Tin Biển Đông – 28/04/2017
Việt Nam mất gì
nếu bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông thành hình?
Việt Hà, RFA
Trong tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Philippines bày tỏ hy vọng một Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông, gọi tắt là COC, sẽ đạt được trong năm nay giúp làm giảm căng thẳng và tránh xung đột trong khu vực. Tuy nhiên có những lo ngại cho rằng nếu COC thành hình, Việt Nam có thể mất rất nhiều.
Tạp chí Forbes của Mỹ hôm 27/4/2017 nhận định: “Việt Nam sẽ là nước bị mất nhiều nhất nếu một Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) được thành hình vì tranh chấp Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Hoàng Sa không được bao gồm trong COC
Theo Forbes, Việt Nam chắc chắn muốn COC phải bao gồm cả Hoàng Sa nhưng điều này sẽ khó được Trung Quốc chấp nhận vì Trung Quốc hiện đã kiểm soát toàn bộ 130 thực thể thuộc quần đảo này kể từ sau cuộc hải chiến với quân đội miền Nam Việt Nam năm 1974.
Thạc sĩ luật Hoàng Việt, thành viên quỹ nghiên cứu biển Đông của Việt Nam, nhận định một trong những lý do khiến COC dậm chân trong nhiều năm mà không đạt được bước tiến nào cũng chính vì vấn đề Hoàng Sa của Việt Nam.
“Chắc chắn nó là một thách thức. COC có liên quan đến Hoàng Sa nên một trong những lý do mà COC dậm chân cũng là vì nó có liên quan đến Hoàng Sa. Các nước ASEAN đưa ra COC là toàn bộ biển Đông còn Trung Quốc thì cho rằng Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và không có gì phải đàm phán cả, chỉ có thể đưa ra COC cho vùng Trường Sa thôi”.
Theo bài báo của Forbes, rất khó có khả năng Trung Quốc chấp nhận cho tàu thuyền Việt Nam hay bất cứ nước nào khác được đi gần Hoàng Sa, và điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ phản đối một COC cho phép các nước khác được tiếp cận tới các thực thể thuộc quần đảo này.
Chắc chắn nó là một thách thức. Các nước ASEAN đưa ra COC là toàn bộ biển Đông còn Trung Quốc thì cho rằng Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Thạc sĩ Hoàng Việt
Trong những năm qua, nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa vốn là ngư trường truyền thống của họ từ nhiều đời nay thường bị các tàu chấp pháp của Trung Quốc đuổi bắt. Có những tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tài sản và đòi tiền chuộc.
Thậm chí việc tàu thuyền ngư dân Việt Nam vào tránh bão ở Hoàng Sa cũng không được phía Trung Quốc chấp nhận.
Hiện Trung Quốc đòi chủ quyền trên khoảng 90% diện tích khu vực biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn hay còn được gọi là đường lưỡi bò đi qua phần lớn khu vực mà những nước khác cũng đòi chủ quyền.
Ngoài Hoàng Sa, Trung Quốc cũng có tranh chấp chủ quyền tại Trường Sa với các nước Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan.
Theo giáo sư Carl Thayer thuộc học viện Quốc phòng Úc, không một ai có thể lấy lại được Hoàng Sa từ Trung Quốc và hy vọng lớn nhất mà Việt Nam có được đối với quần đảo này là ra tòa quốc tế.
Cũng bởi những khó khăn liên quan đến quần đảo Hoàng Sa mà một số học giả nước ngoài như Mark Valencia trong cuốn ‘Chia Sẻ Nguồn Tài Nguyên Ở Biển Đông’ cho rằng Việt Nam nên bỏ vấn đề Hoàng Sa sang một bên khi đàm phán với Trung Quốc và ASEAN. Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định:
“Ở Hoàng Sa thì Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều còn ở Trường Sa thì có nhiều nước liên đới, nên nhiều học giả phương Tây như Mark Valencia bảo là tốt nhất nếu Việt Nam nhìn thực tế không lấy lại được thì bỏ qua đi để nói vấn đề khác.
