Sự thống trị kinh tế của Hoa Kỳ có lẽ sắp chấm dứt
Tác giả: Heike Buchter
Dịch giả: Nguyễn Văn Vui
27-7-2020
Cuộc khủng hoảng virus corona đã đem lại cho Hoa Kỳ một bài học: Người ta không thể xây dựng một mạng lưới an sinh xã hội trong vòng vài hôm được. Châu Âu, bị cho là mang tính “xã hội chủ nghĩa”, đang hưởng lợi từ hệ thống xã hội của nó.
Trong tuần này, nhiều gia đình Mỹ đứng trước một tình trạng khẩn cấp. Các biện pháp như tăng trợ cấp thất nghiệp và bảo vệ tạm thời chống các vụ kiện trục xuất sẽ hết hạn. Đến nay chính quyền Washington chưa đồng ý về các khoản tài trợ mới. Nhiều người dân đang lo lắng cho cuộc sống của mình.
Cùng thời gian này các nhà kinh tế như Jari Stehn của Goldman Sachs dự đoán, châu Âu sẽ phục hồi nhanh hơn Mỹ (1). Đây thật là chuyện hiếm có. Trong 28 năm qua kể từ năm 1992, Hoa Kỳ đã có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn châu Âu trong 20 năm, theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (2). Nay virus corona có thể chấm dứt sự thống trị kinh tế của Hoa Kỳ.
Trong việc này, hệ thống an sinh xã hội khác nhau cũng đóng một vai trò quan trọng. Nếu Hoa Kỳ rơi vào khủng hoảng, các công ty Mỹ có thể sa thải nhân viên của mình tương đối dễ dàng. Đồng thời, vì không có mạng lưới xã hội nên người đi tìm việc làm sẵn sàng chấp nhận công việc trong các ngành khác hoặc chấp nhận những điều kiện dở hơn. Điều này được các nhà kinh tế gọi là sự linh hoạt cao hơn của thị trường lao động Mỹ.
Hệ thống xã hội châu Âu bảo vệ người lao động
Ở châu Âu, các cơ chế như làm việc ngắn thời gian và hệ thống an sinh xã hội tốt, sẽ giảm thiểu hậu quả xã hội khi có một cuộc suy thoái. Mặt khác, việc bảo vệ sa thải nhân công tốt hơn và các quyền lợi an sinh xã hội cũng giúp giảm áp lực đối với người lao động khỏi phải chấp nhận những công việc có điều kiện dở hơn. Tuy nhiên, an sinh xã hội bảo đảm hơn cũng có nghĩa là tiền thuế cao hơn đáng kể và người dân phải è ra chịu.
Vì vậy, hệ thống châu Âu mất nhiều thời gian hơn để nền kinh tế khởi động trở lại, và khi tăng trưởng thì nền kinh tế cũng sẽ không tăng vọt, mà thường phát triển đằm hơn. Điều này được chứng minh gần đây nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hậu quả là nền kinh tế ở Mỹ đã giảm 2,5% và trong khu vực Eurozone giảm đến 4,5%. Tuy nhiên, mức lương ở Mỹ đã ngưng trệ từ đó: Nhiều công việc mới đã được tạo ra nhưng lương lại trả thấp hơn và thậm chí ít bảo đảm hơn.
Cho đến gần đây, các chính trị gia bảo thủ và đại diện doanh nghiệp Mỹ thích báng bổ cái gọi là “chủ nghĩa xã hội” phía bên kia bờ Đại Tây Dương. Nhưng trong cuộc khủng hoảng virus corona này, lợi thế của người châu Âu được thể hiện rõ nét. Các chính phủ có thể cho nhân viên nghỉ ở nhà mà không có cảnh dân chúng sắp hàng dài dài nhận đồ cứu trợ và nhận phần ăn miễn phí. Trong khi đây là điều đang xảy ra ở nhiều thành phố Mỹ.
Báo New York Times chạy tin: “Công nhân ở châu Âu tiếp tục nhận lương trong khi công nhân ở Mỹ đi xin thực phẩm“ (3). Các phóng viên kể trường hợp của một nhân viên môi giới bất động sản ở Manhattan bị cho nghỉ việc sau khi công ty suy sụp do đại dịch. Ban đầu anh ta vay tiền bạn bè và gia đình để trả tiền thuê nhà. Cuối cùng, sau khi được một người quen chỉ mánh, anh ta bắt đầu đi moi thùng rác ở một khu chợ loại sang trọng trong vùng, để tìm những thứ còn ăn được.
