Tin khắp nơi – 30/07/2020

Tin khắp nơi – 30/07/2020

Joe Biden cho biết ông sẽ công bố ứng cử viên chức Phó Tổng Thống trong tuần đầu tiên của tháng 08/2020

Tin từ Washington, DC – Vào hôm thứ Ba (28 tháng 7), ông Joe Biden cho biết sẽ công bố lựa chọn của ông cho vị trí tranh cử phó tổng thống Hoa Kỳ trong tuần đầu tiên của tháng 08/2020.
Trước đó trong tháng này, ông Biden đã dời hạn chót ra công bố này từ ngày 01/08/2020 sang trễ hơn một chút. Hội nghị Quốc gia Dân chủ bắt đầu vào ngày 17/08/2020 và gần như chắc chắn ông Biden sẽ công bố lựa chọn của mình trước đó. Cựu phó tổng thống Hoa Kỳ đã cam kết sẽ chọn một người phụ nữ cùng ông điều hành đất nước nếu thắng cử.
Tuần trước, ông nói rằng trong số nhóm ứng cử viên mà ông vẫn đang xem xét có 4 phụ nữ da màu. Trong buổi tưởng niệm dân biểu quá cố John Lewis ở Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ Hai (27 tháng 7), ông Biden bị bắt gặp đã nói chuyện với dân biểu California, Karen Bass, một ứng cử viên được bổ sung muộn trong số những người đang được xem xét.
Các nữ ứng cử viên khác mà ông Biden đang xem xét có một số thượng nghị sĩ, trong đó có bà Kamala Harris, Tammy Duckworth và Elizabeth Warren. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice cũng là một ứng cử viên, bên cạnh thống đốc của tiểu bang New Mexico, Michelle Lujan Grisham. (BBT)

Donald Trump

muốn hoãn bầu cử tổng thống Mỹ 2020

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa ra kêu gọi, nói rằng bầu cử tổng thống tháng 11 nên được tạm hoãn, vì bỏ phiếu qua bưu điện có thể tạo ra lừa đảo và kết quả sai.
Ông nói nên tạm hoãn để cử tri có thể đi bỏ phiếu “đàng hoàng, an toàn”.
Từ lâu ông Trump cho rằng bỏ phiếu qua bưu điện có thể tạo ra gian lận.
Các tiểu bang Mỹ đang định tăng cường bỏ phiếu qua bưu điện vì lo ngại y tế trong dịch Covid-19.
Đầu tháng này, sáu tiểu bang Mỹ dự định tổ chức bỏ phiếu qua đường bưu điện toàn bộ: California, Utah, Hawaii, Colorado, Oregon và Washington.
Theo đó, họ có thể gửi phiếu cho các cử tri để họ gửi lại.
Nhưng từ lâu ông Trump cho rằng phương pháp này dẫn tới gian lận.

Hoa Kỳ rút 12.000 quân khỏi Đức,

để lại gần một nửa ở châu Âu

Quân đội Hoa Kỳ hôm 29/7 tiết lộ kế hoạch rút khoảng 12.000 quân khỏi Đức, trong bối cảnh quan hệ xấu đi vì tranh cãi lâu nay giữa Tổng thống Donald Trump với Berlin, nhưng cho biết sẽ giữ lại gần một nửa lực lượng này tại châu Âu để giải quyết căng thẳng với Nga, theo Reuters.
Tháng trước, Tổng thống Trump tuyên bố ý định cắt giảm khoảng một phần ba trong số 36.000 quân Mỹ tại Đức sau khi buộc tội đồng minh thân cận của Hoa Kỳ đã không đóng góp đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO và cáo buộc Đức lợi dụng Mỹ về vấn đề thương mại.
“Chúng tôi không muốn trở thành kẻ bị lợi dụng nữa”, Reuters dẫn lời ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 29/7 về quyết định này. “Chúng tôi giảm lực lượng vì họ không thanh toán tiền. Đơn giản vậy thôi”.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói kế hoạch của quân đội là để ngăn chặn phong trào phá hoại NATO và những nỗ lực can thiệp của Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Trong một bình luận có nhiều khả năng gây khó chịu cho Moscow, ông Esper cho biết một số binh sĩ Mỹ sẽ được tái bố trí tới khu vực Biển Đen và một số có thể tạm thời được triển khai trong các đợt điều quân tới vùng Baltic.
Các lực lượng khác rời khỏi Đức sẽ được chuyển lâu dài đến Ý. Trụ sở chính của quân đội Mỹ ở châu Âu sẽ được chuyển từ Stuttgart, Đức, sang Bỉ.
Tổng cộng chỉ còn dưới 6.000 người trong số 12.000 binh sĩ rời khỏi Đức dự kiến sẽ tiếp tục ở lại châu Âu.
Nhiều lực lượng khác tại Hoa Kỳ sẽ luân chuyển đến châu Âu tạm thời và không đưa gia đình theo.
Các giới chức Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng chỉ có một số lượng nhỏ đơn vị sẽ được di chuyển ngay. Số còn lại sẽ mất nhiều năm để thực hiện di chuyển và có khả năng phải bổ sung hàng tỷ đô la cho chi phí di chuyển.
Kể từ Thế chiến thứ hai, quân đội Hoa Kỳ đã coi Đức là một trong những địa điểm chiến lược nhất của mình ở nước ngoài, và nó đóng vai trò là trung tâm hậu cần quan trọng cho các hoạt động quân sự của Mỹ không chỉ ở châu Âu, mà cả Trung Đông, châu Phi và xa hơn nữa.
Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, số lượng quân Mỹ ở Đức đã giảm xuống dần từ con số khoảng 200.000 quân trước đây.

Chính quyền Trump ‘sẵn sàng chấp nhận rủi ro’

để chống lại sự hung hăng của Trung Quốc

Minh Hòa
Một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ cho biết Tổng thống Donald Trump “sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn nữa” trong mối quan hệ với Bắc Kinh để chống lại các tham vọng bành trướng của chính quyền Trung Quốc.
Theo SCMP, bà Lisa Curtis, giám đốc cấp cao phụ trách khu vực Nam và Trung Á của Hội đồng Bảo an Quốc gia Hoa Kỳ, đưa ra thông tin này trong một bài phát biểu tại hội thảo trực tuyến của Viện Brookings về “Ảnh hưởng và chiến lược khu vực đang gia tăng của Trung Quốc”.
Bà Curtis nói: “Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn trong mối quan hệ [Mỹ-Trung] và tôi nghĩ mỗi bên sẽ phải làm quen với các chỉ dẫn mới này, chúng chỉ đạo chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực khi chúng ta tiến lên phía trước”.
Bà Curtis dự báo “mối quan hệ đối tác Mỹ-Ấn sẽ ngày càng sâu sắc”, khi hai nước cùng hướng tới việc xây dựng một khu vực tự do, cởi mở, minh bạch ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời “đảm bảo rằng các quốc gia khác ở Nam và Trung Á có thể duy trì chủ quyền của riêng họ”.
Bà Curtis khen ngợi thỏa thuận mua bán khí trị giá 3 tỷ đô la của Mỹ và Ấn Độ trong năm nay, trong đó New Dehli sẽ nhận được 24 máy bay trực thăng MH-60 Romeo Seahawk và 6 máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache.
Phụ tá của Tổng thống Trump cũng đề cập đến một thỏa thuận tăng cường tham vấn giữa các nước trong nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Úc, Nhật, Ấn, đây được coi là một nền tảng quan trọng cho chính sách của Tổng thống Trump trong khu vực. Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền Trump được đánh giá là một nỗ lực nhằm huy động các nước trong khu vực chống lại sự hung hăng của Trung Quốc.
Bà Curtis nói rằng vụ xung đột biên giới gần đây giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã làm thức tỉnh các quốc gia trong khu vực về “chiến lược hội nhập” của Bắc Kinh. Trong vụ xung đột này, phía Ấn Độ cho biết có 20 quân nhân nước này thiệt mạng, trong khi đó Trung Quốc không tiết lộ con số thương vong.
Bà Curtis nhắc lại một ý kiến của ông David Helvey, quyền trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong một bài bình luận đăng trên SCMP trong tháng này, ông Helvey chỉ ra rằng việc chống lại thách thức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ sẽ là một chạy đua đường dài.
Ông Helvey kêu gọi: “Cùng nhau, chúng ta phải kiên cường khi đối mặt với thách thức dài hạn này, bằng cách tiếp tục duy trì và thể hiện các nguyên tắc cốt lõi như tôn trọng chủ quyền, minh bạch, giải quyết ôn hòa các tranh chấp, đồng thời đảm bảo các quyền tự do hàng hải và hàng không”.

Thượng nghị sĩ Cotton: Hoa Kỳ cuối cùng

đã bắt đầu đẩy lùi cuộc xâm lược của Trung Quốc

Hương Thảo
Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton cho biết Washington cuối cùng đã đứng lên chống lại hành vi hung hăng lâu dài chống lại Mỹ của chính quyền cộng sản Trung Quốc, theo The Epoch Times hôm 29/7.
Chính quyền Mỹ gần đây đã gia tăng các hành động nhắm vào các mối đe dọa đến từ chính quyền Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Cotton cũng nói rằng việc chỉ trích những hành vi quy cho Mỹ là kẻ xâm lược là một hành vi sai lầm.
“Từ lâu, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến âm thầm trên nhiều mặt trận chống lại Mỹ – và thật sự chống lại toàn bộ thế giới phương Tây”, ông Cotton nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây trong chương trình “American Thought Leaders (tạm dịch: Những nhà lãnh đạo tư tưởng Mỹ)”.
Thượng nghị sĩ Cotton: Hoa Kỳ cuối cùng đã bắt đầu đẩy lùi cuộc xâm lược của Trung Quốc
“Vì vậy, chúng ta không phải là người khởi phát những căng thẳng mới này. Chúng ta chỉ đơn giản là chọn cách chống trả lại những hành động hung hăng của Trung Quốc”.
Ông đã trích dẫn những hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của người dân Mỹ, đe dọa Đài Loan và tích trữ các thiết bị bảo hộ cá nhân trong dịch Covid-19 nhằm trục lợi, như ví dụ về các hoạt động thù địch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên trường quốc tế.
Chính quyền Trump đã mạnh mẽ áp dụng các biện pháp chống lại chính quyền Bắc Kinh đối với một loạt vấn đề, bao gồm việc chính quyền này che đậy sự bùng phát dịch virus, việc đánh cắp công nghệ Mỹ, các hành vi lạm dụng nhân quyền ở khu vực Tân Cương và Hồng Kông, và việc xâm lược quân sự ở Biển Đông.
Trong vài tuần qua, Washington đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, áp lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm đàn áp các dân tộc thiểu số ở Tân Cương, và chính thức bác bỏ các yêu sách lãnh thổ và hành động xâm lược của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Thượng nghị sĩ Cotton cho biết chính quyền này đã đẩy ra rìa nhiều người dân Mỹ bình thường thông qua những hành vi săn mồi của nó, ví như các hành vi kinh tế bất công, dẫn đến nhiều việc làm của người dân Mỹ bị chuyển dịch sang Trung Quốc, và đàn áp các nhóm tín ngưỡng ở Trung Quốc.
Sự bất tín nhiệm “càng rơi xuống mức thậm chí tệ hơn kể từ khi Trung Quốc giải phóng bệnh dịch này ra toàn cầu”, ông nói.
Vị thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho biết ông đã nhận ra rằng chính quyền này chính là một mối đe dọa bởi vì “chủ nghĩa cộng sản là một mối đe dọa dù ở bất cứ đâu”.
“Tôi không biết rằng liệu ông Tập Cận Bình đã từng đọc cuốn Tư bản (Das Kapital) hay các tác phẩm khác của Karl Marx hay chưa, nhưng không có nghi ngờ gì về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chủ nghĩa cộng sản xuyên suốt từ thời đầu thành lập”, ông Cotton nói.
“Đây là một cấu trúc quyền lực đơn đảng, bởi họ sẽ bám víu vào quyền lực một cách tàn nhẫn. Thực sự không tồn tại cái gọi là một doanh nghiệp tư nhân thuần túy ở Trung Quốc đại lục. Tất cả đều do nhà nước kiểm soát, đôi khi được nhà nước hỗ trợ trực tiếp hoặc thậm chí sở hữu. Tất nhiên, họ đã đàn áp dã man các nhóm thiểu số và người bất đồng chính kiến ​​các loại”.
Đầu năm nay, Thượng nghị sĩ Cotton đã giới thiệu dự luật nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc trong việc sản xuất dược phẩm, sau khi đại dịch phơi bày các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả thiết bị y tế và thuốc.
Trung Quốc là nhà sản xuất nguyên dược liệu lớn nhất thế giới dùng để làm thuốc. Hoa Kỳ phụ thuộc rất lớn vào các loại thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc, hoặc được chế tạo từ ​​các thành phần gia công tại Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump hôm 28/7 đã công bố một thỏa thuận trị giá 765 triệu USD với hãng Kodak để giúp khởi công một hãng dược phẩm dự kiến ​​sẽ đáp ứng được 25% sản lượng các thành phần dược phẩm gốc tại Mỹ một khi đi vào hoạt động đầy đủ, theo Nhà Trắng.
Vị thượng nghị sĩ nói rằng Hoa Kỳ nên chuyển những ngành sản xuất quan trọng ra khỏi Trung Quốc để đảm bảo an ninh kinh tế và quốc gia.
“Tại sao, trong thời đại thông tin, chúng ta lại có thể cho phép những dây chuyền sản xuất tiên tiến này – cho dù đó là ngành dược phẩm, chất bán dẫn, viễn thông, hay điện toán, gồm điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo – được phép đặt tại Trung Quốc?”, ông nói.
“Điều này không chỉ quan trọng cho sự thịnh vượng kinh tế của chúng ta; Bây giờ chúng ta có thể thấy đứng từ góc độ quân sự, điều này mang tính sống còn đối với sức khỏe và an ninh của đất nước. Vì vậy, điều cốt yếu là chúng ta không còn phụ thuộc vào Trung Quốc đối với rất nhiều hàng hóa trọng yếu này”.

Mỹ sẽ giảm mạnh số lượng nhà ngoại giao Trung Quốc

Quý Khải
Bộ Ngoại giao Mỹ đang lên kế hoạch giảm đáng kể số lượng các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ để sao cho tương xứng với số lượng các nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc. Thông báo dự kiến sẽ được đưa ra ​​trong những ngày tới, theo tờ The Washington Times.
Quyết định này nhằm tìm cách giảm bớt gánh nặng đối với cơ quan phản gián của FBI, vốn hiện có khoảng 2.000 đặc vụ chuyên truy bắt các điệp viên Trung Quốc và các trợ lý của họ.
Theo dữ liệu được Giám đốc FBI Christopher Wray hé lộ gần đây, có ít nhất 5.000 vụ gián điệp mở ở Mỹ, và một nửa trong số đó có liên quan đến Trung Quốc.
Quyết định này được đưa ra đúng vào thời điểm căng thẳng ngoại giao gia tăng giữa hai cường quốc liên quan tới việc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston và đòn đáp trả của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi đóng cửa Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô.
Điều cần nhấn mạnh là sự tương phản giữa hai quyết định: việc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là phản ứng trước hoạt động gián điệp của Trung Quốc trên đất Mỹ, trong khi việc đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô chỉ đơn thuần là một đòn đáp trả của ĐCSTQ, the BL nhận định.
Hiện không có sẵn số liệu công khai về tổng số nhà ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ, nhưng chỉ riêng Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã có đến 245 tùy viên ngoại giao; trong khi ước tính các nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc chỉ có tổng số 200 trong số các lãnh sự quán ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, Thẩm Dương và Vũ Hán.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong bài phát biểu tại California rằng, điều Mỹ tìm kiếm từ các biện pháp này là sự có đi có lại và công bằng trong mối quan hệ của họ với Bắc Kinh trong các lĩnh vực.
Ví dụ, các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ có quyền tiếp cận tất cả các khía cạnh của một xã hội tự do – trên thực tế họ có thể tiếp cận tất cả các lĩnh vực với rất ít hạn chế.
“Nhưng tại Trung Quốc, các quan chức của cơ quan lãnh sự Hoa Kỳ không có quyền truy cập trực tiếp vào bất cứ nơi nào trong chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục, nhà thờ, các tổ chức xã hội hoặc lao động, các cơ quan thông tấn hoặc tuyên truyền”, ông John Tkacik, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Các cuộc họp với các doanh nghiệp Trung Quốc cũng phải chịu quyền phủ quyết của Văn phòng Ngoại giao cấp tỉnh.
Đáp trả tình trạng đối xử bất công như vậy, kể từ tháng 10 năm ngoái, các nhà ngoại giao Trung Quốc phải thông báo cho Bộ Ngoại giao Mỹ về các cuộc họp của họ với các quan chức chính phủ, mặc dù điều này không ám chỉ bất kỳ hạn chế thực sự nào.
“Mục tiêu của chúng tôi là thuyết phục chính quyền Trung Quốc cho phép các nhà ngoại giao của chúng tôi ở đại lục tiếp cận các nhà lãnh đạo tỉnh và địa phương, các trường đại học Trung Quốc, các viện
nghiên cứu và cơ sở giáo dục khác một cách tự do, tương tự cách các nhà ngoại giao Trung Quốc có thể làm ở đây”, ông Tkacik nói.
Theo một bài báo trên trang Axios phỏng vấn một cựu sĩ quan tình báo Mỹ, các lãnh sự quán Trung Quốc ở New York và đặc biệt là San Francisco là trung tâm gián điệp chính của ĐCSTQ nhằm trộm cắp tài sản trí tuệ. San Francisco là nơi đóng trụ sở của các tập đoàn lớn bên trong Thung lũng Silicon như Google, Facebook, Twitter cùng các hãng khác.
Tuy nhiên, ĐCSTQ không chỉ sử dụng các lãnh sự quán của mình như trung tâm gián điệp nhằm trộm cắp tài sản trí tuệ, mà cũng để bức hại những người bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc sống ở Mỹ, một hành vi mà FBI đang cố gắng nhổ tận gốc thông qua Chiến dịch “Săn Cáo”, theo tuyên bố của Giám đốc FBI Wray tại Viện Hudson.
Cách tiếp cận của thế giới phương Tây đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong ba thập kỷ qua đã phản tác dụng. Với quan niệm cho rằng bằng cách để ĐCSTQ tiếp cận thị trường tự do, đưa doanh nghiệp đến Trung Quốc, cho họ nhìn thấy thế giới dân chủ là như thế nào và thậm chí để Trung Quốc giữ chức chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thì ĐCSTQ rốt cục cũng sẽ thay đổi nó thành một con quái vật hung hãn hơn đang ăn mòn cả thế giới, cho đến khi Tổng thống Trump nhận ra điều này và có động thái ngăn chặn.

