với các chính phủ nước ngoài vẫn đặt ra nhiều nghi vấn ở Điện Capitol.
Dân biểu Elijah Cummings thuộc Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ:
“Tôi thật sự không hiểu tại sao Toà Bạch Ốc tiếp tục bao che cho ông Michael Flynn.”
Dân biểu Cummings tiết lộ ông Flynn đang là đối tượng của một cuộc điều tra của Ngũ Giác Đài về các cuộc tiếp xúc của ông với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi ông vào làm việc tại Tòa Bạch Ốc.
Dân biểu Cummings công bố các tài liệu cho thấy Bộ Quốc phòng đã cảnh báo ông Flynn về việc nhận các khoản tiền trả của nước ngoài mà không xin phép trước … ngược với khẳng định của luật sư bảo vệ ông, nói rằng ông có xin phép trước khi đi thăm Moscow vào năm 2015, nơi mà ông Flynn dự một buổi ăn tối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Toà Bạch Ốc hồi đầu tuần này bác bỏ yêu cầu của Ủy ban giám sát Hạ viện đòi được cung cấp thông tin, khiến dân biểu cao cấp nhất của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban phải lên tiếng bày tỏ quan tâm.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, dân biểu Jason Chaffetz:
“Tôi không thấy có dữ liệu nào ủng hộ ý kiến cho rằng Tướng Flynn đã tuân thủ luật pháp.”
Nhưng Toà Bạch Ốc phản đối những chỉ trích cho rằng họ không hợp tác, nói rằng chính quyền Tổng thống Trump không kiểm tra lý lịch của Tướng Flynn.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer:
“Tất cả mọi thủ tục điều tra an ninh đó đã được thực hiện dưới chính quyền của Tổng thống Obama và với nhận thức về chuyến đi mà ông Flynn đã thực hiện.”
Nói chuyện với các nhà báo, ông Spicer nói tiến hành cuộc điều tra là điều phù hợp, ông nhắc nhở báo chí rằng chính ông Trump đã sa thải Tướng Flynn.
“Tổng thống đã ra một quyết định đúng đắn và đúng lúc, rõ ràng bước hành động đó là có kết quả.”
Điều đó có phần chắc sẽ không ngăn các thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện tiếp tục kêu gọi nên bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt.
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal:
“Đây là một việc hết sức nghiêm trọng bởi vì nó có liên quan tới lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia. Chúng ta không thể trông cậy vào Bộ trưởng Tư pháp hay người đứng phó cho ông, vốn phải báo cáo lên Tổng thống Hoa Kỳ, thực hiện việc đó.”
Thế còn cam kết của họ sẽ đấu tranh để truy tìm thêm thông tin?
Dân biểu Elijah Cummings thuộc Ủy ban Giám sát:
“Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để theo đuổi việc này.”
Cách giải quyết cuối cùng có thể do quân đội đưa ra, sau khi Chủ tịch Ủy ban Giám sát của đảng Cộng hòa yêu cầu quân đội xác định liệu Tướng Flynn có vi phạm luật hay không
TT Philippines: Kim Jong Un muốn kết liễu thế giới
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 29/4 nói rằng Hoa Kỳ nên kiềm chế và không nên bị cuốn vào “trò chơi” của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, vì ông ta “muốn kết liễu thế giới”.
Với cương vị chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), theo Reuters, ông Duterte sẽ trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối ngày 29/4.
Hãng tin này cho biết rằng nhà lãnh đạo Philippines dự kiến sẽ kêu gọi ông Trump không nên bận tâm vì sự chế giễu của Bắc Hàn, vì chiến tranh sẽ gây ra thảm họa.
Ông nói rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên giống như hai nước đang đùa với đồ chơi, theo Reuters.
Ông Duterte nói tại một buổi họp báo sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Manila: “Tôi sẽ chỉ nói với ông ấy rằng hãy kệ ông ta [Kim Jong Un], đừng bị cuốn vào [trò chơi] của ông ta”.
“Ông ta chỉ đơn giản muốn kết liễu thế giới, nên ông ra rất vui vẻ. Ông ta luôn cười. Nhưng ông ta thực sự muốn kết liễu mọi thứ”, nhà lãnh đạo Philippines nói.
Trung Quốc trục xuất ‘công dân Mỹ sinh ở Việt Nam’
Trung Quốc đã trục xuất một nữ công dân Mỹ gốc Hoa sinh ở Việt Nam, sau khi bà bị kết tội làm gián điệp trong tuần này.
