Đọc báo Pháp – 29/07/2020

Đọc báo Pháp – 29/07/2020

Truyền hình Nhà Nước Trung Quốc gian lận số người hâm mộ? – Mai Vân

Ba tờ báo lớn ra tại Pháp ngày 29/07/2020 đều chạy tựa trang nhất về quan hệ căng thẳng hẳn lên giữa Trung Quốc và phương Tây. Trong lúc La Croix và Le Figaro nhấn mạnh trên thái độ bất bình của phương Tây trước những hành vi ngày càng hung hăng, bất cần luật lệ của Trung Quốc, thì Le Monde đặt nghi vấn về hiện tượng trang Facebook bằng tiếng Pháp của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN có số lượng like cao kỷ lục, hơn gấp bội các trang của truyền thông Pháp ngữ khác.
Nỗi lo về làn sóng dịch Covid-19 thứ hai cũng là một đề tài được rất nhiều tờ báo quan tâm, bên cạnh sự kiện gương mặt tiêu biểu cuối cùng của phong trào đấu tranh cho nữ quyền tại Pháp, nữ luật sư Gisèle Halimi, qua đời.
CGTN có đến 20 triệu like còn Le Monde chỉ được 4,6 triệu !
Về Trung Quốc, dưới tựa đề trang nhất “Tiếng nói của Bắc Kinh chen vào các mạng xã hội Pháp”, bên trên một bức ảnh màu chụp buổi lễ ra mắt kênh quốc tế CGTN và trang web của đài truyền hình trung ương Trung Quốc vào năm 2016, Le Monde ghi nhận là kênh truyền hình Trung Quốc tự phô trương mình là phương tiện truyền thông Pháp Ngữ được hâm mộ nhất trên Facebook.
Theo Le Monde, quả là một điều kỳ quái khi một đài truyền hình hầu như vô danh tiểu tốt như đài CGTN Pháp Ngữ của Nhà Nước Trung Quốc lại có trang Facebook có nhiều “like” hơn bất cứ phương tiện  truyền thông bằng tiếng Pháp nào khác. Điều này khiến người ta tự hỏi phải chăng có sự thao túng để quảng bá cho quan điểm của Bắc Kinh.
Le Monde so sánh: Các tờ báo lớn ở Pháp, như bản thân tờ Le Monde, chỉ có 4,6 triệu “like”; Le Figaro, 3,2 triệu, đài phát thanh France Inter, 1,4 triệu và ngay cả đài truyền hình France 24 với thính giả quốc tế cũng chỉ có 9,3 triệu “like”. Trong khi đó thì CGTN, với 20 triệu “like”, đã đè bẹp các đối thủ để trở thành trang mạng Pháp Ngữ nhiều “like” đứng hàng thứ tư trên thế giới, theo số liệu của trang chuyên trách Socialbackers.
Số “like” cao khả nghi khi so với video ít người xem, tin tức ít bình luận
Nhưng khi nói đến tên CGTN, thì có vẻ ít người biết đến. Điều này cũng dễ hiểu thôi, và Le Monde giải thích rõ ràng: Cho đến năm 2016, CGTN còn được gọi là CCTV và là một đài truyền hình rất ít được xem ở Pháp, với lượng khán giả khiêm tốn đến mức không được cơ quan Médiamétrie đưa vào bảng xếp hạng, bất kể việc đài này có những phương tiện to lớn, vì là đài quốc tế của nhà nước Trung Quốc, phát những phóng sự văn hóa, cũng như những thông cáo tố cáo nước ngoài can thiệp vào chính sách Trung Quốc.
Đối với Le Monde, phân tích các nội dung trên trang Facebook của CGTN, người ta thấy là các video rất ít được xem – trung bình chỉ khoảng 1000 lượt quan tâm, còn thông tin thì cũng rất ít được bình luận. Điều này cho thấy là lượng người xem thực thụ rất thấp.
Thao túng để nâng cao số lượng “like” một cách giả tạo?