Nhưng cái đấy thì Việt Nam khác. Có thể các học giả đưa ra cái nhìn khác. Còn các nước Đông Nam Á vấn đề chủ quyền thiêng liêng lắm. Chính khách nào xem xét vấn đề đó thì cũng khó.”
Bỏ đường lưỡi bò mới có COC
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, không đồng ý với nhận định cho rằng Việt Nam sẽ mất Hoàng Sa nếu COC thành hình:
“Vấn đề ở đây là người ta đang bàn bạc chứ người ta không có nói là nếu Trung Quốc không đưa Hoàng Sa vào như vậy là Việt Nam thiệt thì tôi không nghĩ như vậy.
Ở đây không phải là ai thắng ai thua mà nếu tất cả những nội dung đó được bàn bạc đưa đến thỏa thuận các bên có thể chấp nhận được thì có nghĩa là việc đó dẫn đến cái việc là không thể như một phán quyết để phán bên thắng bên thua.
Đây là một văn bản pháp luật các bên có thể chấp nhận được và nó không thể nói có bên thắng bên thua, mà tất cả đều thắng vì nó là cơ sở pháp lý để người ta có thể điều chỉnh tất cả các hoạt động trong khu vực biển Đông và đặc biệt những tranh chấp có thể xảy ra.”
Nếu vẫn giữ yêu sách đường lưỡi bò vô lý thì chắc chắn các nước trong khu vực không bao giờ có thể chấp nhận được.
TS Trần Công Trục
Tuy nhiên ông nhìn nhận COC sẽ rất khó thành hình một khi Trung Quốc vẫn kiên quyết giữ đường lưỡi bò mà họ vẽ ra trên biển Đông, trừ khi tất cả các nước chấp nhận bỏ những tranh chấp về chủ quyền sang một bên:
“Nếu vẫn giữ yêu sách đường lưỡi bò vô lý thì chắc chắn các nước trong khu vực không bao giờ có thể chấp nhận được bởi vì nếu chấp nhận điều đó có nghĩa là họ từ bỏ các quyền và lợi ích chính đáng của mình mà theo công ước quốc tế về luật biển đã quy định đối với vùng biển và thềm lục địa mà họ có quyền…
Nếu Trung Quốc từ bỏ đường lưỡi bò thì có thể dễ dàng cho chuyện bàn đến. Đó là phương án thứ nhất.
Nếu các bên vẫn giữ yêu sách của mình thì người ta phải tìm một giải pháp khác là tạm thời gác tất cả những yếu sách tranh chấp chủ quyền sang một bên chỉ giải quyết những vấn đề mang tính kỹ thuật thôi như vấn đề đánh cá, vấn đề giao thông vận tải hàng không hàng hải và các tranh chấp dân sự và hình sự xảy ra trong khu vực này.
Tôi nghĩ người ta có thể tính đến bộ luật biển đó có thể xử lý được các hoạt động xảy ra trên khu vực biển Đông.”
Nhưng việc bỏ những tranh chấp về chủ quyền sang một bên là một vấn đề rất khó khăn với nhiều nước. Nó liên quan đến việc khai thác tài nguyên như dầu khí và hải sản.
Hồi năm 2015, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã lên cao khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu 981 vào gần khu vực Hoàng Sa.
Trung Quốc hiện cũng đang cân nhắc dự định chỉnh sửa luật an toàn giao thông hàng hải năm 1984 cho phép Bắc Kinh hạn chế hoạt động của tàu nước ngoài trong các vùng lãnh hải của mình.
Tờ Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc hồi tháng 2 viết rằng dự thảo luật mới của Trung Quốc cho phép chính quyền ngăn cản tàu nước ngoài vào lãnh hải Trung Quốc nếu họ cảm thấy tàu đó có khả năng gây nguy hiểm tới giao thông và trật tự.
Tôi nghĩ tất cả mọi câu chuyện ở đây phụ thuộc vào lập trường và yêu sách của Trung Quốc.
