Tin khắp nơi – 28/07/2020

Tin khắp nơi – 28/07/2020

Bầu cử 2020: Địa điểm tranh luận thay đổi vì phòng ngừa Covid

Cuộc tranh luận tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên giữa Donald Trump và ứng cử viên thách đấu thuộc đảng Dân chủ, Joe Biden, sẽ diễn ra tại Cleveland, Ohio, vào ngày 29/9.
Tranh luận này dự định sẽ diễn ra tại Đại học Notre Dame ở Indiana, nhưng địa điểm này bị thay đổi vì những lo ngại về các biện pháp phòng ngừa virus corona.
Sự kiện này giờ đây do Đại học Case Western Reserve và Phòng Y tế Cleveland đồng tổ chức.
Tổng thống Donald Trump và cựu tổng thống Joe Biden sẽ có tất cả ba cuộc tranh luận trước cuộc bỏ phiếu ngày 3 tháng 11.
Mục sư John I Jenkins, chủ tịch của Notre Dame ở South Bend, Indiana, nói các biện pháp y tế cần thiết để tổ chức sự kiện này “sẽ làm giảm đáng kể giá trị giáo dục của việc tổ chức cuộc tranh luận trong khuôn viên trường chúng tôi”.
Địa điểm tranh luận mới sẽ là Cơ sở Giáo dục Sức khỏe của Đại học Western Reserve, Ủy ban Tranh luận Tổng thống cho biết.
Cuộc tranh luận tổng thống thứ hai vào ngày 15/10 sẽ diễn ra tại Miami sau khi được chuyển từ Đại học Michigan.
Tranh luận lần thứ ba sẽ diễn ra tại Nashville vào ngày 22/10, trong khi tranh luận giữa Phó Chủ tịch Mike Pence và ứng cử viên phó tổng thống của đảng Dân chủ – người vẫn còn được chọn – sẽ được tổ chức vào ngày 7/10 tại Salt Lake City.
Ông Biden hiện đang giữ vị trí dẫn đầu 15 điểm trên toàn quốc, cuộc thăm dò của Washington Post-ABC News cho thấy.
Tỷ lệ ủng hộ toàn quốc của tổng thống giảm mạnh trong một năm bị virus corona thống trị – trong đó Hoa Kỳ có số người chết cao nhất thế giới với hơn 147.000 tử vong- và các cuộc biểu tình lan rộng về cái chết của người đàn ông da đen George Floyd dưới tay cảnh sát hồi tháng Năm.

THÁNG 11 ĐỎ: Đảng Dân chủ đưa Mỹ

 đến bờ vực ‘xã hội đỏ Biden’ như thế nào?

Hương Thảo
Nhà bình luận Joel B. Pollak của trang tin Breitbart gần đây đã xuất bản một cuốn sách thú vị về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11 tới, giữa ứng viên đảng Cộng hòa – đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Cuốn sách có tựa đề “Tháng 11 Đỏ: Đất nước này sẽ chọn màu đỏ cho Trump hay màu đỏ cho chủ nghĩa xã hội?” (Red November: Will the Country Vote Red for Trump Or Red for Socialism?).
Trong các cuộc bầu cử tại Mỹ, màu đỏ là biểu trưng cho đảng Cộng hòa, còn màu xanh là biểu trưng cho đảng Dân chủ. Cuốn sách của ông Pollak chỉ ra rằng, trong mùa bầu cử năm 2020, các cử tri Mỹ đứng trước 2 lựa chọn: Một là màu đỏ – bỏ phiếu cho Tổng thống Trump; Hai là một màu đỏ khác – bỏ phiếu cho ông Biden, người không công khai vận động cho chủ nghĩa xã hội, nhưng thực chất chương trình nghị sự của ông là chứa đựng các chính sách hướng tới chủ nghĩa xã hội.
Cuốn sách “Tháng 11 Đỏ” dựa trên những kinh nghiệm của chính ông Pollak trong quá trình đưa tin về cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ.
Breitbart chỉ ra rằng đảng Dân chủ đã có biến đổi đáng kế sau cuộc bầu cử sơ bộ, với các tư tưởng xã hội chủ nghĩa được trưng bày ở vị trí trung tâm, và chương trình nghị sự cực đoan của cánh tả trở thành đường lối chính thống của Đảng Dân chủ.
Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, người tự xưng là người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, đã từ bỏ cuộc đua giành vé đề cử của đảng Dân chủ vào tháng 4, không lâu sau khi có một cuộc khảo sát của NPR/PBS NewsHour/Marist cho thấy đa số người Mỹ không có thiện cảm với chủ nghĩa xã hội.
Phe cánh tả đã nỗ lực hết sức để xóa bỏ những chủ đề cấm kị xung quanh từ “chủ nghĩa xã hội”, và thay đổi về căn bản tương lai của Đảng Dân chủ – một tương lai mà họ hy vọng sẽ áp đặt lên toàn nước Mỹ, theo nhận định của nhà bình luận Pollak.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã giành được đề cử của đảng Dân chủ để trở thành đối thủ của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử tháng 11. Tuy nhiên, ông Biden được đánh giá là “con ngựa thành Troia” của đảng Dân chủ, với vẻ bề ngoài không công khai cổ vũ chủ nghĩa xã hội, nhưng bên trong mang chứa các chính sách chủ nghĩa xã hội mà ông Sanders vận động.
Phó Tổng thống Mike Pence đã chỉ ra điều này trong một bài phát biểu hôm 17/7, trong đó ông Pence nói nếu Tổng thống Trump không tái đắc cử thì ông Biden sẽ đưa Mỹ sang chủ nghĩa xã hội.
Ông Biden nổi lên như là” ứng cử viên cánh tả nhất của Đảng Dân chủ ​​từ trước đến nay”, theo mô tả của ông Pollak mô tả trong cuốn “Tháng 11 Đỏ”. Theo Breitbart, cựu phó tổng thống Joe Biden là ứng viên có xu hướng cánh tả nhất trong lịch sử chính trị Mỹ. Ông Biden hứa sẽ tăng thuế ngay lập tức, chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sử dụng tiền thuế của liên bang để tài trợ phá thai,…  cùng với các đề xuất khác. Và, giống như các đối thủ của mình, ông Biden đề xuất chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người nhập cư bất hợp pháp.
Với chương trình nghị sự đó, đảng Dân chủ sẽ “hủy hoại chính đảng của họ – hoặc là sẽ mở ra một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ xã hội chủ nghĩa mới”, theo nhận định của ông Pollak.
Ông Biden đã công khai thể hiện thiên hướng cánh tả  bằng việc công bố một “Lực lượng đặc nhiệm thống nhất của nhóm Biden-Sanders”, được ủy quyền bởi cả hai chính trị gia của đảng Dân chủ.
Giới quan sát nhận định, về bề mặt là ông Biden đang chạy đua làm Tổng thống, nhưng thực chất những chính sách cánh tả của ông Bernie Sanders đang thống lĩnh chương trình nghị sự của ông Biden. Phó Tổng thống Pence hôm 17/7 bình luận: “Tôi tưởng Joe Biden đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, nhưng nhìn vào chương trình nghị sự đoàn kết của họ, tôi thấy có vẻ Bernie đã thắng”.
Sự bấu víu của ông Biden vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đang trải qua đại dịch toàn cầu COVID-19 và một cuộc phá hoại tựa như “Cách mạng Văn hóa” ở Trung Quốc – với hàng loạt cuộc biểu tình phá hoại, bạo lực, cướp bóc, tự xưng là vì “Mạng sống của người da đen quan trọng” (BLM – Black Lives Matter).
Nhà bình luận Pollak cho rằng tình hình này cho thấy nước Mỹ đang đứng trước ngã ba đường: Màu đỏ cho Trump hay màu đỏ cho chủ nghĩa xã hội?
Biên tập viên kỳ cựu Pollak của Breitbart bình luận: “Đó là câu chuyện mà Andrew Breitbart (nhà sáng lập trang tin Breitbart) đã dự đoán từ một thập niên trước: rằng nước Mỹ sẽ ngày càng phải đối mặt với sự lựa chọn rõ ràng giữa việc khôi phục lại lý tưởng lập quốc của Hoa Kỳ, hay là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa dân chủ theo kiểu các đối thủ mà Mỹ đã đánh bại”.

Đất hiếm, điểm yếu của Mỹ

trong cuộc đọ sức với Trung Quốc

Thanh Hà
Ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ lệ thuộc Trung Quốc. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cùng ý thức được về nghịch lý này và đã có những bước chuẩn bị đề phòng Bắc Kinh cắt nguồn cung cấp « nguyên liệu của thế kỷ 21 », như nhận định của nhà báo Guillaume Pitron, tác gia cuốn « Chiến tranh kim loại hiếm», NXB LLL (2018).
Truyền thông quốc tế dồn dập đưa tin về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung từ mùa xuân 2018 với những vòng đàm phán kéo dài, rồi  đến thỏa thuận bán phần, trong đó hai đối thủ tuyên bố tạm buông vũ khí.
Ở hậu trường, bộ Quốc Phòng Mỹ lặng lẽ mở lại hồ sơ đất và kim loại hiếm và đã có những bước quan trọng nhằm giảm bớt lệ thuộc vào nhà cung cấp gần như độc quyền của thế giới, đó là Trung Quốc.
Gần đây nhất, hãng tin Anh Reuters tiết lộ tháng 4/2020 Lầu Năm Góc quyết định tài trợ trở lại cho hai dự án khai thác đất hiếm nhằm phục vụ các mục tiêu quân sự của Hoa Kỳ. Hai dự án nói trên liên quan đến các mỏ đất hiếm tại Texas và California : mỏ thứ nhất do tập đoàn Úc Lynas cùng khai thác với một đối tác Mỹ và mỏ thứ nhì do tập đoàn MP Materials quản lý. Ngoài ra, vẫn theo Reuters, chính phủ Mỹ sắp thông báo hỗ trợ cho MP trong một dự án thứ ba tại bang Nevada.
Sự can thiệp trực tiếp của bộ Quốc Phòng
Trong giai đoạn từ 2004 đến 2017 có đến 80 % kim loại hiếm Hoa Kỳ mua vào đều xuất xứ từ Trung Quốc. Ông khổng lồ châu Á này kiểm soát 40 % các mỏ dự trữ kim loại hiếm của thế giới (Việt Nam 18 % và Mỹ 1 %, theo nghiên cứu của Trung tâm địa chất Hoa Kỳ US Geological Survey). Năm 2018, Trung Quốc là nguồn cung cấp 70 % đất hiếm tiêu thụ trên toàn cầu và cho đến hiện tại 90 % đất hiếm được khai thác từ các khắp nơi trên thế giới đều phải nhờ đến Trung Quốc sàng lọc, để từ « đất » trở thành « kim loại » và có thể cung cấp cho các tập đoàn công nghiệp.
Tháng 5/2019, đúng vào lúc chủ tịch Trung Quốc đến thăm một nhà máy khai thác kim loại hiếm ở Giang Tây, tại Washignton, Lầu Năm Góc công bố một báo cáo với mục tiêu « giảm mức độ lệ thuộc của Hoa Kỳ vào đất hiếm Trung Quốc ». Bộ Quốc Phòng Mỹ chủ trương « trích xuất các khoản ngân sách cần thiết cho việc khai thác, xử lý và tích trữ các nguồn kim loại thiết yếu đối với an ninh quốc gia ».
Trả lời RFI Việt ngữ, nhà báo Guillaume Pitron, chuyên nghiên cứu về đất hiếm và là tác giả của nhiều bộ phim tài liệu, nhiều bài phóng sự và cách nay hai năm cho ra mắt công chúng cuốn sách mang tên Chiến tranh Kim Loại Hiếm, Mặt Trái của Tiến Trình Chuyển Đổi Năng Lượng và Kỹ Thuật Số, NXB LLL (2018), không chút ngạc nhiên về việc bộ Quốc Phòng Mỹ trực tiếp can thiệp vào hồ sơ này.
Guillaume Pitron:Về phía Trung Quốc, hơn bao giờ hết, nước này ý thức được về thế thượng phong đang có được đối với Mỹ. Đây đương nhiên là một lợi thế cả về thương mại, lẫn công nghiệp và nhất là về mặt chiến lược. Không có đất hiếm của Trung Quốc, Mỹ không thể phát triển công nghệ chế tạo vũ khí, không có chiến đấu cơ F-35 hay xe bọc thép Abraham …
Vào lúc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đang lên đến cao trào vào năm 2019, ông Tập Cận Bình đã viếng thăm một nhà máy khai thác kim loại hiếm ở Giang Tây, miền nam Trung Quốc. Truyền thông nước này đã loan tin rộng rãi về sự kiện nói trên, như để ngầm nhắc nhở Washington đây là điểm yếu của Hoa Kỳ.
Về phía Mỹ, phản ứng của Washington bao hàm từ vế chính trị đến công nghiệp. Hoa Kỳ tìm cách giảm mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc từ khâu khai thác các quặng mỏ, sàng lọc để có được kim loại hiếm. Thế rồi khâu thứ ba là biến các kim loại hiếm này thành nam châm. Chỉ dưới dạng sau cùng này mới có thể phục vụ cho các công nghệ cao. Dân biểu bang Florida, Marco Rubio và thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz đã vận động để cho ra đời một đạo luật cho phép khởi động lại các mỏ đất hiếm ở Mỹ.
Kế đến các tập đoàn công nghiệp đã nhập cuộc để khai thác mỏ đất hiếm ở bang Texas. Tuy nhiên khâu tiếp theo là sàng lọc để chắt ra được các kim loại hiếm và để chúng có thể được đưa vào các khâu sản xuất … Tất cả những giai đoạn  này đòi hỏi rất nhiều thời gian, có thể là nhiều năm. Lầu Năm Góc can thiệp trực tiếp vào hồ sơ này, vì đây là một vấn đề liên quan đến an ninh của bản thân Hoa Kỳ. Bộ Quốc Phòng Mỹ huy động nhiều đối tác trong dự án này.
Hiện tại ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ chỉ sử dụng một khối lượng kim loại hiếm tương đương với 1 % nhu cầu của cả nước, theo như báo cáo năm 2016 của Viện Kiểm Toán Quốc Gia.
Nhìn rộng ra hơn, Mỹ là nguồn tiêu thụ đến 9 % đất hiếm của thế giới. Cho đến năm 2019, Mountain Pass tại bang California gần như là mỏ duy nhất còn hoạt động. Nhưng trớ trêu thay là 50.000 tấn đất hiếm được khai thác mỗi năm đều phải gửi sang Trung Quốc để được chế biến và trở về lại Hoa Kỳ dưới dạng kim loại.
Khởi động lại chuỗi cung ứng: nói dễ làm khó 
Vẫn theo báo cáo của Lầu Năm Góc, đến năm 2022 « sẽ có thêm ba cơ sở khác đi vào hoạt động ». Trong một bài báo gần đây, Le Figaro tiết lộ núi Round Top Mountain tại bang Texas, cách không xa biên giới với Mêhicô, có thể là một giải pháp giúp Mỹ tự lập hơn về kim loại hiếm. Đây là nơi cất giữ 16 trong số 17 khoáng chất « hiếm » rất cần thiết đối với nền công nghiệp điện tử cao cấp. Tiềm năng khai thác trải dài trên 130 năm
Trước Lầu Năm Góc, tổng thống Donald Trump từ cuối tháng 12/2017 đã ban hành một sắc lệnh nhằm « bảo đảm các nguồn cung cấp chắc chắn và đáng tin cậy về các loại khoáng sản mang tính sống còn » đối với an ninh quốc gia. Đất hiếm cũng như uranium có tên trong danh sách gồm 35 mặt hàng này.
Có điều, như chuyên gia về kim loại hiếm Guillaume Pitron vừa nói, khai thác đất hiếm là cả một dây chuyền công nghiệp và đòi hỏi công nghệ đặc biệt. Vậy tới nay; cụ thể Mỹ đã làm được những gì để giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc ? Guillaume Pitron trả lời :
Guillaume Pitron : Hiện tại Mỹ đã mua lại tập đoàn Hitachi của Nhật, một vài công ty Hoa Kỳ làm chủ được công nghệ này, nhưng chỉ sản xuất ở mức độ cò con, không đủ để bảo đảm nhu cầu trên toàn quốc. Năm 2010 Viện Kiểm Toán Nhà nước của Mỹ trong một báo cáo thẩm định rằng sẽ mất 15 năm để khởi động lại toàn bộ ngành khai thác đất hiếm và chế tạo kim loại hiếm. Cần một quãng thời gian dài như vậy do ở đây liên hệ đến ít nhất là 5 hay 6 lĩnh vực công nghiệp khác nhau, với những kỹ thuật rất khác biệt. Thành thử nói Mỹ cần giảm mức độ lệ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc là một chuyện, làm được việc đó hay không lại là chuyện khác. Tương tự như vậy, khai thác mỏ đất hiếm là một chuyện, làm chủ được toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất kim loại hiếm lại là chuyện khác ».
Một trong những giải pháp khác Hoa Kỳ đang hướng tới trong khi chờ đợi kích hoạt lại dây chuyền sản xuất đất hiếm trên lãnh thổ Mỹ, đó là đa dạng hóa các nguồn cung cấp. Hiện tại, ngoài Trung Quốc Mỹ có thể trông chờ vào ba đối tác khác, gồm Pháp, Estonia và Nhật Bản. Tuy nhiên, cả ba đều chỉ có khả năng cung cấp hạn hẹp.
Trung Quốc một mình một chợ 
Một nhà phân tích trong ngành được báo Le Figaro trích dẫn nhìn nhận, nếu như Liên Hiệp Châu Âu, Mỹ và một số các nước khác trên thế giới không nhanh chóng bảo đảm được các nguồn cung cấp kim loại hiếm và độc lập với Trung Quốc, thì sẽ « đến lúc chỉ còn có một mình Trung Quốc có khả năng sản xuất trang thiết bị công nghệ cao ».
Không chỉ ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ có nhu cầu tiêu thụ kim loại hiếm. Vào lúc mà Hoa Kỳ đang đánh cuộc vào thị trường xe hơi điện, nhu cầu về đất hiếm của Mỹ ngày càng lớn. Đòi hỏi độc lập với nhà cung cấp chính là Trung Quốc càng cấp bách. Tập đoàn USA Rare Earth đã rầm rộ thông báo khánh thành nhà máy chế biến đất hiếm đầu tiên ngoài lãnh thổ Trung Quốc tại bang Colorado. Phía Mỹ cũng liên tục mở rộng đối tác với các tên tuổi trong ngành của Úc hay Nhật Bản. Cũng USA Rare Earth cho biết sẽ hợp tác với Hitachi của Nhật để mở một nhà náy tại bang Bắc Carolina với khả năng đáp ứng đến 17 % nhu cầu tiêu thụ của Hoa Kỳ.
Tất cả những dự án ít nhiều đã đi vào hoạt động nói trên cho thấy Mỹ đã có những bước tiến rất dài để dần dần tách rời khỏi nhà cung cấp gần như độc quyền của thế giới là Trung Quốc. Dù vậy chuyên gia về đất hiếm Guillaume Pitron cho rằng thế thượng phong của Trung Quốc trong lĩnh vực này không hề bị đe dọa :
Guillaume Pitron : Trung Quốc vẫn còn một lợi thế rất lớn so với Mỹ. 95 % đất hiếm sản xuất ra trên thế giới là từ Trung Quốc và có khoảng từ 70 đến 75 % nam châm kim loại hiếm cũng từ các nhà máy Trung Quốc mà ra. Đây là một lợi thế cả về mặt công nghiệp lẫn công nghệ mà chưa một ai có thể qua mặt được Trung Quốc. Cần nói thêm là Bắc Kinh đã mất hàng chục năm để leo lên đến đỉnh trong nấc thang công nghệ đó. Cho dù Hoa Kỳ có phát triển công nghiệp đất hiếm thì cũng không thể đảo ngược được tương quan lực lượng và Trung Quốc sẽ còn chiếm thế thượng phong trong nhiều năm nữa.    

Quan hệ Mỹ – Trung có thể rơi xuống mức nào?

Đang có nhiều lo ngại ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương rằng Mỹ và Trung Quốc có thể tiến đến mức cắt đứt hoàn toàn với nhau, thậm chí xảy ra một cuộc xung đột trực tiếp trong vài tháng tới.
Đang có nhiều lo ngại ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương rằng Mỹ và Trung Quốc có thể tiến đến mức cắt đứt hoàn toàn với nhau, thậm chí xảy ra một cuộc xung đột trực tiếp trong vài tháng tới.
Khi hai bên yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán của nhau tại Houston và Thành Đô vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi chấm dứt “sự ràng buộc” – chính sách đã định hình quan hệ Mỹ – Trung trong gần 5 thập kỷ và được coi là một trong những thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng nhất của đảng Cộng hòa trong lịch sử hiện đại.
“Chúng ta, những quốc gia yêu tự do trên thế giới, phải khiến Trung Quốc thay đổi”, ông Pompeo nói trong bài diễn văn giữa tuần trước tại Thư viện tổng thống Richard Nixon. Năm 1972, Nixon trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Trung Quốc.
Chuyến thăm đó tạo nên thay đổi hoàn toàn trong quan hệ Mỹ – Trung, để trong nhiều thập kỷ hai nước vượt qua những khác biệt căn bản về thể chế để vừa cùng tồn tại và phát triển kinh tế, vừa hợp tác trong những lĩnh vực quan trọng như biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh.
Kỷ nguyên đó có vẻ đã qua.
Hiện có một sự nhất trí của cả hai chính đảng ở Mỹ về sự cần thiết phải cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ngay cả những học giả và các nhà hoạch định chính sách từng dành nhiều thời gian để xây dựng quan hệ với Trung Quốc với niềm tin rằng quan hệ hợp tác đó sẽ khiến Bắc Kinh phải thay đổi giờ đã vỡ mộng.
Giới quan sát cho rằng cách tiếp cận kiểu “búa tạ” của chính quyền Trump, có vẻ với ý định tiến đến một cuộc Chiến tranh Lạnh nữa và không để dư địa cho đối thoại, là phản tác dụng, có thể dẫn đến xung đột trực tiếp.
“Có những cách để xử lý quan hệ này mà không cần cho nổ tung. Có những cách để cân nhắc điểm cộng và điểm trừ, chứ không cần phải đối kháng”, Deborah Seligsohn, một nhà ngoại giao Mỹ đã có kinh nghiệm 20 năm, chủ yếu về châu Á, nhận xét.
Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, ông Trump từng nhờ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp đỡ để có cơ hội tái đắc cử và ngầm chấp thuận việc xây dựng các trại tập trung để giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Ông Trump còn gọi ông Tập là một “người bạn tốt” trong mấy tháng đầu của đại dịch COVID-19.
Giờ đây, khi cuộc bầu cử sắp đến gần, ông Trump dường như để phe diều hâu với Trung Quốc tự do lên tiếng.
Ngoài chuyện đóng cửa lãnh sự quán, Mỹ tuần trước buộc tội 2 người Trung Quốc thực hiện hoạt động tin tặc để phục vụ các cơ quan tình báo Trung Quốc và bắt một nhà nghiên cứu Trung Quốc trốn trong lãnh sự quán ở San Francisco. Người phụ nữ đó là một thành viên của mạng lưới gián điệp công nghiệp hoạt động trên khắp 25 thành phố của Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định.
Hai quốc gia còn gia tăng mâu thuẫn trong các lĩnh vực công nghệ, thương mại, visa cho sinh viên và phóng viên, đại dịch COVID-19, biển Đông, Tân Cương và Hong Kong.
Trong nhiều năm, Mỹ vẫn hy vọng có thể thay đổi Trung Quốc. Nhưng điều đó không xảy ra. Trung Quốc dưới thời ông Tập theo đuổi chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn và quyết liệt. Trong khi đó, nước này cũng đã tiến cao hơn trong các chuỗi cung ứng và lên đến mức cạnh tranh trực tiếp với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và du hành vũ trụ, đôi khi bằng cách đánh cắp tài sản trí tuệ, theo cáo buộc của các quan chức Mỹ.
Một số nhà quan sát Trung Quốc nói rằng kỳ vọng hệ thống lãnh đạo của nước này thay đổi chỉ là điều xa vời.
“Điều đó đúng là vô lý. Người Mỹ luôn tự tin quá mức và tự tô vẽ. Họ nghĩ họ có thể thay đổi các nước khác, và nếu mọi thứ không vừa ý họ, họ sẽ đổi mặt và muốn đàn áp bạn”, LA Times dẫn lời ông Wang Yong, giáo sư về nghiên cứu quốc tế tại ĐH Bắc Kinh.
Chính phủ Trung Quốc nói rằng sự thù địch của Mỹ chủ yếu là do cảm giác bất an trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, thách thức bá chủ của Mỹ.
“Những khó khăn hiện nay trong quan hệ Trung – Mỹ là do một bên mà ra, hoàn toàn do phía Mỹ tạo nên”, Ngoại trưởng Mỹ Vương Nghị nói trong cuộc gặp người đồng cấp Đức cuối tuần trước. “Mục tiêu của họ là cản trở tiến trình phát triển của Trung Quốc và họ sẽ làm bất kỳ điều gì để thực hiện điều đó, không hề có giới hạn tối thiểu”, ông Vương nói.
Ông Vương nói rằng quyền lực mềm của Mỹ, được tạo nên tự sự hấp dẫn của các định chế, xã hội và văn  hóa, có sức ảnh hưởng lớn đối với xã hội Trung Quốc. Nhưng sự hấp dẫn đó đặc biệt suy giảm trong năm nay, khi chính quyền Trump thất bại trong kiểm soát virus corona mà ông Trump cáo buộc
do Trung Quốc gây ra, cũng như sự bộc lộ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tình trạng bạo lực của cảnh sát Mỹ.
“Mỹ không còn là sự thể hiện của một hệ thống chính trị lý tưởng trong trái tim của người dân nữa”, ông Vương nói. Khi bất ổn leo thang ở Mỹ, nhiều nhà quan sát Trung Quốc cho rằng hệ thống của Mỹ khiến nhiều người vỡ mộng nên chính quyền Trump phải tăng sức ép lên Trung Quốc để phân tán chú ý.
“Mỹ hiện nay quá hỗn loạn và chia rẽ. Họ rất cần một kẻ thù chiến lược, như Liên Xô và Nhật Bản trước đây, để đoàn kết dư luận trong nước. Trung Quốc là kẻ thù thuận tiện nhất”, Ngoại trưởng Trung Quốc nói.
Nhưng Trung Quốc cũng bị chỉ trích đã làm mọi thứ quá mức, thiếu kiềm chế trong thể hiện sức mạnh và giương cao ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa để khiến người dân bớt chú ý đến những khó khăn kinh tế và tình hình đại dịch trong nước.
Các chuyên gia cho rằng cách thông thường để tháo ngòi xung đột là lãnh đạo hai nước nói chuyện với nhau, giống như nhiều lãnh đạo làm nhiều lần trước đây. Nhưng ông Trump và ông Tập chưa có cuộc nói chuyện nào với nhau từ tháng 3 đến nay, các quan chức Mỹ cho biết.
“Gần như ngày nào chúng ta cũng thấy một cú đánh vào Trung Quốc. Có vẻ chính quyền Mỹ muốn Trung Quốc làm điều gì đó triệt để như chấm dứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao”, Orville Schell, giám đốc Trung tâm châu Á tại viện quan hệ Mỹ – Trung, nhận xét.
Bà Susan Shirk, một cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ và hiện là chủ tịch Trung tâm Trung quốc thế kỷ 21 tại ĐH San Diego, cho rằng Trung Quốc sẽ kiềm chế và đợi đến cuộc bầu cử Mỹ. Nếu đối thủ của ông Trump là cựu phó tổng thống Joe Biden đắc cử, chính quyền mới của Mỹ sẽ mềm mỏng hơn với Bắc Kinh, bà Shirk nhận định.
Trước tháng 11, cả hai bên có thể sẽ hành động cứng rắn hơn nữa, như trục xuất nhà ngoại giao hoặc đóng cửa đại sứ quán.
Trung Quốc có thể gây sức ép lên ông Trump bằng kinh tế. Nếu ông Tập dọa ngừng mua nông sản Mỹ se gây ảnh hưởng đến các vùng có đông cử tri ủng hộ ông Trump, khiến Tổng thống Mỹ phải lùi bước. Hoặc ông Trump có thể lùi bước khi các thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái quá tồi tệ.
Hoặc một bối cảnh tồi tệ hơn sẽ xảy ra, như nỗi sợ mà nhiều chuyên gia Mỹ và Trung Quốc đang nghĩ đến: Hai nước sẽ tiến đến một cuộc xung đột quân sự trước khi bầu cử diễn ra.
“Nếu quá muốn tái đắc cử, ông Trump có thể vội vàng muốn một cuộc xung đột quân sự”, ông Schell nhận định.
“Tôi cực kỳ lo ngại về sự cứng rắn ngạo mạn của Trung Quốc trên biển Đông”, ông Schell nói.
Bà Shirk nói rằng nguy cơ quan hệ Mỹ – Trung đổ vỡ ngày càng trở nên có thể dựa trên cách hành động của hai nước hiện nay.
“Nếu đó là một chiến lược bầu cử, họ sẵn sàng chơi với lửa”, bà nói.

