Tin Biển Đông – 29/04/2017
ASEAN ra tuyên bố chung
nêu việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Hôm nay, 29/04/2017, tại cuộc họp thượng đỉnh ở Manila, thủ đô Philipines, các lãnh đạo ASEAN đã đạt được một bản tuyên bố chung trong đó có nêu lên vấn đề Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này, mặc dù Bắc Kinh đã nỗ lực gây tác động để gạt bỏ những vấn đề đó ra khỏi văn kiện của ASEAN.
Tuy nhiên, cũng như tại thượng đỉnh năm ngoái ở Lào, các lãnh đạo ASEAN không nêu đích danh Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của khối này. Bản tuyên bố cũng không nói đến việc Bắc Kinh bị thua trước Tòa Trọng tài Thường trực. Xử đơn kiện của Philippines, tòa này đã ra phán quyết đầu tháng 7 năm ngoái cho rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.
Hồ sơ Biển Đông quả là đã được thảo luận sôi nổi trong hậu trường hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Manila. So sánh khác biệt về cách nói về Biển Đông giữa bản dự thảo ban đầu về tuyên bố chung đúc kết hội nghị với bản cuối cùng vào hôm nay, 29/04/2017, thì thấy ngay điều đó.
Trong bản dự thảo đầu tiên được chủ tịch hội nghị là Philippines đưa ra thảo luận, đã có hai vấn đề bị bỏ qua : Việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông và phán quyết tháng Bẩy năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông. Tuy nhiên, ngay từ trưa nay, trong một bản dự thảo mới mà các hãng thông tấn ngoại quốc đọc được, vấn đề quân sự hóa các đảo nhân tạo đã được ghi nhận trở lại, dù theo thông lệ, Trung Quốc không hề bị nêu đích danh.
Theo hãng tin Anh Reuters, hai nguồn tin ngoại giao ASEAN đã tiết lộ rằng có bốn quốc gia thành viên ASEAN không đồng ý với việc xóa bỏ các từ ngữ « cải tạo đất và quân sự hóa », đã có trong bản tuyên bố chung hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào vào năm ngoái..
Hãng Reuters đã dẫn hai nguồn tin ngoại giao ASEAN cho biết là trong những ngày qua, đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã tăng cường vận động các quan chức Philippines để tìm cách thay đổi nội dung của bản tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Một nguồn tin xác nhận rằng phía Philippines đã bị phía Trung Quốc áp lực rất dữ dội.
Theo hãng tin Anh, Bắc Kinh không muốn thấy bất cứ điều gì mà họ cho là nói đến việc Trung Quốc mở rộng bảy hòn đảo nhân tạo mà họ chiếm giữa tại quần đảo Trường Sa, và xây dựng trên đó nào là phi đạo, nhà chứa máy bay, đài radar, bệ phóng tên lửa… Trung Quốc cũng không muốn thấy nhóm từ « các tiến trình ngoại giao và pháp lý », gợi đến phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye mà Bắc Kinh phủ nhận.
Nhưng một số nước ASEAN đã không chịu khuất phục. Theo hãng tin Pháp AFP, giới ngoại giao tại Manila khẳng định rằng trong các cuộc họp, các nước này đã cố tìm cách làm cho bản tuyên bố cứng rắn hơn đối với các hành động của Bắc Kinh, dẫn đến việc đưa một số từ ngữ trở lại vào văn kiện.
Một nhà ngoại giao đã tiết lộ với AFP rằng chính Việt Nam đã yêu cầu đưa trở lại nhóm từ liên quan đến hành động quân sự hóa và cải tạo đất vào trong dự thảo tuyên bố chung.
Một nhà ngoại giao khác đã nói với AFP rằng : « Không thể cho rằng ASEAN đã hoàn toàn đầu hàng trước sức ép của Trung Quốc ».
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc thượng đỉnh Manila, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã không đả động gì đến Biển Đông, mà chỉ nói đến Hồi giáo cực đoan, cướp biển, chống ma túy và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau… Đặc biệt ông kêu gọi các lãnh đạo ASEAN hợp lực chống ma túy để tiêu diệt tệ nạn này « trước khi nó tiêu diệt xã hội chúng ta ». Chiến dịch bài trừ ma túy do ông Duterte phát động bị quốc tế phản đối, do đã có hàng ngàn người bị sát hại trong thời gian qua.
Trước cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, trả lời hãng tin Reuters, tổng thư ký ASEAN, ông Lê Lương Minh cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông ( COC ) cần phải mang tính ràng buộc pháp lý để ngăn chận « những hành động đơn phương »). ASEAN và Trung Quốc hy vọng là trong năm nay sẽ đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc nói trên. Nhưng theo Reuters, một số nhà ngoại giao ASEAN tỏ vẻ hoài nghi về thực tâm của Bắc Kinh trên vấn đề này.
Chiến hạm Pháp ghé thăm Nhật Bản chuẩn bị tập trận chung
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, tàu tấn công đổ bộ Mistral của Pháp hôm nay 29/04/2017, ghé thăm hải cảng Sasebo của Nhật trước khi tham gia các cuộc tập trận vào tuần tới với Hải Quân Mỹ, Nhật và Anh. Nằm ở bờ phía tây đảo Kyushu, Sasebo là một căn cứ hải quân lớn của Lực Lượng Phòng Vệ (Quân Đội) Nhật Bản.
Chiếc Mistral, có thể chở đến 35 trực thăng và được trang bị bốn tàu đổ bộ, đã rời nước Pháp từ tháng Hai. Chiếc tàu tấn công đổ bộ của Pháp sẽ ở lại cảng Sasebo cho đến ngày 05/05, rồi sẽ tham gia cuộc tập trận chung với ba nước nói trên gần đảo Guam, với bài tập đổ bộ lên đảo Tinian, một đảo nhằm cách Tokyo 2.500 km về phía Nam. Cuộc tập trận này, quy tụ 700 quân, đã được dự trù trước khi Bắc Triều Tiên lại bắn một tên lửa đạn đạo hôm nay, bất chấp áp lực của quốc tế.
Cho dù đang tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, cả Pháp lẫn Anh đều đẩy mạnh hợp tác an ninh với Nhật Bản, đồng minh thân cận của Hoa Kỳ và là quốc gia có lực lượng Hải Quân mạnh thứ nhì châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Paris cũng rất quan ngại trước những hoạt động bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trong khi đó, theo một phát ngôn viên của Hải Quân Nhật Bản, chiếc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ hôm nay cũng đã đi vào vùng biển Nhật Bản sau khi đã tập trận trên biển với hai chiến hạm Nhật Bản, được điều động từ cảng Sasebo.
Hoa Kỳ đã gởi chiếc USS Carl Vinson đến khu vực bán đảo Triều Tiên để thị uy với Bình Nhưỡng sau khi nước này bắn các tên lửa đạn đạo và chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu.
Nhận xét
Đăng nhận xét