Bản tin ngày 30-7-2020

BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đưa tin: Ngày 30/7/2020, ở gần vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có ít nhất 3 tàu khảo sát/nghiên cứu Trung Quốc. Một tàu thứ tư mới được triển khai đang đi trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xuống phía nam, hiện chưa biết khu vực hoạt động thực sự của tàu này”. Các tàu đó lần lượt là: Hải Dương Địa Chất 4, Hải Dương Địa Chất 12, Hướng Dương Hồng 14.
Dựa trên dữ liệu vệ tinh, Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cho biết, tàu Hải Dương 4 đang khảo sát tại vùng biển từ phía đông bắc Đá Bắc, khu vực quần đảo Trường Sa đến vùng biển ngoài khơi tỉnh Bình Định, vị trí gần nhất đến bờ biển VN khoảng 220 hải lý. Còn Hải Dương 12 hoạt động nối tiếp từ vị trí của Hải Dương 4 đến khu vực cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 175 hải lý. “Hành trình của Hải Dương 4 và Hải Dương Địa Chất 12 nằm trên 1 trục gần như thẳng có độ dài khoảng gần 200 hải lý”.
Hướng Dương Hồng 14 “sau khi di chuyển qua vùng biển các tỉnh miền Trung nước ta ở khoảng cách hơn 100 hải lý đã di chuyển xuống khu vực đá Chữ Thập vào rạng sáng ngày 28/7 sau đó tiếp tục di chuyển qua các điểm đảo, bãi, đá tại quần đảo Trường Sa về phía tây rồi sau đó vòng trở lại”. Ngoài ra, còn có tàu thứ 4 là Hướng Dương Hồng 18 cũng đang nhăm nhe xâm phạm lãnh hải VN. 
Trục di chuyển của Hải Dương Địa Chất 4 và Hải Dương Địa Chất 12. Nguồn: FB ĐSK BĐ
Sơ đồ hoạt động của Hải Dương Địa Chất 12 từ ngày 15 – 29/7/2020. Nguồn: FB ĐSK BĐ
Sơ đồ hoạt động của Hải Dương Địa Chất 4 trong 14 ngày qua. Nguồn: FB ĐSK BĐ
Sơ đồ hoạt động của Hướng Dương Hồng 14 trong 14 ngày qua. Nguồn: FB ĐSK BĐ
Sơ đồ hoạt động của Hướng Dương Hồng 18 trong 14 ngày qua. Nguồn: FB ĐSK BĐ
VnExpress đưa tin: Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông. Nhậm Quốc Cường, người phát ngôn Quân đội TQ, thông báo, các máy bay ném bom H-6G và H-6J đã tiến hành huấn luyện “cường độ cao và hoàn thành các bài huấn luyện ngày đêm về cất, hạ cánh, tấn công tầm xa và tấn công các mục tiêu trên biển”.
Báo Pháp Luật TP HCM bàn về “chiến thuật” trồng rau đảo Phú Lâm: Trung Quốc ‘dân sự hóa’ Biển Đông. Hải quân Trung Quốc tuyên bố, hơn 750 kg rau xanh gần đây đã được thu hoạch trên đảo Phú Lâm, là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN đang bị TQ chiếm đóng trái phép. “Đây là kết quả của quá trình Trung Quốc thí nghiệm canh tác trên bề mặt cát”. TQ còn khoe rằng, số rau này sẽ giúp giải quyết vấn đề lương thực cho binh sĩ đang đóng quân tại đây. 
Đó là một phần trong “chiến thuật” dân sự hóa khu vực quân sự mà Trung Quốc đã sử dụng suốt thập niên qua nhằm dần “dân sự hóa” Biển Đông, với mức độ ngày càng tăng. Căn cứ trên đảo Phú Lâm được quy hoạch như một thành phố chứ không chỉ là một nơi để người dân TQ ra đây định cư, sinh sống. Thủ đoạn này khiến VN khó có thể lấy lại đảo này, ngay cả khi Việt Nam đủ năng lực về quân sự. 
RFA có bài phỏng vấn GS Carl Thayer: Đồng thuận mới tại Biển Đông cần biến thành hành động thực tế. GS Thayer chỉ ra: “Hiện nay đang có đồng thuận giữa 4 quốc gia ven biển. Tôi muốn dùng từ này hơn là các nước có tuyên bố chủ quyền bởi vì Indonesia không phải là một nước có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Brunei thì yên lặng lâu nay, và rồi Hoa Kỳ và nay thêm Úc. Cả 4 nước đều thống nhất có cùng quan điểm mạnh mẽ bác bỏ mọi cơ sở để tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”
Tin nhân quyền
Về phiên xử phúc thẩm hai nhà hoạt động Đặng Thị Huệ, tức Huệ Như và ông Bùi Mạnh Tiến, nhà báo Trương Châu Hữu Danh cho biết, sáng nay, “tòa chấp nhận một phần kháng cáo của 2 bị cáo, giảm án cho bị cáo Huệ từ 18 tháng tù xuống 15 tháng tù giam, giảm án cho bị cáo Tiến từ 15 tháng tù xuống 12 tháng tù giam, tính từ ngày thi hành án”. 