Bà Sandy Phan-Gillis bị bắt tháng Ba năm 2015 trong khi chuẩn bị rời Trung Quốc đại lục để tới Macau.
Một tòa án hôm 25/4 đã yêu cầu trục xuất người phụ nữ gốc Hoa này sau khi bà bị kết án ba năm rưỡi tù giam vì tội làm gián điệp.
Reuters dẫn lời chồng bà cho biết rằng người phụ nữ sinh ra ở Việt Nam này rời thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, hôm 28/4, và đã về tới Los Angeles cùng ngày (theo giờ địa phương).
Chính phủ Trung Quốc không công bố chi tiết cáo trạng đối với bà Phan-Gillis.
Chồng bà, ông Jeff Gillis, nói rằng Bắc Kinh cáo buộc bà tới Trung Quốc hai lần năm 1996 để làm nhiệm vụ gián điệp, cũng như làm việc với Cục Điều tra Liên bang Mỹ để bắt hai gián điệp Trung Quốc tại Mỹ nhằm biến họ thành điệp viên hai mang.
Chồng bà nói trong một thông cáo: “Sandy rất vui mừng được đoàn tụ với bạn bè và gia đình, và gửi lời cám ơn tới nhiều người đã nỗ lực không mệt mỏi để bà được tự do”.
Vụ trục xuất được tiến hành trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung đang nồng ấm sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida đầu tháng Tư.
Theo Reutes, phía Mỹ đã tăng cường đàm phán về trường hợp bà Phan-Gillis khi Ngoại trưởng Rex Tillerson thăm Bắc Kinh hồi tháng Ba.
Nhật kêu gọi gây áp lực lên Bắc Hàn
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 29/4 nói rằng quyết định phóng thử tên lửa đạn đạo của Bắc Hàn là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Tokyo, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên Bình Nhưỡng.
Bắc Hàn trước đó trong ngày phóng tên lửa ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh báo rằng sự thất bại trong việc ngăn chặn chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể dẫn tới “các hậu quả thảm khốc”.
Reuters dẫn lời ông Abe nói tại London: “Bất chấp các cảnh báo mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Bắc Hàn hôm nay vẫn phóng tên lửa đạn đạo. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi mạnh mẽ lên án các hành động như vậy”.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng một cuộc xung đột lớn với Bắc Hàn có thể xảy ra, và rằng các giải pháp quân sự vẫn để ngỏ.
Nga và Trung Quốc cảnh báo về việc sử dụng sức mạnh quân sự.
Ông Abe nói rằng hành động gây hấn tiếp theo là điều “hoàn toàn có thể thấy được”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết.
“Chúng tôi muốn duy trì một sự phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ, đồng minh của chúng tôi, để duy trì tình trạng cảnh giác cao. Chúng tôi muốn bảo đảm cho sự an toàn của người dân của chúng tôi”, ông Abe nói.
Ông Trump đã lên tiếng ca ngợi vai trò của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật hoan nghênh việc Tổng thống Trump giao tiếp với ông Tập, đồng thời cho rằng vai trò của Bắc Kinh hết sức quan trọng.
Bình Nhưỡng bắn hỏa tiễn
sau khi Mỹ kêu gọi chống mối đe dọa nguyên tử
Bắc Triều Tiên hôm nay 29/04/2017 đã bắn hỏa tiễn đạn đạo, tuy không thành công, nhằm đáp trả lời kêu gọi của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc chống lại « mối đe dọa nguyên tử » từ Bình Nhưỡng thông qua việc tăng cường trừng phạt của quốc tế. Đây là lần bắn thử thất bại thứ tư của Bắc Triều Tiên kể từ tháng Ba.
Theo bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, chỉ vài giờ sau cuộc họp khẩn của Hội Đồng Bảo An, « Bắc Triều Tiên đã bắn hỏa tiễn đạn đạo chưa rõ thuộc loại nào, từ một địa điểm phía bắc Bình Nhưỡng. Chúng tôi cho rằng vụ bắn thử này đã thất bại ». Tên lửa đạt đến độ cao 71 km rồi bị vỡ tan.
