Tin khắp nơi – 30/04/2017
Trump: 100 ngày nắm quyền “đầy hứng khởi và hiệu quả”
Nói đến 100 ngày làm việc đầu tiên, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đưa ra một danh sách các hành động, ông cho rằng thời gian làm việc của ông cho đến nay thực sự “đầy hứng khởi và hiệu quả”, bao gồm đưa các thợ mỏ trở lại làm việc, bảo vệ các công nhân ngành thép và nhôm, “loại bỏ các quy định làm mất công ăn việc làm”. Ông cũng nhấn mạnh cam kết xây dựng bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico.
Ông Trump đã phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Harrisburg, Pennsylvania hôm Thứ Bảy, trước10.000 người. Cử tọa ủng hộ và chào mừng ông với tiếng reo hò “USA! USA! USA!” (Hoa Kỳ, Hoa Kỳ, Hoa Kỳ)
Tổng thống Mỹ nói: “Chúng ta cần bức tường để ngăn chặn ma túy và nạn buôn người. Chúng ta cần bức tường. Chỉ trong 100 ngày, chúng tôi đã có những bước đi lịch sử để bảo vệ biên giới của chúng ta, áp đặt việc kiểm soát nhập cư cần thiết mà quý vị chưa bao giờ thấy, có phải vậy không? Và rà soát, kiểm tra đúng mức đối với những người muốn nhập cảnh vào nước ta. Họ sẽ đến vì họ yêu mến đất nước chúng ta. Nếu không, chúng ta không tiếp nhận họ. Chúng ta đang vận hành theo một nguyên tắc rất đơn giản, đó là hệ thống nhập cư của chúng ta cần phải đặt các nhu cầu của người lao động Mỹ, các gia đình Mỹ, các công ty Mỹ, và các công dân Mỹ lên trên hết”.
Tổng thống Mỹ nói: “Chúng ta cần bức tường để ngăn chặn ma túy và nạn buôn người. Chúng ta cần bức tường. Chỉ trong 100 ngày, chúng tôi đã có những bước đi lịch sử để bảo vệ biên giới của chúng ta, áp đặt việc kiểm soát nhập cư cần thiết mà quý vị chưa bao giờ thấy, có phải vậy không? Và rà soát, kiểm tra đúng mức đối với những người muốn nhập cảnh vào nước ta. Họ sẽ đến vì họ yêu mến đất nước chúng ta. Nếu không, chúng ta không tiếp nhận họ. Chúng ta đang vận hành theo một nguyên tắc rất đơn giản, đó là hệ thống nhập cư của chúng ta cần phải đặt các nhu cầu của người lao động Mỹ, các gia đình Mỹ, các công ty Mỹ, và các công dân Mỹ lên trên hết”.
Tổng thống bày tỏ rằng ông thấy nhẹ nhõm khi không phải tham dự tiệc tối của phóng viên chuyên theo dõi Tòa Bạch Ốc, một sự kiện từ thiện hàng năm ở Washington, diễn ra cùng lúc với cuộc mít tinh của ông.
Đám đông đã hò reo khi ông Trump nêu tên một vài mạng lưới truyền hình mà ông gọi là “đưa tin thất thiệt”. Ông nói ông đánh trượt giới truyền thông về việc họ đưa tin về 100 ngày đầu tiên của ông.
Ông Trump nói Mỹ là một phần của “một hệ thống toàn cầu hoang phí và trục trặc mà Mỹ phải gánh các chi phí” và ông hứa sẽ đưa ra một “quyết định lớn” về Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu trong hai tuần tới.
Thủy quân lục chiến Mỹ quay lại tỉnh Helmand, Afghanistan
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã quay lại tỉnh Helmand ở miền nam Afghanistan.
Ba năm sau khi NATO chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của họ ở Afghanistan, thủy quân lục chiến giờ đây quay lại ở tỉnh có trồng cây thuốc phiện và nhiều bất ổn.
Thủy quân lục chiến và lực lượng NATO đã dự một buổi lễ hôm thứ Bảy đánh dấu việc chuyển giao bộ tư lệnh Helmand.
Lần này, thay vì chiến đấu, Thủy quân lục chiến đã được huy động để huấn luyện, cố vấn và trợ giúp lực lượng an ninh Afghanistan, những người đang chiến đấu để đánh bật phiến quân Taliban.
Việc họ quay trở lại diễn ra chỉ một ngày sau khi Taliban tuyên bố khởi động cuộc tấn công mùa xuân, là lúc các phần tử hiếu chiến gia tăng cuộc chiến.