TS Trần Công Trục
TS Trần Công Trục
Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, ngay cả nếu COC có thành hình thì câu hỏi liệu ngư dân Việt Nam có thể vào đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống ngoài Hoàng Sa hay không cũng phụ thuộc vào thiện chí của Trung Quốc:
“Vấn đề ra Hoàng Sa đánh cá là quyền của ngư dân Việt Nam vì họ có chủ quyền lâu đời theo quan điểm của Việt Nam. Cái đó người ta vẫn tiếp tục bình thường thôi.
Nếu COC bao gồm các vùng biển có liên quan thì người ta phải tuân thủ các quy định mà các bên đã thỏa thuận trong đó kể cả hoạt động nghề cá của ngư dân Việt Nam và ngư dân của các nước khác trong phạm vi mà người ta có thể xác định để điều chỉnh cho các hoạt động đó….
Tôi nghĩ tất cả mọi câu chuyện ở đây phụ thuộc vào lập trường và yêu sách của Trung Quốc.”
Thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Philippines từ ngày 26 đến 29 tháng 4 được cho là sẽ đề cập đến vấn đề tranh chấp ở biển Đông nhưng ở mức độ rất chừng mực.
Quyền Ngoại trưởng Philippines, Enrique Manalo, mới đây cho biết những thảo luận về vấn đề biển Đông sẽ không làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc.
Hãng tin Reuters mới đây cho biết bản thảo tuyên bố chung của ASEAN dự định công bố vào ngày 29 tháng 4 sẽ không chỉ trích Trung Quốc về các hoạt động quân sự hóa khu vực biển Đông của nước này.
Biển Đông: Bàn tay Trung Quốc tại ASEAN 2017 ?
Ngày 28/04/2017, ngoại trưởng 10 nước ASEAN bắt đầu họp lại tại Manila (Philippines) để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 sẽ mở ra ngày 29/04. Trong những ngày qua, rất nhiều tín hiệu cho thấy là Philippines trong vai trò chủ tịch ASEAN năm nay sẽ cố tránh đụng chạm Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, mà dấu hiệu rõ nhất là một bản thông cáo chung sẽ chỉ đề cập đến vấn đề Biển Đông một cách thoáng qua
Trả lời phỏng vấn của ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) đã nêu bật một số sai lầm của tổng thống Philippines khi chạy theo Trung Quốc.
Trước hết giáo sư Long xác định tầm quan trọng của ASEAN đối với an ninh Đông Nam Á, và đặc biệt là của các hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay.
Ngô Vĩnh Long : ASEAN hiện nay là tổ chức đa phương duy nhất có các cơ chế để 10 nước Đông Nam Á trao đổi với nhau cũng như với các nước ngoài khu vực về các vấn đề an ninh và hoà bình chung. Hoa Kỳ đã thấy rõ tầm quan trọng của tổ chức này cho nên từ thời Tổng thống Obama đã cố gắng củng cố quan hệ với ASEAN trên nhiều mặt, đặc biệt là trên mặt trận an ninh.
Năm 2009 Obama là tổng thống đầu tiên của Mỹ đã gặp lãnh tụ của tất cả 10 nước ASEAN trong một cuộc họp thượng đỉnh và sau đó đã đi thăm một số nước này sáu lần nữa. Năm 2010 Mỹ là nước đầu tiên ngoài hiệp hội này đã thiết lập văn phòng thường trực cấp đại sứ ở trụ sở ASEAN tại Jakarta để có thể thường xuyên và trực tiếp tham gia các hoạt động của các cơ chế mà Mỹ đã được làm thành viên. Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Mỹ cũng hàng năm tham gia các cuộc họp của ASEAN.
Hội Nghị Thượng Đỉnh năm nay có tầm quan trọng đặc biệt, vì đang có nhiều vấn đề an ninh nổi cộm cần đem ra thảo luận mà sẽ được sự chú ý của dư luận nhiều hơn các năm trước vì đây cũng là dịp kỷ niệm 50 năm thành lập của hiệp hội này.
Manila 2017 sẽ giống như Phnom Penh 2012?