Về phía Mỹ, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) xác nhận vụ bắn thử diễn ra vào lúc 20 giờ 33 GMT gần căn cứ không quân Bukchang, nhưng « hỏa tiễn không ra khỏi lãnh thổ Bắc Triều Tiên ». Một nguồn tin chính phủ Mỹ nói rằng đây là hỏa tiễn đạn đạo tầm trung loại KN-17.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhanh chóng tố cáo Bình Nhưỡng đã « thiếu tôn trọng » đồng minh chính là Trung Quốc. Trước đó ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chủ trì cuộc họp Hội Đồng Bảo An đã kêu gọi các đối tác chống lại « mối đe dọa nguyên tử » Bắc Triều Tiên sẽ gây ra thảm họa. Ông đòi hỏi Trung Quốc gây áp lực về ngoại giao lẫn kinh tế lên Bình Nhưỡng.
Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau tường trình :
« Trong lần đầu tiên chủ trì Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, vị ngoại trưởng kín tiếng của Mỹ, Rex Tillerson đã đưa ra lời cảnh báo rất rõ ràng.
Ông nói : « Mối đe dọa một vụ tấn công nguyên tử từ Bắc Triều Tiên vào Seoul và Tokyo là thực sự và có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian, trước khi Bình Nhưỡng đạt đến khả năng bắn sang lãnh thổ Hoa Kỳ. Và như chúng tôi đã nói, tất cả các biện pháp đáp trả các hành động khiêu khích mới đều phải được cân nhắc ».
Tuy bài diễn văn mang giọng điệu cứng rắn, nhưng ông Rex Tillerson cho biết vẫn để ngỏ cho giải pháp ngoại giao, với các biện pháp trừng phạt mới. Và như vậy sự hỗ trợ của Trung Quốc, đối tác kinh tế chủ yếu của Bắc Triều Tiên, là hết sức quan trọng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói : « Trung Quốc không phải là nguồn gốc của vấn đề Triều Tiên. Chìa khóa để giải quyết không nằm trong tay chúng tôi. Là nước láng giềng gần gũi, Trung Quốc đã có thái độ trách nhiệm và không ngừng cổ vũ cho giải pháp thương lượng ».
Như vậy ông Vương Nghị vẫn giữ nguyên chủ trương tái lập đối thoại. Dù sao thì hai ngoại trưởng Mỹ-Trung cũng sẽ gặp riêng để cố tìm được một phương thức chấm dứt khủng hoảng ».
EU họp thượng đỉnh bàn về chiến lược đàm phán Brexit
Các nước trong khối Liên hiệp Âu châu (EU) đang nhóm họp tại Brussels để thảo luận về chiến lược chung trong việc đàm phán với Anh về việc Anh rút khỏi EU (Brexit).
Toàn bộ 27 quốc gia thành viên tham dự cuộc họp, trừ Anh.
EU sẽ yêu cầu phải đạt được những kết quả nhất định trong quá trình thảo luận về việc Anh tách khỏi EU trước khi có bất kỳ cuộc đàm phán nào về mối quan hệ thương mại trong tương lai.
Các cuộc đàm phán chính thức giữa London và EU sẽ không bắt đầu cho tới sau khi Anh tổ chức xong cuộc tổng tuyển cử, ngày 8/6 tới đây.
Trong một bức thư gửi các nhà lãnh đạo 27 nước thuộc EU, Chủ tịch Hội đồng Âu châu Donald Tusk nói rằng thỏa thuận về “con người, tiền tệ và Ireland” phải được nêu ra trước khi có các cuộc đàm phán về tương lai mối quan hệ giữa EU và Anh.
Chính phủ Anh đã tuyên bố là nước này không muốn trì hoãn các cuộc thảo luận về quan hệ thương mại trong tương lai.
EU vào hôm 31/3 đã ra dự thảo cẩm nang hướng dẫn đàm phán về Brexit.
Lá thư của ông Tusk – với nội dung kêu gọi áp dụng cách tiếp cận “theo từng giai đoạn” đối với Brexit – lặp lại những ưu tiên mà Thủ tướng Đức Angela Merkel nêu ra hôm thứ Năm.