Bộ Tư pháp Mỹ mô tả hoạt động

 của hai gián điệp mạng Trung Quốc

Bùi Thư
Chuyên gia an ninh mạng nói rằng các gián điệp mạng của Trung Quốc vừa hoạt động vụ lợi cá nhân vừa phục vụ chính phủ.
Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng trong thời gian gần đây liên quan tới một loạt vấn đề: chiến tranh thương mại; Mỹ cáo buộc Trung Quốc giấu thông tin về dịch bệnh khiến virus corona lây lan; Trung Quốc xâm hại quyền tự trị của Hong Kong; hoạt động gián điệp của Trung Quốc nhằm ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ…
Trong số những vấn đề này, cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ có một lịch sử lâu dài, với nhiều vụ việc nổi cộm. Mới đây nhất, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội hai công dân Trung Quốc tham gia một chiến dịch gián điệp mạng nhằm vào các mục tiêu là nhà thầu quốc phòng, trung tâm nghiên cứu Covid-19 và hàng trăm nạn nhân khác trên toàn cầu.
Hoạt động gián điệp
Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ hôm 21/7 cho biết hai công dân Trung Quốc Li Xiaoyu (Lý Tiểu Ngọc), 34 tuổi, và Dong Jiazhi (Đổng Gia Chí), 31 tuổi, tham gia các hoạt động tin tặc từ hơn một thập niên qua. Li và Dong là bạn cùng lớp thời học đại học tại Thành Đô. Mục đích của các chiến dịch mạng mà hai người này tham gia thực hiện là đánh cắp bí mật thương mại, dữ liệu về thiết kế vũ khí, thông tin dược phẩm, mã nguồn phần mềm và dữ liệu cá nhân.
Theo cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, các hoạt động gần đây nhất của nhóm này nhằm vào các nghiên cứu về ung thư và Covid-19.
Bộ Tư pháp Mỹ không nêu tên các công ty, tổ chức bị tấn công, nhưng hàng loạt nạn nhân được xác định có trụ sở tại các tiểu bang California, Maryland, Washington, Texas, Virginia và Massachusetts. Trong năm nay, nhóm tin tặc Trung Quốc cũng tấn công một công ty về trí tuệ nhân tạo của Anh, một nhà thầu quốc phòng Tây Ban Nha và một công ty năng lượng mặt trời của Úc, theo cáo trạng.
Các công ty của Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ… và nhiều quốc gia khác cũng là mục tiêu của các vụ xâm nhập.
Luật sư công tố William Hyslo nói rằng có “hàng trăm nạn nhân như vậy ở Mỹ và trên thế giới”. Còn đặc vụ Raymond Duda, người đứng đầu cơ quan điều tra của FBI tại Seattle, cho biết nhóm của Li và Dong là “một trong những nhóm có hoạt động đánh cắp dữ liệu nổi bật nhất” mà cơ quan của ông từng điều tra. Đặc vụ Duda tiết lộ hai công dân Trung Quốc đã đánh cắp bí mật kinh doanh trị giá hàng triệu USD và tống tiền ít nhất một tổ chức.
Cũng theo cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, khi bùng phát dịch virus corona, hai công dân Trung Quốc nói trên đã tham gia đột nhập nhằm đánh cắp nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 tại một công ty công nghệ sinh học tại tiểu bang Massachusetts. Cáo trạng không cho biết cụ thể mức độ thành công của các hoạt động do tin tặc Trung Quốc thực hiện.
Các công tố viên Mỹ cho rằng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc có thể đã cung cấp cho tin tặc thông tin về những lỗ hổng của các phần mềm quan trọng để phục vụ cho hoạt động xâm nhập và thu thập thông tin tình báo.
Đây không phải là lần hiếm hoi Mỹ tố cáo Trung Quốc hoặc truy tố những người được cho là có liên quan đến Trung Quốc tham gia hoạt động gián điệp công nghệ, đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ. Hồi tháng 5, FBI và Bộ An ninh Nội địa Mỹ từng cảnh báo các tin tặc có liên quan đến chính phủ Trung Quốc đang nhắm vào mục tiêu là các tổ chức nghiên cứu vaccine ngừa virus corona.
Trung Quốc không phải là chính phủ duy nhất quan tâm đặc biệt đến các mục tiêu dạng này. Trong năm nay, Mỹ, Anh và Canada đã ban hành một tuyên bố chung bất thường, trong đó nêu rằng tin tặc Nga cũng đang nhằm vào các công ty và phòng thí nghiệm đại học thực hiện nghiên cứu phát triển vaccine ngừa Covid-19.
‘Có sự trợ giúp từ chính phủ’
Đại diện công ty an ninh mạng FireEye của Mỹ nói rằng qua nhiều năm theo dõi, họ đã phát hiện được nhiều nhóm tin tặc có liên hệ với Trung Quốc. Hoạt động của các nhóm này thường nhằm vào mục tiêu có thể thu lợi về tài chính hoặc mục tiêu mà chính phủ quan tâm.
Về vụ Li Xiaoyu và Dong Jiazhi, bà Cristiana Kittner, chuyên gia thuộc bộ phận phân tích nguy cơ gián điệp Mandiant của FireEye, nói với BBC News Tiếng Việt: “Mandiant đã theo dõi hoạt động liên quan đến các gián điệp mạng có quan hệ với Trung Quốc này trong nhiều năm. Chúng tôi không thể xác nhận các nạn nhân cụ thể nhưng các yếu tố được mô tả trong bản cáo trạng phù hợp với lịch sử hoạt động của các nhóm mà chúng tôi đã ghi nhận. Mặc dù chỉ có hai cá nhân được nêu tên trong cáo trạng, có khả năng nhóm này còn có sự trợ giúp khác”.
Trước đó, Ben Read, nhà phân tích đến từ bộ phận Mandiant của FireEye, nhận định với BBC: “Bản cáo trạng cho thấy các chính phủ, bao gồm cả Trung Quốc, cực kỳ coi trọng thông tin liên quan đến Covid-19. Đây là một mối đe dọa chính đối với tất cả các chính phủ trên thế giới và chúng tôi cho rằng các nhà tài trợ cho hoạt động gián điệp mạng đang ưu tiên vào thông tin liên quan đến phương pháp điều trị và vaccine”. Ông Ben Read cũng cho biết Mandiant đã theo dõi nhóm này kể từ năm 2013.
“Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã dựa vào các nhà thầu để tiến hành tấn công mạng. Việc sử dụng cộng tác viên cho phép chính phủ thu hút được các nhân tài đang hoạt động tự do, đồng thời khi xảy ra chuyện họ cũng dễ dàng chối bỏ sự liên quan. Mô hình được miêu tả trong cáo trạng là các nhà thầu thực hiện hoạt động gián điệp mạng vì lợi ích của chính phủ tài trợ và vì lợi ích của chính họ. Điều này phù hợp với những phát hiện của chúng tôi về các nhóm liên quan tới Trung Quốc, chẳng hạn APT41″, ông Ben Read nói.
Các mục tiêu tấn công không mang lại lợi ích kinh tế cụ thể cho tin tặc, nhưng có thể mang lại lợi ích cho chính phủ, ở đây có thể là các tổ chức nhân quyền, các cơ quan an ninh nước ngoài… Tạp chí Wired cho biết sau khi đột nhập bất thành vào hệ thống máy tính của một tổ chức nhân quyền tại Myanmar, Li đã nhận được sự trợ giúp từ Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc để hoàn tất nhiệm vụ này.
Bà Cristiana Kittner cho biết thêm: “Có một vài nhóm khác nhau, bao gồm APT41, đã kết hợp hoạt động có mục đích thu lợi tài chính và các hoạt động phục vụ cho chính quyền tại Trung Quốc. Chúng tôi đã theo dõi họ và thực hiện báo cáo nội bộ cũng như cung cấp báo cáo về họ cho các khách hàng trong giới tình báo”.
Trước câu hỏi của BBC News Tiếng Việt về cơ chế hợp tác giữa các nhóm tin tặc với chính phủ Trung Quốc, bà Cristiana Kittner nhận định: Chúng tôi không biết cơ chế chính xác mà các nhóm này tương tác với chính phủ. Chúng tôi chỉ thấy một số hoạt động dẫn đến lợi ích tài chính và một số thông tin không có giá trị tài chính nhưng được chính phủ quan tâm”.
FireEye chính là công ty mới đây đã phát hiện các hoạt động đánh cắp thông tin của các tin tặc được cho là đến từ Việt Nam nhằm vào cơ quan phụ trách chống dịch Covid-19 của Trung Quốc.
‘Câu lạc bộ đáng xấu hổ’
Việc Bộ Tư pháp Mỹ ra cáo trạng nhằm vào công dân Trung Quốc như thêm dầu vào đám lửa đang cháy trong quan hệ hai nước, với hàng loạt diễn biến trầm trọng, nổi cộm nhất là việc hai bên đóng cửa các cơ quan ngoại giao của nhau.
Báo Washington Post dẫn lời ông John C. Demers, Giám đốc Ban An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, nói: “Giờ đây, Trung Quốc đã chọn cho mình một chỗ đứng, cùng với Nga, Iran và Bắc Triều Tiên, trong câu lạc bộ đáng xấu hổ gồm tập hợp các quốc gia cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho tội phạm mạng. Đổi lại, những kẻ tội phạm này luôn sẵn sàng được huy động để phục vụ lợi ích nhà nước, ở đây là sự thèm khát vô độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ và các công ty không phải của Trung Quốc khác, bao gồm cả nghiên cứu về Covid-19″. Ông Demers đánh giá các tin tặc này là mối đe dọa lớn đối với mạng máy tính Mỹ và các nước khác.
Chính phủ Trung Quốc thường xuyên phủ nhận việc họ tiến hành hoặc tài trợ cho các vụ đột kích vào mạng của nước ngoài với mục đích gián điệp kinh tế.
Bản cáo trạng là bước đi mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump, với lập trường ngày càng quyết liệt chống lại hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc và tham vọng của cường quốc châu Á trong việc thay thế Mỹ dẫn dắt nền kinh tế công nghệ cao toàn cầu.
Mỹ cũng không ngừng vận động các đồng minh gây sức ép lên Trung Quốc về một loạt vấn đề. Hồi đầu tháng 7, Anh đã mang lại một chiến thắng đáng kể cho Mỹ bằng cách tuyên bố loại gã khổng lồ công nghệ Huawei khỏi mạng 5G non trẻ của mình.
Bản cáo trạng là một phần trong sáng kiến của Bộ Tư pháp Mỹ, được đưa ra vào năm 2018, ưu tiên chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia từ Trung Quốc. Theo bản cáo trạng, bằng cách ăn cắp tài sản trí tuệ, các công ty Trung Quốc có thể sao chép công nghệ và tiến đến đánh bại các đối thủ phương Tây.

Mỹ – Úc liên thủ đối phó TQ

Cuộc tham vấn ngoại giao – quốc phòng thường niên giữa Mỹ và Úc năm nay có vai trò quan trọng khi hai bên đang tìm hướng phối hợp đối phó Trung Quốc.
AFP hôm qua 28.7 đưa tin Mỹ và Úc bắt đầu cuộc đối thoại cấp cao thường niên, dự kiến tìm tiếng nói chung trong việc đối phó Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã chào đón những người đồng cấp Úc Marise Payne và Linda Reynolds tại Washington D.C, bắt đầu cuộc đối thoại kéo dài 2 ngày, với nội dung chính dự kiến xoay quanh Trung Quốc và tình hình an ninh Biển Đông.
Đối phó Trung Quốc
Gặp trực tiếp thời Covid-19
Theo Đài SBS, Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds của Úc đeo khẩu trang khi bước ra khỏi chiếc máy bay hạ cánh ở Washington D.C để bắt đầu chuyến công du. Giới chức Úc cho biết cuộc đối thoại quan trọng đến mức phái đoàn nước này quyết định tới Mỹ gặp trực tiếp, dù đang trong đại dịch Covid-19. “Chuyến thăm này thể hiện tầm quan trọng của liên minh bền vững giữa chúng tôi”, bà Reynolds viết trên Twitter. Dự kiến phái đoàn Úc gồm 2 bộ trưởng Úc và 7 thành viên sẽ phải cách ly 14 ngày khi về nước.
Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang căng thẳng với Trung Quốc về nhiều vấn đề từ thương mại, đại dịch Covid-19 đến an ninh, trong đó nổi bật là tình hình Biển Đông.
Trong các động thái gần đây, Ngoại trưởng Pompeo hôm 14.7 đưa ra quan điểm chính thức của chính phủ Mỹ là bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Tiếp sau đó, phái đoàn thường trực Úc tại LHQ ngày 23.7 gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ cũng có nội dung nêu rõ chính phủ Úc bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vì không phù hợp với Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Theo Đại sứ Mỹ tại Úc Arthur B.Culvahouse Jr., Úc và Mỹ có cùng quan điểm về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đài SBS dẫn lời chuyên gia Hervé Lemahieu tại Viện Lowy (Úc) cho rằng Úc biết trước về những ảnh hưởng đối với ngoại giao với Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông. “Đây là một bước mới của Úc liên quan tranh cãi ngoại giao về Biển Đông, nhưng cũng nhằm thể hiện sự kiên định theo luật pháp quốc tế và luật biển”, ông nhận định.
Phó chủ tịch Công đảng Úc Richard Marles nhấn mạnh 60% thương mại hàng hải của Úc đi qua Biển Đông nên vấn đề tự do hàng hải ở vùng biển này rất trọng yếu. “Chúng tôi có lợi ích cốt lõi của quốc
gia liên quan việc lưu thông ở Biển Đông. Không có vùng biển nào quan trọng hơn đối với Úc như vùng biển này”, Đài ABC dẫn lời ông nhấn mạnh.
Trong bối cảnh Mỹ và Úc có nhiều động thái liên quan Biển Đông, một quan chức cấp cao Mỹ công khai bày tỏ muốn Úc tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển này, tương tự Mỹ.
Trung Quốc ăn miếng trả miếng với Anh, Canada, Úc
Trung Quốc ngày 28.7 thông báo Hồng Kông sẽ ngừng hiệp ước dẫn độ và hỗ trợ pháp lý với Anh, Canada và Úc. Đây là đòn đáp trả của Trung Quốc đối với việc 3 nước này ngừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông sau khi luật an ninh quốc gia được áp dụng tại đặc khu.
Sáng qua, New Zealand cũng thông báo biện pháp tương tự, đồng thời siết quy định xuất khẩu công nghệ và hàng hóa có thể dùng trong quân sự cho Hồng Kông. New Zealand còn cập nhật cảnh báo công dân nước này về nguy cơ bị bắt giữ tại Hồng Kông và dẫn độ sang đại lục xét xử theo luật an ninh quốc gia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cùng ngày chỉ trích “sai lầm” của 4 nước nói trên. Tuy Trung Quốc không ngừng thỏa thuận dẫn độ với New Zealand nhưng ông Uông tuyên bố Bắc Kinh có quyền phản ứng thêm.
Vi Trân
Theo tờ The Sydney Morning Herald, nhiều chiến lược gia kêu gọi các lực lượng của Nhật Bản và Ấn Độ tham gia cùng Mỹ và Úc trong tập trận chung ở Biển Đông nhằm kiềm chế tham vọng về yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.
Chuyên gia Michael Shobridge tại Viện Chính sách chiến lược Úc cho rằng Úc nên tham gia các chiến dịch tự do hàng hải chung với Mỹ để thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông, việc chần chừ có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp tục các hành vi phi pháp và hung hăng ở vùng biển này.
Trên thực tế, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ vừa kết thúc cuộc tập trận ở biển Philippines với các lực lượng từ Nhật Bản và Úc vào ngày 23.7. Song song đó, Ấn Độ liên tục đẩy mạnh phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược với các nước còn lại trong “tứ giác kim cương” là Mỹ, Úc và Nhật Bản nhằm kiềm chế Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Mỹ thử thách giới hạn của TQ

Điều này phản ánh thế khó của Bắc Kinh bởi nếu trừng phạt các doanh nghiệp của Mỹ, Trung Quốc có nguy cơ chặn đứng dòng chảy đầu tư.
Khi Trung Quốc thiếu tiền
Trong bài phân tích mới đây, tờ eurasiareview.com nhận định, cuộc chiến thương mại với Mỹ làm rung chuyển nền kinh tế Trung Quốc và thử nghiệm giới hạn của Bắc Kinh. Các biện pháp thuế của Mỹ đã khiến xuất khẩu của Trung Quốc năm ngoái giảm 25%. Trong nửa đầu năm 2019, Trung Quốc đã giảm 35 tỷ USD xuất khẩu sang Mỹ do bị áp thuế.
Kết quả là rất nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã thay đổi chuỗi cung ứng của họ với việc quay lưng lại với Trung Quốc và thúc đẩy quan hệ tại các nước châu Á khác để né tránh thuế suất cao.
Theo tờ báo này, giữa lúc đối mặt với các hạn chế kinh tế nghiêm trọng, đại dịch COVID-19 và sự cô lập với thế giới càng làm gia tăng các vấn đề tài chính đối với Trung Quốc. Nguồn thu thuế giảm hay cuộc chiến thương mại với Mỹ đã cản trở giấc mơ mở rộng kinh tế của Trung Quốc.
Đặc biệt, tờ eurasiareview.com cho rằng vấn đề thiếu tiền mặt đang hiện rõ và cản trở Trung Quốc đạt được các mục tiêu tham vọng. Trung Quốc đã có bước nhảy vọt trong việc đưa ra các khoản vay và đầu tư vào các siêu dự án, nhưng hiện nay lại đang chứng kiến bước lùi lớn khi thế giới đang vật lộn với đại dịch.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thâm hụt ngân sách của Trung Quốc đang tăng lên. IMF cũng cảnh báo rằng nợ công và tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc sẽ gia tăng đến năm 2024.
Giám đốc Bộ phận các vấn đề Tài chính của IMF Vítor Gaspar mới đây cảnh báo thế giới về nợ công toàn cầu. Ông nói rằng nợ công sẽ vượt mức 100% GDP vào năm 2020-2021. Khi được hỏi cụ thể về trường hợp Trung Quốc, ông nói: “Giống như ở nhiều quốc gia khác, nợ của chính phủ Trung Quốc đã gia tăng trong cuộc khủng hoảng và các nhà hoạch định chính sách sẽ phải điều chỉnh chính sách tài chính trong trung hạn một khi cuộc khủng hoảng đi qua”.
Cũng theo eurasiareview.com, COVID-19 gây ra một đòn giáng với nền kinh tế Trung Quốc khi tăng trưởng GDP được dự đoán chỉ ở mức 1,8% trong năm 2020. Nhu cầu đối với các sản phẩm của Trung Quốc trên thế giới đang thu hẹp cũng như số lượng các công ty nước ngoài đặt tại Trung Quốc.
Trang eurasiareview.com cho rằng Trung Quốc đang rơi vào tình huống nguy hiểm khi phải hứng chịu tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp trong khi vấp phải phản ứng mạnh mẽ của thế giới. Hiện nhiều quốc gia đã rút các công ty khỏi Trung Quốc và được đón chào tại các quốc gia châu Á khác. Trung Quốc đang bị ngăn cấm trong nhiều lĩnh vực, từ việc bị áp thuế cao đến việc các ứng dụng của Trung Quốc bị cấm cửa tại nước khác.
Liên quan tới Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, eurasiareview.com đánh giá tốc độ và quy mô dự án này sẽ bị cản trở bởi sự trì trệ kinh tế hiện nay. Hiện tại, 138 quốc gia đang tham gia BRI, bao trùm 60% dân số thế giới. Sáng kiến này đang được mở rộng tới châu Âu, Nam Mỹ, châu Á và châu Phi, và hiện đóng góp cho 1/3 sản lượng kinh tế toàn cầu.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 1/3 trong số các nước đang phát triển có thu nhập thấp trong BRI đang đối mặt với nguy cơ mắc nợ. Báo cáo của WB cũng cho biết 2/3 trong số các nền kinh tế thị trường đang nổi tham gia BRI sẽ đối mặt với nguy cơ mắc nợ cao khi các khoản nợ vượt ngưỡng 50% GDP hoặc có tổng nhu cầu tài chính vượt quá 15% GDP.
Thực tế này khiến các nước tham gia BRI không thể thanh toán các khoản vay, khiến Trung Quốc bị thâm hụt ngân sách trong ngắn hạn. BRI đang dần trở thành một yếu tố kích động cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc.
Thế bí của Trung Quốc
Trong khi đó, nhận định về khả năng đáp trả của Trung Quốc đối với Mỹ, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn trong việc “đả thương” các doanh nghiệp của Mỹ như những gì Washington đã làm với các công ty Trung Quốc trong cuộc xung đột ngày càng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Mới đây là việc Trung Quốc tuyên bố sẽ áp đặt các đòn trừng phạt với tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ vì tập đoàn này có các hoạt động bán vũ khí cho Đài Loan. Lockheed Martin, nhà thầu quân sự lớn nhất thế giới, là doanh nghiệp đầu tiên của Mỹ bị chính phủ Trung Quốc chính thức giáng đòn trừng phạt từ khi Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng.
Trong hơn một năm qua, Trung Quốc đã cảnh báo về việc nước này đang xây dựng danh sách các doanh nghiệp không tin cậy có những hoạt động gây tổn hại cho Trung Quốc – một cách đáp trả bản danh sách mà Bộ Thương mại Mỹ công bố trước đó để Washington căn cứ và trừng phạt hàng loạt công ty Trung Quốc, thực tế vẫn chưa có bất kỳ tài liệu nào được công bố.
Không những thế, giới phân tích chỉ ra dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục tìm cách lôi kéo giới doanh nghiệp Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã gửi thư cho một nhóm các lãnh đạo doanh nghiệp đa quốc gia, cam kết Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy các cải cách cần thiết và sẽ mở cửa thị trường nội địa hơn nữa.
Điều này phản ánh thế tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh bởi nếu trừng phạt các doanh nghiệp của Mỹ, Trung Quốc có nguy cơ chặn đứng dòng chảy đầu tư từ nước ngoài mà họ vốn lệ thuộc để thúc đẩy nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh cần có những cú huých nhằm bù đắp thiệt hại do dịch bệnh. Do đó, Trung Quốc được cho là sẽ buộc phải “giơ cao đánh khẽ” đối với các doanh nghiệp Mỹ.
Có ý kiến cho rằng, Trung Quốc đang rất cần sự hậu thuẫn của giới doanh nghiệp Mỹ để duy trì vị thế trong các chuỗi giá trị toàn cầu và cũng là để cân bằng các quan điểm “diều hâu” của Washington.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn có những quan điểm được cho là từ bỏ đường lối “giấu mình chờ thời”, ngay cả trong lĩnh vực kinh tế. Tờ Sankei của Nhật Bản cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình trong một cuộc họp với giới doanh nghiệp Trung Quốc hôm 21/7 đã phát biểu rằng Trung Quốc là một nước có thị trường với quy mô khổng lồ, do vậy cần phát huy ưu thế này và phải xây dựng cơ cấu phát triển mới lấy nền kinh tế trong nước làm chủ thể.
Sankei cho rằng, phát biểu này thể hiện quan điểm rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ cần kinh tế nội địa của Trung Quốc phục hồi là nước ngoài sẽ tự động bị Trung Quốc thu hút, chinh phục.
Đến thời điểm này, Mỹ không chỉ giới hạn trong vấn đề kinh tế mà tiếp tục thử thách giới hạn của Bắc Kinh trong hàng loạt lĩnh vực khác. Trong vài tuần qua, Mỹ liên tiếp tung ra các đòn tấn công liên quan các vấn đề Hong Kong, Biển Đông, các công ty công nghệ của Trung Quốc và mới đây nhất là mở rộng sang lĩnh vực ngoại giao.