Nhà lập pháp Michigan: ‘Chúng tôi sẽ gửi

hóa đơn đòi nợ Trung Quốc về dịch corona’

Hải Lam
Ông Beau LaFave, dân biểu bang Michigan cho biết đã đến lúc Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra ở khu vực này, theo bản tin ngày 27/7 của Breitbart.
Ông Beau LaFavenói với The Kyle Olson Show rằng chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì để virus corona lan ra thế giới.
Dân biểu LaFave cho biết, năm nay sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và cả hai đảng sẽ đổ trách nhiệm cho nhau về những sai sót trong việc xử lý ổ dịch, nhưng “không ai không đồng ý rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gây ra đại dịch, lừa dối Tổ chức Y tế Thế giới, kiểm duyệt các phóng viên, cho người dân lên máy bay và gửi họ đi khắp thế giới” trong khi chính quyền Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong tỏa ở địa phương để bảo vệ cho chính họ.
Ông LaFave khẳng định, đây là lỗi của chính quyền Trung Quốc, và Bắc Kinh phải “chịu trách nhiệm vì để virus này thoát khỏi nơi khởi phát”.
Ông LaFave cùng các dân biểu khác đề xuất dự luật yêu cầu “chính phủ Trung Quốc toàn trị chịu trách nhiệm về đại dịch mà họ cố tình gây ra cho Michigan và phần còn lại của thế giới”.
Ông cho biết, nếu dự luật được thông qua và có chữ ký của bà Gretchen Whitmer, Thống đốc bang Michigan, thì “chúng tôi sẽ gửi cho Trung Quốc một hóa đơn đòi nợ”.
Dự luật yêu cầu người đứng đầu cơ quan tài chính của bang Michigan xác định số tiền thiệt hại, các chi phí, và các tổn thất khác mà bang phải gánh chịu do dịch virus corona, ở mọi cấp chính quyền, được liệt kê trong luật.
Dự luật viết: “Bộ trưởng tài chính của bang sẽ gửi một thông báo cụ thể về các thiệt hại, chi phí, và các tổn thất khác… cho Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, cùng yêu cầu chính thức phải bồi thường cho bang này”.
Tham gia đồng tài trợ cho dự luật này cùng ông LaFave là 9 hạ nghị sỹ khác của bang Michigan, trong đó có 7 nghị sỹ Cộng hòa và 2 nghị sỹ Dân chủ.

Lá bài TQ của Tổng thống Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dồn sức đưa ra các chính sách quyết liệt để đua nước rút tới cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới.
Tổng thống Donald Trump còn 100 ngày cho cuộc đua tái tranh cử nhiệm kỳ 2
Chỉ còn khoảng 100 ngày nữa, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra và nếu không có gì bất ngờ thì đó sẽ là cuộc cạnh tranh giữa đương kim Tổng thống Trump và ứng viên đảng Dân chủ – cựu Phó tổng thống Joe Biden. Kết quả các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy ông Biden đang có lợi thế dẫn trước ông Trump tới 15%, theo tờ The Guardian. Khoảng cách này được cho là xuất phát từ mức độ tín nhiệm dành cho Tổng thống Trump giảm sút do chính sách ứng phó đại dịch Covid-19, kéo theo là tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Theo giới phân tích, Tổng thống Trump chỉ có thể lật ngược tình thế nếu có chính sách quyết liệt và hiệu quả trong thời gian này.
Bước chuyển
Đại dịch Covid-19 có thể coi là một trong những nhân tố có tính quyết định đối với cuộc bầu cử tổng thống năm nay, khi Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với số ca nhiễm lẫn tử vong đều đứng đầu.
Chỉ mới vài tháng trước, Tổng thống Trump còn coi nhẹ việc đeo khẩu trang và cũng không tỏ ra quá lo lắng với tình hình dịch bệnh trên toàn nước Mỹ. Ông cũng là người ủng hộ việc nhanh chóng mở cửa lại nền kinh tế. Chính sách của ông Trump vấp phải sự phản ứng từ các chính trị gia đảng Dân chủ cũng như lãnh đạo các tiểu bang. Đến nay, nhiều người vẫn đổ lỗi rằng tình hình dịch bệnh phức tạp là do cách phản ứng chậm chạp và chủ quan của Nhà Trắng.
Thế nhưng vài tuần trở lại đây, Tổng thống Trump đã có những thay đổi đáng kể trong cả phát ngôn lẫn hành động. Ông chủ động đeo khẩu trang và đề nghị người dân làm theo, nhấn mạnh lợi ích của việc đeo khẩu trang đối với phòng ngừa dịch bệnh. Mới đây nhất, chủ nhân Nhà Trắng cảnh báo cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ còn tồi tệ hơn trong thời gian tới. Cùng với những tuyên bố này, Tổng thống Trump và nhiều quan chức trong chính quyền của ông tiếp tục công kích Trung Quốc liên quan dịch Covid-19, đồng thời đưa ra hàng loạt cáo buộc về nguồn gốc vi rút SARS-CoV-2.
Lá bài Trung Quốc
Thế nhưng theo giới quan sát, để Tổng thống Trump giành lại thế trận giữa một nước Mỹ đang ngổn ngang các vấn đề đối nội, bên cạnh dập lửa từ bên trong thì việc tăng tốc nhắm ra bên ngoài là chiến thuật được ưu tiên. Trung Quốc chính là lá bài như thế. Những tuần vừa qua, chính quyền Tổng thống Trump đã tổng lực nhắm vào Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề và bằng nhiều hình thức khác nhau.
Tổng thống Trump đã không còn điện đàm hay dùng những lời “có cánh” để nói về mối quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ tháng 3. Đến tháng 7, chính quyền ông Trump gần như đã ngừng thảo luận về thương mại với Trung Quốc. Mỹ đồng thời ra lệnh trừng phạt Trung Quốc về một loạt chính sách của Bắc Kinh liên quan đến luật an ninh dành cho Hồng Kông; người Ngô Duy Nhĩ. Mỹ công khai bày tỏ lập trường về Biển Đông, biển Hoa Đông, căng thẳng biên giới Ấn – Trung, trong đó bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh tại khu vực. Mỹ cũng tăng tốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự, hoạt động bảo vệ tự do hàng hải nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc. Bên cạnh đó, chính quyền Washington đẩy mạnh gây sức ép với các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Huawei. Mới đây nhất, Mỹ yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston (bang Texas). Động thái này cùng với màn ăn miếng trả miếng của Trung Quốc (đóng cửa Tổng lãnh
sự quán Mỹ tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên) đã đẩy quan hệ Mỹ – Trung xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều thập niên qua.
Trang Politico dẫn lời một người ủng hộ ông Trump nói rằng: “Mọi người luôn coi Trung Quốc là đối thủ về kinh tế lấy đi việc làm của chúng tôi, nhưng giờ đây họ nhìn Trung Quốc là mối đe dọa an ninh”. Cũng theo trang này, Tổng thống Trump đang nhắm vào những vấn đề về Trung Quốc mà các chính quyền trước đây của Mỹ không coi là trọng tâm. Giới quan sát cho rằng việc sử dụng lá bài Trung Quốc sẽ giúp ông Trump lấy lại sự ủng hộ. Thêm vào đó, ông có thể chứng minh với cử tri rằng chính quyền của ông sẽ quyết liệt với đối thủ chính Trung Quốc để bảo vệ lợi ích cho Mỹ và người dân Mỹ cả về kinh tế lẫn an ninh. Tuy vậy, một số đồng minh của ông Trump cảnh báo nếu không tính toán kỹ, chiến lược này có thể tác động ngược lại với Mỹ.

Nhà khoa học Trung Quốc

gian lận thị thực ra tòa án Mỹ

Hải Lam
Juan Tang, nhà khoa học Trung Quốc bị cáo buộc gian lận thị thực, ra hầu tòa án Quận Đông California lần đầu vào ngày 27/7 thông qua video, theo hãng tin AP.
Juan Tang, 37 tuổi, đã bị an ninh Mỹ bắt giam vào tối 23/7. Cô đã khai gian trong đơn xin thị thực Mỹ rằng cô chưa từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà điều tra đã tìm thấy những bức ảnh chụp Juan trong bộ quân phục Trung Quốc và phát hiện ra cô từng làm nghiên cứu tại Đại học Quân y Không quân Trung Quốc.
Juan đã được chỉ định một luật sư biện hộ liên bang. Thẩm phán Deborah Barnes cho rằng Juan có nguy cơ bỏ trốn nếu được tại ngoại nên tuyên bố bị cáo phải tiếp tục bị giam, trong khi luật sư của cô đang chuẩn bị hồ sơ để giúp thân chủ được tại ngoại.
Tuần trước, Bộ Tư Pháp Mỹ cho biết họ truy tố Juan và 3 nhà khoa học khác sống ở Mỹ, cáo buộc họ che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc để có thể xin thị thực tới Mỹ dễ dàng hơn.
Các công tố viên cho biết Juan đã khai báo không trung thực trong đơn xin thị thực vào tháng 10 năm ngoái khi chuẩn bị đến làm việc tại Đại học California, Davis. Cô tiếp tục nói dối về mối liên hệ với quân đội Trung Quốc khi bị FBI thẩm vấn hồi tháng 6. Sau đó, Juan đã tới lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco để tránh lệnh bắt. Tuy nhiên, Juan đã bị an ninh Mỹ bắt giữ hôm 24/7 và bị giam tại nhà tù hạt Sacramento.
Đại học California, Davis cho biết Juan đã thôi vị trí nghiên cứu viên dự thính tại Khoa Nghiên cứu Xạ trị Ung thư của trường này. Văn phòng luật sư biện hộ liên bang ở Sacramento chưa phản hồi email đề nghị bình luận về vụ việc của Juan.
Vụ xét xử nhà khoa học Juan Tang diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung không ngừng leo thang trong những ngày gần đây. Mới đây, Mỹ ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, cáo buộc đây là “ổ gián điệp”. Bắc Kinh trả đũa bằng cách yêu cầu Washington đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.

Mỹ điều tra vụ gói hàng lạ chứa hạt cây

Triệu Hằng
Nhiều bang ở Mỹ đã ra thông báo và tiến hành điều tra những gói hàng lạ có chứa hạt cây.
Hôm 22/7, Bộ Nông nghiệp bang Utah (Mỹ) cho biết nhiều cư dân của bang nhận được các gói hàng mà họ không đặt mua, trong đó chứa những hạt cây.
Trên tờ thông tin vận chuyển dán trên một kiện hàng được nhắc đến, có nội dung ghi bằng chữ Trung Quốc cho biết nơi gửi là Giang Tô (Jiangsu), Trung Quốc.
Một vài người quan sát hình ảnh các gói hàng và cho rằng đây là những hạt cây chanh, cây bìm bìm hoặc rau muống, nhưng trên giấy vận chuyển dán trên bao bì ghi là trang sức.
Bộ Nông nghiệp và Dịch vụ Người tiêu dùng bang Virginia (VDACS) hôm 24/7 phát hành thông cáo báo chí về vụ việc tương tự.
Cư dân của các tiểu bang khác gồm Washington, Arizona, Indiana, Louisiana và Texas cũng báo cáo họ nhận được các gói hàng như vậy.
VDACS đưa ra cảnh báo, hạt cây trong các gói hàng này có thể là loài thực vật xâm lấn, chúng tàn phá môi trường địa phương bằng cách thế chỗ hoặc phá hủy những loài thực vật và côn trùng bản địa cũng như các loại cây trồng khác.
Theo trang tin Leportale, trong thời Chiến tranh lạnh, côn trùng và thực vật được sử dụng làm vũ khí trong chiến tranh sinh vật học.

Tom Cotton: Đừng tin chính quyền Trung Quốc,

 ‘họ lúc nào cũng chỉ nói dối’

Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Tom Cotton đã góp thêm sóng gió vào mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh khi khuyến cáo mọi người không nên tin bất kỳ điều gì từ chính quyền Trung Quốc.
Washington Examiner đưa tin, trong một cuộc hội thảo hôm hôm thứ Hai (27/7), vị nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa đại diện cho bang Arkansas tuyên bố: “Các bạn không bao giờ nên tin bất cứ điều gì mà Đảng Cộng sản Trung Quốc nói với các bạn. Họ lúc nào cũng chỉ nói dối”.
Phát biểu trước khán giả là những người đang đeo khẩu trang để phòng tránh dịch viêm phổi Vũ Hán, ông Cotton nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ “phải chịu trách nhiệm” về sự bùng phát của virus corona. Ông nhấn mạnh: “Họ phải chịu trách nhiệm về điều đó”.
Thượng nghị sỹ Cotton lên án mạnh mẽ chính quyền Trung Quốc đã gây ra vô số thiệt hại về sinh mạng và việc làm trên khắp thế giới. Chính quyền Trung Quốc “vô cùng thờ ơ trước sự sống của con người”, ông Cotton nói.
Nhưng mặt khác, đại dịch Vũ Hán đã khiến nhiều người hiểu ra mối nguy hại mà chính quyền Trung Quốc đặt ra. Thượng nghị sỹ Cotton cho biết: “Nhân dân Mỹ đã nhìn thấy bộ mặt thật của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Ông Cotton, sinh năm 1977, là một trong những thượng nghị sỹ trẻ nhất của Hoa Kỳ. Ông thường xuyên có những lời chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào chính quyền Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Vào đầu tháng 7, ông Cotton cảnh báo người dân không nên sử dụng ứng dụng TikTok của Trung Quốc, trong bối cảnh nhiều thông tin nghi ngờ mạng xã hội này là công cụ gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cũng trong cuộc hội thảo hôm 27/7, bà Marsha Blackburn, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ bang Tennessee, đã trình bày một số biện pháp có thể khiến Trung Quốc phải trả giá, trong đó bao gồm đề xuất hạn chế thị thực cho du học sinh Trung Quốc.
Cả ông Cotton và bà Blackburn đều đang vận động cho các dự luật trừng phạt Trung Quốc. Washington Examiner cho biết, bà Blackburn kỳ vọng sẽ có một số biện pháp trở thành hiện thực, nhưng bà nói thêm rằng sẽ không có gì xảy ra nếu Tổng thống Trump bị đánh bại bởi ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử sắp tới. Nữ nghị sỹ đánh giá ông Biden là người “đồng cảm với chế độ cộng sản” Trung Quốc.

Một thành phồ của tiểu bang Vermont

bị ảnh hưởng nặng nề trước thông tin

nhân viên di trú bị buộc phải nghỉ không lương

Tin từ St. Albans, Vermont – Ở thành phố nhỏ của tầng lớp lao động St. Albans, tin tức về việc trung tâm của Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) có thể sẽ cho nhân viên nghĩ không lương, nếu cơ quan này không nhận được 1.2 tỷ Mỹ kim vào trước ngày 03/08/2020, làm cho mọi người lo lắng.
Cơ quan USCIS sẽ phải buộc 2/3 nhân sự của cơ quan, tương đương 19,000 người, nghỉ không lương.
Hôm thứ Sáu (24 tháng 7), thượng nghị sĩ Patrick Leahy của Vermont xác nhận rằng hạn chót buộc nhân viên nghỉ không lương đã dời đến 31/08/2020. Ở tiểu bang Vermont, cơ quan này đã thuê khoảng 1,700 nhân viên cho một số địa điểm, và khoảng 1,100 người đã nhận được thông báo cho nghỉ không lương.
Tỷ lệ thất nghiệp của thành phố trước đại dịch là 2.7%, và đã tăng lên 11.4% vào tháng 06/2020. USCIS nhận được gần như toàn bộ ngân sách 4.8 tỷ Mỹ kim từ các khoản lệ phí thu từ đơn xin cấp phép cư trú
hoặc làm việc tại Hoa Kỳ. Doanh thu đã giảm dưới thời tổng thống Trump, sau khi chính quyền của ông áp đặt một số hạn chế di dân.
Cơ quan này cho biết dịch COVID-19 khiến doanh thu giảm một nửa. Nhưng vẫn còn hy vọng Quốc hội sẽ giúp. Một dự luật được giới thiệu hôm 09/07/2020 sẽ cấp tài trợ khẩn cấp và ủy quyền cho cơ quan này hoàn lại tiền với khoản phụ phí 10% đối với khoản lệ phí cho đơn xin cư trú và làm việc.
Chưa rõ liệu Quốc hội có thông qua dự luật này trước khi tạm đóng cửa vào tháng 08/2020 hay không. (BBT)

Portland tiếp tục rối loạn vì biểu tình

Tin Portland, Oregon – Cuộc biểu tình lớn tại Portland, Oregon, vào tối Chủ Nhật, 22 tháng 7, đã bắt đầu một cách ôn hòa, nhưng sau đó trở nên hỗn loạn vào rạng sáng thứ Hai, khiến cảnh sát liên bang phải dùng hơi cay để trấn áp đám đông.
Trong thời gian qua, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại Portland để phải đối tình trạng cảnh sát dùng vũ lực quá mức, đồng thời yêu cầu đối xử bình đẳng giữa các sắc tộc. Trước đó cũng vào Chủ Nhật, một chiếc túi chứa các hộp đạn súng trường có đầy đạn và nhiều chai bom xăng đã được tìm thấy tại một công viên, nơi các cuộc biểu tình diễn ra trong suốt 2 tháng qua, sau cái chết của người đàn ông da đen tên George Floyd.
Nhà chức trách đã đăng hình chiếc túi lên Twitter, nói rằng có người đã chỉ cho cảnh sát chiếc túi này tại công viên Lownsdale. Chiếc túi được tìm thấy chỉ vài giờ sau khi có 2 người bị bắt vì liên quan đến một vụ nổ súng cũng tại công viên này. Lực lượng công lực đến hiện trường lúc 7 giờ rưỡi tối. Một người được cho là nạn nhân bị bắn đã được đưa đến bệnh viện bằng xe tư nhân, và không bị nguy hiểm đến tính mạng. Hiện chưa rõ các sự việc này có liên quan đến các cuộc biểu tình hay không.
Portland đã chứng kiến các cuộc biểu tình gần như mỗi đêm kể từ khi George Floyd thiệt mạng tại Minnepolis vào tháng 5. Tổng Thống Trump nói ông đã gởi cảnh sát liên bang đến Portland để trấn áp bạo loạn, nhưng các viên chức tiểu bang và địa phương nói rằng chính quyền liên bang chỉ đang làm tình hình tồi tệ thêm. (Ngô Bảo)

Cảnh sát thành phố Long Beach công bố

đoạn video quay lại cảnh nghi can trộm cắp

giết chết nhân viên cửa hàng bán rượu

Vào thứ bảy (ngày 25 tháng 7), Sở cảnh sát thành phố Long Beach đã công bố đoạn video giám sát quay lại cảnh một nghi can trộm cắp đã giết chết nhân viên cửa hàng bán rượu khi đang chạy trốn. Sự việc xảy ra trên đường Anaheim Street gần Magnolia Avenue vào tối thứ năm (ngày 23 tháng 7).
Cảnh sát cho biết khi đến địa điểm trên, họ tìm thấy một người đàn ông ngoài 50 tuổi đang nằm trên mặt đất. Các cảnh sát điều tra sau đó xác định rằng người đàn ông này là một nhân viên bán hàng tại một cửa hàng rượu ở khối 300 West Anaheim Street.
Khi nghi can thực hiện hành vi trộm cắp tại cửa hàng rồi lên xe bỏ chạy, nạn nhân đã đuổi theo và nhảy lên nóc chiếc xe sedan của nghi can để ngăn cản anh ta. Nghi can vẫn tiếp tục lái xe, và tại một thời điểm nạn nhân đã rơi khỏi nóc xe và thiệt mạng.
Sở cảnh sát Long Beach đã công bố ba đoạn video cho thấy nghi can lượn lờ xung quanh cửa hàng, trong đó có một đoạn video quay lại cảnh xe của nghi can trên đường bỏ chạy và một đoạn khác cho thấy chiếc xe quay chữ U và nhân viên rơi khỏi nóc xe.
Chính quyền thành phố kêu gọi bất cứ ai có thể xác định nghi can hãy tiến hành khai báo. Cảnh sát đã không công bố danh tính của nạn nhân. Những ai có thông tin có thể liên lạc với các thám tử Oscar Valenzuela và Eric Thai theo số (562) 570-7244. Những người muốn ẩn danh có thể gọi số 1-800-222-TIPS (8477), hoặc nhắn  “TIPLA” và nội dung thông tin của họ đến số  274637 (CRIMES) hoặc truy cập trang web lacrimestoppers.org. (BBT)

Cảnh sát đụng độ với người biểu tình tại trung tâm

thành phố Los Angeles; 4 người bị bắt

Vào chủ nhật (ngày 26 tháng 7), Sở cảnh sát Los Angeles (LAPD) cho biết họ đã tiến hành bắt giữ 4 người sau khi một cuộc đụng độ giữa người dân và cảnh sát xảy ra trong một cuộc biểu tình ôn hòa vào một ngày trước đó.
Theo LAPD, vào 5 giờ 30 chiều ngày thứ bảy (25 tháng 7), một số người trong đám đông người biểu tình đã bắt đầu “trực tiếp tấn công cảnh sát” và phá hoại tài sản . Ban đầu, cuộc biểu tình được mô tả là ôn hòa khi người dân bắt đầu tập trung bên ngoài Tòa thị chính và Tòa nhà Liên bang trên đường North Los Angeles Street. Nhưng đến 7 giờ tối, LAPD đã đưa ra khuyến cáo chiến thuật cho toàn bộ cảnh sát tại thành phố.
Các đoạn video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát đã sử dụng dùi cui để đàn áp người biểu tình. Tại một thời điểm, một viên cảnh sát được nhìn thấy đang nói chuyện với một người phụ nữ cầm điện thoại, sau đó viên cảnh sát này đã đẩy ngã cô. Sau đó, một người đàn ông xuất hiện và đánh gục viên cảnh sát trước khi cuộc hỗn chiến giữa cảnh sát và thường dân nổ ra.
Sở cảnh sát cho biết 4 cảnh sát và 3 người biểu tình đã bị thương nhẹ. Trong số những người bị bắt giữ, 3 người bị cáo buộc đã tấn công cảnh sát và người còn lại, được cho là đã sử dụng dao rựa, bị bắt giữ vì gây náo loạn trật tự.
Cảnh sát trưởng Michel Moore cho biết LAPD cam kết đảm bảo rằng người dân Los Angeles có thể tham gia biểu tình ôn hòa theo Tu Chánh Án Thứ Nhất, nhưng họ sẽ không cho phép các hành vi bạo lực và phá hoại tài sản khiến cảnh sát, người biểu tình, hay dân thường bị thương. (BBT)

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ

Robert O’Brien mắc Covid-19

Tổng thống Trump chọn ông O’Brien làm cố vấn an ninh quốc gia hồi tháng Chín năm ngoái
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, Robert O’Brien, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona, Tòa Bạch Ốc xác nhận.
Ông O’Brien, 54 tuổi, đã tự cách ly và làm việc từ nhà.
Ông có các triệu chứng nhẹ và không có nguy cơ làm lây bệnh sang cho ông Trump hoặc cho Phó Tổng thống Mike Pence, theo nội dung một tuyên bố.
Ông O’Brien là quan chức cao cấp nhất trong chính quyền ông Trump có kết quả dương tính, tính đến nay.
Hiện chưa rõ lần cuối ông gặp Tổng thống Trump là khi nào, nhưng họ có vẻ như đã đi cùng nhau hồi hai tuần trước, trong một chuyến đi tới Miami.
Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc viết: “Ông có các triệu chứng nhẹ và đã tự cách ly, làm việc ở nhà tại một địa điểm an toàn. Không có nguy cơ làm lây nhiễm ra tổng thống hoặc phó tổng thống. Công việc của Hội đồng An ninh Quốc gia tiếp tục diễn ra, không bị gián đoạn.”
Một nguồn nói với hãng tin Bloomberg rằng ông O’Brien đã ra khỏi văn phòng một tuần, và ông cố vấn lây nhiễm virus sau một sự kiện của gia đình.
Tất cả những ai gần cận với tổng thống đều được xét nghiệm thường xuyên đối với bệnh Covid-19.
Một số người ở trong và liên quan tới chính phủ đã có kết quả xét nghiệm dương tính, trong đó có một thành viên quân sự làm công tác phục vụ hậu cần của Tòa Bạch Ốc, thư ký báo chí của ông Pence là Katie Miller, và một thủy quân lục chiến thuộc đội lái trực thăng.
Robert O’Brien là ai?
Được đào tạo để trở thành luật sư, ông có bề dày trong sự nghiệp ngoại giao, làm việc dưới cả chính quyền Cộng hòa lẫn Dân chủ.
Ông được chọn thay cho ông John Bolton vào chức cố vấn an ninh quốc gia từ tháng Chín năm ngoái, sau khi ông Bolton bất hòa trầm trọng với Tổng thống Trump.
Ông O’Brien có các quan điểm giống với Tổng thống Trump trong một số vấn đề, như chỉ trích Liên Hiệp Quốc và phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Ông O’Brien trong tháng này đã tới Paris để thảo luận về các chính sách ngoại giao với những người tương nhiệm ở châu Âu, và đã có bài phát biểu tại Arizona hồi tháng Sáu trong đó ông so sánh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin.

Kế hoạch hỗ trợ kinh tế của Đảng Cộng Hòa

sẽ cắt trợ cấp thất nghiệp

Tin Washington DC. –  Sau nhiều ngày thương lượng với Tòa Bạch Ốc, đảng Cộng Hòa Thượng Viện đã công bố kế hoạch hỗ trợ kinh tế trị giá 1 ngàn tỷ Mỹ kim vào chiều thứ Hai, 27 tháng 7.
Đây là một số điều khoản trong kế hoạch hỗ trợ kinh tế vừa được đưa ra: tiền hỗ trợ thất nghiệp liên bang sẽ được tính ở mức 70% tiền lương của người lao động trước đó, thay thế cho 600 Mỹ Kim mỗi tuần mà các tiểu bang đã ngừng trả trong tuần này.
Đảng Cộng Hòa sẽ cộng thêm $200 Mỹ Kim mỗi tuần trên số tiền thất nghiệp tiểu bang cấp cho đến tháng 9, cắt giảm những gì họ nhận được từ tháng 4 đến tháng 7. Vào tháng 10, mức bù đắp 70% lương sẽ có hiệu lực, và lên tới tối đa 500 Mỹ Kim mỗi tuần. Sẽ gửi các khoản thanh toán trực tiếp lần lượt là 1,200 Mỹ kim và 2,400 Mỹ Kim cho các cá nhân và các cặp vợ chồng. Tiêu chuẫn nhận được chi phiếu cũng giống như đã thực hiện vào tháng 3.
Các khoản thanh toán bắt đầu giảm dần ở mức lương trung bình 75,000 Mỹ Kim thu nhập mỗi người, và các cá nhân hoặc cặp vợ chồng kiếm được trung bình 99,000 Mỹ Kim trở lên không nhận được. Kế hoạch cũng sẽ cung cấp thêm $500 Mỹ Kim cho mỗi người phụ thuộc ở mọi lứa tuổi.
Gói hỗ trợ đề nghị sẽ bao gồm 105 tỷ Mỹ Kim cấp cho các trường học, cung cấp thêm một đợt chi trả trực tiếp, 16 tỷ Mỹ kim cho chương trình xét nghiệm Covid-19, cấp thêm $190 tỷ Mỹ Kim cho  quỹ hỗ trợ cơ sở kinh doanh nhỏ Paycheck Protection Program, đồng thời ưu đãi thuế cho các chủ hãng xưởng để thuê lại nhân viên và thiết kế lại nội thất văn phòng. (BBT)

Tới cuối năm công chúng

có thể có vaccine của Moderna để dùng

Tới cuối năm nay vaccine chống COVID của công ty Moderna có thể sẵn sàng cho sử dụng rộng rãi, giới chức Mỹ và quan chức công ty loan báo ngày 27/7 sau khi Moderna thông báo khởi sự thử nghiệm trên 30 ngàn người để chứng tỏ vaccine hiệu quả và an toàn trước khi được cấp phép về luật lệ.
Các nhà sản xuất đang tăng cường sản xuất trong lúc thử nghiệm để đáp ứng với COVID càng sớm càng tốt.
Giới chức Moderna nói tới lúc vaccine được chứng minh an toàn hiệu quả, Moderna có thể đã có hàng chục triệu liều vaccine sẵn sàng và hiện đang trên đà có thể sản xuất 500 triệu liều mỗi năm, có thể lên tới 1 tỷ liều/năm, bắt đầu từ năm sau.
Những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm sẽ nhận được hai lần tiêm cách nhau khoảng 28 ngày, hoặc là vaccine hoặc là giả dược.
Kết quả cuộc nghiên cứu quy mô nhỏ, giai đoạn đầu, công bố tháng này cho thấy các tình nguyện viên nhận 2 liều vaccine của Moderna có mức kháng thể chống virus vượt hơn mức trung bình của những người hồi phục từ COVID.