“Trước khi nói về tương lai, chúng ta phải giải quyết quá khứ trước đã,” ông nói, và nêu ra ba ưu tiên:
Trong vấn đề công dâun EU sống tại Anh, ông kêu gọi có những đảm bảo “hiệu quả, có khả năng thực thi, không phân biệt đối xử, và toàn diện”
Anh phải thực hiện toàn bộ các nghĩa vụ tài chính đã đồng ý trong vị trí của một thành viên EU
Cần đạt được một thỏa thuận “nhằm tránh đường biên giới ‘cứng’ giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland”
“Chúng tôi sẽ không thảo luận về các quan hệ trong tương lai với Anh cho tới khi chúng tôi đạt được tiến độ thích hợp trong các vấn đề chủ chốt này, liên quan tới việc Anh rút khỏi EU,” ông nói.
Trong lúc đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nói Anh sẽ không có được những lợi thế trước 27 quốc gia thành viên EU một khi các đàm phán về Brexit được hoàn tất.
Các quan chức EU ước tính là Anh sẽ phải đối diện với một hóa đơn trị giá 60 tỷ euro (65 tỷ đô la) theo các quy định về ngân sách của EU. Các chính trị gia Anh nói rằng chính phủ nước này sẽ không trả khoản tiền to đến thế.
Các tường thuật nói rằng Thủ tướng Ireland (Taoiseach) Enda Kenny cũng sẽ yêu cầu các đối tác trong EU hãy hậu thuẫn cho ý tưởng Bắc Irland tự động gia nhập EU nếu như người dân nơi này bỏ phiếu đồng ý thống nhất với Cộng hòa Ireland.
Bộ trưởng Brexit của Anh, ông David Davis, nói rằng trong trường hợp có kết quả bỏ phiếu như vậy thì Bắc Ireland có thể trở thành “một phần của một quốc gia đang là thành viên của EU.”
Lịch biểu Brexit:
29/4: Các lãnh đạo EU (trừ Anh) họp tại Brussels để thông qua cẩm nang hướng dẫn đàm phán Brexit
8/6: Bầu cử Quốc hội Anh – các đàm phán Brexit sẽ được tiến hành sớm, ngay sau kỳ bầu cử
24/9: Bầu cử quốc hội Đức, với việc bà Merkel muốn giành tiếp nhiệm kỳ bốn
29/3/2019: Hạn chót cho việc kết thúc các cuộc đàm phán để Anh rút khỏi EU (bất kỳ việc gia hạn nào cũng cần phải được toàn bộ các quốc gia thành viên EU đồng ý)
Tháng Năm hoặc Tháng Sáu 2019: Bầu cử nghị viện EU (không có sự tham dự của Anh)
Phê chuẩn: Bất kỳ thỏa thuận Brexit nào cũng cần phải được quốc hội của toàn bộ các quốc gia thành viên EU và Nghị viện Âu châu phê chuẩn
EU-27 nhất trí lập trường đàm phán Brexit
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã nhất trí các nguyên tắc đàm phán để hội đàm Brexit với Anh.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, chủ tọa các cuộc hội đàm ở Brussels, nhắn bằng twitter rằng “sự ủy nhiệm vững chắc và công bằng về chính trị” cho các cuộc đàm phán đã sẵn sàng.
27 nhà lãnh đạo – Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May không có mặt – đã thông qua chưa tới một phút một cẩm nang được ông Tusk ban hành vào ngày 31 tháng 3.
Các cuộc hội đàm với Vương quốc Anh sẽ bắt đầu sau cuộc Tổng Tuyển cử vào ngày 8 tháng Sáu.
Thời hạn chót hoàn tất các cuộc đàm phán là ngày 29/03/2019.
Các hướng dẫn nói rằng những cuộc đàm phán tách biệt sẽ đồng ý các quyền của công dân EU sống ở Anh, cũng như người Anh sống ở EU, cộng với việc giải quyết các nghĩa vụ tài chính của Anh như một quốc gia thành viên của EU.
Một thoả thuận cũng phải được thông qua để tránh làn ranh cứng nhắc giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ailen.
Chỉ khi đạt được “tiến bộ đủ” về các chủ đề này thì mới có thể thảo luận theo chủ đề về mối quan hệ tương lai của Anh với EU, văn bản hướng dẫn nói.
Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker một lần nữa nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán riêng rẽ không thể chạy song song với các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại trong tương lai với Anh.
Tuy nhiên, chính phủ Anh đã thúc đẩy đàm phán tiến hành song song.
Ông Tusk cũng kêu gọi nước Anh “đảm bảo thực sự cho người dân của chúng tôi sinh sống, làm việc và học tập tại Anh” và sự bảo đảm tương tự cho các công dân Anh sống ở EU với 27 thành viên.