Căng thẳng Mỹ-Trung:

Toan tính của Nhật Bản, Hàn Quốc ?

Theo các nhà phân tích, Hàn Quốc sẽ không muốn đối đầu với Trung Quốc khi nghiêng về phía Mỹ, trong khi Nhật Bản có thể tận dụng áp lực từ cuộc đối đầu này.
Vốn là những đối tác thân thiết của Mỹ tại Đông Á, Hàn Quốc và Nhật Bản được Washington kỳ vọng sẽ là lực lượng đứng bên cạnh trong cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc. Trên thực tế, cả hai nước đều có những tính toán hết sức cẩn trọng.
Theo phân tích của các chuyên gia, ít có khả năng Seoul sẽ đi theo chủ trương cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc để đối đầu trực diện với Bắc Kinh.
Tờ SCMP nhận định: “Bị kẹt giữa cuộc đối đầu Mỹ và Triều Tiên đã là một vấn đề kéo dài hàng thập niên đối với Hàn Quốc. Giờ đây, họ lại tiếp tục phải ứng phó với cạnh tranh Mỹ – Trung.”
Trung Quốc vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, việc Seoul xuôi theo áp lực của Washington trong cuộc đối đầu với Trung Quốc là khó xảy ra.
Từ trước đến nay, quốc gia này luôn phải đứng giữa trong mối quan hệ giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Nga. Trong khi đó, Seoul dường như coi Mỹ là đồng minh hoàn hảo vì khoảng cách ở xa và ít khả năng lấn át Hàn Quốc về vật chất. Dù vậy, nghiêng về Mỹ không có nghĩa là Hàn Quốc muốn ở thế đối đầu với Trung Quốc.
Tháng 4/2020, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang nói bảo Hàn Quốc chọn giữa Mỹ và Trung Quốc giống như hỏi một đứa trẻ xem thích bố hay mẹ hơn. “Chúng tôi không thể bỏ kinh tế vì an ninh, không thể bỏ an ninh vì kinh tế.”
Viễn cảnh duy nhất Seoul có thể cho phép Mỹ “khiêu chiến” với Trung Quốc là nếu Mỹ làm điều đó để bảo vệ Hàn Quốc. Ông Moon Hee-sang giải thích rằng người Hàn Quốc sẽ không muốn vướng vào cuộc cạnh tranh “trừ khi sự sống còn của chúng tôi gặp nguy hiểm”.
Trong khi đó, Nhật Bản có thể muốn tận dụng cơ hội trong cuộc cạnh tranh này. Gần như cùng thời điểm khi Mỹ lên án các hành vi “bắt nạt” láng giềng của Trung Quốc, đồng thời bác các yêu sách chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông, Nhật Bản cũng ra Sách trắng quốc phòng trong đó phê phán các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Trung Quốc “đang tiếp tục cố gắng thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”, Nhật Bản cho biết trong Sách trắng Quốc phòng. Sách trắng mô tả sự xâm nhập “không ngừng” ở vùng biển xung quanh nhóm đảo nhỏ mà hai quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Senkaku/Điếu Ngư.
Có vẻ như mục tiêu của chính quyền Trump vừa là cố định chính sách với Trung Quốc, vừa gây ảnh hưởng đến hành vi của Bắc Kinh. Nếu vậy, điều đó có thể tạo ra không gian cho các động thái ngoại giao của Nhật Bản, mặc dù Tokyo sẽ cần cẩn trọng và khéo léo, tờ Japan Times nhận định.
Nhật Bản không thể kỳ vọng vào một cách tiếp cận “người đóng vai ác, người đóng vai thiện” để hưởng mọi lợi ích từ các diễn biến trong khi Mỹ phải đương đầu với hậu quả. Thay vào đó, họ có thể hành động để tối đa hóa áp lực và mang lại sự tích cực từ việc Bắc Kinh thay đổi hành vi, theo các nhà phân tích.

Giáo sư đai học Harvard bị buộc tội nói dối

về mối quan hệ với Trung Cộng

phải đối mặt với các cáo buộc về gian lận thuế

Tin từ BOSTON – Vào hôm thứ Ba (28/7), các công tố viên Hoa Kỳ đưa ra các cáo buộc về gian luận thuế chống lại một giáo sư Đại học Harvard bị buộc tội khai man với chính quyền về mối quan hệ của ông với một chương trình tuyển dụng do Trung Cộng điều hành và tiền tài trợ ông nhận từ chính phủ Trung Cộng để nghiên cứu.
Ông Charles Lieber, cựu trưởng khoa hóa học và hóa sinh của Harvard, bị buộc tội trong một bản cáo trạng nộp tại tòa án liên bang ở Boston với việc không báo cáo thu nhập mà ông nhận được từ Đại học Kỹ Thuật Vũ Hán ở Trung Cộng. Bên cạnh bốn tội danh liên quan đến thuế còn có hai tội danh khai báo sai cho chính quyền liên bang mà ông Lieber, 61 tuổi, không nhận tội vào tháng Sáu.
Luật sư Marc Mukasey của ông tuyên bố rằng ông Lieber vô tội. Vụ án của ông Lieber là một trong những vụ án nổi bật nhất nổi lên từ một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ về ảnh hưởng của Trung Cộng trong các trường đại học, trong bối cảnh lo ngại về gián điệp và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của chính quyền Trung Cộng.
Sự việc này xoay quanh Thousand Talents Program của Trung Cộng, mà chính quyền Hoa Kỳ cho rằng được Trung Cộng sử dụng để thu hút công dân Trung Cộng ở ngoại quốc và các nhà nghiên cứu ngoại quốc chia sẻ kiến thức của họ với Trung Cộng để đổi lấy các đặc quyền bao gồm cả tài trợ nghiên cứu. (BBT)

Covid-19: Mỹ vượt ngưỡng 150.000 ca tử vong

Thụy My
Nước Mỹ vào cuối ngày hôm qua, 29/07/2020, đã vượt ngưỡng 150.000 ca tử vong vì virus corona, và số ca dương tính đã lên đến 4,38 triệu. Đại cường Hoa Kỳ tiếp tục là nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhiều nhất trên thế giới.
Với 150.034 người chết vì Covid-19 kể từ khi có ca tử vong đầu tiên vào cuối tháng Hai, theo số liệu của trường đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ vượt xa Brazil (90.134), Anh (45.878), Mêhicô (44.876) và Ý (35.123). Sau khi giảm xuống đôi chút, dịch corona lại bùng lên từ cuối tháng Sáu, nhất là tại miền nam và miền tây.
Riêng tình hình ở Florida rất đáng lo ngại, với 216 người chết vì Covid-19 chỉ trong vòng 24 giờ qua. Tại vùng đất du lịch này, việc xét nghiệm rất chậm chạp và việc theo dõi các tiếp xúc của người bệnh cũng không đầy đủ.
Tổng cộng tại Florida đã có 6.333 trường hợp tử vong và 451.423 người bị lây nhiễm trên tổng số 21 triệu dân, trong đó 1/4 ở Miami. Đã vậy, chiều nay Florida còn phải đóng cửa vô thời hạn các trung tâm xét nghiệm do bão nhiệt đới sắp ập đến.
Còn Brazil hôm qua cũng đã vượt ngưỡng 90.000 người chết vì virus corona, sau khi có thêm 1.595 trường hợp tử vong trong vòng 24 giờ qua. Số ca nhiễm mới lên đến 69.074 theo số liệu chính thức, tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng số liệu này còn rất thấp so với thực tế.

Diêm Lệ Mộng: Virus Vũ Hán đáng sợ nhất

từ trước tới nay, không có miễn dịch,

không mong đợi vào vắc-xin

Chuyên gia về virus học cho biết thời gian đã không còn nhiều nữa…
Khoảng hai tuần trước, sự kiện nhà virus học người Hồng Kông Diêm Lệ Mộng đào thoát đến Mỹ, vạch trần Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chung tay che giấu sự thật về đại dịch COVID-19 gây chấn động thế giới. Điều khiến mọi người rùng mình nhất là sự thật về virus mà cô tiết lộ hoàn toàn khác với những gì được ĐCSTQ và Tổ chức Y tế Thế giới công bố.
Cô Diêm Lệ Mộng cho biết: Đây là loại virus đáng sợ nhất mà nhân loại gặp phải từ trước đến nay; mọi người đến nay vẫn không hiểu về nó; chớ có hy vọng vào “khả năng miễn dịch quần thể”, cũng chớ mong đợi vào một loại vắc-xin ở giai đoạn này. Loại virus này vô cùng đặc biệt và đáng sợ. Tốc độ lây nhiễm cực kỳ nhanh. Hiện tại, bình quân cứ 600 người trên thế giới thì có 1 người bị lây nhiễm. Cho đến một ngày, cứ 10 người thì có 1 người bị lây nhiễm, và hầu như không ai có thể trốn thoát được. Cô đã kết luận rằng: “Thời gian đã không còn nhiều nữa”.
Với một người đã có nhiều nghiên cứu về virus như cô Diêm Lệ Mộng đưa ra kết luận rằng “thời gian đã không còn nhiều”, kỳ thực là đang cảnh báo thế giới, nghĩa là dựa trên mức độ hiểu biết trước mắt của con người về virus, mức đáng sợ của virus và tốc độ lây lan kinh người của nó, tại một thời điểm nào đó trong tương lai, số người bị lây nhiễm trên thế giới sẽ khó mà tính đếm được. Đây không phải chuyện giật gân. So với tỷ lệ tử vong hiện nay, số người chết có thể vượt quá cúm Tây Ban Nha bùng phát vào năm 1918, vào thời điểm đó khoảng 1 tỷ người khắp trên thế giới bị nhiễm bệnh, ít nhất 25 triệu người đã tử vong.
Mặc dù tỷ lệ nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán trước mắt đang có xu hướng giảm ở nhiều quốc gia, nhưng virus này đang biến đổi mau chóng, hơn nữa nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng sau mùa thu năm nay, dịch bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Nói cách khác, vào tháng 9 hoặc tháng 10, một làn sóng dịch bệnh mới có thể ập đến bất ngờ, và nó sẽ lan ra rộng toàn cầu với tốc độ mau lẹ và đáng sợ hơn. Chính phủ các nước và người dân thế giới cần có sự chuẩn bị cho nguy cơ sắp tới.
Theo Epochtimes
Vũ Dương biên dịch

Mỹ: Lực lượng liên bang

chuẩn bị lùi khỏi các cuộc biểu tình ở Portland

Chính quyền Trump đang lên kế hoạch rút một số lực lượng an ninh liên bang khỏi Portland, Oregon, sau nhiều tuần đụng độ với người biểu tình.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ Chad Wolf nói rằng việc rút đi dựa trên điều kiện cảnh sát địa phương phải bảo vệ các tòa nhà liên bang, tâm điểm của tình trạng bất ổn.
Thống đốc tiểu bang Oregon Kate Brown nói đặc vụ liên bang sẽ bắt đầu rời khỏi thành phố lớn nhất của tiểu bang từ thứ Năm.
Portland đã bị rung chuyển bởi 62 ngày biểu tình liên tiếp.
Giới chức liên bang và tiểu bang nói gì?
Trong văn bản gửi ra của mình, bộ trưởng an ninh nội địa Hoa Kỳ không đưa ra mốc thời gian nào cho việc rút lực lượng.
Nhưng ông nói ông và thống đốc đã “đồng ý một kế hoạch chung nhằm chấm dứt bạo động ở Portland nhằm vào các cơ quan liên bang và nhân viên thực thi pháp luật”.
“Kế hoạch đó bao gồm sự hiện diện mạnh mẽ của Cảnh sát tiểu bang Oregon tại trung tâm thành phố Portland.”
Ông nói thêm là “cơ quan thực thi pháp luật của tiểu bang và địa phương sẽ bắt đầu bảo vệ tài sản và đường phố, đặc biệt là tài sản liên bang xung quanh, đã bị tấn công hàng đêm”.
Thống đốc tiểu bang Oregon tweet hôm thứ Tư: “Họ đã hành động như một lực lượng chiếm đóng & mang đến đến bạo lực. Bắt đầu từ ngày mai, tất cả các nhân viên Hải quan và Bảo vệ Biên giới & ICE sẽ rời khỏi trung tâm thành phố Portland.”
Sau thông báo, ông Trump, đảng Cộng hòa, tuyên bố chiến thắng, đã tweet: “Nếu Chính phủ Liên bang và Cơ quan thực thi pháp luật (Nội an) không đi vào Portland một tuần trước, sẽ không có Portland.”
“Nó sẽ bị thiêu rụi tới tận gốc. Nếu Thị trưởng và Thống đốc không ngay lập tức ngăn chặn Tội ác và Bạo lực từ những người vô chính phủ, Chính phủ Liên bang sẽ vào cuộc và thực hiện công việc mà cơ quan thực thi pháp luật địa phương phải làm!”
Chuyện gì xảy ra ở Portland?
Lực lượng an ninh đã được gửi đến đó vào ngày 4/7 để bảo vệ các tòa nhà liên bang bị phá hoại trong nhiều tuần biểu tình chống phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát sau cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen không vũ trang, ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, hồi tháng Năm.
Việc triển khai nhân viên liên bang làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn dân sự, đặc biệt là khi xuất hiện những khúc phim quay cảnh người biểu tình bị các đặc vụ liên bang túm lấy ngoài đường và ném vào những chiếc xe không có dấu hiệu.
Thống đốc và Thị trưởng Portland Ted Wheeler, cả hai thuộc đảng Dân chủ, phàn nàn rằng họ không hề yêu cầu sự can thiệp của liên bang, cho rằng đó là một động thái thu hút phiếu trong năm bầu cử của tổng thống Mỹ.
Tòa nhà của Tòa án Liên bang Mark O Hatfield ở trung tâm thành phố, hàng đêm đã trở thành một chiến trường, với cả nhân viên liên bang và người biểu tình bị thương trong các cuộc đối đầu đẫm máu.
Theo oregonlive.com, chuyên gia y tế, nhà báo và quan sát viên pháp lý cũng đã bị tổn thương bởi đạn cao su và hạt tiêu bắn ra bởi các đặc vụ liên bang.
Song song với cuộc đàn áp ở Portland, chính quyền Trump cũng gửi đặc vụ liên bang đến một số thành phố do đảng Dân chủ điều hành đang bị chấn động bởi tội phạm súng gia tăng: Chicago, Kansas City và Albuquerque.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Tư, họ cũng sẽ gửi đặc vụ liên bang đến ba thành phố khác của Hoa Kỳ do đảng Dân chủ điều hành – Cleveland, Detroit và Milwaukee – lý do là vì tình trạng “gia tăng tội phạm bạo lực, đặc biệt là các vụ giết người”.

Sáu cửa tiệm của người Việt tại Mỹ bị đập phá, trộm cắp

Băng Thanh
Sáu cửa tiệm do người Việt làm chủ ở trung tâm thương mại Eden, thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia, Mỹ đã bị kẻ gian đập cửa kiếng, đột nhập, phá hủy đồ đạc và lấy đi một số tiền bạc.
Bà Huệ Tô, chủ tiệm Mì Lacai chia sẻ với phóng viên báo Người Việt rằng, khoảng hơn 3 giờ sáng ngày 28/7, lúc đó bà đang ngủ, bỗng có cuộc điện thoại của một người bạn là chủ tiệm vàng ở kế bên gọi cho biết: “Chị Huệ ơi, tiệm của chị bị người ta đập rồi”.
Bà vội vàng đến để kiểm tra tình hình thì thấy đã có nhiều cảnh sát ở đó. “Bà chị của tôi ở gần hơn. Chị ấy chạy lại coi…… Khi chị ấy vô tiệm, ở trong phòng mà tụi tôi thường hay để giấy tờ bị lục tung hết trơn. Nhưng mà cuối cùng [những kẻ trộm] không lấy được gì hết tại vì thật ra tụi tôi cũng không để gì trong đó. Trong tủ của chị ấy có để một cái máy quay phim cầm tay nhỏ nhỏ thì bị lấy đi”, bà chia sẻ với VOA Việt Ngữ.
Ông Vinh Trần, chủ tiệm bánh Kim Phụng Bakery, nói với VOA Việt Ngữ rằng, khoảng 2 giờ 58 phút sáng, camera an ninh trong tiệm của ông cho thấy hai người đeo khẩu trang và đội mũ trùm đập cửa kính vào tiệm để cướp bóc. Toàn bộ sự việc diễn ra trong vòng chưa đầy hai phút.
“Hư hại thì cũng không có gì hư hại nhiều. Chỉ có cái cửa bị đập thôi với lại họ mang đi cái tủ sắt đựng tiền lẻ để bên dưới máy tính tiền”, ông nói với VOA Việt Ngữ.
Vì thiệt hại không đáng kể nên ông Vinh đã nhanh chóng cho sửa chữa và mở cửa bán lại trong sáng ngày 28/7.
Ngoài tiệm bánh Kim Phụng và tiệm Mì Lacai, các tiệm khác cũng bị ảnh hưởng trong vụ đột nhập này bao gồm tiệm thức ăn Four Seasons, nhà hàng Hương Việt, tiệm bánh Hương Bình, và tiệm Thanh Sơn Tofu.
Vụ đột nhập, cướp bóc trong khu thương mại Eden của người Việt diễn ra không lâu sau làn sóng đập phá, hôi của, lợi dụng cơ hội từ các cuộc biểu tình sau cái chết của một người da màu là George Floyd.
Trung tâm thương mại Eden, thành lập từ năm 1984, là khu mua sắm của người Mỹ gốc Việt tọa lạc gần giao lộ Seven Corners, tục gọi là Ngã Bảy thuộc thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia. Eden là một trong những khu trung tâm thương mại lớn nhất của cộng đồng người Việt ở thủ đô Washington và vùng phụ cận từ nhiều thập niên qua.
Theo website của thương xá này, tại đây có cơn 120 nhà hàng, cửa hiệu, siêu thị, tiệm nữ trang và các cơ sở thương mại khác phục vụ nhu cầu đa dạng của người Mỹ gốc Á.
Ở đây có rất nhiều nhà hàng phở cũng như thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa của người Việt. Tên gọi trung tâm Eden có nguồn gốc từ “khu Eden” ở Sài Gòn những năm 60 của thế kỷ trước.

