“Gặp ai?” Kỷ niệm với tình báo cộng sản
Nguyễn Đan Quế
29-7-2020
Lần đầu làm việc với công an cộng sản khi vừa bị bắt năm 1978. Một thanh niên mặt mũi biến dạng, vì thương tích chiến tranh, dẫn theo đường hẹp quanh co vào phòng nhỏ, sơ sài chỉ có bàn ghế trống trơn. Bảo ngồi chờ. Ghế đẩu, cưa chân cho ngắn, ọp ẹp, ngồi phải nương nhẹ, chỉ sợ sập.
Lúc sau, ‘quan cách mạng’ cao lớn, to khỏe, ăn mặc thường phục, đi giầy tây, xăm xăm từ ngoài vô, tiến thẳng đến thoi vào mặt tôi, lớn tiếng quát: “Anh không phải là bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Theo tin tình báo quốc ngoại của chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Đan Quế hiện đang ở bên Anh. Chúng tôi sẽ lột mặt anh là ai“.
Tôi né, người và ghế ngã ra đất. Dép văng. Vướng chân, hắn đá ra ngoài sân. Tiện thể, hắn đạp một cú vào mạn sườn khiến tôi nằm luôn. Trận đòn đầu tiên tôi nếm trải trong ngục tù cộng sản.
Sau đó, ra lập hồ sơ nhập trại: Lấy đủ dấu mười đấu ngón tay, chụp ảnh đủ kiểu để nhận dạng: Ngay, nghiêng, vén tóc chụp lấy cả cái trán, chụp hai tai; cho ra đứng dựa tường, hai tay căng biển số tù trước ngực chụp nửa người, rồi nguyên người; và làm một lô thủ tục giấy tờ khác.
Trong lòng hơi lo chưa biết tính sao. Nếu như ‘nó’ cứ ‘tẩn’, cứ làm bộ cho rằng mình không phải là Bs Quế? Nhưng rồi, chẳng thấy ai nhắc đến chuyện bác sĩ giả nữa.
Bị lôi ra hỏi cung liên tiếp, gần như mỗi ngày. Mỗi buổi khoảng hai, ba tiếng. Thái độ gay gắt, chửi bới thậm tệ, giở đủ mọi đòn ngón nghiệp vụ điều tra từ vuốt ve, bắt nạt đến hù doạ, đe đánh. Mỗi khi làm việc, chấp pháp lúc nào cũng nói dài, nói dai, nói sốc óc, nói những điều nghịch tai, ngang chướng, nghe muốn phát điên.
Đừng để ý nghe! Nghe là chết! Thở bằng bụng. Tập trung tư tưởng bằng cách đưa ý nghĩ dõi theo hơi thở (hít vào, ngưng dưới rốn, thở ra). Cứ thế làm, chấp pháp đâu biết. Tinh thần không bị u trệ. Phản ứng còn giữ được tương đối. Nhờ có Thiền và thở theo phương pháp Yoga, tôi mới chịu đựng nổi nhiều giờ hỏi cung, tra khảo.
Thiền trong Ấn Độ giáo có nghĩa là ‘nhìn’ – nhìn sâu vào bên trong mình để tìm ra con người thật của chính mình. Thiền đơn giản là phương pháp giải phẫu kỳ lạ cắt rời bạn khỏi mọi thứ không phải là của bạn và giữ lại chỉ những thứ là bản thể đích thực của bạn. Thiền để bạn đứng đó trần trụi, một mình, trong thế giới nội tâm riêng của mình, thoát ly khỏi thế giới chung quanh. Và từ thế giới riêng, bắt đầu quan sát, nhận biết và khám phá mọi thứ, kể cả mấy tên chấp pháp kia. Không thụ động, uể oải, chết cứng, để bị khai thác.
Thắc mắc nhiều nhất xoay quanh, tại sao tôi lại về nước vào cuối năm 1974, lúc tình hình Saigon đang rối rắm và tại sao năm 1975, Mẹ tôi cùng các anh chị di tản hết mà tôi ở lại. Nội vấn đề về nước và ở lại quê hương mình, chúng làm tình làm tội tôi cả tháng trời, cứ một luận điệu là: Phải có lý do gì ‘đặc biệt’ lắm, chứ sao hầu hết những ai đi tu nghiệp ngoại quốc đều ở lại không về, thì anh về nước; đa số bỏ chạy, anh lại không đi. Vô lý lắm, làm sao chúng tôi tin được chỉ là do ý muốn cá nhân của anh. Chúng muốn qui tôi có quan hệ với ngoại bang, về nước cũng như ở lại nằm trong kế hoạch nào đó rộng lớn hơn.
Dứt khoát trước sau như một, tôi xác quyết rõ ràng: Đó là do quyết định cá nhân của tôi. Sau khi không khai thác được gì thêm, chúng bắt đầu đi vào tra hỏi đến các hoạt động của Mặt Trận Dân Tộc Tiến Bộ.