“Cuộc sống của nhiều người phụ thuộc vào nó,” ông nói với các phóng viên.
Lịch biểu Brexit:
29/4: Các lãnh đạo EU (trừ Anh) họp tại Brussels để thông qua cẩm nang hướng dẫn đàm phán Brexit
8/6: Bầu cử Quốc hội Anh – các đàm phán Brexit sẽ được tiến hành sớm, ngay sau kỳ bầu cử
24/9: Bầu cử quốc hội Đức, với việc bà Merkel muốn giành tiếp nhiệm kỳ bốn
29/3/2019: Hạn chót cho việc kết thúc các cuộc đàm phán để Anh rút khỏi EU (bất kỳ việc gia hạn nào cũng cần phải được toàn bộ các quốc gia thành viên EU đồng ý)
Tháng Năm hoặc Tháng Sáu 2019: Bầu cử nghị viện EU (không có sự tham dự của Anh)
Phê chuẩn: Bất kỳ thỏa thuận Brexit nào cũng cần phải được quốc hội của toàn bộ các quốc gia thành viên EU và Nghị viện Âu châu phê chuẩn
Biểu tình tại Venezuela đòi trả tự do cho tù nhân chính trị
Khoảng 2.000 người Venezuela phản đối tổng thống Nicolas Maduro hôm 28/04/2017 đã biểu tình ôn hòa đòi trả tự do cho các tù nhân chính trị, trong bối cảnh làn sóng phản kháng kéo dài từ gần một tháng qua đã làm khoảng 30 người chết.
Hàng trăm người biểu tình bao quanh trại giam Ramo Verde gần Caracas, nơi giam giữ nhà đối lập Leopoldo Lopes. Bị kết án 14 năm tù vì « xúi giục bạo động » trong đợt xuống đường chống ông Maduro năm 2014, nhà lãnh đạo đảng đối lập Voluntad Popular bị giam tại nhà tù quân sự này từ ba năm qua.
Từ Caracas, thông tín viên RFI Julien Gonzalez cho biết thêm chi tiết :
« Sức mạnh và niềm tin ». Đó là châm ngôn của Leopoldo Lopez, được in trên chiếc áo thun của Elizabeth. Từ gần một tháng qua, cô gái này tham dự tất cả các cuộc biểu tình. Hôm qua, cô xuống đường để « tất cả các tù nhân chính trị phải được trả tự do ».
Cô giải thích : « Số tù chính trị nhiều hơn con số 100 rất nhiều, và họ không chỉ bị giam giữ tại Caracas mà còn trên mọi miền đất nước. Có những sinh viên bị tù chỉ vì dám suy nghĩ khác biệt. Tôi cảm nhận nỗi đau, nhưng cả sự phẫn nộ. Tôi chẳng trông đợi điều gì tốt đẹp nơi chính phủ này, nhưng hy vọng là thứ cuối cùng có thể đánh mất. Vì vậy tôi xuống đường và còn sẽ tiếp tục biểu tình nhiều lần nữa nếu cần ».
Lực lượng an ninh ngăn cản người biểu tình tiến đến gần nhà tù quân sự. Vài dân biểu đối lập mở cuộc họp bất thường. Dân biểu Juan Andrés Mejia, một trong những lãnh tụ thuộc đảng của nhà đối lập Leopoldo Lopez đang bị giam giữ tố cáo : « Lopez bị cầm tù chỉ vì những lời phát biểu, vì thông điệp mà ông đã gởi đến người dân Venezuela. Hơn nữa, ông bị biệt giam đã gần một tháng, không được gặp thân nhân cũng như luật sư. Còn chúng tôi, những người trong cùng đảng phái chưa bao giờ được bước chân vào nhà tù từ ba năm qua. Tất cả cho thấy ông là tù nhân chính trị ».
Đối lập đã kêu gọi tiếp tục xuống đường vào thứ Hai tới.
Donald Trump mừng 100 ngày nắm quyền
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay 29/04/2017 tái ngộ những người ủng hộ nồng nhiệt nhất tại Pennsylvania, trong một cuộc mít-tinh mang màu sắc cuộc vận động tranh cử trước đây, để mừng 100 ngày cầm quyền gây nhiều tranh cãi.