Khá năng này theo Le Monde rất lớn (vả lại phía Trung Quốc từ chối trả lời Le Monde trên vấn đề này). Tờ báo giải thích là trên Youtube, CGTN chỉ có khoảng hơn 100.000 người đăng ký theo dõi một chút, một con số không phù hợp chút nào so với người theo dõi có đăng ký trên Facebook.
Ngay cả phiên bản Pháp Ngữ của kênh truyền thông Nga RT, rất năng động trên các mạng xã hội và rất được phong trào Áo Vàng Pháp ưa thích, cũng chỉ được 1,1 triệu “like” trên Facebook, tuy rằng thường xuyên thu hút được hàng trăm bình luận trên các bài đăng.
Le Monde nhận định mỉa mai: Thật ra các thông tin trên trang Facebook của CGTN cũng chẳng có gì đáng để bình luận. Ngoại trừ một vài hình ảnh động vật, vốn thường được đăng trên các trang mạng khác, chủ yếu là những bài tuyên truyền, chẳng hạn như ca ngợi thông minh nhân tạo là “sức bật mới cho phát triển kinh tế Trung Quốc” hay diễn giải những thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc.
Cũng có nhiều bài đăng đi xa hơn, ca ngợi chính sách của Bắc Kinh ở Tân Cương, cho rằng “những lời tố cáo việc giam cầm người Duy Ngô Nhĩ chỉ là bịa đặt”, trong lúc đường lối của Trung Quốc ở Tân Cương là “một đảm bảo cho nhân quyền trong vùng”.
Le Figaro: Bắc Kinh “trên ghế bị cáo” vì vấn đề Duy Ngô Nhĩ
Về Trung Quốc, hồ sơ nặng ký nhất được thấy trên tờ báo thiên hữu Le Figaro, với hàng tựa lớn ngay trang nhất: “Người Duy Ngô Nhĩ: Trung Quốc dưới áp lực của quốc tế”.
Trong hồ sơ dài 3 trang ở bên trong, Le Figaro đã nêu bật phản ứng càng lúc càng mạnh mẽ của phương Tây trước những hành vi thô bạo của Bắc Kinh, đặc biệt là của Pháp trong bài “Trại giam người Duy Ngô Nhĩ: Trung Quốc trên ghế bị cáo”, ghi nhận rằng Bắc Kinh ngày càng bị chỉ trích thẳng thừng và gay gắt về chính sách bị gọi là “diệt chủng” đối với người dân Hồi Giáo ở Tân Cương.
Sau Hoa Kỳ và Anh Quốc, Pháp cũng cao giọng lên án chính sách đàn áp. Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, vào ngày 21/07, chỉ trích những cách làm “không thể chấp nhận được”, nêu bật trước Quốc hội Pháp “hệ thống đàn áp”» của Bắc Kinh, tố cáo từ những trại giam cầm, cưỡng bức lao động, người mất tích, đến kiểm soát sinh để, vấn đề triệt sản. Ông còn tố cáo chế độ Trung Quốc “phá hủy di sản văn hóa và nhất là nơi thờ phụng” của người Duy Ngô Nhĩ.
Điểm đáng chú ý là ngoại trưởng Pháp đã đưa ra những lời tố cáo chi tiết hơn trước đây khi Paris còn thận trọng trên hồ sơ nhạy cảm này.
Trung Quốc hung hăng, Châu Âu mất kiên nhẫn
Le Figaro đồng thời ghi nhận sự mất kiên nhẫn của Châu Âu trước hàng loạt hành vi coi thường luật lệ của Trung Quốc trong bài “Châu Âu ngày càng không chịu được những vi phạm của Bắc Kinh”.