Nghiệp đoàn giáo chức quốc gia ủng hộ đình công

 phản đối kế hoạch tái mở cửa

Một trong những nghiệp đoàn giáo chức lớn nhất Hoa Kỳ đang cho phép thành viên của mình đình công, nếu trường của họ dự định tái mở cửa mà không có biện pháp bảo đảm an toàn giữa đại dịch coronavirus.
Vào hôm thứ Ba (28 tháng 7), nghiệp đoàn American Federation of Teachers đại diện cho 1.7 triệu giáo viên của các trường học đã ban hành nghị quyết, tuyên bố rằng họ sẽ hỗ trợ bất kỳ nhóm nào định đình đông phản đối kế hoạch tái mở cửa. Mặc dù vậy, họ nói việc đình công chỉ nên được xem là “biện pháp cuối cùng”, và họ đã liệt kê các điều kiện cần đáp ứng để mở cửa lại trường học.
Theo tổ chức, các trường học chỉ nên mở lại ở những khu vực có tỉ lệ nhiễm virus thấp hơn và chỉ khi các trường học quy định đeo khẩu trang, nâng cấp hệ thống thông gió và thực hiện một số thay đổi để giữ khoảng cách giữa các học sinh. Nghiệp đoàn giáo chức lớn nhất Hoa Kỳ, Hiệp hội Giáo dục Quốc gia, cũng tuyên bố rằng thành viên của họ cũng sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ học sinh.
Trong nhiều tuần qua, tổng thống Trump đã gây áp lực phải mở cửa lại toàn bộ trường học của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sau đó tổng thống thừa nhận rằng một số trường học có thể cần trì hoãn việc mở lại lớp
học trực tiếp. Một số học khu lớn nhất Hoa Kỳ đang bắt đầu năm học mới trực tuyến, trong đó có Los Angeles, Atlanta và Houston.
Cùng ngày, Nghiệp đoàn giáo chức Chicago, tổ chức đã mâu thuẫn với chính quyền thành phố về kế hoạch mở lại trường học, cũng nói họ cũng sẽ không loại trừ biện pháp đình công. (BBT)

4 CEO quyền lực bị chất vấn nảy lửa

tại Nghị viện Hoa Kỳ

Minh Hòa
Các chủ tịch hội đồng quản trị (CEO) của 4 tập đoàn công nghệ khổng lồ Facebook, Amazon, Alphabet, Apple hôm 29/7 đã đối mặt với một phiên điều trần kịch tính trước các nghị sỹ Hoa Kỳ, xoay quanh những cáo buộc về tình trạng độc quyền, trong đó có việc ngăn chặn tiếng nói của những người thuộc trường phái truyền thống, conservative.
Từ conservative thường được dịch là “bảo thủ” trong tiếng Việt và có thể gây hiểu nhầm nghĩa, trong khi từ này có hàm nghĩa là là bảo vệ, duy trì các giá trị truyền thống như tín ngưỡng, phản đối quan hệ đồng tính, phản đối phá thai… Tại Mỹ, những người conservative thường là các đảng viên Cộng hòa và những người ủng hộ đảng Cộng hòa. Đối lập với trường phái này là liberal, thường được dịch là “tự do”, với những quan điểm phản truyền thống như ủng hộ hôn nhân đồng tính, ủng hộ phá thai.
Phiên điều trần tại Ủy ban Chống độc quyền được tổ chức sau khi có nhiều báo cáo về tình trạng các nền tảng truyền thông như Facebook, Google (thuộc sở hữu của Alphabet) cản trở lượng tiếp cận độc giả của các trang tin conservative, những trang này thường thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa.
Trong phiên điều trần, các nghị sỹ trong Ủy ban lần lượt chất vấn các CEOs, trong đó nổi lên các cáo buộc kiểm duyệt, kiểm soát luồng tiếp cận thông tin của người dùng và nghi ngờ can thiệp vào bầu cử Mỹ để cản trở phiếu bầu cho Tổng thống Trump.
Nghị sỹ Jim Jordan (đảng Cộng hòa, bang Ohio) tuyên bố: “Các hãng công nghệ lớn liên tục nhắm vào những người conservative. Đó không phải là một sự nghi ngờ, đó không phải là linh cảm – đó là sự thật”.
Nghị sỹ Jordan đề cập đến việc Google từng giúp ứng viên dân chủ Clinton trong mùa bầu cử 2016 và dồn ép ông Sundar Pichai, CEO của Google, phải cam kết không làm điều tương tự để thiên vị ứng viên Joe Biden và cản trở cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Trump. Sau một hồi đôi co, ông Pichai trả lời: “Tôi xin cam kết. Nó luôn là như vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục hành xử theo hướng trung lập”.
Nghị sỹ Jim Jordan chất vấn Sundar Pichai, CEO của Google hôm 29/7/2020 (ảnh chụp màn hình video Fox News trên Youtube).
Theo CBS, nghị sỹ Jordan liệt kê một số ví dụ về việc các phương tiện truyền thông cánh hữu và conservative rất khó tìm thấy trên một số nền tảng, như việc Tổng thống Donald Trump bị loại khỏi ứng dụng video Twitch thuộc sở hữu của Amazon; Các nền tảng quảng cáo của Google đe dọa sẽ cấm trang blog ZeroHedge và trang tin The Federalist; YouTube hạn chế các video đưa ra thông tin trái ngược với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới – “một tổ chức rõ ràng đã nói dối chúng ta và dung túng cho Trung Quốc”, theo nghị sỹ Jordan.
Ngay sau phần chất vấn của Nghị sỹ Jordan là đến lượt nữ dân biểu Mary Gay Scanlon của đảng Dân chủ. Bà Scanlon mở đầu phần chất vấn của mình bằng việc nói rằng mối quan ngại của ông Jordan chỉ là “thuyết âm mưu vớ vẩn”.
Nghị sỹ Jordan lập tức cắt ngang bài phát biểu của bà Scanlon bằng việc đề cập đến một email của một nhân viên Google tiết lộ tập đoàn khổng lồ này đã hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ứng viên Dân chủ Hillary Clinton vào năm 2016.
Chủ tịch Ủy ban Chống độc quyền, ông David Cicilline thuộc đảng Dân chủ, lớn tiếng yêu cầu ông Jordan im lặng: “Đây không phải là lúc ông nói!… Đeo khẩu trang vào!”.
Tới lượt mình, bà Scanlon chất vấn CEO Jeff Bezos của Amazon về việc mua lại Diapers.com vào năm 2011, trong đó Diapers không muốn bán nhưng bị buộc phải bán sau khi Amazon cố tình hạ giá các sản phẩm cạnh tranh, làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu của Diapers.
Tổng thống Trump hôm 29/7 cảnh báo rằng nếu Nghị viện không thể ngăn chặn sự thao túng của các tập đoàn công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon, thì ông sẽ làm điều đó.
“Nếu Nghị viện không làm các tập đoàn công nghệ lớn trở nên công bằng, điều mà lẽ ra họ đã phải làm từ nhiều năm trước, thì chính tôi sẽ làm điều đó thông qua các sắc lệnh hành pháp”, Tổng thống Trump tuyên bố trên Twitter.
Ông viết tiếp: “Ở Washington, người ta chỉ có NÓI mà không có LÀM trong suốt nhiều năm, nhân dân của đất nước chúng ta đã chán ngán và mệt mỏi vì điều đó”.
Vào tháng 5, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh điều tra các công ty truyền thông kiểm duyệt những người conservative. Khi đó, ông nói các nền tảng mạng xã hội trực tuyến như Facebook, Google, Twitter, “có quyền lực không bị kiểm soát, có thể kiểm duyệt, hạn chế, chỉnh sửa, định hình, ẩn, thay đổi hầu như bất kỳ hình thức giao tiếp nào giữa các công dân với tư cách cá nhân cũng như giữa các cộng đồng khán giả công cộng quy mô lớn”.

Covid-19 làm thay đổi vĩnh viễn

cuộc sống chúng ta thế nào?

Lewis Dartnell
Cũng như Cái chết Đen lây lan theo các tuyến đường thương mại dọc theo xương sống của lục địa Á-Âu hồiThế kỷ 14, Covid-19 xuất hiện ở Trung Quốc và lây lan cực nhanh chóng dọc theo Con đường Tơ lụa hiện đại: các đường bay xuyên lục địa.
Mặc dù virus corona có thể không gây tổn thương đến sức khỏe con người toàn cầu một cách thảm khốc như bệnh dịch hạch hồi Thế kỷ 14, nhưng đại dịch mới nhất này chắc chắn sẽ làm thay đổi thế giới.
Bệnh tật thì không phân biệt đối tượng lây nhiễm – bất kể giàu nghèo – và những tác động mà nó gây ra là công bằng giữa những người có đặc quyền và người yếm thế trong xã hội.
Việc phong tỏa quốc tế và tạm ngưng các hoạt động dân sự, thương mại trên toàn quốc ở các nước đã phản ánh cách thức mà các hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị của chúng ta vận hành, và buộc chúng ta phải bắt đầu thảo luận trên toàn cầu về cách chúng cần được thay đổi.
Covid-19 đã cho thấy những nền tảng bấp bênh mà dựa vào đó chúng ta xây dựng những gì mà chúng ta xem là hiển nhiên trong thế giới phát triển, từ bản chất đan xen phức tạp của chuỗi cung ứng toàn cầu hóa và cơ sở hạ tầng chế tạo, cho đến việc chuyển hàng kịp thời cho các siêu thị, cũng như sự tương phản rõ rệt giữa các hệ thống y tế nhà nước và những hệ thống y tế do bảo hiểm tư nhân chi trả.
Các bệnh dịch trước đây như Cái chết Đen hay đại dịch cúm hồi năm 1918 đã có tác động lớn cho thế giới sau đó.
Hậu quả của đại dịch virus corona này cũng sẽ chứng kiến vô số những thay đổi, từ những điều chỉnh cá nhân đến thay đổi toàn cầu.
Nhưng những thay đổi nào trong số này sẽ có tác động lâu dài và những gì mà chúng ta có thể không bao giờ thấy nữa?
Cuộc sống cá nhân thay đổi
Có thể tất cả chúng ta đều trải nghiệm việc phong tỏa như một cú sốc đối với hệ thống, cho dù điều đó khiến chúng ta cảm thấy cô đơn, thờ ơ hay lo lắng hay bị gia đình ở bên cạnh liên tục làm xao lãng công việc, hoặc tất cả những điều trên cùng một lúc.
Là những cá nhân, chúng ta đều phải thay đổi – cả thay đổi lớn và nhỏ – trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Mặc dù cách xa nhau về khoảng cách vật lý, internet và mạng xã hội đã cho phép chúng ta đến nhà của nhau trong những tuần qua.
Các mối quan hệ xã hội đối với nhiều người dường như không phải chịu hậu quả. Chúng cũng cho phép chúng ta khám phá những mối quan tâm và sở thích mà trước đây chúng ta chưa từng có – như những người tìm đến mạng xã hội để giải đáp những bí ẩn trong đời thực tại nhà.
Trong khi gây gián đoạn mạnh và vô cùng khốn khổ, các cuộc khủng hoảng lúc nào cũng nuôi dưỡng sự xuất hiện của mục đích chung to lớn, tinh thần đoàn kết, sự sáng tạo và ngẫu hứng.
Và mạng xã hội đã mở ra những ô cửa nhỏ để thấy cách những người khác phản ứng và tìm ra cơ chế đối phó của họ như thế nào.
Sự khan hiếm các mặt hàng phổ biến, hoặc khó khăn trong đến tiệm mua hàng hoặc đặt được dịch vụ giao hàng, hoặc có lẽ chỉ việc nhiều người trong chúng ta có nhiều thời gian hơn để làm việc trong những ngày này đã giải phóng tinh thần sáng tạo và nghị lực bên trong mỗi người vốn có thể được chia sẻ rộng rãi trên mạng.
Điều này đã thể hiện theo những cách khác nhau.
Nhiều người trong chúng ta hiện đang bỏ nhiều thời gian hơn và suy tính nhiều hơn để nấu nướng.
Không chỉ là chọn thức ăn làm sẵn để hâm lại bằng lò vi sóng ở siêu thị mini trên đường về nhà sau giờ làm, mà thực sự là tự nấu cho mình ăn – lựa chọn công thức cẩn thận, cắt và trộn các nguyên liệu, xay gia vị – có sự thích thú trong quá trình nấu nướng.
Thậm chí có những người thử nghiệm tạo và duy trì văn hóa bánh mì bột chua – đóng vai trò nhà vi sinh vật nguyên thủy để chọn ra sự kết hợp đúng các vi sinh vật để thực hiện một biến đổi kỳ diệu cho bạn: chỉ dùng bột thường và nước mà biến nó thành ổ bánh mì nở ra trong lò.
Nhiều người nữa cũng đang chuyển sang trồng một số loại trái cây và rau củ cho mình trong vườn nhà, hoặc thậm chí chỉ một vài loại rau thơm trong một hộp nhỏ trên bậu cửa sổ trong đô thị.
Các bậc phụ huynh đã bị dính vào các bài tập nghệ thuật, thủ công hoặc làm cách món đồ khác nhau trong khi dạy học cho con cái ở nhà.
Nhiều người trong chúng ta, theo những cách nhỏ bé của mình, đã kết nối lại với một thứ vốn đang ngày càng mất đi trong cuộc sống hiện đại bận tối mắt tối mũi của chúng ta. Họ tự làm mọi thứ cho mình từ con số không, và nhận ra việc đó khiến cho họ cảm thấy mãn nguyện và viên mãn một cách sâu sắc đến mức nào.
Một trong những chất xúc tác chính cho việc này là số lượng các công ty ồ ạt chuyển sang làm việc tại nhà và số người mất việc vì cửa hàng hoặc công ty của họ đóng cửa, tuy chỉ là đóng cửa tạm thời.
Những người có thể tiếp tục được hưởng lợi từ thời gian mà họ có thêm ở nhà sẽ là những người mà công việc của họ thay đổi đến mức không thể đảo lại.
Điều này nhiều khả năng sẽ tạo thuận lợi cho nhân viên văn phòng hơn là cho nhân viên ngành dịch vụ, và như vậy có nghĩa là không phải ai cũng sẽ thấy lợi ích thời gian này như nhau trong tương lai.
Môi trường làm việc mới
Mặc dù việc phong tỏa hoàn toàn đang dần được nới lỏng, chúng ta vẫn sẽ cần duy trì giãn cách xã hội trong ngắn hạn và trung hạn để kiểm soát sự lây lan của virus corona.
Chúng ta có thể thấy việc kiểm tra nhiệt độ hoặc máy ảnh chụp thân nhiệt được đưa vào áp dụng ở lối ra vào của các tòa nhà văn phòng lớn để buộc bất cứ ai có dấu hiệu sốt phải về nhà (mặc dù có nghi ngờ về hiệu quả thật sự của công nghệ sàng lọc này).
Và những công sở vốn trước đây luân phiên nhân viên qua cùng một bàn làm việc có thể cần phải xem xét lại cách sắp xếp này. Các văn phòng tấp nập với nhiều người sử dụng cùng một bàn làm việc sẽ là những ổ lây bệnh.
Nhiều doanh nghiệp cũng có thể cần phải xếp lệch ca làm việc làm sao để văn phòng và nhà xưởng không trở nên quá đông người và công nhân có thể duy trì giãn cách một cách an toàn.
Điều này có khả năng giúp giảm lưu lượng xe cộ vào giờ cao điểm, với những người đi làm không còn cần phải đi đến nơi làm việc và về nhà cùng một lúc.
Ngay cả khi như thế, trong khi các biện pháp giãn cách xã hội vẫn duy trì, có khả năng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe lửa và tàu điện sẽ giảm xuống chỉ dùng đến 15% công suất.
Ngay cả khi một phần nhỏ trong số những người đi làm phải chuyển sang sử dụng xe riêng, tình trạng tắc nghẽn giao thông ở hầu hết các thành phố lớn sẽ trở nên tệ hơn rất nhiều.
Một số thành phố đã áp đặt các chương trình để khuyến khích mọi người thay vì đi xe riêng thì hãy đi bộ hay đạp xe đi làm và không gian trên đường đã được sắp xếp lại – ít nhất là tạm thời – cho thêm làn đường dành cho xe đạp và mở rộng vỉa hè.
Xe trượt scooter điện, vốn đang bị cấm ở Anh, cũng có thể được hợp pháp hóa. Tất cả những điều này sẽ có một lợi ích đáng chú ý là cải thiện môi trường và việc đi lại xanh hơn cũng sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh hơn trong những tháng tới.
Nhưng tất nhiên, điều này chỉ sẽ có ý nghĩa trong những ngày bạn thực sự cần đến sở làm, và điều mà chúng ta có thể thấy sẽ tiếp tục sau đại dịch là nhiều nhân viên văn phòng làm việc tại nhà.
Chế độ làm việc như vậy đã chứng tỏ có hiệu quả trong quá trình phong tỏa, và do đó các nhà quản lý không còn có thể dựa vào các lập luận truyền thống để không cho phép mọi người làm việc tại nhà.
Điều này đến lượt nó có thể dẫn đến thay đổi trong kỳ vọng và văn hóa ở nơi làm việc mà khi đó nhân viên được đánh giá dựa trên mức độ họ đáp ứng các mục tiêu đúng kỳ hạn tốt như thế nào, chứ không phải bao nhiêu giờ họ cần để ngồi tại bàn làm việc trong văn phòng.
Vì vậy, thời gian làm việc linh động có khả năng trở nên phổ biến hơn nhiều, và thậm chí ca làm việc từ 9h sáng đến 5h chiều có thể biến mất hoàn toàn.
Về lâu dài, sẽ xuất hiện cách tiếp cận năng động hơn đối với công việc, kết hợp giờ làm việc khi cần thiết – chẳng hạn như cho các cuộc họp công ty – với làm việc từ xa cho các công việc độc lập.
Nhiều công ty có thể quyết định bỏ hoàn toàn chi phí thuê văn phòng mà thay vào đó cho tất cả nhân viên được làm việc từ xa chỉ với một vài cuộc họp toàn thể mỗi năm.
Nhân viên không còn cần phải ở trong khoảng cách dễ dàng đi lại đến nơi làm việc mà có thể sống bất cứ nơi nào thuận tiện nhất hoặc mong muốn nhất. Và tác động trực tiếp của việc này là giá nhà ở tại các thành phố lớn sẽ sụt giảm, và nhiều người chuyển ra vùng ngoại ô hoặc nông thôn: sự đảo ngược của xu thế kể từ khi bắt đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp.
Vấn đề khí hậu
Đằng sau tất cả những đau khổ và gián đoạn và khó khăn kinh tế của đại dịch virus corona, một cuộc khủng hoảng toàn cầu thậm chí còn nghiêm trọng hơn đang rình rập: biến đổi khí hậu.
Liệu trải nghiệm của chúng ta qua phong tỏa quốc tế có thể giúp ích cho môi trường hay là chúng ta sẽ trở lại ‘công việc như thường’ sớm nhất có thể?
Nhiều dân thành phố đã nhận thấy môi trường đô thị của họ có sự cải thiện – với không khí sạch hơn, đường phố an toàn, tĩnh lặng hơn và động vật hoang dã bạo dạn hơn – đem đến cái nhìn sơ qua về thế giới xanh hơn mà chúng ta sống có thể sẽ như thế nào.
Thật ra, dữ liệu vệ tinh đã cho thấy sự sụt giảm lượng nitrogen dioxide (một chất gây ô nhiễm không khí chủ yếu thải ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch) trong bầu không khí ở các thành phố và các trung tâm công nghiệp trên khắp châu Âu và châu Á khi giao thông và xí nghiệp trở nên yên lặng – ở một số khu vực đã giảm 30-40% hoạt động so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức độ các hạt bồ hóng trong không khí vốn, giống như nitrogen dioxide là gây ra các chứng bệnh hô hấp, cũng đã giảm rất nhiều.
Do đó, bên cạnh giúp giảm lây lan virus corona thì việc phong tỏa và giảm mức ô nhiễm không khí công nghiệp bản thân nó đã cứu mạng sống của hàng chục hay hàng trăm ngàn người.
Chính phủ các nước đã thực thi các biện pháp triệt để người dân của họ phải ở yên một chỗ và tạm ngưng toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế để kiểm soát đại dịch.
Điều này làm nổi bật sức mạnh đáng nể của nhà nước vốn sẽ được tung ra khi quốc gia nhận ra rằng họ cần hành động quyết đoán để bảo vệ công dân của mình.
Dạng nỗ lực quốc gia này thường chỉ thấy trong thời chiến, khi toàn bộ lực lượng lao động và cơ sở công nghiệp được cải tạo để đánh bại kẻ thù bên ngoài.
Nhưng thật ra, điều cần thiết để chống lại mối đe dọa từ cả đại dịch virus corona và biến đổi khí hậu là một dạng kinh tế đi ngược chiến tranh – giảm sản xuất, giảm mức sử dụng năng lượng.
Không chỉ đại dịch hiện tại và biến đổi khí hậu đều cần chính phủ quốc gia quyết tâm có các hành động quyết đoán, chủ động, có sự phối hợp quốc tế, nhưng cũng có những điểm tương đồng khác nữa.
Cả hai việc này đều đòi hỏi phải có sự hy sinh trong ngắn hạn để giảm thiểu những tác động nghiêm trọng hơn nhiều trong tương lai.
Cả hai đều cần xem kinh tế không phải là mối bận tâm bao trùm, mà là một trong những cân nhắc quan trọng.
Đối với đại dịch, tương đối đơn giản để công chúng nhận ra rằng có một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại, và do đó chấp nhận các biện pháp cần thiết để giữ cho bản thân và người thân của mình an toàn, cũng như toàn thể cộng đồng.
Nhưng vấn đề với biến đổi khí hậu là đó là quá trình dần dần và ít có mối liên hệ trực tiếp đến chết chóc ở các nước phát triển.
Liệu chúng ta có thể để gì từ bài học từ hành động tập thể để đẩy lùi virus corona để cũng có thể ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu?
Lewis Dartnell là giáo sư Đại học Westminster, và là tác giả cuốn The Knowledge: How to Rebuild Our World from Scratch (Kiến thức: Làm sao để tái thiết thế giới chúng ta lại từ những bước ban đầu.)
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Covid-19 : Cuộc chạy đua tìm vắc xin đang tới đâu ?