Nhà tỉ phú 70 tuổi nhiều lần nhìn nhận là nhiệm vụ tổng thống khó hơn ông tưởng rất nhiều. Như để tránh các áp lực từ Phòng Bầu dục, tổng thống Mỹ tối nay gặp gỡ những người ủng hộ ở Harriburg, Pennsylvania, một trong những bang đã giúp ông giành chiến thắng hồi tháng 11. Ông có thể tạm quên đi những chỉ trích trong và ngoài nước về sự thiếu kinh nghiệm, khó tạo được sự tin cậy.
Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, mà chiến thắng bất ngờ trước bà Hillary Clinton đã gây sững sờ cho toàn thế giới, đã phải chật vật cụ thể hóa những lời hứa khi tranh cử. Đặc biệt là lời hứa mang tính biểu tượng : hủy bỏ và thay thế « Obamacare », luật bảo hiểm y tế của người tiền nhiệm, đã vấp phải sự chia rẽ trong đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội.
Việc tài trợ cho bức tường biên giới Mêhicô, được Donald Trump hứa hẹn nhiều lần, tuần này đã bị rút khỏi dự án luật tài chính liên bang để tránh khủng hoảng ngân sách, làm tê liệt chính phủ.
Còn về cuộc cải cách thuế khóa quy mô, được công bố vội vã trong tuần này để đánh bóng kết quả 100 ngày nắm quyền, mà tổng thống giới thiệu có thể là « vụ giảm thuế lớn nhất trong lịch sử », bị đông đảo dư luận coi là món quà nhiều tỉ đô la dành cho người giàu, chỉ làm nặng thêm gánh nợ của đất nước.
Từ khi bước vào Nhà Trắng, ông Donald Trump đã ký vài chục sắc lệnh để bãi bỏ các biện pháp của ông Obama về kỹ nghệ, môi trường hay hạn chế khoan thăm dò dầu khí. Các nỗ lực này được phe Cộng Hòa hoan nghênh. Nhưng sắc lệnh gây xôn xao nhiều nhất, cấm công dân nhiều nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, đã bị tư pháp hai lần ngăn chận.
Chiến thắng giành được cho phe Cộng Hòa là việc bổ nhiệm thẩm phán bảo thủ Neil Gorsuch vào Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Nhưng tỉ lệ ủng hộ ông Donald Trump hiện thấp nhất so với các đời tổng thống trước, tỉ lệ tăng trưởng quý 1/2017 của Mỹ được công bố hôm qua là con số tệ hại nhất từ ba năm qua. Bên cạnh đó là hồ sơ về sự can thiệp của Nga trong tranh cử vẫn đang đe dọa, với cuộc điều tra của Quốc Hội và FBI. Chưa kể là Bình Nhưỡng hôm nay tiếp tục bắn tên lửa, bất chấp lời cảnh cáo của ông Trump.
Tuy vậy, tân tổng thống vẫn mô tả 100 ngày đầu trong nhiệm kỳ của ông là « thành công nhất trong lịch sử đất nước ». Hôm qua Donald Trump tuyên bố với báo chí : « Tôi nghĩ rằng không có ai làm được như những gì chúng tôi đã làm trong 100 ngày qua, chúng tôi rất vui sướng ».
Hoa Kỳ: Trump “tấn công” Tổ Chức Thương Mại Thế Giới
Hôm nay, 29/04/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ký một sắc lệnh ra lệnh xem xét lại « những vi phạm và lạm dụng » của các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Hoa Kỳ đã ký kết, trong đó có hiệp định với Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO/OMC.
Theo lời bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross trong cuộc họp báo hôm qua tại Nhà Trắng, trong vòng 180 ngày sẽ có một báo cáo về các hiệp định thương mại, nêu bật những vấn đề, nhưng cũng đưa ra những giải pháp thay thế. Ông Ross không loại trừ khả năng là sửa đổi các quy định của những hiệp định đó, kể cả hiệp định ký với WTO.
Theo lời bộ trưởng Thương Mại Mỹ, hiệp định WTO bao gồm 164 nước, mà đa số là những nước xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn là nhập khẩu từ Mỹ. Ông Ross chỉ trích điều khoản « tối huệ quốc » buộc các đối tác thương mại phải mở rộng những điều kiện ưu đãi nhất cho một quốc gia ra toàn bộ các nước thành viên WTO. Bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ cũng chỉ trích WTO đã không quản lý hiệu quả những hàng rào thương mại ngoài hàng rào thuế quan, cũng như không giải quyết được các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và kinh tế kỹ thuật số.