Hồi đầu tháng này, lực lượng an ninh Afghanistan đã phải gánh chịu một cuộc tấn công tàn khốc khi các lính tự sát Taliban cải trang bằng quân phục Afghanistan giết chết 135 lính chính phủ ở một thành phố miền bắc.
Taliban đang kiểm soát phần lớn tỉnh Helmand. Hoạt động phiến loạn của họ có nguồn tiền phần lớn từ thuốc phiện được trồng trên quy mô rất lớn.
Mỹ: Lốc xoáy ở Texas, 4 người chết
Nhiều trận lốc xoáy đã tràn qua một thị trấn ở miền đông Texas hôm 29/4 làm ít nhất 4 người chết và hàng chục người khác bị thương.
Trước đó, truyền thông địa phương cho biết có 5 người thiệt mạng. Reuters dẫn lời chính quyền địa phương cho biết thêm rằng con số thương vong có thể gia tăng.
Ba trận lốc xoáy đã được ghi nhận bởi cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Mỹ đặt tại Canton, một thành phố nằm cách Dallas 95 km về phía đông.
Thị trưởng Canton, bà Lou Ann Everett, nói rằng tình hình còn diễn biến tiếp trong ngày 30/4. Ngoài số tử vong trên, bà cho biết rằng 49 người đã bị thương vì các trận lốc xoáy.
Các hình ảnh và video đăng tải trên mạng cho thấy nhiều chiếc xe ôtô bị lật úp và các tòa nhà hai tầng đổ sập.
Thống đốc tiểu bang Texas Gred Abbott đã triển khai một lực lượng cứu hộ tới hiện trường.
Ngoài lốc xoáy, còn có thể xảy ra lụt lột tại khu vực bị ảnh hưởng trên do mưa to kéo dài từ hôm 28/4.
Tổng thống Trump mời ông Duterte tới Nhà Trắng
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/4 đã mời nhà lãnh đạo Philippines Rodrigo Duterte tới Nhà Trắng.
Lời mời được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa nguyên thủ hai nước mà đôi bên cũng đề cập tới các quan ngại về Bắc Hàn, theo Reuters.
Một thông cáo của Nhà Trắng có đoạn: “Cuộc trao đổi diễn ra rất thân mật, và hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các mối quan ngại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) liên quan tới an ninh khu vực, trong đó có mối đe dọa từ Bắc Hàn”.
Trước khi trao đổi qua điện thoại với ông Trump, Tổng thống Philippines nói tại Manila rằng Hoa Kỳ nên kiềm chế và không nên bị cuốn vào “trò chơi” của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.
Trước cuộc điện đàm, Bình Nhưỡng phóng thử một tên lửa đạn đạo, nhưng bất thành.
Philippines hiện là quốc gia giữ vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN, tổ chức gồm nhiều thành viên trong đó có Việt Nam.
Theo Reuters, Nhà Trắng không cho biết các chi tiết về thời gian diễn ra cuộc gặp ở Washington, nhưng nói rằng ông Trump nóng lòng tới thăm Philippines vào tháng 11 để tham dự hai hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các quốc gia châu Á.
Sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tới Việt Nam để tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC, dự kiến sẽ diễn ra ở Đà Nẵng.
Binh sĩ Mỹ tử thương ở Iraq
Một binh sĩ Hoa Kỳ đã thiệt mạng vì thương tích trong một vụ nổ ở thành phố Mosul, miền bắc Iraq, hôm 29/4.
Reuters dẫn lời của lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu cho hay như vậy, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Các lực lượng do Mỹ yểm trợ đã và đang chiến đấu để giành lại Mosul, cứ địa của Nhà nước Hồi giáo.
Tin tức trên được loan đi đúng dịp Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh dấu 100 ngày đầu tiên nắm quyền.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết sẽ tiêu diệt tổ chức khủng bố hiện hoạt động chủ yếu ở Syria và Iraq.
TT Trump cấp tập hội kiến đồng minh về Bắc Hàn
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/4 điện đàm với lãnh đạo Singapore và Thái Lan về mối đe dọa tàn phá hạt nhân của Bắc Hàn đối với khu vực châu Á.
Tin này được chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus tiết lộ trên chương trình “This Week” của kênh truyền hình ABC, theo Reuters.
“Chúng tôi cần sự hợp tác ở một mức độ nào đó với càng nhiều đối tác trong khu vực càng tốt để dàn xếp tốt đẹp mọi chuyện”, ông Priebus nói.
Quan chức Nhà Trắng này nói thêm rằng Tổng thống Trump đã điện đàm với người đồng nhiệm Philippines hôm 29/4, và rằng việc trao đổi với các lãnh đạo trong khu vực nhằm mưu tìm sự hậu thuẫn về một kế hoạch hành động nếu tình hình ở Bắc Hàn xấu đi.