Tờ báo nhận thấy là Châu Âu đang thức tỉnh trước thảm cảnh người Duy Ngô Nhĩ. Tháng 12/2019, Nghị viện Châu Âu đã yêu cầu trừng phạt nhắm vào một số nhân vật Trung Quốc. Lần này thì Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu Bắc Kinh cho phép những nhà quan sát độc lập đến Tân Cương.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã lên tiếng tố cáo “những hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”, tiếp theo sau là tố cáo của ngoại trưởng Pháp Le Drian. Ngay cả bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire cũng lên án những hành vi không thể chấp nhận được ở Tân Cương. Do đó, Châu Âu không còn thể giữ thái độ chừng mực, thận trọng, mà phải cứng rắn hơn với Trung Quốc, cao giọng trên mọi vấn đề đến từ Bắc Kinh.
Câu hỏi Le Figaro đặt ra là liệu Châu Âu có thể đi theo con đường của Hoa Kỳ, đã ra lệnh trừng phạt vào tháng 7 nhắm vào lãnh đạo Tân Cương “vi phạm nhân quyền” và đặt 11 công ty Trung Quốc trên danh sách đen, hay là Châu Âu vẫn tìm cách dung hòa, bảo vệ quyền lợi kinh tế của mình với Trung Quốc ?
La Croix: Nghi kỵ leo thang trong quan hệ với Trung Quốc
Báo La Croix cũng chú ý đến phản ứng của quốc tế đối với Trung Quốc, nêu bật trong hàng tựa chính trang nhất: “Nghi kỵ leo thang”. Tờ báo tóm lược: Ngoại giao hung hăng, nghi ngờ hoạt động gián điệp… Ngày càng có nhiều quốc gia dân chủ phương Tây tỏ thái độ nghi kỵ đối với Trung Quốc.
Trong bài phân tích ở trang trong, tựa đề “Trung Quốc bị thất sủng  ở phương Tây”, tác giả Dorian Malovi, nhận thấy là dịch Covid-19 hay quyết định khống chế Hồng Kông đã làm dấy lên phản ứng quốc tế đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ hy vọng – nhưng vẫn hoài công – thành lập được một liên minh chống Bắc Kinh.
Trung Quốc đã trở thành kẻ thù số 1 ở phương Tây. Hơn sáu tháng sau dịch « virus Vũ Hán », chế độ của Tập Cận Bình đứng trước sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế. Hoa Kỳ đi đầu với các biện pháp trừng phạt, những ngày qua lại mở thêm “cuộc chiến lãnh sự quán”.
Những nền dân chủ khác đã đi theo, với những mức độ khác nhau, ít ra là xét lại quan hệ với Trung Quốc, giờ đây bị xem như là một mối đe dọa.
Dân phương Tây cũng ngày càng ghét Trung Quốc
Thay đổi thái độ thật đột ngột, và chỉ trong một năm hình ảnh Trung Quốc ở bên ngoài đã xấu đi một cách chưa từng thấy. Tại Pháp, hơn 70% người được hỏi có cái nhìn xấu hơn về Trung Quốc so với lúc trước dịch virus corona. Tại Ý, nơi mà Trung Quốc đã đổ vào hàng tấn hàng trợ giúp vào tháng 4, thì 80% người được hỏi không nhìn Trung Quốc một cách tích cực.
Nhìn chung, dù Bắc Kinh đã tuyên truyền về trợ giúp y tế, ngoại giao khẩu trang, cách nhìn của dân Châu Âu về Trung Quốc đã xấu hẳn đi.
La Croix nhìn thấy trong đánh giá chung không mấy thiện cảm này, Châu Âu đang từ từ khép cửa đối với Hoa Vi. Sau một thời gian dài do dự, các quốc gia Châu Âu đã dần dần đi theo quan điểm của Mỹ, dựng rào cản trước các tập đoàn công nghệ Trung Quốc và Hoa Vi là tập đoàn đầu tiên chịu hậu quả.
Libération vinh danh Gisèle Halimi, gương đấu tranh vì nữ quyền
Nhật báo cánh tả Libération đã dành trang nhất có nền màu đen tuyền đăng ảnh tưởng niệm bà Gisèle Halimi, gương mặt tiêu biểu của phong trào đấu tranh cho nữ quyền tại Pháp, vừa qua đời hôm 28/07/2020, thọ 93 tuổi.