Vac-xin ngừa Covid-19 :

Mỹ bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối

Minh Anh
Tại Mỹ, cuộc thử nghiệm vac-xin ngừa Covid-19 ở người trên diện rộng đầu tiên bắt đầu từ ngày 27/07/2020. Những kết quả đầu tiên sẽ được công bố vào mùa thu này. Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ nhanh chóng đưa vac-xin ra thị trường ngay khi được phép.
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường thuật :
« Là khách mời trong một chương trình của CNN, bác sĩ Anthony Fauci nói về một bước tiến quan trọng trong cuộc đua bào chế vac-xin ngừa virus corona chủng mới. Ông nói : ʺNhững kết quả thử nghiệm đầu tiên cho đến lúc này mang nhiều hy vọng. Tôi vẫn thận trọng bởi vì chúng tôi không thể bảo đảm một điều gì cả, nhưng tôi lạc quan về việc chúng ta sẽ có một vac-xin hiệu quả.
Ba mươi ngàn người đang tham gia vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng để thẩm định tính hiệu quả của loại vac-xin do hãng công nghệ sinh học Moderna phát triển. Chuyên gia y tế của Nhà Trắng cho rằng người ta sẽ biết được những kết quả đầu tiên vào tháng 11/2020 tới đây.
Những tiến bộ đó cũng được tổng thống Mỹ hoan nghênh. Hôm qua, Donald Trump đã đến thăm một xưởng sản xuất các hoạt chất của vac-xin. Ông cam kết ngay khi có thể, vac-xin sẽ được đưa ra thị trường, có khả năng là vào năm tới theo như ông nói, nhờ vào việc thúc đẩy nhanh hơn các quy trình.
Ông tuyên bố : ʺThay cho những quy trình xét nghiệm và thử nghiệm thông thường, tiếp theo khâu sản xuất, chiến lược của chúng ta là tiến hành các bước cùng một lúc. Như vậy, mọi việc sẽ được thực hiện cùng lúc ».
Nói một cách khác, ngay khi việc thử nghiệm trên người bắt đầu, vac-xin đã bước vào giai đoạn sản xuất. Ít nhất có loại vac-xin khác được nghiên cứu ở Mỹ sẽ phải bước qua giai đoạn thử nghiệm trên diện rộng trong những tuần sắp tới. »

Giá một liều vaccine

chống COVID tối đa có thể 40 đô

Các nhà điều phối một kế hoạch bảo đảm sự tiếp cận công bằng vaccine chống COVID trên toàn cầu đang nghiên cứu nhiều mức giá khả dĩ cho các liều vaccine mà trong đó mức cao nhất là 40 đô la/liều, một vị đồng lãnh đạo dự án cho biết ngày 7/7.
Seth Berkley, giám đốc điều hành liên minh vaccine GAVI, đơn vị đồng dẫn đầu COVAX được lập ra để đảm bảo sự tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vaccine chống COVID, cho hay hiện chưa nhắm mức giá cụ thể nào và sẽ thương lượng giá tương ứng dành cho nước giàu, nước nghèo.
COVAX do GAVI, Tổ chức Y tế Thế giới và Liên minh Sáng kiến Sẵn sàng cho Đại dịch đồng lãnh đạo.
Họ nhắm mục tiêu bảo đảm nguồn cung ứng và chuyển giao 2 tỷ liều vaccine cho các nước đăng ký trước cuối năm sau.
GAVI cho hay tới nay hơn 75 nước muốn gia nhập COVAX.
Ông Berkley xác nhận rằng COVAX bắt đầu thu thập các con số ước lượng nhưng chưa có mức giá chắc chắn.
Ông Berkley, thông qua GAVI thương lượng với các nhà sản xuất mua vaccine số nhiều để sử dụng cho các nước nghèo, cho biết các hãng dược thường dùng phương pháp bậc thang mà qua đó nước nghèo chi trả một mức giá nào đó, nước có thu nhập trung bình phải chi trả cao hơn và nước giàu phải mua với giá cao nhất.

Mỹ: Các tập đoàn bán lẻ

đóng cửa mùa lễ Tạ ơn vì COVID

Tập đoàn bán lẻ quy mô và phổ biến ở Mỹ, Target, đóng toàn bộ cửa hàng của họ trên cả nước trong dịp Lễ Tạ ơn năm nay để bảo đảm sức khoẻ cộng đồng giữa đại dịch COVID, đại công ty bán lẻ này loan báo ngày 27/7.
Tập đoàn Walmart đối thủ vào tuần trước cũng thông báo sẽ không hoạt động dịp lễ Tạ ơn năm nay.
“Hơn bao giờ hết ngày nghỉ lễ năm nay sẽ đi liền với sự an toàn,” giám đốc điều Target, Brian Cornell, nói.
Tập đoàn bán lẻ có trụ sở ở Minneapolis, Minnesota, này sẽ khởi sự các chương trình khuyến mãi mùa lễ vào tháng Mười và sẽ đưa thêm 20 ngàn sản phẩm kể cả rau quả tươi vào danh sách dịch vụ giao nhận vốn phổ biến trong mùa dịch COVID vì nhiều khách hàng không dám tới tiệm mua sắm.
Target điều hành gần 1.900 tiệm bán lẻ trên toàn quốc.

Nhà đầu tư Canada đối mặt với rủi ro lớn hơn Mỹ

khi đầu tư vào các công ty Trung Quốc

Bình luậnThủy Tiên
Các công ty Trung Quốc đặt mục tiêu thu hút đô-la Mỹ bằng mọi giá như một phần của “cuộc chiến tranh kinh tế thầm lặng”. Các nhà đầu tư Mỹ đã bị “quả đắng” với hàng tá doanh nghiệp “nói dối” Trung Quốc nhưng các nhà đầu tư Canada cũng chẳng khá hơn bởi chuẩn mực kế toán và pháp luật của Canada dường như đang “bảo kê” cho sự lừa dối này.
Nhà đầu tư hãy cẩn thận khi đầu tư vào cổ phiếu của các công ty Trung Quốc, chưa kể các doanh nghiệp có hoạt động chủ chốt ở Trung Quốc.
Và nhà đầu tư Canada dễ bị tổn thương hơn nhà đầu tư Mỹ khi bị các doanh nghiệp Trung Quốc lừa đảo về tài chính – chẳng hạn như doanh thu và giá trị tài sản bị thổi phồng – do các chuẩn mực kế toán quốc tế của Canada lỏng lẻo hơn, điều này khiến các nhà quản lý cấp cao của doanh nghiệp Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc thổi phồng và làm giả số liệu, theo kế toán điều tra Al Rosen.
“Mọi người nghĩ rằng họ có khoản đầu tư hứa hẹn và dễ dàng, nhưng vấn đề là, các sản phẩm tài chính dễ dàng và hứa hẹn như vậy được tạo ra để thao túng”, ông Rosen chia sẻ với The Epoch Times.
Sự dối trá tài chính là một phần của kế hoạch tổng thể của Trung Quốc, theo Carson Block, người sáng lập và là nhà đầu tư trưởng của Muddy Waters Capital. Ông nói rằng Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến kinh tế không công khai nhằm chống lại phương Tây.
“Hệ thống này do đó bảo vệ các công ty gian lận đang niêm yết ở Mỹ, và huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ, tôi nghĩ nó là một “vòi bạch tuộc” của chiến lược thị trường vốn. Đó là một công cụ được thiết kế có mục đích của cuộc chiến kinh tế không công khai này”, ông Block nói.
Ông đã phát biểu tại một nhóm hội thảo của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) tại Washington, D.C., vào ngày 9/7, về việc đầu tư vào các thị trường mới nổi. Các cuộc thảo luận tập trung gần như chủ yếu vào Trung Quốc vì đây là nơi đây tập trung lớn nhất về các thị trường mới nổi  ở mức 41%, theo các chỉ số của Morgan Stanley.
Tham nhũng dẫn đến gian lận
Ông Block giải thích rằng nhiều thị trường mới nổi thiếu tiêu chuẩn pháp luật vẫn thấy ở các nền dân chủ phương Tây. Vấn đề đặt ra là ngay cả khi một công ty được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Bắc Mỹ, khả năng thực thi quyết định của tòa án Canada hoặc Mỹ bị hạn chế ở nước ngoài.
Do Trung Quốc có một hệ thống luật yếu hơn nhiều, ông Block đặt câu hỏi tại sao các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải sẵn sàng tuân thủ triệt để các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn của phương Tây.
Ở Trung Quốc, tham nhũng theo từng tầng từ trên xuống, ông Block nói.
“Nếu bạn có một lãnh đạo tham nhũng thì phần lớn xã hội sẽ vận hành theo cách đó. Và điều đó có nghĩa là nhiều người đến kiểm soát các doanh nghiệp lớn là những người hưởng lợi và tham gia vào hệ thống đó, những loại doanh nghiệp lớn này nằm trong danh sách niêm yết tại Hoa Kỳ”, ông cho biết.
Trong một cuốn sách mà ông Rosen đồng tác giả với con trai Mark của mình, “Nhà đầu tư mồi dễ dãi: Tại sao các mạng lưới an toàn bị phá vỡ đe dọa sự giàu có của bạn”, ông Rosen cho biết một số thao túng tài chính phổ biến bao gồm lợi nhuận vượt mức và dòng tiền. Các chương trình khác bao gồm trả lương điều hành thái quá thông qua các thỏa thuận bồi thường đầy thiếu sót.
Các nhà đầu tư tìm kiếm sự tăng trưởng đã bị lừa khi nghĩ rằng Sino-Forest một khi đã được niêm yết trên TSX thì đã là một đại diện cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nhưng Ủy ban Chứng khoán Ontario (OSC) đã phát hiện ra rằng công ty này đã ngụy tạo tài sản và sổ sách bán hàng và đưa ra những tuyên bố không chính xác cho các kiểm toán viên độc lập. Năm 2017, OSC phán quyết rằng Sino-Forest đã lừa gạt các nhà đầu tư và lừa dối điều tra viên.
Công ty Muddy Waters của Mỹ là công cụ đã khiến Sino-Forest đi đến hồi kết vào năm 2011.
Các công ty giống như Sino-Forest nằm tại Canada đều có mục đích, ông Rosen viết.
“Trên thực tế, các nhà đầu tư Canada được luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ tốt hơn nhiều so với các quy định lỏng lẻo tại quốc gia của họ”, ông chia sẻ trong cuốn sách của mình.
Canada dễ bị tổn thương hơn Hoa Kỳ, ông Rosen lập luận, đó là do các tiêu chuẩn kế toán mà nước này tuân theo – các tiêu chuẩn quốc tế sử dụng “kế toán theo chi phí hiện tại”. Phương pháp này dễ bị lạm dụng hơn vì các công ty có thể áp dụng các giả định màu hồng quá mức, chẳng hạn như khả năng tập hợp doanh thu hoặc tăng giá của một tài sản – trái ngược với việc định khoản theo giá gốc, theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ là Nguyên tắc Kế toán được Chấp nhận Chung (GAAP).
Đối với các tài sản của các thị trường mới nổi hoặc Trung Quốc, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng và thậm chí một số cổ phiếu được giao dịch không thường xuyên – được gọi là tài sản cấp 3, trong đó không có thời giá được xác định giữa người mua và người bán – ông Rosen cho biết đó là một sự kết hợp tồi tệ đối với Canada trong việc sử dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế.
“Bạn vấp phải một vấn đề ở đây, đó là làm thế nào tôi có thể tính toán một giá trị hiện tại mà không cần phải đưa ra hàng tá giả định”, ông Rosen cho biết.
Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã tăng cường nỗ lực trấn áp các công ty Trung Quốc, vì đây là vấn đề gây e ngại nghiêm trọng đối với Nhà Trắng; tuy nhiên, những lo ngại tương tự ở Canada rơi lên đầu chính quyền tỉnh, những người đã không cố gắng như vậy.
Bảo vệ nhà đầu tư không đủ
Roger Robinson Jr., chủ tịch và là CEO của RWR Advisory Group, một công ty chuyên theo dõi và đánh giá rủi ro của các doanh nghiệp nước ngoài do nhà nước kiểm soát, nói với hội đồng Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát tất cả các doanh nghiệp Trung Quốc và cấy ghép các tế bào của nó vào cơ cấu quản lý cấp cao của các doanh nghiệp này.
Điều 7 của Luật Tình báo Quốc gia Trung Quốc cho phép nhà nước kêu gọi các công ty và công dân Trung Quốc “hỗ trợ, trợ giúp và hợp tác với công việc tình báo nhà nước” và “giữ bí mật” về công việc đó đối với công chúng.
Điều gây phiền toái theo ông Robinson là một số công ty Trung Quốc không hợp pháp để các công ty Hoa Kỳ kinh doanh cùng, nhưng các nhà đầu tư vẫn có thể đầu tư vào các công ty này. Các công ty này có thể đồng lõa trong việc lạm dụng nhân quyền và là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, nhưng những thông tin đó không bắt buộc phải tiết lộ vì những rủi ro vật chất – có khả năng gây thiệt hại tiềm tàng đáng kể – cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ, theo ông Robinson.
Lấy ví dụ, các nhà đầu tư có thể sở hữu FTSE Emerging Markets All Cap China A Inclusion Index thông qua quỹ hoán đổi danh mục (ETF) của một công ty quản lý đầu tư. Các nhà đầu tư mua cổ phần trong một quỹ ETF như vậy đang vô tình cung cấp vốn đô-la Mỹ cho một số trong khoảng 20 công ty mà Lầu Năm Góc cho biết đang bị sở hữu hoặc kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc, như Tập đoàn điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc. Các công ty như vậy có thể phải đối mặt với các chế tài bổ sung của Mỹ.
Ông Robinson nhắc lại rằng Trung Quốc là một quốc gia độc tài và Hoa Kỳ cần đưa họ vào kỷ luật nhiều hơn trong thực thi quy định. Do các công ty Trung Quốc này thiếu sự siêng năng và SEC nên nhìn nhận việc lạm dụng nhân quyền và rủi ro an ninh quốc gia như là yếu tố cần thiết cho các nhà đầu tư. Hội đồng Giám sát Kế toán công ty công, một cơ quan của Hoa Kỳ được thành lập để bảo vệ các nhà đầu tư bằng cách giám sát kiểm toán được thực hiện cho các công ty giao dịch công khai cũng nên làm như vậy.
“Chúng ta cần bắt đưa vào kỷ luật nhiều hơn và thực thi quy định nhiều hơn so với chúng ta đang làm hiện ngày. Chương trình ‘bữa trưa miễn phí’ trị giá hàng nghìn tỷ đô-la này cho Trung Quốc là không thể biện hộ được”, ông cho biết. “Chúng tôi đã xem xét các bản cáo bạch. Chúng tôi đã xem xét các hồ sơ của SEC. Và một số rủi ro rõ ràng nhất không có ở đó. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta có rất nhiều việc phải làm ở đây”.
Ông Rosen cho biết các nhà quản lý thị trường tài chính tỉnh của Canada không thể làm gì nhiều đối với những rủi ro bất chính này.
Ủy ban Chứng khoán British Columbia (BCSC) chia sẻ với The Epoch Times rằng chính ban lãnh đạo công ty chịu trách nhiệm xác định đâu là yếu tố cần thiết cho nhà đầu tư và cơ quan quản lý có thể ngăn công ty niêm yết nếu họ tin rằng công ty không tiến hành kinh doanh một cách chính trực.
“Luật Chứng khoán không giới hạn các hoạt động kinh doanh. Thay vào đó, họ yêu cầu tiết lộ kịp thời các thông tin cần thiết để các nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt”, BCSC nói với The Epoch Times.
Nhiều Sino-Forests ngoài kia?
Có vẻ như các cơ quan quản lý và kế toán của Hoa Kỳ và Canada hơi quá tham vọng khi mong đợi sự hợp tác lớn hơn từ Trung Quốc xét đến những tham nhũng vốn có, sự coi thường luật pháp và chiến lược thị trường vốn của họ là một phần của một “cuộc chiến kinh tế thầm lặng” lớn hơn giống như ông Block đã đưa ra.
Chuyên gia về Trung Quốc, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg Asia, cho biết ông tin rằng nước này không có ý định thực sự hợp tác với chính quyền Hoa Kỳ.
“Trung Quốc phải là gian lận chứng khoán giống như Thung lũng Silicon phải là công nghệ”, ông Block cho biết. Trong chiến lược đầu tư bán khống cổ phiếu của công ty mình – tranh thủ sự giảm giá trị cổ phiếu – Trung Quốc sẽ chiếm 20% – 25% mục tiêu của họ.
Ông cũng cảnh báo rằng kiểm toán có thể cung cấp một cảm giác an toàn sai lầm cho các nhà đầu tư. Chúng có ý nghĩa là để kiểm tra rằng các tiêu chuẩn kế toán đã được tuân thủ đúng. Chúng không có ý nghĩa là để bắt hoặc ngăn chặn gian lận.
Ông Rosen đã làm chứng tại tòa án tối cao Singapore về một số kẻ lừa đảo tài chính ở đó đã gây ra tổn thất lớn cho các nhà đầu tư có trụ sở tại Canada.
“Đến một điểm nào đó, nó phải nổ tung”, ông Rosen cho biết.
Kế hoạch Hưu trí Canada trị giá 400 tỷ USD, một trong những quỹ hưu trí lớn nhất thế giới, có kế hoạch tăng cường đầu tư vào Trung Quốc lên 20% tài sản của quỹ đến năm 2025.
Thủy Tiên
Theo The Epoch Times

Nhiễm Covid-19

sẽ bị tổn thương não nghiêm trọng?

Zoe Cormier
Một số nhà khoa học nghi ngờ rằng bệnh Covid-19 gây suy hô hấp và dẫn đến chết người không phải vì nó làm tổn thương phổi mà là làm hại não – và gây ra một số triệu chứng khác như nhức đầu, đột quỵ và co giật.
Với Julie Helms, mọi việc bắt đầu khi một số bệnh nhân nhập viện trong khu cấp cứu bà làm việc ở Bệnh viện Đại học Strasbourg ở miền đông bắc nước Pháp vào đầu tháng 3/2020.
Chỉ vài ngày sau, tất cả bệnh nhân ở khu cấp cứu đều là bệnh nhân nhiễm Covid-19 – và không chỉ tình trạng khó thở họ gặp phải khiến bà lo ngại.
“Họ cực kỳ bồn chồn, và rất nhiều người bị vấn đề thần kinh – chủ yếu là bị lẫn và mê sảng,” bà mô tả.
“Chúng tôi quen với tìng trạng một số bệnh nhân khi nhập viện cấp cứu sẽ bồn chồn và cần phải có biện pháp an thần, nhưng tình huống này hoàn toàn bất thường. Mọi việc cực kỳ đáng sợ, đặc biệt vì rất nhiều người chúng tôi điều trị còn rất trẻ – đa số họ ở tuổi 30 và 40, thậm chí có cả một người mới 18 tuổi.”
Helms và đồng nghiệp của bà công bố một nghiên cứu nhỏ trên Tạp chí Y khoa New England, ghi nhận những triệu chứng thần kinh ở bệnh nhân Covid-19 họ điều trị, từ những khó khăn trong nhận thức đến tình trạng bị lẫn.
Tất cả dấu hiệu của “bệnh não” (“encephalopathy” – định nghĩa chung chỉ tình trạng não bị thương tổn) – xu hướng mà các nhà nghiên cứu ở Vũ Hán cũng thấy xảy ra ở bệnh nhân nhiễm virus corona vào tháng Hai.
Giờ đây, hơn 300 nghiên cứu khắp thế giới đã nhận thấy tỷ lệ những bất thường về thân kinh ở bệnh nhân Covid-19, trong đó gồm có các triệu chứng nhẹ như nhức đầu, mất vị giác (anosmia) và cảm giác bị tê ngứa (arcoparasthesia), đến những hệ quả nghiêm trọng hơn như tình trạng mất ngôn ngữ (aphasia), đột quỵ và co giật.
Điều mới được phát hiện thêm, đó là bên cạnh việc gây ra bệnh về hô hấp cấp, virus còn có thể tàn phá thận, gan, tim và gần như tất cả mọi cơ quan trong cơ thể người.
Các kỹ thuật viên nghiên cứu virus Covid-19 trong phòng thí nghiệm ở Buenos Aires, Argentina; hơn 300 nghiên cứu đã phát hiện ra những bất thường về thần kinh ở bệnh nhân Covid-19
“Chúng tôi vẫn chưa biết chắc liệu các tình trạng tổn thương não ở Covid-19 có nghiêm trọng hơn những loại virus khác hay không, nhưng tôi có thể cho bạn biết chúng tôi đã thấy rất nhiều trường hợp như vậy,” nhà thần kinh học Elissa Fory từ Quỹ Henry Ford ở Detroit, bang Michigan cho biết.
“Khi số ca bệnh tăng lên, bạn sẽ bắt đầu thấy không chỉ những biểu hiện thông thường mà còn cả những biểu hiện hiếm gặp – và chúng tôi thấy chúng xuất hiện tất cả đồng loạt – đây không phải là điều mà bất cứ ai trong chúng tôi từng gặp trong đời.”
Ước tính tỉ lệ chính xác khác nhau, nhưng có vẻ như khoảng 50% bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm Sars-CoV-2 – loại virus gây ra bệnh Covid-19 – đều gặp phải những vấn đề về thần kinh.
Mức độ và tình trạng nghiêm trọng mà các vấn đề thần kinh này hầu như vẫn chưa được chú ý đến.
Hầu hết mọi người, gồm cả bác sĩ, có thể không nhận diện được bất thường về mặt thần kinh như triệu chứng gì và khi nào chúng xuất hiện – một số gặp phải tình trạng co giật nhưng bề ngoài lại trông như bị choáng, không có run rẩy hay co giật gì cả.
Với máy móc liên tục có tiếng bíp, cùng những loại thuốc an thần và cách ly trên giường bệnh, môi trường trong phòng hồi sức cấp cứu ICU có thể làm trầm trọng thêm và gây tình trạng mê sảng, khiến ta khó lòng liên kết với các triệu chứng do virus gây ra.
Và tình hình càng thêm phần phức tạp, khi nhiều người chịu tác động từ virus Sars-CoV-2 không bao giờ thực sự được xét nghiệm xem có virus không, đặc biệt nếu họ không có triệu chứng ho hay sốt.
Điều đó có nghĩa là nếu họ có biểu hiện các triệu chứng thần kinh, thì ta có thể sẽ không bao giờ biết liệu nó có liên quan đến Sars-CoV-2 hay không.
Nhân viên y tế thu thập mẫu xét nghiệm Covid-19 ở New Delhi; rất nhiều người nhiễm virus không bao giờ được xét nghiệm
“Trong thực tế, có một số phần trăm đáng kể bệnh nhân Covid-19 chỉ có triệu chứng bị lẫn mà thôi”- họ không ho hay mệt mỏi gì, Robert Stevens, phó giáo sư về ngành gây mê và y học cấp cứu tại Trường Y Johns Hopkins Medicine ở Baltimore, bang Maryland, nói.
“Chúng ta đang đối mặt với đại dịch thứ cấp về bệnh thần kinh.”
Một căn bệnh khác
Từ khi đại dịch bắt đầu, người ta ngày càng hiểu rõ rằng Sars-CoV-2 không chỉ là phiên bản tăng cường của loại virus gây bệnh cảm thông thường: nó có một số những tính chất kỳ quặc, bất thường và đôi khi đáng sợ.
Chẳng hạn, hầu hết các đại dịch do virus gây ra (như bệnh cúm) có đường cong tử vong “hình chữ U”, là căn bệnh gây chết người kể cả với những bệnh nhân rất nhỏ tuổi và rất lớn tuổi.
Nhưng virus Sars-CoV-2 cơ bản chỉ gây triệu chứng nhẹ ở trẻ em. Loại virus corona này ảnh hưởng rất không cân xứng với đàn ông: đến 70% bệnh nhân nhập viện ở các phòng cấp cứu khắp thế giới là đàn ông, dù đàn ông và phụ nữ bị nhiễm ở tỷ lệ tương đương nhau.
Virus Sars-CoV-2 có một số tính chất khác thường – không giống với những đại dịch do virus khác gây ra, nó chỉ gây triệu chứng nhẹ ở trẻ em
Tình trạng “thiếu oxy hạnh phúc” là một bí ẩn khác. Thông thường trong máu người “độ bão hòa oxy” là khoảng 98%. Bất cứ chỉ số nào dưới 85% đều sẽ dẫn đến tình trạng bất tỉnh, hôn mê hoặc chết.
Thế nhưng một số lượng lớn bệnh nhân Covid-19 có độ bão hòa oxy trong máu giảm xuống dưới 70%, thậm chí dưới 60% nhưng vẫn hoàn toàn tỉnh táo và nhận thức bình thường.
Và rồi, còn có một thực tế là một lượng lớn bệnh nhân có virus không có triệu chứng gì cả. Ước tính cho số này khá khác nhau, nhưng một báo cáo xét nghiệm trên số lượng lớn từ Iceland cho thấy khoảng 50% dân số có mang virus không có bất kỳ triệu chứng nào.
Có lẽ đáng sợ nhất là: dù khoảng 80% người có bệnh Covid-19 sẽ thoát khỏi virus này dễ dàng, nhưng có một lượng phần trăm rất nhỏ sẽ bị bệnh ngày càng nặng và chỉ trong vài ngày là tử vong vì hệ hô hấp yếu và nhiều hệ nội tạng suy hoạt động. Rất nhiều trong số đó là người già hoặc những người có sẵn các bệnh lý nền, tuy không phải tất cả.
“Nếu ta đã học được gì trong vài tháng qua, thì đó là căn bệnh này, Covid-19, biểu hiện cực kỳ phức tạp,” Stevens nhận định.
“Giờ đây ta đã biết rằng căn bệnh ảnh hưởng đến rất nhiều hệ nội tạng khác nhau: bệnh nhân có thể chết không phải vì phổi bị suy giảm khả năng, mà còn vì suy thận, bị máu đông, bị bất thường về gan và các triệu chứng thần kinh.
“Tôi có nhiều bệnh nhân cấp cứu hồi phục trong hai đến ba ngày. Tôi cũng có những bệnh nhân đã nằm viện nhiều tháng.”
Nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 ở Porto Alegre, Brazil; một số bệnh nhân đã hồi phục trong hai ngày, một số khác phải nằm viện nhiều tháng
Có rất nhiều điều kỳ quặc khác Stevens để ý nhưng không thể giải thích.
“Bệnh nhân Covid-19 có vẻ như không phản ứng như lẽ thường với thuốc mà chúng tôi thường sử dụng – chúng tôi phải sử dụng số lượng thuốc nhiều gấp 5-10 lần để có thể gây mê, so với lượng thuốc thông thường sử dụng,” ông nói.
Các nhà virus học sẽ phải mất hàng năm để hiểu cơ chế sinh học của kẻ xâm lăng này. Và dù các nhà nghiên cứu đã xem xét kỹ lưỡng virus và nạn nhân của nó trong sáu tháng qua, đã công bố nhiều nghiên cứu khoa học ở số lượng chưa từng có so với bất cứ căn bệnh gì, nhưng ta vẫn còn nhiều câu hỏi hơn số ta có thể trả lời.
Câu hỏi mới nhất người ta vừa thêm vào là: liệu virus này có gây ảnh hưởng đến não không?
Triệu chứng về não
Hầu hết các nhà nghiên cứu tin rằng tác động thần kinh do virus gây ra là hệ quả gián tiếp từ tình trạng thiếu oxy lên não (tình trạng “thiếu oxy hạnh phúc” xảy ra ở nhiều bệnh nhân), hay là hệ quả phái sinh do phản ứng sưng viêm của cơ thể (hay còn gọi là “cơn bão cytokine” nổi tiếng).
Cả Fory và Helms đều tin rằng tác động thần kinh là do “cytokine làm trung gian”.
Những người khác không chắc chắn lắm: ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy thực sự virus có thể tự xâm chiếm não bộ.
“Nếu bạn hỏi tôi một tháng trước liệu có bất cứ bằng chứng nào được công bố cho thấy virus Sars-CoV-2 có thể vượt qua hàng rào máu-não không, thì tôi sẽ trả lời là không – nhưng giờ đây có rất nhiều báo cáo cho thấy nó hoàn toàn có thể,” Stevens nói.
Ở Nhật Bản, các nhà nghiên cứu báo cáo về một ca bệnh, một người đàn ông 24 tuổi được tìm thấy ngất xỉu trên sàn, ngay trên đống nôn mửa của chính mình.
Anh trải qua tình trạng co giật toàn cơ thể khi được đưa tới bệnh viện. Bản chụp cộng hưởng từ MRI não bộ cho thấy dấu hiệu của viêm màng não cấp tính do virus gây ra (tình trạng não sưng phù), và khi chọc dò tủy sống, người ta cũng thấy dấu hiệu của virus Sars-CoV-2 trong dịch não tủy.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng phát hiện dấu vết của virus trong dịch não tủy của một bệnh nhân nam 56 tuổi bị viêm não nặng.
Và trong một khám nghiệm tử thi với bệnh nhân Covid-19 ở Ý, các nhà nghiên cứu phát hiện có dấu vết virus trong các tế bào nội mô nằm dọc thành mạch máu não.
Ở một số quốc gia như Pháp, khám nghiệm tử thi trên bệnh nhân Covid-19 bị cấm nghiêm ngặt (hoặc nói thẳng ra là không cho phép), khiến các phát hiện ở Ý trở nên quan trọng hơn – và gây lo lắng hơn.
Trong thực tế, một số nhà khoa học giờ đây nghi ngờ rằng virus gây ra tình trạng suy hô hấp và gây chết người không phải bằng cách làm tổn thương phổi mà là làm tổn thương thân não (brainstem), trung tâm chỉ huy não bộ đảm bảo ta có thể thở dù bất tỉnh.
Nhân viên chụp cộng hưởng từ đưa bệnh nhân vào quét MRI não bộ
Thông thường bộ não được bảo vệ tránh khỏi bệnh truyền nhiễm với “hàng rào máu-não” – một lớp niêm mạc tế bào đặc thù bên trong mao mạch chạy xuyên qua não và tủy sống. Những tế bào này ngăn chặn vi khuẩn và các tác nhân độc hại, không cho chúng gây nhiễm trùng não.
Nếu Sars-CoV-2 có thể vượt qua hàng rào này, thì thông tin này cho thấy virus có khả năng không chỉ đi đến lõi của hệ thống thần kinh trung ương, mà còn có thể khu trú lại, và có khả năng quay trở lại nhiều năm sau đó.
Dù hiếm gặp, trạng thái tương tự như hội chứng Lazarus với virus từ lâu đã được biết đến: như virus bệnh thủy đậu Herpes zoster chẳng hạn, thường gây nhiễm trùng tế bào thần kinh trong xương sống, và sau đó xuất hiện trở lại khi người bệnh trưởng thành dưới dạng bệnh zona – khoảng 30% số người từng bị thủy đậu khi còn bé sẽ phát lại bệnh zona vào thời điểm nào đó trong đời.
Những virus khác từng gây ra tác động lâu dài nguy hiểm hơn nhiều.
Một trong những loại khét tiếng nhất là virus cúm từng gây ra đại dịch cúm năm 1918, gây ra tổn thương đáng kể và vĩnh viễn với tế bào thần kinh dopamine và hệ thần kinh trung ương. (Dù người ta từ lâu vẫn cho rằng virus cúm không thể vượt qua hàng rào máu -não, nhưng một số nhà khoa học giờ đây cho rằng nó có thể).
Ước tính trên toàn cầu có khoảng 5 triệu người bị tàn phế vì một chứng kiệt sức trầm trọng có tên là “bệnh ngủ Châu Phi” (sleepy sickness) hay còn gọi là “viêm não mệt mỏi”.
Trong số những người sống sót, nhiều người vẫn ở trong tình trạng hoạt động bị trì hoãn.
“Họ không truyền đạt được cũng không cảm nhận được cuộc sống, họ vật vờ như những bóng ma, và thụ động như xác sống biết đi,” Oliver Sacks từng viết trong cuốn hồi ký “Thức Tỉnh” [Awakenings] ra năm 1973.
Ông mô tả các bệnh nhân này vẫn ở trong trạng thái tê mê đờ đẫn như vậy suốt nhiều thập niên cho đến khi họ được hồi sinh nhờ vào thuốc L-DOPA, bổng sung hàm lượng chất truyền dẫn thần kinh dopamine.
David Nutt, giáo sư về được khoa thần kinh từ Đại học Imperial College London, cho biết bản thân ông đã điều trị rất nhiều bệnh nhân trong thập niên 1970 và 1980, bị tác động bởi tình trạng trầm cảm y học nặng nề từ đại dịch cúm năm 1957 ở Anh.
“Cơn trầm cảm của họ rất bền bỉ và vững chắc – nó như thể mọi mạch cảm xúc trong họ đều đã bị tắt lịm,” ông mô tả, và cảnh báo ta có thể thấy tình trạng tương tự xảy ra một lần nữa, nhưng ở quy mô lớn hơn nhiều.
“Những người xuất viện khỏi phòng cấp cứu Covid-19 cần phải được theo dõi lâu dài một cách có hệ thống để xem có bất cứ bằng chứng nào về thương tổn thần kinh hay không – và sau đó họ phải được điều trị can thiệp nếu cần thiết.”
Bác sĩ điều trị bệnh nhân cúm ở New Orleans năm 1918; khoảng 5 triệu bệnh nhân sống sót khỏi cơn đại dịch đó đã trải qua tình trạng kiệt quệ trầm trọng kéo dài
Bệnh nhân có thể hiện triệu chứng cần phải được chuyển đến thực hiện các thử nghiệm can thiệp, như sử dụng chất ức chế tình trạng tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), thuốc chống trầm cảm, hay bổ sung interferon thử nghiệm (là các protein sản sinh tự nhhiên thường được kiểm soát và được dùng như thuốc cho các tình trạng như đa xơ cứng) để giảm thiểu thương tổn và tránh hệ quả lâu dài.
Nhưng để thực hiện được điều này cũng không phải là chuyện đơn giản, ông nói: “Điều khiến tôi thực sự lo lắng là tất cả mọi đơn vị y tế ở Anh đều đang tìm kiếm các triệu chứng của Covid-19 – nhưng không ai chú ý đến cơ chế thần kinh, chẳng hạn như hàm lượng serotonin trong não.”
Giáo sư Nutt lên kế hoạch sắp xếp 20 bệnh nhân Covid-19 có tình trạng trầm cảm hoặc các triệu chứng thần kinh – tâm thần khác tham gia vào nghiên cứu sử dụng máy quét PET mới nhất của trường Imperial để tìm kiếm các dấu hiệu phù não hoặc bất thường trong hàm lượng chất dẫn truyền thần kinh.
Ở Baltimore, Stevens cũng lên kế hoạch thực hiện nghiên cứu kéo dài về bệnh nhân Covid-19 được xuất viện sau cấp cứu, trong đó có các hoạt động như quét não, cũng như bài kiểm tra chi tiết về nhận thức hoặc chức năng như khả năng ghi nhớ.
Và ở Pittsburgh, thông qua Nghiên cứu của Hiệp hội Toàn cầu về Rối loạn Chức năng Thần kinh ở Covid-19, Sherry Chou, nhà thần kinh học từ Đại học Pittsburgh, đã hợp tác với nhà khoa học từ 17 quốc gia để cùng nhau theo dõi triệu chứng thần kinh từ đại dịch, trong đó bao gồm cả việc theo dõi thông qua kỹ thuật quét não bộ.
Mặc dù ảnh hưởng của virus lên phổi là tức thời và là mối đe dọa kinh hoàng, nhưng ảnh hưởng lâu dài đến hệ thần kinh sẽ lớn hơn và nguy hiểm hơn nhiều, Chou giải thích.
“Dù các triệu chứng với hệ thần kinh ít phổ biến hơn ở bệnh Covid-19 so với các vấn đề về phổi, nhưng khả năng hồi phục từ thương tổn thần kinh thường không hoàn toàn và cần nhiều thời gian hơn so với các cơ quan nội tạng khác (ví dụ như phổi), do vậy dẫn đến kết quả là tỷ lệ khuyết tật nói chung sẽ cao hơn, và có thể khiến nhiều người chết hơn,” bà nói.
Triệu chứng thần kinh ít phổ biến hơn ở bệnh nhân Covid-19 so với triệu chứng bệnh về phối, nhưng thời gian hồi phục có thể lâu hơn
Ở Pháp, Helms biết rõ hơn ai hết về tác động thần kinh mà căn bệnh gây ra có thể ghê gớm ra sao.
Chúng tôi đã phải lui lại cuộc phỏng vấn với bà trên BBC bởi một trong số các bệnh nhân Covid-19 của bà – người đã được xuất viện từ hai tháng trước nhưng vẫn bị mệt mỏi triền miên do virus và trầm cảm nghiêm trọng – cần phải được tham vấn khẩn cấp để tránh rủi ro tự tử.
Và bệnh nhân này không phải người duy nhất – bà đã gặp rất nhiều người ở tình trạng phiền muộn tương tự.
“Bà ấy bị lẫn, bà không thể đi lại, và bà chỉ muốn chết, tình trạng rất tồi tệ,” Helms kể. “Bà chỉ mới 60 tuổi, nhưng bà từng nói với tôi là ‘Covid đã giết chết tôi’ – nghĩa là nó đã giết chết não bà. Bà đơn giản là không muốn gì thêm trong đời.
“Điều này đặc biệt khó khăn vì ta không biết cách nào để tránh tổn thương ngay từ đầu. Ta không có bất cứ điều trị nào có thể tránh tổn thương cho não.”
Bệnh nhân gặp phải tình trạng suy hô hấp có thể sẽ được đưa vào máy trợ thở, và suy thận có thể được cấp cứu bằng thiết bị lọc máu – và với một chút may mắn – cả hai cơ quan này đều sẽ hoạt động trở lại.
Nhưng không có thiết bị lọc máu nào cho não cả.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

