Tin Việt Nam – 28/07/2020

Tin Việt Nam – 28/07/2020

Hành xử mới nhất của chính quyền trong vụ Đồng Tâm

Sự việc lực lượng chức năng hơn 3.000 quân tấn công vào thôn Hoành, Xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1 đến nay đã hơn nửa năm.
Trong cuộc tấn công này, cụ Lê Đình Kình, người được xem là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất đã bị bắn chết, 3 chiến sĩ công an thiệt mạng, 29 người dân đang bị bắt giam.
Tuy đã hơn 6 tháng trôi qua, nhưng đến nay gia đình cụ Lê Đình Kình vẫn chưa được cấp giấy chứng tử của cụ, dù vợ cụ là Bà Dư Thị Thành đã nhiều lần gặp lãnh đạo xã Đồng Tâm yêu cầu.
Trao đổi với RFA tối 27/7, chị Nguyễn Thị Duyên, cháu dâu cụ Lê Đình Kình và cụ Dư Thị Thành cho hay:
“Mấy ngày nay bà Dư Thị Thành lên Ủy ban xã Đồng Tâm để gặp Bí thư là ông Nguyễn Văn Sự, cả ông Chủ tịch và Phó Chủ tịch hỏi về vấn đề tại sao vẫn chưa làm giấy khai tử cho ông thì chỉ nhận được câu trả lời là bà bình tĩnh, chúng cháu đang gửi đơn lên cấp trên để đáp ứng nhu cầu này của bà. Bà bảo là cứ làm chứng tử bình thường, tại sao phải lên cấp trên làm gì thì được họ trả lời do lý do chết mà bà yêu cầu ghi vào giấy khai tử nhạy cảm nên chúng cháu không thể làm theo yêu cầu của bà. Lý do bà muốn ghi vào giấy khai tử của ông là ông chết vì bị giết hại tại phòng ngủ. Mọi người từ chối không làm cho bà. Mới đầu họ bảo là thay đổi lý do, nhưng kể cả thay đổi lý do thì họ cũng vẫn phải hỏi ý kiến cấp trên mới làm cho bà. Mới đầu họ không muốn bà ghi vào nguyên nhân ông bị giết hại nhưng cả gia đình đều không đồng ý lại đi về.”
Vẫn theo lời chị Duyên, gần đây cụ bà Dư Thị Thành nhiều lần nói chuyện với những cán bộ trên ủy ban xã Đồng Tâm nhưng kết quả vẫn không thay đổi được gì. Dù khi gặp bà Thành đã nói đến lo ngại chỉ sợ bà mất trước khi nhận được giấy chứng tử của ông Lê Đình Kình nhưng phía chính quyền chỉ động viên bà Thành bình tĩnh và đừng cố chấp.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương nhận định về việc này như sau:
“Gây thêm phẫn nộ cho dân bởi vì người ta đã chết rồi thì phải xác minh. Vì họ không thể xác minh được nên họ ngại, họ sợ, không lẽ họ nói bị công an vào nhà bắn chết lúc nửa đêm. Đây là vấn đề sự ngọng nghịu của chính quyền hiện nay, của nhà nước hiện nay. Vì thế rất nhiều mâu thuẫn trong hành động, bản thân sự kiện ấy đã phi nghĩa, phi đạo lý, phi pháp nên nó mâu thuẫn, không hiair quyết, né tránh. Càng như thế lại đẩy người dân đến chỗ bất bình, phẫn nộ, oán thán, phải lên án những hành động này.”
Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành luật, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đang nhận bào chữa cho một số người dân Đồng Tâm đang bị tạm giam sau sự kiện ngày 9/1/2020 cho biết:
“Việc cấp giấy chứng tử cho cụ Lê Đình Kình thuộc trách nhiệm Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm, theo quy định là vậy. Không có quy định đối với một số trường hợp nào đó sẽ không cấp. Tất cả mọi trường hợp đều phải cấp giấy chứng tử. Một lý do nôm na là không có trong luật. Bị giết hay chết do bị ngộ sát hay do tai nạn… thì trong trường hợp nào đi nữa cũng có quy định phải cấp giấy chứng tử. Ứng xử của Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm trong trường hợp này không đúng. Cụ Thành có thể làm đơn khiếu nại, trong trường hợp cần thiết có thể khởi kiện ra tòa hoặc khiếu nại cấp trên Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm.”
Luật sư Mạnh nói thêm nếu cụ bà Dư Thị Thành khởi kiện vụ án này, về lý thì sẽ thắng kiện, nhưng trong thực tế sẽ có thay đổi phụ thuộc nhiều yếu tố. Ông giải thích:
“Nếu chính quyền ở Hà Nội khách quan và vô tư, việc khiếu nại của cụ Thành một cách hiển nhiên đúng quy định của pháp luật thì phải giải quyết nhanh, ngay lập tức cho người ta. Nhưng trong những trường hợp giống như vụ này qua thì thấy thể thiện thái độ của Ủy ban Nhân dân xã cho thấy họ đưa ra khái niệm là một vụ việc nhạy cảm thì rất có thể mình khiếu nại đúng nhưng họ sẽ day dưa. Đương nhiên sẽ day dưa của họ là sai luật. Không quy định nào cho phép vì sự nhạy cảm mà không cấp khai tử cho người dân.”
Cuộc tấn công hôm 9/1 diễn ra khi tranh chấp đất đai giữa người dân đang trong giai đoạn căng thẳng. Phía Công an cho rằng Cụ Lê Đình Kình là chủ mưu chống đối việc xây dựng tại đất quốc phòng Sân bay Miếu Môn. Do đó lực lượng chức năng được huy động đến để tiêu diệt các phần tử phản động.
Trong khi đó, người trong cuộc thì nói họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh 59 héc ta đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp. Họ mong được cơ quan chức năng đối thoại giải quyết thấu tình, đạt lý trong vụ tranh chấp đất đai này.
Truyền thông trong nước vào ngày 6 tháng 7 dẫn nguồn từ ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cho vụ án ở Đồng Tâm khiến cụ Lê Đình Kình và 3 công an thiệt mạng được dự kiến đưa ra xét xử trong tháng 8 tới đây.
Chị Nguyễn Thị Duyên, thay mặt gia đình và cụ bà Dư Thị Thành bày tỏ hy vọng trong phiên tòa sắp tới:
“Mong muốn lớn nhất của gia đình hiện tại là tìm ra kẻ đã giết hại cụ (Kình) và giải oan cho tất cả người dân Đồng Tâm đang bị giam cầm. Tất cả mọi người bị oan ức mà phía điều tra độc lập không có, lại điều tra bởi chính những người tham gia tấn công Đồng Tâm như vậy không được minh bạch và khách quan. Những người đã tấn công vào phòng cụ để giết cụ một cách dã man như thế nhưng đến giờ phút này vẫn không ai đứng ra để giải oan cho cụ và tìm ra thủ phạm giết cụ.”
Còn theo ông Nguyễn Khắc Mai, phiên tòa sắp tới, phía chính quyền đang thực hiện một nước đi khá tốt khi tránh né việc nhắc đến chuyện cụ Lê Đình Kình bằng cách gọi đây là vụ án Đồng Tâm.
Tuy nhiên, ông cũng hy vọng rằng dư luận quốc tế sẽ quan tâm đến những sự kiện này để hỗ trợ nền dân chủ pháp quyền của đất nước Việt Nam hiện nay.
Trong cuộc tấn công ngày 9/1, phía lực lượng chức năng cũng có 3 chiến sĩ công an thiệt mạng gồm đại tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô), thượng úy Dương Hoàng Đức Quân (cán bộ Trung đoàn CSCĐ Thủ đô) và đại úy Phạm Công Huy (cán bộ Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ số 3 thành phố Hà Nội).
Ngay sau đó, cả 3 đều được nhà nước công nhận liệt sĩ, nhận bằng Tổ quốc ghi công, truy thăng quân hàm và được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất.
Mới đây nhất, Thượng tá Ngô Đăng Khoa – Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô vào sáng 25/7 đã cùng đoàn công tác đến thăm, tặng quà 3 gia đình liệt sĩ vừa nêu nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7/1947 – 27/7/2020.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sông Cầu, Phú Yên

bị cách chức

Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, vừa bị kỷ luật bằng hình thức cách chức vì đã vi phạm các quy định của Nhà nước theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 28/7 theo quyết định do ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, ký hôm 27/7.
Trước đó vào ngày 23/6, báo trong nước cũng đưa tin ông Lương Công Tuấn bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên kỷ luật bằng hình thức cách chức Thị ủy viên nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Tuấn bị xác định đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý; ký nhiều quyết định cho phép chuyển mục đích, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân không đúng quy định pháp luật về đất đai.
Vi phạm của ông Tuấn bị cho rằng gây hậu quả rất nghiêm trọng, tạo dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trong diễn biến liên quan, Bí thư Huyện ủy tỉnh Sóc Sơn Phạm Xuân Phương hôm 28/7 cho biết địa phương này đã kỷ luật 14 tổ chức đảng và 387 đảng viên trong giai đoạn 2015-2020.
So với giai đoạn 2010-2015, số tổ chức đảng bị kỷ luật tăng 9 tổ chức và số đảng viên bị kỷ luật tăng 255 người ở tỉnh Sóc Sơn.

Nguyên Phó Chủ tịch TP HCM Nguyễn Hữu Tín

& trưởng Ban Nội chính Thái Bình bị khai trừ đảng

Nguyên Phó Chủ tịch TP Hồ Chí Minh (TPHCM) Nguyễn Hữu Tín và cựu Trưởng Ban nội chính Thái Bình Nguyễn Văn Điều đã bị khai trừ Đảng.
Thông tin trên được truyền thông trong nước đăng tải vào ngày 28 tháng 7 theo quyết định thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm qui định của đảng và pháp luật Nhà nước mà Ban bí thư tại cuộc họp diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra.
Cùng nhận quyết định khai trừ đảng trong ngày 28/7 còn có ông Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM, người đang chấp hành án tù cùng với ông Nguyễn Hữu Tín về tội vi phạm qui định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Đối với ông Nguyễn Văn Điều, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Bình, đã vi phạm nghiêm trọng Quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương và vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia gây hậu quả rất nghiêm trọng, đã bị khởi tố hình sự. Do đó Ban bí thư cho rằng những vi phạm của các ông nêu trên là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức đảng đến mức phải thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi đảng.
Riêng ông Dương Đức Hoà, nguyên Tư lệnh Quân khu 2- Bộ Quốc phòng, bị thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và qui định pháp luật về quản lý, sử dụng đất quốc phòng.