RFI : Mỗi lần ASEAN họp là mỗi lần hồ sơ Biển Đông nổi cộm lên, với mối quan ngại là Trung Quốc sẽ tìm cách thao túng nội bộ khối Đông Nam Á để tránh bị vạch mặt chỉ tên là kẻ hung hăng đang lấn chiếm biển đảo của các láng giềng Đông Nam Á. Căn cứ vào những tuyên bố thuận thảo theo Trung Quốc, thậm chí là khiếp nhược trước Trung Quốc, của tổng thống Duterte của Philippines, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, theo ý giáo sư, liệu Manila có lại chơi một vố theo kiểu Phnom Penh năm 2012 là áp đặt một cái gì đó theo ý Bắc Kinh hay không ? Câu hỏi này được đặt ra vì lẽ bản dự thảo thông cáo chung của các lãnh đạo ASEAN có vẻ rất thuận lợi cho Trung Quốc ?
Ngô Vĩnh Long : Chưa có thể biết chắc là Tổng thống Duterte của Philippines lại chơi một vố theo kiểu Campuchia năm 2012 hay không trong việc áp đặt ý kiến của Trung Quốc. Tuy ông ta rất muốn thu hút thêm đầu tư của Trung Quốc cũng như tăng cường quan hệ mậu dịch giữa hai nước, đến nay những tuyên bố của vị tổng thống này cho thấy ông ta không có lập trường kiên định. Có thể ông sẽ thay đổi thái độ đối với Trung Quốc nếu bị áp lực hay phản ứng mạnh hơn của người dân trong nước và của dư luận từ các nước trong khu vực và các nơi khác trên thế giới.
Tuy nhiên ta có thể nhận định rằng bản dự thảo nghị quyết của ASEAN hiện nay rõ ràng là rất mềm mỏng và thuận lợi cho Trung Quốc. Dự thảo đó không đề cập gì đến phán quyết tháng 7 năm 2016 của Toà Trọng Tài Thường Trực (PCA) về việc Trung Quốc không có cơ sở lịch sử hay nền tảng pháp lý để đòi chủ quyền ở Biển Đông. Phán quyết cũng phê phán việc Trung Quốc phá hoại môi trường để bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực này. Thêm vào đó phán quyết cũng nói rõ rằng Trung Quốc không có quyền cấm đoán ngư dân các nước khác hành nghề trong khu vực đánh bắt truyền thống của họ như Trung Quốc đã và đang làm.
Sai lầm lớn của Duterte: Tuyên bố rằng PCA là việc riêng giữa Trung Quốc và Philippines
Phán quyết của PCA là một thắng lợi lớn về mặt pháp lý và ngoại giao cho Philippines, nói riêng, và cho các nước ven Biển Đông, nói chung, trong việc đối phó sự bành trướng và đe doạ an ninh của Trung Quốc. Không dựa vào phán quyết này để vận động sự hợp tác của các nước trong khu vực và sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới để bảo vệ lợi ích chung là một thiếu sót lớn.
Hơn thế nữa, Duterte đã rất sai lầm khi tuyên bố nhiều lần là Trung Quốc quá mạnh cho nên Philippines không thể làm gì được ngoài việc gác lại phán quyết PCA để khỏi mất lòng Trung Quốc. Ông ta tại càng sai lầm lớn hơn khi tuyên bố trước thềm hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này là phán quyết PCA chỉ là vấn đề riêng giữa Philippines và Trung Quốc chứ không phải là vấn đề chung với ASEAN.
Trong khi đó thì Duterte đã công khai nguyền rủa Mỹ đã không can thiệp khi Trung Quốc đánh chiếm các đảo hay đã không ngăn chặn việc Trung Quốc bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo. Không những Duterte đã đổ thừa Mỹ về các hành động chiếm đóng của Trung Quốc mà ông ta lại còn đã chửi đích danh cựu Tổng thống Obama làm như Mỹ là một nước nhược tiểu dễ bắt nạt. Nhưng không có sự hỗ trợ và hiện diện của Mỹ về lâu về dài, thì Trung Quốc sẽ gặm nhấm dần hết các vùng biển đảo của Philippines cũng như đe đoạ trầm trọng an ninh toàn khu vực.