COVID trỗi dậy ở những nơi

gần như không còn lây nhiễm

Nhiều nơi thành công sớm trong cuộc chiến chống COVID đang chứng kiến các làn sóng lây nhiễm mới sau khi nới lỏng những hạn chế, trong đó có Việt Nam, Australia, và Hong Kong.
Việt Nam ngày 27/7 loan báo di tản du khách ra khỏi Đà Nẵng sau khi xuất hiện một số người xét nghiệm dương tính với COVID. Thông cáo của chính phủ cho hay đợt di tản 80 ngàn người, chủ yếu là du khách địa phương, mất ít nhất 4 ngày. Việt Nam chưa mở cửa đón du khách nước ngoài.
Thứ Bảy tuần trước, Việt Nam báo cáo ca lây nhiễm nội địa đầu tiên kể từ tháng Tư.
Tại Australia, chính quyền bang Victoria hôm 27/7 ghi nhận thêm 532 ca nhiễm, con số cao kỷ lục, và khuyến cáo lệnh phong toả sơ khởi 6 tuần có thể sẽ kéo dài thêm.
Phần còn lại của Australia dường như không có thêm ca nhiễm nào mới. Gần như tất cả số ca nhiễm mới chỉ xuất hiện ở bang Victoria và bang kế cận là New South Wales.
Tại Hong Kong, chính quyền ngày 27/7 loan báo các biện pháp siết chặt trước sự bùng phát của COVID. Các nhà hàng sẽ dừng cung cấp dịch vụ ăn uống trong nhà, lệnh cấm tụ tập trên 4 người nay trở thành cấm tụ tập trên 2 người, cộng thêm những qui định mở rộng về đeo khẩu trang.
Hong Kong trong hai tuần qua báo cáo hơn 1 ngàn ca nhiễm mới.
Trên toàn cầu, hơn 16,3 triệu người bị nhiễm COVID, gần 650 ngàn ca tử vong, theo số liệu từ đại học Johns Hopkins.
Mỹ
Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm, với hơn 4,2 triệu, theo đại học Johns Hopkins, với Florida và Texas nằm trong số các tiểu bang dẫn đầu làn sóng bùng phát lần này.
Giới chức y tế cho rằng nguyên nhân là do các doanh nghiệp và các nơi công cộng mở cửa lại quá sớm, việc đeo khẩu trang và giữ giãn cách xã hội chưa được tuân thủ 100%.
Toà Bạch Ốc ngày 27/7 cho hay cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien xét nghiệm dương tính với COVID nhưng ‘không có nguy cơ phơi nhiễm cho Tổng thống Donald Trump.’
Châu Âu
Tây Ban Nha hôm 26/7 tuyên bố an toàn cho du khách, phản pháo Anh vì London áp đặt quy định cách ly 2 tuần đối với những ai nhập cảnh Anh từ Tây Ban Nha.
Số ca nhiễm tăng lại ở Tây Ban Nha trong vài tuần qua khiến Anh loan báo bỏ Tây Ban Nha ra khỏi danh sách các điểm an toàn cho du hành hôm 25/7. Vài giờ sau đó, lệnh cách ly có hiệu lực.

TQ nguy cơ ‘đứt gánh’ với châu Âu

Khi nhiệm kỳ của Thủ tướng Merkel, “người mai mối” cho EU và Trung Quốc, đến hồi kết thúc, mối quan hệ song phương có thể đứt gánh giữa đường.
Hơn một thập kỷ qua, trong quá trình nâng cao vị thế toàn cầu cả về kinh tế và địa chính trị, Trung Quốc được cho là chủ yếu dựa vào mối quan hệ với Thủ tướng Đức Angela Merkel để đảm bảo không khí ôn hòa với châu Âu, tránh rơi vào tình trạng thù địch như với Mỹ hiện nay.
Theo bình luận viên Stuart Lau của SCMP, bà Merkel, người giữ ghế Thủ tướng Đức từ năm 2005 đến nay và là lãnh đạo có tiếng nói nhất trong Liên minh châu Âu (EU), vẫn là đồng minh vững vàng nhất của Trung Quốc ở phương Tây, ngay cả khi Bắc Kinh ngày càng bị cô lập do một loạt vấn đề gây tranh cãi liên quan tới Huawei, Hong Kong, Tân Cương hay Covid-19.
Trong bối cảnh bà Merkel chuẩn bị rời nhiệm sở vào mùa hè năm sau, quan hệ ổn định giữa EU và Trung Quốc cũng được cho là đang dần tới hồi kết, đặc biệt trong việc đảm bảo một thỏa thuận đầu tư song phương mà hai bên đã nỗ lực đạt được từ lâu nhờ sự thúc đẩy của Thủ tướng Đức.
“Bà Merkel có ảnh hưởng mạnh mẽ đằng sau thỏa thuận này. Chỉ cần nhìn số lần bà ấy tới thăm Trung Quốc để vun đắp quan hệ, bạn sẽ nhận thấy đây là một vấn đề nổi bật đối với di sản của bà ấy”, Max Zenglein, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, Đức, cho hay.
Bình luận viên Lau chỉ ra rằng quan điểm về Trung Quốc của các lãnh đạo EU hiện nay khác biệt sâu sắc so với 15 năm trước, khi bà Merkel bắt đầu nắm quyền. Tuyên bố chung từ Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc lần thứ 8 hồi năm 2005, do thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Ôn Gia Bảo và cựu thủ tướng Anh Tony Blair chủ trì, viết rằng “phía EU hoan nghênh những thành tựu Trung Quốc đã đạt được trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường”.
Nhưng giờ đây, Trung Quốc thường xuyên bị coi là đối thủ toàn diện và nguồn gốc của thông tin sai lệch đối với châu Âu. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 cũng có thể làm lay chuyển thế cân bằng trong quan hệ EU – Trung Quốc. Theo các nhà ngoại giao châu Âu, nếu ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden thắng Tổng thống Donald Trump, EU sẽ ngay lập tức xích lại gần Washington.
Biden, người dành phần lớn sự nghiệp vào chính sách đối ngoại và đang dẫn trước Trump trong các cuộc thăm dò dư luận, từng ám chỉ rằng ông sẽ thúc đẩy một liên minh với các đồng minh của Mỹ, động thái gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. “Một thủ tướng Đức mới đại diện cho châu Âu hợp tác cùng một tổng thống mới đại diện cho Mỹ sẽ là cơn ác mộng với Bắc Kinh”, một đại sứ EU giấu tên nói.
Do đó, năm nay được cho là thời hạn để EU hoàn thành thỏa thuận đầu tư với Bắc Kinh, nhằm mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty châu Âu. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn khó chấp nhận một số điều kiện quan trọng của thỏa thuận, như bãi bỏ chế độ ưu đãi của Trung Quốc dành cho các doanh nghiệp thuộc nhà nước của họ.
Điều này khiến thỏa thuận có nguy cơ không thể đạt được nhanh chóng, dù đây được coi là nỗ lực cuối cùng của EU trong việc cố gắng làm thay đổi Trung Quốc, cũng như tái cân bằng quan hệ kinh tế song phương.
“Nếu thỏa thuận thất bại, như nhiều người đang dự đoán, EU có khả năng sẽ chuyển sang chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc”, Andrew Small, chuyên gia về quan hệ EU – Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Đức, nhận định.
Trong khi Washington thực hiện chính sách thương mại quyết liệt với Bắc Kinh, EU lại thận trọng xây dựng cơ chế phòng vệ trước các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt đối với những công ty nhận trợ cấp nhà nước. Hồi tháng 6, EU công bố sách trắng nhằm đối phó với tình trạng xáo trộn do các khoản trợ cấp nước ngoài gây ra, phần lớn được cho là nhắm vào doanh nghiệp Trung Quốc.
Cùng tháng, EU áp thuế với các nhà sản xuất vải sợi thủy tinh Trung Quốc tại cả Trung Quốc và Ai Cập, sau khi một cuộc điều tra phát hiện họ trục lợi từ những khoản trợ cấp nhà nước không công bằng để nâng sức cạnh tranh với châu Âu. EU còn cùng Nhật Bản vận động Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) “củng cố các quy tắc hiện có về trợ cấp công nghiệp”, cũng được cho là “đòn đánh” vào Trung Quốc.
“Do EU hành động thực sự rất chậm, những động thái bắt đầu từ 18 tháng trước vẫn được thúc đẩy một cách từ từ. Nhưng một khi vào guồng, chúng sẽ không thay đổi như phong cách thất thường của chính quyền Trump”, Small cảnh báo. Mary Lovely, chuyên gia cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Mỹ, cho biết Covid-19 càng khiến EU lo ngại về những hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc.
Herve Jouanjean, cựu giám đốc Ủy ban châu Âu phụ trách châu Á, cho biết ông nhận ra rằng nhiều vấn đề chưa được giải quyết cũng tương tự thách thức ông từng đối mặt vào một thập kỷ trước, khi đàm phán với bộ trưởng thương mại Trung Quốc lúc đó là Bạc Hy Lai, “ngoại trừ việc EU 10 năm trước nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ hướng tới nền kinh tế thị trường”.
Với việc giới chức EU giờ đây ý thức rõ ràng rằng “Trung Quốc không có bất cứ ý định thay đổi nào”, Jouanjean dự đoán châu Âu sẽ có hành động tương ứng. “Tôi không nghĩ EU sẽ tiến hành các biện pháp giống Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ sử dụng mọi phương án để thuyết phục những người bạn Trung Quốc rằng con đường tốt nhất là đạt thỏa thuận”, ông nói.
Trong khi đó, Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU, tỏ thái độ thẳng thắn. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Der Spiegel của Đức tuần trước, ông cho phương Tây đã “ngây thơ về Trung Quốc”. “Chúng tôi từng nghĩ rằng sự tăng cường quan hệ thương mại sẽ tạo ra thay đổi đối với họ”, Borrell nói thêm.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 22/6. Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 22/6. Ảnh: Reuters.
Bất chấp điều đó, một số quan chức trong nội các của bà Merkel vẫn tin họ đang đi đúng hướng, trong khi Thủ tướng Đức được cho là vẫn kiên trì với nhiều quan điểm cũ về Trung Quốc, theo đuổi kỳ vọng về hợp tác thương mại và đầu tư với nước này.
“Tôi thấy bà Merkel không nhận ra bất cứ sự thay đổi nào. Theo tôi, bà ấy chưa thích nghi với thực tế mới, vẫn bị mắc kẹt trong cảm giác lạc quan của quá khứ, rằng Trung Quốc sẽ phát triển thành một đối tác của châu Âu. Các lãnh đạo Trung Quốc có thể đang đặt cược vào điều này để chốt điều khoản trong thỏa thuận”, nhà kinh tế học Zenglein đánh giá.
Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier gần đây cho biết ông “luôn bị thuyết phục và vẫn tin tưởng rằng thay đổi có thể đạt được thông qua thương mại”. Khi được hỏi làm sao có thể chắc chắn Trung Quốc tôn trọng thỏa thuận đầu tư với EU, sau khi Bắc Kinh bị Thủ tướng Anh Boris Johnson cáo buộc vi phạm Tuyên bố chung Trung – Anh về trao trả Hong Kong, Altmaier giải thích rằng “điều kiện tiên quyết trong tất cả quan hệ thương mại là tuân thủ thỏa thuận”.
Đức dự kiến được hưởng lợi lớn nhất từ thỏa thuận này, dựa trên lợi ích rộng lớn của các công ty như Volkswagen và BASF ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả liên minh cầm quyền của bà Merkel, cùng đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc Giáo (CDU) của bà, cũng đang kêu gọi cứng rắn hơn với Trung Quốc, ngay trước khi bà rời nhiệm sở.
Norbert Roettgen, một trong ba ứng cử viên trở thành lãnh đạo tiếp theo của CDU, đang dẫn dắt đường lối “diều hâu” với Trung Quốc tại quốc hội Đức, khi thúc đẩy lệnh cấm Huawei tham gia mạng 5G của nước này. Hầu hết cuộc thăm dò còn cho thấy CDU năm sau sẽ lập liên minh với đảng Xanh, nổi tiếng với nhiều chính khách cứng rắn với Trung Quốc và một trong số họ có thể đảm nhiệm chức ngoại trưởng.
Sự ra đi của bà Merkel còn được cho là đồng nghĩa với việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tăng ảnh hưởng trong EU, nếu ông tái đắc cử vào năm 2022. Dù ủng hộ sự độc lập với Mỹ, Macron lại là lãnh đạo châu Âu đầu tiên chỉ ra “sự ngây thơ” của họ trước tham vọng của Trung Quốc. Ông cũng kêu gọi EU đoàn kết đối phó Trung Quốc, đồng thời được cho là người đề xuất phát ngôn mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh trong các tuyên bố của EU.
“Chúng ta phải cảnh giác trước bất cứ chiến lược nào mà Trung Quốc có thể dùng để lợi dụng chúng ta”, cuốn sách xuất bản gần đây về Macron, với tiêu đề “Tổng thống cuối cùng của châu Âu”, dẫn lời ông chủ Điện Elysee. “Việc họ kiểm soát các tuyến hàng hải, cơ sở hạ tầng và giao thông ở châu Âu không tương thích với lợi ích của chúng ta. Chính sách của Trung Quốc trong bối cảnh này là sự bá quyền, và chúng ta phải đẩy lùi nó”.
Hồi năm 2019, Ủy ban châu Âu công bố một tầm nhìn chiến lược về Trung Quốc, lần đầu tiên gọi nước này là “đối thủ mang tính hệ thống”. Ngay cả những quốc gia được hưởng lợi kinh tế từ Trung Quốc, như Italy hay Hy Lạp, đều tán thành chiến lược đầy tham vọng này. Sự nhất trí gần đây giữa các nước EU trong việc lên án Bắc Kinh về luật an ninh Hong Kong là ví dụ khác cho tâm lý đề phòng ngày càng tăng của châu Âu trước Trung Quốc.
“Trung Quốc tính toán đường đi nước bước mang tầm chiến lược và không chỉ quan tâm đến thương mại. Họ giống như một kỳ thủ”, Macron cảnh báo trong cuốn sách.

Phim Pháp thành công trên mạng Netflix

Tuấn Thảo
Phim truyền hình nhiều tập, phim truyện quay cho màn ảnh lớn, phim tài liệu theo chuyên đề, hay đơn giản hơn nữa là các tiết mục truyền hình thực tế, có khá nhiều chương trình giải trí được sản xuất tại Pháp lại được đông đảo khán giả nước ngoài hưởng ứng. Điều này một phần lớn là nhờ vào mạng Netflix. Người đăng ký dịch vụ có thể xem phim trực tuyến vào bất cứ lúc nào.
Trong số các phim Pháp đang ăn khách hiện nay, có bộ phim ‘‘Balle perdue’’ (Đạn lạc /Lost Bullet), một bộ phim hành động do Guillaume Pierret đạo diễn, quy tụ một dàn diễn viên trẻ như Alban Lenoir, Nicolas Duvauchelle, Stéfi Celma hay Ramzy Bedia. Phim đã được cho ra mắt khán giả từ đầu tháng 06/2020 và cho tới giờ vẫn nằm trên danh sách của 10 bộ phim lẻ ăn khách nhất trên mạng Netflix tại 21 quốc gia trên thế giới.
Dưới tựa đề ‘‘Balle perdue’’ (Đạn lạc), bộ phim kể lại câu chuyện của Lino, một anh thợ sửa xe tài ba, thời thanh niên đã từng phạm pháp, cho nên anh phải hợp tác với cảnh sát để dùng công chuộc tội. Đến khi bản thân Lino bị buộc tội giết người, bằng mọi cách anh phải tự điều tra, truy tìm chiếc xe bị đánh cắp, trong đó có vết tích của một viên đạn lạc, bằng chứng duy nhất cho thấy anh không phải là một kẻ sát nhân.
Ban đầu xem phim, khán giả tưởng chừng ‘‘Balle perdue’’ (Đạn lạc) gợi hứng từ dòng phim ‘‘Quá nhanh quá nguy nhiểm’’ của Mỹ, nhưng bộ phim Pháp không phải là một phiên bản mờ nhạt của loạt phim với thương hiệu Fast & Furious. ‘‘Đạn lạc’’ lồng chuyện phim vào bối cảnh xã hội đầy thực tế của Pháp, khi các băng đảng buôn ma túy sửa đổi động cơ xe hơi thành những chiếc xe đua ‘‘go fast’’ để giao hàng, có khả năng nhân đôi tốc độ trong chớp mắt để thoát khỏi các cuộc truy đuổi của cảnh sát hay hải quan lưu động.
Một cách tương tự, bộ phim ‘‘La Terre et le Sang’’ (Đất và Máu) của đạo diễn Pháp Julien Leclercq xoay quanh cuộc đối đầu nẩy lửa giữa hai băng đảng vũ trang để giành lấy các lô ma túy, đánh cắp từ một nhà kho, nơi giới cảnh sát lưu trữ hàng tịch thu. Được phát hành lần đầu tiên vào tháng 04/2020, bộ phim nói về cuộc chiến băng đảng tranh giành chiến lợi phẩm và quyền kiểm soát địa bàn hoạt động đã trở thành một trong 10 bộ phim nổi tiếng nhất tại 15 quốc gia trên thế giới. Cả hai bộ phim Pháp kể trên đều thành công ở Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada), tại các nước phía Bắc và phía Tây lục địa châu Phi, cũng như tại nhiều quốc gia Nam Mỹ.
Theo đánh giá của tuần báo chuyên ngành điện ảnh Première (nay là bán nguyệt san), cùng với phim tình cảm xã hội, thể loại phim hành động của Pháp dễ dàng chinh phục khán giả nước ngoài. Khác với các bộ phim ‘‘bom tấn’’ blockbuster của Mỹ, phim Pháp không có nhiều kinh phí đầu tư cho bằng, không có nhiều kỹ xảo ngoạn mục hay hiệu ứng hình ảnh độc đáo, nhưng đổi lại phim Pháp đầu tư rất nhiều vào khâu viết kịch bản, khai thác cách dẫn dắt câu chuyện cũng như các màn đấu trí, nhờ vậy mà làm tăng thêm các cảnh hồi hộp và gay cấn tâm lý. Dĩ nhiên, phim trước hết được thực hiện để nhắm vào thị trường nội địa, thế nhưng mạng Netflix chính là bàn đạp giúp cho phim Pháp lấy đà nhảy vọt, chinh phục thêm nhiều thành phần khán giả ở các quốc gia khác.
Bụt nhà không thiêng : Đôi khi một bộ phim ít được khán giả Pháp hưởng ứng nhưng lại được nhiều người xem ở nước ngoài đón nhận một cách nhiệt tình. Đó là trường hợp của bộ phim 6 tập do đài truyền hình Arte sản xuất với cựu ngôi sao bóng đá Éric Cantona trong vai chính. Mang tựa đề ‘‘Dérapages’’ hiểu theo nghĩa bóng là chệch hướng theo nghĩa bóng, trật đường rầy theo nghĩa đen, bộ phim kể lại câu chuyện của một người đàn ông lâm vào cảnh nợ nần chồng chất sau khi bị sa thải và buộc phải tìm lại nghị lực phấn đấu, tìm cơ hội vươn lên để không đánh mất nhân cách.
Bộ phim truyền hình nhiều tập ‘‘Marseille’’ (tổng cộng là 16 tập trong hai mùa) quy tụ một dàn diễn viên hùng hậu do Gérard Dépardieu và Benoît Magimel dẫn đầu. Phim nói về hậu trường của đợt vận động tranh cử giữa hai ứng cử viên xưa kia là bạn thân của nhau, sau đó lại trở thành kẻ thù không đội trời chung. Cả hai bộ phim nhiều tập nói trên đã không thành công rực rỡ như mong đợi tại Pháp, nhưng lại được khá nhiều khán giả nước ngoài hưởng ứng, một phần cũng vì Cantona hay Dépardieu đều là những nhân vật rất nổi tiếng, nhờ tầm vóc quốc tế mà có được một lượng khách hâm mộ đông đảo.
Trong số các chương trình ăn khách khác do Pháp sản xuất, có các mùa phim truyền hình ‘‘Dix pour cent’’ , ‘‘Mười phần trăm’’, tức khoản tiền lương của các ông bầu, các nhà quản lý diễn viên, các đại diện giới nghệ sĩ. Loạt phim truyền hình nhiều tập này đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh thành ‘‘Call my agent’’ và phim sẽ được quay thành nhiều phiên bản trong nhiều thứ tiếng khác nhau.
Bên cạnh đó, có ‘‘The Circle France’’, kết hợp trò chơi với truyền hình thực tế theo kiểu Big Brother của Hà Lan. Chương trình này đã thành công một cách khá bất ngờ, được phổ biến tại 23 quốc gia và nhiều nước đã mua lại tác quyền để tạo ra những phiên bản phóng tác, thích nghi với khán giả của từng châu lục.
Về phía bộ phim tài liệu nhiều tập ‘‘L’Affaire Grégory’’ kể lại vụ án tại Pháp liên quan tới cái chết của cậu bé Grégory, sau hơn 30 năm mà vẫn chưa thật sự có hồi kết. Bộ phim tài liệu này đã thu hút đông đảo khán giả ở Hoa Kỳ và Canada, nơi mà từ lâu có truyền thống làm phim ‘‘true crime’’ dùng hoạt cảnh tái tạo và diễn viên nhập vai, để dựng lại những vụ án ‘‘động trời’’ trong quá khứ, từng khiến cho dư luận bàng hoàng xôn xao, làm tốn bao giấy mực của giới nhà báo.
Một trong những yếu tố giúp cho phim Pháp thành công, chính là mạng Netflix cung cấp các phiên bản phim lồng tiếng trong mười ngôn ngữ khác nhau. Phim với phụ đề lại càng có nhiều ngoại ngữ hơn nữa, có thể được xem trong 30 thứ tiếng. Điều đó giải thích vì sao khán  giả không chỉ thích xem phim Pháp, mà còn hưởng ứng  phim Thổ Nhỉ Kỳ ‘‘Koğuştaki Mucize’’ phóng tác từ tác phẩm Điều kỳ diệu trong
phòng giam số 7 (Miracle in Cell No7) hay là phim Hàn Quốc ‘‘Vương quốc Thây ma’’ (Kingdom) đã một thời tung hoành trên mạng nhờ kết hợp các xác sống kinh dị zombie với dòng phim dã sử cổ trang, ngoạn mục, hoành tráng.