Một cựu Chánh văn phòng tòa án huyện

ở Hòa Bình bị truy tố

Ông Nguyễn Quang Huy, nguyên Chánh văn phòng Tòa án Nhân dân huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh này ra cáo trạng truy tố với tội “Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về An ninh quốc gia”.
Truyền thông trong nước dẫn  cáo trạng cho biết  năm 1992, ông Huy đã cùng các ông Trương Phú Quyền, Đào Văn Tụ, Lương Xuân Học  gây ra 3 vụ trộm cắp tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Tài sản bị mất là 360 lít dầu thủy lực đặc chủng dùng trong nâng, hạ cánh cửa của Tổ máy số 3 và 4 trong Nhà máy. Lượng dầu thiếu hụt ảnh hưởng trực tiếp tới sự vận hành của Thủy điện Hòa Bình – công trình quan trọng về an ninh quốc gia.
Do ông Nguyễn Quang Huy trốn khỏi địa phương nên Cơ quan Cảnh sát đã đình chỉ điều tra và phát lệnh truy nã. Trong thời gian đó, ông Huy tìm cách thi đỗ công chức để vào làm việc trong ngành tòa án và được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong.
Cơ quan chức năng phát hiện ông là người trốn truy nã gần 30 năm trước do xác minh lý lịch người thân của ông Huy.
Ngoài ông Huy, một quan chức khác cũng vừa bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố, là cựu Tổng giám đốc Vinafood II, ông Huỳnh Thế Năng. Ông Năng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, từ cuối năm 2013 đến 30 tháng 5 năm 2015, Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh Trần Văn Tâm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình cùng hai người khác tham ô số tiền gần 5,2 tỷ đồng của Tổng công ty để hợp thức khoản tiền mua, bán 2 căn nhà ở TP. Trà Vinh chuyển thành tài sản cá nhân của mình. Ngoài ra, ông Tâm và đồng phạm còn có những hành vi khác gây thiệt hại cho công ty gần 128 tỷ đồng nữa.
Ông Huỳnh Thế Năng với trách nhiệm là Tổng giám đốc Vinafood II đã không làm hết trách nhiệm trong công tác kiểm tra giám sát về tài chính, kế toán, tình hình huy động và sử dụng vốn tại Công ty Lương thực Trà Vinh. Từ đó, dẫn đến việc để ông Trần Văn Tâm và đồng phạm lợi dụng thực hiện hành vi gây thiệt hại cho Tổng công ty số tiền gần 133 tỷ đồng.

COVID-19: Đà Nẵng cách ly toàn thành phố 2 tuần,

phát hiện thêm 7 ca nhiễm trong cộng đồng

Thành phố Đà Nẵng vào ngày 28 tháng 7 tiến hành biện pháp cách ly toàn thành phố trong vòng hai tuần lễ. Huyện Hòa Vang là nơi sau cùng ở thành phố lớn thứ ba của Việt Nam này thực hiện cách ly xã hội. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng yêu cầu ‘gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn, xã cách ly với xã, quận, huyện cách ly với quận, huyện’
AP dẫn nguồn từ chính phủ Việt Nam cho biết biện pháp vừa nêu được áp dụng sau khi phát hiện 15 trường hợp nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở địa phương.
Giao thông công cộng ra vào thành phố Đà Nẵng bị hủy. Các bãi biển tại đây, nơi mỗi ngày thường có chừng 50 ngàn người đến tắm hay dạo chơi, nay cũng phải đóng lại. Nhân viên an ninh tuần tra dọc các bãi biển để bảo đảm không có người tụ tập.
Theo ước tính của cơ quan chức năng thành phố, có chừng vài ngàn người đang bị kẹt lại tại Đà Nẵng, nên có yêu cầu những khách sạn cho họ lưu trú lúc này.
Cũng trong ngày 28 tháng 7, Reuters loan tin dẫn nguồn từ chính phủ Việt Nam cho biết tất cả các chuyến bay đến và đi từ thành phố Đà Nẵng phải ngưng lại. Dịch vụ vận tải xe buýt và tàu lửa đến và đi từ thành phố biển này cũng phải tạm dừng.
Reuters dẫn phát biểu của Phó tổng giám đốc Cục Hàng không Dân Dụng Việt Nam, ông Võ Huy Cường, rằng tất cả mọi chuyến bay nhằm sơ tán người ra khỏi thành phố Đà Nẵng nay đều bị hủy.
Mới vào ngày 27 tháng 7, chính phủ Việt Nam cho biết đã có yêu cầu Cục Hàng Không Dân Dụng gia tăng các chuyến bay nội địa giữa Đà Nẵng và 11 thành phố khác trên cả nước để đưa 80 ngàn người ra khỏi nơi đang bùng phát dịch COVID-19 này.
Ông Võ Huy Cường cho Reuters biết là vào ngày 27 tháng 7 có 90 chuyến bay đưa khách du lịch nội địa ra khỏi Đà Nẵng. Vào ngày chủ nhật trước đó nhiều người đã ra đi bằng xe hay tàu hỏa để đến các tỉnh lân cận.
Trong ngày 28 tháng 7, cơ quan chức năng y tế Việt Nam thông báo có thêm 7 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở Đà Nẵng và Quảng Nam, nâng tổng số lên 438 trường hợp nhiễm COVID-19 trên cả nước từ đầu mùa dịch đến nay. Tuy nhiên chưa có ca nào tử vong.
Theo cơ quan chức năng Việt Nam thì kể từ tháng tư, trong vòng 100 ngày không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng tại Việt Nam. Tuy nhiên sau khi phát hiện những ca mắc COVID-19 mới, quyền Bộ trưởng Y tế Việt Nam, cho rằng có thể đợt dịch thứ hai bắt đầu từ tháng bảy này.

Việt Nam: Đà Nẵng là “ổ dịch” Covid-19

NGUỒN HÌNH ẢNH,VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nói “Cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y tế cần “chia lửa” với Đà Nẵng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói cần tính đến cả “tình huống xấu nhất” trong lúc có thêm 7 ca dương tính tại Đà Nẵng và Quảng Nam.
Thông điệp được đưa ra trong bối cảnh có thêm 7 ca nhiễm Covid-19 mới tính từ 6h tới 18h ngày thứ Ba 28/07, nâng tổng số ca nhiễm lên 438 từ mức 431 vào hôm 27/07.
Như vậy, trong bốn ngày qua 25-28/07 (Riêng Đà Nẵng ghi nhận 18 ca nhiễm, Quảng Ngãi một ca, Quảng Nam 3 ca.
Các ca Quảng Ngãi và Quảng Nam đều có yếu tố dịch tễ liên quan Đà Nẵng.
Trong tổng số 22 ca nhiễm mới trong cộng đồng cho tới nay, ít nhất hai ca được mô tả là trong “tình trạng nặng” và phải thở máy.
Một số nhóm y bác sỹ tại Hà Nội và Tp HCM được điều tới Đà Nẵng để hỗ trợ cho “các ca có bệnh nền” và giảm tải cho gánh nặng y tế của thành phố này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nói “cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y tế cần “chia lửa” với Đà Nẵng, không phân biệt bệnh viện tuyến Trung ương với địa phương hoặc địa phương với địa phương” và “không để xảy ra trường hợp nào tử vong”.
Một số khu vực tại Thành phố Đà Nẵng thực hiện lệnh phong tỏa
“Chúng ta không bất ngờ trước tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng nhưng trong chống dịch bao giờ cũng phải lường đến tình huống xấu, tính đến cả tình huống xấu nhất.
“Đến thời điểm hiện nay, các tỉnh, thành phố như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế, đặc biệt Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều có nguy cơ có những người liên quan đến Đà Nẵng nhưng thành phố này hiện đang là ổ dịch.
“Do đó, cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y tế cần “chia lửa” với Đà Nẵng, không phân biệt bệnh viện tuyến Trung ương với địa phương hoặc địa phương với địa phương,” ông Đam nói.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin trước mắt sẽ tiến hành xét nghiệm khoảng 10.000 người là nhân viên y tế, bệnh nhân các bệnh viện được phát hiện có ca lây nhiễm, người dân ở khu vực nguy cơ và người nước ngoài.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói nhấn mạnh nhu cầu “đặc biệt lưu ý đến tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam”.
Ông Nhân được dẫn lời nói trong phiên họp ngày 28/7 rằng “đây là mối nguy cơ cao, từ đó yêu cầu mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động phát hiện và thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”.
“Xác định rõ nguy cơ, nguồn bệnh là từ đâu thì từ đó mới có các giải pháp hiệu quả,” ông Nhân nói thêm.
Tin cho hay trong ba ngày qua, có hơn 18.000 người dân từ Đà Nẵng về TP.HCM bằng đường hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Được biết TP.HCM đã đề nghị các quận và huyện chủ động rà soát, kiểm tra “đi từng ngõ gõ từng nhà” xác minh trong cộng đồng dân cư những người đến từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 hiện đang có mặt ở thành phố để áp dụng khai báo y tế.
Trong khi đó chính quyền Thành phố Hà Nội yêu cầu thực hiện rà soát “những trường hợp đi Đà Nẵng và trở về Hà Nội từ ngày 8/7/2020″.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung được dẫn lời xác định Hà Nội là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và do đó cần ngay lập tức thực hiện rà soát những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm từ “ổ dịch Đà Nẵng”.
“Kết quả rà soát ban đầu của các quận, huyện cho thấy khoảng 15.000 đến 20.000 người từ Đà Nẵng trở về thủ đô,” Chủ tịch Chung nói. “Mọi người tự giác chấp hành, vì chính quyền có đi rà soát cũng không thể hết,” ông Chung nói thêm.
Tin cho hay ngành y tế Quảng Nam đưa hơn 10 người đi cách ly và sẽ lấy mẫu xét nghiệm sau khi những người này đã bỏ trốn khi đang trong diện phải cách ly ở Bệnh viện Đà Nẵng.