Sắc lệnh nói trên là nỗ lực mới nhất của chính quyền Donald Trump nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ và thúc đẩy sản xuất trong nước Mỹ.
Cuối tháng 3 vừa qua, tổng thống Trump đã yêu cầu bộ Thương Mại Mỹ lập một danh sách các quốc gia « gian lận » khiến thâm hụt thương mại của Mỹ quá lớn. Ông cũng đã dọa sẽ thương lượng lại hiệp định tự do mậu dịch với Mêhicô và Canada ( NAFTA ).
Trong số 10 quốc gia mà tổng thống Trump khẳng định Hoa Kỳ bị thâm hụt thương mại, đứng đầu là Trung Quốc (347 tỷ đôla), tiếp đến là Nhật Bản (68,9 tỷ), Đức (64,9 tỷ) và Mêhicô (63,2 tỷ), nhưng trong danh sách này cũng bao gồm cả những quốc gia nhỏ như Việt Nam và Ireland.
Pháp:
Le Pen sẽ chọn Dupont-Aignan làm thủ tướng nếu đắc cử
Một diễn tiến khá bất ngờ trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp 2017 : Ngày hôm nay 29/04/2017, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen chính thức thông báo là nếu đắc cử tổng thống vòng hai ngày 07/05 tới, bà sẽ chỉ định ông Nicolas Dupont-Aignan, lãnh đạo một đảng dân tộc chủ nghĩa cực lực chống châu Âu, làm thủ tướng. Bà Le Pen đã thông báo như trên trong cuộc họp báo chung với ông Dupont-Aignan
Bà Marine Le Pen tuyên bố rằng việc chọn ông Dupont- Aignan làm thủ tướng xuất phát từ việc ông là một nhân vật « yêu nước » và có « cùng dự án » với bà.
Là lãnh đạo đảng Nước Pháp Đứng Dậy ( Debout la France), có lập trường chống hợp nhất châu Âu, bảo vệ chủ quyền nước Pháp, ông Dupont-Aignan đã thu được 4,7% số phiếu trong vòng đầu bầu cử tổng thống Pháp ngày 23/04. Hôm qua, ông đã tuyên bố sẽ ủng hộ ứng cử viên cực hữu trong vòng hai và đã đạt một thỏa thuận cầm quyền với bà Marine Le Pen.
Nhưng quyết định nói trên của ông Dupont-Aignan không được sự đồng tình của một bộ phận trong đảng Nước Pháp Đứng Dậy. Phó chủ tịch đảng này, ông Dominique Jamet và một lãnh đạo khác đã từ chức ngay sau thông báo của ông Dupont-Aignan.
Việc lãnh đạo đảng Nước Pháp Đứng Dậy ủng hộ ứng cử viên cực hữu đã bị ông François Bayrou, lãnh đạo đảng cánh trung Modem và là người ủng hộ ứng cử viên Emmanuel Macron, chỉ trích kịch liệt. Bên phía đảng cánh hữu Những người Cộng Hòa, một số nhân vật cũng đã lên án ông Dupont-Aignan.
Còn tổ chức chống kỳ thị sắc tộc SOS Racisme thì đêm qua đã ra thông cáo lên án ông Dupont-Aignan là một người « tự nhận là kế thừa tướng De Gaulle nay lại đi theo những kẻ kế thừa thống chế Pétain » (người đã hợp tác với Đức Quốc Xã vào thời Pháp bị chiếm đóng).
Hiện vẫn bị đối thủ Emmanuel Macron, ứng cử viên đảng Tiến Bước, bỏ xa trong các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu cho vòng hai, bà Le Pen đang cố thu hút cử tri từ các đảng khác, đặc biệt là cử tri đã bỏ phiếu cho Jean-Luc Mélenchon, ứng cử viên đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất ( La France insoumise ). Cho tới nay, ông Mélenchon, một người vốn có lập trường chống Mặt Trận Quốc Gia, vẫn từ chối ra lời kêu gọi bỏ phiếu cho ai. Trong một đoạn video đăng trên mạng xã hội Twitter hôm qua, bà Le Pen đã thúc giục cử tri của ông Mélenchon bỏ phiếu cho bà ở vòng hai.
Nhận xét
Đăng nhận xét