Trang nhất của Libération mang dòng tựa như lời từ biệt: “Gisèle Halimi, cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục”. Ở trang trong, dưới tựa đề “Gisèle Halimi, một người vì mọi người”, Libération tán dương, với nhiều cuộc phỏng vấn, vị cố luật sư được xem là một gương mặt trọng tâm của  cuộc đấu tranh cho quyền người phụ nữ, dấn thân cho việc hợp pháp hóa phá thai, đấu tranh chống thực dân.
Sự kiện thường được người ta nhắc đến là vào năm 1960, bà Gisèle Halimi đã đứng ra biện hộ cho một phụ nữ của mặt trận FLN Algeri bị bắt vì mưu toan khủng bố, bị tra tấn và bị lính Pháp hãm hiếp.
Libération nhắc lại Gisèle Halimi là người bạn từ lâu của một gương mặt nổi tiếng khác đấu tranh cho nữ quyền, cố bộ trưởng Simone Veil, đã ra đi năm 2017. Nét chung của hai người là lòng kiên trì, yêu chuộng tự do tuyệt đối, không khoan nhượng.
Đối với Libération, Gisèle Halimi ra đi là cả một mảng lịch sử đấu tranh cho nữ quyền của thế kỷ qua, mà bộ ba Simone de Beauvoir, Simone Veil và Gisèle Halimi đã ghi dấu ấn, đang khép lại.
Le Monde: Thất nghiêp hàng loạt đe dọa nước Pháp
Thời sự Pháp nổi bật trên trang nhất của báo Le Monde với hàng tựa chính “Tình trạng thất nghiệp hàng loạt tăng mạnh tại Pháp”.
Theo Le Monde, số liệu thống kê do bộ Lao Động Pháp công bố hôm thứ Hai đầu tuần đã xác nhận thực tế theo đó đợt đại dịch Covid-19 tràn vào nước Pháp từ đầu năm đến nay quả đúng là đã gây nên cuôc khủng hoảng kinh tế.
Chỉ riêng trong Tháng Sáu vừa qua, trên toàn lãnh thổ Pháp, đã có hơn 6 triệu người phải đi tìm việc làm, dù là người đang lao động hay đã thất nghiệp. Số người đăng ký xin việc mà không nhận được bất kỳ đề nghị nào có giảm khoảng 4,6%, nhưng vẫn rất đông, vì vẫn còn ở mức 4,2 triệu người.
Trong tình hình đó, cơ quan bảo hiểm thất nghiệp UNEDIC dự báo một tỷ lệ thất nghiệp lên đến 11% vào cuối năm 2020 này, tức là tăng gần 3 điểm so với năm ngoái 2019.
Các chuyên gia kinh tế được Le Monde phỏng vấn có phần hoan nghênh các biện pháp mà chính phủ vừa đề ra nhắm vào giới trẻ.
Les Echos: Xe Peugeot chống chọi tốt với dịch Covid-19
Trang nhất của Les Echos dĩ nhiên vẫn dành cho kinh tế với hàng tựa lớn: “PSA thách thức khủng hoảng”.
Tập đoàn xe hơi Peugeot PSA của Pháp đã thành công giữ được lợi nhuận trong sáu tháng đầu năm, bất chấp cú sốc của dịch Covid-19. Tập đoàn chế tạo xe hơi đã có được khoản lời gộp 595 triệu euro trong sáu tháng qua, mặc dù số lượng xe bán ra giảm 46%.
Trả lời báo Les Echos, ông Carlos Tavares, lãnh đạo PSA, giải thích cách xử lý khủng hoảng của ông, nhận định là “khủng hoảng sẽ sàng lọc giữa các nhà chế tạo xe hơi” và PSA “dứt khoát ở lại Trung Quốc và đã bắt đầu giải quyết một phần vấn đề”.