Hàng trăm người tụ tập tại phi trường

khi các cuộc di tản từ Đà Nẵng bắt đầu

Tin từ HÀ NỘI, Việt Nam – Vào hôm thứ Hai (27/7), phi trường ở điểm nóng du lịch Đà Nẵng thuộc miền trung Việt Nam đầy kín người sau khi ba cư dân có kết quả dương tính với coronavirus và việc di tản 80,000 người được bắt đầu.
Việt Nam trở lại tình trạng báo động cao sau hôm thứ Bảy, khi nhà cầm quyền cộng sản xác nhận các trường hợp lây nhiễm cộng đồng đầu tiên kể từ tháng Tư, và ba trường hợp khác vào hôm Chủ nhật, tất cả đều ở trong hoặc xung quanh Đà Nẵng. Thêm 11 trường hợp liên quan đến một bệnh viện Đà Nẵng được báo cáo vào cuối hôm thứ Hai (27/7).
Nhà cầm quyền cho biết việc di tản hầu hết khách du lịch địa phương sẽ mất ít nhất bốn ngày, với các hãng hàng không nội địa vận hành khoảng 100 chuyến bay hàng ngày từ Đà Nẵng đến 11 thành phố của Việt Nam. Cộng sản Việt Nam cũng tái áp dụng các biện pháp cách ly xã hội ở Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Tiến Nam, một giáo viên tiếng Anh tại Saigon, cho biết ông lên chuyến bay cuối cùng rời khỏi Đà Nẵng vào tối hôm Chủ nhật (26/7). Cộng sản Việt Nam vẫn đóng cửa với khách du lịch ngoại quốc, nhưng chứng kiến một đợt gia tăng du khách trong nước muốn tận dụng các chuyến bay giảm giá và các gói du lịch mùa lễ đến các khu nghỉ mát địa phương. (BBT)

Covid 19: Việt Nam ngừng toàn bộ giao thông

đi và đến Đà Nẵng

Anh Vũ
Theo Reuters, sau khi phát hiện 14 trường hợp nhiễm virus corona trong vòng 3 ngày tại thành phố Đà Nẵng, chính quyền Việt Nam đã quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa hoàn toàn thành phố du lịch miền trung này.
Bắt đầu từ hôm nay, 28/07/2020, bộ Giao Thông thông báo ngừng toàn bộ các chuyến bay, các phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ đi và đến Đà nẵng trong vòng 15 ngày. Thành phố Đà nẵng và các vùng phụ cận từ hôm nay trở lại với các biện pháp giãn cách phòng dịch gần như đã áp dụng tại Việt Nam hồi tháng 3 vừa qua. Hiện tại ngành hàng không chỉ dành ưu tiên một số chuyến bay để giải tỏa du khách ra khỏi thành phố sau khi có lệnh giãn cách xã hội.
Ngoài ra các tỉnh thành khác của Việt Nam cũng đang được đặt trong tình trạng báo động, do Covid-19 có thể lan ra từ những khách từ Đà Nẵng trở về.
Thông tín viên RFI Frédéric Noir tại thành phố Hồ Chí Minh tường trình :
Quyết định giải tỏa số lượng lớn du khách được chính phủ ban hành khẩn cấp. Báo chí tại Việt Nam đăng các hình ảnh nhà ga sân bay Đà Nẵng chật kín người. Từ hôm thứ Bảy, các hãng hàng không trong nước đã thực hiện gần 100 chuyến bay mỗi ngày từ Đà Nẵng đến các thành phố trong nước.
Để bảo đảm đợt giải tỏa khách khỏi thành phố sẽ không góp phần làm lây lan thêm virus, chính quyền quyết định tất cả những người từ Đà Nẵng trở về sẽ phải được cách ly 14 ngày tại địa phương. Các biện pháp giãn cách xã hội cũng được áp dụng trở lại ở Đà Nẵng, nhiều người lo ngại các biện pháp sẽ còn được mở rộng ra các thành phố khác. Được biết một trong số người nhiễm vừa được phát hiện đã từng tới thành phố Hồ Chí Minh thăm người thân.
Dù chính quyền không chính thức khẳng định có liên quan giữa các ca dương tính mới với tình trạng nhập cảnh bất hợp pháp, nhưng các nghi ngờ vẫn lan truyền trong dân chúng. Cần phải nói là từ tháng 5, gần 1.500 người đã bị bắt vì đã nhập cảnh lậu qua biên giới.
Dù đa phần trong số này là những người Việt Nam từ Trung Quốc trở về nhưng muốn tránh bị cách ly bắt buộc, báo chí còn chỉ ra trong số nhập cảnh lậu còn có các lao động người Trung Quốc. Thủ tướng Việt Nam đã ra lệnh cho công an trấn áp mạnh nạn nhập cảnh trái phép.

Virus corona: Ý kiến nói

đưa người TQ nhập cảnh trái phép vào VN ‘là tội ác’

Bùi Thư
Liệu các trường hợp nhập cảnh trái phép có đâm thủng tuyến phòng dịch của Việt Nam?
Luật sư nhận định với việc đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh không chỉ là hành vi phạm tội mà còn là “tội ác”, có thể lãnh án phạt đến 15 năm tù.
Sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, tình hình dịch bệnh của Việt Nam đã diễn biến xấu trong vài ngày trở lại đây. Hơn 10 người đã bị phát hiện dương tính, chủ yếu tập trung tại TP Đà Nẵng, nơi trước đó lực lượng chức năng phát hiện nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và tránh cách ly.
Việc người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, với sự tiếp tay của một số người Việt Nam, đang làm dấy lên chỉ trích gay gắt trong dư luận trước nguy cơ nỗ lực “chống dịch như chống giặc” có thể đổ vỡ.
Hành vi ‘tội ác’
Nhiều người có ý kiến rằng việc đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thời điểm này không khác gì câu chuyện con ngựa thành Troy, đâm thủng tuyến phòng dịch và phá vỡ công sức của nhiều người căng mình chống Covid-19. Nhất là khi quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định chủng virus lây lan ở Đã Nẵng là chủng thứ 6 tại Việt Nam. Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận và chủng vius mới lần này xuất phát từ bên ngoài.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 27/7, luật sư Lê Trung Phát từ Hãng luật Lê Trung Phát (TP HCM) nhấn mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có các ca nhiễm trong cộng đồng ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi, hành vi đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào khu vực này không chỉ là phạm tội mà còn là “tội ác”.
“Có thể nói, tội phạm nào cũng đáng bị lên án bởi nó để lại hậu quả lớn cho xã hội, xâm phạm đến trật tự xã hội được pháp luật bảo hộ. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh đang khiến các nước trên thế giới gặp nhiều khó khăn, trong đó có Việt Nam, mà những người phạm tội lại thực hiện các hành vi nêu trên, thì đây có thể được coi là một tội ác.”
“Hậu quả nó để lại cho xã hội là vô cùng lớn, làm cả hệ thống chính trị phải tiếp tục vào cuộc để phòng chống, đảo lộn cuộc sống của mấy chục triệu dân, làm ảnh hưởng và suy thoái cả một nền kinh tế, tốn kém không biết bao nhiêu ngân sách của nhà nước. Nó cũng chẳng khác gì so với hành vi diệt chủng, bởi nó đã gieo rắc cái chết đến cho rất nhiều người, nếu họ không được chữa trị kịp thời.”
Lập tám đoàn kiểm tra phòng dịch trên các tuyến biên giới.
Cơn sóng chỉ trích đường dây đưa người nhập cư trái phép ở TP Đà Nẵng chưa dứt, sáng 28/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết thành phố lại phát hiện 8 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam nhập cảnh trái phép tại quận 12.
Đây là sự việc mới nhất liên quan đến vấn đề đưa người nhập cảnh trái phép diễn ra trong bối cảnh Việt Nam có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng trở lại sau hơn 100 ngày yên bình. Trước đó, hàng loạt vụ nhập cảnh trái phép đã được phát hiện tại Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang và một số nơi khác.
Tình trạng nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép dấy lên lo ngại về dịch Covid-19 sẽ lây lan mạnh trở lại trong cộng đồng, khiến nhiều người phẫn nộ, nhất là khi chủng virus xuất hiện ở Đà Nẵng được xác định là chủng thứ 6 tại Việt Nam, có nguồn gốc từ bên ngoài.
Dat Dang, một nhà báo tại TP HCM, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “Bộ Y tế xác định có bệnh nhân nCov chủng mới từ bên ngoài vào. Nói thật, không dân nào hại nhau giỏi bằng dân Việt đâu. Chỉ sau 1 đợt kiểm tra nhẹ, Đà Nẵng gần trăm ông Tàu nhập lậu. Các xứ Quảng chung quanh cũng từa lưa. Chán hẳn. Giờ các địa phương khác sẽ oằn mình chống dịch vì Mỵ Châu.”
Nhiều người bức xúc về các trường hợp nhập cảnh trái phép trong bối cảnh dịch bệnh.
Trên trang cá nhân của mình, luật sư Nguyễn Kiều Hưng nêu ý kiến: “Đề nghị 1: Những ai đã tiếp xúc với người TQ trong 15 ngày qua hoặc hơn, nên tự cách ly. Đề nghị 2: Cứ thấy người TQ báo ngay cho công an và tránh xa họ. Vì một đất nước không TQ, không Covid. Tính gửi 2 đề nghị này để góp ý cho ngài Thủ tướng. Bà con thấy được không?”
Đồng thời, ông Hưng cũng cho rằng: “Cũng vì hám tiền đưa người TQ nhập cảnh trái phép cả, đưa cả xe ô tô vào mà không ai biết, cần truy cứu cả trách nhiệm của lực lượng chức năng…”.
Hôm 25/7, trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng nếu căn cứ vào 3 vụ việc mà Công an Đà Nẵng, Công an Quảng Nam phát hiện, xử lý thì thấy tình hình quản lý nhập cảnh còn lỏng lẻo. Ông nói thêm, nguồn lây nhiễm đối với bệnh nhân dương tính Covid-19 ở Đà Nẵng tuy chưa xác định được nhưng khoảng trống về quản lý người nhập cảnh trái phép là điều cần nhìn nhận nghiêm túc và xử lý dứt điểm.
Phạt tù lên đến 15 năm
Trả lời BBC, luật sư Lê Trung Phát cho biết những người tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể bị khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 348 BLHS 2015 sửa đổi năm 2017 với “Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.
Theo đó, tùy vào tính chất mức độ như: phạm tội từ 2 lần trở lên, đối với từ 5 người trở lên hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì có thể bị đối mặt với khung hình phạt tù từ 5 năm đến 15 năm tù.
Bên cạnh đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Luật sư Phát phân tích rằng, những người phạm tội này có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 52 BLHS 2015 với các tình tiết như phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và đặc biệt là lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội.
“Như vậy, khi áp dụng khung hình phạt trong giới hạn của Điều 348, thì họ sẽ bị áp dụng gần như là ở mức cao nhất của khung hình phạt mà họ bị truy tố, tức 15 năm tù”, luật sư nêu.
Luật sư Phát cũng nêu quan điểm rằng: “Trong hoàn cảnh này, chúng ta cần triển khai nhanh công tác xét xử người phạm tội, để sớm tiến hành trục xuất những người này ra khỏi Việt Nam, tránh phải tiêu tốn thêm ngân sách để điều trị cho họ, tránh làm ảnh hưởng chung đến lợi ích của quốc gia. Đối với các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, khi phát hiện hành vi vi phạm về nhập cảnh, có nguy cơ gây lây dịch bệnh, cần áp dụng biện pháp cấm nhập cảnh và nhanh chóng cho họ quay trở lại quốc gia, lãnh thổ mà họ đã đến.”