Đức bác bỏ đề nghị của Tổng Thống Trump

về việc cho Nga trở lại G7

Tin từ BERLIN, Đức – Trong một cuộc phỏng vấn báo chí được công bố vào hôm thứ Hai (27/7), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết Đức từ chối lời đề nghị của Tổng thống Trump về việc mời Tổng thống Nga Vladimir Putin trở lại nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến nhất (G7).
Vào tháng trước, tổng thống Trump nêu lên triển vọng mở rộng G7 để một lần nữa bao gồm Nga, vốn bị trục xuất vào năm 2014 sau khi Moscow sát nhập khu vực Crimea của Ukraine. Nhưng ông Maas thông báo với tờ Rheinische Post rằng ông không nhận thấy bất kỳ cơ hội nào để Nga quay trở lại G7 khi không có tiến triển đáng kể trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Crimea cũng như ở miền đông Ukraine.
Ông Maas cho biết  Nga có thể đưa ra đóng góp lớn nhất để trở thành một phần của G7 một lần nữa bằng cách đóng góp cho một giải pháp hòa bình trong cuộc xung đột Ukraine. Nga vẫn là một phần của G20, một nhóm rộng lớn hơn bao gồm các nền kinh tế thị trường mới nổi khác. Ông Maas mô tả mối quan hệ với Nga là “hiện đang khó khăn” ở nhiều lĩnh vực.
Đức, nước tiếp quản vị trí chủ tịch luân phiên sáu tháng của EU vào ngày 1 tháng 7, hiện đang đảm nhận vai trò trung gian trong cuộc xung đột ở Libya cũng như ở Ukraine. (BBT)

CSVN hoãn tổ chức diễn đàn an ninh châu Á

Do đại dịch coronavirus, cộng sản Việt Nam đã hoãn tổ chức diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á và cuộc họp thường niên của các ngoại trưởng Đông Nam Á cho đến tháng 9 năm nay.
Vào hôm thứ Hai (27/7), hai nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết rằng cộng sản Việt Nam, hiện đang lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm nay, hy vọng sẽ tổ chức với các cuộc họp ngoài đời thực vào giữa tháng 9 thay vì họp qua video trực tuyến vào cuối tuần này. Khối 10 quốc gia này tổ chức Diễn đàn khu vực ASEAN để thảo luận về phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên và các vấn đề an ninh khác.
Diễn đàn này là nơi quy tụ các nhà ngoại giao hàng đầu với các đối tác từ Hoa Kỳ, Trung Cộng, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, hai miền Triều Tiên và các nước châu Á Thái Bình Dương khác. Hầu hết khoảng 1,300 cuộc họp ASEAN năm nay đã được chuyển sang trực tuyến do đại dịch coronavirus, bao gồm hội nghị thượng đỉnh hàng năm của các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng trước.
Có hai nhà ngoại giao giấu tên nói với AP rằng các cuộc đàm phán nhạy cảm hơn đã bị trì hoãn vô thời hạn, bao gồm cả các cuộc đàm phán bí mật giữa Trung Cộng và các quốc gia thành viên ASEAN về “bộ quy tắc ứng xử” ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp. (BBT)

Báo Nhật nói về ‘NATO châu Á’

Trung Quốc thúc đẩy “NATO châu Á” tập hợp?
Cuối tuần vừa qua, Nhật Bản thông báo các tàu của Trung Quốc đã xuất hiện gần quần đảo Senkaku do Tokyo quản lý trong khi Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là đảo Điếu Ngư trong ngày thứ 100 liên tiếp, thời gian lâu nhất kể từ khi Tokyo kiểm soát nhóm đảo này hồi năm 2012. Theo Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG), 4 tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc đã xuất hiện trên vùng biển quanh quần đảo Senkaku trong ngày 22/7, với 1 trong số này theo quan sát được trang bị súng máy tự động.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói: “Những hành động lặp đi lặp lại này là hết sức nghiêm trọng. Các tàu tuần tra của JCG đã phát đi cảnh báo và chúng tôi hết lần này tới lần khác trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao. Chúng tôi sẽ phản ứng một cách ôn hòa với Trung Quốc trên lập trường kiên quyết”. Ông Suga nhấn mạnh rằng Tokyo quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của mình.
Sau tuyên bố này vài ngày, tờ Nikkei Asia Review của Nhật Bản cho đăng bài bình luận về việc nước này cùng với Mỹ, Ấn Độ và Australia tập trận chung. Theo tờ báo Nhật Bản, Hải quân Mỹ tiến hành các cuộc tập trận song song ở Biển Philippines và Ấn Độ Dương, với sự tham gia của nhóm “Bộ tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia có thể báo hiệu sự ra đời của “NATO châu Á” nhằm đối phó với Trung Quốc.
Ngày 21/7, Hải quân Mỹ thông báo về cuộc tập trận 3 bên ở Biển Philippines với Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) và Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF). Tham gia cuộc tập trận có tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ.
Bên cạnh đó còn có các tàu khu trục nhỏ Stuart và Arunta, tàu khu trục Hobart, tàu chiến chở trực thăng Canberra và tàu Sirius của Australia cùng tàu khu trục Teruzuki của Nhật Bản. Cuộc tập trận đã bắt đầu hôm 19/7, một ngày trước khi Hải quân Mỹ và Hải quân Ấn Độ bắt đầu cuộc tập trận chung ở Ấn Độ Dương với sự tham gia của tàu sân bay USS Nimitz.
Ngay bên ngoài eo biển Malacca, USS Nimitz, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Princeton và các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Sterett và USS Ralph Johnson của Mỹ đã cùng tập trận với các tàu chiến Rana, Sahyadri, Shivalik và Kamorta của Ấn Độ.
Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức Đối thoại An ninh 4 bên (Quad) kể từ năm 2007. Tuy nhiên, một số nước tham gia Quad tỏ ra thận trọng khi không coi đây là nhóm quân sự hay nền tảng cho sự ra đời của “NATO châu Á”.
Năm 2007, Australia đã đảm bảo với Trung Quốc – nước đã bày tỏ quan ngại về Quad – rằng họ muốn giới hạn Quad ở các vấn đề thương mại và văn hóa. Cũng trong năm đó, Ấn Độ đã nhấn mạnh với Trung Quốc rằng Quad không liên quan tới an ninh.
Tuy nhiên, tờ báo Nhật Bản cho rằng động thái mang tính biểu tượng của việc tổ chức các cuộc tập trận có sự tham gia của cả 4 quốc gia Quad ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã khiến các nhà phân tích tự hỏi phải chăng “sự rụt rè” đó đang giảm dần?
Giới phân tích đang đợi xem liệu Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ có mời Australia tham gia cuộc tập trận 3 bên thường niên Malabar hay không. Hồi năm 2007, Australia từng được mời tham gia cuộc tập trận này với tư cách thành viên không thường trực. Nhưng năm 2018, Ấn Độ đã không mời Australia tham gia cuộc tập trận này để tránh ý kiến cho rằng đây là một liên minh quân sự chống Trung Quốc.
Tờ báo Nhật Bản cho rằng việc tất cả 4 nước thành viên Quad đều tham tập trận trên thực tế sẽ thể hiện quyết tâm thống nhất để đối phó và cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Thay đổi thái độ
Nikkei Asia Review dẫn lời chuyên gia Patrick Cronin, Chủ tịch về vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Học viện Hudson, nói: “Các cuộc tập trận hải quân quốc tế đang diễn ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là những diễn biến mới nhất cho thấy Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đang rũ bỏ những hạn chế trước đây về các cuộc tập trận quân sự đa phương”.
Tờ báo Nhật Bản lưu ý những diễn biến này xảy ra vào thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc với 4 nước thành viên Quad đều đang xấu đi. Trong báo cáo Cập nhật Chiến lược Quốc phòng năm 2020 mới công bố trong tháng này, Australia đã bày tỏ thái độ hoài nghi hơn đối với Trung Quốc so với trong Sách trắng công bố 4 năm trước đó.
Báo cáo có đoạn: “Kể từ năm 2016, các cường quốc lớn đã trở nên quyết đoán hơn trong việc thúc đẩy các ưu tiên chiến lược của mình và đang tìm cách gây ảnh hưởng, trong đó có việc Trung Quốc tích cực theo đuổi các nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Australia lo ngại về khả năng xảy ra các hành động, chẳng hạn như việc thiết lập các căn cứ quân sự, vốn có thể làm suy yếu sự ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khu vực ngay sát Australia”.
Về phần mình, trong Sách trắng Quốc phòng năm 2020, Nhật Bản nhấn mạnh Trung Quốc đã “không ngừng” có những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý. Sách trắng Quốc phòng của Nhật Bản viết: “Trong những năm gần đây, Hải quân và Không quân Trung Quốc đã mở rộng và tăng cường hoạt động ở các vùng biển và không phận xung quanh Nhật Bản, có những trường hợp liên quan đến các hoạt động leo thang từ một phía”.
Tờ báo Nhật Bản còn dẫn lời Đô đốc Hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu Sudarshan Shrikhande, cựu Giám đốc Tình báo Hải quân, nhận định rằng quan hệ đối tác trong Quad có thể sẽ được mở rộng để kết nạp
thêm nhiều nước láng giềng (của Trung Quốc). Theo ông, Quad có thể cùng với một số nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) “trở thành một đối trọng hữu ích với hành động phô trương sức mạnh và các tham vọng của Trung Quốc”.
Trong khi đó, tờ Sankei của Nhật Bản cho rằng các động thái của Trung Quốc liên quan tới quần đảo tranh chấp Senkaku sẽ hối thúc Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải thay đổi thái độ đối với Trung Quốc. Theo tờ báo này, một số nhân vật thân cận với Thủ tướng Abe và có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc đang ngày càng thể hiện thái độ không hài lòng với các biện pháp đối phó của Chính phủ Nhật Bản.

Kim Jong Un:

 Không lo chiến tranh vì đã có vũ khí hạt nhân

Minh Hòa
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố đất nước này sẽ không còn chiến tranh nữa vì đã có vũ khí hạt nhân.
Reuters trích thông tin từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm 28/7, cho biết ông Kim Jong Un nói rằng Bình Nhưỡng đã phát triển vũ khí hạt nhân để có “sức mạnh tuyệt đối”, nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột vũ trang tiếp theo. Tuyên bố được đưa ra hôm 27/7 khi ông Kim gặp các cựu binh nhân kỷ niệm 67 năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
“Hiện giờ chúng ta có khả năng tự bảo vệ mình trước mọi hình thức gây áp lực cường độ cao, cũng như mọi mối de dọa quân sự từ đế quốc và các thế lực thù địch”, ông Kim Jong Un nói.
Nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba trong gia tộc họ Kim tuyên bố: “Nhờ khả năng răn đe hạt nhân có tính chất tự vệ, đáng tin cậy và hiệu quả, sẽ không còn chiến tranh nữa, sự an toàn và tương lai của đất nước chúng ta sẽ được bảo đảm vững chắc mãi mãi”.
Triều Tiên và Hàn Quốc từng là quốc gia thống nhất, nhưng bị chia cắt bằng vĩ tuyến 38 kể từ sau Thế chiến thứ 2, với sự hiện diện của Liên Xô ở miền Bắc và Hoa Kỳ ở miền Nam. Các cuộc đàm phán thống nhất thất bại, miền Bắc với sự hỗ trợ của Liên Xô thành lập chính quyền xã hội chủ nghĩa dưới quyền lãnh đạo của Kim Il Sung, ông nội của lãnh đạo Kim Jong Un hiện nay. Miền Nam với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ thành lập chính quyền tư bản chủ nghĩa, đặt tên nước là Đại Hàn Dân Quốc, hay còn gọi là Hàn Quốc.
Chiến tranh liên Triều xảy ra từ ngày 25/6/1950 khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên với sự hỗ trợ của Trung Quốc và Liên Xô, đem quân tấn công miền Nam. Liên Hợp Quốc sau đó cử quân hỗ trợ Hàn Quốc, trong đó chủ yếu là quân đội Mỹ. Sau ba năm, hai miền đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 27/7/1953. Vì không có hiệp định hòa bình nào giữa hai miền, nên về nguyên tắc Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Bộ trưởng Đài Loan: Tân Cương là hình mẫu

 cho một chính quyền độc tài toàn diện

Quý Khải
Trung Quốc đang lợi dụng các công nghệ mới để biến khu vực Tân Cương – nơi cư ngụ của dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi – trở thành mẫu hình cho một chính quyền giám sát độc tài chuyên chế toàn diện, Bộ trưởng Kỹ thuật số Đài Loan cho biết hôm thứ Hai (27/7).
“Chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực nhằm kiến lập một chính phủ toàn trị hầu hết đều không thành công trọn vẹn vì không có đủ công nghệ để đảm bảo việc giám sát toàn bộ người dân”, Bộ trưởng Kỹ thuật số Đài Loan Audrey Tang trao đổi với các phóng viên ở Tokyo trong một cuộc họp báo trực tuyến. “Nhưng giờ đây ở Tân Cương, chúng ta đang chứng kiến hình mẫu một chế độ giám sát toàn trị thực sự toàn diện đang được vận hành”.
Khu vực này, vốn có đa số nhân khẩu là người Hồi giáo, là một chủ đề gây tranh cãi trong mối quan hệ song phương Mỹ-Trung, khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ hồi tuần trước áp lệnh trừng phạt đối với 11 doanh nghiệp khác bị cáo buộc dính líu đến các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Một báo cáo hồi tháng hai của Viện Chính sách chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute) ước tính hơn 80.000 người Duy Ngô Nhĩ đã bị cưỡng chế di dời ra khỏi Tân Cương để làm việc trong các nhà máy trên khắp Trung Quốc trong giai đoạn 2017-2019, một số trong đó được điều trực tiếp từ các trại giam. Theo báo cáo, những người lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ này phải hứng chịu đe dọa, và liên tục bị giám sát bởi nhân viên an ninh và các thiết bị giám sát kỹ thuật số.
Phát biểu qua Internet từ Đài Bắc, ông Tang cho biết những báo cáo này đóng vai trò một lời nhắc nhở người dân Đài Loan về giá trị của nền dân chủ tự do.
“Chúng ta nhìn mọi thứ qua lăng kính của nhân quyền và dân chủ”, vị bộ trưởng nói. “Những nỗ lực này, ví như ở Tân Cương mà tôi vừa đề cập đến, đang thúc đẩy tất cả người dân Đài Loan xem xét các ứng dụng và công nghệ này. Nó là một lời nhắc nhở mạnh mẽ, rằng chúng ta không nên bén mảng đến đây”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Nikkei, ông Tang nhận định việc tích hợp thiết bị của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng viễn thông cốt lõi của Đài Loan chẳng khác nào mời một con ngựa thành Troia vào mạng lưới liên lạc của quốc đảo.
“Mỗi lần nâng cấp, bạn sẽ phải tiến hành một lần tái đánh giá rủi ro hệ thống”, Tang nói. “Nhưng tôi cho rằng rủi ro là quá cao, và chi phí sở hữu quá cao, tốt hơn chúng ta nên làm việc với các nhà cung cấp khác từ các quốc gia tự do dân chủ”.
Thật vậy, Đài Loan đã loại bỏ Huawei một cách hiệu quả ra khỏi hệ thống mạng 5G. Tháng 6, hãng viễn thông nội địa Chunghwa Telecom, với sự hỗ trợ của chính phủ, đã ra mắt các dịch vụ thương mại 5G trên nền tảng hệ thống internet tốc độ cao của hòn đảo, sử dụng công nghệ của Ericsson.
Mối quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc đã trở xấu kể từ khi Tổng thống Thái Anh Văn – một người có đường lối cứng rắn với Trung Quốc – nhậm chức từ năm 2016, khiến hòn đảo trở thành mục tiêu thường xuyên của các cuộc tấn công mạng. Chính phủ cho biết Đài Loan bị tấn công mạng trung bình 30 triệu lần mỗi tháng.
“Có những cuộc tấn công mạng theo nghĩa đen hàng giờ,” ông Tang nói. “May mắn thay, hầu hết trong đó đã được chặn tự động bởi hệ thống quốc phòng chuyên sâu mà chúng tôi đang triển khai. Do đó các cuộc tấn công mạng này không thực sự can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống [hồi tháng 1], mặc dù có rất nhiều chiến dịch lan truyền thông tin sai lệch”.

Làn sóng coronavirus thứ 3

bùng phát tại Hồng Kông

Theo một nguồn tin y tế, việc ăn uống tại các nhà hàng ở Hồng Kông sẽ bị cấm hoàn toàn bắt đầu từ hôm thứ Tư (29/7). Đây là một phần của một loạt các biện pháp cách ly xã hội mới được đưa ra khi thành phố này dự kiến sẽ đạt kỷ lục 140 trường hợp Covid-19. Nếu được xác nhận, hôm thứ Hai sẽ là ngày thứ sáu liên tiếp Hồng Kông ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới.
Hội đồng điều hành, nội các thực tế của đặc khu trưởng Carrie Lam Cheng Yuet-ngor, tán thành các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt hơn tại một cuộc họp buổi sáng, bao gồm cấm hoàn toàn việc ăn uống tại các nhà hàng và áp dụng thêm lệnh bắt buộc đeo khẩu trang tại các  khu vực ngoài trời.
Theo một nguồn tin chính phủ, chỉ những người “có lý do hợp lý” như các tình trạng y tế mới được miễn đeo khẩu trang bắt buộc ở những nơi ngoài trời. Việc tập thể dục sẽ không được miễn trừ. Các viên chức y tế dự kiến sẽ công bố chi tiết về cách thi hành các luật mới vào buổi chiều. Các biện pháp này được đưa ra khi hai bệnh nhân Covid-19 khác thiệt mạng, ca tử vong thứ 19 và 20 của thành phố.
Một phụ nữ 76 tuổi qua đời tại Bệnh viện Queen Elizabeth vào tối hôm Chủ nhật (26/7). Bà sống ở Tsz Wan Shan, một trong những cụm lây nhiễm gần đây. Một người đàn ông 92 tuổi được nhận vào Queen Elizabeth vào ngày 7 tháng 7 do khó thở và ho qua đời vào sáng hôm thứ Hai (27/7). Ông sống tại Tsz Wan Shan trong chung cư Tsz Ching. (BBT)

Bị cấm ở Trung Cộng,

một số thành viên Pháp Luân Công

 lo sợ luật an ninh quốc gia mới tại Hồng Kông

Tin từ HỒNG KÔNG – Vào hôm Chủ nhật (ngày 5 tháng 7), năm ngày sau khi Trung Cộng ban hành luật an ninh quốc gia mới ở Hồng Kông, bà Yang Xiaolan và ba chục thành viên Pháp Luân Công đứng
thẳng người trong một công viên công cộng, hai cánh tay vươn cao và nhắm mắt khi khúc nhạc thiền của họ hòa quyện với tiếng chim hót.
Nhóm tâm linh này bị cấm ở Trung Cộng đại lục vào năm 1999 nhưng các thành viên của họ được phép tập luyện ở Hồng Kông một cách tự do, mặc dù nhóm này kêu gọi mọi người từ bỏ Đảng Cộng sản Trung Cộng cầm quyền.
Bà Yang cho biết bà không còn cảm thấy an toàn trong thành phố sau khi luật an ninh khiến những tội ác được xác định rộng rãi là lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài bị trừng phạt bằng án tù có thể lên đến chung thân.
Chính phủ Hồng Kông từ chối bình luận về việc luật mới sẽ tác động đến Pháp Luân Công như thế nào, nhưng cho biết luật này bảo vệ “quyền lợi cơ bản và quyền tự do của những công dân tuân thủ luật pháp”. Luật này không hề đề cập đến các nhóm tôn giáo hoặc tâm linh. Bộ Ngoại giao Trung Cộng cho biết luật Hồng Kông mới sẽ xử phạt mọi hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Pháp Luân Công được thành lập tại Trung Cộng vào năm 1992, kết hợp thiền định, các bài tập chuyển động chậm, giáo lý đạo đức đa phần dựa trên Phật giáo và Đạo giáo cùng các lý thuyết đôi khi không chính thống của nhà lãnh đạo Li Hongzhi, như niềm tin của ông rằng người ngoài hành tinh bắt đầu xâm chiếm thế giới. (BBT)

Covid-19:

Hồng Kông ban hành các biện pháp nghiêm ngặt

Minh Anh
Tại Hồng Kông, trước tình trạng số ca nhiễm virus corona thường nhật tăng mạnh trong những tuần gần đây, chính quyền đặc khu ngày 27/07/2020 thông báo áp dụng các biện pháp dịch tễ mới kể từ thứ Tư, 29/07, nhằm ngăn chận dịch lan rộng.
Theo số liệu được công bố ngày 27/07, Hồng Kông ghi nhận có 145 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong trong vòng 24 giờ, một kỷ lục mới đối với Hồng Kông, sau sáu ngày liên tiếp có số ca nhiễm mới thường nhật trên 100 người. Phần lớn các ổ dịch mới được phát hiện là ở các nhà dưỡng lão. Ba ca tử vong là những người cao tuổi. Nhiều biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất vừa được ban hành.
Từ Hồng Kông, thông tín viên đài RFI Florence de Changy cho biết thêm :
« Nhân vật lãnh đạo số 2 của Hồng Kông, ông Matthew Cheung, đánh giá tình hình dịch tễ là ʺcực kỳ đáng lo ngạiʺ. Kể từ thứ Tư, 29/7, các nhà hàng chỉ có thể cung cấp các món ăn mang về. Quy mô các cuộc tập hợp được cho phép giảm từ 4 xuống chỉ còn 2 người, ngoại trừ đó là những người thân trong cùng gia đình.
Việc đeo khẩu trang, mà người dân đã chấp nhận từ lâu, nay sẽ chính thức bắt buộc cả ở ngoài đường lẫn ở những nơi không gian khép kín. Người dân chỉ được phép dỡ khẩu trang khi ăn uống hay dùng thuốc, nhưng hút thuốc thì không. Nếu vi phạm có thể bị phạt đến 200 euro.
PUBLICITÉ
Mật độ dân cư ở Hồng Kông đông đến mức các biện pháp giãn cách xã hội khó thể được tuân thủ, nhất là trên các phương tiện công cộng hay thậm chí trên lề đường.
Covid-19 chỉ mới làm cho 22 người thiệt mạng ở Hồng Kông kể từ sau ca thiệt mạng đầu tiên hồi tháng 2/2020, trên khoảng 7 triệu dân. Nhưng đã có ba ca tử vong hôm thứ Hai 27/7, một con số kỷ lục, liên quan chủ yếu đến những bệnh nhân cao tuổi, 88, 92 và 95 tuổi, vốn dĩ sức khỏe đã kém. Những ổ dịch mới gần đây cho thấy là chính trong gia đình, giữa những tiếp xúc trực tiếp tức thì và thường nhật mà virus lây lan nhanh nhất. »

TQ ‘nhẫn nhịn’ trước thềm bầu cử Mỹ

Trước bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11, Bắc Kinh nhiều khả năng cố gắng kiềm chế căng thẳng với Washington và chỉ trả đũa khi cần thiết.
Quan hệ Mỹ – Trung đang “rơi tự do” với một loạt bất đồng. Washington tuần này yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, khiến Bắc Kinh trả đũa bằng cách yêu cầu Mỹ đóng cửa lãnh sự quán tại Thành Đô.
Như thường lệ, Trung Quốc lên án quyết định của Mỹ, nhưng không trực tiếp chỉ trích Tổng thống Donald Trump, người thường nói về quan hệ cá nhân của ông với Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng trong các bài xã luận, truyền thông nhà nước Trung Quốc miêu tả quyết định này của chính quyền Trump là “canh bạc” hòng “kiếm phiếu” cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Một số quan chức chính phủ và quân đội Trung Quốc có quan điểm cứng rắn với Mỹ cho rằng nếu Trump nắm quyền thêm 4 năm nữa, đó sẽ là cơ hội để Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Nhiều người ở Trung Quốc giờ đây tin vào lập trường này khi họ theo dõi nhiệm kỳ đầy biến động của ông, bao gồm việc xử lý Covid-19.

TQ ĐÃ NHẬN ĐƯỢC BAO NHIÊU VIỆN TRỢ?