Ông Priebus nói thêm rằng ông Trump thường xuyên liên lạc với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cũng như trở nên “rất gần gũi” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chánh văn phòng Nhà Trắng nói rằng hiện ở khu vực không có gì lớn hơn mối đe dọa từ Bắc Hàn.
Ông nói tiếp rằng các cuộc thảo luận giữa ông Trump và các đối tác được tiến hành vì “nguy cơ tàn phá hạt nhân trên diện rộng ở châu Á”, và rốt cuộc ở Mỹ.
Hàn Quốc: Mỹ ‘gánh’ chi phí phòng thủ tên lửa
Hàn Quốc nói rằng Hoa Kỳ đã tái khẳng định sẽ “gánh” khoản chi phí triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở quốc gia Đông Bắc Á này.
Thông báo được đưa ra ít ngày sau khi Tổng thống Donald Trump nói rằng Seoul sẽ phải trả cho hệ thống trị giá 1 tỷ đôla để phòng thủ trước Bắc Hàn.
Reuters dẫn lời văn phòng tổng thống Hàn Quốc nói rằng, trong cuộc điện đàm hôm 30/4, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, H.R. McMaster, đã trấn an người đồng nhiệm Hàn Quốc Kim Kwan-jin, rằng liên minh giữa Mỹ với Hàn Quốc là ưu tiên hàng đầu của Washington ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Cuộc điện đàm này được tiến hành một ngày sau khi Bình Nhưỡng lại phóng thử tên lửa đạn đạo nhưng thất bại.
Việc triển khai THAAD đã vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, cũng như của người dân địa phương ở Seonjgu ở miền nam vì họ cho rằng hệ thống này sẽ biến họ trở thành mục tiêu của các tên lửa của Bắc Hàn.
Khoảng 300 người dân đã tuần hành hôm 30/4. Tin cho hay, 800 cảnh sát đã có mặt. Hai người bị thương trong vụ xô xát giữa đôi bên.
Cả Hàn Quốc và Mỹ đều tuyên bố rằng mục đích duy nhất của THAAD là để bảo vệ trước tên lửa Bắc Hàn.
Giáo hoàng kêu gọi chấm dứt khủng hoảng Bắc Hàn
Đức Giáo hoàng Francis hôm 29/4 nói rằng một nước thứ ba như Na Uy nên tham gia hòa giải nhằm giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa Bắc Hàn và Mỹ.
Trao đổi với các phóng viên trên chiếc máy bay từ Cairo trở lại Vatican, Đức Giáo hoàng cho biết đã sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump khi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tới châu Âu vào tháng sau, nhưng nói không hay biết rằng Washington đã đề xuất gặp hay chưa.
Theo Reuters, trả lời một câu hỏi về căng thẳng hiện thời giữa Washington và Bình Nhưỡng, Đức Giáo hoàng nói: “Vấn đề tên lửa của Bắc Hàn đã âm ỉ hơn một năm nay, nhưng giờ tình hình trở nên quá nóng”.
Đức Giáo hoàng cũng cho rằng Liên Hiệp Quốc nên tái khẳng định vai trò lãnh đạo ngoại giao trên thế giới vì tổ chức này đã “quá thiếu hiệu quả”.
Đức Giáo hoàng kêu gọi “mọi nhà lãnh đạo”, “lãnh đạo mọi nơi nỗ lực để mưu tìm một giải pháp cho các vấn đề thông qua con đường ngoại giao”.
“Có nhiều quốc gia muốn hòa giải như Na Uy chẳng hạn”, Đức Giáo hoàng nói tiếp.
Na Uy bí mật thương lượng một thỏa thuận giữa Israel và Palestine được gọi là Hiệp định Oslo vào đầu những năm 1990.
Theo Reuters, Nhà Trắng chưa hồi đáp tức thời trước một đề nghị bình luận.
Trump: “Sẽ không vui” nếu Bắc Hàn lại thử hạt nhân
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ “không vui” nếu Bắc Triều Tiên thực hiện một cuộc thử nghiệm hạt nhân nữa, lần thứ sáu.
Ông Trump cũng đề cập đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm Chủ nhật trên kênh CBS, ông Trump nói: “Tôi cũng có thể nói với quý vị rằng tôi cũng không tin rằng chủ tích Trung Quốc, người rất được tôn trọng, sẽ thấy vui”.