Việt Nam liên tục phát hiện người Trung Quốc

nhập cảnh trái phép, công an mở chiến dịch

truy quét các nhóm đưa lậu người

Giới chức các tỉnh thành ở Việt Nam tiếp tục phát hiện các trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào khi đợt dịch COVID-19 đang bùng phát tại Việt Nam. Thực trạng này khiến Bộ Công an phải mở cao điểm tấn công tội phạm đưa người vượt biên trái phép.
Truyền thông trong nước hôm 28/7 trích thông tin từ giới chứ thành phố Nha Trang cho biết trong các ngày 27 và 28/7, thành phố đã phát hiện 13 người Trung Quốc cư trú bất hợp pháp ở thành phố. Cả 13 người này đều đã được đưa đi xét nghiệm COVID-19 nhưng chưa phát hiện trường hợp nào dương tính.
Cũng trong ngày 28/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết đã phát hiện 8 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam nhập cảnh trái phép tại quận 12. Tất cả những người này đều đã được đưa đi cách ly phòng lây nhiễm COVID-19.
Trước nguy cơ người Trung Quốc và Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép qua đường biên giới ồ ạt khi dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại, Bộ Công an hôm 28/7 đã có công điện về việc tăng cường thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, ngăn chặn việc đưa người Việt Nam xuất cảnh và người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trái phép.
Theo truyền thông trong nước, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần qua, lực lượng biên phòng Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, đã phát hiện 41 đối tượng vượt biên trái phép, 4 người dẫn đường cho người vượt biên trái phép để trốn cách ly.
Công an Lào Cai mới đây hôm 28/7 cho biết đã khởi tố và bắt tạm giam 3 đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép.

Trao trả 5 người Trung Quốc

nhập cảnh trái phép ở Quảng Ninh

Hiểu Minh
Báo Zing ghi nhận Cơ quan chức năng trao trả nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam hôm nay 28/7.
Ngày 28/7, 5 người quốc tịch Trung Quốc đã được trao trả sau 14 ngày cách ly và theo dõi không phát hiện trường hợp nào nhiễm Covid-19.
5 công dân Trung Quốc gồm: Li Qiang (nam, SN 1989), Liu Ze (nam, SN 1999), Zhang Man (nữ, SN 1997), Wu Qi Long (nam, SN 2000), Luo Ren Gua (nam, SN 1998), theo Baoquangninh.
Theo Zing đưa tin hôm nay (28/7), Đồn biên phòng Bắc Sơn phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái trao trả 5 công dân quốc tịch Trung Quốc cho Trạm Kiểm tra Biên phòng xuất nhập cảnh Đông Hưng (Trung Quốc).
Trước đó ngày 13/7, khi cả nhóm đang tìm cách đi sâu vào nội địa Việt Nam thì bị các chiến sĩ biên phòng phát hiện và bắt giữ đưa về khu cách ly theo dõi y tế bắt buộc tại Tổ công tác số 4 Centreway, khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, TP. Móng Cái.
Qua theo dõi 14 ngày và không phát hiện số người trên nhiễm Covid-19, nên đã trao trả.

Ai chịu trách nhiệm việc người Trung Quốc

nhập cảnh lậu vào Việt Nam?

Diễm Thi, RFA
Nhiều đường nhập cảnh
Hàng chục trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam lưu trú tại Đà Nẵng bị phát hiện trong tháng 7 năm 2020. Thủ tướng Việt Nam chất vấn các cơ quan chức năng trong buổi họp trực tuyến sáng 25 tháng 7 rằng, những người Trung Quốc này nhập cảnh trái phép bằng đường nào, trách nhiệm thuộc về ai?
Theo tin tức từ truyền thông nhà nước Việt Nam, người Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam bằng cả đường hàng không lẫn đường bộ. Hôm 24 tháng 7, an ninh sân bay Nội Bài, Hà Nội phát hiện hai hành khách Trung Quốc mang giấy tờ giả có tên Việt Nam định lên máy bay đi TP Hồ Chí Minh.
Còn tại Quảng Nam, chiều 18 tháng 7, công an cũng phát hiện 21 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào đang lưu trú tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn. Những người này khai báo không có hộ chiếu, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để đi du lịch và tìm việc làm.
Riêng ở Đà Nẵng, hôm 11 tháng 7, công an kiểm tra hành chính một ngôi nhà và phát hiện bốn người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Đến ngày 16 tháng 7, công an Đà Nẵng kiểm tra khách sạn East Sea phát hiện thêm 27 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.
Vào rạng sáng ngày 27 tháng 7, Việt Nam đã phát hiện 5 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép Việt Nam. Những người này được cho biết đã vượt biên bằng thuyền sang Lào Cai và đang trên đường đi từ Lào Cai xuống Hà Nội để bay vào TP. Hồ Chí Minh thì bị bắt giữ.
GS-TS Nguyễn Thế Hùng từ Đà Nẵng nhận định việc kiểm soát không dễ dàng vì nhiều lý do:
Người ta đi bằng xe máy, người ta đi bằng xe con, xe tải, xe khách cho nên rất khó quản lý. Đường hàng không thì họ phải có passport, có sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Còn đường bộ là vô cùng phức tạp. Từ Tây nguyên xuống, từ ngoài Bắc vô, từ trong Nam ra… – GS-TS Nguyễn Thế Hùng
“Thành phố Đà Nẵng là một trung tâm về khoa học, kỹ thuật, về giao lưu quốc tế. Nó quan trọng về nhiều mặt nên nếu người ta vào được thì rõ ràng là có “sơ hở”. Mình sơ hở thì họ mới vào được. Sơ hở này có thể là vô tình hoặc là cố ý.
Đường bộ, đường hàng không, đường hàng hải nó liên kết với nhau. Đặc biệt là đường bộ nó phức tạp vô cùng. Người ta đi bằng xe máy, người ta đi bằng xe con, xe tải, xe khách cho nên rất khó quản lý.
Đường hàng không thì họ phải có passport, có sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Còn đường bộ là vô cùng phức tạp. Từ Tây nguyên xuống, từ ngoài Bắc vô, từ trong Nam ra…”
Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới chung trên đất liền dài 1.350 km đi qua bảy tỉnh, bao gồm Điện Biên; Lai Châu; Lào Cai; Hà Giang; Cao Bằng; Lạng Sơn; Quảng Ninh. Ngoài những cửa khẩu chính như Cửa khẩu Hữu Nghị, Cửa khẩu Đồng Đăng, Cửa khẩu Móng Cái… giữa hai nước còn rất nhiều cửa khẩu phụ và đường mòn, lối mở nên việc qua lại không dễ kiểm soát.
Theo Bộ đội biên phòng Quảng Ninh, hơn hai tháng qua, đơn vị này đã phát hiện, bắt giữ hơn 300 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới của chính phủ Việt Nam nói về đường mòn lối mở:
“Về mặt lý thuyết thì cửa khẩu chính là nơi khách quốc tế có thể qua lại, còn cửa khẩu phụ là nơi cho dân cư các huyện, các xã vùng biên giới qua lại. Đường mòn lối mở để có sự giao thương. Hiện nay hai nước đều có sự căng thẳng vì dịch nên mở cửa khẩu chính hay phụ thì việc kiểm duyệt cũng rất chặt chẽ.”
Để tăng cường hợp tác, hữu nghị hai nước, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biên giới, giới chức Việt Nam cho phép xe tự lái Trung Quốc được phép đi lại giữa hai bên biên giới ở một số tỉnh.
Bắt đầu từ ngày 6 tháng 9 năm 2018, khách du lịch Trung Quốc từ Quảng Tây có thể lái xe đến tham quan khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Ngược lại, khách du lịch Việt Nam cũng có thể lái xe đến tham quan thành phố Sùng Tả, thành phố Nam Ninh, của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Ngoài Lạng Sơn, từ tháng 3 năm 2018, xe Trung Quốc theo tour du lịch cũng được phép vào thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Xe không theo tour du lịch thì được vào thành phố Hạ Long từ tháng 1 năm 2017.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Với tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh lậu bị phát hiện ngày càng nhiều và Thủ tướng Việt Nam – ông Nguyễn Xuân Phúc – đặt câu hỏi về trách nhiệm, Trung tá Quân đội Đinh Đức Long cho rằng chính ông Nguyễn Xuân Phúc phải chịu một phần trách nhiệm liên quan đến thể chế. Ông Long giải thích:
“Thể chế ở đây là giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệp định cho phép người Trung Quốc nhập cảnh vào một số điểm ở Việt Nam không cần visa, chẳng hạn như Quảng Ninh, vùng biên giới được đi về trong ngày hoặc được một thời hạn nhất định nào đó. Họ được lái xe vào đến Lạng Sơn. Nếu họ đi tiếp ai cản được? Đó là kẽ hở về mặt thể chế. Có nghĩa ông Phúc chịu một phần trách nhiệm, không phải hoàn toàn.
Còn vấn đề con người. Khi người Trung Quốc đi qua đường mòn lối mở, đường tắt thì có người Việt Nam ăn tiền dắt họ qua. Thậm chí họ mua chuộc những người làm nhiệm vụ ở đó. Rõ ràng khâu kiểm soát an ninh cửa khẩu biên giới rất lỏng lẻo. Những người đấu tranh ôn hòa thì có khi có cả tiểu đội công an gác cửa, đi đâu cũng có ba bốn người đi theo trong khi giặc nó mang bệnh vào, mang rối loạn an ninh trật tự vào thì chả canh được.”
Rõ ràng khâu kiểm soát an ninh cửa khẩu biên giới rất lỏng lẻo. Những người đấu tranh ôn hòa thì có khi có cả tiểu đội công an gác cửa, đi đâu cũng có ba bốn người đi theo, trong khi giặc nó mang bệnh vào, mang rối loạn an ninh trật tự vào thì chả canh được. – Trung tá Quân đội Đinh Đức Long
Chiều 26 tháng 7, Công an Đà Nẵng đã cùng Công an Quảng Nam bắt một người Trung Quốc được cho là cầm đầu đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng, Quảng Nam. Sang ngày 27 tháng 7 tin nói Công an tỉnh Quảng Nam vừa khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự 2 người liên quan đến vụ 21 người Trung Quốc bị phát hiện nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Tuy vậy nhiều người lo ngại rồi đây Việt Nam sẽ đưa người này về lại Trung Quốc như nhiều trường hợp trước đây. Mọi chuyện sẽ ‘chìm xuồng’ và vấn nạn người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ không giải quyết được. Việt Nam vì thế vẫn là điểm đến của tội phạm Trung Quốc.
Có thể nêu vài ví dụ, tháng 9 năm 2019, một đường dây sản xuất ma túy với số lượng rất lớn do nhóm người Trung Quốc điều hành tại tỉnh Bình Định đã bị cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra và phát hiện. Người cầm đầu tên Cai Zili từng bị Trung Quốc phạt tù vì hành vi tương tự. Sau khi được ân xá, Cai Zili đã chọn đến Việt Nam.
Trước đó, gần 400 nghi phạm người Trung Quốc phạm tội điều hành và đánh bạc trong đường dây đánh bạc tại khu đô thị Our City, Hải Phòng được dẫn độ về Trung Quốc.
Ông Đinh Đức Long nêu nhận định của ông:
“Về quan hệ quốc tế thì giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệp định dẫn độ. Nếu việc này do Trung Quốc chủ trương thì Trung Quốc sẽ yêu cầu dẫn độ về nước xử. Việt Nam có dám xử không hay là đớn hèn phải dẫn độ về Trung Quốc?
Mặc dù nói về lý thuyết, khi anh phạm tội trên đất nước Việt Nam thì thẩm quyền xét xử thuộc về nước CHXHCNVN. Chỉ cho dẫn độ về nếu họ phạm tội ở Trung Quốc rồi trốn sang Việt Nam. Về lý thuyết, về thông lệ quốc tế là như vậy!”
Rất nhiều trường hợp người Trung Quốc vi phạm pháp luật tại Việt Nam được dẫn độ cả tội phạm và tang vật về Trung Quốc, mặc dù Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết Luật dẫn độ.