Anh Vũ
Trong khi trận đại dịch Covid-19 đã làm gần 700 nghìn người thiệt mạng trên thế giới và đà lây lan vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, vắc xin có lẽ là cứu cánh duy nhất để ngăn chặn virus SARS-ConV-2 đưa thế giới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Các nhà khoa học, phòng thí nghiệm trên khắp thế giới từ nhiều tháng qua đang lao vào một cuộc chạy đua với thời gian để tìm ra liều thuốc chủng công hiệu, an toàn phòng ngừa Civid-19.  Dù một số kết quả thử nghiệm lâm sàng gần đầy tỏ ra khả quan, nhưng đến nay thế giới vẫn chưa có loại vắc xin nào được coi là thành phẩm hoàn chỉnh. Cùng lúc, các cường quốc cũng lao vào cuộc chạy đua khốc liệt nhằm tìm ra liều thuốc quý tạo ra một cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Trên thế giới hiện có bao nhiều « ứng viên vắc xin » ?
Trong ghi nhận gần đây nhất, ngày 24/07, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) thống kê hiện trên thế giới có 25 « ứng viên vắc xin » đang được đánh giá trong những thử nghiệm lâm sàng ở người ( giữa tháng 6 chỉ có 11).
Ngoài các thử nghiệm đã tiến hành, WHO cũng đã thống kê được 139 dự án nghiên cứu vắc xin đang trong giai đoạn tiền lâm sàng.
Đây là một tin tốt, vì như giải thích với AFP của ông Daniel Floret, phó chủ tịch Ủy ban tiêm chủng, thuộc Cơ quan Y tế cấp cao Pháp (HAS), «  càng có nhiều ứng viên vắc xin, và nhất là càng nhiều loại vắc xin, thì người ta lại càng có nhiều cơ may đạt được kết quả nào đó ».
Đa số các thử nghiệm nói trên vẫn còn đang trong « công đoạn 1 » ( tức nhằm đánh giá độ an toàn sản phẩm), hoặc ở «  công đoạn 2 »  ( thăm dò hiệu quả ).
Chỉ có 4 ứng viên vắc xin vào được vòng sâu hơn là « công đoạn 3 », tức là được đánh giá hiệu quả trên quy mô lớn. Ứng viên mới nhất là của công ty Mỹ Moderna. Công ty Mỹ đầu tuần này đã bắt đầu giai đoạn cuối, trong đó sẽ thử nghiệm trên 30 nghìn người tình nguyện.
Tiếp đến, dự án của Trung Quốc cũng bước vào công đoạn 3 từ giữa tháng 7. Đó là nghiên cứu của phòng thí nghiệm Sinopharm, đã được thử nghiệm ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, với trên 15 nghìn người tình nguyện. Dự án thứ 2 của Sinovac, thử nghiệm trên 9 nghìn nhân viên y tế Brazil, có đối tác là viện nghiên cứu Butantan của Brazil.
Dự án thứ 4 đang trong giai đoạn 3 là của châu Âu, do đại học Oxfortd hợp tác với công ty AstraZeneca ( Anh và Thụy Điển) tiến hành. Vắc xin đã được thử nghiệm ở Anh Quốc, Brazil và Nam Phi.
Các kết quả thử nghiệm hiện thế nào ?
Các kết quả sơ bộ của hai ứng viên vắc xin, một của đại học Oxford ( ở giai đoạn 1 và 2), và một của công ty Trung Quốc Cansino ( cho giai đoạn 2) đã được công bố hôm 20/07 trên tạp chí khoa học The Lancet. Kết quả được đánh giá khá khích lệ. Cả hai vắc xin đều tạo được «  phản ứng miễn dịch mạnh », sản sinh ra được kháng thể và bạch huyết bào T.
Ngoài ra, hai vắc xin trên đều được người bệnh tiếp nhận tốt, không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận. Các phản ứng phụ thường xảy ra khi tiêm vắc xin là đau đầu, sốt, mệt mỏi và đau ở  vết tiêm chủng.
Mặc dù vậy vẫn còn quá sớm để rút ra kết luận. «  Người ta vẫn còn chưa biết các mức độ miễn dịch có thể bảo vệ trước nhiễm trùng, hay vắc xin này có thể bảo vệ những người yếu bị nhiễm nặng Covid-19 », một giáo sư virus học thuộc đại học Nottingham ( Anh Quốc) nhận xét.
Mặt khác, một nghiên cứu của Anh công bố hồi giữa tháng 7 nhắc nhở là miễn dịch dựa trên kháng thể có thể biến mất chỉ trong vòng vài tháng đối với trường hợp Covd-19. Điều này có nguy cơ làm phức tạp hóa việc triển khai vắc xin hiệu quả lâu dài.
Cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt
Khắp nơi trên thế giới, tiến độ nghiên cứu vắc xin được thúc đẩy theo cách chưa từng có. Đặc biệt Trung Quốc, nơi virus SARS – CoV-2 xuất hiện, muốn là nước đấu tiên có vắc xin. Việc gây quỹ quốc tế cũng
được nhiều nước tiến hành tấp nập. Điều đó cho phép các công ty có thể triển khai nhanh quy trình sản xuất công nghiệp cùng lúc với các công việc bào chế vắc xin. Bình thường thì hai quy trình trình này tách riêng với nhau.
Khác hẳn với châu Âu, Hoa Kỳ một mình một ngựa. Chính quyền Donald Trump đã mở chiến dịch «  Wapr Speed » ( Trên tốc độ ánh sáng) để tăng tốc quá trình triển khai vắc xin nhằm dành được ưu tiên tiếp cận vắc xin cho 300 triệu dân Mỹ. Để làm được như vậy, chính phủ Mỹ đặt cược vào nhiều nơi cùng một lúc, đầu tư hàng tỷ đô la cho các chương trình khác nhau.
Hôm 26/07, Nhà Trắng thông báo tăng gấp đôi tiền đầu tư, gần 1 tỷ đô la, để hỗ trợ công ty Moderna triển khai vắc xin. Vài ngày trước đó, liên minh hai công ty Đức – Mỹ BioNTech và Pfizer cho biết Washington có thể sẽ rót cho họ 1,95 tỷ đô la, nhằm bảo đảm có được 100 triệu liều trong trường hợp vắc xin của họ ra đời.
Cuộc chạy đua điên cuồng này còn mang dáng dấp của một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Anh Quốc, Ha Kỳ và Canada tố tình báo Nga đứng đằng sau các cuộc tấn công tin tặc để chiếm hữu các nghiên cứu liên quan đến vắc xin. Tại Hoa Kỳ, hai người Trung Quốc đã bị buộc tội tương tự. Mátxcơva cũng như Bắc Kinh đã phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc đó.
Quá nhanh ?
“Để cho phép sử dụng một loại vắc xin phòng Covid-19, các thử nghiệm lâm sàng cần phải chứng minh được độ an toàn cao, tính hiệu quả và chất lượng tốt », Cơ quan quản lý Thuốc Châu Âu (EMA) cảnh báo.
Lý do là đi quá nhanh trong thử nghiệm lâm sàng có thể gây ra nhiều vấn đề về độ an toàn, chuyên gia Daniel Floret nhấn mạnh. Theo ông, « một trong những điểm mấu chốt là phải có bằng chứng cho thấy vắc xin không có khả năng kéo theo tình trạng kịch phát bệnh », tức là làm những người khi được tiêm chủng lại bị mắc bệnh nặng.
Điều này đã xảy ra khi thử nghiệm với khỉ trong các lần triển khai vắc xin phòng bệnh MERS-CoV và SARS, cũng do hai chủng virus corona gây ra. Ở người, hiện tượng mắc bệnh nặng khi tiêm chủng cũng đã xảy ra trong những năm 1960 với một số loại vắc xin phòng sởi, hay bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh. Các vắc xin này sau đó đã bị hủy bỏ.
Mùa thu này, hay sẽ không bao giờ có vắc xin?
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu EMA nhận định « có thể ít nhất phải đợi đến đầu năm 2021, một loại vắc xin phòng Covid-19 mới có và được sản xuất với số lượng đủ dùng cho cả thế giới ».
Những người lạc quan nhất, bắt đầu là một số hãng dược, bảo đảm mùa thu này có thể có vắc xin, nhưng nhiều chuyên gia vẫn tin là phải đợi ít nhất đến quý đầu 2021. Đạt được thời hạn mùa thu này có vắc xin thì quả là điều thần kỳ, vì bình thường để cho ra đời một loại vắc xin mới phải mất nhiều năm. Tuy thế vẫn có kịch bản tồi tệ nhất đó là vắc xin sẽ không bao giờ được ra đời.
Cho dù các nghiên cứu có thể đi đến đích với thời hạn dài hay ngắn, vẫn còn một câu hỏi cuối cùng, rất quan trọng : Liệu mọi người có chấp nhận tiêm vắc xin trong tâm lý hoài nghi ngày càng lớn đối với việc tiêm chủng ?
« Như đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong các đợt dịch sởi, chúng ta đã không trả lời được các lo ngại của mọi người về vắc xin. Nếu chúng ta không rút ra bài học từ những sai lầm trước, toàn bộ chương trình tiêm chủng phòng virus corona đã bị kết liễu trước rồi », Phoebe Danzger, một bác sĩ nhi khoa Mỹ cảnh báo trong một diễn đàn mới đây đăng trên New York Times.
Việc triển khai vắc xin chỉ là một phần giải pháp. Việc chấp nhận rộng rãi các loại vắc xin cũng rất cần thiết, các chuyên gia Mỹ thuộc đại học Johns Hopkins và đại học Texas đã nhấn mạnh trong một báo cáo đầu tháng 7.
Theo AFP và Le Monde

Vatican được cho là đã bị tin tặc Trung Cộng tấn công

trước khi đối thoại với Bắc Kinh

Theo nhóm giám sát an ninh mạng Recorded Future của Hoa Kỳ, trong 3 tháng qua các tin tặc Trung Cộng đã xâm nhập vào mạng máy tính của Vatican với mục đích gián điệp, trước khi Vatican bắt đầu các cuộc đàm phán với Bắc Kinh.
Đảng Cộng sản Trung Cộng đã tiến hành một chiến dịch kiểm soát các nhóm tôn giáo trong nước. Trung Cộng công nhận 5 tôn giáo, trong đó có Công giáo, nhưng chính quyền thường nghi ngờ các nhóm tôn giáo và người theo đạo phá hoại quyền lực của đảng, đe dọa an ninh quốc gia.
Tin tặc và chính quyền Trung Cộng thường tổ chức tấn công mạng để thu thập thông tin về các nhóm Phật tử Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và các học viên Pháp Luân Công bên ngoài Trung Cộng. Nhưng theo chuyên gia của Recorded Future, đây dường như là lần đầu tiên các tin tặc phục vụ cho chính quyền Trung Cộng bị phát hiện công khai tấn công mạng Vatican và trung tâm nghiên cứu Trung Cộng của Tòa Thánh đặt tại Hồng Kông, nơi có vai trò đàm phán địa vị của Giáo hội Công giáo.
Dự kiến vào tháng 09/2020 Vatican và Bắc Kinh sẽ bắt đầu đàm phán về việc bổ nhiệm các giám mục và tình trạng nhà thờ, điều khoản trong kế hoạch gia hạn thỏa thuận tạm thời về hoạt động của Giáo hội Công giáo tại Trung Cộng.
Các cuộc tấn công mạng bắt đầu từ đầu tháng 05/2020. Các chiến thuật được nhóm này sử dụng tương tự các hoạt động tấn công mạng khác do chính. Thông tin này chắc chắn sẽ khiến Vatican tức giận vì mối quan hệ giữa họ với chính phủ Trung Cộng đang lung lay, đặc biệt là về sự kiểm soát của Trung Cộng đối với Hồng Kông. (BBT)

Covid-19: Anh đặt mua 60 triệu liều vaccine

của GSK và Sanofi

Chính phủ Anh vừa ký thỏa thuận vaccine thứ tư để giành mua 60 triệu liều thuốc thử nghiệm mà các hãng dược phẩm khổng lồ GSK và Sanofi đang phát triển.
Chính phủ đã ký mua 100 triệu liệu vaccine của Đại học Oxford do AstraZeneca đang nghiên cứu.
Anh cũng đã giành được 90 triệu liều nữa đối với hai loại vaccine có nhiều hứa hẹn có thể thành công.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ là loại nào trong số các loại vaccine này sẽ có tác dụng, hoặc liệu chúng có tác dụng hay không.
Chính phủ các nước trên toàn cầu đã cam kết nhiều tỷ đô la cho tiến trình nghiên cứu, phát triển vaccine chống Covid-19; một số hãng dược phẩm đang trong cuộc đua thử nghiệm các loại thuốc có triển vọng.
Trong thỏa thuận mới nhất của chính phủ Anh, vaccine do hãng Sanofi kết hợp với hãng GSK nghiên cứu phát triển, được dựa trên công nghệ tái tổ hợp protein mà Sanofi đã dùng để sản xuất một loại vaccine cúm, và công nghệ truyền thống của GSK.
Sanofi, hãng đi đầu trong việc thử nghiệm lâm sàng, nói rằng vaccine này có khả năng sẽ được chuẩn thuận vào nửa đầu năm 2021 nếu như các thử nghiệm diễn ra thành công.
Hiện Sanofi và GSK đang tăng tốc hoạt động sản xuất nhằm đạt được công suất cho ra một tỷ liều vaccine mỗi năm.
Loại vaccine mà Anh vừa ký hợp đồng đặt mua đã là tâm điểm tranh cãi chính trị quốc tế với việc Sanofi hứa hẹn ưu tiên cho thị trường Mỹ, nhưng sau lại đổi ý.
Giám đốc điều hành Sanofi, Paul Hudson, đã làm dấy lên cuộc tranh cãi hồi tháng Năm khi tuyên bố chính phủ Hoa Kỳ có “quyền đặt hàng trước với số lượng lớn nhất, bởi họ đã đầu tư vào việc chấp nhận rủi ro.”
Nhưng ông sau đó thay đổi quan điểm khi Thủ tướng Pháp khi đó, ông Edouard Philippe phản ứng gay gắt và nói quyền tiếp cận cho tất cả mọi người là “không thể thương lượng”.
Trong tuyên bố mới nhất, GSK và Sanofi nhấn mạnh rằng họ “cam kết sẽ để vaccine này đáp ứng toàn cầu”.

Covid-19 : Pháp có thêm 1.400 ca nhiễm và 22 ổ dịch

Thùy Dương
Ngày 29/07/2020, nước Pháp ghi nhận gần 1.400 ca nhiễm mới và 22 ổ dịch mới trong vòng 24 giờ. Bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Veran khuyến cáo, mặc dù nước Pháp chưa bị làn sóng dịch thứ hai, nhưng mọi người nên đeo khẩu trang ở những khu phố đông người qua lại để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Mặc dù số cả tử vong đã giảm chỉ còn 15 ca trong ngày, nhưng theo Tổng Cục Y Tế, thuộc bộ Y Tế Pháp, các chỉ số theo dõi dịch bệnh Covd-19 cho thấy virus corona đang lây lan mạnh hơn, nhất là ở giới trẻ. Hiện nay, tổng cộng có 247 ổ dịch vẫn đang hoạt động mạnh. Một trong những ổ dịch lớn nhất hiện giờ là ở Quiberon, vùng Bretagne, với 72 người bị lây nhiễm.
Thành phố biển Quiberon đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, đóng các bãi biển, cũng như không cho người dân đến công viên từ 21h tối đến 7h sáng hôm sau. Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang ở những phố đông người qua lại, nhất ở khu nghỉ mát ven biển, nếu vi phạm sẽ bị phạt 135 euro.
Thành phố biển nổi tiếng Saint-Malo, một trong nhưng thành phố thu hút đông du khách nhất vùng Bretagne, hôm nay, 30/07, cũng thông báo bắt buộc mọi người đeo khẩu trang ở khu phố cổ có tường thành bao quanh, cũng như khi đi trên con đường trên nóc thành. Đây là khu phố sát cạnh nhiều bãi biển, vốn tập trung rất đông hàng quán và khách du lịch. Biện pháp này có hiệu lực từ hôm nay đến hết ngày 30/08.

Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trang bị 6 tàu tuần tra

Việc trang bị 6 tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam nhằm tăng cường năng lực chấp pháp và cứu hộ hàng hải nhanh chóng, phù hợp, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải và tự do hàng hải.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ngày 28/7 đã ký với Chính phủ Việt Nam Hiệp định vốn vay ODA trị giá 36,626 tỷ Yên cho Dự án tăng cường năng lực đảm bảo an ninh, an toàn trên biển.
Trong khuôn khổ dự án, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được hỗ trợ tài chính để trang bị 6 tàu tuần tra nhằm tăng cường năng lực chấp pháp và cứu hộ hàng hải nhanh chóng, phù hợp, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải và tự do hàng hải tại Việt Nam.
Dự án đóng góp vào mục tiêu 14 và 16 của Mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời góp phần thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Dự án áp dụng Điều khoản đặc biệt dành cho Đối tác kinh tế (STEP), sử dụng các công nghệ đóng tàu tiên tiến của Nhật Bản.
Biển Đông là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai bão lũ nên nguy cơ xảy ra tai nạn hàng hải cao, hơn nữa, người, phương tiện hoạt động trên biển và lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển ngày càng tăng dẫn đến nguy cơ tội phạm đe dọa an ninh hàng hải tăng theo. Trong những năm gần đây, nạn buôn lậu, đánh bắt trái phép, nguy cơ khủng bố gia tăng, do vậy, tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu tại Việt Nam.

Hoa Kỳ tuyên bố sẽ giúp Nhật Bản theo dõi

cuộc xâm lược “chưa từng có” của Trung Cộng

quanh các đảo bị tranh chấp ở biển Đông

Tin từ TOKYO, Nhật Bản – Vào hôm thứ Tư (29/7), chỉ huy Lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản cho biết Quân đội Hoa Kỳ sẽ giúp Nhật Bản giám sát các cuộc xâm lược “chưa từng có” của Trung Cộng xung quanh quần đảo ở Biển Đông do Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, khi các tàu Trung Cộng chuẩn bị bắt đầu đánh bắt cá ở vùng biển gần đó.
Trung tướng Kevin Schneider đưa ra bình luận này khi ông và các chỉ huy cao cấp khác của Hoa Kỳ chỉ trích Bắc Kinh vì thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền ở châu Á trong bối cảnh đại dịch coronavirus và sự suy thoái nghiêm trọng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.
Trong lần tranh chấp mới nhất, Bắc Kinh đóng cửa tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở thành phố Thành Đô phía tây nam trong tuần này, sau khi Washington đóng cửa tòa lãnh sự Trung Cộng tại Houston, Texas. Trung Cộng phản ứng trong vòng một giờ sau những bình luận từ trung tướng Schneider.
Bộ Ngoại giao Trung Cộng cho biết quần đảo này là lãnh thổ của Trung Cộng và kêu gọi “tất cả các bên duy trì sự ổn định trong khu vực”. Tranh chấp về quần đảo ở Biển Đông, được gọi là Senkaku ở Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Cộng, sôi sục trong nhiều năm.
Washington trung lập về vấn đề chủ quyền, nhưng cam kết giúp Nhật Bản tự vệ trước cuộc tấn công. Trung tướng Schneider cho biết Bắc Kinh có thể sẽ chấm dứt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông vào
khoảng ngày 15 tháng 8, cho phép một đội tàu đánh cá lớn được hậu thuẫn bởi một nhóm dân quân hàng hải, tuần duyên Trung Cộng và hải quân Trung Cộng đánh cá quanh các đảo thuộc diện tranh chấp. (BBT)

Luật an ninh Hong Kong:

Bốn sinh viên bị bắt vì tội ‘xúi giục’

Bốn sinh viên vừa bị bắt ở Hong Kong trong chiến dịch ra quân đầu tiên của cảnh sát để thực thi luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc.
Bốn người đã bị giam giữ vì “xúi giục ly khai” trên mạng xã hội sau khi luật mới có hiệu vào 1/7, cảnh sát cho biết.
Một nhóm ủng hộ độc lập cho biết những người bị bắt bao gồm cựu lãnh đạo của nhóm, Tony Chung.
Luật mới gây tranh cãi của Bắc Kinh quy định tội hình sự với các hành động lật đổ, ly khai và thông đồng với các lực lượng nước ngoài.
Các vụ bắt giữ trước đây theo luật mới đã được thực hiện đối với những người biểu tình mang theo các khẩu hiệu và biểu ngữ.
Các nhà phê bình cho rằng luật mới của Trung Quốc làm xói mòn quyền tự do của Hong Kong. Nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ chỉ trích, nói rằng luật này cần thiết để ngăn chặn các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã diễn ra ở Hong Kong trong suốt năm 2019.
Các vụ bắt giữ
Ba nam và một nữ thanh niên tuổi từ 16 đến 21 đã bị bắt vì nghi ngờ tổ chức và xúi giục ly khai, cảnh sát cho biết.
“Các nguồn tin và điều tra của chúng tôi cho thấy nhóm này gần đây đã tuyên bố thành lập một tổ chức ủng hộ độc lập Hong Kong trên mạng xã hội”, ông Li Kwai-wah, đơn vị phụ trách thi hành luật an ninh quốc gia mới, thuộc cảnh sát Hong Kong, nói.
Máy tính, điện thoại và tài liệu của họ cũng bị thu giữ, ông nói.
Các sinh viên bị bắt là cựu thành viên của hoặc có liên kết với Studentlocalism, một nhóm thanh niên ủng hộ độc lập. Nhóm này đã bị giải tán vào tháng Sáu trước khi luật an ninh mới có hiệu lực và cho biết sẽ tiếp tục chiến dịch từ nước ngoài.
Nhưng ông Li cho biết hoạt động ở nước ngoài vẫn có thể bị truy tố.
“Nếu bất cứ ai nói rằng anh ta chủ trương vi phạm luật an ninh quốc gia từ nước ngoài, thậm chí anh ta làm điều đó từ nước ngoài, chúng tôi có thẩm quyền để điều tra các trường hợp này này”, ông nói.
Hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy Chung bị còng tay dẫn đi ở quận Yuen Long.
Tổ chức Studentlocalism cho biết Chung đã bị giam giữ vào khoảng 20:50 giờ địa phương (12:50 GMT). Các cảnh sát cũng thu giữ và mang đi một số đồ đạc, nhóm này nói.
Nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Joshua Wong cho biết Chung đã bị cảnh sát theo dõi trong nhiều ngày. Anh nói ông Chung bị bắt vì viết một bài đăng trên Facebook về “chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc” và cáo buộc rằng điện thoại của những người bị giam giữ đã bị hack ngay sau khi họ bị bắt.
“Vụ bắt giữ tối nay rõ ràng sẽ gửi một tín hiệu đàn áp tới các phát ngôn online của Hong Kong”, Joshua Wong tweet.
Luật an ninh mới nói gì?
Luật này có phạm vi rộng, khiến việc bày tỏ sự căm ghét chính quyền trung ương Trung Quốc và chính quyền Hong Kong trở thành bất hợp pháp.
Cho phép xét xử kín, nghe lén điện thoại của các nghi phạm và các đối tượng tình nghi để xét xử ở đại lục.
Một loạt các hành vi, bao gồm làm hư hại các cơ sở giao thông công cộng, có thể được coi là khủng bố.
Các nhà cung cấp Internet có thể phải bàn giao dữ liệu nếu được cảnh sát yêu cầu.
Phản ứng với luật an ninh Hong Kong
Giới chức ở cả Hong Kong và Trung Quốc đại lục khẳng định luật an ninh sẽ không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, rằng luật này cần thiết để dập tắt những làn sóng bất ổn liên tiếp trong thành phố.
Nhưng giới chỉ trích nói rằng luật này làm suy yếu các quyền tự do vốn khiến Hong Kong khác biệt với phần còn lại của Trung Quốc và giúp xác định bản sắc của thành phố này.
Vương quốc Anh, Canada, Úc và New Zealand đều đình chỉ các hiệp ước dẫn độ với Hong Kong kể từ khi luật mới được ban hành. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã quyết định hủy bỏ các đặc quyền thương mại đặc biệt của Hong Kong.
Trong những năm gần đây, Hong Kong đã chứng kiến một loạt các cuộc biểu tình đòi hỏi nhiều quyền hơn. Năm 2019, các cuộc biểu tình phản đối một dự luật hiện đang bị hủy bỏ – vốn cho phép dẫn độ nghi phạm vào đại lục – đã trở nên bạo lực và thúc đẩy một phong trào dân chủ rộng khắp.

Hong Kong cấm

12 nhà hoạt động dân chủ tham gia bầu cử

Chính phủ Hong Kong cấm 12 nhà hoạt động dân chủ, trong đó có Joshua Wong, ra tranh cử trong cuộc bầu cử tháng 9, đồng thời cho biết có thể sẽ có thêm nhiều người khác nữa bị loại. Động thái mới xác nhận quan ngại rằng các quan chức sẽ sử dụng luật an ninh mới để loại bỏ các nhà hoạt động nhằm có thêm cơ hội đạt được đa số trong Hội đồng Lập pháp.
Chính quyền Hong Kong nói rằng các ứng cử viên bị cấm vì không hội đủ các điều kiện tranh cử, bao gồm ủng hộ luật an ninh quốc gia do Trung Quốc áp đặt vào tháng trước, nhưng không nêu tên các ứng cử viên bị loại khỏi cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Lập pháp.
Nhà hoạt động trẻ nổi tiếng Joshua Wong xác nhận chính phủ đã vô hiệu hóa việc ứng cử của ông.
Trong tuyên bố hôm 30/7, chính quyền Hong Kong nói rằng “Không có nghi vấn gì về bất kỳ sự kiểm duyệt chính trị, hạn chế quyền tự do ngôn luận hay tước quyền bầu cử nào như một số thành viên trong cộng đồng cáo buộc”.
Động thái này được công bố vài giờ sau khi cảnh sát Hong Kong bắt giữ bốn nhà hoạt động sinh viên vì những bình luận trực tuyến bị cho là vi phạm luật an ninh quốc gia mới.
Luật an ninh quốc gia mới đã gây tranh cãi ở Hong Kong và bị các chính phủ phương Tây lên án rộng rãi, nhưng Trung Quốc cho rằng cần thiết phải có luật này để khôi phục trật tự của thành phố sau nhiều tháng bất ổn vì phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm ngoái.
Theo một thăm dò của Reuters trước khi luật an ninh mới được thông qua, có khoảng 56% cư dân Hong Kong phản đối luật luật so với chỉ 34% người ủng hộ.

Trung Cộng chiêu dụ Asean

để các nước này không ngả về phía Hoa Kỳ

Tin Bắc Kinh, Trung Cộng – Chính quyền Trung Cộng trong những tuần gần đây đang nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước láng giềng Đông Nam Á, với lời hứa giúp đỡ đối phó Covid-19 và hợp tác kinh tế, nhằm tránh để các nước này nghiêng hẳn về phía Hoa Kỳ.
Không lâu sau khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại biển Đông, Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương Nghị đã lập tức xoa dịu cộng sản Việt Nam và Philippines, đồng thời, Chủ Tịch Tập Cận Bình cũng điện đàm với các lãnh đạo Thái Lan và Singapore. Hiện tại, Hiệp hội các nước Đông Nam Á Asean ngày càng bị áp lực phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington, trong bối cảnh nguy cơ xung đột trực diện đang dâng cao giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong cuộc họp với những người đồng cấp cộng sản Việt Nam và Philippines, Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương Nghị cáo buộc Hoa Kỳ tìm cách can thiệp vào tình hình khu vực, kích động mâu thuẫn, và ép buộc các nước khác phải chọn phe phái. Tương tự, trong cuộc trò chuyện qua điện thoại, Chủ Tịch Tập Cận Bình cũng ám chỉ với Thủ Tướng Lý Hiển Long rằng Singapore không nên chọn phe phái, và Trung Cộng sẽ làm việc với Singapore để vượt qua mọi sự chia rẽ và bảo đảm an ninh trong khu vực.
Bắc Kinh cũng công bố một thỏa thuận thương mại tự do với đồng minh thân cận là Cambodia, nhằm chứng tỏ ảnh hưởng kinh tế tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng hiện không rõ các nỗ lực của Trung Cộng sẽ đi tới đâu, khi thái độ ngang ngược của quốc gia này trước quốc tế đã khiến các quốc gia khác mất lòng tin nghiêm trọng.
Một ngày sau cuộc họp với ngoại trưởng Trung Cộng, cộng sản Việt Nam đã ký một văn bản ghi nhớ với Hoa Kỳ, trong đó, Washington cam kết sẽ giúp Hà Nội chống lại sự đe dọa bất hợp pháp đối với ngư dân Việt Nam trên biển. (BBT)

Huawei rút dần chân khỏi Ấn Độ

sau căng thẳng chính trị

Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đang thực hiện vụ cắt giảm nhân sự quy mô cực lớn tại Ấn Độ khi thị trường này trở nên rủi ro.
Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei Technologies của Trung Quốc vừa tuyên bố cắt giảm 50% chỉ tiêu doanh thu ở Ấn Độ trong năm 2020. Hiện Huawei chỉ nhắm mục tiêu doanh thu khoảng 350-500 triệu USD cho năm 2020, so với chỉ tiêu khoảng 700-800 triệu US đặt ra trước đó.
Chưa hết, Huawei cũng đang cắt giảm 60-70% nhân viên Ấn Độ, ngoại trừ những người trong nhóm nghiên cứu phát triển và trung tâm dịch vụ toàn cầu. Động thái này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang căng thẳng do tranh chấp vùng biên giới.
Trước đó,Ấn Độ đã khuyến cáo các nhà mạng nước này sử dụng các thiết bị viễn thông nội địa, thay vì dùng thiết bị Trung Quốc sản xuất trong quá trình nâng cấp mạng di động lên 4G.
Tuy nhiên vì Ấn Độ chưa có nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nên nhiều khả năng các nhà mạng sẽ chuyển sang các đối tác Châu Âu như Nokia hay Ericsson.
Động thái cắt giảm mới nhất của Huawei cũng cho thấy họ đã nhận thấy xu hướng lựa chọn sản phẩm công nghệ của Ấn Độ đã bỏ qua yếu tố nguồn gốc Trung Quốc.
Do các căng thẳng ở biên giới, Ấn Độ cũng đã ban hành lệnh cấm đối với gần 60 ứng dụng Trung Quốc, những ứng dụng bị cho là gây nguy hại an ninh quốc gia, thu thập dữ liệu người dùng.
Ấn Độ có nhiều khả năng cũng sẽ can ngăn các nhà khai thác mạng viễn thông trong nước sử dụng thiết bị do Huawei Technologies và ZTE Corp sản xuất dù trước đó, Huawei đã được thử nghiệm triển khai mạng di động 5G.
Hãng này cũng đang đặt cược vào khách hàng Ấn Độ cho thiết bị mạng di động thế hệ thứ năm. Quốc gia Nam Á thời gian qua đã không đi theo lời kêu gọi của Mỹ và các nước khác về việc cấm các công ty Trung Quốc cung cấp thiết bị cho mạng 5G quan trọng. Tuy nhiên, cuộc đụng độ giữa quân đội hai nước ở biên giới đã dẫn đến sự thay đổi lớn, với các cuộc kêu gọi giảm phụ thuộc vào sản phẩm của Trung Quốc và ngăn chặn các công ty lớn của nước này có được chỗ đứng tại Ấn Độ.
Hiện các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước đang được hướng dẫn để gắn bó với nhà sản xuất thiết bị Ấn Độ cho dịch vụ 4G, miễn là chất lượng của họ phù hợp với tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu. Động thái này nhận được sự đồng tình lớn từ công chúng sau những cơn giận dữ trước sự thương vong của binh sĩ Ấn Độ.
Mới nhất, Tòa án Ấn Độ cũng vừa triệu tập công ty Alibaba và nhà sáng lập Jack Ma vì cáo buộc liên quan đến các ứng dụng UC News và UC Browser. Theo nguyên đơn người Ấn Độ là nhân viên cũ của UC Web, công ty con của Alibaba này

Nhờ doanh số ở TQ, Huawei bán nhiều điện thoại

nhất thế giới, vượt qua Samsung

Tập đoàn Huawei của Trung Quốc vừa giành danh hiệu công ty bán điện thoại thông minh lớn nhất từ tay của Samsung trong quý II, mang lại hy vọng về khả năng phục hồi của thị trường Trung Quốc ngay cả khi nhu cầu điện thoại toàn cầu đang giảm mạnh vì đại dịch.
Reuters dẫn số liệu từ hãng nghiên cứu Canalys cho biết Huawei đã xuất xưởng 55,8 triệu thiết bị trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.
Tập đoàn của Trung Quốc bắt đầu thấy tác động của lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ gây gián đoạn hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, nhưng những con số mới nhất cho thấy sự thống trị đang gia tăng của tập đoàn này trên thị trường quê nhà.
Huawei hiện bán gần hai phần ba số thiết bị cầm tay của mình tại Trung Quốc, nơi đã bị ảnh hưởng sớm từ đại dịch Covid-19 nhưng khôi phục lại sau đó khi số ca nhiễm bệnh mới giảm đi.
Trong khi đó, các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn tại các quốc gia khác vẫn đang gặp khó khăn khi số ca nhiễm virus mới tiếp tục tăng lên.
Tuy vậy, doanh số của Huawei vẫn giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tập đoàn Hàn Quốc Samsung giảm 30% do nhu cầu thấp tại các thị trường trọng điểm như Brazil, Hoa Kỳ và châu Âu.
Samsung hôm 30/7 nói rằng họ dự kiến nhu cầu điện thoại thông minh sẽ tăng trong nửa cuối năm nay.

Tầm nhìn « China 2025 »

hay bản chỉ dẫn đánh cắp công nghệ ?