Khi được hỏi liệu “không vui” về một cuộc thử nghiệm hạt nhân nữa của Bình Nhưỡng có đồng nghĩa là ông sẽ thực hiện “hành động quân sự” nhắm vào chế độ của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, ông Trump nói: “Tôi không biết, ý tôi là rồi chúng ta sẽ thấy”.
Bắc Triều Tiên hiện đang cố gắng phát triển một loại tên lửa tầm xa có khả năng tấn công Hoa Kỳ đại lục cách họ 9.000 km. Bắc Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử tên lửa mới hôm thứ Bảy, nhưng Hàn Quốc cho biết một lần nữa họ lại thất bại.
Ông Trump viết trên Twitter rằng vụ thử “đã không tôn trọng mong muốn của Trung Quốc cũng như vị chủ tịch đáng kính của nước này …. Thật tồi!”
Vụ thử tên lửa này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh báo Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về “hậu quả thảm khốc” nếu cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, không ép Bắc Triều Tiên chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Hoa Kỳ và Hàn Quốc hôm Chủ nhật đã hoàn tất các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn hàng năm với 20.000 lính Hàn Quốc và 10.000 lính Mỹ tham gia. Tuy nhiên, hai nước tiếp tục cuộc tập trận hải quân chung tại Biển Nhật Bản mà Bình Nhưỡng đã lên án là một sự khiêu khích để chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Bắc Triều Tiên.
Cuộc tập trận hải quân bao gồm tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson, được ông Trump điều tới khu vực như một sự cảnh báo đối với Bắc Triều Tiên. Thông qua truyền thông nhà nước, Bắc Triều Tiên đã đe dọa tấn công chiến hạm này.
Trung Quốc sửa đổi luật về bản đồ
để củng cố thêm yêu sách chủ quyền
Trung Quốc ngày 27/04/2017 thông qua một đạo luật về bản đồ đã được sửa đổi để củng cố thêm và làm rõ các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh, đồng thời quy định những hình phạt mới nặng nề hơn để “hù dọa” những người nước ngoài dám thực hiện công việc khảo sát mà không có sự cho phép chính quyền. Văn bản sửa đổi này được Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc chuẩn y với mục tiêu là bảo toàn các thông tin địa lý Trung Quốc.
Theo hãng tin Anh Reuters, dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy một loạt luật lệ mới trong lãnh vực bảo toàn an ninh và bí mật quốc gia vốn đã bị rất nhiều quy định chi phối. Trong số các luật lệ mới này, có luật đặt các tổ chức phi chính phủ dưới quyền kiểm soát của bộ Công An và một bộ luật về an ninh mạng, như đòi hỏi các doanh nghiệp phải lưu trữ các dữ liệu quan trọng tại Trung Quốc.
Các đạo luật này đã bị quốc tế phê phán là nhằm trao cho Nhà Nước Trung Quốc quyền hạn rộng rãi trong việc cấm các công ty nước ngoài vào hoạt động trong những lãnh vực mà Bắc Kinh cho là “trọng yếu“, hoặc để trấn áp đối lập trong nước.
Theo phát ngôn viên Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc, việc điều chỉnh luật về bản đồ nhằm giúp cho chính người Trung Quốc hiểu rõ hơn về lãnh thổ của mình. Đối với nhân vật này, những bản đồ đã “vẽ sai biên giới“, ví dụ như xem Đài Loan là một quốc gia hay không thừa nhận đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông, là “những vấn đề đã tác hại một cách khách quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc“. Chính quyền Bắc Kinh luôn luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, và còn coi hầu như toàn bộ Biển Đông là thuộc chủ quyền Trung Quốc từ nghìn xưa.
Phát ngôn viên Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội cho biết thêm là bộ luật mới được điều chỉnh cho phép tăng cường việc kiểm soát dịch vụ bản đồ trên mạng, đòi hỏi là bất cứ ai muốn đăng hay công bố bản đồ quốc gia phải tuân theo chuẩn mực của Nhà Nước Trung Quốc.
Theo ông Tống Triều Chế (Song Chaozhi), phó cục trưởng cục Khảo Sát và Bản Đồ Trung Quốc, cơ quan ngoại quốc nào muốn vẽ bản đồ hay tiến hành khảo sát địa lý ở Trung Quốc đều phải làm rõ là họ không đụng chạm vào bí mật quốc gia hay gây nguy hại đến an ninh quốc gia Trung Quốc.
Còn phó chủ tịch Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Nhạc Trung Minh (Yue Zhongming) thì đe dọa : Cá nhân hay nhóm nước ngoài vi phạm luật có thể bị phạt đến 1 triệu yuan – 145.000 đô la, một khoản tiền phạt to lớn nhằm mục tiêu răn đe.