Hà Nội lại ô nhiễm không khí

nhất thế giới sáng 28/7

Hà Nội đứng đầu danh sách ô nhiễm không khí nhất thế giới vào lúc 7h47 sáng ngày 28/7. Trạm quan trắc Air Visual thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội ở mức 173.
Báo trong nước loan tin cùng ngày, dẫn nguồn từ Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho hay có 3 yếu tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí bao gồm phát thải cục bộ như hoạt động sản xuất, giao thông, xây dựng và các hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rác…; điều kiện khí tượng như tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm… và các chất ô nhiễm được vận chuyển từ vùng lân cận.
Tính đến 6h30 sáng 28/7/2020, hơn 80 điểm đo chất lượng không khí của hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air đều ở ngưỡng nguy hại đỏ và tím.
Trong đó, AQI ở Chi cục Bảo vệ Môi trường dao động trong khoảng 201- 211 (màu tím) từ 8:00 – 10:00h.
Tại điểm Kim Bài chỉ số chất lượng không khí dao động trong khoảng 229 – 288 (màu tím) từ 4:00 – 07:00h.
Đặc biệt, điểm đo tại Ô Chợ Dừa có chỉ số AQI lên đến 318.
Bên cạnh đó, các hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của Hà Nội.
Tuy nhiên, theo kết quả cho thấy thì nồng độ bụi có xu hướng giảm vào buổi trưa, khi đã có nắng, nền nhiệt độ tăng, không có trạm nào AQI chạm ngưỡng rất xấu màu tím.
Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội khuyến cáo người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin về chất lượng không khí nơi mình đang sinh sống thông qua các trang công bố AQI để có các biện pháp phòng tránh phù hợp.
Nếu AQI hiển thị ở màu đỏ và màu tím, người dân nên hạn chế thời gian ở ngoài, đặc biệt đối với nhóm người nhạy cảm. Nếu bắt buộc phải ra ngoài cần trang bị khẩu trang đạt chuẩn có thể chống bụi PM2.5.

Báo cáo chính trị đầy khẩu hiệu

không biết đâu mà lần!

“Báo cáo chán lắm, cứ ‘nâng cao, đẩy mạnh, tăng cường’, chả biết thế nào mà lần. Không đưa số liệu cụ thể vào thì không thấy rõ được thành quả. Báo cáo chính trị không chỉ để bên trên, mà mọi cán bộ, đảng viên, người dân thành phố đọc”
Đó là chia sẻ của ông Vương Đình Huệ, bí thư Thành ủy Hà Nội, tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tổ chức hôm 24 tháng 7 năm 2020.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 27 tháng 7 năm 2020, nói:
“Tôi rất đồng tình và nhận thấy nhận xét của Bí thư Thành ủy Hà Nội rất chính xác. Vấn đề này cũng đã nhiều lần được góp ý. Từ trước đến nay, thường các báo cáo chính trị hay báo cáo nói chung, thường lấy những từ như ‘đẩy mạnh’… mang tính chất hô hào, ‘cương quyết’ chống cái này cái kia, hoặc ‘ra sức’ phấn đấu… Toàn là những từ mang tính chất như hô khẩu hiệu, cho nên nó không đọng lại cho người nghe những suy nghĩ, động não để tìm giải pháp, để đưa nghị quyết hay nội dung báo cáo đó vào cuộc sống.”
Tôi không nghĩ ông Huệ có một ý tưởng gì mới, hoặc có một bước đột phá gì đấy trong đảng bộ của thành phố Hà Nội của ông ấy, chứ chưa nói đến sự thay đổi trong toàn bộ đảng cộng sản Việt Nam.
-TS. Nguyễn Quang A
Tuy nhiên, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 27 tháng 7 năm 2020, liên quan chia sẻ của ông Huệ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, cho rằng đây là một cảnh báo:
“Thật sự là ông Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói là trong báo cáo chính trị của cái đảng bộ của ông ấy, tức là Hà Nội, cho Đại hội tới nếu mà không có các chỉ tiêu cụ thể, bằng số hoặc định lượng phải đạt được, các mục tiêu gì trong khoảng thời gian nhất định… mà toàn những câu sáo rỗng như thế, thì nó không có ý nghĩa. Thực sự đấy là một cảnh báo, hay chỉ trích, để người soạn thảo báo cáo chính trị phải cụ thể hơn.”
Bí thư Thành ủy Hà Nội đưa ra tuyên bố vừa nêu cũng có thể là một cảnh báo như lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A, vì theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tổ chức Đại hội Đảng bộ thành phố vào cuối tháng 10 tới. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ báo cáo Bộ Chính trị về công tác tổ chức đại hội, bao gồm phương án nhân sự trong tháng 9 và các văn kiện. Và thông thường tại Việt Nam, cứ sắp tới Đại hội thì lại có rất nhiều kiểu tuyên truyền.
Tuy nhiên, tuyên truyền muốn vào lòng dân thì đầu tiên phải là thật, người dân phải thấy làm thật và có tác dụng thật. Còn hiện nay nếu nhìn theo khía cạnh này thì có quá nhiều hạn chế, ngay cả trong hàng ngũ đảng viên, nhiều người còn cho rằng ‘nói một đằng làm một nẻo’. Nhìn vô những vụ án chấn động gầu đây, thì cũng đủ biết người ta ‘nói một đằng làm một nẻo’ như thế nào…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ lâu năm, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 27 tháng 7 năm 2020:
“Ổng Huệ phản ứng như vậy là tốt, nhưng vấn đề không phải ngôn ngữ, mà sau cái chuyện phản ứng như thế, thì ta cần những cách ăn nói cụ thể hơn, để người dân tin tưởng hơn… biết rằng có thể thay đổi như thế nào, có thể định lượng được… Thì cái đó ông Huệ không làm được, thấy như ông Huệ thì ai cũng thấy, người dân cũng đã mỉa mai chuyện đấy rồi. Nhưng vấn đề là thay đổi ra làm sao? Tôi không thấy ông Huệ có gì khác với những người trước.”
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, ông không tin là sẽ có thay đổi nhiều sau chia sẻ của ông Huệ, phản ứng đó của ông Huệ theo ông cũng là dễ hiểu. Ông bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên thấy phản ứng như thế ở cấp cao như ông Vương Đình Huệ, nhưng thay đổi theo tuyên bố của ông Huệ là cực khó. Muốn thay đổi, cần tuyên bố như vậy ở một cấp cao hơn ông Vương Đình Huệ.
Việc tuyên truyền để lấy lòng tin của người dân chỉ được củng cố khi người dân thấy việc làm thực sự như thế nào… Còn biện pháp tuyên truyền, cũng có thể có hiệu quả vào lúc nào đó, nhưng mãi người dân thấy sự tuyên truyền ấy không phù hợp với thực tế, thì càng ngày lòng tin của người dân vào sự tuyên truyền ấy càng ít đi.
Thấy thì thấy có một chút tiến bộ, nhưng hy vọng thì không có. Tại vì cách viết những bản báo cáo với những lời sáo rỗng, với những câu ba hoa như thế thì nó đã nhiều năm lắm rồi, và đã bị những nhà phản biện vạch ra nhiều lắm rồi.
-GS. Nguyễn Đình Cống
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 27 tháng 7 năm 2020, liên quan chia sẻ của ông Vương Đình Huệ, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng nhận định:
“Thấy thì thấy có một chút tiến bộ, nhưng hy vọng thì không có. Tại vì cách viết những bản báo cáo với những lời sáo rỗng, với những câu ba hoa như thế thì nó đã nhiều năm lắm rồi, và đã bị những nhà phản biện vạch ra nhiều lắm rồi. Riêng theo tôi phân tích, những bản báo cáo như vậy chứa đựng nhiều điều rơm rác quá… đọc lên từng câu từng chữ nghe hay… nhưng đọc cả đoạn thì thấy vô nghĩa, và đọc cả báo cáo thì thấy dài dòng, luộm thuộm. Việc đó nó rõ ràng, bất kỳ ai có trình độ, có suy nghĩ đều thấy, nhưng các ông Bộ chính trị không thấy, hoặc thấy mà không dám nói.
Bây giờ ông Vương Đình Huệ chỉ ra điều đấy thì chứng tỏ ông có trí tuệ chứ không kém cỏi lắm, và có mạnh dạng nói ra. Nhưng nói ra như thế rồi cũng chẳng có tích sự gì cả, tại vì có cả một ban văn kiện, mà ban đấy do ông Nguyễn Phú Trọng cầm đầu. Ông Huệ nói như thế, thì đúng ra trong họp chính trị ổng phải có ý kiến trước, chứ văn kiện đã viết ra, và ông Huệ nói như thế thì chỉ chứng tỏ, ông Huệ có chút trình độ và dũng cảm nói ra. Chứ không hy vọng có thể thay đổi các văn kiện…”
Với mong muốn, về khía cạnh ngôn từ qua chia sẻ của ông Vương Đình Huệ, có thể là sự tiến bộ nào đó? Thì Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, ông không nghĩ ông Huệ có một ý tưởng gì mới, hoặc có một bước đột phá gì đấy trong đảng bộ của thành phố Hà Nội của ông ấy, chứ chưa nói đến sự thay đổi trong toàn bộ đảng cộng sản Việt Nam, mà ông ấy cũng là một ủy viên Bộ chính trị.