Minh Anh
Leo thang căng thẳng Mỹ – Trung bước sang một nấc mới : « Cuộc chiến lãnh sự ». Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tuần qua ra lệnh đóng cửa các tòa lãnh sự lẫn nhau : Một của Trung Quốc tại Houston và một của Mỹ tại Thành Đô. Hoa Kỳ đặc biệt tố cáo Bắc Kinh gia tăng các hoạt động gián điệp, đánh cắp công nghệ nhằm phục vụ cho mục tiêu « Tầm nhìn Made in China 2025 » đầy tham vọng.
Chỉ trong vòng vài ngày từ 21-24/07/2020, nhiều sự kiện dồn dập xảy ra, khiến cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn dĩ đã xấu đi nay thêm phần tồi tệ. Ngày 21/07/2020, bộ Tư Pháp Hoa Kỳ thông báo truy tố hai tin tặc người Trung Quốc Xiaoyu Li et Jiazhi Dong. Trong buổi họp báo, trợ lý chưởng lý, ông John.C. Demers nêu rõ :
« Văn phòng biện lý đặc trách Đông Washington và An ninh Quốc gia quyết định truy tố hai tin tặc Trung Quốc làm việc cho bộ An Ninh Trung Quốc, trong đó có sở An ninh tỉnh Quảng Đông (GSSD) trực thuộc bộ An Ninh (MSS), với tội danh tiến hành một chiến dịch càn quét xâm nhập toàn bộ hệ thống máy vi tính. (…)
Chiến dịch này nhắm vào các sở hữu trí tuệ và các thông tin thương mại bảo mật trong các lĩnh vực tư nhân, kể cả các dữ liệu nghiên cứu Covid-19 liên quan đến điều trị, xét nghiệm và vac-xin. Chiến dịch còn nhắm vào các ngành công nghiệp như ngành sản xuất trang thiết bị y tế công nghệ cao, kỹ thuật dân dụng và công nghiệp, phần mềm giáo dục kinh doanh và trò chơi, năng lượng mặt trời, ngành bào chế dược phẩm và quốc phòng ».
Ngoài hai tin tặc trên, FBI còn truy bắt bốn người Trung Quốc khác bị cáo buộc che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, để có thị thực nhập cảnh cho phép họ theo học hay tiến hành các nghiên cứu các ngành công nghệ mũi nhọn tại Mỹ từ y khoa cho đến trí thông minh nhân tạo.
Vài giờ sau khi ra thông cáo, chính phủ Mỹ gia hạn cho Trung Quốc có 72 giờ để đóng cửa tòa lãnh sự tại Houston. Theo ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo ngày 23/07, tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston là một « ổ gián điệp », tổ chức các hoạt động « đánh cắp sở hữu trí tuệ ». Chuyên gia địa chính trị, ông Philippe Moreau Desfarges, trên đài RFI cho rằng những kiểu tố cáo này chẳng có gì là mới cả:
« Tại nhiều lãnh sự hay tòa đại sứ, có những người được gọi là tùy viên quân sự, trợ lý tùy viên quân sự, có những chức năng khá đặc biệt. Đương nhiên, theo luật quốc tế, có một sự tách bạch rất rạch ròi giữa chức năng ngoại giao với mọi hình thức dọ thám. Nhưng trên thực tế, hành chức ngoại giao cũng là một dạng gián điệp. Do vậy, chẳng có gì là đáng ngạc nhiên cả. »
Kế hoạch « China 2025 » : Bản đồ chỉ dẫn đánh cắp ?
Điều đáng chú ý là trong buổi họp báo, bộ Tư Pháp Mỹ cáo buộc những gián điệp trên của Trung Quốc tiến hành đánh cắp các dữ liệu của nhiều hãng công nghệ cao không chỉ riêng tại Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia có công nghệ tiên tiến khác như Úc, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Anh Quốc, Hàn Quốc… Và các hoạt động dọ thám này của Trung Quốc là là nhằm phục vụ cho kế hoạch « China 2025 ».
Ông John C. Demers phát biểu tiếp : « Không ngạc nhiên, những vụ xâm nhập này nhắm vào các ngành công nghiệp được vạch ra trong kế hoạch ʺMade in China 2025ʺ – kế hoạch 10 năm này của Trung Quốc nhắm đến phát triển những ngành công nghiệp sản xuất công nghệ tiên tiến chiến lược. Dù rằng bản kế hoạch kêu gọi một cách tiếp cận theo hướng cách tân, những trường hợp này cho thấy rõ bản kế hoạch này giống như một bản đồ chỉ dẫn để đánh cắp, hơn là một bản hướng dẫn để đổi mới.
Những hành động xâm nhập trong trường hợp này chủ yếu nhắm vào tám trong số mười ngành công nghệ được xác định trong bản kế hoạch : Công nghệ thông tin thế hệ mới, robot và các loại máy móc công cụ tự động hóa, hàng không và các linh kiện hàng không, các loại tầu hàng hải, vật liệu mới, công nghệ sinh học và kỹ nghệ đường sắt. »
Kế hoạch Made in China 2025 đó nói gì ? Được thủ tướng Lý Khắc Cường công bố hồi tháng 5/2015, bản kế hoạch 10 năm này vạch ra mục tiêu là đến năm 2025, 80% các sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như ông John C. Demers đề cập ở trên phải được sản xuất ở trong nước. Mục tiêu là phải có được một sản phẩm tương đồng của Trung Quốc.
Trong một số lĩnh vực, mục tiêu này của Trung Quốc hầu như đã đạt được. Chẳng hạn như Mỹ có GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon), thì một cách tương ứng, Trung Quốc có BXTA (Baidu, Xiaomi, Tencent, Alibaba) và nhất là còn có Hoa Vi – tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc và đang dẫn đầu thế giới công nghệ mạng 5G – hiện là tâm điểm của cuộc đọ sức Mỹ – Trung.
Trong hồ sơ này, Hoa Kỳ gây nhiều áp lực với các nước đồng minh để gạt Hoa Vi ra khỏi các dự án phát triển mạng 5G tương lai, ít nhất vì hai lý do. Thứ nhất là nguy cơ bị dọ thám thông qua các mạng 5G, bởi vì Hoa Kỳ cho rằng Hoa Vi có những mối liên hệ trực tiếp với những lợi ích của Trung Quốc. Thứ hai là rủi ro bị phá hoại, bởi vì mạng 5G sẽ cho phép kiểm soát thông tin từ xa.
Một lĩnh vực khác cũng cho thấy Bắc Kinh dường như đã đạt được mục tiêu là có được một Hyperloop của riêng mình – tức một dạng tầu điện siêu thanh do nhóm nghiên cứu của nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk phát triển. Tuy những thông tin về dự án tầu điện từ trường này vẫn chưa rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn là, cũng như bao dự án khác, Bắc Kinh trực tiếp quản lý và không muốn lệ thuộc vào một nước nào để thực hiện.
Tấn công tin tặc : Trung Quốc dồn dập hành động
Chỉ có điều kế hoạch 10 năm này của Trung Quốc đe dọa vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của Mỹ và khiến nhiều nước phương Tây lo ngại. Một mặt, Bắc Kinh tìm cách tiếp cận các hiểu biết tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới. Nhưng mặt khác, Trung Quốc khóa chặt cánh cổng thị trường của mình.
Đồng thời, để có thể hoàn thành nhanh chóng các mục tiêu đề ra trong kế hoạch « China 2025 », Trung Quốc trong một thập niên qua đã tăng tốc các hoạt động dọ thám, tấn công tin học để đánh cắp công nghệ – kỹ nghệ cao tại nhiều nước phương Tây, theo như điều tra của nhà báo Antoine Izambard, tác giả tập sách « France-Chine, les liaisons dangereuses » (tạm dịch là Pháp – Trung Quốc, những mối liên hệ nguy hiểm). Trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24, ông giải thích :
« Những gì các cơ quan phản gián cho biết từ năm 2016, trong giai đoạn 2008 – 2014, 2015, chúng ta thấy rõ có một đợt dọ thám tin học, tấn công tin tặc tại Pháp cực kỳ dữ dội. Tình hình này sau đó có giảm bớt đôi chút, bởi vì Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ ʺđiểm mặt chỉ tênʺ. Do vậy, Bắc Kinh đã hiện đại hóa đôi chút công cụ dọ thám tin học của họ, nên giờ rất khó quy cho Trung Quốc tiến hành tấn công tin học tại Pháp. Nhưng theo những gì phần đông những người phải đối phó với tình trạng này nói với tôi, chính một nước lớn mới tấn công các doanh nghiệp của chúng ta nhiều nhất tại Pháp ».
Vẫn trên kênh France 24, nhà báo Antoine Izambard nhận định tiếp Bắc Kinh đã « hiện đại hóa » các thủ thuật tin tặc như thế nào để dễ bề đánh cắp các dữ liệu :
« Chính vào lúc các cuộc tấn công tin tặc dễ bị các cơ quan tình báo Pháp phát hiện, Trung Quốc sẽ trở nên ʺxảo quyệtʺ hơn một chút, mà vụ Airbus là một ví dụ. Một nhà thầu phụ, một hãng cung cấp trang thiết bị,… bị nhắm đến, để rồi mục tiêu là thâm nhập được vào Airbus để có được các tài liệu chứng nhận sẽ cho phép chứng thực chiếc C-919 sẽ là chiếc máy bay hai động cơ thân hẹp đường trung đầu tiên trên thế giới ».
Du học sinh : Đội ngũ gián điệp đông đúc và hiệu quả ?
Bên cạnh các hoạt động tin tặc, các cơ quan phản gián phương Tây còn báo động mối họa gián điệp sinh viên Trung Quốc. Ngày 02/07/2020, cơ quan an ninh nội địa Bỉ (phản gián – La Sûreté de l’Etat) công bố báo cáo hằng năm, gióng chuông cảnh báo các hoạt động dọ thám của sinh viên Trung Quốc trong các ngành công nghệ quốc phòng.
Vẫn theo cơ quan phản gián Bỉ, chính quyền Bắc Kinh đặc biệt khuyến khích sinh viên đến học tập và nghiên cứu tại Bruxelles, vì thành phố này là nơi trú ngụ nhiều trụ sở lớn của các định chế Liên Hiệp Châu Âu. Mối lo gián điệp sinh viên Trung Quốc, trước đó đã từng được FBI của Mỹ đánh động vào năm 2019, sau vụ bắt giữ sinh viên Ji Chaoqun, học tại Viện Công Nghệ Chicago.
Nhiệm vụ của cậu sinh viên này là « xác định các công dân Mỹ gốc Hoa hay Đài Loan làm việc trong ngành công nghiệp vũ khí mà cơ quan tình báo Trung Quốc đánh giá là có thể tuyển dụng được », theo như giải thích của ông Joseph Augustyn, cựu trợ lý giám đốc CIA với kênh truyền hình France 2.
Vẫn theo vị cựu lãnh đạo CIA này, « Trung Quốc sử dụng sinh viên gián điệp là bởi vì họ có đến 350.000 du học sinh (đông gấp 10 lần so với số nhân viên FBI), đông đến mức họ có thể chỉ ra được một số cá nhân cho việc tìm kiếm những thông tin nào mà Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến ».
Hoa Kỳ hẳn không thể nào quên được vụ Liu Ropeng, hiện đang đứng đầu một hãng công nghệ tương lai, trong đó có các loại vật dụng bay. Người này bị cáo buộc đánh cắp các kỹ nghệ trong quá trình theo học với một giáo sư vật lý có tiếng tăm ở Mỹ, ông David Smith, từng mở cánh cửa phòng thí nghiệm cho cậu sinh viên Trung Quốc. Trở về nước, Liu Ropeng đã cho xây dựng một bản sao phòng thí nghiệm. Đương nhiên, FBI đã không thể chứng minh được hành động gián điệp của Liu Ropeng.
Mỹ chặn đà tiến của Trung Quốc : Liệu đã muộn ?
Hoạt động dọ thám, tin tặc, đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc đã có ít nhất từ 10 năm nay, vì sao đến bây giờ Hoa Kỳ mới có những phản ứng mạnh mẽ? Việc gây ầm ĩ lúc này chắc chắn cũng nhằm mục tiêu tái tranh cử của tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây giật mình tỉnh ngộ là đã quá lệ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, cũng như đã bị nước này bỏ xa trong nhiều ngành chiến lược, từ viễn thông cho đến cả không gian. Và nhất là trong cơn đại dịch này, Hoa Kỳ và phương Tây còn có nguy cơ bị Trung Quốc qua mặt trong cuộc đua tìm kiếm vac-xin ngừa Covid-19.
Thế nên, theo quan điểm của ông François Costantini, chuyên gia địa chính trị, với kênh truyền hình RT (Russia Today), những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc còn nhằm mục đích chặn đà tiến « China 2025 » của Bắc Kinh.
« Đúng là hiện nay Hoa Kỳ muốn hạn chế bớt vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trên thế giới. Thế nên, Mỹ chủ yếu nhắm vào ở những lãnh vực có thể gây thiệt hại nhiều nhất. Những gì mà Hoa Kỳ nhận thấy từ một phần tư thế kỷ nay là hầu như Trung Quốc xây dựng nên sức mạnh của mình nhờ vào thặng dư thương mại.
Ở đây, người ta thấy rõ chính trong thặng dư thương mại, chính sách thương mại, trí thông minh nhân tạo, một số lĩnh vực chiến lược mà Hoa Kỳ đang tìm cách ngăn chận sức mạnh của Trung Quốc để đẩy lui GDP của Trung Quốc.
Đừng quên rằng 45% GDP của Trung Quốc có được là từ ngành xuất khẩu, do vậy giảm thặng dư mậu dịch của Trung Quốc là giảm sức mạnh của Bắc Kinh và có thể dẫn đến việc người dân Trung Quốc tự chất vấn, để cuối cùng có thể là đi đến một cuộc cách mạng chính trị như Hoa Kỳ nhắm đến, nhất là vào thời điểm đôi bên đang trong cuộc đọ sức ».
Liệu rằng có đã quá trễ để chặn đà tiến của Bắc Kinh hay không ? Như một sự trùng hợp, vào ngày Washington ra lệnh đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston, chính quyền Bắc Kinh thông báo phóng thành công phi thuyền Thiên Vấn -1, độc hành chuyến thám hiểm Sao Hỏa đầu tiên của mình.

Hai cách đóng cửa lãnh sự quán TQ và Mỹ

Mỹ cưỡng chế lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston trong khi nhân viên Trung Quốc thực hiện nghi thức đóng cửa lãnh sự quán Mỹ.
Theo đài truyền hình CCTV, cờ Mỹ trên tòa nhà lãnh sự quán ở Thành Đô đã được hạ xuống vào rạng sáng 27/7, sau khi Bắc Kinh ra lệnh đóng cửa hôm thứ 6 tuần trước.
Đài quốc gia Trung Quốc ghi lại hình ảnh các nhân viên mặc quần áo bảo hộ đầy đủ đã tiến vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô tại tỉnh Tứ Xuyên sau khi cơ quan này chính thức đóng cửa theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã chính thức đóng cửa vào 10h sáng ngày 27/7, theo thời hạn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra.
Trước đó, vào lúc 6h24, quốc kỳ Mỹ bên trong cơ quan ngoại giao này đã được hạ xuống.
Nhân viên mặc quần áo bảo hộ tiến vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô vào sáng 27/7. Ảnh: Reuters.
Sau khi cơ quan này đóng cửa, giới chức Trung Quốc đã tiếp quản khu nhà này. Bốn nhân viên mặc đồ bảo hộ đầy đủ đã đi về phía khu nhà vào lúc 10h24 (giờ địa phương), theo Reuters.
Cuối tuần qua, hàng trăm người đã tập trung bên ngoài lãnh sự quán Mỹ nơi TP 16,5 triệu người để chụp ảnh tự sướng và vẫy cờ Trung Quốc, chứng kiến cảnh quốc huy của Mỹ bị gỡ xuống khỏi tòa lãnh sự.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận Tổng lãnh sự quán tại Thành Đô đã ngừng hoạt động vào 10h sáng 27/7. Mỹ nói rằng họ thất vọng về quyết định của Bắc Kinh và cho biết Mỹ sẽ tiếp tục tiếp cận các khu vực, bao gồm Tây Tạng, thông qua các phái bộ khác tại Trung Quốc.
“Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ sẽ tạm thời đảm nhận công việc của Tổng lãnh sự quán tại Houston, và tiếp tục các dịch vụ khác nhau cho người dân trong khu vực lãnh sự. Đại sứ quán và Tổng lãnh sự
quán Trung Quốc tại Mỹ luôn cam kết phát triển lành mạnh và ổn định các mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ, vì trao đổi và hợp tác giữa Trung Quốc-Mỹ và tình hữu nghị của hai dân tộc” – Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ thông báo.
Việc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô là hành động của Trung Quốc nhằm đáp trả lại việc Mỹ đóng cửa lãnh sự quán của nước này ở Houston, bang Texas vào ngày 21/7. Giới chức Mỹ cho rằng tòa lãnh sự này có liên quan đến cuộc điều tra gian lận đối với một viện nghiên cứu ở Texas và các nhân viên lãnh sự Trung Quốc dính líu trực tiếp đến việc liên lạc với các nhà nghiên cứu, hướng dẫn họ thông tin nào cần thu thập.
Khác với quang cảnh diễn ra tại Tứ Xuyên, hôm 24/7, các đặc vụ và nhân viên ngoại giao Mỹ đã phá khóa để xông vào trụ sở lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston. Chính quyền Mỹ ra lệnh đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao này và hạn chót là 16 giờ ngày 24/7 (rạng sáng ngày 25/7, giờ Việt Nam).
Một nhóm người đã dùng khoan điện và xà beng tìm cách mở cửa sau của tòa tổng lãnh sự vào lúc 16h.
Sau đó, hàng loạt xe SUV màu đen, xe tải, hai xe bán tải màu trắng  được cho là có quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã xuất hiện trước tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, bang Texas. Một nhóm người cùng một phương tiện chuyên dụng phá khóa đã tiến vào bên trong khu phức hợp tổng lãnh sự quán Trung Quốc.
Đặc vụ Mỹ xông vào lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston. Hai nhân viên Cục An ninh ngoại giao Mỹ đứng canh gác ở cửa trong khi phía ngoài có nhiều phóng viên của các báo đài đến đưa tin.
Theo Reuters, ngay sau khi Mỹ ra lệnh đóng cửa hôm 21/7, cảnh sát địa phương đã được báo cáo về việc khói bốc lên tại lãnh sự quán. Truyền thông Mỹ cho biết khói bốc lên là do nhân viên bên trong tòa nhà đốt tài liệu. Toàn bộ nhân viên tại đây rời đi ngay trước khi các đặc vụ Mỹ ập vào ngày 24/7.

Trung – Ấn rút quân khỏi khu tranh chấp

Lính Trung Quốc và Ấn Độ đã rút khỏi hầu hết các khu vực ở biên giới tranh chấp giữa hai bên, theo AFP dẫn tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28.7.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm qua 28.7 thông báo lính Trung Quốc và Ấn Độ đã rút khỏi hầu hết các khu vực ở biên giới tranh chấp giữa hai bên, theo AFP.
“Tình hình hạ nhiệt. Hai bên đang chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ 5”, ông Uông nói.
Động thái diễn ra sau khi căng thẳng leo thang vì vụ đụng độ tại biên giới tranh chấp hôm 15.6, khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng.
Kể từ vụ đụng độ, các quan chức Trung – Ấn gặp gỡ và đồng ý thực hiện các bước xuống thang căng thẳng. Tuy nhiên, hai bên sau đó tiếp tục củng cố lực lượng tại đây.