Từ năm 1979, các nước phát triển bao gồm Úc, Anh, Nhật Bản, Đức, Hoa Kỳ, Canada và các nước phát triển khác đã cung cấp một lượng viện trợ khổng lồ cho Trung Quốc. Vẫn giúp Trung Quốc phát triển kinh tế dưới hình thức hợp tác kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật. Ngay cả khi họ bị thâm hụt hàng năm liên tục, họ vẫn đưa tiền để hỗ trợ Trung Quốc.
Trung Quốc là một trong những quốc gia tiếp nhận lớn nhất trên thế giới. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1979 đến 2003, Trung Quốc đã nhận được tổng cộng 107,2 tỷ đô la Mỹ viện trợ chính thức. Năm 2009, tại lễ kỷ niệm 30 năm hỗ trợ đa phương và song phương cho Trung Quốc và kỷ niệm lần đầu tiên hỗ trợ quốc tế cho khu vực bị động đất ở Vấn Xuyên, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc khi đó tuyên bố rằng trong 30 năm qua, Trung Quốc đã hợp tác với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, UNICEF, Liên minh châu Âu, Nhật Bản. Úc, Canada và hơn 20 tổ chức và chính phủ quốc tế đã thực hiện hợp tác phát triển hiệu quả trong hơn 30 lĩnh vực bao gồm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, giáo dục, y tế, tái cấu trúc, năng lượng, v.v. và nhận được gần 6,7 tỷ đô la Mỹ, gần 2.000 dự án đã được thực hiện.
Trong số đó, Úc là quốc gia đầu tiên cung cấp viện trợ cho Trung Quốc và Nhật Bản là quốc gia viện trợ lớn nhất của Trung Quốc.
Hỗ trợ kinh tế của Nhật Bản cho Trung Quốc bắt đầu vào năm 1979, và năm 1981, chính phủ Nhật Bản bắt đầu cung cấp hỗ trợ miễn phí cho Trung Quốc. Theo dữ liệu hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, từ năm 1979 đến 2010, Trung Quốc đã nhận được khoảng 263,8 tỷ RMB tiền vay phát triển ưu đãi từ Nhật Bản, khoảng 12,4 tỷ RMB viện trợ miễn phí và khoảng 13,8 tỷ RMB cho các quỹ hợp tác kỹ thuật. Tổng số tiền lên tới khoảng 290 tỷ nhân dân tệ (41.4ty3 usd), liên quan đến hơn 200 dự án. Trung Quốc là nước nhận lớn nhất của Nhật Bản trong hơn 30 năm và 66,9% viện trợ nước ngoài của Trung Quốc đến từ Nhật Bản.
Đến cuối năm 2010, Nhật Bản đã cung cấp cho Trung Quốc quỹ viện trợ để thực hiện tổng cộng 144 dự án thuộc nhiều loại hình khác nhau, liên quan đến y tế, bảo vệ môi trường, giáo dục, nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và các lĩnh vực khác. Sau khi bước vào thế kỷ 21, trọng tâm của hỗ trợ Nhật Bản cũng đã bắt đầu chuyển từ các lĩnh vực cơ sở hạ tầng như bến cảng, năng lượng, cảng, đường sắt, điện và truyền thông sang bảo vệ môi trường, công nghệ và đào tạo nhân sự. Phương thức cấp các khoản vay cũng đã thay đổi từ một lượng lớn trong năm năm tới Một năm. Về trao đổi nhân sự và đào tạo, một khoản hỗ trợ hàng năm khoảng 30 triệu USD được cung cấp. Tính đến năm 2003, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã đào tạo hơn 15.000 nhà quản lý cho Trung Quốc và Hiệp hội Đào tạo Kỹ thuật viên nước ngoài Nhật Bản đã đào tạo hơn 22.000 người Trung Quốc.
Các dự án đại diện hỗ trợ của Nhật Bản cho Trung Quốc bao gồm: Sân bay Thủ đô Bắc Kinh, điện khí hóa đường sắt Bắc Kinh-Qinhuangdao, Đường sắt Nankun, Thượng Hải Baosteel, Sân bay Phố Đông Thượng Hải, Cầu thứ hai sông Vũ Hán, Xử lý nước thải Bắc Kinh, Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản, v.v. Mười năm trước, chính phủ Nhật Bản đã chấm dứt (hỗ trợ có trả tiền) cho Trung Quốc, tiếp tục cung cấp các khoản vay cho các dự án hiện có và tiếp tục duy trì các dự án hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ miễn phí. Năm 2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố chấm dứt hoàn toàn các hình thức viện trợ khác cho Trung Quốc trong chuyến thăm Trung Quốc.
Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc cũng là nước nhận viện trợ nước ngoài miễn phí lớn nhất của chính phủ Đức. Từ năm 1982, Đức đã cung cấp cho Trung Quốc tổng cộng 1,21 tỷ USD viện trợ miễn phí trong 30 năm. Vào ngày 13 tháng 10 năm 1982, chính phủ Trung Quốc và Đức đã ký Thỏa thuận chung về
hợp tác kỹ thuật và chính phủ Đức bắt đầu hỗ trợ miễn phí cho Trung Quốc. Đến cuối năm 2011, chính phủ Đức đã cung cấp tổng cộng 1,21 tỷ đô la Mỹ viện trợ miễn phí cho Trung Quốc. Trung Quốc là nước nhận viện trợ nước ngoài miễn phí lớn nhất từ chính phủ Đức.
Năm 2005, Trung Quốc đã trở thành người nhận tiền lớn nhất do Cơ quan Phát triển Pháp cung cấp. Đến năm 2009, họ đã cung cấp 552 triệu euro cho các khoản vay chưa được cấp cho Trung Quốc. Pháp đã tương đối tích cực trong việc hỗ trợ Trung Quốc. Theo dữ liệu từ OECD năm 2008, Pháp là nước viện trợ kinh tế lớn thứ ba cho Trung Quốc sau Nhật Bản và Đức. Sự hợp tác giữa Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển Pháp bắt đầu vào cuối năm 2003. Vào tháng 10 năm 2004, hai bên đã ký “Thỏa thuận khung về hợp tác giữa Bộ Tài chính Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cơ quan Phát triển Pháp”. Theo thỏa thuận khung hợp tác, Cơ quan Phát triển Pháp cung cấp cho Trung Quốc tổng cộng khoảng 120-150 triệu Euro khoản vay hỗ trợ phát triển chính thức chưa được kiểm tra mỗi năm, chủ yếu dành cho các dự án trong lĩnh vực cải thiện môi trường khí quyển toàn cầu.
Năm 2005, Trung Quốc đã trở thành người nhận tiền lớn nhất do Cơ quan Phát triển Pháp cung cấp. Trong năm đó, tổng số tiền cho các dự án do Pháp tài trợ lên tới 152 triệu euro. Các quỹ chủ yếu chảy vào năm tỉnh, vùng và thành phố phía tây: Vân Nam, Quảng Tây, Quý Châu, Tứ Xuyên và Trùng Khánh. Xây dựng năng lượng, đường cao tốc, đường sắt, nhà máy điện và các dự án khác. Tính đến năm 2009, Trung Quốc đã thực hiện 10 dự án với tổng số 552 triệu euro sử dụng các khoản vay của Cơ quan Phát triển Pháp.
Bộ Phát triển Quốc tế của Vương quốc Anh đã đưa ra Chương trình Viện trợ Trung Quốc 2006-2011 trong một hồ sơ cao trong năm 2006. “Kế hoạch” làm rõ khuôn khổ chung của viện trợ Anh cho Trung Quốc trong năm năm qua. Trọng tâm của viện trợ vẫn là giúp Trung Quốc giảm nghèo và đạt được “Tiêu chuẩn Ngày phát triển thiên niên kỷ” của Liên Hợp Quốc. Các lĩnh vực chính của viện trợ là giáo dục cơ bản, phòng chống AIDS và phòng chống bệnh lao. , Cấp nước và vệ sinh. Theo Cục Quan hệ Kinh tế và Thương mại Quốc tế của Bộ Thương mại, vào cuối năm 2012, Trung Quốc và Anh đã đưa ra 24 dự án hợp tác với tổng giá trị 230 triệu bảng. Các lĩnh vực tập trung trong ba lĩnh vực: y tế, giáo dục, môi trường và biến đổi khí hậu.
Sau khi Vương quốc Anh tuyên bố chấm dứt viện trợ truyền thống cho Trung Quốc vào năm 2011, họ vẫn viện trợ khoảng 270 triệu nhân dân tệ(38.5 tr đô) cho Trung Quốc vào năm 2012 và tổng cộng 2,3 tỷ nhân dân tệ(328.5tr đô) viện trợ miễn phí cho Trung Quốc trong 23 năm. Năm 1999, chính phủ Trung Quốc và Anh đã ký “Bản ghi nhớ hợp tác phát triển”. Kể từ đó, chính phủ Anh đã viện trợ miễn phí cho Trung Quốc thông qua Bộ Phát triển Quốc tế Anh, lấy “giảm nghèo” làm nhiệm vụ viện trợ nước ngoài.
Tính đến năm 2012, Hoa Kỳ có tổng cộng 33 năm viện trợ cho Trung Quốc khoảng 556 triệu đô la, bao gồm cộng đồng bảo tồn văn hóa Tây Tạng, phòng chống và điều trị AIDS và hỗ trợ khác cho hơn 30 theo dữ liệu công khai từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ cho Trung Quốc vào năm 1980. Trong số đó, trong 19 năm giữa năm tài khóa 1980-1998, viện trợ của Hoa Kỳ cho Trung Quốc là 19,41 triệu đô la Mỹ. Từ năm 1999, đây là giai đoạn phát triển nhanh chóng viện trợ của Hoa Kỳ cho Trung Quốc. Trong 14 năm kể từ năm tài khóa 1999 đến năm tài khóa 2012 khi số liệu thống kê được công bố, tổng số viện trợ của Hoa Kỳ cho Trung Quốc là khoảng 536 triệu đô la Mỹ. Về các dự án và các cơ quan tham gia, hiện có khoảng 30 dự án viện trợ của Hoa Kỳ cho Trung Quốc và gần 20 cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm tài trợ và thực hiện dự án.
Hoa Kỳ bắt đầu cung cấp hỗ trợ tài chính cho Trung Quốc vào năm 1999 và đạt 110 triệu đô la Mỹ trong năm tài khóa 2009, với trung bình hàng năm hơn 10 triệu đô la Mỹ, chiếm một phần tư viện trợ của Hoa Kỳ cho Trung Quốc trong cùng thời kỳ. Chủ yếu được sử dụng để thúc đẩy quyền con người và bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế của các cộng đồng Tây Tạng. Dự án Hỗ trợ Phát triển (DA) do Cơ quan Phát triển Quốc tế tài trợ và thực hiện chủ yếu liên quan đến các quy định của pháp luật và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Cơ quan Phát triển Quốc tế cũng hợp tác với các trường đại học và tổ chức nghiên cứu về môi trường, tài nguyên và xây dựng thông qua các dự án hỗ trợ phát triển. Các dự án hỗ trợ y tế công cộng cũng chiếm tỷ lệ lớn viện trợ của Hoa Kỳ cho Trung Quốc, chủ yếu do Bộ Y tế Hoa Kỳ và Cơ quan Phát triển Quốc tế triển khai. Các dự án hỗ trợ cụ thể chủ yếu bao gồm kiểm soát dịch bệnh, dự án nghiên cứu và đào tạo, sáng kiến về HIV/AIDS toàn cầu, cứu sống trẻ em và Sức khỏe, Sức khỏe Toàn cầu và Sự sống còn của Trẻ em, mới được thành lập vào năm 2008. Trong năm tài khóa 2001-2009, tổng số hỗ trợ đó lên tới hơn 82,6 triệu đô la Mỹ, chiếm khoảng 20% viện trợ của Hoa Kỳ cho Trung Quốc trong cùng thời kỳ.
Vào cuối năm 2012, viện trợ tích lũy EU cho Trung Quốc lên tới khoảng 810 triệu Euro, với 85 dự án bao gồm thương mại, tư pháp, giáo dục, y tế và an sinh xã hội. EU bắt đầu cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho Trung Quốc vào năm 1984. Trước năm 1995, hỗ trợ phát triển của EU cho Trung Quốc chủ yếu là xóa đói giảm nghèo, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau năm 1995, nó đã được thay đổi để thúc đẩy quan hệ song phương và giúp Trung Quốc đối phó với các thách thức toàn cầu như môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu, vốn là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Dưới sự hỗ trợ phát triển, Liên minh châu Âu đã bắt đầu xây dựng một “Tài liệu chiến lược quốc gia” (CSP) từ năm 2002.
Vào tháng 10 năm 1981, Trung Quốc và Úc đã ký “Thỏa thuận Kế hoạch Hợp tác và Phát triển Kỹ thuật Trung Quốc-Úc”. Tính đến năm 2011, Úc đã viện trợ tổng cộng 1,2 tỷ đô la Úc cho Trung Quốc và đã hoàn thành 132 dự án hợp tác liên quan đến nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, năng lượng, giao thông, dệt may, giáo dục, y tế, quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo toàn diện, nâng cao năng lực, Phát triển nông thôn và các lĩnh vực khác. Bốn dự án đang được triển khai, bao gồm Dự án Đối tác Phát triển Môi trường, Dự án Sức khỏe và AIDS, Dự án Nhỏ Hợp tác Phát triển và Học bổng Phát triển. Năm 2011, Úc tuyên bố sẽ chính thức ngừng viện trợ miễn phí truyền thống cho Trung Quốc. Trong những năm gần đây, sự giúp đỡ của Úc đối với Trung Quốc đã được thực hiện nhiều hơn dưới hình thức hợp tác kinh tế và thương mại song phương, chủ yếu trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, y tế và giáo dục.
Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản, Anh, Đức và Pháp và các nước thuộc Liên minh châu Âu khác không chỉ hỗ trợ Trung Quốc miễn phí mà còn là đối tác thương mại chính của Trung Quốc. Khoảng 80% hàng xuất khẩu của Trung Quốc được xuất khẩu sang các nước này. Hơn 90% thặng dư thương mại của Trung Quốc và số dư ngoại hối đến từ các quốc gia này. Hơn 95% công nghệ tiên tiến được Trung Quốc giới thiệu đến từ các quốc gia trên. Tiến bộ công nghệ và phát triển công nghệ của Trung Quốc về cơ bản được đào tạo bởi các nước này. Có thể nói, Trung Quốc phát triển kinh tế nhanh chóng sau năm 1978 dựa trên chính sách cải cách và mở cửa, mặt khác, về sự chăm chỉ của người dân Trung Quốc, mặt khác, nó liên quan chặt chẽ đến các quốc gia này trong đào tạo nhân sự, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính và hỗ trợ thương mại. Không thể chia cắt.
Dựa trên những sự thật trên, không có gì lạ khi một số cư dân mạng trong nước nói một cách có ý nghĩa: Một người nên luôn biết ơn, và những người khác sẵn sàng đối phó với bạn. Sau đó, hãy nhìn vào sự vụng về của những con sói chiến được sản xuất tại Trung Quốc ngày nay. Bạn vẫn cảm thấy ngạc nhiên bởi hiệu suất và khuôn mặt gớm ghiếc, và sự tuyệt chủng toàn cầu?

TQ đã làm thế giới nổi giận ra sao?

Sự ngang ngược của Trung Quốc thời gian qua khiến nhiều quốc gia trên thế giới nổi giận. Trong khi đó, với việc liên tục bị chèn ép, các quốc gia láng giềng của Trung Quốc cũng thận trọng hơn trong đối ngoại với Bắc Kinh. Từ đó có thể thấy được thực tế rõ ràng rằng, Trung Quốc đang trở thành cái gai trong mắt của nước. Và vấn đề Biển Đông chỉ là một trong nhiều yếu tố dẫn tới tình trạng “bài Trung Quốc” ở một số quốc gia.
Phái đoàn Australia tại Liên hợp quốc hôm 24/7 gửi Công hàm “phủ nhận tất cả các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với Công ước
Australia cứng rắn
Từ tháng 4/2020, mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc tệ đi trông thấy. Thời điểm này, Canberra kêu gọi Bắc Kinh phải minh bạch thông tin về dịch bệnh COVID-19 và yêu cầu mở một cuộc điều tra nguồn gốc của virus corona chủng mới. Tuy nhiên, đáp lại Canberra, Bắc Kinh phủ nhận mọi trách nhiệm, chỉ trích Australia theo chân Mỹ và đưa ra hàng loạt hành động ngoại giao đáp trả: Ngăn xuất khẩu thịt lợn, đánh thuế lúa mỳ và ra lời cảnh báo tới sinh viên Trung Quốc thận trọng trước nạn phân biệt chủng tộc tại xứ sở kangaroo.
Trước sự kiện này, Salvatore Babones, học giả Trung tâm Nghiên cứu Độc lập tại Sydney nhấn mạnh: “Tại Australia, tâm lý quay lưng lại với Trung Quốc đã lên đến mức những người như ông trùm khai thác Andrew Forrest bị gọi là ‘kẻ phản bội’ và Trung Quốc càng đẩy mạnh, Australia càng trở nên cứng rắn”.
Và đúng như dự đoán của ông Salvatore Babones, Canberra đã có những bước đi thận trọng nhưng đầy cứng rắn.
Ngày 25/7, Australia đệ trình Công hàm lên Liên hợp quốc, tuyên bố bác các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
“Chính phủ Australia phủ nhận tất cả các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), đặc biệt là những yêu sách trên biển không tuân thủ các quy tắc của Công ước về đường cơ sở, các khu vực trên biển và các phân loại thực thể”, văn bản viết.
Canberra cũng phủ nhận yêu sách của Trung Quốc với cái gọi là “quyền lịch sử” hay “quyền và lợi ích hàng hải” mà họ nói là được thành lập “trong quá trình thực thi lịch sử” ở Biển Đông.
Không chỉ Austalia tỏ ra thái độ với các yêu sách ngang ngược của Trung Quốc, các quốc gia khác cũng chia sẻ chung quan điểm.
Các thành viên trong nhóm “Bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia gần đây liên tục tổ chức các cuộc tập trận chung trên biển, thách thức Bắc Kinh.
Giới quan sát cũng đang dồn sự chú ý xem liệu Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ có mời Australia tham gia vào cuộc tập trận Malabar vào cuối năm để 4 quốc gia cùng hội quân trên biển hay không.
Cuộc chiến công hàm
Hung hăng, ngang ngược trên Biển Đông, leo thang căng thẳng với quốc gia láng giềng giờ trở thành “điểm nhấn” trong chính sách của Trung Quốc.
Trong vài năm trở lại đây, tần suất triển khai các hành động khiêu khích, coi thường pháp luật quốc tế của Trung Quốc trở nên dày đặc hơn, khiến nhiều quốc gia trong khu vực buộc phải lên tiếng. Đồng nhất các nước Đông Nam Á có chủ quyền đối với Biển Đông đã gửi công hàm phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc lên cơ quan pháp luật của Liên Hợp Quốc.
Ngày 6/3/2020, để phản đối công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc, Philippines đã gửi hai công hàm đến Liên Hiệp Quốc. Trong công hàm đầu tiên, Philippines đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc, và lần đầu tiên quốc gia này sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông giữa quốc gia này và Trung Quốc làm cơ sở pháp lý để phản đối lại Trung Quốc.
Ngày 30/3/2020, Việt Nam đã tiếp nối theo chuỗi tranh biện này và đệ trình lên Liên Hiệp Quốc phản đối hai công hàm của Trung Quốc. Trong công hàm, Việt Nam ngoài việc lặp lại chủ quyền của mình tại Biển Đông, còn khẳng định cơ sở pháp lý duy nhất cho việc xác định các vùng biển pháp lý trên biển là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, trực tiếp loại bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc tại khu vực này.
Ngày 26/5/2020, đến lượt Indonesia trình công hàm lên LHQ đề cập đến ba công hàm của Trung Quốc. Trong công hàm của mình, Indonesia bác bỏ yêu sách Vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa đối với các thực thể tại Trường Sa, đồng thời lặp lại rằng “bản đồ đường chín đoạn (đường lưỡi bò) bao hàm yêu sách về các quyền lịch sử thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đi ngược lại với UNCLOS 1982”.
Chưa bao giờ các nước Đông Nam Á liên tục đưa ra tiếng nói phản đối đồng lòng và mạnh mẽ như vậy trước sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Đặc biệt đối với Philippines, sau một thời gian có chính sách ngoại giao hòa hảo với Trung Quốc cũng đã không thể tiếp tục chịu đựng việc quốc gia này lấn lướt trong khu vực.
Ấn Độ bùng nổ cuộc “tẩy chay Trung Quốc”
Các quốc gia có biên giới trên đất liền với Trung Quốc cũng không được yên thân trước chủ nghĩa bá quyền của nước này.
Người dân Ấn Độ đốt các thiết bị công nghệ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tháng 6/2020, một cuộc đụng độ ở biên giới Trung – Ấn đã xảy ra. New Delhi khẳng định vụ việc xuất phát từ việc binh sỹ Trung Quốc cố thủ ở khu vực mà 2 bên đã thỏa thuận rút quân. Hậu quả từ hành động của Bắc Kinh là vụ xô xát đẫm máu dẫn tới 20 lính Ấn Độ thiệt mạng.
Sau sự kiện đó, người dân Ấn Độ kêu gọi tẩy chay tất cả sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Các sản phẩm tivi, điện thoại, máy tính… gắn liền với Trung Quốc bị đem ra đập phá, đốt cháy trong các cuộc biểu tình.
Không chỉ thế, người dân Ấn Độ còn tẩy chạy các ứng dụng công nghệ có nguồn gốc Trung Quốc như Tiktok, 5G, UCbrowser,… Các khẩu hiệu “Tẩy chay Trung Quốc” được giăng khắp các đường phố Ấn Độ, cho đến nay vẫn chưa dừng lại.
Ở cấp độ chính phủ, chính quyền của Thủ tướng Mohammed Modi cam kết sẽ có chính sách ngăn chặn đầu tư và tăng thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc. Các quan chức chính phủ Ấn Độ khi trả lời phỏng vấn tờ The Guardian, nói họ đã lên kế hoạch triển khai các rào cản thương mại và tăng thuế nhập khẩu với khoảng 300 mặt hàng Trung Quốc.
Bộ Viễn thông Ấn Độ đã lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thuộc sở hữu nhà nước và các công ty tư nhân khác cấm mọi hợp đồng ký kết với Trung Quốc trong tương lai cũng như mọi hoạt động nâng cấp thiết bị có liên quan tới đối tác Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc cũng sẽ bị cấm tham gia bỏ thầu trong các dự án tương lai, trong đó chắc chắn bao gồm cả những kế hoạch nâng cấp dịch vụ di động thế hệ thứ tư (4G) tại Ấn Độ.
Đáng chú ý, Ấn Độ có động thái đối phó chống lại 7 công ty lớn của Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới quân đội Trung Quốc nhằm ngăn cản sự ảnh hưởng quá lớn của quốc gia này đối với nền kinh tế Ấn Độ. Những cái tên bao gồm: Huawei, Alibaba, Xindia Steels, Xinxing Cathay, Tập đoàn Công nghệ điện tử Trung Quốc, Tencent và Tập đoàn ôtô SAIC.
Cuộc đối đầu toàn diện từ Mỹ
Sự giận dữ của chính quyền Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc đã quá rõ ràng. Trong gần 4 năm điều hành nước Mỹ, ông Trump nhất quán một chính sách xem mối quan hệ với Bắc Kinh là đối đầu.
Nước Mỹ đã khơi mào cuộc chiến thương mại, nhắm chủ yếu vào thuế quan của các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu lên quốc gia này. Dù thương chiến được cho là đã kết thúc giai đoạn một, với sự khẳng định từ phía Trung Quốc rằng họ đã hoàn thành nghĩa vụ cân bằng cán cân thương mại như đã thỏa thuận. Nhưng có vẻ Washington đã không còn nhiều để tâm đến cuộc chiến này nữa vì họ quyết tâm thực hiện một cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc.
Đồng thời, trong các khía cạnh khác của quan hệ hai nước như tình báo, công nghệ, giáo dục…, Mỹ đều có những động thái cứng rắn với Trung Quốc.
Hôm 22/7, chính quyền Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở thành phố Houston, bang Texas trong vòng 72 giờ vì nghi ngờ cơ quan này bao che cho các nhân viên tình báo và không trung thực về visa của những người này. Ngay sau đó Trung Quốc đáp trả, yêu cầu Mỹ đóng cửa lãnh sự quán của nước này tại Thành Đô. Cuộc chiến ăn miếng trả miếng đẩy mối quan hệ của hai nước tệ hơn rất nhiều.
Đáng chú ý nhất, một loạt hành động tại Biển Đông tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Mỹ đối với Trung Quốc.
Ngày 14/7, chính quyền Mỹ đã ra thông cáo bác các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết diện tích Biển Đông.
Trong tuyên bố phát đi, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh: “Trung Quốc không đưa ra được cơ sở pháp lý rõ ràng cho những tham vọng của họ ở Biển Đông và trong nhiều năm đã liên tục hăm doạ chống lại các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á”.
Ngoại trưởng Pompeo cũng khẳng định: “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh đối xử với Biển Đông như một đế chế hàng hải của riêng mình”.
Song song với tuyên bố cứng rắn chưa hề có này, Mỹ liên tục đưa các đội tàu chiến tới Biển Đông và tổ chức tập trận trong khu vực cùng với các quốc gia đồng minh của mình.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Nimitz và USS Ronald Reagan tập trận ở Biển Đông từ ngày 4/7. Nội dung tập trận gồm các chuyến bay liên tục suốt ngày đêm nhằm kiểm tra khả năng chiến đấu của máy bay trên tàu sân bay.
“Mục đích của cuộc tập trận là gửi tín hiệu rõ ràng đến các đối tác và đồng minh rằng Mỹ vẫn duy trì cam kết đối với an ninh và ổn định tại khu vực”, Chuẩn Đô đốc George M. Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, nói với tờ The Wall Street Journal (Mỹ).
Dù ông Wikoff khẳng định cuộc tập trận của Mỹ không nhằm vào cuộc tập trận của Trung Quốc nhưng rõ ràng đây là hoạt động nhắm đến các động thái triển khai quân sự hung hăng của Bắc Kinh trong thời gian gần đây.
Từ đầu năm đến nay, hải quân Mỹ đã 5 lần thực hiện tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. Mật độ Mỹ tiến hành FONOP trên Biển Đông tăng khá nhanh từ năm 2019 đến nay. Cụ thể, năm 2019 có 9 lần, trong khi năm 2018 chỉ 5 lần, còn các năm trước đó là 6 lần vào năm 2017, 3 lần vào năm 2016 và chỉ 2 lần vào năm 2015.
Đồng thời, Mỹ cũng tổ chức tập trận chung với đối tác và đồng minh ngay trong khu vực.
Cuối tháng 4/2020, hải quân Mỹ và Australia vừa có cuộc tập trận chung trên Biển Đông. Ngày 28/5, Bộ Tư lệnh Indo-Pacific (INDOPACOM) thuộc hải quân Mỹ thông tin các tàu chiến của hải quân Mỹ và hải quân Singapore vừa tập trận song phương trên Biển Đông từ ngày 24 – 25/5.
Ngày 7/7, hai tàu huấn luyện Nhật Bản tJS Kashima và JS Shimayuki cùng tham gia tập trận với đội tàu sân bay của Mỹ.
Cuộc chiến chống lại sự bành trướng của Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai, khi cách tiếp cận của Bắc Kinh với các quốc gia láng giềng, đối tác không nhưng không làm thỏa mãn lợi ích của nhau mà còn gây hại đến sự phát triển bền vững của chính các quốc gia đó cũng như làm thay đổi trật tự thế giới theo chiều hướng cực đoan hơn.

Bắc Kinh chuyển từ

‘ngoại giao chiến lang’ sang ‘mỹ nhân kế’

Bình luậnMinh Thanh
Trong những năm gần đây, các nhà ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn bị chỉ trích vì dường như không biết dùng “ngôn ngữ ngoại giao” và thiếu sự linh hoạt nghiêm trọng. Khi “ngoại giao chiến lang” không còn hữu dụng trên trường quốc tế, có vẻ như Bắc Kinh lại đang điều chỉnh sang chiến lược “mỹ nhân kế”.
Qua những lần phát biểu, có thể thấy người phát ngôn của ĐCSTQ mang ngữ khí ngang ngược, đặc phái viên của họ ở nước ngoài liên tục khiêu khích, không giống như nhà ngoại giao, mà giống như đang chiến đấu ở nước ngoài. Một số người thậm chí còn chế giễu rằng Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ đã trở thành Bộ phá hoại Quan hệ Đối ngoại của Trung Quốc.
Hiện giờ, mọi người đã phát hiện ra rằng phong cách lang sói này đều bắt nguồn từ tư tưởng ngoại giao của Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình. Trong bối cảnh ngoại giao liên tục gặp trở ngại, sau khi ĐCSTQ bị cô lập trong cộng đồng quốc tế, truyền thông nước ngoài mới đây cho biết Bắc Kinh đang điều chỉnh chiến lược, chuyển từ các “chiến lang” ngoại giao sang sử dụng những cô gái trang điểm xinh đẹp tham gia vào mặt trận tuyên truyền của ĐCSTQ. Mục đích của ĐCSTQ là nhằm cố gắng thay đổi môi trường dư luận quốc tế.
Theo trang tin tức của Úc, trong các video do ĐCSTQ công bố, một mặt, những cô gái này sẽ ám thị rằng những người phương Tây sẽ bị bắt giữ nếu lên tiếng chỉ trích ĐCSTQ; mặt khác, họ sẽ xúc phạm người Ấn Độ bằng giọng điệu của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Mục đích mà ĐCSTQ bồi dưỡng những mỹ nữ này đều là để tăng cường tuyên truyền đường lối của đảng. Họ liên tục ‘chiến đấu’ trên các trang mạng xã hội nước ngoài như Twitter và YouTube.
Bài báo nói rằng, mặc dù các quan chức ngoại giao chiến lang đã dốc hết sức để đả kích những giá trị quan của phương Tây trên các kênh truyền thông mạng xã hội phương Tây, ĐCSTQ vẫn không hài lòng. Cuối tuần trước, Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc đã đăng một đoạn video tiết lộ chiến lược tuyên truyền biến hoá liên tục của Bắc Kinh.
Trong video xuất hiện một cô gái trẻ ngồi tại bàn làm việc với một khẩu hiệu tuyên truyền rõ ràng ở phía sau. Phụ đề tiếng Anh của video dùng để thông báo với khán giả phương Tây rằng cô là cán bộ thôn của một chính quyền địa phương thuộc khu tự trị Tân Cương. Cô nói với khán giả rằng cô rất hài lòng với cuộc sống, rồi khi nói về một số chủ đề ở Tân Cương, cô vui vẻ đến nỗi vừa múa vừa hát.
Bài báo chỉ ra rằng, trên thực tế thì những phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đều bị cưỡng ép triệt sản. Ước tính có khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong hàng chục trung tâm giam giữ mới mà ĐCSTQ gọi là “trại cải tạo”.
Về vấn đề này, ngay cả ông Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming), Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh, cũng từ chối trả lời. Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông của Anh vài ngày trước, ông Lưu Hiểu Minh đã thể hiện rõ sự bối rối khi nhìn thấy băng video hàng trăm tù nhân Duy Ngô Nhĩ bị còng tay và bịt mắt.
Hiện nay, chiến dịch tuyên truyền của ĐCSTQ đang thay đổi. Ông Fergus Ryan, chuyên gia phân tích thuộc Viện nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc, đã viết: “Nếu anh có một nhóm người chuyên nịnh hót đảng luôn sẵn sàng đợi lệnh, sao lại phải dựa vào số ít quan chức ngoại giao chiến lang kia chứ?”.
Bài báo chỉ ra rằng, gần đây các cuộc phản công từ các cơ quan tuyên truyền của Bắc Kinh xuất hiện nhiều hơn trên các kênh truyền thông mạng xã hội của phương Tây. Mặc dù những tuyên truyền này trông có vẻ kỳ lạ, nhưng đây chính là chính sách của ĐCSTQ. Tháng trước, Twitter đã xoá hàng ngàn tài khoản cá nhân và những tài khoản này được cho là một phần trong các hoạt động tuyên truyền của ĐCSTQ.
Bài báo trích dẫn lời của bà Hoa Xuân Oánh, Vụ trưởng Vụ Thông tin của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, trong một ấn phẩm của ĐCSTQ xuất bản vào tháng 7/2019: “Để giành được quyền phát ngôn, chúng ta phải chủ động hành động và tích cực định hình”.
Ông Fergus Ryan nói: “Bà Hoa Xuân Oánh và các đồng sự ngoại giao chiến lang đã cố gắng định hình ngôn ngữ toàn cầu bằng cách chế giễu, mỉa mai và thuyết âm mưu”.
Đầu năm nay, một người đàn ông Trung Quốc đã bị bắt vì đăng tải thông tin về việc đứa con của anh ra đời lên Twitter. Anh bị buộc tội vượt “tường lửa” Internet. Tuy nhiên, bà Hoa Xuân Oánh cùng các đồng nghiệp chiến lang và những người đẹp phục vụ đảng có thể vượt tường lửa mà không phải lo lắng, với điều kiện là họ phải làm những gì họ cần làm.
Ông Fergus Ryan cho biết: “Có rất nhiều người, bao gồm cả nhân viên trong các viện chính sách của Trung Quốc, những người làm truyền thông chuyên nghiệp, phần tử theo chủ nghĩa dân tộc và thậm chí cả Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cũng đang nỗ lực để có cơ hội tham gia vào thực tiễn (tuyên truyền trên mạng). Mọi một đoàn thể đều cố gắng tranh thủ cơ hội thể hiện lòng trung thành với đảng và sẵn sàng phát động cuộc chiến chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây”.
Bài báo nói rằng, Bắc Kinh biết rằng các kênh truyền thông mạng xã hội của phương Tây có lợi thế hơn kênh truyền thông truyền thống. Không giống như truyền thông truyền thống, truyền thông mạng xã hội có thể kiểm soát được nhiều hơn và sẽ không bị buộc phải trả lời các câu hỏi khó. Ví như các cảnh nhảy múa của cô cán bộ Tân Cương cũng có thể được dàn dựng công phu.
Đây là lý do tại sao các cơ quan truyền thông được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn có thể thử nhiều cách để đưa các kiểu phong cách và hiệu ứng lên các trang mạng như YouTube và Twitter.
Bài báo cho biết, chiến lược “mỹ nhân kế” của Bắc Kinh đang gia nhập vào hàng ngũ tuyên truyền “chiến lang”. Những cô gái xinh đẹp, hấp dẫn trong trang phục truyền thống thể hiện sự quyến rũ của họ trong các video đã được cắt nối biên tập trên Youtube, họ nghiêm túc ca ngợi lợi ích của chế độ độc tài độc đảng. ĐCSTQ dường như đang cho phép tiến hành những thử nghiệm tương tự trong các cơ quan chính phủ, để cải thiện địa vị của ĐCSTQ trên thế giới.
Ngoài ra, Bắc Kinh đang phát triển phương pháp “công khai thao túng”, sử dụng thiết bị tuyên truyền kết hợp với đầu tư thu thập dữ liệu trí tuệ nhân tạo và các nền tảng truyền thông xã hội khác để tuyên truyền thông tin đến khán giả phương Tây.
Minh Thanh
Theo SOH