CSVN thu hồi hơn 1.5 tỷ Mỹ kim

 từ tham nhũng trong 6 tháng đầu năm

Tin từ Hà Nội: Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin trong 6 tháng đầu năm nay, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thu hồi hơn 37,000 tỷ đồng (1.57 tỷ Mỹ kim) từ các vụ án tham nhũng.
Dẫn nguồn tin từ truyền thông nhà nước, RFA nói rằng cũng trong thời gian trên, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã thi hành kỷ luật đối với 186 đảng viên do tham nhũng hoặc cố ý làm trái quy định của chế độ. Nhiều viên chức cấp cao đương chức hoặc đã nghỉ hưu bị truy tố, bắt giam vì những sai phạm trong cai quản tài sản của nhà nước.
Trong buổi họp ngày 25/7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tổng bí thư đảng cộng sản kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu giải quyết dứt điểm 9 vụ trọng án kinh tế trong năm nay.
Trong số đó có vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát (Sabeco), vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng ở Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ,
Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên… Nhiều viên chức cao cấp của chế độ liên quan đến các vụ án trên, trong đó có uỷ viên bộ chính trị Hoàng Trung Hải, người từng làm bí thứ thành uỷ Hà Nội. Ông Hải chỉ bị cảnh cáo nhưng không bị điều tra để chịu trách nhiệm hình sự.
Quốc Tuấn

Hàng chục trận động đất

ghi nhận tại Mộc Châu tỉnh Sơn La

Hàng chục trận động đất được ghi nhận trong hai ngày qua tại Mộc Châu, tỉnh Sơn La khiến hàng ngàn hộ dân sinh sống tại khu vực này hoang mang. Đây là chuyện chưa từng xảy ra từ trước đến nay tại địa phương này.
Truyền thông quốc nội hôm 28/7 cho biết, tại Mộc Châu tính đến trưa ngày 27/7 đã hứng chịu tổng cộng 9 lần động đất và đến ngày 28/7 đã có thêm 4 trận động đất với cường độ từ 2.7 đến 4 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng từ 8 đến gần 15 cây số.
Hiện chưa ghi nhận có thêm thiệt hại do 4 trận động đất này gây ra. Tuy nhiên, việc động đất xảy ra liên tiếp, khiến nhiều người dân ở đây cảm thấy bất an và thậm chí không dám ngủ.
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, khu vực Sơn La nằm trên đứt gãy sông Đà, nên nhiều khả năng xuất hiện động đất liên tiếp. Với trận động đất có độ lớn 5.3 như trận động đất trưa ngày 27/7 có thể kéo theo dư chấn nhiều trận động đất khác, các dư chấn này thậm chí có thể kéo dài hàng tháng nhưng với cường độ nhỏ và người dân không cảm nhận được.
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu khuyến cáo người dân huyện Mộc Châu gia cố nhà cửa, tránh xa các công trình yếu, vùng núi có đá lăn. Đồng thời, Viện vật lý địa cầu đã cử đoàn chuyên gia đi nghiên cứu và khảo sát tình hình động đất trong thời gian tới.
Hiện chính quyền các xã, thị trấn đang cho người đi thống kê thiệt hại.

Việt Nam ký thỏa thuận

vay vốn Nhật Bản để đóng 6 tàu tuần tra

Việt Nam hôm 28/7 ký một hiệp định vốn vay ODA với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản- gọi tắt là JICA, trị giá 348 triệu USD để đóng 6 tầu tuần tra trên biển, truyền thông nhà nước cho biết, trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trong Biển Đông, theo Reuters.
Các tàu tuần duyên này, dự kiến giao cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vào tháng 10/2025, sẽ tăng cường khả năng hàng hải của Việt Nam, hãng tin Reuters trích dẫn Báo Nhân Dân cho biết.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam và các nước Á châu khác đã đối đầu với Trung Quốc trong các vụ tranh chấp hàng hải trên các vùng biển giàu tài nguyên ở Biển Đông.
Các tàu này được dùng để “tăng cường năng lực chấp pháp và cứu hộ hàng hải nhanh chóng, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải và tự do hàng hải tại Việt Nam”, theo tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuần trước, Úc hậu thuẫn Hoa Kỳ khi tuyên bố các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông “không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Theo bản tin hôm thứ Ba của Báo Nhân dân, đây là khoản vay “có lãi suất ưu đãi trong thời gian 40 năm – vay ân hạn 10 năm.
Reuters cho biết nhà thầu chính đóng 6 tàu tuần duyên là một nhà thầu Nhật Bản, và thời gian dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 10/2025 khi tàu tuần tra thứ 6 được bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Người Bắc nhiều lý luận,