Hình ảnh bà Huệ Như trong phiên tòa ngày 30/7/2020. Nguồn: FB Trương Châu Hữu Danh
Tài xế Huỳnh Long viết: Chính quyền Phú Yên vừa phát hiện 1 công trình xây dựng trái phép khủng. Biên bản của chính quyền cho biết: “Vào lúc 9h30/30 khu phố Phú Thọ 3, phường Hoà Hiệp Trung, thị xã Đông Hoà tỉnh Phú Yên. Chúng tôi kiểm tra phát hiên bà Vũ Thị Thu Hà thực hiện hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Diện tích xây dựng vi phạm 5,1mx3,1m = 15,81m2”.
“Công trình xây dựng trái phép khủng” thật ra là… “chuồng heo diện tích 30m2, mới đây chị đã mua lại nhưng vì nhu cầu chăn nuôi không nhiều nên đã thu nhỏ chuồng còn 15m2 rồi sơn phết cho đẹp, lợp mái ngói cho heo tránh nắng, hôm nay chuẩn bị gắn cửa chuồng và máng ăn để thả heo thì cơ quan chức năng ập vào lập biên bản vi phạm”. Chính quyền Phú Yên đang muốn phạt tiền người dân vì “công trình khủng” này. 
Covid-19 tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng
Sáng nay, Bộ Y tế thông báo, thêm 9 ca mắc COVID-19 ở Đà Nẵng, Hà Nội, hiện Việt Nam có 459 ca bệnh. Các ca nhiễm mới được đánh số từ 451 đến 459, trong đó có một điều dưỡng, 3 bệnh nhân và một người chăm sóc bệnh nhân tại BV Đà Nẵng, 3 người sống ở Đà Nẵng, một người Hà Nội từng đến khám ở BV C Đà Nẵng. 
Hôm nay, các báo “lề đảng” tiếp tục phân tích trường hợp ca bệnh 449, là người Mỹ sống ở VN 3 năm nay, có dấu hiệu bệnh phổi từ ngày 26/6 nhưng hơn một tháng sau mới được xét nghiệm Covid-19. Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Vì sao BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng không thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho bệnh nhân 449 người Mỹ? Bệnh viện này đã tiếp nhận bệnh nhân 449 hôm 26/6 khi ông này đến khám bệnh đường hô hấp.
BS Phạm Nguyễn Cẩm Thạch, GĐ BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng thừa nhận, lúc đó bệnh nhân 449 đã có biểu hiện ho, sốt, khó thở, đau mình nhưng các BS điều trị cho rằng ông này chỉ bị lao phổi. Sau 9 ngày không tiến triển, bệnh nhân 449 chuyển qua BV Đà Nẵng rồi cũng trải qua điều trị ở nhiều khoa khác nhau nhưng bệnh càng nặng và chuyển viện vào BV Chợ Rẫy, TP HCM ngày 20/7. 
Zing đặt câu hỏi: Tại sao BN449 ‘lọt’ qua 5 bệnh viện trước khi phát hiện mắc Covid-19? BS Nguyễn Trí Dũng, GĐ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM giải thích, khi bệnh nhân 449 được chuyển vào TP.HCM ngày 20/7, lúc đó Đà Nẵng và TP HCM chưa ghi nhận ca nhiễm nào trong cộng đồng. Bệnh nhân này đã ở VN hơn 3 năm qua, “trong khi Việt Nam hơn 3 tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng”
Điểm chung trong câu trả lời của hai bác sĩ trên là sự chủ quan. Mọi thành phần trong xã hội VN đều quá phụ thuộc vào bộ máy truyền thông của chế độ, nên khi họ thấy truyền thông liên tục ca ngợi VN “thắng dịch” thì họ chủ quan. Nếu ca bệnh 449 thật sự đã ủ bệnh từ ngày 26/6 thì ngành Y tế VN nên xem lại khung thời gian cách ly 2 tuần.  
Ca bệnh 449 là trường hợp di chuyển phức tạp và có nhiều rủi ro lây nhiễm ở phía Nam, tương tự như ca bệnh 459, là một cụ ông 76 tuổi, ở phía Bắc. VTC đặt câu hỏi: Bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội đến những đâu trước khi xác định nhiễm nCoV? Cụ ông này không chỉ đưa vợ đến khám ở BV Đà Nẵng, mà còn cùng nhiều người thân du lịch ở đây, sau khi về HN lại tiếp tục đi chơi nhiều nơi, uống café và đi siêu thị. 
Chiều nay, Bộ Y tế cập nhật, thêm 5 người Quảng Nam nhiễm nCoV, VnExpress đưa tin. Các ca bệnh mới này được đánh số từ 460 đến 464, đều từng chăm sóc người thân nằm bệnh tại BV Đà Nẵng. Tính từ ngày 25/7 đến nay, chỉ trong 5 ngày đã xuất hiện 48 ca lây nhiễm cộng đồng ở VN.
Một thống kê đáng lưu ý khác của Bộ Y tế: Qua một đêm hơn 65.000 người phải cách ly y tế vì COVID-19, theo báo Tiền Phong. Cụ thể, “số người đang cách ly là 81.546 người, tăng hơn 65.000 người so với ngày hôm qua”. VN hiện đứng thứ 162 trong 215 quốc gia, vùng lãnh thổ có người nhiễm Covid-19 trên thế giới.
Zing có bài: 33 người ở TP.HCM có triệu chứng về hô hấp từng đến Đà Nẵng. Sở Y tế TP HCM xác nhận, đã có 33 bệnh nhân có triệu chứng viêm đường hô hấp đã từng đến Đà Nẵng trong tháng 7. Những trường hợp này được phát hiện qua quá trình rà soát và thực hiện khai báo y tế. 
***


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?