Rồi một đêm kia, khuya lắm, một nhóm công an mặc thường phục, bất thần xông vô phòng biệt giam, bịt mắt tôi lại, còng hai tay, đưa ra xe lái đi. Trên xe, ngoài tài xế và người ngồi cạnh, tôi cảm nhận có hai người kè bên tôi. Xe chạy hoài, thấy gió lạnh thổi, tôi đoán là ngoài xa lộ.
Trong xe hoàn toàn im lặng! Tôi đâm lo! Hay là chúng mang tôi đi thủ tiêu. Đang chạy, xe lạng như lao xuống mương bên vệ đường. Chúng nhảy xuống. Tên tài xế giục liền: “Nhanh lên còn về”. Thấy nguy, tôi nhảy đại ra khỏi xe, nhưng ngã ngay vì mắt bịt và tay còng không vịn được vào đâu. Tài xế la lên: “Nó trốn. Nó trốn”. Tôi bị tóm cổ dúi vào lại xe.
Xe chạy tiếp lâu nữa, rẽ qua rẽ lại nhiều lần, rồi thắng gấp đậu lại. Một bàn tay nữ nhỏ mềm nắm hai tay còng của tôi dẫn đi. Tôi dọ dẫm từng bước sợ té. Rồi cho mở còng và mở bịt mắt: Hóa ra lại là phòng biệt giam cũ của mình. Tâm thần tôi mệt mỏi vì đòn hù doạ này. Không biết chúng tính gì đây. Tôi gắng hết sức ngồi Thiền Định và tập Yoga cho đến sáng. Tôi biết nằm là sẽ quị luôn!
Sáng tinh mơ, trước cả giờ điểm danh, quản giáo gọi đi làm việc. Vô phòng ngồi chờ. Trên bàn nằm chình ình xấp giấy nhỏ trông quen quen, giống vé máy bay du khách thường đi. Tôi thấy phải Thiền và thở Yoga ngay để đối phó. Lúc sau, một tên cán bộ cao to lớn, mặt mày dữ tợn đen đúa, điệu bộ rất ‘ngầu’, tiến nhanh vào đứng sững ngay trước mặt tôi, như muốn ăn sống, nuốt tươi, ngón tay trỏ chỉ thẳng giữa hai con mắt tôi quát lớn:
“Anh đến Moscova hồi nào?”
Trời! Tôi ở trong Nam mà hỏi đi Moscova. Bộ cha này điên chắc! Lại màn vờ vĩnh đóng kịch gì đây? Tôi cố gắng hết sức điềm tĩnh, ôn tồn nói ngay là tôi không có đi Moscova hồi nào cả.
Hắn trở về bàn ngồi xuống. Quay 180 độ, vuốt ve: Không có gì đâu! Sự thật có sao cứ cho chúng tôi biết. Có lợi cho anh. Liên Xô đang giúp nhà nước ta chống bành trướng Bắc Kinh v.v… Thuyết một bài dài, như đã được soạn sẵn kỹ lưỡng. Xong cho về nghỉ. Mai làm tiếp.
Sáng hôm sau, chưa điểm danh, gọi ra ngay. Lại một lần nữa, có lẽ tôi là người ra làm việc với chấp pháp sớm một cách bất thường nhất trong trại giam này.
Chấp pháp da ngăm ngăm đen, dong dỏng cao, gầy, khắc khổ kiểu bưng biền mới ra thành phố, đứng chờ sẵn ngoài cửa, hất hàm hỏi nhỏ nhẹ: “Anh gặp ai ở Moscova?”
Tôi khẳng định lại: Không đến Moscova, làm sao tôi gặp ai được.
Nhếch mép cười khinh bỉ, anh ta nói: Chúng tôi có bằng chứng anh đến Moscova thì anh tính sao?
Không chút do dự, tôi đáp hoàn toàn chịu trách nhiệm, kể cả tử hình.
Đổi giọng tức khắc, quát: Riêng tội cầm đầu Mặt Trận Dân Tộc Tiến Bộ đủ tử hình rồi. Anh có thấy ai cầm đầu tổ chức chống lại ‘đảng ta’ mà thoát chết không? Đe doạ tràng giang đại hải, nào là anh chỉ có chết rục trong tù; trước sau gì cũng phải khai thôi, không tài nào giấu được đâu, đừng uổng công vô ích!
Hôm nay thứ sáu, mai thứ bảy, mốt chủ nhật. Cho ba ngày nghĩ kỹ đi. Không cứu được nữa đâu. Nói thật đấy!
Về phòng đúng bữa cơm trưa, tự nhiên trại cho thêm 1/2 quả trứng kho. Trong trại anh em kháo nhau là theo kinh nghiệm ở khu tử hình, ‘bồi dưỡng’ trứng là y như rằng vài ngày sau đem bắn; và nói đùa 1/2 quả chắc chung thân thôi.