RFI : Giáo sư thấy chiều hướng Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào nếu Manila áp đặt văn kiện đó ?
Ngô Vĩnh Long : Nếu Manila áp đặt được văn kiện như dự thảo hiện nay thì điều này chứng tỏ rằng Việt Nam đã chưa vận động tích cực đủ, hoặc là vì có cản trở trong nội bộ hay là vì có áp lực từ bên ngoài. Hoặc là cả hai. Cho nên khi văn kiện này được công bố thì có thể chiều hướng là Việt Nam sẽ tuyên bố rằng đang có “quan ngại sâu sắc về những diễn biến leo thang gần đây” như đã thường phát biểu trước đây.
COC: Thủ thuật giúp Trung Quốc mua thời gian
RFI : Về bộ Quy Tắc Ứng Xử COC giữa ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông mà cả Philippines lẫn Trung Quốc đều tỏ vẻ sốt sắng, giáo sư nghĩ sao ? Có người cho rằng Bắc Kinh vẫn giả vờ sốt sắng để « câu giờ » ?
Ngô Vĩnh Long : Cả Philippines lẫn Trung Quốc đều tỏ vẻ sốt sắng, nếu không nói là hồ hởi, về bản Quy Tắc Ứng Xử (COC) hiện nay là vì nó chưa có gì thật sự cụ thể và thực tế. Nó chỉ rất chung chung cho nên có thể sẽ được thoả thuận chung là đến tháng 6 sắp tới sẽ có bộ khung của COC.
Nhưng từ bộ khung chung chung đó đi đến việc cụ thể hoá thì còn sẽ mất nhiều năm nữa. Trung Quốc sẽ dùng việc này để chứng tỏ là Trung Quốc thực sự có thiện chí. Trong khi đó thì thật ra đây là một thủ thuật giúp Trung Quốc mua thời gian cho việc bồi đắp và xây dựng thêm để thực thi việc đòi hỏi chủ quyền của mình trên Biển Đông như là việc đã rồi.
Những nước có quyền lợi lớn ven Biển Đông, như Philippines và Việt Nam, nên có chiến lược đối phó rõ ràng và cương quyết trước mưu đồ thâm hiểm của Trung Quốc. Không thể làm như Duterte gần đây là khi thấy nguy thì tuyên bố bừa là sẽ đưa quân ra bồi đắp và củng cố các thực thể ở Trường Sa. Nhưng ngay sau khi Trung Quốc lên tiếng lại vội vàng rụt cổ. Làm như thế không khác nào là vừa chấp nhận sự chiếm đóng trái phép của Trung Quốc và vừa thừa nhận sự bất lực và hèn nhát của chính mình.
Phải có chiến lược đối phó với Trung Quốc
RFI : Giáo sư vừa nói là “Những nước có quyền lợi lớn ven Biển Đông, như Philippines và Việt Nam, nên có chiến lược đối phó rõ ràng và cương quyết trước mưu đồ thâm hiểm của Trung Quốc ” .Riêng đối với Việt Nam thì chiến lược đối phó đó phải như thể nào ?
Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ vì Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất ở khu vực Biển Đông và là nước đã phải chịu đựng nhiều nhất trước những hành động đánh chiếm và đe doạ an ninh của Trung Quốc thì ít ra Việt Nam cũng có thế để vận động các thành viên ASEAN cũng như những nước đã gia nhập tổ chức Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Việc Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi tổ chức này không có nghĩa những quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên còn lại đã hoàn toàn bị triệt tiêu. Trump và Duterte càng thụ động thì Việt Nam lại càng có cơ hội để năng động hơn.
Hải Quân Trung Quốc lại tập trận ở Tây Thái Bình Dương
Hải quân Trung Quốc lại đi xuyên qua eo biển Miyako nằm giữa hai hòn đảo của Nhật Bản, để tập trận tại Tây Thái Bình Dương. Hãng tin Reuters hôm nay 28/04/2017 dẫn nguồn tin từ Tân Hoa Xã cho biết như trên.