Covid-19 hạ gục cuộc hành hương đến thánh địa Mecca
Về đà lan rộng trở lại của dịch Covid-19 trên thế giới, Le Monde ghi nhận một vài sự kiện nổi bật:
Tại Ả Rập Xê Út, nơi lễ hành hương thường niên tối quan trọng của người Hồi Giáo thế giới về thánh địa Mecca sẽ bắt đầu từ hôm nay, 29/07, chính quyền đã phải giảm đáng kể số lượng khách. Từ 2,5 triệu người vào năm ngoái, năm nay thánh địa Mecca chỉ còn tiếp đón tối đa 10.000 người.
Số người đến hành hương như vậy chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, điều chưa từng thấy từ ngày Vương Quốc Hồi Giáo Ả Rập Xê Út được thành lập từ năm 1932 đến nay.
Chính quyền Ryad bị buộc phải giới hạn tối đa số khách hành hương vì không muốn 4 ngày hành hương trở thành dịp phát tán virus corona như điều đã xẩy ra tại Mulhouse, ổ dịch lớn tại miền đông nước Pháp hồi tháng Hai vừa qua, nhân một cuộc tập hợp của các tín hữu Tin Lành.
Còn tại Iran, trước diễn biến đáng lo ngại của dịch bệnh, với làn sóng lây nhiễm thứ hai đang bùng lên, giới nhân viên y tế đang kiệt quệ.

Tin tổng hợp
(AGP) – Indonesia bắt một tầu cá của Việt Nam chở 2 tấn cá. 
Ngày 29/07/2020, chính quyền Jakarta thông báo một tầu cùng với 9 ngư dân đã cố tình thoát khỏi lực lượng tuần duyên Indonesia, buộc lực lượng này phải sử dụng vòi rồng, sau đó  tầu này đâm phải một tầu hàng. Đây là vụ tầu cá Việt Nam thứ hai bị Indonesia bắt giữ trong vòng một tuần.
(Reuters) - Đại học Hồng Kông sa thải một nhà hoạt động dân chủ kỳ cựu. 
Ngày 28/07/2020, ông Đới Diệu Đình (Benny Tai), giảng viên môn luật của trường, bị bãi nhiệm. Sự kiện này được xem như chấm dứt quyền tự do tri thức tại Hồng Kông. Ông Đới Diệu Đình từng là một lãnh đạo trong phong trào “Dù Vàng” năm 2014, đã làm Hồng Kông tê liệt trong suốt 79 ngày qua các cuộc biểu tình đòi dân chủ. Ông bị kết án 16 tháng tù vào năm 2019 về tội phá rối trật tự công cộng, nhưng được trả tự do trong khi chờ đợi kháng cáo.
(AFP) - Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường kiểm soát mạng xã hội. 
Một đạo luật đã được thông qua hôm 29/07/2020, tăng cường đáng kể quyền hạn của chính quyền trên các mạng xã hội. Các mạng xã hội có hơn 1 triệu truy cập trong một ngày như Twitter hay Facebook, từ đây phải có một đại diện ở Thổ Nhĩ Kỳ và tuân theo lệnh của tòa án yêu cầu gỡ bỏ một số nội dung. Ngoài ra dữ liệu về những người truy cập tại chỗ phải được lưu trữ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
(RFI) - Iran nhắm bắn một tàu sân bay Mỹ giả trong cuộc tập trận ở Vùng Vịnh. 
Đài truyền hình nhà nước cho biết là quân dội Iran đã bắn hỏa tiễn vào một mô hình tàu sân bay Mỹ trong lúc tập trận hôm 28/07/2020. Cuộc thao diễn mang tên « Tiên Tri Mohammed 14 » diễn ra gần eo biển Ormuz, nơi qua lại của các tàu chở dầu. Hải quân Mỹ đã phản ứng, cho đó là hành động « vô trách nhiệm và nguy hiểm ».
(RFI) - Dịch virus corona làm tăng nạn suy dinh dưỡng nơi trẻ em. 