hotel không biết đề giá 1 giờ 60 k

Tống Kim Liên
Hôm qua tôi đọc được một bình luận trên mạng face book thế này:
“Người Sài Gòn tư duy cụ thể hơn người Hà Nội.
Hotel hay Nhà nghỉ ở Hà Nội chả biết đề giá 1h 60k, 2h 80k, qua đêm 180, 200, 250 k, tùy loại phòng. Người Hà Nội nhiều lý luận mà!”
Nhận xét này theo tôi là rất khách quan, vì chí ít người nhìn thấy điều đó cũng là một người Bắc rất có lý luận: Phó giáo sư. Tiến sĩ GS.TS Mạc Văn Trang, 82 tuổi, từng có 30 năm công tác ở Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
Những người Bắc ít lý luận
Hôm trước, tôi đi tìm mua trái cây, ăn cho mát ruột những ngày ở khách sạn. Thường các cô gánh quang gánh hay đẩy xe đạp chở trái cây trên cái nong ràng xe đi qua rất thường xuyên trước khách sạn khu phố cổ. Nhưng hôm đó chờ hoài không thấy ai, tôi bèn thả bộ ra chợ Đồng Xuân cho được việc.
Không biết sao không có cảnh sát mà mấy bà mấy chị bán hàng rong đi rảo bước nhanh quá. Họ cũng không rao. Tôi thấy mấy gánh đào, lê đi qua ngã tư mà đi theo không kịp.
Chợ Đồng Xuân giữa mùa COVID không có mống khách tây nào, các bà bán hàng ngồi cách xa nhau trông không được tươi lắm. Tôi muốn mua đào. Bà bán đào kêu 60.000 đ/ký nhưng bán cho tôi 55.000 thôi. Tôi trả 30.000 đ.
-Ba mươi nghìn thì đưa đây tôi mua cho vài tấn nhá. Đào to ngon thế này chả đi đâu có ba mươi nghìn cả-bà bán hàng nói đặc giọng Thanh Hóa.
Tôi làm gì biết giá. Trả đại vậy thôi. Mà tôi không định mua đến vài tấn nên chào bà, đi qua hàng khác.
Cách đó chừng mười mét, một gánh đào khác to ngon không kém. Cũng kêu giá 60.000 đ. Rút kinh nghiệm gánh đào trước tôi đi thẳng mà bà không gọi lại, tôi trả 35.000 đ, rồi 40.000 đ. Cuối cùng tôi mua với giá 50.000 đ.
Đào mỏ quạ tươi, cắn vào phần thịt bên trong càng vào sâu càng rướm hồng, ngon cả mắt lẫn miệng. Nếu là người Nam, chắc chắn bà bán đào đầu tiên đã níu tôi lại nài trả giá thêm vài tiếng nữa “Cô ơi giá đó dưới vốn luôn á tui bán không có lời, hổng mua hổng sao nhưng mới mở hàng cô trả thêm mấy tiếng đi cô”. Hay bà bán đào thứ hai khi cân lên đúng một ký rưỡi thế nào cũng nói “Bỏ thêm hai trái tròn hai ký luôn nhe cô”, hoặc bỏ thêm cho tôi một trái nhỏ và nói “ Làm quen mai ra mua nữa cho chị nghen em”. Chắc chắn tôi đã trả thêm mấy tiếng rồi mua (biết đâu mua giá 55.000đ) và 2 ký tròn, và ngày mốt tôi sẽ ra mua nữa để bù lại phần thiệt thòi (thiệt ra là không thiệt) vì người ta đã tặng thêm trước cho mình.
Tiến sĩ Trang sai rồi, hai người Bắc bán đào này ít lý luận cơ mà vẫn chưa biết bán hàng.
Hộp patê, chai nước ngọt nói một là một
Một bữa khác, đi qua tiệm bán patê và bánh mì được quảng cáo có tiếng, tôi mua một hộp patê. Patê đóng hộp chắc khoảng gần nửa ký. Tôi hỏi xin cái muỗng nhựa. Người bán hàng thả thõng một câu: “Nhà cháu không có”. Rồi thôi.
Thế tôi ăn bằng gì? Đâu phải ai mua patê ở đây cũng là để mang về nhà ăn, có dao, có muỗng, có đĩa ăn, có tivi lúc 7h tối nói về kích cầu du lịch? Hay chủ quán là người tôn sùng chủ nghĩa gia đình, cương quyết loại trừ bọn ăn rong vô tổ chức, đến nỗi mua hộp patê ngoài đường mà cũng chẳng biết thủ sẵn muỗng trong túi áo.
Nếu bà bán hàng người Nam, hoặc nếu bà di chuyển cái tiệm này vào Nam, tôi đoan chắc bà sẽ tươi cười kèm theo cho khách không chỉ một bộ đồ ăn gồm muỗng và dao nhựa, mà còn thêm gói muối tiêu nhỏ để khách gia giảm, và bịch đồ chua ăn kèm cho đỡ ngán (có thể cho kèm một nhúm; muốn ăn nhiều hơn thì phải mua và thường thì khách mua).
Cái sự hiểu nhu cầu khách hàng như vầy hình như vẫn chủ yếu chỉ có ở phía Nam. Ở Bắc, chúng chỉ có trong các nhà hàng lớn, có chủ trẻ và hiện đại.
Trên bàn trong khách sạn của tôi vẫn còn một chai nước ngọt, ba ngày rồi không uống. Bữa hổm tôi đặt bữa về phòng ăn, kèm một chai nước ngọt. Nhận hộp thức ăn từ tay shipper bật cười luôn: đặt chai nước thì có đúng trơn chai nước. Hết.
Nếu ở miền Nam, chai nước ngọt sẽ luôn kèm theo cái ly nhựa đựng đầy đá sẵn và chiếc ống hút. Tôi không cổ vũ dụng cụ nhựa dùng một lần nhưng chu đáo với khách là cách kinh doanh của người miền Nam.
Muỗng nào ăn món gì
Một bữa, tôi ghé một quán nhỏ nhưng khá đẹp và sang, ăn chè bưởi. Người ta bưng ra: chén chè bưởi nấu bằng đậu xanh cà vỏ vàng ươm đựng trong chén vuông màu đen, một góc rưới nước cốt dừa trắng sữa rất thẩm mỹ và có tính toán. Nhưng cái muỗng ăn chè… nó to bằng nửa bàn tay tôi; nó là cái muỗng ăn xúp.
À nói về cái muỗng, quán sá Hà Nội thường xuyên ăn bằng cái muỗng xúp rất to và cán ngắn. Cháo, chè, cơm, các món có nước đều vậy. Phần lòng muỗng quá to khiến phải mở rộng miệng mới đưa được muỗng vào, coi bất tiện và không đẹp mắt, nhất là các cô gái thướt tha đi ăn với anh chàng. Còn phần cán ngắn khiến nó mau nóng tay. Miền Nam thì sẽ tuyệt đối chia làm ba loại: món mặn ăn bằng muỗng cán dài, lòng muỗng thuôn nhỏ dễ đưa vào miệng. Cà phê hay chè đá, sinh tố, trái cây dầm… các món lạnh ngọt ăn bằng muỗng cà phê cán dài, miệng nhỏ, có thể kèm một cây khuấy. Chè nóng ăn bằng muỗng nhỏ xíu, cán ngắn, chén chè cầm lọt lòng bàn tay. Thực khách ăn từng muỗng nhỏ, nhấm nháp từng hột đậu, và vì nó nhỏ nên thường ai cũng ăn ít nhất vài chén để nếm nhiều loại.
Chén chè bưởi ở cái quán rất đẹp trong khu phố cổ kia, tôi ăn mệt nghỉ. Hỏi sao bày chén to và múc nhiều vậy, cô nhân viên nói ở đây phải thế chị ơi. Múc chén nhỏ, ít như trong miền Nam, họ chê bán đắt.
Chắc không phải vậy, tôi nghĩ. Chén chè nhỏ thì giá nhỏ, ăn hai chén cộng lại cũng bằng bán một chén to đùng, mà vì to đùng nên ít ai dùng nó để tráng miệng sau bữa chính. Ít nhất cũng trong mấy tuần tôi thường xuyên ăn ở quán này thì không thấy ai cả. Còn tại buffet trong các khách sạn lớn, tuy vẫn ở Hà Nội nhưng người ta vẫn nhiệt tình ăn nhiều chén chè nhỏ nhỏ nhiều loại lắm.
Vậy có lẽ nó không phải thói quen, hay “văn hóa” của thực khách Hà Nội (hay miền Bắc), mà là thói quen của người làm dịch vụ ăn uống ở đây mất rồi.
Một thói quen khác khiến thực khách sợ, là tại các quán ăn nhỏ, nhân viên vẫn hay bưng thức ăn cho khách bằng một tay. Để cho chặt, họ xòe bàn tay ra, bốn ngón giữ dưới đáy tô, ngón tay cái thì bấm hẳn vào mặt trong của tô hay đĩa. Người Bắc lại hay múc thức ăn đầy ắp, nên rất thường xuyên ngón tay cái nhúng hẳn vô nước dùng trong tô.
“Thế là chết chàng trai xứ lạ
Đâu chết người gái nhỏ bưng tô”
Kỷ nguyên COVID như vầy, tôi không ưng cái dịch vụ khuyến mãi ngón cái.
Trong khách sạn
Khách sạn tôi lưu trú nằm trong tâm khu phố cổ. Vị trí quá đẹp: chỉ vài trăm mét tới chợ đêm Đồng Xuân, khu phố tây Tạ Hiện, phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Nó hạng 3 sao, thiết kế, nội thất và đồ dùng trong phòng khá đẹp, trang nhã.
Nhưng tôi ở mãi đến gần 1 tuần không thấy dọn phòng. Bèn nhắc.
Người bạn đi cùng tươi cười nói câu gì đó hình như liên quan đến người nào đó. Từ hôm sau, ngày nào phòng tôi cũng được dọn, dù hầu hết thời gian tôi không có mặt trong phòng, ban đêm chỉ ngủ một mình “”riêng một góc giường”, ngoan đến nỗi cái góc chăn cài vô nệm đều không cần kéo lên.
Nhưng dọn nhiều đến như thế mà mặt lavabô bằng đá, các vòi nước vẫn nguyên dấu bắn nước, và cặn đã bám vàng ở các góc phòng tắm vẫn y nguyên. Chiếc ly thủy tinh để đựng nước đánh răng đã đục ngầu nhưng không được rửa.
Một hôm, tôi đề nghị người ta dọn lúc tôi đang có mặt trong phòng.
Lúc thay drap gối thì không có gì lớn. Quét phòng xong (không hút bụi) cô nhân viên tính đi ra. Tôi phải chỉ cái mặt lavabô và chiếc ly đựng nước đánh răng nhờ rửa. Cô bỏ cái ly trong đó tôi cắm bàn chải đánh răng và chiếc lược vô đại cái giỏ nhựa đựng mấy chai dung dịch tẩy rửa bồn và toilet. Nó đổ nghiêng, chạm vào các chai. Cô để nguyên.
Khi lau sàn toilet, đáng lẽ phải pha loãng dung dịch tẩy rửa rồi dùng khăn ướt chà thì cô đổ thẳng chai nước tẩy rửa ra không hề pha loãng rồi dùng chiếc khăn khô quẹt qua quẹt lại. Chiếc khăn bông lớn hút hết dung dịch tẩy rửa khi chưa kịp làm sạch, do vậy cô phải đổ-tôi ước là gấp bốn năm lần lượng dung dịch cần thiết, mà sàn toilet vẫn chưa đủ sạch.
Cùng cách đó, cô làm sạch mặt bồn rửa. Còn vòi nước, vách kính và vách tường phòng tắm đã bám bẩn đến nỗi nước chảy để lại từng vệt vẫn không hề được chạm tới. Tôi đoán là vì tôi không nhắc.
Tôi chưa từng trải nghiệm dịch vụ ở khách sạn như vậy. Mọi thứ trong phòng đều sẽ được làm sạch tinh tươm đến mức bóng lộn hàng ngày, khi bạn ở một khách sạn với tầm giá khoảng một triệu đồng/đêm ở bất cứ khách sạn nào phía Nam. Và cũng có thể ở các khách sạn khác phía Bắc nữa.
Và thường thì người quản lý sẽ hỏi khách có hài lòng với dịch vụ không, có cần điều gì nữa không, khi chúng tôi ở lâu đến vài tuần và còn rủ thêm bạn bè đến.
Nhưng cũng có thể vì cô phục vụ phòng nơi tôi lưu trú là một người đặc biệt.
Người bồi phòng bị giật nợ 6,5 tỷ
Cô kể cô vốn làm nghề “buôn tiền” (cho vay nặng lãi) ở một tỉnh gần Hà Nội. Nhưng vì tin bạn bè nên cô bị vỡ nợ, bị người ta giựt nợ đến 6,5 tỷ đồng. Nên hết tiền, phải đi làm nghề này.
“Nhiều đêm nằm không ngủ được. Nước mắt cứ chảy ra. Đã thế thằng chồng em nó còn nhiếc móc suốt. Bảo mày ngu đem tiền cho người ta ăn, đang sướng giờ phải đi hầu hạ người ta.
Lương thì thấp, mỗi 5 triệu, còn phải tự lo ăn. Phòng ở thì không có điều hòa đâu. Em chán lắm ý. Bên kia đang gọi em sang làm, lương 7 triệu rưởi, nhiều phòng hơn, không nghỉ thứ bảy chủ nhật. Em đang định sang đấy”-cô kể thêm.
Cơ mà hỡi ôi, đang mùa dịch, khách sạn chẳng có mấy khách, chả có mấy phòng cho cô dọn dẹp, không phải tốn tiền thuê nhà. Lương thế cao bằng kỹ sư mới ra trường rồi, lại không bị thất nghiệp, giảm thu nhập. Sang “bên kia” lương cao hơn gấp rưỡi, việc nhiều gấp đôi, nhưng cô không thấy điều ấy. Cô chỉ thấy chủ bên mình “rắn”, ki bo với nhân viên.
Không ít người Bắc mang nặng tâm lý làm nghề dịch vụ là hèn hạ, là phải đi hầu hạ người khác. Một anh bạn tôi người Bắc vào lập nghiệp Nam từ trẻ, lập vườn, xây nhà, mua vé đón cả gia đình người cháu trai ở Bắc vào coi sóc. Gạo chú mua, nhà chú xây, đồ dùng chú mua sẵn, lương chú trả. Vợ chồng ở riêng cái vườn đó, hoa lợi thu được cháu hưởng một phần. Đặc thù cây trồng mỗi ngày chỉ cần làm khoảng 3 tiếng. Thời gian tự do còn lại nếu siêng thì trồng rau, nuôi gà nuôi heo bán cũng đủ rủng rỉnh. Thế nhưng lương cháu vẫn lãnh đều mà việc bữa đực bữa cái. Hoa lợi của chú giảm đến ba bốn phần. Đã thế, ở được hai năm, cháu đòi chú mua vé cả nhà về lại quê, dù về thì thất nghiệp trắng tay. Lý do nói ra với chú là “buồn, nhớ quê”, nhưng nguyên nhân thực sự là vì bị người thân và bạn bè khích bác “tưởng vào Nam làm vương làm tướng gì, hóa ra đi làm thuê cho chú à?”
Do vậy, họ khó yên tâm với nghề nghiệp, vui vẻ thực hành tốt các yêu cầu của nghề và tách bạch được giữa độ “sang” “hèn” của công việc với giá trị bản thân.
Nhưng một khi đã ngộ, thì với tính cần kiệm và cách sống khéo léo của người miền Bắc, họ rất chóng giàu.
Thế còn quý vị, có trải nghiệm gì với dịch vụ miền Bắc, miền Nam, xin kể nghe chơi.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Điểm tin trong nước sáng 28/7: Phát hiện