Sáng thứ hai đầu tuần ‘mời’ ra phòng khách trại. Lại chuyện lạ lùng khó hiểu nữa!
Một cán bộ trạc 50, giọng Bắc và người nữa giọng Huế, chừng 30, làm bộ vui vẻ, rót trà, móc thuốc mời. Nhưng tôi không dùng cả hai.
Họ yêu cầu trước khi làm việc, nghĩ kỹ rồi hãy viết, vì bút sa gà chết. Nguyên văn câu này: ‘Chịu mọi hình phạt nếu khai sai’. Tôi viết và ký liền.
Ngẩng đầu lên, thấy cả hai nhìn chằm chằm không chớp mắt kiểu thôi miên, như thể để lượng định xem có phải tôi cố cưỡng nhằm giấu diếm điều gì chăng.
Một nữ thiếu tá công an bước vào, cẩn thận để một cặp da lên bàn. Rồi đi ra.
Tên người Bắc từ từ rút trong cặp ra một sấp giấy in nhỏ, làm như thể đưa cho tôi, nhưng lại không, mà đẩy xéo sang cho tên người Huế. Trong khi cả hai quan sát nét mặt tôi. Tên kia tiếp lấy, bày ra trong tầm mắt của tôi. Thôi rồi! Những thứ chúng tịch thu khi khám nhà.
Mỗi khi đi ngoại quốc về, tôi vất giấy tờ trong ngăn bàn. Rồi cũng quên đi, chả bao giờ để đến ý nữa.
Ba lần xuất cảnh bằng thông hành ngoại giao của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đi Bỉ, Philippines và Anh, nhiều laissez-passez đi vào các nước Âu châu, trong đó có Pháp, Luxembourg, Thụy sĩ, Đức, Hoà lan, Ý, Vatican…
Liên quan đến đi ngoại quốc rồi, nhưng vẫn đoán không ra?
Im lặng lúc lâu. Theo dõi nét mặt tôi. Tên lớn tuổi người Bắc thong thả lôi một vé trong sấp, dí vào mặt tôi hỏi: Có phải tên anh?
Đúng tên tôi. Tôi gật đầu.
Chúng nhìn mặt tôi chằm chằm, xem tôi có gì bối rối không. Quả thực, tôi có biết cái gì đâu mà bối rối hay hốt hoảng. Rồi hắn giả bộ xem kỹ lại vé lần nữa. Có mấy dòng mà diễn xuất đọc tới đọc lui hoài!
Đứng dậy sang ngồi cạnh tôi, anh ta hỏi: Chữ gì đây? có phải Moscova không, anh bạn?
Tôi bừng hiểu liền. Nhưng với cộng sản giải thích khó đây.
Vấn đề như thế này: Cuối năm 1974, trước khi về nước, một anh bạn bác sĩ người Thái, trên đường về từ Mỹ, ghé thăm bệnh viện nơi tôi làm việc. Anh cho biết hãng Aeroflot của Nga vừa thiết lập đường bay tới Bangkok, anh rủ đi thử xem tiếp viên Nga làm ăn ra sao. Tôi Okay ngay. Quá cảnh (transit) ở sân bay Moscova vài giờ rồi đi tiếp.
Bất thần, hắn quay ngoắt lại hỏi tôi tên người bác sĩ Thái. Tôi cho ngay, cả chỗ làm việc nữa. Đi mà xác minh. Tôi còn nói thêm chính ông bác sĩ này hướng dẫn tôi thăm thú Bangkok và lái xe đưa tôi đi chơi Ayutthaya.
Cái khổ là ngoài Hà nội, đi ngoại quốc luôn luôn đi tập thể, cả phái đoàn. Không có chuyện đi passport cá nhân, mà lại là passport công vụ nữa.
Trong thời kỳ quân quản, chưa nắm được lề lối sinh hoạt trong Nam. Phải mất thời gian giải thích cặn kẽ. Rồi chúng còn đi hỏi lại nhiều nơi.
Nghi chính phải điều tra cho ra là: Lỡ gặp người Nga nào khi transit thì sao. Hay nhận tin từ ai khác. Vì chuyện xảy ra chỉ 6 tháng trước ngày 30-4. Sau khi ra tù tôi được biết CS nghi nhau, nên đặt rất nặng an ninh – tình báo nội bộ. May chỉ là transit ở sân bay, chứ vào Moscova vài ngày thì còn lằng nhằng nhiều chuyện lắm với tình báo và công an CS.
Yếu bóng vía. Không có Thiền và Yoga hỗ trợ. Đầu óc rối loạn, có thể trả lời ú ớ trước lối điều tra ác ôn, phi nhân tính của công an cộng sản. Hậu quả? Tù cộng sản không chết thì cũng ngớ ngẩn, thân tàn ma dại!
Bs Nguyễn Đan Quế, Cao trào Nhân bản
Nhận xét
Đăng nhận xét