Theo báo cáo của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc – UNICEF, công bố hôm 28/07/2020, thêm gần 7 triệu trẻ em trên thế giới sẽ bị suy dinh dưỡng do hậu quả khủng hoảng kinh tế và xã hội mà dịch Covid-19 gây nên. Trước dịch bệnh, 47 triệu trẻ em trên thế giới trong năm 2019, đã bị suy dinh dưỡng, nhưng « rõ ràng hậu quả dịch đối với trẻ em còn nghiêm trọng hơn là chính bệnh dịch » theo UNICEF.
(AFP) – 212 nhà bảo vệ môi trường bị sát hại năm 2019. 
Đây là con số kỷ lục, theo báo cáo hàng năm được tổ chức phi chính phủ Anh Global Witness công bố ngày 29/07/2020. Đa số những vụ sát hại xảy ra ở hai nước : Colombia (với 64 nạn nhân) và Philippines (với 43 nạn nhân). Chống khai thác mỏ, công nghiệp thực phẩm, chống phá rừng là những lĩnh vực có số nạn nhân cao nhất.
(AFP) - Phần Lan nghi ngờ tiêm kích SU-27 của Nga xâm phạm không phận.
Bộ Quốc Phòng Phần Lan ngày 28/07/2020 nêu rõ vụ việc xảy ra vào lúc 14 giờ, giờ địa phương, ngoài khơi Vịnh Phần Lan, gần Helsinki. Hai chiếc máy bay tiêm kích này bay lượn trong không phận Phần Lan trong vòng 2 phút. Không quân Phần Lan đã cử hai chiếc F/A-18 để nhận diện. Một cuộc điều tra được mở ra để xác định rõ hành vi xâm phạm.
(AFP) – Ả Rập Xê Út hạn chế số người hành hương đến thánh địa Mecca. 
Thánh địa linh thiêng của Hồi Giáo, nơi thu hút đến 2,5 triệu tín đồ hành hương vào năm 2019, đã hạn chế số người đến cầu nguyện : từ 1.000 đến 10.000 người. Theo chính quyền ngày 29/07/2020, tất cả những người được phép đến hành hương đã bị cách ly ngay khi tới Mecca, phải qua nhiều xét nghiệm, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiến hành nghi lễ quanh Kaaba, khối đá đen nằm giữa thánh địa.

Điểm tin thế giới sáng 29/7:

Mỹ-Úc ra tuyên bố ủng hộ người dân Hồng Kông;

Bắc Kinh ra quy định mới triệt hạ đức tin tôn giáo

Sáng nay, thứ Tư (29/7), mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Mỹ-Úc ra tuyên bố ủng hộ người dân Hồng Kông
Hoa Kỳ và Úc, hôm thứ Ba, đã kêu gọi chính quyền Hồng Kông cam kết tổ chức cuộc bầu cử nghị viện một cách tự do và công bằng vào ngày 6/9 tới đây, trong khi đó, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ cuộc bầu cử này, theo SCMP.
Trong một tuyên bố chung, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne nói rằng hai nước luôn “ủng hộ người dân Hồng Kông chọn người đại diện cho mình ở Hội đồng lập pháp thông qua một cuộc bầu cử tự do, công bằng, tin cậy và hòa bình vào ngày 6/9”.
Những lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh truyền thông Hồng Kông đưa tin chính quyền đặc khu có thể hoãn cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp khoảng một năm vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán diễn biến xấu.
Bắc Kinh ra quy định mới triệt hạ đức tin tôn giáo
Chính quyền Trung Quốc đã ban hành các hướng dẫn mới tấn công vào đức tin Kitô giáo, cấm các nhà làm phim sản xuất các bộ phim có nội dung nói về những điều thần kỳ và chữa bệnh, theo bản tin hôm thứ Ba của Fox News.
Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc, nơi kiểm soát đài phát thanh và truyền hình ở quốc gia, đã liệt kê 20 loại nội dung phim không được công chiếu, bao gồm phim nói về các câu chuyện lịch sử mà họ cho là bịa đặt, các di tích thiêng và ma quỷ, UCA News đưa tin.