Mức lương bị ngưng đọng và phí sinh hoạt tăng nhanh
Nhiều người ở Mỹ sống theo kiểu kiếm được đồng nào, tiêu hết đồng nấy. Vì vậy ít khi họ có có dự trữ gì và phụ thuộc vào thu nhập hàng tháng của họ. Theo một cuộc khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ năm ngoái, khoảng 40% người dân Mỹ không thể tự trả 400 đô la khi gặp một trường hợp khẩn cấp.
Điều này không dính dáng gì đến tính ăn xài sang của họ cả. Bởi vì trong khi thu nhập của họ bị ngưng đọng trong mấy thập niên qua, thì các chi phí sinh hoạt, đặc biệt là chi tiêu cho chăm sóc y tế và giáo dục đã tăng nhanh. Để sống qua ngày, nhiều người phải đi vay nợ. Cuộc khủng hoảng virus corona đang làm cho tình hình thêm phần bi đát. Gần một nửa số công nhân viên được bảo hiểm y tế thông qua chủ nhân của họ, nên khi mất việc, họ cũng mất luôn cả bảo hiểm y tế.
Cũng không thể giải thích cuộc sống khó khăn hơn của công dân Mỹ trong khủng hoảng bằng việc thiếu trợ cấp tài chính. Sự thật là nhà nước Hoa Kỳ đã bơm 2,7 ngàn tỷ đô la vào nền kinh tế kể từ tháng Ba năm nay. Tuy nhiên một mạng lưới an sinh xã hội không thể nào xây dựng được trong vòng vài hôm hay vài tuần.
Và đã có rất nhiều việc làm sai trong lúc phân phối các quỹ cứu trợ. Các trung tâm lao động bị tràn ngập với hơn 30 triệu người thất nghiệp, nhiều người phải chờ cả mấy tuần lễ mới nhận được trợ cấp thất nghiệp. Các sở thuế vụ đã trả khoảng 1,4 tỷ đô la trợ cấp cho những người … quá cố. Các quỹ, đúng ra là để tài trợ cho các công ty vừa và nhỏ, nhưng lại đi chi trả hàng tỷ đô la cho các tập đoàn lớn, cho các trường tư thục, các ngôi sao TV và đội thể thao. Các doanh nghiệp nhỏ, thường do người da đen và các nhóm thiểu số khác điều hành, lại bị trắng tay (4).
Hoa Kỳ đang trong thế kẹt cứng
Do đó nhiều thống đốc tiểu bang đã chịu áp lực rất lớn khi phải quyết định có nên phong tỏa và hạn chế hoạt động kinh tế để làm chậm sự lây lan của đại dịch hay không. Không phải ngẫu nhiên mà các tiểu bang giàu có ở vùng đông bắc, như New York, New Jersey, Connecticut và Massachusetts, đã thành công trong việc thực thi các biện pháp hạn chế, tốt hơn và kiên trì hơn. Trong cuộc khủng hoảng này sự linh hoạt của thị trường lao động Mỹ có một cái giá chết người.
Hoa Kỳ đang ở trong thế kẹt cứng: Nếu nền kinh tế vẫn tiếp tục bị đóng cửa, nhiều người Mỹ sẽ phải đối mặt với tình huống thách thức sự sinh tồn của họ. Nhưng nếu nền kinh tế được mở lại, số ca nhiễm Covid-19 sẽ bùng phát. 145.000 người đã là nạn nhân của đại dịch rồi.
Nhưng đây không phải là lúc để người châu Âu ngồi vỗ tay cười đểu, vì thái độ này không những là vô tâm mà còn rất thiển cận. Bởi vì một khi nền kinh tế quan trọng nhất thế giới là Hoa Kỳ chưa hồi phục được, thì gần như chắc chắn là châu Âu cũng sẽ không tài nào bỏ được cuộc khủng hoảng lại phía sau lưng mình.
____
Ghi chú:
Nhận xét
Đăng nhận xét