9 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở Khánh Hoà

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Ba (28/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Quảng Nam có 2 ca nghi nhiễm dịch trong cộng đồng
Chiều 277, nguồn tin từ báo Người Lao Động cho biết tại tỉnh Quảng Nam phát hiện 2 ca nghi mắc viêm phổi Vũ Hán. Hiện ngành y tế tỉnh này đã gửi mẫu vào Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm để có kết luận cuối cùng.
Tổng cộng, ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã lấy mẫu xét nghiệm khoảng 200 trường hợp có liên quan đến các ca bệnh 416, 418, 420 ở TP Đà Nẵng. Trong đó, khoảng 170 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Vũ Hán, số còn lại đang chờ kết quả.
Gần 20.000 người từ vùng dịch Đà Nẵng về Hà Nội
VnExpress thông tin, chiều 27/7 tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Vũ Hán, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kêu gọi người dân thủ đô khẩn trương áp dụng các biện pháp chống dịch.
Lãnh đạo Hà Nội cho biết: “Kết quả rà soát ban đầu của các quận, huyện cho thấy có khoảng 15.000 đến 20.000 người từ Đà Nẵng trở về thủ đô”. Ông đề nghị tất cả các trường hợp đã đến 6 khu vực: Bệnh viện C, bệnh viện chấn thương chỉnh hình, bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, quận Ngũ Hành Sơn, quận Liên Chiểu và quận Hải Châu phải khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại nhà.
Những trường hợp đến Đà Nẵng song không vào 6 khu vực nói trên thì chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ và thực hiện giãn cách trong gia đình.
Trước đó, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, ngày 26/7, Quận nhận được thông tin ca nghi nhiễm từ Đà Nẵng trở về cư trú trên địa bàn nên đã đưa đến viện cách ly; bốn người trong gia đình trường hợp này cũng được khuyến cáo cách ly tại nhà. Bước đầu xét nghiệm ca nghi nhiễm trên cho kết quả âm tính.
Tạm dừng tuyến xe buýt Huế- Đà Nẵng
Nguồn tin từ báo Dân Việt, vào chiều 27/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dịch bùng phát tại Đà Nẵng thì Huế là một trong những địa phương bị tác động trực tiếp, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng từ Đà Nẵng ra Huế rất cao.
Chủ tịch yêu cầu các địa phương rà soát lại các tuyến đường trên địa bàn, đặc biệt là các tuyến tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã có thể tránh các chốt kiểm soát để có kế hoạch kiểm tra chốt chặn.
Đối với các chốt kiểm soát dịch bệnh đang hoạt động thì thực hiện nghiêm việc khách từ Đà Nẵng phải khai báo y tế và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương mới được đến Huế. Sở Giao thông- Vận tải tỉnh phải cho dừng ngay tuyến xe buýt Huế – Đà Nẵng, đồng thời rà soát hoạt động “xe ké, xe chui” để tránh bỏ sót các đội tượng đến Huế không khai báo y tế.
Phát hiện 9 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở Khánh Hoà
Theo báo Tuổi trẻ, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa trong đợt rà soát gần đây đã phát hiện 9 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ tháng 1 năm 2020. Những người này gồm 6 nam, 3 nữ và đang lưu trú tại 3 căn nhà trên đường Lê Văn Hưu (xã Phước Đồng, TP Nha Trang).
Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã lấy mẫu xét nghiệm virus Vũ Hán đối với 9 người này. Chiều tối ngày 27/7, Sở y tế Khánh Hòa đã thông báo kết quả xét nghiệm đều âm tính. Hiện những người nước ngoài này đang bị Công an tỉnh Khánh Hòa tạm giữ để xử lý theo quy định pháp luật.

Điểm tin trong nước tối 28/7:

Hàng chục con lợn chết trước khi vào lò mổ;

Đà Nẵng nâng cấp độ cách ly toàn thành phố

Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước tối thứ Ba (28/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Đà Nẵng nâng cấp độ cách ly toàn thành phố
VnExpress đưa tin, huyện Hoà Vang là nơi cuối cùng ở Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16, từ 13h chiều nay 28/7.
Quyết định cách ly xã hội tại huyện Hoà Vang, nơi địa hình chủ yếu là nông thôn, với dân số gần 130.000 người được UBND TP. Đà Nẵng ban hành sáng 28/7; thời gian cách ly là 14 ngày.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu huyện Hoà Vang thực hiện “gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn, xã cách ly với xã, quận, huyện cách ly với quận, huyện”.
Đây là đơn vị hành chính cấp quận huyện cuối cùng có dân cư ở Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội. Trước đó từ 0h ngày 28/7, thành phố đã quyết định áp dụng các biện pháp cách ly xã hội với 6 quận, quy mô hơn một triệu dân.
Người dân Đà Nẵng được kêu gọi ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết, như cấp cứu, mua lương thực, thực phẩm, làm việc tại nhà máy; giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp.
Đà Nẵng cũng dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định trên địa bàn; dừng hoạt động xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe điện; xe buýt nội thành; tàu thuyền du lịch. 23h đêm qua, chuyến xe khách cuối cùng đã đưa người rời thành phố.
Hàng chục con lợn chết trước khi vào lò mổ
Báo Người lao động thông tin, vào lúc 6h30 phút 28/7, lực lượng thú y thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế phát hiện xe ô tô do Lê Văn Kỹ (ngụ tại tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển chở 200 con lợn (70-80kg/con) đến lò mổ Bãi Dâu, phường Phú Hậu, TP. Huế để nhập.
Qua kiểm tra thực tế phát hiện xe không dừng tại chốt kiểm dịch động vật đóng trên Quốc lộ 1 thuộc Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) và có 86 con bị chết bốc mùi hôi thối nồng nặc trước cửa lò mổ Bãi Dâu nằm cạnh đường Nguyễn Gia Thiều.
Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế nói rằng, chiếc xe tải trên thiết kế 3 sàn chở lợn nhưng do sàn thứ 2 bị sập khiến cho 86 con bị chết. Số lợn còn lại bình thường, không có biểu hiện lâm sàng của bệnh truyền nhiễm nên lực lượng thú y cho phép nhập lò mổ Bãi Dâu theo dõi. Hiện số lợn trên đã được đưa đi tiêu hủy.
Chỉ trong vòng 25 giờ, Sơn La liên tiếp xảy ra 12 trận động đất
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) ghi nhận chỉ trong 7 giờ qua, huyện Mộc Châu xảy ra 6 trận động đất với độ lớn 2,7-4,8 độ Richter, độ sâu chấn tiêu 8-12 km. Do cường độ không mạnh, người dân các tỉnh thành xung quanh không cảm nhận được.
Như vậy, tính từ 12 giờ trưa hôm qua đến 13 giờ chiều nay, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã liên tiếp xảy ra 12 trận động đất.
Giải thích hiện tượng này, TS Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Vật lý địa cầu nói trên báo VnExpress, việc Sơn La liên tiếp xảy ra động đất là do huyện Mộc Châu nằm trên đới đứt gãy Sông Đà đang hoạt động. Các trận sau là dư chấn của trận 5,3 độ Richter. Dự báo trên đới đứt gãy này, động đất cực đại có thể lên 5,5 độ Richter.
“12 trận động đất vừa qua ở mức độ trung bình, có thể sắp tới xuất hiện những trận lớn hơn. Người dân Mộc Châu nên gia cố nhà cửa, tránh xa công trình yếu, vùng có nguy cơ đá lở”, ông Xuân Anh nói, cho biết đoàn công tác của Viện Vật lý địa cầu đã đến Mộc Châu khảo sát.
Quảng Trị: 100 người trở về từ Đà Nẵng trong diện “nguy cơ cao”
Trên báo Giao thông, ngày 28/7, ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng Quảng Trị xác định có khoảng 100 người trở về từ Đà Nẵng nằm trong diện “nguy cơ cao”. Dự kiến, con số người dân trở về địa phương sẽ còn tăng cao trong thời gian đến.
Cụ thể, những người này đã có mặt tại TP. Đà Nẵng và có đến ít nhất 1 trong số 7 địa điểm mà thông báo khẩn số 16 của Bộ Y tế nhắc đến. Đến 8h sáng 28/7, có tổng cộng 8 trường hợp trở về từ TP. Đà Nẵng được cách ly điều trị tập trung tại khu cách ly của Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị. 8 người này trước đó có đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng. Số trường hợp còn lại đang được cách ly, theo dõi tại nhà.
Theo Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị, hiện chưa có kết quả xét nghiệm đối với 8 người được cách ly. Tuy nhiên, qua thăm khám, sức khỏe những người này đều ổn định, chỉ 1 trường hợp có ho, sổ mũi, sốt nhẹ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?