Wu Daxiong, một nhà sản xuất phim ở Thượng Hải, gọi hướng dẫn này là “đòn chí mạng” vào ngành công nghiệp giải trí vì nó giới hạn phạm vi sản xuất của họ. Một nhà làm phim Công giáo cho biết, các hướng dẫn mới “gần như cấm hoàn toàn” nội dung dựa trên đức tin ở một quốc gia vốn đã thù địch với tự do tôn giáo.
“Nếu chúng tôi làm phim về cuộc đời của Jesus tuân theo hướng dẫn, chúng tôi sẽ chỉ giới thiệu Jesus như một người bình thường, và điều này không thể chấp nhận được đối với các Kitô hữu”, nhà làm phim công giáo nói với UCA News.
Giáo sư nhân quyền nổi tiếng Hồng Kông bị sa thải
Ông Benny Tai, một giáo sư và nhà vận động dân chủ nổi tiếng ở Hồng Kông, đã bị trường đại học nơi ông làm việc sa thải. Ông và các nhà phê bình khác mô tả hành động của trường đại học này như một đòn giáng mạnh vào tự do học thuật của hòn đảo, The Guardian đưa tin hôm thứ Ba.
Quyết định sa thải giáo sư luật Benny Tai của Đại học Hồng Kông (HKU) đi ngược lại phán quyết trước đây của thượng viện đại học, nói rằng không đủ cơ sở để chấm dứt hợp đồng làm việc với ông Tai.
“Nó gửi đi một thông điệp rất lạnh lùng về tự do học thuật”, Yuen Chan, một giảng viên cao cấp về báo chí tại trường City University London, người trước đây từng giảng dạy tại Đại học Hồng Kông, nói. “Đó là đỉnh điểm của một thời kỳ áp lực chính trị ngày càng tăng đối với các trường đại học Hồng Kông, nơi vốn đã bị áp bức nhiều hơn bởi luật an ninh quốc gia [mà Bắc Kinh] mới ban hành”.
Mỹ-Úc nhất trí xây dựng một thế giới dựa trên luật
Hoa Kỳ và đồng minh thân cận Úc đã tổ chức các cuộc hội đàm cấp cao về Trung Quốc và đi tới nhất trí về việc cần phải duy trì trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ, theo Reuters.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã tổ chức hai ngày hội đàm tại Washington với những đối tác Úc. Trong một cuộc họp báo chung hôm thứ Ba, ông Pompeo đã ca ngợi Úc vì đã đứng lên trước sức ép từ Trung Quốc và cho biết Washington và Canberra sẽ tiếp tục hợp tác để tái khẳng định luật pháp ở Biển Đông, nơi chính quyền Trung Quốc đang gia tăng các yêu sách lãnh thổ của mình.
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne cho biết Hoa Kỳ và Úc đã chia sẻ cam kết về việc duy trì trật tự thế giới dựa trên luật pháp và đã nhắc lại cam kết của họ trong việc yêu cầu các quốc gia phải chịu trách nhiệm với các vi phạm của họ, ví dụ như việc chính quyền Trung Quốc làm xói mòn các quyền tự do ở Hồng Kông.
Mỹ: Hơn 50% hàng giả Covid tới từ Trung Quốc
Giới chức Mỹ phát hiện rằng hơn 50% hàng giả dùng để phòng tránh virus Vũ Hán được lưu hành trong 100 ngày qua là hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết thông tin này sau một chiến dịch điều tra, theo ABC News.
“56% số hàng giả mà chúng tôi phát hiện được là đến từ Trung Quốc hoặc Hồng Kông”, theo ông Steve Francis, người đứng đầu Trung tâm điều phối quyền sở hữu trí tuệ quốc gia Mỹ, HSI.
Ông Francis cho biết thêm, 85% lượng hàng giả trong 5 năm qua ở Hoa Kỳ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Điểm tin thế giới tối 29/7:

‘Ngũ Nhãn’ có thể mở rộng quy mô

để đối phó Trung Quốc

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Tư (29/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý đọc giả những tin sau:
‘Ngũ Nhãn’ có thể mở rộng quy mô để đối phó Trung Quốc
Liên minh tình báo “Ngũ nhãn” (gồm Mỹ, Úc, Anh, Canada và New Zealand) có thể sẽ kết nạp thêm thành viên Nhật Bản và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế chiến lược nhằm đối phó với Trung Quốc, theo bản tin ngày 29/7 của The Guardian.
Đại dịch Covid-19 cho thấy sự phụ thuộc của phương Tây vào nguồn cung từ Trung Quốc liên quan tới các khoáng sản quan trọng và nguồn cung thiết bị y tế. Vì thế, “Ngũ Nhãn” đang lên các kế hoạch nhằm gia tăng sản xuất các kim loại hiếm và bán hiếm từ một số quốc gia để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, trung bình Trung Quốc chiếm hơn 90% nguồn sản xuất và cung ứng đất hiếm trong thập niên vừa qua.
Nghị sĩ Úc Andrew Hastie, một người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, ủng hộ ý tưởng về việc thiết lập một khối thương mại tự do “Ngũ nhãn”.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đã ngỏ lời về đề xuất trở thành thành viên thứ 6 của nhóm tình báo. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh Tom Tugendhat đã bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất nói trên.
Tổng thống Belarus xác nhận nhiễm Covid-19
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thông báo ông dương tính nCoV nhưng không có triệu chứng và đã hồi phục, hãng thông tấn nhà nước Belta hôm 28/7 đưa tin.
“Tôi xin lỗi vì giọng của mình, gần đây tôi phải nói rất nhiều. Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là hôm nay mọi người đang chứng kiến một người đã mạnh mẽ tự mình vượt qua Covid-19”, hãng thông tấn nhà nước Belarus Belta dẫn lời Tổng thống Lukashenko trong chuyến thăm một căn cứ quân sự hôm 28/7. “Các bác sĩ hôm qua kết luận rằng tôi là người nhiễm nCoV không triệu chứng”.
Theo CNN, ông Lukashenko trước đó từng nhiều lần bác bỏ mối đe dọa do virus corona gây ra, gọi Covid-19 là “bệnh tâm thần”. Tổng thống Belarus cũng vấp phải nhiều chỉ trích vì không áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn đại dịch.
Triều Tiên yêu cầu người nước ngoài tuân thủ biện pháp chống dịch
Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên hôm nay cho biết chính quyền nhắc nhở người nước ngoài sống ở Bình Nhưỡng tuân thủ các biện pháp chống dịch Covid-19, theo Reuters.
Trong một bài đăng trên Facebook, đại sứ quán Nga cho biết Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm 28/7 ban hành một thông báo nói rằng, người nước ngoài không được rời khỏi thành phố, không được tổ chức các cuộc họp lớn và phải đeo khẩu trang.
Trươc đó, Triều Tiên phong tỏa thành phố Kaesong gần biên giới với Hàn Quốc sau khi một người vượt biên trái phép vào Triều Tiên hồi đầu tháng 7 có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19.
5 công ty viễn thông Đài Loan đều nằm trong danh sách mạng ‘5G Sạch’
Tất cả 5 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Đài Loan đều được Mỹ liệt vào danh sách mạng “5G Sạch”, theo bản tin ngày 29/7 của Taiwan News.
Công ty viễn thông Chunghwa Telecom và Far EasTone Telecommunications trước đó đã có tên trong danh sách, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã bổ sung thêm Taiwan Mobile, Taiwan Star Telecom và Asia Pacific Telecom, theo CNA.
Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu rằng các nhà cung cấp viễn thông không đáng tin cậy sẽ không được hiện diện ở các cơ sở ngoại giao, đề cập rõ ràng đến Huawei và ZTE của Trung Quốc. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để đảm bảo những dữ liệu quan trọng và mạng lưới của chúng tôi được an toàn trước Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?