Trong những tháng gần đây, hải quân và không quân Trung Quốc đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận tại Thái Bình Dương, nhằm trau giồi khả năng hoạt động ở các vùng biển xa. Chiều hôm qua Tân Hoa Xã loan tin các cuộc tập trận mới là về « thông tin, thay đổi đội hình, tìm kiếm và cứu hộ, chống hải tặc ».
Ông Trần Đan Nam (Chen Denan), người đứng đầu hạm đội cho biết mục đích cuộc tập trận nhằm tăng cường huấn luyện, khả năng ứng phó các tình huống khẩn cấp trên biển khơi. Ông nhấn mạnh việc « cải thiện thông tin, tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, truyền tải thông điệp hòa bình và hữu nghị, giúp hạm đội thích ứng với yêu cầu của các nhiệm vụ quân sự đa dạng ».
Eo biển Miyako là vùng biển nằm giữa đảo Miyako và đảo Okinawa, và ở phía đông bắc Đài Loan – mà Bắc Kinh luôn coi là một phần lãnh thổ của mình.
Hải Quân đóng vai trò ngày càng lớn trong quân đội Trung Quốc, với người đứng đầu là đô đốc Thẩm Kim Long (Shen Jinlong), hàng không mẫu hạm và các chiến hạm mới đi diễu khắp các vùng biển.
Tuần này Bắc Kinh vừa cho hạ thủy thêm tàu sân bay thứ hai do Trung Quốc tự đóng, nhưng chiếc tàu này không thể đi vào hoạt động trước năm 2020.
Biển Đông:
Philippines hoàn thành một chuyến nghiên cứu khoa học
Philippines đã hoàn thành một chuyến khảo sát khoa học kéo dài 18 ngày tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp. Theo thông cáo ngày 27/04/2017 của một quan chức cấp về an ninh, mục đích đợt nghiên cứu là đánh giá tình trạng các cụm san hô, đồng thời lập bản đồ vùng biển đang có tranh chấp.
Hai tầu thăm dò, trong đó có một tầu nghiên cứu hiện đại được mua từ Hoa Kỳ, đã thực hiện chuyến nghiên cứu khoa học từ ngày 07 đến 25/04/217 ở bãi cạn Scarborough và tại ba hòn đảo khác, trong đó có đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa). Tham gia đoàn thám hiểm có các nhà nghiên cứu thuộc bộ Môi Trường, các nhà khoa học thuộc trường đại học lớn và Hải Quân Philippines.
Bản thông cáo của ông Hermogenes Esperon, cố vấn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Philippines, nhấn mạnh : « Đợt nghiên cứu hoàn toàn mang tính khoa học và môi trường được thực hiện theo đúng trách nhiệm của Philippines đối với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển nhằm bảo vệ đa dạng sinh thái biển và đảm bảo an toàn lưu thông hàng hải trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines ».
Tuy nhiên, thông cáo không nêu bất kỳ chi tiết nào về kết quả của chuyến nghiên cứu khoa học trên. Đây mới chỉ là chặng đầu của đợt thám hiểm vì chính quyền Manila dự tính tiến hành nhiều đợt khảo sát khác tại vùng biển Benham Rise, nằm ở phía đông đảo lớn Luzon của Philippines.
Vị quan chức hải quân trên cũng cho Reuters biết là Philippines vẫn thỉnh thoảng tiến hành nghiên cứu hải dương, nhưng chuyến khảo sát vừa qua là chương trình quan trọng nhất kể từ năm 2011, khi một tầu tuần duyên Trung Quốc sách nhiễu tầu khảo sát của một tập đoàn Anh-Philippines lúc đó đang thăm dò dầu khí tại Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) mà Manila khẳng định thuộc chủ quyền của Philippines, nằm ở phía tây đảo Palawan.
Nhận xét
Đăng nhận xét