[Video]: ‘Đại đô thị’ Trùng Khánh ngập trong nước,

không phân biệt được đâu là đường đâu là sông

Triệu Hằng
Phá vỡ lịch sử, mực nước sông Dương Tử ở Trùng Khánh lên đến 182 mét. Thành phố được mệnh danh “đại đô thị” mênh mông như biển, không phân biệt được đâu là đường đâu là sông bởi trận lụt hôm 27/7.
Tờ Taiwan News cho hay, bất chấp các tác động “giảm lũ” của đập Tam Hiệp ở hạ lưu, Trùng Khánh bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận lụt lớn hôm 27/7, các khu vực ở thành phố này ngập úng, các thành phố lân cận cũng trong tình cảnh tương tự.
Ngày 26/7, Ủy ban Tài nguyên nước Trường Giang, cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên nước thông báo rằng “Lũ số 3” tấn công thượng nguồn lưu vực sông Dương Tử.
Trận lũ khổng lồ đã đổ xuống sông Gia Lăng, một nhánh của sông Dương Tử, và nhấn chìm thị trấn cổ Từ Khí Khẩu, làm tràn ngập các vùng trũng thấp của đại đô thị Trùng Khánh, bao gồm cả địa điểm mang tính biểu tượng Triều Thiên Môn.
Thời báo Kinh tế Hong Kong đưa tin, vào 6 giờ sáng ngày 27/7, mực nước tại trạm thủy văn Cuntan ở Trùng Khánh đã tăng đến 180.5 mét, lần đầu tiên vượt quá mức cảnh báo trong năm.
Thị trấn cổ Từ Khí Khẩu nằm bên bờ sông Gia Lăng (một nhánh của sông Dương Tử) cũng chìm trong nước. Đây vốn là cảng thương mại nổi tiếng, được xây dựng từ năm 998 – 1003. Cũng chính vì gắn liền
với sự phát triển của ngành gốm sứ mà nơi này có tên gọi là Từ Khí Khẩu (phiên âm Hán Việt, Từ Khí Khẩu có nghĩa là làng đồ sứ).
Ngoài Trùng Khánh, thành phố Ân Thi ở tỉnh Hồ Bắc, nằm trên sông Qing, một nhánh của sông Dương Tử, đã bị mưa lớn trút xuống trong nhiều ngày. Chính phủ Trung Quốc báo cáo rằng lũ lụt đã khiến 5 người thiệt mạng và ảnh hưởng tới 160.000 người ở thành phố này.
Trật lụt mới nhất này là chưa từng thấy kể từ đầu năm nay. Lưu vực sông Dương Tử hiện đang vào thời kỳ thường có những cơn mưa lớn nhất, kéo dài từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, cho thấy có những đợt mưa lớn hơn có thể sẽ sớm đến.
Trước đó, Tân Hoa Xã đưa tin rằng đập Tam Hiệp đã cắt “36.7% đỉnh lũ” hôm 27/7. Tuy nhiên, tờ báo không đề cập đến việc Trùng Khánh và các thành phố khác ở thượng nguồn Dương Tử trải qua cảnh tượng lũ lụt chưa từng thấy. Tờ báo trích dẫn Tập đoàn Tam Hiệp cho biết, sức nước chảy vào hồ chứa đạt 50.000 mét khối mỗi giây (m3/s) vào lúc 2 giờ chiều 27/7, trước khi tăng lên 60.000 m3/s hôm 28/7.
Video thành phố Ân Thi, tỉnh Hồ Bắc chìm trong nước lũ

Truyền thông Đài Loan nghi ngờ Trung Quốc

 thống kê sai về số người thiệt mạng do lũ lụt

Triệu Hằng
Thống kê số người chết và mất tích trong trận lũ lụt hoành hành Trung Quốc được giới chức đại lục báo cáo thấp ở mức đáng ngờ, theo Taiwan News.
Trận lũ lụt tàn phá Trung Quốc trong hơn hai tháng qua đã gây tổn thất nặng nề cho nước này cả về người và tài sản cũng như thiệt hại kinh tế trực tiếp. Đập Tam Hiệp được ca ngợi dường như ít hiệu quả trong việc giảm thiểu các tác hại này.
Sau hai tháng mưa xối xả và lũ lụt trên khắp các vùng dọc theo sông Dương Tử, sông Hoàng Hà và sông Hoài, Tân Hoa Xã ngày 29/7 trích dẫn Bộ quản lý khẩn cấp nói rằng “lũ lụt do mưa gây ra” đã ảnh hưởng tới 54,8 triệu người dân ở 27 khu vực cấp tỉnh, tính đến 28/7.
Mặc dù thảm họa quy mô lớn trên khắp Trung Quốc trong hơn hai tháng, nhưng chính phủ báo cáo số người người chết hoặc mất tích là 158.
Tân Hoa Xã công bố rằng 37,6 triệu người đã sơ tán khỏi các khu vực lũ lụt tàn phá, 41.000 ngôi nhà bị sụp đổ, và 368.000 ngôi nhà bị hư hại.
Tổng cộng 5.283 hecta đất nông nghiệp bị phá hủy và thiệt hại kinh tế trực tiếp lên đến 144.43 tỷ nhân dân tệ (khoảng 20,66 tỷ USD).
So với mức trung bình cùng kỳ 5 năm trước, số người bị ảnh hưởng bởi đợt lũ năm nay tăng 23.4%, số người sơ tán tăng 36,7% và thiệt hại kinh tế trực tiếp tăng 18.8%.
Đáng ngờ là, số trường hợp chết và mất tích giảm 53%, và số nhà bị sập giảm 68,4%.
Theo Taiwan News, lũ lụt năm nay ở Trung Quốc không chỉ lớn hơn những trận lụt trong 5 năm qua mà còn kể từ năm 1998, nên con số người chết và số nhà cửa bị sập được báo cáo giảm đến “lạ lùng”, dẫn đến có nghi ngờ rằng, nhiều khả năng giới chức Trung Quốc thống kê sai.

Trung Quốc lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ hai:

Ghi nhận số ca mắc kỷ lục trong 3 tháng!

Quý Khải
Trung Quốc đã công bố 101 ca mắc mới Covid-19 ở Trung Quốc, 89 trong đó được phát hiện ở Tân Cương, nơi người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ sinh sống chiếm đa số. Mối lo ngại đang gia tăng khi Trung Quốc có thể đang đối mặt với làn sóng virus thứ hai sau đợt bùng phát dịch ban đầu ở Vũ Hán.
Khu vực Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm hàng loạt và áp dụng các biện pháp kiểm dịch do sự gia tăng số lượng các ca lây nhiễm, theo tờ Express.
Tin tức này xuất hiện sau khi Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ một triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi trong các trại cải tạo.
Các chuyên gia lo ngại dịch virus corona có thể bùng phát tại các trại giam, đặc biệt khi COVID-19 đã đạt đỉnh tại khu vực phía tây bắc Trung Quốc này.
Tiến sĩ Anna Hayes, giảng viên cao cấp chuyên ngành chính trị và quan hệ quốc tế cho biết bà lo ngại việc bùng phát dịch bệnh trong trại giam chỉ là “vấn đề thời gian”.
Trung Quốc đã kiểm soát được sự lây lan của virus tại đại lục thông qua các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại.
Nhưng các vụ bùng phát dịch gần đây đã xuất hiện ở các vùng khác nhau của đất nước.
Chính quyền Trung Quốc hiện đang tập trung ngăn chặn sự bùng phát dịch có liên hệ đến một công ty thủy sản có trụ sở tại thành phố Đại Liên.
Công ty này đã tạm thời đóng cửa để tiến hành xét nghiệm Covid-19.
Giới chức y tế nước này hôm Chủ nhật (26/7) tuyên bố họ sẽ xét nghiệm tất cả sáu triệu cư dân tại Đại Liên.
Tuần trước, 52 trường hợp mới đã được xác nhận tại thành phố cảng lớn này, với 30 trong số đó làm việc tại nhà máy.
Hải sản nhập khẩu đến Trung Quốc hiện đang bị thắt chặt khâu kiểm tra sau khi ba doanh nghiệp chế biến tôm ở Ecuador bị thu hồi giấy phép xuất khẩu vì phát hiện dấu vết nCoV trên bao bì và bên trong một côngtenơ vận chuyển.
Hơn ba triệu người đã được xét nghiệm COVID-19 tại Đại Liên.
Các quan chức Trung Quốc đã đóng cửa các địa điểm công cộng khép kín bao gồm quán bar, phòng tập thể dục, thư viện, bảo tàng, nhà hàng và spa.
Chính quyền Đại Liên đang sử dụng cách thức phòng dịch tương tự Bắc Kinh sau khi hơn 300 người bị lây nhiễm tại thủ đô hồi tháng Sáu.
Cách tiếp cận này sẽ nhắm đến các quận huyện khác nhau trong thành phố dựa trên đánh giá mức độ rủi ro từng khu vực.
Chính quyền Đại Liên cho biết việc truy vết nguồn lây Covid-19 đã được đẩy mạnh, một số tuyến xe buýt đã ngừng hoạt động.
Ít nhất 9 thành phố khác của Trung Quốc cũng đã báo cáo các ca mắc Covid-19 có liên hệ đến thành phố Đại Liên.
Ủy ban Y tế Bắc Kinh đã báo cáo một ca nhiễm mới sau hơn ba tuần không ghi nhận ca mắc mới nào tại thủ đô, mà họ nói là có liên quan đến ổ dịch ở Đại Liên.
Tổng cộng, 84.060 trường hợp lây nhiễm COVID-19 và 4.634 ca tử vong được xác nhận tại Trung Quốc kể từ khi bắt đầu đại dịch. Tuy nhiên, do chính sách giấu dịch của Bắc Kinh nên con số thực sự có thể lớn hơn rất nhiều. Lấy ví dụ, một nghiên cứu cho thấy số người chết vì Covid-19 tại Vũ Hán cao gấp 20 lần con số chính thức của chính quyền.

Indonesia bắt giữ tàu cá Việt Nam,

cáo buộc ‘hoạt động phi pháp’ ở Biển Đông

Minh Hòa
Hãng tin AFP cho biết, giới chức Indonesia hôm thứ Tư (29/7) tuyên bố họ đã bắt giữ một tàu cá của ngư dân Việt Nam với lý do chiếc tàu hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển tranh chấp giữa Việt Nam và Indonesia ở Biển Đông.
Lực lượng hàng hải Indonesia nói rằng 9 ngư dân trên tàu đã thả lưới và các thiết bị khác trên biển để bắt cá, sau đó đốt cháy lốp xe với hy vọng làn khói bốc lên sẽ xua đuổi những người truy lùng họ. Khi bị bắt giữ, chiếc tàu chở khoảng 2 tấn cá.
Giới chức Indonesia nói rằng, “trong một nỗ lực bỏ trốn bất thành”, chiếc tàu cá Việt Nam đã đâm vào một chiếc tàu bảo vệ bờ biển Indonesia và một chiếc tàu thương mại đi ngang qua.
Người phát ngôn của lực lượng bảo vệ bờ biển Wisnu Pramandita nói với giới truyền thông: “Chúng tôi đã bắn một khẩu súng nước vào chiếc tàu để ngăn chặn nó khi nó cố gắng trốn thoát”.
Giới chức Indonesia tuyên bố vụ việc diễn ra vào hôm Chủ nhật (26/7), tại khu vực gần quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia. Chưa có thông tin thêm để kiểm định tuyên bố của Indonesia. Không loại trừ khả năng chiếc tàu cá Việt Nam hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Indonesia cáo buộc là bất hợp pháp, vì tại khu vực phía nam Biển Đông, gần quần đảo Natuna, có vùng biển tranh chấp mà cả Việt Nam và Indonesia đều có tuyên bố chủ quyền.
Tuần trước, Indonesia tuyên bố họ đã bắt giữ 2 tàu Việt Nam cùng hàng chục ngư dân cũng tại khu vực này.
Giới chức Indonesia mô tả đây là một cuộc rượt đuổi đầy kịch tính dài 2 tiếng, trong đó các ngư dân Việt Nam đã cố gắng chống trả để không bị bắt giữ. Cuộc rượt đuổi đã khiến một số ngư dân bị rơi xuống biển nhưng được cứu sau đó.
RFA cho biết, trong những năm gần đây Indonesia đã bắt giữ và đánh đắm nhiều tàu cá Việt Nam mà họ cáo buộc là hoạt động phi pháp trong vùng biển chồng lấn chưa phân định giữa hai nước.

Ấn Độ điều thêm

35.000 quân tới biên giới giáp Trung Quốc

Quý Khải
Ấn Độ đang chuẩn bị bố trí thêm 35.000 quân đến biên giới với Trung Quốc khi viễn cảnh sớm đạt được một giải pháp chung cho căng thẳng giữa hai nước đang mờ dần, theo LiveMint.
Động thái này sẽ thay đổi tình hình dọc Đường kiểm soát thực tế (LCA) dài gần 3.500 km và đòi hỏi mở rộng ngân sách quân sự hiện đang thắt chặt của Ấn Độ, các quan chức cấp cao Ấn Độ giấu tên cho biết.
Hai mươi binh sĩ Ấn Độ và một số lượng không xác định các binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng trong một cuộc ẩu đả dữ dội hôm 15/6. Kể từ đó, cả hai bên đã vội vã điều hàng ngàn binh sĩ, súng pháo và xe tăng đến khu vực. Khi các thỏa thuận biên giới song phương chưa được thiết lập, tình hình hiện tại vẫn đòi hỏi gia tăng quân đội đến khu vực, các quan chức Ấn Độ cho biết.
“Tính chất của khu vực Đường kiểm soát, ít nhất là ở Ladakh, đã thay đổi vĩnh viễn”, BK Sharma, giám đốc viện chính sách The United Service Institution of India và là một thiếu tướng Ấn Độ đã nghỉ hưu, nhận định. “Lực lượng bổ sung được điều vội đến khu vực sẽ không rút quân, trừ khi cấp chính trị cao nhất giữa hai nước quay trở lại mối quan hệ bình thường”.
Hiện tại, giao tranh đã tạm ngừng. Sau nhiều vòng đàm phán quân sự cấp cao, Bắc Kinh cho biết đã rút quân ở hầu hết các địa điểm.
“Hiện tại, hai bên đang tích cực chuẩn bị cho vòng đàm phán cấp chỉ huy thứ năm để giải quyết các vấn đề tồn đọng”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm thứ Ba (28/7).
Tại một cuộc họp hôm thứ Sáu (24/7) tuần trước, Ấn Độ đã nhấn mạnh việc Trung Quốc cần “chân thành thực hiện” các thỏa thuận sơ bộ đạt được giữa chỉ huy quân đội cấp cao hai phía, bao gồm việc rút quân triệt để ra khỏi các điểm nóng tranh chấp ở khu vực Đông Ladakh, một người trong cuộc chia sẻ với Hindustan Times.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Bắc Kinh có quan điểm tương đồng đối với vấn đề rút quân hay không.

Ấn Độ nhận phản lực cơ mới của Pháp

giữa căng thẳng biên giới với Trung Quốc

Không quân Ấn Độ vừa nhận được 5 chiến đấu cơ mới của Rafale trong bối cảnh căng thẳng biên giới đang diễn ra với Trung Quốc. Đây là một phần trong thỏa thuận mua 36 chiến đấu cơ của Ấn Độ với Pháp vào năm 2016.
“Chiến đấu cơ Rafale đến Ấn Độ đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong lịch sử quân sự của chúng ta”, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh viết trên trang Twitter.
Ông Singh nói thêm rằng các chiến đấu hai động cơ, đa chức năng sẽ “cách mạng hóa” không quân Ấn Độ.
Delhi đang nỗ lực hiện đại hóa phi đội không quân suy yếu có từ thời Liên Xô của mình với các máy bay phản lực đa năng Rafale. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng các chiến đấu cơ này không thể được sử dụng ngay nếu xảy ra xung đột.
Đại tướng không quân Pranab Kumar Barbora, người giám sát phi đội máy bay Jaguar, nói với BBC rằng sự xuất hiện của Rafale là một động thái đáng hoan nghênh vì “nó sẽ tăng cường đáng kể khả năng của không quân”.
“Nhưng sẽ mất một thời gian trước khi các máy bay này hoạt động đầy đủ. Phải thiết lập một chuỗi hậu cần, đào tạo nhân viên kỹ thuật và nhân viên mặt đất ở Ấn Độ”, ông cho biết.
Chuyên gia này nói phải mất tới hai năm trước khi một phi đội mới có thể hoạt động đầy đủ chức năng. Phi đội Rafale sẽ hoạt động đầy đủ khi có ít nhất 18 máy bay.
Việc chuyển giao các máy bay Rafale còn lại dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm tới.
Sự xuất hiện của các máy bay phản lực ở Ấn Độ diễn ra khoảng sáu tuần sau khi quân đội Ấn Độ đụng độ với binh sĩ Trung Quốc dọc theo Đường kiểm soát thực tế, biên giới tranh chấp giữa hai cường quốc trên dãy Hy Mã Lạp Sơn.
Hai mươi binh sĩ Ấn đã bị giết trong vụ chạm trán trên, gây ra quan ngại thù địch tiếp tục kéo dài giữa hai quốc gia láng giềng.
Truyền thông Ấn Độ đăng tin tràn ngập với đánh giá chuyên môn về máy bay phản lực Rafale so với lực lượng của Trung Quốc, bao gồm cả chiến đấu cơ tàng hình J-20 mới của Bắc Kinh.
Rafale không phải là máy bay phản lực tàng hình, nhưng nó được quảng cáo là hính thức nhỏ gọn và không dễ phát hiện trên radar. Loại phản lực cơ này được quân đội Pháp sử dụng trong các hoạt động ở Afghanistan, Libya, Mali, Iraq và Syria.

Virus corona : Dân nghèo Ấn Độ

bị nhiễm nhiều nhưng kháng cự tốt hơn

Thụy My
Hơn phân nửa cư dân các khu ổ chuột ở Bombay có thể đã bị nhiễm virus corona chủng mới, theo một cuộc nghiên cứu mới đây. Như vậy Covid-19 đã lây lan nhanh hơn so với những ước tính từ trước đến nay tại thủ đô tài chính của Ấn Độ, một trong những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất, với trên 100.000 ca nhiễm. Tuy nhiên, dân nghèo tại đây lại kháng cự tốt hơn trước con virus.
Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis cho biết thêm chi tiết :
« Gần 7.000 người đã được xét nghiệm để xem họ có sinh ra kháng thể chống Covid-19 hay không, và như vậy họ đã bị nhiễm virus. Kết quả rất đáng kinh ngạc : 16% cư dân những khu bình thường đã bị lây nhiễm, và tỉ lệ này là 57% ở các khu ổ chuột. Có thể từ đó suy ra khoảng 1/3 dân cư Bombay đã bị nhiễm virus.
Tại các khu phố nghèo ngoại ô, nơi nhà cửa chật chội và người dân thường phải dùng chung nhà vệ sinh, virus rõ ràng đã lây lan nhanh hơn. Tuy nhiên, không có tử vong hàng loạt, có nghĩa là người dân nghèo kháng cự tốt hơn với Covid-19, theo giải thích của Ullas Kolthur Seetaram, nhà sinh học thuộc trung tâm TIFR, nơi tiến hành nghiên cứu.
Tỉ lệ tử vong tại các khu ổ chuột thấp hơn nhiều so với các khu vực khác, có thể là do người dân bị nhiều bệnh khác đe dọa và họ đã được miễn dịch nhiều hơn. Như vậy người nghèo ít bệnh tật hơn, họ chống chọi tốt hơn.
Một nghiên cứu tương tự được tiến hành ở New Delhi cho thấy 25% cư dân đã bị lây nhiễm. Tuy tỉ lệ này chưa đủ để tạo miễn dịch tập thể, nhưng chắc chắn là các ca nhiễm mới từ vài tuần qua đã giảm xuống tại hai đô thị này ».
Covid ở Úc tăng kỷ lục, Nhật dỡ bỏ một phần lệnh cấm nhập cảnh
Hôm nay 30/07/2020, Úc ghi nhận 723 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua riêng tại bang Victoria. Đây là một kỷ lục mới, chủ yếu liên quan đến các viện dưỡng lão, trong khi kỷ lục hôm thứ Hai 27/07 là 549 ca dương tính, nhưng trên toàn quốc. Thủ phủ của Victoria là Melbourne từ nhiều tuần qua vẫn bị phong tỏa. Hầu hết các trường hợp tử vong đều trên 70 tuổi.
Nhật Bản sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với 90.000 người ngoại quốc cư trú thường xuyên tại đây kể từ ngày 05/08, đó là nhân viên các hãng lớn, sinh viên, thực tập sinh bị kẹt bên ngoài nước Nhật. Tuy nhiên, quyết định này chỉ liên quan đến những người đã rời Nhật trước khi nước mà họ đến bị Nhật cấm nhập cảnh. Những người này phải trình giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 72 giờ trước chuyến bay. Riêng công dân Nhật ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều được về nước, nhưng phải tự cách ly 15 ngày.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?