Cựu cảnh sát mạng tiết lộ

hoạt động kiểm duyệt mạng xã hội Trung Quốc

Hải Lam
Từng là một nhà kiểm duyệt Internet ở Trung Quốc, anh Liu Lipeng chịu trách nhiệm sàng lọc các bài đăng trên mạng xã hội và gắn cờ những bài vi phạm các quy tắc mà chính quyền Bắc Kinh đề ra.
Anh đã chứng kiến nhiều bài viết về Phong trào Ô dù Hồng Kông năm 2014 bị xóa, khi quần chúng chiếm đóng các con đường chính trong thành phố để yêu cầu quyền bầu cử phổ thông. Khi Hồng Kông được Anh trao trả về Trung Quốc vào năm 1997, thành phố được hứa hẹn bầu cử tự do và công bằng, nhưng Bắc Kinh đã tự quyết định các ứng cử viên cho vị trí cao nhất.
Xem video từ các cuộc biểu tình năm 2014, anh Liu đã tận mắt chứng kiến người dân Hồng Kông đấu tranh cho tự do và dân chủ. Họ khiến anh cảm thấy háo hức và thôi thúc anh đi tìm tự do cho bản thân.
“Hồng Kông là tiền tuyến cho tự do và dân chủ của Trung Quốc. Hồng Kông cần sự hỗ trợ của thế giới”, anh nói.
Anh Liu mới chuyển đến tiểu bang California ở Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, anh mặc một chiếc áo phông màu đen có in một chiếc ô màu vàng, ở dưới một từ “Mạnh mẽ” (Strong).
Chiếc ô màu vàng đã trở thành một biểu tượng cho phong trào dân chủ Hồng Kông năm 2014, sau khi 10 ngàn người biểu tình sử dụng ô để chắn hơi cay từ phía cảnh sát.
Sau khi Bắc Kinh áp luật an ninh với Hồng Kông, nhiều hãng công nghệ từ chối cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ vì lo ngại quyền tự do ngôn luận của người dùng bị xâm phạm.
TikTok, một ứng dụng chia sẻ video thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Bytedance có trụ sở tại Bắc Kinh, đã tuyên bố họ sẽ rời thị trường Hồng Kông. Anh Liu, người từng tham gia phỏng vấn vị trí kiểm duyệt người dùng TikTok ở nước ngoài, cho biết doanh nghiệp công nghệ này không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ các yêu cầu giao nộp dữ liệu người dùng của chính quyền Hồng Kông. TikTok gần đây đã phải đối mặt với sự dò xét kỹ lưỡng ở Mỹ và nhiều quốc gia khác trong việc
thu thập dữ liệu người dùng quốc tế. Do đó, công ty Trung Quốc này sẽ rất thận trọng trước khả năng đổ vỡ mối quan hệ công chúng do hậu quả của việc này.
“Họ biết rằng họ không thể chống lại luật an ninh mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Hồng Kông”, anh Liu nói.
Anh cho biết thêm rằng một ứng dụng thuộc sở hữu của Trung Quốc như TikTok sẽ không thể hoàn toàn minh bạch, mặc dù phía Bytedance từng cam kết sẽ xây dựng Trung tâm chuyên trách các vấn đề Minh Bạch (Transparency Center) để giảm bớt những lo ngại của công chúng đối với hoạt động của mình.
Quá khứ của anh Liu
Anh Liu từng làm việc trong vai trò người kiểm duyệt nội dung cho mạng xã hội Weibo trong hai năm. Anh cũng đã có bốn năm làm quản lý khâu kiểm duyệt nội dung cho Leshi, một nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc tương tự YouTube.
Anh Liu mô tả, vị trí kiểm duyệt nội dung hoặc quản trị viên ở Trung Quốc là các vị trí phải chịu áp lực cao. Những người làm nghề này bị theo dõi và kiểm soát chặt chẽ bởi Cục Quản lý không gian mạng, cơ quan kiểm duyệt hàng đầu của chính quyền trung ương.
Anh nói rằng các nhà kiểm duyệt ở Trung Quốc phải nhớ nhiều cụm từ, tên hoặc chủ đề bị chính quyền liệt vào danh sách “nhạy cảm về chính trị”. Anh liệt kê một vài cụm từ điển hình như “Pháp Luân Công“, môn khí công tu luyện cổ truyền theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, đã bị ĐCSTQ đàn áp kể từ năm 1999 đến nay; “Ngày 4/6”, còn được biết đến với tên gọi Cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, khi chính quyền điều quân đội và xe tăng đến đàn áp phong trào kêu gọi cải cách dân chủ do các sinh viên lãnh đạo.
Anh Liu đưa ra một số cụm từ được cho là nhạy cảm về chính trị như “Lưu Hiểu Ba”, một nhà bất đồng chính trị đã giành giải Nobel Hòa bình năm 2010 và “Tập Cận Bình”, tên của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã nghĩ ra rất nhiều cách để những bình luận liên quan đến ông Tập Cận Bình ‘thoát lưới’, không bị kiểm duyệt. Anh Liu cho biết, có hơn 35.000 từ, ký hiệu hoặc các tổ hợp từ và ký hiệu khác nhau liên quan đến nhà lãnh đạo Trung Quốc bị dán nhãn là “nhạy cảm về chính trị”.
Anh Liu nói rằng, trong hầu hết các thông báo tuyển dụng cho công việc này, các công ty ưu tiên các ứng viên là đảng viên, đoàn viên của ĐCSTQ. Ngoài ra còn có các yêu cầu khác như: “Các ứng viên cần phải nhạy bén về chính trị”.
Các nhà tuyển dụng cũng đòi hỏi ứng viên có trình độ đại học, nhưng không có yêu cầu chuyên ngành cụ thể. Anh Liu tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản lý nguồn nhân lực, do đó một cách tự nhiên, anh trở thành đối tượng cho vị trí kiểm duyệt nội dung.
Anh Liu cho rằng, lý do thực sự mà các nhà tuyển dụng yêu cầu bằng cấp đại học là vì, ở Trung Quốc, sinh viên tốt nghiệp đại học là đã phải trải qua các khóa giáo dục chính trị trong trường.
Chia sẻ với phóng viên The Epoch Times, anh Liu nói rằng sợ hãi đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày đối với những người kiểm duyệt nội dung mạng ở Trung Quốc: “Không ai nhìn thấy nó, nhưng người ta vẫn biết nó ở đó. Nó ở ngay trong không khí”.
Anh Liu cũng cho hay, ĐCSTQ có các chi bộ đảng trong văn phòng của tất cả các doanh nghiệp mạng xã hội. “Chúng tôi đều biết ai là đảng viên trong văn phòng và họ thường tỏ ra rất thân thiện với mọi người”, cựu kiểm duyệt viên nội dung nói. “Họ không bao giờ nói cho bạn biết phải làm gì. Nhưng với những vấn đề quan trọng, họ sẽ nói rõ quan điểm của họ, và bạn biết rằng điều đó đại diện cho quan điểm của ĐCSTQ”.
TikTok
TikTok và Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok), thuộc sở hữu của ByteDance, do Trương Nhất Minh thành lập và làm CEO từ năm 2012. Nền tảng truyền thông xã hội này cho phép người dùng tải lên các video dài 60 giây và nhanh chóng trở nên phổ biến sau khi ra mắt.
Vào tháng 4/2018, chương trình truyền thông xã hội phổ biến nhất của ByteDance, Neihanduanzi, đã bị một trong những cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia, yêu cầu dừng hoạt động.
Sau lệnh cấm, Zhang đã đưa ra lời xin lỗi công khai và thừa nhận rằng, “công ty đã tập trung quá nhiều vào công nghệ, nhưng bỏ qua việc dùng công nghệ phải dưới sự chỉ đạo của chính quyền”.
Sau lệnh cấm, ByteDance tuyên bố mở rộng đội ngũ kiểm duyệt nội dung của mình thêm 67%.
Trong một bài báo trước đây mà The Epoch Times phỏng vấn anh Liu, anh đã chia sẻ trải nghiệm của mình vào năm 2018, khi anh đi phỏng vấn cho vị trí kiểm duyệt các video mà người dùng TikTok quốc tế đăng tải.
Trong cuộc phỏng vấn đó, anh Liu giải thích rằng người Mỹ coi trọng quyền tự do ngôn luận, nên sẽ không hài lòng nếu những gì họ đăng bị kiểm duyệt quá mức. Cuối cùng anh đã không được nhận.
Mặc dù là một nhà kiểm duyệt chuyên nghiệp, anh Liu đã cố gắng phơi bày sự thật với công chúng Trung Quốc. Vào ngày 25/1, anh Liu đã đăng tải các hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, thông qua tài khoản của anh trên Toutiao, một nền tảng truyền thông xã hội khác thuộc sở hữu của ByteDance.
“Tôi nghĩ rằng nó hoàn toàn hợp pháp, không mang tính chính trị”, anh Liu nói. Nhưng bài đăng của anh vẫn bị kiểm duyệt.
Douyin cũng từng đăng tải cáo buộc của một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng COVID-19 là do quân đội Mỹ đưa đến Trung Quốc.
Liu đã tỉnh ngộ với cuộc sống dưới sự cai trị độc đoán của chính quyền Trung Quốc và quyết định chuyển đến định cư tại California cùng gia đình.
Vào tháng 5, anh nhận được một tin nhắn từ một công ty tuyển dụng hỏi anh có muốn quay lại Trung Quốc để phỏng vấn xin việc với ByteDance nữa không. Anh Liu từ chối.
“Chúng tôi muốn thoát khỏi nỗi lo sợ”, anh Liu nói với The Epoch Times.
Theo The Epoch Times
Hải Lam dịch và biên tập

Truyền thông Trung Quốc nói nông nghiệp

‘được mùa bội thu’, nông dân nói thế nào?

Vũ Dương
Dưới nhiều áp lực nặng như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đại dịch viêm phổi Vũ Hán, lũ lụt và nạn châu chấu, chính quyền Trung Quốc mới đây lại tuyên bố rằng nông nghiệp nước này năm nay được mùa bội thu. Ngôn luận này vừa được đưa ra đã làm dấy lên sự nghi ngờ và chế giễu của người dân.
Truyền thông rêu rao “lương thực vụ chiêm cao kỷ lục”, người dân kêu khổ, hạn hán khiến mất mùa trầm trọng
Gần đây, sau khi ông Tập Cận Bình đến Cát Lâm để khảo sát vấn đề an ninh lương thực, các kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày 26/7 đã xuất bản bài viết có tiêu đề “Nhân dân Nhật Báo lần nữa nhấn mạnh lương thực được đảm bảo!“, bài viết nói rằng, “kho lương đầy đủ, thiên hạ an tâm“, đồng thời nhấn mạnh rằng thu hoạch vụ chiêm năm nay lần nữa được mùa bội thu, sản lượng đạt 142,8 tỷ tấn, tăng 1,21 tỷ tấn, tương đương tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục mới.
Báo cáo cũng cho biết, “nông nghiệp của Trung Quốc được mùa bội thu liên tục trong nhiều năm với trữ lượng lương thực dồi dào, hoàn toàn có khả năng đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp các mặt hàng nông sản quan trọng, củng cố vững chắc tuyến phòng thủ đảm bảo lương thực quốc gia”.
Nhưng tuyên truyền của phía chính quyền dường như trái ngược hoàn toàn với tình cảnh chân thật của người dân.
Ông Trương Nhất Quần, một nông dân trồng ngô ở Thiết Lĩnh thuộc tỉnh Cát Lâm, tiết lộ với đài quốc tế rằng những cánh đồng ngô xung quanh nhà ông không tốt như ngô được các kênh truyền thông nhà nước tuyên truyền. “Năm nay vùng đông bắc hạn hán nghiêm trọng, căn bản không có mưa”. Những cây ngô mà ông trồng cao đến thắt lưng liền bị chết khô, căn bản không có thu hoạch, đành phải vứt đi. Do hạn hán nên thân ngô cũng không trổ hạt được.
Ông nói thẳng rằng tình hình miền nam Trung Quốc lũ lụt trầm trọng, miền bắc hạn hán không mưa đến nay vẫn chưa được giải quyết, các công trình khổng lồ điều tiết nước từ miền nam vào miền bắc vốn không mang lại lợi ích gì cho vùng đông bắc này.
Miền nam lũ lụt không ngừng, cây nông nghiệp bị hư hại gần như toàn bộ
Miền nam Trung Quốc, lưu vực sông Dương Tử cũng là khu sản xuất lương thực quan trọng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những trận mưa lớn và lũ lụt thường xuyên kéo dài gần hai tháng nay khiến cho mực nước đến nay vẫn chưa rút. Những người nông dân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Huyện Toàn Châu
được xem là huyện nông nghiệp lớn của tỉnh Quảng Tây lại gặp phải nạn châu chấu, toàn bộ cây nông nghiệp đều bị ăn sạch.
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng một cuộc khủng hoảng lương thực có thể nổ ra ở Trung Quốc trong nửa cuối năm nay, tuy nhiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Quốc ngày 16/7 đã đưa ra tuyên bố rằng nguồn cung cấp lương thực trên cả nước vẫn được đảm bảo và hứa hẹn vụ mùa bội thu trong cả năm. Còn về khủng hoảng do thảm họa mang lại, các kênh truyền thông lại không đề cập đến.
Trước những ngôn luận tuyên truyền “nông nghiệp Trung Quốc hứa hẹn được mùa bội thu cả năm” của ĐCSTQ, người dân không khỏi chế giễu, tranh nhau để lại lời bình: “Thật quá lợi hại, đất nước tôi nhờ có kỹ thuật canh tác hoàn toàn mới, vậy nên không sợ lũ lụt, không ngại hạn hán, vẫn đạt sản lượng cao kỷ lục hàng năm!”, “Một bước nhảy vọt lớn trong sản xuất lương thực ngay trong mưa lũ“, “Lũ lụt hoành hành rồi lại thêm nạn châu chấu, vậy mà vẫn được mùa bội thu?” “An ninh lương thực có được nhờ bắt tay thực hiện, chứ không phải đạt được bằng những lời rêu rao“, “ĐCSTQ còn có lời khoác lác nào chưa từng nói, thật đúng là vô sỉ cùng cực“.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ngày 23/7 cho hay, Trung Quốc bất ngờ mua lượng lớn ngô và đậu nành từ Hoa Kỳ, trong đó đậu nành đạt 1.696 triệu tấn, được xem là mức cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái đến nay, lượng ngô là 1.967 triệu tấn, đây là con số nhiều nhất kể từ tháng 3 năm 2018 đến nay. Dữ liệu này phần nào đã xác nhận Trung Quốc đang trong nguy cơ khủng hoảng lương thực.
Theo Secretchina
Vũ Dương biên dịch

Gordan Chang: Trung Quốc hiện nay

giống Nhật Bản dưới chế độ phát xít


Minh Hòa
Chuyên gia về Trung Quốc, ông Gordan Chang hôm thứ Hai (27/7) nói với chương trình “Varney & Co.” của Fox Business Network rằng chính quyền Trung Quốc đang tiến hành “các hoạt động rất nguy hại, đặc biệt chống lại lực lượng Hải quân và Không lực Hoa Kỳ” trong những năm gần đây.
Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Stuart Varney, ông Chang đề cập đến các vụ Trung Quốc cố tình chiếu tia laze vào mắt các phi công Mỹ, trong đó có vụ việc năm 2018 với hai phi công Mỹ điều khiển máy bay C-130 bị thương bởi tia laser “cấp độ quân sự” của Trung Quốc.
“Khi họ cố gắng làm mù mắt các phi công của một chiếc máy bay Mỹ, họ đang cố gắng bắn hạ nó và giết chết toàn bộ phi hành đoàn”, ông Chang nói.
Vị tác giả của cuốn sách “Cuộc chiến công nghệ lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc” nói thêm rằng: “Có những cuộc tấn công bằng âm thanh nhắm vào các nhà ngoại giao Mỹ ở lãnh sự quán tại Quảng Châu diễn ra vào cùng thời gian đó và đã gây ra những tổn thương cho não bộ”.
Ông Chang so sánh Trung Quốc dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc tựa như “Nhật Bản những năm 1930” dưới chế độ phát xít.
Khi người dẫn chương trình Varney hỏi ông Chang rằng liệu Trung Quốc có tin rằng họ có thể đánh bại Tổng thống Trump bằng chiến thuật hung hăng như vậy không, ông Chang trả lời: “Tôi nghĩ có lẽ họ tin rằng họ có thể chiến thắng, ít nhất thì chúng tôi biết rằng họ đang cố gắng làm điều đó”.
Ông Chang nói thêm rằng chính quyền Trung Quốc “tham gia vào một chiến dịch nham hiểm nhằm bóp méo thông tin về dịch virus corona và về các cuộc biểu tình phản đối cái chết của George Floyd”, một nghi phạm da đen tử vong tại Mỹ khi bị cảnh sát khống chế bằng kĩ thuật ghì cổ.
Các cuộc biểu tình sau cái chết của ông Floyd ban đầu ôn hòa, sau đó xuất hiện phong trào BLM (Black Lives Matter – Mạng sống của người da đen quan trọng) với xu hướng cực đoan, bao gồm các vụ bạo loạn, phá hoại, hôi của, yêu cầu giải tán lực lượng cảnh sát.
Ông Chang nói: “Dù điều này chưa được xác minh, nhưng chúng tôi tin rằng lãnh sự quán mới bị đóng cửa của Trung Quốc ở Houston có liên kết với các nhóm biểu tình ở Hoa Kỳ. Chúng tôi đã thấy Trung Quốc cố gắng mang vào Mỹ các mặt hàng rất hữu dụng cho một phong trào phản kháng. Chúng tôi không biết chắc chắn nhưng có rất nhiều điều cần phải điều tra”.

Tổng thống Duterte:

‘Tôi bất lực’ trước Trung Quốc về Biển Đông

Minh Hòa
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm thứ Hai (27/7) nói rằng ông “bất lực” trước những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, BenarNews đưa tin.
Phát biểu tại Quốc hội Philippines, Tổng thống Duterte cho biết ông không muốn đất nước lâm vào chiến tranh với Trung Quốc để giành chủ quyền ở Biển Đông. Ông Duterte tuyên bố: “Tôi bất lực ở đó rồi. Tôi sẵn sàng thừa nhận điều đó”.
Tổng thống Philippines nói tiếp: “Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, chúng ta tuyên bố chủ quyền. Nhưng Trung Quốc có vũ khí, còn chúng ta không có. Đơn giản thế thôi”.
Nhà lãnh đạo từng tuyên bố chia tay Mỹ để xây dựng quan hệ với Trung Quốc tuyên bố: “Chúng ta có thể làm gì đây? Chúng ta phải tham chiến. Nhưng tôi không đủ khả năng. Có thể một số tổng thống khác có thể, nhưng tôi không thể”.
Tổng thống Duterte đưa ra tuyên bố này trong bài phát biểu hàng năm trước toàn dân, được tổ chức tại Quốc hội. Chỉ trước đó hai tuần, bộ ngoại giao và bộ quốc phòng Philippines đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trong việc chỉ trích Trung Quốc bắt nạt các nước Đông Nam Á.
Trong bài phát biểu hôm 27/7, ông Duterte thể hiện sự cảnh giác đối với việc Hoa Kỳ quay trở lại Vịnh Subic, nơi có một căn cứ quân sự Mỹ từng bị đóng cửa vào năm 1992.
Tờ Nikkei trích lời ông Duterte nói: “Tôi không phản đối Mỹ. Tôi không phản đối Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu đặt căn cứ ở đây, các vị sẽ làm gia tăng nguy cơ chiến tranh lên gấp đôi… Nếu các vị đặt căn cứ ở đây và nếu chiến tranh xảy ra, người Philippines chắc chắn sẽ tuyệt chủng”.
Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Duterte nói ông đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ưu tiên cho Philippines mua vắc-xin chống Covid-19 do Trung Quốc sản xuất, theo SCMP.
Philippines là đồng minh của Hoa Kỳ trong hàng chục năm và nhận được sự hỗ trợ của Washington trong việc nộp đơn kiện yêu sách chủ quyền đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông vào năm 2013. Tòa án quốc tế ở La Hay đã ra phán quyết vào tháng 7/2016, ủng hộ đơn kiện của Philippines và bác bỏ cơ sở pháp lý cho yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cùng năm đó, ông Duterte lên nắm quyền vào tháng 6, và vài tháng sau tuyên bố “chia tay” Mỹ để hâm nóng mối quan hệ với Trung Quốc. Quyết định này của ông Duterte được đưa ra sau khi ông bị Hoa Kỳ chỉ trích về tình hình nhân quyền trong chiến dịch chống ma túy khiến hàng ngàn người bị giết ngoài vòng pháp luật.

Tòa kết luận cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak

phạm nhiều tội

Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak bị tuyên là có tội đối với toàn bộ bảy cáo buộc trong phiên xử đầu tiên của loạt các phiên tòa vụ tham nhũng nhiều triệu đô la.
Ông không nhận tội đối với các cáo buộc tội bội tín, rửa tiền và lạm quyền.
Vụ án đối với ông Najib, người nắm quyền trong thời gian từ 2009 đến 2018, được nhìn nhận rộng rãi như một phép thử đối với các nỗ lực chống tham nhũng của Malaysia.
Vụ bê bối 1MDB liên quan tới một quỹ đầu tư phát triển thuộc sở hữu nhà nước tại Malaysia đã dẫn tới việc khám phá ra một mạng lưới toàn cầu tham nhũng và gian lận.
Nó gây ra những cơn sốc cho toàn bộ hệ thống chính trị Malaysia, dẫn tới việc đảng UMNO của ông Najib, vốn đã nắm quyền tại nước này suốt 61 năm, kể từ khi Malaysia giành độc lập, bị lật đổ.
Najib nay phải đối diện với mức án hàng chục năm tù, nhưng ông được trông đợi là sẽ được tại ngoại cho tới khi đã qua hết mọi bước kháng án, khiếu nại.
“Sau khi cân nhắc mọi bằng chứng trong phiên xử này, tôi thấy rằng cơ quan công tố đã chứng minh được vụ việc vượt qua được mức nghi ngờ hợp lý,” thẩm phán Mohamad Nazlan Mohamad Ghazali nói tại Tòa Thượng thẩm Kuala Lumpur.
Sau phiên xử, Najib nói ông sẽ chiến đấu đến cùng, và nói sẽ kháng cáo bất kỳ phán quyết nào nói ông có tội. “Đây là cơ hội để tôi chứng minh mình trong sạch,” ông viết trong một tuyên bố trên Facebook.
Nội dung cáo buộc
Phán quyết ra hôm thứ Ba tập trung vào khoản 42 triệu ringgit (10 triệu đô la) được chuyển từ quỹ nhà nước sang các tài khoản cá nhân của ông Najib trong thời gian ông làm thủ tướng.
Ông Najib bác bỏ việc có hành vi sai trái, và nói ông đã bị cố vấn tài chính làm cho hiểu sai vấn đề, mà cụ thể là nhà tài phiệt Jho Low nay đã đào tẩu.
Jho Low đã bị cáo buộc bởi cả Hoa Kỳ và Malaysia, nhưng vẫn luôn nói mình vô tội.
Phản ứng của một ủng hộ viên sau khi nghe phán quyết của tòa
Nhóm luật sư biện hộ cho ông Najib lập luận rằng ông đã được giải thích theo cách khiến ông tin rằng các khoản quỹ trong tài khoản của ông là do gia đình hoàng tộc Ả-rập Saudi tặng chứ không phải là chiếm dụng trái phép từ quỹ nhà nước.
Với các cáo buộc này, mức án phải chịu có thể tới từ 15 đến 20 năm tù.
Vụ bê bối 1MDB
Vụ việc xoay quanh 1 Malaysia Development Berhad (1MDB), một quỹ đầu tư của nhà nước được thành lập hồi 2009, khi ông Najib Razak là thủ tướng.
Đây là loại quỹ đầu tư do nhà nước sở hữu, được dùng vào mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Được xây dựng bằng các khoản thu của nhà nước, như doanh thu từ hoạt động dầu khí và xuất khẩu, các quỹ kiểu này có dòng tiền luân chuyển cực lớn nhằm đầu tư, và có tiềm năng gây ảnh hưởng quốc tế mạnh mẽ.
Năm 2015, đã có các câu hỏi đặt ra quanh những hoạt đọng của 1MDB sau khi quỹ này lỡ hạn thanh khoản đối với các ngân hàng và chủ trái phiếu.
Giới chức Malaysia và Hoa Kỳ cho rằng 4,5 tỷ đô la đã được lấy đi bất hợp pháp khỏi quỹ để chuyển sang túi cá nhân.
Khoản tiền thất thoát được liên hệ tới bất động sản xa hoa, một phi cơ tư, các tác phẩm nghệ thuật của Van Gogh và Monet, và thậm chí cả một bộ phim bom tấn Hollywood, Con Sói Phố Wall.
Hồi tuần trước, ngân hàng Mỹ Goldman Sachs đã đạt được một dàn xếp trị giá 3,9 tỷ đô la với chính phủ Malaysia liên quan tới vai trò của ngân hàng này trong vụ tham nhũng trị giá nhiều tỷ đô la này.
Dàn xếp nêu trên giúp giải quyết ổn thỏa các cáo buộc tại Malaysia theo đó nói ngân hàng đã giúp gây quỹ 6,5 tỷ đô la cho 1MDB.
Ông Najib còn bị cáo buộc những gì nữa?
Ông cựu thủ tướng đã từng được tuyên trắng án trước các cáo buộc của giới chức Malaysia, thời ông còn tại vị.
Tuy nhiên, các cáo buộc đã đóng vai trò lớn khiến ông thất cử hồi 2018 – và tân chính phủ đã nhanh chóng mở lại cuộc điều ra về vụ 1MDB.
Phán quyết hôm thứ Ba là bản án đầu tiên, nhưng có lẽ chưa phải là bản án quan trọng nhất.
Một phiên tòa riêng rẽ đã bắt đầu từ hồi tháng Tám năm ngoái đang xem xét tới các cáo buộc theo đó nói ông cựu thủ tướng đã chiếm trái phép 2,28 tỷ ringgit (550 triệu đô la) từ 1MDB trong thời gian từ 2011 đến 2014.
Ông nay đối diện với 21 tội rửa tiền và bốn tội lạm quyền, nhưng ông bác bỏ việc mình có bất kỳ hành vi sai trái nào.
Vợ ông, bà Rosmah Mansor, cũng đối diện với các cáo buộc rửa tiền và trốn thuế, là các tội danh mà bà không nhận.

Cựu Thủ Tướng Malaysia Najib

bị tuyên án 12 năm tù

Một tòa án Malaysia hôm 28/7 tuyên án cựu Thủ Tướng Najib Razak 12 năm tù giam, đồng thời phạt ông 210 triệu ringgit – tương đương với 49,40 triệu USD, về tội lạm dụng quyền hành liên quan tới vụ bê bối tài chính tại quỹ phát triển quốc gia 1MDB, theo Reuters.
Ngoài ra, ông Najib còn bị kết tội về 3 tội danh lạm dụng tín nhiệm và 3 tội rửa tiền vì đã chiếm đoạt gần 10 triệu USD từ SRC International, một công ty con của Quỹ 1MDB trước đây. Ông bị tuyên án 10 năm tù cho mỗi tội danh vừa kể.
Thẩm phán tòa tối cao Mohamad Nazlan Mohamad Ghazali phán quyết tất cả các bản án tù đó sẽ được thi hành cùng lúc, và như vậy, tổng cộng, ông Najib sẽ bị bỏ tù 12 năm.
Trước đó trong ngày, nhà cựu lãnh đạo Malaysia bị kết tội tham nhũng trong phiên tòa đầu tiên liên quan đến vụ bê bối tài chính lên tới hàng tỷ đô la có liên hệ với các quốc gia vùng Vịnh và lan rộng tới tận Hollywood.
Vụ án này được coi là một cuộc trắc nghiệm đối với quyết tâm của Malaysia, dẹp nạn tham nhũng với những hệ quả chính trị to lớn tại quốc gia Đông Nam Á này.
Theo bản tin của Reuters, ông Najib, 67 tuổi, có vẻ bình tĩnh, mặc dù ông lộ vẻ đăm chiêu khi thẩm phán ra phán quyết có tội. Ông Najib từng lãnh đạo đất nước trong gần một thập kỷ trước khi thất cử năm 2018.
Ông không nhận tội, và ra dấu hiệu sẽ kháng cáo tại tòa án liên bang.
Theo các giới chức Mỹ và Malaysia, tổng cộng 4,5 tỷ USD đã bị đánh cắp từ 1MDB, một quỹ đầu tư phát triển thuộc quyền sở hữu của nhà nước mà ông Najib thành lập vào năm 2009 để thúc đẩy phát triển kinh tế, thế nhưng nhiều số tiền lớn đã được các cộng sự của ông Najib dùng để mua các tác phẩm nghệ thuật, một siêu du thuyền và cả tài trợ cho bộ phim “Wolf of Wall Street” ở Hollywood.
Các cáo buộc về tham nhũng tại quỹ phát triển quốc gia 1MDB đã đeo đuổi ông Najib trong hơn năm năm. Nhưng chỉ sau khi ông thất bại trong cuộc bầu cử năm 2018 thì các cáo buộc về tội hình sự mới được phát động khi Thủ Tướng kế nhiệm Mahathir Mohamad quyết định mở lại các cuộc điều tra.
Reuters dẫn lời nhà lập pháp đối lập Charles Santiago nói việc ông Najib Razak bị kết án đánh đi một thông điệp mạnh mẽ rằng các lãnh đạo sẽ phải chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái khi còn tại chức.