Pháp: Ứng viên TT Macron
được một nhân vật cánh trung có uy tín ủng hộ
Trên tuần báo Journal du Dimanche số ra hôm nay, 30/04/2017, một nhân vật có uy tín thuộc cánh trung tại Pháp, ông Jean-Louis Borloo đã cho biết là ông sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron nhân vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào Chủ Nhật 07/05 tuần tới.
Trong bài trả lời phỏng vấn, nhân vật nguyên là bộ trưởng bộ Sinh Thái trong chính phủ François Fillon từ năm 2007 đến 2010 xác định rằng ông sẽ dấn thân « hết mình » bên cạnh ứng viên Macron, một người được ông cho là biểu tượng của « sự đổi mới chính trị, tính hiện đại, tình đoàn kết và liên đới mà nước Pháp đang rất cần ». Ông đồng thời cho biết sẵn sàng tham chính để giúp ông Macron.
Dù đã xa rời chính trường từ ba năm nay, ông Borloo vẫn là người được cả cánh tả lẫn cánh hữu ở Pháp tôn trọng. Trong vòng 1 cuộc bầu cử vừa qua, ông hoàn toàn im lặng, không cho biết mình ủng hộ ai.
Ngoài hậu thuẫn của ông Borloo, ứng cử viên Macron tiếp tục được tổng thống Pháp mãn nhiệm hậu thuẫn. Phát biểu tại Bruxelles ngày hôm qua, ông François Hollande đã khích lệ các « lực lượng cộng hòa » chọn « lá phiếu Macron » vào ngày 07/05 tới đây để giảm tối đa số phiếu bầu cho ứng viên cực hữu Marine Le Pen.
Từ thành phố là « thủ đô » của Liên Hiệp Châu Âu, ông Hollande cho rằng vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp tới là một cuộc bỏ phiếu về tương lai của nước Pháp trong châu Âu.
Lập trường về Liên Hiệp Châu Âu của hai ứng cử viên tổng thống Pháp hoàn toàn đối nghịch nhau. Nếu ông Macron chủ trương nước Pháp mở ra châu Âu và thế giới, thì ngược lại bà Le Pen muốn rút Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Nga: Biểu tình ôn hòa phản đối Putin, hơn 100 người bị bắt
Bất chấp lệnh cấm của chính quyền Nga, hôm qua 29/04/2017, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở nhiều thành phố lớn của Nga. Hơn 100 người đã bị cảnh sát câu lưu. Những cuộc biểu tình này do Open Russia, một tổ chức chính trị của tỷ phú Nga Mikhaïl Khodorkovski, tiến hành.
Tại Matxcơva, nhiều người biểu tình đã bảy tỏ thái độ phản đối tổng thống Vladimir Putin trong ôn hòa. Thông tín viên đài RFI, Etienne Bouche tường thuật:
Cảnh sát bao vây khu phố Kitaï-gorod. Theo lời kêu gọi của phong trào Open Russia, người dân Matxcơva đã báo trước đến tham gia biểu tình bày tỏ thái độ bất bình, bất chấp lệnh cấm của chính quyền. Các nhà tổ chức đã chọn một cách khác để hành động.
Một nhà đấu tranh mặc một chiếc áo T-Shirt mầu vàng mang dòng chữ : “Nadoel” (Chán ngấy), khẩu hiệu của sự tập hợp. Cô ấy phân phát các tài liệu và giải thích : “Đó là những mẫu đơn người ta có thể ghi rõ những đòi hỏi của mình. Từ đó, chúng ta có thể yêu cầu đến những gì Vladimir Putin một lần nữa không nghĩ đến – Ông ấy đã nắm quyền 17 năm rồi. Tiếp đến, những người tham gia sẽ gởi những đòi hỏi này đến phủ tổng thống.”
Những chiếc loa phát thanh của cảnh sát nhắc nhở là biểu tình không được phép. Nhưng dù vậy những người có mặt tại chỗ đã có thể đệ trình những đòi hỏi của mình đến ban thư ký phủ tổng thống. Xếp hàng chờ đến phiên mình nộp đơn chỉ trích, cô Anna bộc bạch :
“Dưới sự điều hành của ông Putin, hệ thống y tế và giáo dục đã bị xuống cấp, nước Nga dấn thân thường trực vào những chiến dịch quân sự. Yêu cầu của tôi đó là ông ấy nên rời quyền lực vào tháng 3/2018″.
Tổng thống Vladimir Putin đã không tiết lộ ý định của mình. Về phần mình, viện công tố Nga chỉ trích phong trào Open Russia là “xúi giục biểu tình và gây bất ổn tình hình chính trị”.
Nhận xét
Đăng nhận xét