Xung đột Trung – Ấn: New Delhi

sẽ dùng tiếp lá bài Đài Loan và Tây Tạng?

Khi căng thẳng biên giới giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở dãy Himalayas kéo dài đến tuần thứ 11, ngày càng có nhiều tiếng nói thúc giục New Delhi suy nghĩ lại về sự ủng hộ của họ đối với chính sách “một Trung Quốc.”
Chính sách “một Trung Quốc” mà Bắc Kinh đưa ra khẳng định rằng cả Trung Quốc Đại lục và Đài Loan là một phần của cùng một quốc gia có chủ quyền. Bắc Kinh coi đây là nền tảng của các mối quan hệ ngoại giao. Do vậy, có nhận định rằng thậm chí việc gợi ý về vấn đề này với New Delhi cũng sẽ làm gia tăng đáng kể mâu thuẫn giữa hai bên.
Tuy nhiên, một loạt các lời kêu gọi: từ các nhà ngoại giao và nhà phân tích đã nghỉ hưu đến các quan chức Tây Tạng, đang thúc giục chính phủ của ông Narendra Modi củng cố mối quan hệ với Đài Loan và cộng đồng người Tây Tạng lưu vong như một lá bài ngoại giao chống lại khẳng định về chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh.
Các nhà phân tích cho rằng sẽ không khôn ngoan nếu Ấn Độ thay đổi lập trường về chính sách “một Trung Quốc” trong chính sách đối ngoại của mình, nhưng New Delhi có thể thách thức việc này một cách tinh tế bằng cách tăng cường quan hệ với lãnh đạo Đài Loan và cộng đồng Tây Tạng.
BR Deepak, Giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru (JNU) ở New Delhi cho biết: “Tôi không nghĩ rằng Ấn Độ sẽ từ bỏ chính sách ‘một Trung Quốc,” nhưng Ấn Độ đã định rõ rằng họ sẽ không đưa điều này vào các tuyên bố chung như trước đây.”
Đầu tháng này, Ấn Độ đã bổ nhiệm Gourangal Das, một nhà ngoại giao cấp cao và là người trước đây phụ trách về quan hệ với Mỹ, làm đặc phái viên của mình với Đài Loan. Và ngay cả trước cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan hồi tháng 6 đã giết chết ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ, hai nghị sĩ thuộc Đảng Bharatiya Janata cầm quyền (BJP) đã tham dự lễ nhậm chức trực tuyến cho nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Ông lobsang Sangay, chủ tịch của chính phủ lưu vong Tây Tạng có trụ sở tại Ấn Độ, cũng đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Ấn Độ tố cáo sự xâm lược của Trung Quốc ở dãy Himalayas.
Lựa chọn nan giải
New Delhi hiện không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Thay vào đó, nước này đã thành lập Hiệp hội Đài Bắc Ấn Độ (India Taipei Association) do một nhà ngoại giao phụ trách để phối hợp các vấn đề trong mối quan hệ với đảo quốc.
Theo chính sách “một Trung Quốc,” Bắc Kinh yêu cầu các nước khác thừa nhận yêu sách của mình đối với Đài Loan và không được công nhận Đài Bắc. Điều này có nghĩa là các quốc gia có thể có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh hoặc Đài Bắc, nhưng không phải cả hai. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã thành công trong việc dần dần làm giảm quy mô các nước đồng minh với Đài Bắc. Hiện tại, chỉ có 15 quốc gia, chủ yếu là nước nhỏ, công nhận Đài Loan.
Trong quá khứ, Ấn Độ đã ủng hộ mạnh mẽ chính sách “một Trung Quốc.” Năm 2008, một tuyên bố chung được đưa ra tại một cuộc họp giữa Thủ tướng Ấn Độ lúc đó là Manmohan Singh và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, ghi nhận rằng Ấn Độ là một trong số các quốc gia đầu tiên thừa nhận nguyên tắc này và Ấn Độ sẽ phản đối bất kỳ hoạt động nào chống lại [nguyên tắc này].
Dưới áp lực của Bắc Kinh, năm 2018, hãng hàng không Air India đã đổi tên ‘Đài Loan’ thành ‘Đài Bắc Trung Hoa’ trên trang web của mình, một hành động được thành viên chính phủ Ấn Dộ mô tả tại thời điểm đó là “hoàn toàn phù hợp” với mối quan hệ của Ấn Độ với Đài Loan.
Sana Hashmi, một học giả người Ấn Độ tại Đại học Quốc gia Chengchi Đài Loan, cho biết việc Ấn Độ tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc” là “trở ngại lớn” trong việc phát triển mối quan hệ Ấn Độ – Đài Loan mạnh mẽ hơn, và vì vậy, mối quan hệ này chưa phát huy được hết các tiềm năng của nó.
“Ấn Độ đã luôn thận trọng trong việc mở rộng quan hệ kinh tế [với Đài Loan], cũng như luôn do dự để khai thác các tiềm năng trong mối quan hệ [với Đài Loan], vì nếu làm thế có nghĩa là trở nên thù địch với Trung Quốc,” bà Hashmi nói.
Vì những lý do tương tự, sự hỗ trợ đối với cộng đồng Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ cũng chỉ diễn ra trong thầm lặng, mặc dù Ấn Độ là nơi có cộng đồng người Tây Tạng tị nạn lớn nhất trên thế giới.
Các kế hoạch của Chính phủ Tây Tạng lưu vong cho sự kiện vào năm 2018 để kỷ niệm 60 năm cộng đồng này đến Ấn Độ đã bị huỷ bỏ khi chính quyền của ông Modi nói với tất cả các quan chức rằng không được tham gia các sự kiện này. Sự việc khiến cộng đồng Tây Tạng bối rối và đặt ra câu hỏi về sự ủng hộ của Ấn Độ đối với họ.
Tuy nhiên, ông Deepak tại Đại hoc JNU cho biết sự cố ở Thung lũng Galwan sẽ thay đổi điều này.
Vấn đề Tây Tạng
Mặc dầu vậy, ông Deepak cho biết nhiều khả năng Ấn Độ vẫn sẽ không ủng hộ ý tưởng về một Tây Tạng tự do hay tự trị.
Thay vào đó, ông nói rằng các chính trị gia Ấn Độ có thể gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma thường xuyên hơn, hoặc các đại diện của chính phủ lưu vong Tây Tạng sẽ được xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông Ấn Độ như thời gian qua.
Ngoài ra, ngày càng có thêm nhiều lời kêu gọi để trao cho Đức Đạt Lai Lạt Ma chứng nhận dân sự cao quý nhất của đất nước là Bharat Ratna.
Gonpo Dhondup, chủ tịch Đại hội Thanh niên Tây Tạng, tổ chức phi chính phủ lớn nhất trong cộng đồng tị nạn Tây Tạng, cho biết Ấn Độ cần hiểu rằng tình hình biên giới với Trung Quốc sẽ không bao giờ được giải quyết trừ khi công lý được thực thi cho Tây Tạng.
Ông Dhondup cho biết một Tây Tạng độc lập mới mang đến “an ninh lâu dài” cho Ấn Độ.
Ông nói Ấn Độ nên nêu vấn đề Tây Tạng với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán cấp cao, gợi ý rằng chính phủ Ấn Độ có thể bắt đầu bằng cách gọi biên giới là biên giới Ấn Độ – Tây Tạng. “Trong thực tế, Trung Quốc và Ấn Độ không có biên giới.”
Ông cũng cho biết Quốc hội đang lên kế hoạch kiến nghị các Nghị sĩ Ấn Độ áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn chống lại Trung Quốc.
Cân nhắc về kinh tế
Cân nhắc của Ấn Độ trong bất kỳ cuộc đối đầu nào với Trung Quốc sẽ là quan hệ kinh tế giữa hai nước. Bắc Kinh là nguồn nhập khẩu lớn nhất của New Delhi.
Tuy nhiên, xung đột biên giới đã khiến Ấn Độ có những động thái đặc biệt với Trung Quốc với tuyên bố Bắc Kinh đã trở thành mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia và các vấn đề bảo mật. Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc, bao gồm các nền tảng truyền thông xã hội TikTok và WeChat. Ấn Độ cũng loại bỏ sự tham gia của các công ty Trung trong nhiều dự án lớn của mình.
Ông Deepak cho biết hợp tác kinh tế có thể sẽ trở thành tâm điểm trong quan hệ Ấn Độ – Đài Loan kể từ bây giờ, và trong thời gian tới hai nước sẽ chứng kiến nhiều hơn các cuộc đối thoại về nhiều lĩnh vực
khác nhau, bao gồm trao đổi giáo dục, xây dựng năng lực giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ Trung Quốc, trao đổi Nghị sĩ, thương mại và đầu tư v.v.
Nhà sản xuất điện thoại Đài Loan Foxconn chuyên sản xuất điện thoại Apple và Xiaomi, đã hứa sẽ đầu tư 5 triệu USD để thiết lập một nhà máy ở bang Maharashtra phía tây Ấn Độ. Gần đây, công ty cũng đưa ra ẩn ý về kế hoạch mở rộng đầu tư vào Ấn Độ.
Khi được hỏi về phản ứng của Bắc Kinh trước các động thái tăng cường quan hệ với Đài Loan và cộng đồng Tây Tạng của Ấn Độ, ông Deepak nói rằng Trung Quốc có thể tăng thêm các cuộc xâm lược dọc biên giới và trợ giúp cho các nhóm nổi dậy ở phía đông bắc Ấn Độ.
Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Ladakh, Jammu và Kashmir như một phần của tranh chấp biên giới đang diễn ra đã cho thấy rằng Trung Quốc không tuân thủ chính sách một Ấn Độ, ông nói thêm.
Một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan là một bước ngoặt đối với việc thiết lập chính sách đối ngoại của nước này. Nó cho thấy New Delhi không còn cần duy trì các cam kết ngoại giao vì sợ làm mếch lòng Bắc Kinh.
“Khi đó, Ấn Độ không hề nghĩ rằng Trung Quốc sẽ là mối nguy cho hòa bình trên biên giới. Nhưng bây giờ Ấn Độ đã nhận ra, và phải chuẩn bị cho điều tồi tệ hơn,” vị quan chức này nói.

Ấn Độ cấm thêm 47 ứng dụng di động Trung Quốc

Hải Lam
Chính phủ Ấn Độ đã cấm thêm 47 ứng dụng Trung Quốc, chỉ vài tuần sau lệnh cấm 59 ứng dụng vì lo ngại vấn đề an ninh và bảo mật quốc gia, một quan chức Ấn Độ hôm 27/7 nói với hãng AFP.
“Lệnh đã được ban hành vào thứ Sáu (24/7). Hầu hết 47 ứng dụng này bị cấm vì lý do tương tự như 59 ứng dụng trước đó, và nhiều ứng dụng là phiên bản rút gọn hoặc biến thể của các ứng dụng bị cấm trước đó”, vị quan chức giấu tên của Bộ thông tin Ấn Độ cho biết.
Các ứng dụng Trung Quốc có tên trong lệnh cấm mới nhất gồm Tiktok Lite, Helo Lite, SHAREit Lite, BIGO LIVE Lite và VFY.
Theo tờ Daily Mail, chính phủ không đưa ra thông báo chính thức về lệnh cấm, nhưng nhiều phương tiện truyền thông lớn của Ấn Độ đưa tin về việc này.
Tờ Economic Times hôm 28/7 cho biết, chính quyền Ấn Độ tiếp tục liệt kê thêm 275 ứng dụng Trung Quốc để kiểm tra xem chúng có vi phạm về quyền riêng tư và an ninh quốc gia hay không. Trong số 275 ứng dụng này có trò chơi PUBG Mobile thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Tencent, được nhiều người Ấn Độ yêu thích.
Trước đó, vào ngày 29/6, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng Trung Quốc, trong đó có TikTok, sau cuộc đụng độ dữ dội ở biên giới hai nước hôm 15/6. Theo thông cáo báo chí của Bộ Công nghệ Thông tin và Điện tử Ấn Độ, các ứng dụng này “dính líu đến các hoạt động gây phương hại đến chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ, quốc phòng Ấn Độ, an ninh quốc gia và trật tự công cộng”.
Theo số liệu từ Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ, các công ty Internet Trung Quốc đang có khoảng 300 triệu người dùng tại thị trường này. Khoảng 2/3 người sở hữu điện thoại thông minh tại Ấn Độ đã tải một ứng dụng Trung Quốc. Uớc tính rằng, 120 triệu người ở Ấn Độ sử dụng TikTok, nền tảng chia sẻ video thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, khiến Ấn Độ trở thành thị trường quốc tế lớn nhất cho ứng dụng này.

New Zealand đình chỉ hiệp ước dẫn độ Hong Kong

New Zealand nói “tình trạng độc đáo” của Hong Kong đang bị đe dọa
New Zealand đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong để đáp ứng với luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc đáp đặt lên thành phố này.
Luật an ninh Trung Quốc bị chỉ trích rộng rãi giúp chính quyền trừng phạt người biểu tình dễ dàng hơn và giảm quyền tự chủ của thành phố.
Tư vấn du lịch cũng đã được cập nhật để cảnh báo người dân New Zealand về những rủi ro do luật an ninh quốc gia mới được đưa ra.
Canada, Úc và Vương quốc Anh trước đó đã đình chỉ các hiệp ước dẫn độ của họ với Hong Kong.
Xuất khẩu từ New Zealand sang Hong Kong giờ đây sẽ được đối xử y như cách New Zealand đối xử với hàng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand, Winston Peters, nói Trung Quốc “làm xói mòn các nguyên tắc pháp trị, phá hoại khuôn khổ ‘một quốc gia, hai hệ thống’ được thiết lập để củng cố vị thế độc tôn của Hong Kong, và đi ngược lại các cam kết của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế”.
Chính phủ Hong Kong nói rằng luật an ninh mới ban hành rất cần cho việc mang lại trật tự cho một thành phố đã chứng kiến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hàng loạt vào năm ngoái. Những cuộc biểu tình này lúc sau thường trở nên bạo động.

Sinh viên Trung Quốc tại Úc

bị lừa trong các vụ ‘bắt cóc ảo’

Sinh viên Trung Quốc ở Sydney đang là mục tiêu trong các vụ lừa đảo nhằm buộc họ phải trả khoản tiền chuộc lớn, cảnh sát Úc cho hay.
Trong nhiều trường hợp, các sinh viên bị tống tiền và buộc phải tự đóng vai trong các video bị bắt cóc rồi gửi cho người nhà ở Trung Quốc để lấy tiền.
Tám vụ “tống tiền ảo” được ghi nhận trong năm nay, trong đó có một vụ những kẻ tống tiền được trả 2 triệu AUD (khoảng 1,43 triệu USD).
Các nạn nhân tin rằng họ hay người thân của họ đang gặp nguy hiểm, cảnh sát nói.
Cảnh sát bang New South Wales (NSW) cho biết hình thức tống tiền loại này đã “tăng lên về tần suất trong năm 2020″ và hoạt động “với quy mô một ngành công nghiệp”.
Họ khuyến cáo sinh viên nên báo cảnh sát ngay khi nhận các cú điện thoại đe dọa.
Cách tống tiền ra sao?
Các nhà chức trách cho biết hình thức tống tiền “kiểu các trung tâm gọi điện” được vận hành từ nước ngoài, khiến chúng khó có thể được truy tìm.
Kẻ lừa đảo thường giả mạo là người của sứ quán Trung Quốc hay các cơ quan công quyền khác, gọi điện cho nạn nhân thông báo họ bị nghi có liên quan đã phạm tội ở Trung Quốc hay đang gặp một mối đe doạ nào đó.
Những kẻ lửa đảo, thường nói tiếng Trung đại lục (tiếng Quan Thoại), đòi sinh viên trả phí nhiều lần để khỏi bị bắt hay bị trục xuất.
Có trường hợp, một người cha đã trả hơn 2 triệu AUD tiền chuộc, rồi lại nhận được một video quay con gái bị bịt mồm và trói tại môt địa điểm không xác định.
Cảnh sát ở Sydney được thông báo đã có tám vụ tống tiền trong năm nay
Sau đó ông liên lạc với cảnh sát Sydney. Và sau một giờ tìm kiếm, họ tìm thấy cô con gái an toàn và khoẻ mạnh tại một phòng khách sạn.
Trong những trường hợp khác được báo cho cảnh sát trong năm nay, các khoản tiền chuộc vào khoảng từ 20.000 tới 300.000 AUD.
“Trong một số trường hợp, các gia đình phải trả đến xu cuối cùng mà họ có,” Cảnh sát Điều tra trưởng Darren Bennett nói.
Trong nhiều vụ, cảnh sát thường tìm thấy các nạn nhân ngày hôm sau, an toàn khoẻ mạnh. Nạn nhân thường xấu hổ và ngại không muốn đi báo cảnh sát.
“Các nạn nhân bị bắt cóc ảo mà chúng tôi đã gặp thường bị tổn thương về chuyện đã xảy ra, họ đã tin rằng họ đã đặt bản thân hay người nhà vào tình huống nguy hiểm thật,” Cảnh sát NSW cho biết.
Tại sao các nạn nhân lại mắc lừa?
Cảnh sát cho biết các đường dây lừa đảo hoạt động trên phạm vi rất rộng, và có vẻ như chúng sử dụng các cuộc gọi tự động cho tất cả những người mang họ Trung Quốc trong danh bạ điện thoại.
“Họ tung lưới rất rộng và họ vợt được một số người mắc mưu, và thu lời rất nhiều,” ông Bennett nói.
Ông nhận xét các vụ tống tiền kiểu này tăng rất mạnh trong mấy tháng qua, “hầu như cuối tuần nào chúng tôi cũng có một nạn nhân bị mắc lừa.”
Những người hỗ trợ sinh viên quốc tế ở Úc nói sinh viên dễ bị nhắm tới trong thời gian dịch bệnh vì họ phụ thuộc vào việc làm thời vụ và không được nhận hỗ trợ của chính phủ.
Cảnh sát nói “các yếu tố văn hoá”, cũng như sự cô lập của một số sinh viên quốc tế, khiến họ trở nên những đối tượng dễ bị tấn công.
Các nạn nhân có thể bị ép vào những tình huống cực đoan như đóng giả vụ bắt cóc vì họ đã bị bọn lừa đảo “kiểm soát tâm lý,” ông Bennett nói.
“Các sinh viên có thể làm hai điều quan trọng để tự bảo vệ mình – thứ nhất, nhận biết là có những vụ lừa đảo như vậy và thứ hai, yêu cầu hỗ trợ sớm nếu họ nghĩ họ hay người họ quen có thể đang bị lừa,” cảnh sát NSW nói.
Một số vụ lừa đảo tương tự cũng diễn ra ở New Zealand và Hoa Kỳ.

Công hàm của Australia về Biển Đông khích lệ

ASEAN trong đàm phán COC với Trung Quốc

Mai Xuân Vĩnh
Công hàm của Australia phản đối Trung Quốc
Ngày 23/7, phái đoàn thường trực Khối thịnh vượng chung của Australia tại Liên hợp quốc (LHQ) đã gửi công hàm số 20/026 bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tiếp theo sau sự lên tiếng của Mỹ hôm 13/7, Australia đã chính thức lên tiếng ủng hộ phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế năm 2016, bác bỏ đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển, đòi chủ quyền đối với cái mà Bắc Kinh gọi là “vùng nước lịch sử”.
Australia cũng bác bỏ các đường cơ sở thẳng nối các nhóm đảo trái với luật quốc tế mà Trung Quốc áp dụng đối với Tứ Sa là Trường Sa, Hoàng Sa, Đông Sa và Trung Sa ở Biển Đông, và do đó đòi có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đi kèm.
Trung Quốc đe doạ Canberra
Ngay sau khi công văn của Australia được công bố chính thức trên trang web của Uỷ ban Đăng ký Thêm lục địa Liên Hiệp Quốc, một bài báo có tiêu đề “Australia đã ngu ngốc lên chung con thuyền bị rò rỉ của Mỹ để can thiệp vào Biển Đông” đăng trên trang Thời báo Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mô tả công hàm gửi LHQ của Australia và các cuộc tập trận hải quân gần đây của Australia và Mỹ trong khu vực là những hành động khiêu khích liều lĩnh.
Bài báo trên của Hoàn cầu Thời báo, dựa trên quan điểm của Zhou Fangyin, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Quảng Đông, viết rằng trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Australia hiện đang xấu đi đáng kể, nếu Canberra tiếp tục theo sát Washington và “khiêu khích” Bắc Kinh thì “thiệt hại đối với Australia nên được dự đoán trước, không chỉ về quan hệ chính trị, mà cả về quan hệ kinh tế”. Học giả này cũng nêu ra đe dọa cụ thể là biện pháp trả đũa kinh tế chống lại Australia với khả năng đánh thuế vào sản phẩm nông nghiệp nhập từ Australia như thịt bò và rượu vang.
Công hàm của Australia nói lên điều gì?
Công hàm phản đối yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông được Australia gửi lên LHQ chỉ một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức công bố bản “lập trường của Mỹ về các yêu sách tại Biển Đông” ngày 13/7, phản đối các yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đó, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia cũng lần lượt gửi công hàm phản đối những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các chuyên gia trên thế giới cho rằng việc Australia gửi công hàm lên Liên hợp quốc (LHQ) ngày 23/7 bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông thể hiện một tín hiệu“mạnh mẽ khác thường”. Công hàm của Australia diễn ra ngay trước khi có các cuộc tham vấn ngoại giao-quốc phòng giữa Mỹ và Australia (AUSMIN) dự kiến diễn ra ngày 27/7.
Australia đã luôn giữ thế trung lập giữa Mỹ và Trung Quốc trong suốt nhiều năm qua, đặc biệt là khi một cuộc chiến tranh lạnh mới Mỹ -Trung ngày càng trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, động thái mới nhất này cho thấy Australia đang liên kết chặt chẽ hơn với Washington trong cuộc tranh cãi đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc về vùng biển này.
Công hàm của Australia về Biển Đông có lợi cho ASEAN như thế nào?
Tuyên bố của Pompeo và Công hàm mới đây của Canberra đã cho thấy sự ủng hộ mới từ Mỹ và Australia dành cho các nước ASEAN. Các tuyên bố này, “cộng hưởng” với các công hàm trước đó của một số quốc gia ASEAN bao gồm Philippines, Việt Nam, Indonesia, sẽ tạo áp lực với Trung Quốc. Những tuyên bố này của Mỹ và Australia sẽ gián tiếp giúp tăng cường sức mạnh đàm phán của ASEAN với Trung Quốc về dự thảo Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) trong khu vực. Có khả năng các nhà đàm phán ASEAN sẽ đồng ý đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc về việc không chỉ áp dụng COC cho Trung Quốc mà còn áp dụng với các quốc gia khác.
Những tuyên bố của các đồng minh Khối hiệp ước quân sự Australia – New Zealand – Mỹ (ANZUS) củng cố cho phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 rằng các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là không phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế đã được nêu trong UNCLOS.
Tại Washington, nhà nghiên cứu hàng đầu về Biển Đông Greg Poling của CSIS mô tả công hàm của Australia gửi LHQ là một “cú đánh trực diện từ Canberra tới Bắc Kinh”. Các nhà nghiên cứu khu vực cho rằng động thái của Australia có thể sẽ được chính phủ các nước ASEAN đón nhận, mặc dù sẽ không có những bình luận công khai, do sự nhạy cảm của mối quan hệ đa tầng trong khu vực với Trung Quốc.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Úc đặc biệt coi trọng biển Đông

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong mới đây, GS Carlyle Thayer (ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) nhận định: Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt đối với Úc vì 3 lý do chính: thương mại, quốc phòng và sự ổn định địa chiến lược.
Về thương mại, Úc là một trong những nước phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại với Đông Bắc Á. Trong 12 đối tác thương mại lớn nhất của Úc năm 2019, Trung Quốc đứng số 1 với 89,2 tỷ USD, theo sau là Nhật Bản và Hàn Quốc. Singapore, Malaysia và Việt Nam đứng thứ 10, 11 và 12.
Về quốc phòng, Úc xa cách các điểm nóng ở châu Á, nhưng các tiến bộ về công nghệ quân sự và việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở biển Đông (3 đảo có đường băng 3.000m và nhà chứa máy bay) dẫn tới việc kẻ thù tiềm năng sẽ mất ít thời gian hơn để tấn công Úc. Giờ đây, các đảo nhân tạo đóng vai trò căn cứ tiền phương; máy bay quân sự Trung Quốc mang tên lửa có thể tấn công thành phố Darwin và các căn cứ quân sự ở miền bắc nước Úc. Tàu ngầm và tàu chiến Trung Quốc có thể rải mìn khắp các tuyến vận tải biển của Úc.
Về độ ổn định địa chiến lược, trước tiên, biển Đông là tuyến đường thương mại quan trọng đối với hàng xuất khẩu Úc đi tới Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và 5 nước ASEAN, gồm Singapore, Malaysia,Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Miền tây nước Úc chiếm một lượng lớn hàng hóa Úc đi tới Trung Quốc và tuyến đường vận chuyển ngắn nhất là đi qua biển Đông. Biển Đông là tuyến đường biển nhộn nhịp thứ hai thế giới với hơn 3.000-5.000 tỷ USD hàng hóa đi qua mỗi năm. Bất kỳ sự bất ổn về an ninh hoặc xung đột nào ở biển Đông cũng sẽ ảnh hưởng kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Úc.
Thứ hai, Úc là đồng minh hiệp ước của Mỹ. Mỹ là siêu cường toàn cầu và cần tiếp cận biển Đông để triển khai lực lượng từ Tây Đại Tây Dương tới Ấn Độ Dương/vịnh Ba Tư. Theo liên minh ANZUS (khối hiệp ước quân sự Úc-New Zealand-Mỹ), Úc có thể được kêu gọi ủng hộ và chiến đấu cùng Mỹ trong trường hợp có xung đột ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Úc – Mỹ họp bàn cách đối phó với Trung Quốc

ở Biển Đông

Thu Hằng
Hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Úc đã đến Washington ngày 27/07/2020 để tham gia cuộc họp thường niên AUSMIN (Tham khảo cấp bộ trưởng Mỹ- Úc) với hai đồng nhiệm Mỹ, diễn ra ngày 28/07. Biển Đông và an ninh trong khu vực là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự.
« Chuyến thăm này là bằng chứng cho tầm quan trọng của liên minh bền vững của chúng ta ». Trên mạng Twitter, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Linda Reynolds đã khẳng định như trên ngay khi vừa đến Mỹ cùng với ngoại trưởng Marise Payne ngày 27/07.
Theo trang The New Daily ( Úc ), hai bộ trưởng Úc không tiết lộ những nội dung sẽ được trao đổi trong cuộc họp chính thức với phái đoàn Mỹ. Tuy nhiên, ngoại trưởng Úc khẳng định trên mạng Twitter sau khi thăm bộ Ngoại Giao Mỹ: « những giá trị chung về tự do và dân chủ là nền tảng liên minh của chúng ta ».
Đây là những điểm từng được ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh trong bài diễn văn đọc ngày 23/07 tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon. Ông Pompeo đồng thời nhắc đến triển vọng thành lập « một nhóm các quốc gia có chung tư tưởng và một liên minh dân chủ mới », để chống lại sự đe dọa của Trung Quốc, hành động quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, đánh cắp sở hữu trí tuệ và mưu đồ phá hoại trật tự được thành lập dựa trên luật lệ.
Cũng trong ngày 23/07, Úc đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự kiện này diễn ra chỉ một tuần sau khi ngoại trưởng Mỹ chính thức công bố bản « Lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách tại Biển Đông ».
Vẫn theo trang The New Daily, cuộc họp thường niên năm 2020 phải có tầm quan trọng lớn vì bất chấp dịch Covid-19 và tuy có khả năng họp trực tuyến, hai bộ trưởng Úc vẫn chọn đích thân đến Washington để hội đàm với các đồng nhiệm Mỹ. Có nhiều khả năng trong cuộc họp lần này, Washington sẽ đề nghị Canberra tham gia trực tiếp vào các chiến dịch vì tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOPS) mà Mỹ thực hiện từ lâu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù