Tin Việt Nam – 29/07/2020
Việt Nam: Một ổ đại dịch khác trong tương lai? – Minh Anh
Ngày 23/07/2020, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ra chỉ thị yêu cầu các bộ cho sửa đổi và cập nhật các điều luật hiện có nhằm « ngăn chận nạn buôn động vật hoang dã dù còn sống hay đã chết (…) và kiên quyết xóa bỏ các khu chợ cũng như các điểm kinh doanh bất hợp pháp loài động vật hoang dã ». Mục tiêu là nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. The Diplomat ngày 28/07/2020 đặt câu hỏi : Lệnh cấm này của chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện được đến đâu ?
Bệnh SIDA có nguồn gốc từ loài vượn, Ebola từ loài dơi, cúm H1N1 từ loài lợn, và thời sự nhất hiện nay, dịch Covid-19 xuất phát từ loài dơi, thông qua vật chủ trung gian là con tê tê…, giới chức nhà nước Việt Nam, giới khoa học, cũng như giới bảo vệ loài động vật hoang dã đều đồng tình rằng những căn bệnh truyền nhiễm trên lây từ động vật sang người ngày càng trở nên nguy hiểm.
Dù rằng hiện nay khá thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, chưa có ca tử vong nào tính đến ngày 29/07/2020, nhưng chính phủ Hà Nội vẫn chưa thể xóa tan một mối lo khác : Liệu Việt Nam có thể ngăn chận được trận dịch sắp tới hay không ?
Thị trường buôn bán thú hoang mỗi năm thu lợi hơn một tỷ đô la. Việt Nam là điểm trung chuyển lớn của các tổ chức buôn bán trái phép thú hoang dã như sừng tê giác, ngà voi châu Phi mà điểm đến cuối cùng là Trung Quốc.
Mối lo ngại này dấy lên khi mà thứ trưởng bộ Nông Nghiệp, người phụ trách soạn thảo sắc lệnh cấm buôn thú hoang, đã có lời cảnh báo : « Chính phủ hiểu được quan điểm của những ai muốn cấm hoàn toàn mọi hình thức buôn bán các loài động vật hoang dã, chúng ta phải rất cẩn trọng (…) Nhiều loài thú hoang đã được nuôi rất thành công. »
Theo The Diplomat, tại Việt Nam, hiện có đến hàng ngàn trại nuôi thú hoang dã, một hoạt động béo bở tại miền nam, chuyên cung cấp thịt thú hoang dã cho người tiêu thụ và các nhà hàng, mà không quan tâm đến nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm.
Một nghiên cứu khoa học tại chỗ cho thấy là ở 17 trong số 28 trại nuôi thú hoang dã, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam xác định có ít nhất 6 chủng virus corona được biết đến ở loài dơi và các loài gậm nhấm. Sự tiếp xúc chặt chẽ giữa thú nuôi, con người, với các loài dơi, những loại gậm nhấm và những loài chim có khả năng mang các mầm virus corona, đã tạo cơ hội cho các bệnh truyền nhiễm từ động vật lan sang người.
Một nghiên cứu khác cho thấy rõ mối liên hệ giữa 142 chủng virus corona được biết là đã truyền bệnh từ động vật sang người trong nhiều năm liền, theo như Danh sách đỏ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng do UICN công bố. Các tác giả của nghiên cứu này khẳng định « những loài có nguy cơ tuyệt chủng mà số lượng bị suy giảm do bị khai thác quá mức có nguy cơ mang mầm virus các bệnh truyền nhiễm cao gấp hai lần so với loài bị đe dọa tuyệt chủng vì những lý do khác ».
Dù rằng những chủng virus corona đó chưa bao giờ phát triển mạnh, hay chưa bao giờ biến đổi thành chủng gây chết người như Covid-19 hiện nay, nhưng những nghiên cứu này cho thấy việc nhiều chủng virus corona lan rộng trong các trại nuôi còn là một lời cảnh báo rõ ràng cho các cơ quan y tế công cộng về một mối họa đại dịch mới trong tương lai.
Nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã kêu gọi chính phủ Việt Nam nên có những luật lệ nghiêm ngặt hơn và việc thực thi luật phải gắt gao hơn để đối phó với nạn buôn thú hoang có quy mô quốc tế. Liệu Hà Nội có thể vì sức khỏe cộng đồng mà kháng cự được với những áp lực của nhiều nhóm lợi ích đang chăm chăm bảo vệ các trại nuôi thú béo bở hay không ? Đây quả thật là một câu hỏi khó có câu trả lời trong trước mắt !
Covid-19: Lây nhiễm lan rộng
ra nhiều tỉnh thành của VN
Sau hơn ba tháng không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng, Việt Nam nay đang phải sẵn sàng đương đầu với một làn sóng mới Covid-19, sau khi giới chức hôm 29/7 xác nhận có các vụ mới tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đắk Lắk.
Trước đó, đã có các ca dương tính được ghi nhận tại Quảng Ngãi và Quảng Nam.
Cho đến nay, các ca nhiễm mới đều được cho là có liên quan tới đợt bùng phát ở Đà Nẵng hồi cuối tuần trước.
Tại Hà Nội, một nhân viên nhà hàng bán bánh pizza, gần đây có đi nghỉ tại Đà Nẵng, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Giới chức đã yêu cầu đóng cửa nhà hàng này để tẩy trùng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đợt lây nhiễm mới này khác với các vụ hồi tháng Ba, và mọi tỉnh thành đều có nguy cơ dính virus.
Hôm thứ Ba, 28/7, chính phủ đã ngưng toàn bộ các chuyến bay đến, đi từ Đà Nẵng trong vòng 15 ngày. Đến nay, thành phố du lịch miền trung này đã có ít nhất 30 ca mắc virus corona được phát hiện.
Giới chức nói có khoảng 18 ngàn du khách từ Đà Nẵng đã trở về TP Hồ Chí Minh, và khoảng từ 15 đến 20 ngàn người, về Hà Nội.
Mắc coronavirus 19 chủng mới,
bệnh nhân Đà Nẵng có nguy cơ tử vong cao
Tin Vietnam.- Báo Thanh niên loan tin, ban Chỉ đạo quốc gia, phòng chống coronavirus 19 Cộng sản Việt Nam cho biết, tính đến sáng 28 tháng 7 năm 2020, Việt Nam đã có 431 người dương tính với dịch, trong đó có 276 ca nhiễm nhập cảnh vào trong nước đang được cách ly. Ngoài ra, còn có 12,458 người tiếp xúc gần với người nhiễm dịch, và nhập cảnh từ vùng dịch cũng đang được theo dõi.
Các chuyên gia Việt Nam nhận định, chủng virus lây bệnh ở Đà Nẵng là virus xâm nhập, có khả năng lây lan mạnh. Đối với những bệnh nhân mới nhiễm dịch thì bệnh nhân số 416 và 418 đang trong tình trạng nặng. Các bác sĩ tiên lượng bệnh nhân số 416 đang có nguy cơ tử vong cao, bệnh nhân số 418 nặng hơn cả bệnh nhân số 416.Tính đến chiều 27 tháng 7, Đà Nẵng có 11 người dương tính với dịch, trong đó có 4 bệnh nhân là nhân viên y tế.
Trước tình hình trên, nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam đang rất lo lắng và lên phương án phòng chống dịch. Vì trong những ngày thành phố Đà Nẵng xuất hiện dịch thì có hàng chục ngàn người ở các tỉnh, thành khác đi du lịch đến Đà Nẵng, riêng Hà Nội đã có khoảng 20,000 người trở về từ vùng dịch.
Theo thông tin từ Facebook Di Hoàng, một người dân ở Đà Nẵng thì một số khu vực trong thành phố đã bị phong toả, người dân vẫn không biết có được đi ra chợ hay không. Trong thời gian vừa qua, so với thế giới thì dịch xảy ra ở Việt Nam rất nhẹ nhưng tâm lý của người dân Việt thì khá lo sợ bởi trong khi người dân các nước bị dịch đều được chính phủ lo, còn người dân Việt thì không những không nhận được hỗ trợ từ phía nhà cầm quyền. Vì vậy, những ngày qua, nhiều người đã chia sẽ cách phòng dịch bằng các biện pháp dân gian, nâng cao sức đề kháng cơ thể để tự cứu lấy mình và người thân.
An Nhiên
Bộ Y tế thông báo khẩn đề nghị những người
đã đến các địa điểm du lịch ở Đà Nẵng
liên hệ ngay với cơ quan y tế
Hiểu Minh
Bộ Y tế vừa phát đi thông báo khẩn số 17 tối 28/7 liên quan đến các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Đà Nẵng và Quảng Nam, đề nghị những người đã đến những địa điểm sau liên hệ ngay với cơ quan y tế.
I. Tại Đà Nẵng
1. Intercontinential Đà Nẵng, Bán đảo Sơn Trà, ngày 17 đến 18/7.
2. Nhà hàng Bảy Ban – Bãi Rạn, đường Hoàng Sa, Thọ Quang, Sơn Trà, từ 17h30 đến 20h00 ngày 17/7.
3. Nhà hàng Hải sản Cua Biển, số 112 Võ Nguyên Giáp, Phước Mỹ, Sơn Trà, vào trưa ngày 18/7.
4. Chùa Pháp Hội, 69 Nguyễn Văn Thoại, An Hải Đông, Sơn Trà, ngày 18/7 và 25/7.
5. Sân cầu lông Thanh Khê Đông, đường Đỗ Ngọc Du, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, từ 14-16h ngày 19/7.
6. Quán Bún trên vỉa hè ở đối diện địa chỉ 152 Lê Duẩn, phường Thạch Thang, quận Hải Châu (chợ đêm Lê Duẩn), vào buổi sáng vào các ngày 20 đến 25/7.
7. Limousine Cafe, số 419 Nguyễn Tất Thành, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, vào buổi sáng vào các ngày 20 đến 23/7.
8. Chợ An Hải Đông, K/54 Lê Hữu Trác, phường An Hải Đông, Quận Sơn Trà, từ ngày 20 đến 24/7.
9. Chợ tự phát (quán cóc) dọc đường Hải Phòng, gần đường Điện Biên Phủ, phường Thanh Khê, từ ngày 20 đến 25/7.
10. Cà phê Lối Cũ, 07 Hải Phòng, Thạch Thang, Hải Châu (gần Bệnh viện Đà Nẵng) vào 7h-7h15 sáng ngày 22/7.
11. Demen Coffee House, số 89 Nguyễn Trác, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu vào chiều ngày 23/7.
12. Quán Lẩu & Nướng Phúc Tửu quán, số 366 Đống Đa, phường Thanh Bình, quận Hải Châu vào 16-17h ngày 24/7.
13. Coffee Highland ở địa chỉ 203 Ông Ích Khiêm, phường Tân Chính, quận Thanh Khê vào 19h-20h30 ngày 24/7.
14. Quán trên vỉa hè ở đối diện địa chỉ: 40 Đinh Tiên Hoàng, phường Thanh Bình, quận Hải Châu sáng ngày 25/7.
15. Nhà hàng của Khách sạn Công đoàn, số 2 Ông Ích Khiêm, phường Thanh Bình, quận Hải Châu vào trưa ngày 25/7.
16. Bệnh viện 199 – Bộ Công An, số 216 Nguyễn Công Trứ, Phường An Hải Bắc, Sơn Trà vào chiều ngày 26/7.
17. Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, số 118 Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, Sơn Trà vào chiều ngày 26/7.
II. Tại Quảng Nam:
1. Chợ ngã 4 Ái Nghĩa, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc vào ngày 22/7.
2. Chùa Giác Nguyên, khu 2, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc vào tối ngày 24/7 và sáng ngày 25/7.
3. Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, Khối 8A, huyện Điện Bàn ngày 25/7.
Đề nghị những người đã đến những địa điểm trên:
Liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ;
Gọi điện đến các đường dây nóng: 1900988975 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng) và 0914021022 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi) cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình và tự cách ly tại nhà.
Liên quan 7 ca mắc mới vừa được công bố, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng vừa có báo cáo về tình hình sức khỏe của BN436 (N.V.M., nam, 66 tuổi) và BN437 (N.H.L., nam, 61 tuổi). Hiện tại, hai bệnh nhân này đều phải thở máy, theo Zing.
Hà Nội có ca nghi nhiễm Covid-19 đầu tiên
trong cộng đồng sau 107 ngày
Phong tỏa ngõ 230/26 Mễ Trì, Hà Nội do nghi ngờ có ca nhiễm Covid-19.
Tâm dịch Đà Nẵng đang trở thành nơi phát tán virus corona đến nhiều tỉnh thành tại Việt Nam, với ca nghi nhiễm mới được phát hiện tại Hà Nội.
Trưa 29/7, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung xác nhận Hà Nội đang có một ca nghi nhiễm Covid-19 đã đi từ Đà Nẵng về.
Được biết, bệnh nhân này 23 tuổi, là nhân viên bán Pizza tại cửa hàng 106 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, trú tại Mễ Trì Thượng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm.
Người này đi Đà Nẵng du lịch cùng gia đình (khoảng 29 người) từ ngày 12/7 đến 15/7/2020. Đến ngày 23/7, nam nhân viên có biểu hiện xuất hiện ho, sốt nhẹ từ 37,5-38,2 độ C kèm có đờm đặc.
Ngày 28/7, bệnh nhân đến bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khám sàng lọc và được hướng dẫn nhập viện để cách ly (Chụp X-Quang có hình nhả nhiều ổ viêm nhỏ rải rác hai phổi).
Kết quả xét nghiệm của bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ngày 29/7/2020 lần 1 dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho hay đây mới chỉ là ca nghi nhiễm và cần phải xét nghiệm lại để khẳng định.
Theo VnExpress, đội phản ứng nhanh của Trung tâm y tế quận Cầu Giấy đã khoanh vùng và phun khử khuẩn tại nhà hàng ở 106 Trần Thái Tông vào lúc 9h30 sáng 29/7.
Đồng thời, quận Cầu Giấy đã điều động đội phản ứng nhanh của Trung tâm y tế phun khử khuẩn khu vực nhà hàng, rà soát lên danh sách những người tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm. Công an căng dây một khoảng 30 m quanh nhà hàng; khoảng 10 nhân viên của cơ sở này được yêu cầu đeo khẩu trang và không ra ngoài.
Trước khi ca bệnh mới được công bố, Hà Nội đã qua 107 ngày không phát hiện ca bệnh trong cộng đồng.
Tuy nhiên, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố chiều 27/7, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung nói Hà Nội là nơi nguy cơ lây nhiễm cao do số lượng người từ Đà Nẵng về rất đông.
“Hiện nay chưa truy tìm được F0 lây lan bệnh tại Đà Nẵng. Dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm từ các nơi khác, trong đó có Hà Nội.
“Một số quận huyện của thành phố đã tiến hành rà soát từ hôm qua (26/7) đến nay phát hiện tới khoảng 600 trường hợp đi du lịch Đà Nẵng về, dự kiến có khả năng lên tới khoảng 20.000 người, chưa kể các trường hợp đi vào các tỉnh lân cận, liên thông với Đà Nẵng”.
Bản tin 6 giờ sáng 29/7/2020 từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 có thông báo về 8 ca dương tính với Covid-19 mới tại Đà Nẵng.
Ở TP HCM, Sở Y tế TP cho biết nhận được báo cáo nhanh của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP về kết quả xét nghiệm của 2 trường hợp nghi nhiễm Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện Quốc tế City từ ngày 21/7.
Trong khi chờ Bộ Y tế xác định kết quả xét nghiệm, để đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và kiểm soát nguy cơ lây lan mầm bệnh trong bệnh viện, Sở Y tế TP đề nghị bệnh viện tạm ngưng khám và tiếp nhận điều trị người bệnh nội trú mới.
Thời gian dự kiến tạm ngưng trong vòng 3 ngày, kể từ ngày 29-7. Mục đích để rà soát, đánh giá toàn bộ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong bệnh viện. Sau thời gian nêu trên, tùy tình hình thực tế và bảo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), Sở Y tế TP sẽ cố vấn chỉ đạo tiếp theo.
Báo chí Việt Nam đưa tin, ngày 29/7, ban giám đốc Bệnh viện Quốc tế City (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) có thông báo chính thức về việc ngưng nhận bệnh vì diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Thời gian ngưng là 3 ngày (từ 29 đến 31-7) cho đến khi có thông báo mới.
Tại Đắk Lắk, ông Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk xác nhận tại địa phương vừa có một ca dương tính với Covid-19. Được biết, đây là sinh viên đang theo học tại Đà Nẵng mới về lại địa phương vào ngày 23/7.
Sau hơn ba tháng không có ca lây nhiễm cộng đồng, Việt Nam đã ghi nhận những ca bệnh mới trong cộng đồng vào ngày 25/7.
Người được phát hiện nhiễm Covid-19 đầu tiên trong đợt dịch hiện nay là bệnh nhân thứ 416, sống ở Đà Nẵng, hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Đà Nẵng hiện được coi là tâm dịch của Việt Nam, với hàng chục người bị dương tính được phát hiện từ cuối tuần qua. Nhiều người được phát hiện ở bên ngoài Đà Nẵng cũng từng đi tới thành phố này trong thời gian gần đây.
Tính đến trưa 29/7, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 446 ca dương tính, chưa có ca tử vong nào.
TP.HCM: Phong tỏa khách sạn,
Bệnh viện ngừng tiếp nhận bệnh nhân vì Covid-19
Hiểu Minh
Một ca nghi nhiễm Covid-19 đã ở khách sạn Thanh Danh 2, quận 11, TP.HCM từ ngày 21 đến ngày 22/7. Ca nghi nhiễm này cũng từng điều trị ở Bệnh viện Quốc tế City, quận Bình Tân.
Liên quan ca nghi nhiễm Covid-19, khách sạn T.D2 (đối diện Bệnh viện Chợ Rẫy) trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.11 (TP.HCM) bị phong tỏa, khử khuẩn vào tối ngày 28/7.
Theo thông tin của trên báo Thanh Niên, đã có 4 người của khách sạn T.D2 được đưa đi cách ly tập trung tại khu cách ly Q.11 (một người mang khẩu trang thường xuyên nên không đi cách ly tập trung mà cách ly tại khách sạn), 48 khách lưu trú cách ly tại chỗ.
Đã có 7 người được lấy mẫu xét nghiệm, gồm 5 nhân viên khách sạn T.D2, 2 khách lưu trú cùng phòng với người nghi nhiễm Covid-19.
Theo thông tin trên báo VnExpress, ca nghi nhiễm này từng điều trị ở Bệnh viện Quốc tế City, quận Bình Tân. Sáng 29/7, bệnh viện này đã thông báo ngừng tiếp nhận bệnh nhân ba ngày để có các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19.
Đêm 28/7, Bộ Y tế thông báo hai ca nghi nhiễm nCoV, liên quan đến hai bệnh viện ở TP.HCM là Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Quốc tế City nhưng chưa công bố kết quả xét nghiệm khẳng định Covid-19.
Ngành dệt may Việt Nam sụt giảm 2 tỷ USD
vì COVID-19 và chưa có dấu hiệu hồi phục
Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết tính tới ngày 15/7, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong nước đạt 14,6 tỷ USD (sụt giảm 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019) và vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 29/7 cho biết trong ba nhóm hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam (điện thoại, máy vi tính, dệt may), ngành dệt may là nhóm hàng bị giảm mạnh nhất vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tổng cục Hải quan cho biết theo thị trường đến hết tháng 6 năm nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam nhưng lại sụt giảm gần 12% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ hai nhưng giảm 7%, EU đứng thứ ba và giảm mạnh nhất với hơn 19%.
Bộ Công thương Việt Nam hôm 13/7 nói sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may trong nước gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu; xuất khẩu giảm mạnh do bị khách hàng hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán.
Tin nói vì tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp trong ngành lâm vào tình cảnh điêu đứng, khó khăn, người lao động giảm thu nhập và có nguy cơ mất việc làm.
Quân đội siết chặt biên giới
ngăn người Trung Quốc nhập cảnh trái phép
Sau vụ hàng loạt người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam được phát hiện, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam, thượng tướng Lê Chiêm, yêu cầu quân đội siết chặt biên giới.
Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 29 tháng 7 sau khi Bộ Quốc phòng có cuộc họp đột xuất nhằm xử lý công khai, nghiêm khắc các vụ xuất, nhập cảnh trái phép.
Theo tin, Bộ tư lệnh biên phòng cho biết từ sau Tết nguyên đán đến nay, lực lượng biên phòng đã xử lý hơn 15 ngàn người nhập cảnh trái phép.
Do đó, Thứ trưởng Lê Chiêm tại cuộc họp đã yêu cầu Bộ Tư lệnh Biên phòng tăng cường hơn nữa việc tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới. Đồng thời chốt chặn triệt để các đường mòn, lối mở; ngăn chặn kịp thời các trường hợp vượt biên, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Cũng trong ngày 29/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, đã đến thị sát một số khu vực trên tuyến biên giới huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Trước đó, hôm 27/7, tại tuyến biên giới này, Công An Lào Cai đã phát hiện 10 người Trung Quốc (TQ) nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng thuyền và đang từ Lào Cai xuống Hà Nội để bay vào TP Hồ Chí Minh.
Công an Lào Cai cũng phát hiện đường dây đưa người TQ vào VN bằng thuyền qua sông Hồng sang huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai thời gian qua.
Trong một diễn biến liên quan, Trưởng Công an TP Hội An tỉnh Quảng Nam ngày 29/7 cho biết, thông tin người dân Hội An chặn một xe ô tô 7 chỗ nghi đưa người TQ bỏ trốn đang gây xôn xao trên mạng thật ra là xe của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi.
Công an Thành phố Hội An nói những người này vừa đi đánh bắt ngoài khơi về và cập bờ ở TP Đà Nẵng. Sau khi cập bờ, họ thuê xe ô tô chở vào Hội An để đi xe khách về quê ở tỉnh Quảng Ngãi.
Những người Trung Cộng
nhập cảnh trái phép vào Việt Nam phải đưa hối lộ
Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 28 tháng 7 năm 2020 loan tin, thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc công an tỉnh Quảng Nam cho biết, công an đã quyết định khởi tố vụ án những người Trung Cộng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng “con đường” đưa hối lộ.
Ông Dũng nói, có việc nhóm người Trung Cộng đã đưa hối lộ cho viên chức Cộng sản Việt Nam để nhập cảnh trái phép vào trong lãnh thổ, và họ đã đưa hối lộ cho ai thì công an vẫn đang điều tra, khi nào có thông tin chi tiết hơn thì ông Dũng sẽ cho báo chí biết. Hiện tại, Công an tỉnh Quảng Nam đã tạm giữ hình sự Gao Liang Gu người Trung Cộng, và Lương Thị Dung quê tỉnh Trà Vinh để mở rộng điều tra đường dây đưa hàng chục người Trung Cộng vào Việt Nam rồi ở lại tỉnh Quảng Nam, và Đà Nẵng.
Theo báo Tuổi trẻ, từ ngày 11 đến ngày 24 tháng 7, Công an tỉnh Quảng Nam, và Đà Nẵng đã phát hiện 73 người Trung Cộng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Vẫn theo báo Tuổi trẻ thì công an một số địa phương đã phát hiện có tình trạng một số công ty Việt Nam, và công ty Trung Cộng đưa người Trung Cộng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Liên quan đến những người Trung Cộng này, một viên chức ngành y tế tỉnh Quảng Nam nói rằng, dịch coronavirus 19 bắt đầu bùng phát đợt 2 ở Việt Nam trùng với thời gian nhiều nhóm người Trung Cộng nhập cảnh trái phép vào trong lãnh thổ. Vì vậy, ngành y tế tỉnh này đưa ra nhận định rất có thể những người Trung Cộng trên đã mang theo nguồn bệnh vào Việt Nam.
An Nhiên
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
chuẩn bị cho những ca nhiễm COVID-19 mới
Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các giới chức y tế cho biết đã phát hiện 3 ca nhiễm mới trong cộng đồng vào ngày 29/7, đều liên quan đến Đà Nẵng.
Đà Nẵng hiện đang là điểm nóng của COVID-19 khi đợt dịch mới bùng phát tại thành phố này với những ca nhiễm mới liên tục được phát hiện kể từ cuối tuần trước đến nay.
Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã tiến hành việc phong toả một số địa điểm vì có người nghi nhiễm COVID-19.
Tại Hà Nội, vào sáng ngày 29/7, cơ quan chức năng đã tiến hành phong toả một ngõ ở Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, do phát hiện một trường hợp nghi nhiễm COVID-19. Người đàn ông nghi nhiễm vừa về Hà Nội từ Đà Nẵng và có biểu hiện ho, sốt và đã vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để thăm khám. Kết quả xét nghiệm của người này sau đó được xác định là dương tính với COVID-19
Quán pizza nơi người này làm việc ở Hà Nội cũng đã bị phong toả và phun thuốc khử trùng vào sáng 29/7.
Tại TP. Hồ Chí Minh, một khách sạn đã bị phong toả vì có khách nghi nhiễm COVID-19.
Theo báo Thanh Niên, đã có 4 người của khách sạn này được đưa đi cách ly tập trung, 48 khách lưu trú được cách ly tại chỗ.
Do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Tổng Công ty Đường Sắt Việt Nam hôm 29/7 thông báo tạm ngưng chạy đôi tàu SE11/SE12 xuất phát từ Hà Nội đi Sài Gòn và ngược lại bắt đầu từ ngày 1/8/2020.
Từ 0 giờ ngày 28/7, ngành đường sắt tạm dừng hoạt động toàn bộ các đoàn tàu kết thúc và xuất phát tại ga Đà Nẵng. Đối với những đoàn tàu chạy Hà Nội – Sài Gòn sẽ không dừng đón, trả khách tại Đà Nẵng.
Covid-19: Hai thành phố lớn
đã có các ca lây nhiễm từ Đà Nẵng
Thu Hằng
Ngày 29/07/2020, bộ Y Tế Việt Nam thông báo có thêm 8 ca nhiễm virus corona, đều liên quan đến bệnh viện ở Đà Nẵng, nâng số ca nhiễm trong năm ngày qua lên thành 30, trong đó có 26 ca là ở Đà Nẵng.
Biện pháp cách ly xã hội, theo chỉ thị 16, được áp dụng triệt để trên phạm vi toàn thành phố Đà Nẵng để khống chế dịch, vì vẫn chưa tìm được dấu F0 (ca nhiễm đầu tiên). Virus corona có nguy cơ lan ra nhiều tỉnh thành trên cả nước do Đà Nẵng đón rất nhiều du khách tham quan trong thời gian qua.
Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 2 ca là một cặp vợ chồng. Người chồng có triệu chứng viêm phổi và được điều trị ở Đà Nẵng, sau đó đến điều trị ở Bệnh viện Quốc tế City, quận Bình Tân. Còn người vợ, chăm sóc chồng, cũng có triệu chứng nhiễm Covid-19. Một khách sạn nằm đối diện với bệnh viện Chợ Rẫy đã bị phong tỏa từ ngày 29/07 do cặp vợ chồng này đã lưu trú tại đây. Bệnh viện Quốc tế City cũng thông báo ngừng tiếp nhận bệnh nhân để khử khuẩn.
Hà Nội có từ 15.000 đến 20.000 người vừa từ Đà Nẵng và các vùng phụ cận trở về. Ca nghi nhiễm đầu tiên tại Hà Nội, được thông báo ngày 29/07, là một nam thanh niên, 23 tuổi, trú tại Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị những người từ Đà Nẵng về từ ngày 08/07 đến nay phải tự cách ly, khai báo y tế để lấy mẫu xét nghiệm. Vùng Cao nguyên cũng xuất hiện một số ca nghi nhiễm Covid-19, theo Reuters.
Trong cuộc họp thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 sáng 29/07, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo về tình hình dịch lây lan nhanh, hiện đã lan ra đến 7 địa phương, bao gồm cả Đà Nẵng và trong thời gian ngắn. Theo VnExpress, ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức tăng cường chống dịch, nhưng đồng thời không được « ngăn sông cấm chợ », mà từng địa phương có kịch bản ứng phó như giai đoạn đầu chống dịch.
Thêm ca nhiễm COVID-19
phát hiện ở ngoài Đà Nẵng
Việt Nam vào chiều ngày 29 tháng 7 báo cáo thêm 4 trường hợp mắc COVID-19 mới, những ca mới được ghi nhận tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Dak Lak. Như vậy tính đến thời điểm này Việt Nam có tổng cộng 450 trường hợp nhiễm COVID-19. Trong số này có 34 ca lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện từ ngày 25 tháng 7 đến nay.
Thông tin vừa nêu do Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Phòng chống dịch COVID-19 thông báo vào lúc 6 giờ chiều ngày 29 tháng 7.
Vào sáng ngày 29 tháng 7, Thường trực Chính phủ Hà Nội về phòng chống COVID-19 tiến hành cuộc họp dưới sự chủ trì của ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra nhận định tại cuộc họp rằng phần lớn các ca nhiễm tại Thành phố Đà Nẵng có liên quan đến khu vực 3 bệnh viện là Bệnh Viện Đà Nẵng, Bệnh Viện C và Bệnh Viện Phục Hồi Chức năng Đà Nẵng.
Tuy vậy ổ dịch không chỉ trong bệnh viện mà có thể bao gồm khu vực lân cận ngoài ba bệnh viện vừa nêu. Vấn đề đáng quan tâm là vẫn còn 3 trường hợp chưa tìm thấy nguồn gốc lây nhiễm dù đã tiến hành điều tra kỹ.
Quyền Bộ trưởng Y tế Việt Nam cho biết thêm đối với các địa phương khác đến nay mới chỉ phát hiện khả năng cao xâm nhập từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Dak Lak và Dak Nông.
Thủ tướng chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, cho rằng dịch lần này khác lần trước vì đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được ca F0; do đó tình hình phức tạp, nhiều nguy cơ lây nhiễm ở các địa phương, các thành phố lớn, các tình, thành phố xung quanh Đà Nẵng.
Y án 18 tháng tù
cho nữ tài xế chống BOT ‘bẩn’ Huệ Như
Ngày 29/7/2020, Tòa án TP Hà Nội xét xử phúc thẩm bà Đặng Thị Huệ (thường được gọi là Huệ Như), nữ tài xế cũng được một số người ca ngợi là đấu tranh phản đối các BOT ‘bẩn’, với tội danh ‘Gây rối trật tự công cộng’.
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng Sáu, bà Huệ Như đã bị tuyên hình phạt 18 tháng tù giam. Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Huệ Như đã kháng cáo khẳng định mình vô tội.
Bào chữa cho bà Huệ Như có các luật sư: Đặng Đình Mạnh, Hà Huy Sơn, Lê Luân, Phạm Lệ Quyên và Lê Đình Việt. Bào chữa cho ông Bùi Mạnh Tiến có luật sư Lê Đình Việt.
Bà Huệ Như bị công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bắt giam tối 16/10/2019 cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”. Tối cùng ngày, công an khám xét nhà bà ở thành phố Thái Bình.
Trước đó, bà từng bị tạm giữ 12 giờ hôm 11/6 và bị thu giữ ô tô riêng.
Sau vụ việc đó, bà Huệ Như đã khởi kiện Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải do đồng ý để Công ty CP BOT Vietracimex 8 đặt trạm trên con đường đã hết hạn thu phí từ lâu và thu phí cho tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên.
Bà Huệ cũng đồng thời khởi kiện việc bắt giữ người trái phép, giữ xe và việc bị hành hung dẫn đến xẩy thai.
Truyền thông Việt Nam đưa tin UBND TP Hà Nội và BỘ GTVT cũng nhiều lần kiến nghị để di dời, gộp trạm thu phí này với một trạm thu phí khác, vì những bất cập của BOT này. Tuy nhiên suốt từ năm 2016 tới nay chưa được giải quyết.
Trong một cuộc xô xát với cảnh sát hồi tháng 5/2019, có tin bà Huệ Như, khi đó đang mang bầu 5 tuần đã phải nhập viện cấp cứu sau khi bị an ninh thường phục tại trạm BOT đấm đá vào bụng, theo nguồn tin từ nhà hoạt động Võ Hồng Ly.
Huệ Như là ai?
Huệ Như tên thật là Đặng Thị Huệ, sinh năm 1981.
Các vụ việc người dân đấu tranh phản đối các BOT đặt sai vị trí hoặc thu phí quá thời hạn đã diễn ra nhiều năm qua. Bà Huệ Như được coi là một trong những người tiên phong, ‘truyền cảm hứng’ cho phong trào đấu tranh chống BOT ‘bẩn’.
Bà Huệ Như là nhân viên hành chính một trường tiểu học ở Thái Bình, đồng thời là mẹ đơn thân có hai con nhỏ. Bà nhiều lần tham gia phản đối các trạm BOT ‘bẩn’ cùng với tài xế Hà Văn Nam, người bị tuyên 30 tháng tù giam với tội danh “gây rối trật tự công cộng” hồi tháng 6/2019.
Bà Huệ Như từng nhiều lần livestreams về vụ việc sai phạm tại BOT Bắc Thăng Long trên đường Võ Văn Kiệt tại Hà Nội, và từng trả lời phỏng vấn các báo nước ngoài về việc này.
Trong một livestream ngày 7/5/2019, bà Huệ Như tiếp tục kêu gọi mọi người cùng chung tay đấu tranh phản đối BOT ‘bẩn’, đòi quyền lợi chính đáng cho mình, và khẳng định bà ‘không quan tâm đến các mục đích chính trị.
“Tôi đòi hỏi quyền lợi cho tôi, không bị ai lựa chọn, kích động, xúi giục. Ai thấy đúng thì ủng hộ. Đừng gọi tôi là anh hùng. Ai có cách khác thì cứ ra đó tự đòi quyền lợi cho mình,” bà Huệ Như nói trong livestream.
Việt Nam lỗ hơn 1,1 tỉ USD trong các dự án
đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước
Có đến 49 dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018 lỗ lũy kế với số lỗ lên đến hơn 1.1 tỉ USD. Trong lúc đó nhiều dự án khác chưa báo cáo doanh thu, lợi nhuận, gây nhiều nguy cơ mất vốn nhà nước.
Báo trong nước trích Báo cáo tình hình đầu tư ra nước ngoài vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lên Thủ tướng Chính phủ, loan tin ngày 29/7.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2019 có 114 dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước với tổng vốn đăng ký 13,82 tỉ USD và vốn thực hiện lũy kế đến hết năm 2019 đạt khoảng 6,7 tỉ USD.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong báo cáo ngày 31/3 vừa qua cho biết hiện có 8 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc quản lý của Ủy ban có hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Trong 15 dự án được các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ở nước ngoài, chỉ có 6 dự án hoạt động đúng tiến độ, 2 dự án chậm tiến độ, 5 dự án khó khăn và 2 dự án không có khả năng triển khai.
Ngoài ra, còn có 56 dự án của 3 tập đoàn, tổng công ty có các công ty con trực thuộc Ủy ban đầu tư. Trong đó, 2 dự án trong số này chậm tiến độ, 4 dự án đang gặp khó khăn và không có khả năng thực hiện.
Báo trong nước trích lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong báo cáo cho hay Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tổng công ty, tập đoàn phải rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư ra nước ngoài.
Cần đánh giá sự cần thiết đầu tư đối với từng dự án đầu tư không hiệu quả, đánh giá khả năng tài chính về việc tiếp tục đầu tư hay chấm dứt, chuyển nhượng dự án và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Hai giám đốc công ty bất động sản bị bắt
vì bán các dự án “ma”
Công an tỉnh Đồng Nai vào ngày 29/7 vừa quyết định khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Đình Chính, Giám đốc Công ty bất động sản Rồng Đất, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 16 tỷ đồng.
Truyền thông trong nước dẫn nguồn Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết ông Nguyễn Đình Chính được xác định đã lừa hơn 40 khách hàng bán “đất nền ảo” và không có sổ đỏ như cam kết, hầu chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng.
Nhiều khách hàng đã kéo đến công ty Rồng Đất đóng tiền để mua đất nền tại xã Tam Phước, TP Biên Hòa nhưng các khách hàng này đều không nhận được nền đất hoặc sổ đỏ như cam kết nên quyết định làm đơn tố cáo.
Công an TP Biên Hòa xác nhận có ít nhất 40 khách hàng ký hợp đồng với công ty Rồng Đất với số tiền hơn 44 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến việc lừa đảo các dự án ma, cùng ngày cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố HCM vừa tiến hành bắt tạm giam và khám xét nơi ở của bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc, Tổng giám đốc công ty cổ phần Xây dựng Địa ốc Bất Động sản Thiên An Phát, để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan điều tra, bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc từ năm 2018 đã bị nhiều khách tố cáo hành vi lừa đảo, bán đất “ma” tại các dự án ở TPHCM.
Khách hàng mua nền đất tại các dự án tố cáo bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc có hành vi lừa đảo, bán đất “ma”, chiếm đoạt ít nhất hơn 36 tỷ đồng. Không chỉ không giao nền, không trả lại tiền, thời gian gần đây các khách hàng phát hiện ra bà Hạnh Phúc đã có hành vi lừa đảo khi đem các lô đất đã bán cho khách hàng trước đó tiếp tục ký bán cho người khác.
Hiện Công an TPHCM đang mở rộng điều tra vụ án.
Cắt giảm phân nửa điện than
để ưu tiên năng lượng tái tạo: thế bắt buộc!
Phát biểu tại một cuộc tham vấn nội bộ hồi đầu tháng này, Viện Năng lượng Việt Nam tiết lộ Kế hoạch Phát triển Năng lượng Lần thứ Tám (PDP8) sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021.
PDP8 quy định mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên trong nước và cho biết chính phủ Hà Nội có thể hủy bỏ 7 dự án điện than đã lên kế hoạch và hoãn 6 dự án khác cho đến sau năm 2030 hoặc 2035.
Cụ thể, PDP8 vạch ra một lộ trình phát triển cho từng loại phát điện đến năm 2030, với một tầm nhìn trực tiếp kéo dài đến năm 2045. Với nhu cầu năng lượng của Việt Nam được thiết lập hơn gấp đôi trong thập kỷ tới, kế hoạch này rất quan trọng đối với những nỗ lực của quốc gia trong việc kiềm chế khí thải carbon và sắp xếp con đường phát triển của đất nước với các mục tiêu khí hậu Paris.
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công thương và Thương mại cho biết trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam sẽ không phát triển mạnh về điện than mà chỉ tiến hành phát triển các dự án đã được liệt kê trong PDP7 và PDP7 sửa đổi.
Trao đổi với RFA vào tối 28/7, Giáo sư – Viện sĩ – Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam đưa ra giải thích vì sao chính phủ Hà Nội đề ra kế hoạch năng lượng mới này:
“Một số công trình nguồn điện Việt Nam bị chậm so với kế hoạch. Chương trình điện hạt nhân đang bị đình lại, gây thiếu hụt khá lớn về nguồn điện. Tạm thời các nguồn điện than vẫn đóng vai trò quan trọng trong cân bằng điện năng của Việt Nam. Tuy nhiên nhà máy điện than gây tác động xấu về môi trường. Như vậy không thể bỏ ngay nhiệt điện than nhưng sẽ thực hiện kế hoạch giảm dần vai trò của nhiệt điện than trong cân bằng điện năng của Việt Nam. Thay vào đó sẽ ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo mặt trời và gió ở Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một kế hoạch hợp lý và phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.”
Đồng quan điểm nêu trên, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng cho biết thêm Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 55 vào đầu tháng 2 về chủ trương ưu tiên phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo và giảm dần nhiệt điện than một cách hợp lý.
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ nội dung này vì những nguyên nhân sau:
“Nếu nhiệt điện than phát triển quá cao đi ngược chiều xu thế phát triển năng lượng của cả thế giới. Cả thế giới trong giai đoạn vừa qua đều giảm nhiệt điện than và đưa năng lượng mới tái tạo vào vì nhiệt điện than ảnh hưởng lớn nhất đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính vì vậy hội nghị biến đổi toàn cầu phải giảm tỉ lệ điện than, không thì biến đổi cực đoan khí hậu toàn toàn cầu diễn ra cực kỳ phức tạp. Nên phải thay thế bằng năng lượng không gây ra khí nhà kín nữa là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Việt Nam tuân thủ cái đó nên nhiệt điện than phải giảm.”
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cũng cho rằng nguồn vốn để làm nhiệt điện than hiện nay khó khăn bởi vì phải vay của World Bank và ADB. Trong khi đó 2 ngân hàng này ra rào cản kỹ thuật không cho vay vốn để phát triển nhiệt điện than nữa nên dù chính phủ muốn làm nhiều thì cũng không thể vay được, vì không có tiền làm nên phải giảm bớt.
“Phát triển nhiệt điện than thì số than phải nhập đến năm 2030 sẽ gấp đôi số mình hiện có. Việc nhập này rất phức tạp vì người ta chỉ bán trong 5 năm sau đó phải xem lại. Vì vậy chỉ được cấp trong 5 năm mà cả đời nhà máy 30 năm thì không ai ký được trong 5 năm. Vấn đề nhập than và vận tải cảng biển cũng không thể nhập nổi, phải giảm bớt đi.”
Việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong chiến lược mở rộng năng lượng than của Việt Nam đã gây ảnh hưởng lớn nhất cho biến đổi khí hậu, tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua.
Cơ quan Năng lượng và Tái tạo Điện cùng với Cơ quan Năng lượng Đan Mạch đưa ra Báo cáo triển vọng năng lượng của Việt Nam năm 2019 dự đoán năng lượng gió và mặt trời sẽ đánh bại điện than trong nước bằng giá thành. Cụ thể, vào năm 2030 năng lượng tái tạo sẽ cho ra 20 GW và hơn 100 GW vào năm 2050.
Giáo sư Trần Đình Long nhận định:
“Mức độ giảm nhiệt điện than theo tiến trình thế nào còn phụ thuộc vào khả năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế. Theo tôi biết những chủ trương hiện nay của nhà nước thì việc phát triển năng lượng tái tạo mở ra những cơ hội khá lớn. Thực tế những năm vừa rồi, ví dụ với chính sách giá điện của nhà nước đã thúc đẩy khá mạnh mẽ việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là của điện mặt trời tại Việt Nam.”
Còn theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, từ thực tế việc tạo ra năng lượng tái tạo trong một năm qua cùng với những nội dung kế hoạch được triển khai rõ ràng, việc phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió thay thế cho điện than là rất khả quan:
“Triển khai nằm trong tầm tay, không có gì khó. Tất cả điện than trong nước vẫn được sử dụng, những nhà máy đang xây dựng dở đến năm 2025 vẫn được tiếp tục xây dựng, không bỏ đi. Chỉ có tương lai bỏ đi chứ từ giờ đến năm 2025 người ta giảm bớt đi. Chỉ một năm vừa qua, chủ trương tư nhân hóa vào làm năng lượng gió, mặt trời phát triển quá nhanh, theo như Thủ tướng nói đề nghị có 8.000 MW của năng lượng mặt trời đem vào nhưng đã đem vào vận hành được 5.000 MW, tức bằng 5 nhà máy nhiệt điện than cỡ lớn.”
Vẫn theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, hạn chế lớn nhất trong việc phát triển năng lượng tái tạo hiện nay là vấn đề truyền tải nhưng cũng sẽ sớm được giải quyết:
“Có những nhà máy dù có điện nhưng không thể truyền đi nên nhà nước đã cho tư nhân làm đường dây này, trước đây chưa bao giờ có. Độc quyền nhà nước là không ai được làm nhưng có chủ trương cho phép tư nhân được quyền đầu tư xây dựng đường dây tải điện này dù không được quyền quản lý, vẫn phải bàn giao cho công ty truyền tải và chia lãi.”
Ngoài ra, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho biết trong quá trình làm còn diễn biến khác như chiếm nhiều đất, đi đường dây mới qua vùng này vùng kia… hiện vẫn đang chờ các địa phương nêu ý kiến thế nào, có gặp trục trặc gì nữa không.
Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) và Tập đoàn Môi trường Đổi mới và Phát triển Môi trường (GreenID) có trụ sở tại Việt Nam vào tuần trước đưa ra tuyên bố cho biết trong bối cảnh giá năng lượng sạch giảm mạnh cũng như những khó khăn trong tài chính và các mục tiêu khí hậu ngày càng được nâng cao, 13 dự án điện than sẽ khó được phục hồi một khi đã bị hoãn lại.
Với các ưu đãi chính sách mạnh mẽ, chính phủ Hà Nội đã quản lý để lắp đặt hơn 5 GW năng lượng mặt trời trong vòng chưa đầy ba năm, đồng thời cũng đã phê duyệt gần 12 GW dự án điện gió dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động đầu năm 2021.
Dòng Mekong: mặt trận đối đầu mới Trung- Mỹ?
Thanh Trúc
Dòng Mekong, nguồn sống quan trọng của hơn 60 triệu dân Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, được nói đang là mặt trận mới trong thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Thực tế bắt nguồn từ việc Trung Quốc cho thâu tóm phần lớn nguồn nước trên thượng nguồn dòng sông.
Đây là “cuộc chiến nước” theo cách nói của 2 cây viết Kay Johnson và Panu Wongcha-um, được Reuters dẫn trong bài liên quan hôm 24/7 vừa qua.
Bài viết nêu quan điểm của chính khách và chuyên gia môi trường rằng sông Mekong có thể là một mặt trận khác trong bối cảnh đối đầu Mỹ Trung hiện nay. Reuters dẫn lời một vị đại sứ Mỹ trong khu vực hồi tháng 4/2020 cho hay vị này đã chỉ đích danh Trung Quốc kiểm soát nguồn nước của sông Mekong bằng 11 đập thủy điện, đe dọa trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu nông dân và ngư dân ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Ông Patrick Murphy, đại sứ Mỹ tại Campuchia, bày tỏ quan ngại trước kết quả khảo sát do tổ chức nghiên cứu và tư vấn Eyes On Earth ở Hoa Kỳ tháng 4/2020, khẳng định 11 con đập thường xuyên tích nước ở Trung Quốc không chỉ gây hạn hán nghiêm trọng cho hạ nguồn Mekong năm 2019 mà còn phá hủy hệ sinh thái truyền thống, đa dạng tại tiểu vùng Mekong này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan ngay lập tức phản bác thông tin của viên chức ngoại giao Mỹ, và gọi thông tin này là vô căn cứ, yêu cầu các nước ngoài khu vực đừng tìm cách làm tình hình rối rắm bằng những chuyện không đâu như vậy.
Chuyên gia Witoon Permpongsacharoen thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Mekong Energy and Ecology Network, trụ sở tại Bangkok, thì cảnh báo Trung Quốc đang phá hỏng các dự án phát triển mà Hoa Kỳ dành cho sông Mekong bấy lâu nay. Đây là vấn đề địa chính trị, chuyên gia này nhấn mạnh, xem ra còn quan trọng hơn cả vấn đề Biển Đông mà Trung Quốc và Mỹ đang đối đầu.
Việc tích nước từ dòng Mekong mà có thể dẫn đến “cuộc chiến nước”, dẫn đến một mặt trận khác giữa 2 đối thủ Mỹ Trung, cần được nhìn rõ qua lăng kính thực tế, là ý kiến của tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên viên Cục Thống Kê Liên Hiệp Quốc:
“Thượng nguồn sông Mekong, tức là khu vực sông Lan Thương của Trung Quốc đổ vào sông Mekong, nói chung một năm 20% nước, và 80% là đổ vào khu vực. Bây giờ nếu thiếu nước thì cũng nên đặt câu hỏi tại sao thiếu, thiếu ở chỗ nào, cái đó phải xác định cho rõ”
“Trong thời gian vừa rồi như tôi hiểu thì những nước ở hạ nguồn cũng làm nhiều điều hạn chế đến vấn đề nước đi vào sông Mekong. Chẳng hạn Việt Nam phá rừng nên không thể giữ nước ở sông Mekong, như Lào và cả Việt Nam làm nhiều đập thủy điện, hay là Campuchia cũng chuyển nước dùng cho nông nghiệp… Dĩ nhiên làm thủy điện thì chỉ có thể giữ nước một thời gian, xong thì đa phần sau đó chảy xuống hạ nguồn thôi chứ có sạch bách đi đâu được. Cái đó phải có sự điều tra hợp tác làm rõ”.
Nhìn rõ như vậy để thấy, ông Vũ Quang Việt nói tiếp, điều gọi là cuộc chiến nước giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên sông Mekong thực chất chỉ là lời qua tiếng lại mà thôi:
“Trên nguyên tắc luật pháp giữa Trung Quốc và 4 nước ở khu vực Mekong là Thái, Việt Nam, Lào, Campuchia, còn Myanmar và Trung Quốc là 2 nước đối thoại. Trung Quốc đã lập Nhóm Hợp Tác Mekong-Lan Thương , ý đồ là làm việc với Ủy Hội Sông Mekong do Liên Hiệp Quốc tài trợ, làm việc với từng nước một. Đó là vấn đề mà mấy nước phải giải quyết với nhau chứ không liên quan gì tới Mỹ”.
“Nếu có ủng hộ và kêu gọi Trung Quốc phải có thái độ hợp tác đàng hoàng thì Mỹ có thể nói, nhưng Mỹ không có quyền tự do đi lại nào trên sông Mekong cả, cho nên vấn đề không phải là Mỹ với Trung Quốc mà là giữa Trung Quốc và các nước ở khu vực Đông Nam Á cùng chia sẻ dòng Mekong”.
Hoa Kỳ đang chứng tỏ sự quan tâm ngày càng nhiều vào những gì đang xảy ra trên dòng Mekong. Tôi nghĩ Hoa Kỳ muốn đẫy mạnh phát triển khu vực Mekong theo hướng môi trường phải được bảo vệ cũng như sự minh bạch phải được cải thiện – Brian Eyler – Giám đốc Chương trình Đông Nam Á – Stimson
Đối với ông Brian Eyler, giám đốc Chương Trình Đông Nam Á trong Trung Tâm Stimson ở Washington DC, tác giả cuốn The Last Days Of Mighty Mekong, đã được dịch ra tiếng Việt là Những Ngày Cuối Của Dòng Mekong Hùng Vĩ, “cuộc chiến nước” không phải là từ thích hợp đối với hiện tình sông Mekong :
“Thế nhưng tôi đồng ý là Mỹ và Trung Quốc đang tranh nhau để gây ảnh hưởng về những chính sách ngoại giao liên quan đến dòng Mekong hùng vĩ này”.
“Hoa Kỳ đang chứng tỏ sự quan tâm ngày càng nhiều vào những gì đang xảy ra trên dòng Mekong. Tôi nghĩ Hoa Kỳ muốn đẫy mạnh phát triển khu vực Mekong theo hướng môi trường phải được bảo vệ cũng như sự minh bạch phải được cải thiện. Đó là lý do từ năm ngoái đến giờ các viên chức chính phủ Mỹ đã lên tiếng công khai hơn và mạnh mẽ hơn về những hành động bất chấp của Trung Quốc khi sử dụng dòng Mekong”.
Trong một lần phỏng vấn trước đây với RFA, Giám đốc Brian Eyler của Chương Trình Đông Nam Á, Trung Tâm Stimson, từng nhận định tình trạng khô hạn nặng nề tại Đồng Bằng Sông Cửu Long từ năm 2016 là tai họa thế kỷ, rằng Việt Nam nằm cuối hạ lưu phải đòi hỏi sự công bằng trong việc chia sẻ và sử dụng tài nguyên nước trên sông Mekong bất kể đó là quốc gia nào.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng Bằng Sông Cửu Long, cho rằng điểm đáng ngại từ các đập Trung Quốc đối với Việt Nam chính là làm giảm lượng phù sa và cát, gây sạt lở nhiều nơi tại Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Về lượng nước, ông giải thích tiếp, các đập ở Trung Quốc chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam khi nào hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino xảy ra và các đập ở Trung Quốc làm trầm trọng vấn đề hơn thôi.
Do đó ông khẳng định, xét về lượng nước đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long thì các đập thủy điện ở Lào và Campuchia mới đáng lo ngại hơn.
Được hỏi ông nghĩ sao về ý kiến của chuyên gia Witoon Permsacharoen thuộc Mạng Lưới Mekong Energy and Ecology Network, cho rằng dòng Mekong là vấn đề địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, tức có thể trở thành một mặt trận khác giữa 2 nước, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết:
“Việc sông Mekong có trở thành một mặt trận khác nữa không là tùy vào sự suy tính của Hoa Kỳ, nhưng tôi đoán Mỹ không thể làm ngơ chuyện sông Mekong bởi đây là vấn đề an ninh phi truyền thống (Non Traditional Security Issue) có nghĩa nó là vấn đề ảnh hưởng đến an ninh khu vực nhưng lại không có yếu tố quân sự. Cụ thể tác động của thủy điện làm suy thoái môi trường, cạn kiệt nguồn sống của hàng chục triệu người, có thể dẫn tới bất ổn xã hội, thậm chí dẫn tới xung đột giữa các quốc gia rồi ảnh hưởng đến an ninh khu vực . Thành ra Mỹ trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng đối với khu vực này thì không thể bỏ qua chuyện Mekong được”.
Về quan điểm cho rằng vấn đề Mekong đối với 4 quốc gia tiểu vùng, , trong đó có Việt Nam, còn quan trong hơn vấn đề Biển Đông, nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện bày tỏ sự đồng ý:
“Từ hồi tôi tham gia đánh giá Môi Trường Chiến Lược 11 đập thủy điện trên dòng chính Mekong thì bản thân tôi đã thấy chuyện Mekong nếu suy xét kỹ thì không hề kém chuyện Biển Đông. Dĩ nhiên là khó thấy vì nó không có yếu tố quân sự, thông thường nhiều khi vài chục năm mới nhận biết được.”
Được hỏi Việt Nam thích ứng ra sao trong vấn đề các con đập từ Trung Quốc cũng như từ các nước láng giềng? Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện:
“Việt Nam chỉ có công cụ duy nhất là Hiệp Định Mekong năm 1995. Nhưng Hiệp Định này lại có nhiều lổ hổng, cụ thể Lào vẫn tiến hành xây dụng các đập Xayabury và Don Sahong. Lào đã thông báo cũng như tiến hành thủ tục tham vấn đối với các đập mới như Luang Prabang và Xanakhảm”.
“Tuy nhiên tình hình đang có sự thay đổi, Campuchia đã hoãn 2 đập dòng chính Sambor và Stung Treng trong 10 năm. Các đập dòng chính ở Lào dù đã tham vấn nhưng có vẻ khó thực hiện vì 2 lý do, một là không có nguồn tiền đầu tư, hai là nhu cầu điện đang suy giảm mạnh do khuynh hướng năng lượng mới từ gió và mặt trời và do dịch COVID-19 nữa”.
Từ năm 2009, Mỹ đã chi 120 triệu đô la cho Sáng kiến Hạ Lưu Mekong, Lower Mekong Initiative. Năm 2016 Trung Quốc chi trội hơn với 300 triệu USD cho các quỹ nghiên cứu thuộc Cơ Chế Hợp Tác Mekong- Lan Thương LMC do Bắc Kinh lập nên.
Đại sứ Mỹ tại Thái Lan, ông Michael DeSombre, từng chỉ trích LMC Cơ Chế Hợp Tác Mekong-Lan Thương chỉ là tổ chức song hành cùng MRC Ủy Hội Sông Mekong, vì thế Trung Quốc nên làm việc chặt chẽ hơn với Ủy Hội Sông Mekong thay vì nghiêng hẳn về một phía LMC do Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát.
Bất kể khuyến cáo từ phía Mỹ, đại diện các nước trong Ủy Hội Sông Mekong khi đó đã lên tiếng ủng hộ sự hợp tác của LMC .
Cũng từ năm 2002, Trung Quốc khởi sự loan báo với các quốc gia hạ lưu về lịch trình xả đập mà có thể gây lũ lụt.
Thế nhưng theo Reuters thì thông tin liên quan được Trung Quốc công bố rất ít, các quốc gia hạ nguồn khó mà xoay sở cũng như đề kế hoạch ứng phó kịp thời.
Tại một cuộc họp về hợp tác LMC tháng Hai vừa qua, một viên chức Việt Nam không tiết lộ danh tính đã nói riêng với Reuters rằng Trung Quốc không chia sẻ thông tin và số liệu đích thực về vấn đề vận hành cũng như xả đập của họ với các nước trong tiểu vùng Mekong.
Tập đoàn Eni phát hiện
dầu khí mới ở ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam
Tập đoàn dầu khí Eni của Italia hôm thứ hai 27 tháng 7 thông báo, giếng thăm dò Kèn Bầu -2X của họ, nằm ở Lô 114, ngoài khơi Việt Nam, đã phát hiện khối lượng hydrocarbon đáng kể và công ty này đang tiếp tục mở rộng tiềm năng khai thác.
Trang tin Kallanish Energy loan tin vừa nói hôm 28/7 và cho biết vị trí vừa phát hiện nằm ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc bể Sông Hồng, cách đất liền gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65 km, cách Đà Nẵng khoảng 86 km.
Phát hiện của Kèn Bầu, ước tính sơ bộ có thể chứa 7-9 nghìn tỷ feet khối khí đốt và 400-500 triệu thùng khí ngưng tụ liên quan.
Eni Vietnam là nhà điều hành chính thăm dò Lô 114, hiện nắm 50% cổ phần; Essar E & P nắm giữ 50% còn lại. Hiện Eni Việt Nam và công ty đối tác đang lên kế hoạch khoan thử nghiệm và khám phá thêm tại giếng Kèn Bầu, đồng thời công ty cũng khoan nhiều giếng mới và thăm dò địa chấn trong lưu vực Sông Hồng, nơi Eni hoạt động với 100% cổ phần tại Lô 116 gần đó.
Hiện giếng thăm dò Kèn Bầu 2X này đang bị bỏ hoang.
Eni đã có mặt tại Việt Nam kể từ năm 2013, và hiện đang vận hành bốn khối ngoài khơi miền trung Việt Nam, tất cả đều nằm trong lưu vực Sông Hồng và Phú Khánh.
Tin cho biết, thị trường gas ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, nhờ sự tăng trưởng GDP và sự phát triển các nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt nội địa, và sắp tới là khí LNG nhập khẩu. Phát hiện Kèn Bầu được cho là sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam.
Việt Nam và ExxonMobil
sắp hoàn tất đàm phán
hợp đồng bán khí từ mỏ Cá Voi Xanh
Hai tập đoàn năng lượng hàng đầu Việt Nam và công ty dầu khí ExxonMobil của Mỹ chuẩn bị hoàn thành đàm phán hợp đồng bán khí từ mỏ Cá Voi Xanh (Blue Whale), dự án năng lượng ngoài khơi lớn nhất của Việt Nam từng được cho là gặp khó khăn trước sức ép của Trung Quốc.
Hồi tháng 9 năm ngoái, trong bối cảnh tàu hải cảnh Trung Quốc đưa một tàu thăm dò vào khu vực Bãi Tư Chính mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, đã xuất hiện các đồn đoán về việc tập đoàn ExxonMobil rút lui khỏi dự án giữa lúc có tin nói rằng Bắc Kinh “gây áp lực” với Hà Nội về các dự án dầu khí với nước ngoài trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau đó lên tiếng phủ nhận những thông tin rằng ExxonMobil sẽ bán 64% cổ phần trong dự án này.
Tạp chí Năng lượng Việt Nam hôm 21/7 trích thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực cho biết Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang phối hợp với ExxonMobil “khẩn trương hoàn thành đàm phán và thống nhất các hợp đồng, thoả thuận mua bán khí, điện” trong đó mục tiêu hoàn thành đàm phán các hợp đồng bán khí vào cuối năm nay.
Cụ thể, PVN, EVN phối hợp với ExxonMobil khẩn trương hoàn thành đàm phán và thống nhất các hợp đồng, thỏa thuận mua bán khí, điện của các dự án Nhà máy điện miền Trung 1 và 2, Dung Quất 1 và 3 đảm bảo tính đồng bộ giữa các hợp đồng, theo tạp chí của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.
Từ năm 2009, ExxonMobil và PetroVietnam hợp tác thăm dò mỏ “Cá Voi Xanh” “nằm cách bờ biển miền Trung Việt Nam khoảng 80km” mà tập đoàn Mỹ cho rằng có khả năng “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” của quốc gia nằm ở Đông Nam Á. Tuy nhiên vị trí của mỏ này nằm ngay gần đường ‘lưỡi bò’ 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương đưa ra để tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông nhưng bị toà quốc tế ở La Haye bác bỏ hồi năm 2016.
Trước đây, ExxonMobil từng khẳng định với VOA rằng dự án Cá Voi Xanh, dự tính tạo ra 20 tỷ USD cho nguồn thu của chính phủ Việt Nam từ nguồn dự trữ khí ga có thể cung cấp điện cho một thành phố tương đương với Hà Nội trong vòng hơn 20 năm, “không nằm ở vùng có tranh chấp.”
“Dường như Việt Nam đang vô cùng muốn giữ được dự án Blue Whale (Cá Voi Xanh) của ExxonMobil,” nhà nghiên cứu Bill Hayton của viện nghiên cứu Chatham House ở Anh nhận định trong một đăng tải trên trang Twitter cá nhân về thông tin mà tạp chí Năng Lượng đưa ra. “PetrolVietnam (PVN) và Điện lực Việt Nam (EVN) có thể đã được yêu cầu phải đưa ra những điều khoản thương mại tốt hơn nhiều như một sự khích lệ. Chưa có thoả thuận nào – nhưng mong đợi thêm thông báo trong những tháng tới.
Việt Nam được cho là phải dừng hai dự án hợp tác thăm dò dầu khí với Repsol, công ty dầu khí Tây Ban Nha, trước sức ép của Trung Quốc chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, từ 2017 đến 2018.
Mỹ trong thời gian gần đây nhiều lần lên tiếng cáo buộc Trung Quốc là đã “bắt nạt” Việt Nam và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông trong các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi vùng biển có tranh chấp. Trong tuyên bố chung giữa các bộ trưởng Mỹ và Úc đưa ra hôm 28/7, hai bên đều “ủng hộ các quyền của những bên tuyên bố chủ quyền được khai thác cá nguồn tài nguyên ngoài khơi một cách hợp pháp, bao gồm các dự án dầu khí lâu đời cũng như các hoạt động đánh bắt cá trên Biển Đông, mà không bị quấy rầy hay cưỡng bức.”
Ai đang chống phá Việt Nam?
J.B. Nguyễn Hữu Vinh
Ngày 28/7/2020, tờ Nhân Dân, cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết: “VOA, RFA vẫn tiếp tục chống phá Việt Nam”.
Đọc qua bài viết, người ta thấy gì?
Bài viết về việc hai cơ quan thông tin tại Hoa Kỳ là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và Đài Châu Á tự do (RFA) đã “đưa ra thông tin bịa đặt, bình luận xuyên tạc, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ, xúc phạm Đảng và Nhà nước Việt Nam” “Vào thời điểm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ (1995-2020), nhiều chương trình, hoạt động thiết thực đã được tổ chức trang trọng tại hai nước”
Bài báo cho rằng, hai cơ quan truyền thông này đã “chống phá Việt Nam”.
Việt Nam là ai?
Đất nước Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử, được xây đắp nên bởi xương máu bao nhiêu đời từ khi khai dân lập quốc cho đến ngày nay. Lãnh thổ của đất nước này, Tổ quốc này kéo dài từ Ải Nam Quan đến Cà Mau. Tài sản của đất nước này không chỉ là tất cả tài nguyên, khoáng sản và mọi điều kiện thiên nhiên, thời tiết mà cả con người, cả nền văn hóa ngàn năm được xây đắp chắt chiu từ nhiều đời truyền lại cho con cháu một truyền thống văn hóa yêu nước, dựng nước và giữ nước.
Đó là tài sản của tất cả những người đã sinh ra, xây dựng nên đất nước này, đã hy sinh chiến đấu để gìn giữ nó cho con cháu họ ngày nay.
Ngày nay, gần 100 triệu người dân Việt Nam, kế thừa những thành quả mà cha ông họ đã bao đời xây đắp nên, họ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ những giá trị từ văn hóa đến lãnh thổ. Họ là những người chủ đất nước.
Việt Nam không là bất cứ một tên cha căng chú kiết nào tự xưng là cha già dân tộc, không là bất cứ một nhóm bè phái băng đảng nào tự nhảy lên đầu, lên cổ nhân dân mà tự xưng là lãnh đạo duy nhất, khoa học nhất, thông minh nhất, tài giỏi nhất, đạo đức nhất và là Việt Nam.
Do vậy, nói đến Việt Nam, là nói đến cả gần 100 triệu người dân còn sống và hàng trăm triệu người dân đã chết, là nói đến sự tồn vong của dân tộc, nói đến nền văn hóa yêu nước thương nòi được hun đúc mấy ngàn năm qua để lại.
Thế nhưng, như mọi bài viết, bài báo của đảng cộng sản Việt Nam mà tờ Nhân Dân là điển hình, bài báo đã cố tính đánh lộn con đen khi tự xưng Việt Nam là “Đảng, nhà nước”.
Sự đánh tráo khái niệm rằng đất nước, Tổ Quốc, dân tộc Việt Nam là Đảng CSVN, để rồi lu loa rằng chống lại Đảng và chính quyền cộng sản – một băng đảng đã tự thể hiện sự bại hoại, sự đểu cáng, sự thối tha và bất lương, phản phúc của mình trên thực tế, trước bàn dân thiên hạ – nghĩa là chống lại Việt Nam, thì đó là sự tháu cáy mà không mấy ai không nhận ra.
Đó cũng là sự loạn ngôn, loạn xưng thường thấy trong hệ thống cộng sản – nói theo ngôn ngữ dân gian – nghĩa là những đứa cha căng chú kiết cứ tự xưng mình là cha thiên hạ trong cái giai đoạn mà người dân thường nói là “Trời làm lụt lội, chó nhảy lên ban thờ”.
Ai chống phá, ai xây dựng Việt Nam?
Với định nghĩa như trên, việc đưa đất nước Việt Nam phát triển, việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc Việt Nam mà cha ông để lại, việc đem đến cho người dân Việt Nam những quyền được làm người, được sống cuộc sống no đủ, văn minh, đúng phẩm giá con người như cha ông họ đã chấp nhận hy sinh để họ được hưởng là nghĩa vụ của tất cả mọi người dân Việt Nam.
Những người đang chung tay, góp sức để những điều đó được phát triển tốt đẹp, đem lại sự yên bình, ấm no cho người dân, sự an toàn của đất nước, sự bảo toàn của lãnh thổ Tổ Quốc… chính là những người đang xây dựng Việt Nam.
Còn những kẻ đi ngược lại điều đó, là những kẻ đang chống phá lại Việt Nam.
Vậy ai đang xây dựng Việt Nam?
Cần phải nói rằng, tất cả những người dân lao động Việt Nam đang ngày đêm chắt chiu từng giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu lẫn những tủi nhục của bản thân không chỉ trên quê hương, đất nước này, mà cả những người đang ở bất cứ đâu trên thế giới vẫn hướng về Việt Nam để chăm chút, vun đắp nó, đều là những người đang yêu nước, đang xây dựng Việt Nam.
Họ là những công nhân trong các nhà máy, lo chăm chỉ lao động ngày đêm, chấp nhận đủ mọi thứ cực hình về điều kiện xã hội, đời sống, để chăm lo cho con cái họ được hạnh phúc hơn, được học hành để có thể làm chủ đất nước sau này… họ đã là những người yêu nước và đang xây dựng đất nước. Đó là chưa nói đến hàng ngàn, hàng vạn thứ thuế, phí cũng như bao thứ tiền đen, tiền đỏ họ phải chi ra trong xã hội để nuôi một bộ máy đảng và nhà nước, tổ chức của đảng khổng lồ.
Họ là những người đã phải lặn lội bỏ nước ra đi trên những chuyến đi đầy mạo hiểm để rồi chấp nhận cả sự tủi nhục nơi quê người, kể cả cái chết trong các container lạnh lẽo xứ sương mù, với tâm tưởng muốn kiếm những đồng tiền đổi bằng xương máu đem về xây dựng gia đình, xã hội Việt Nam.
Họ là những người đang yêu nước và xây dựng đất nước hiện nay.
Họ là những người đã vì cuộc sống người dân được tự do, dân chủ hơn, được mở miệng để rên lên sự thống thiết, bi ai trong hoàn cảnh của mình mà chấp nhận tất cả để lên tiếng về những bất công trong xã hội, về những điều mà người dân cần được hưởng, được phục vụ, về việc bảo vệ những giá trị của nền văn hóa Việt trước ngoại bang xâm lược. Thế rồi họ chấp nhận bị thế lực hắc ám hãm hại trong các nhà tù hiện nay.
Họ là những người đang xây dựng và yêu mến đất nước Việt Nam.
Họ là những người dù đã xa quê hương để lưu lạc khắp nơi trên thế giới vì bất cứ lý do nào, nhưng vẫn canh cánh bên lòng nối nhớ thương và yêu mến quê hương Việt Nam, mong muốn quê hương ngày càng phồn thịnh và phát triển, người dân được sống trong tự do, hạnh phúc và thấp thỏm trước họa ngoại bang xâm lấn lãnh thổ của Tổ Quốc, dù họ không còn có lợi ích hoặc bất cứ điều gì liên quan đến việc mất còn của đất nước.
Họ là những người đang xây dựng và yêu mến đất nước Việt Nam.
…
Vậy ai đang chống phá Việt Nam?
Những kẻ đã đưa một thứ lý thuyết băng hoại, tôn sùng vật chất, lấy bạo lực làm đầu, lấy dối trá làm phương tiện, lấy cướp bóc làm hành động để hủy hoại nền văn hóa Việt được xây dựng với bao điều tốt đẹp từ hàng ngàn năm nay.
Đó chính là những kẻ đang chống phá Việt Nam.
Những kẻ đã dựa vào các thế lực nước ngoài để liên tục đem con dân mình là mồi cho hòn tên mũi đạn, làm những vật thí nghiệm cho một thứ tư tưởng gọi là Quốc tế cộng sản, tiến hành những cuộc chiến nồi da nấu thịt, tàn sát quê hương, xóm làng, phân rẽ vùng miền và đầy đọa người dân trong đói nghèo, tụt hậu.
Đó chính là những kẻ đang chống phá Việt Nam.
Những kẻ đã bất chấp đời sống cùng cực của người dân, chỉ chăm lo cho quyền lợi của bản thân, đảng phái mình mà dựng nên một bộ máy kìm kẹp khổng lồ, đày đọa người dân trong đớn đau, tủi nhục và cùng cực, chỉ nhăm nhăm lo vơ vét của dân đến những đồng cắc cuối cùng. Những kẻ đang cố tình dựng lên một bầy sâu” – Trương Tấn Sang – để “ăn của dân không từ một thứ gì” – Nguyễn Thị Doan.
Đó chính là những kẻ đang chống phá Việt Nam.
Những kẻ đang ngày đêm đốt tiền dân bằng mọi lý do, bằng mọi cách nhằm vinh danh những thây ma được tô vẽ, chỉ nhằm mục đích dựng nên một thứ bù nhìn nhằm lừa bịp người dân và qua đó xây dựng đền đài, lăng tẩm, tượng đài khắp nơi khắp chốn để tha hồ vơ vét những đồng cắc cuối cùng của người dân lao khổ.
Đó chính là những kẻ đang chống phá Việt Nam.
Những kẻ đang lấy kẻ thù của đất nước, của dân tộc làm bạn vàng, dâng lãnh thổ, lãnh hải cho giặc làm mồi để nhằm được chống lưng, được bệ đỡ mà giữ chắc cái ghế cai trị bòn rút máu xương người dân Việt Nam.
Đó chính là những kẻ chống phá và là kẻ thù của người dân Việt Nam.
Những kẻ đang ngày đêm cố tính bằng mọi cách tước đi quyền lợi tối thiểu của người dân là quyền được làm người, được có những quyền cơ bản như tự do đi lại, tự do báo chí, tự do tư tưởng… và để đạt được điều đó, đã bắt bỏ tù, hãm hại, đàn áp những tiếng nói cho sự thật, công lý ở Việt Nam.
Đó chính là những kẻ chống phá Việt Nam.
Sự thật đó không ai có thể chối cãi.
Thực tế đó đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra trên đất nước Việt Nam.
Và thực tế đó đã chứng minh một điều: Kẻ chống phá Việt Nam nhiều nhất, làm cho đất nước điêu linh nhất, làm cho xã hội băng hoại, suy đồi nhất, làm cho lãnh thổ bị mất nhiều nhất, chính là Đảng CSVN.
Tư duy của con cừu
Trở lại bài báo trên tờ Nhân Dân, những điều tưởng như đơn giản trên đã phải giải thích khá dài bởi sự láu cá lập lờ đánh lận con đen của tờ báo cộng sản.
Tờ báo đã dùng cái tư duy của chế độ độc tài để áp đặt cho nền báo chí tự do với những lời lẽ bình luận khá ngây ngô.
Bài báo cho rằng, các cơ quan truyền thông này chỉ đưa tin chiếu lệ về sự kiện 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam, còn lại là những thông tin “vu cáo ở Việt Nam “không có tự do ngôn luận” và chính quyền “đàn áp người bất đồng chính kiến”.
Việt Nam có tự do ngôn luận ư? Cả ngàn tờ báo có chung một tổng biên tập và dưới cái gậy của đảng thì đó là tự do ngôn luận ư? Cái gọi là Ban Tuyên giáo của đảng là cái gì vậy? Là biểu hiện của tự do tư tưởng và tự do ngôn luận đó sao?
Việt Nam không đàn áp bất đồng chính kiến ư? Hàng loạt các nhà báo, những Facebooker bị bắt giam, bị tống ngục và hành hạ đủ điều trong đời sống, trong xã hội là điều hiển nhiên ai cũng thấy, đó là gì?
Và bài báo kết luận: “Đó là việc làm hết sức khó hiểu, cần phải lên án, vì VOA, RFA đã ngang nhiên đi ngược quan điểm, cam kết của lãnh đạo, chính quyền Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam.”
Nực cười hơn, bài báo đặt vấn đề: “Vì thế, bên cạnh việc đề nghị chính quyền cùng cơ quan chức năng của Mỹ cần chấn chỉnh hoạt động của VOA, RFA sao cho phù hợp với các nguyên tắc, quan điểm của nước Mỹ với Việt Nam”
Đọc những lời này, người ta thấy ái ngại thay cho tư duy báo chí nô lệ ở Việt Nam. Xin thưa, ở ngoài biên giới Việt Nam, báo chí không nằm trong “sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng”. Do vậy, người dân được phát huy quyền tự do ngôn luận của mình mà chẳng hề phải đi xuôi chiều cùng lãnh đạo chính quyền.
Bởi ngay cả chính quyền khi không vừa lòng dân cũng sẵn sàng bị hạ bệ chứ đâu như cái chính quyền “đảng cử dân bầu” ở Việt Nam.
Có lẽ có rất nhiều điều cần bàn trong bài viết này đã đề cập đến. Tuy nhiên, đọc bài viết, người ta thấy một điều cơ bản, đó là tư duy báo chí độc tài không hề thay đổi khi nhận định, đánh giá, phê phán báo chí nước ngoài.
Bởi chính những kẻ làm báo này, chắc cũng không thể hiểu nổi khái niệm về báo chí tự do.
Bởi họ được trang bị một thứ tư duy: Tư duy của những con cừu.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Điểm tin trong nước sáng 29/7: Đà Nẵng thêm
8 ngườimắc Covid-19 trong cộng đồng,
Việt Nam có 446 ca bệnh
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Tư (29/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Đà Nẵng thêm 8 người mắc Covid-19 trong cộng đồng, Việt Nam có 446 ca bệnh
Bản tin lúc 6h ngày 29/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết đã có thêm 8 ca bệnh dương tính với virus Vũ Hán ở Đà Nẵng. Đến thời điểm này Việt Nam có 446 ca bệnh.
Cụ thể: Bệnh nhân 439: nữ, 68 tuổi, là người nhà chăm bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Bệnh nhân 440: nữ, 41 tuổi, là người nhà chăm bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Bệnh nhân 441: nữ, 43 tuổi, là người nhà chăm bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Bệnh nhân 443: nữ, 43 tuổi, là người nhà chăm bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Bệnh nhân 444: nam, 19 tuổi, là bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Bệnh nhân 445: nữ, 61 tuổi, là bệnh nhân tại Khoa Mắt, Bệnh viện C Đà Nẵng.
Bệnh nhân 446: nữ, 39 tuổi, có địa chỉ tại Cẩm Lệ, Đà Nẵng, là bệnh nhân tại Bệnh viện Giao thông vận tải, Đà Nẵng.
Qua điều tra, giám sát mở rộng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đã lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ. Kết quả xét nghiệm ngày 28/7 có 8 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng tiếp tục điều tra dịch tễ, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần, xử lý triệt để ổ dịch theo quy định không để lây lan.
Như vậy đến thời điểm này (29/7), Việt Nam ghi nhận 446 ca mắc Covid-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay, và 369 ca đã khỏi.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 16.248, trong đó 375 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 12.996 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 3.352 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Quảng Nam cách ly 11 người trốn viện từ Đà Nẵng về
Theo Người lao động, chiều 28/7, ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam thông tin đã cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đối với 11 người trốn viện từ Đà Nẵng trở về nhà. Trong đó, có 5 người nằm viện, 6 người nuôi bệnh nhân. Cụ thể, 7 người ở thị xã Điện Bàn, 2 người ở huyện Thăng Bình, 2 người huyện Duy Xuyên.
Trước đó, khi nghe tin Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng bị cách ly để phòng dịch, những người trên đã bỏ trốn khỏi bệnh viện trở về nhà trước khi lệnh cách ly được ban hành. Ngay khi phát hiện sự việc, ngành y tế TP. Đà Nẵng đã thông báo cho chính quyền tỉnh Quảng Nam vào cuộc.
Nghệ An: Cách ly 9 người tiếp xúc trường hợp nghi dương tính virus Vũ Hán
Báo Tiền Phong dẫn tin từ Trung tâm y tế huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết đã cách ly tập trung khẩn cấp đối với 9 người thuộc địa bàn. Đây là những người có tiếp xúc gần với một phụ nữ từ Đà Nẵng trở về quê thăm gia đình và có kết quả ban đầu dương tính với virus Vũ Hán.
Theo đó, ngày 19/7, người này từ Đà Nẵng về thăm quê tại xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ngày 20/7, người phụ nữ này trở lại Đà Nẵng.
Đến ngày 26/7, trong lúc làm việc, người phụ nữ có biểu hiện sốt và khám sàng lọc tại khoa Cấp cứu, bệnh viện Đà Nẵng. Sau đó, được chuyển đến khu cách ly tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đà Nẵng. Đến ngày 27/7, bệnh nhân tiếp tục được xét nghiệm dịch hầu họng và cho kết quả dương tính với virus Vũ Hán.
TP.HCM ra thông báo khẩn mở rộng giám sát đường bộ
Chiều 28/7, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm ký công văn khẩn chỉ đạo các sở, ngành và quận, huyện thực hiện nhiều giải pháp trong bối cảnh nhiều ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán lây lan trong cộng đồng ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP. Đà Nẵng, theo Thanh Niên.
Đáng chú ý, TP.HCM yêu cầu Sở Giao thông vận tải phối hợp Công an TP và Sở Y tế thống nhất việc tổ chức giám sát đường bộ (xe du lịch, xe hợp đồng, các bến xe) đối với các tuyến xe từ Đà Nẵng và các địa phương có dịch vào TP.HCM.
Điểm tin trong nước tối 29/7- Thủ tướng: Dịch lần này
khác trước, đã lây ra cộng đồng nhiều ngày,
chưa tìm được ca F0; Tăng tốc sản xuất khẩu trang
Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước tối thứ Tư (29/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Dịch lần này khác trước, đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được ca F0
Theo Đài VTV, sáng nay (29/7), trong cuộc họp trực tuyến với một số địa phương về phòng, chống dịch viêm phổi Vũ Hán Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dịch lần này khác hồi tháng 3 vì đã lây lan nhiều ngày qua, trong khi vẫn chưa tìm được F0.
Trước nguy cơ lây nhiễm ra các thành phố lớn và các tỉnh lân cận. Thủ tướng đã yêu cầu tất cả các địa phương trong cả nước, nhất là các thành phố lớn và tỉnh thành ven biển có đông khách du lịch từ Quảng Ninh đến miền Trung không được chủ quan, và phải hành động với trách nhiệm không để vỡ trận.
Ông Phúc cũng nêu rõ: “Đừng chủ quan” “Nếu không tình hình xấu sẽ trở tay không kịp”. Ông cũng yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.
Tăng tốc sản xuất khẩu trang y tế
Trong khi Covid-19 lây lan trong cộng đồng mà chưa xác định ra nguồn lây, các đơn vị sản xuất khẩu trang được yêu cầu tăng tốc.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ngành triển khai sản xuất khẩu trang y tế, đôn đốc các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế, trang thiết bị phòng, chống dịch trên địa bàn, ổn định sản xuất, kinh doanh, nguồn nguyên liệu, sẵn sàng đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường theo hướng chủ động, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, theo VnExpress.
Bộ cũng kêu gọi tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, tăng giá bất hợp lý tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý người dân.
Hiện có 68 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, quần áo phòng hộ chống dịch. Một số doanh nghiệp dệt may cũng bắt đầu chuyển hướng nhập dây chuyền sản xuất các mặt hàng này như May 10, TNG…
Chuyên gia cho rằng Hà Nội và TP.HCM khả năng cao sẽ xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 mới
Thanh Niên đưa tin, sáng 29/7, trước những diễn biến dịch Covid-19 phức tạp tại TP. Đà Nẵng, Ban chỉ đạo quốc gia đưa ra nhận định khả năng cao sẽ có nhiều ca nhiễm mới ở Hà Nội, TP.HCM.
Qua phân tích tình hình dịch tễ của Đà Nẵng cho thấy, sẽ còn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới, phần lớn là từ cụm 3 cơ sở điều trị là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Chấn thương – chỉnh hình Đà Nẵng.
Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ ổ dịch tại 3 bệnh viện, sẽ phải theo dõi sát các trường hợp không liên quan đến nhóm bệnh viện nêu trên và những địa điểm có các ca nhiễm từ các bệnh viện này đi qua.
Đáng lưu ý, vừa qua, nhiều địa phương có người giao lưu, du lịch tại TP. Đà Nẵng (trong đó có Hà Nội và TP.HCM), do vậy, những địa phương này hoàn toàn có khả năng cao là sẽ xuất hiện ca bệnh mới.
Nghệ An: Trao trả 2 người quốc tịch Lào nhập cảnh trái phép
Theo Dân Sinh, ngày 28/7, tại đoạn biên giới giữa chốt số 1 và 2 thuộc bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, lực lượng của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn thuộc Bộ đội Biên phòng Nghệ An trong quá trình tuần tra, kiểm soát, chốt phòng, chống dịch Covid-19 đã phát hiện 2 đối tượng quốc tịch Lào có hành vi nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Những người trên được kiểm tra y tế. Đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính và bàn giao, trao trả các đối tượng cho Đồn Công an 31 (Lào) xử lý theo qui định.
Hàng quán của người Việt ở Mỹ bị đập phá, trộm cắp
Một loạt các hàng quán trong trung tâm mua sắm của người Việt ở vùng thủ đô Washington bị đập cửa kính và đột nhập rạng sáng ngày 28 tháng 7 trong một vụ việc dường như là trộm cắp, một số chủ tiệm cho VOA biết.
Sự việc xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng tại khu thương mại Eden Center, thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia. Những người chứng kiến cho biết cảnh sát có mặt tại hiện trường gần như ngay lập tức và một cuộc điều tra đang được tiến hành.
Các cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng là các tiệm bánh và nhà hàng do người Việt làm chủ và dường như đều nằm trong cùng một dãy nhà ở mặt tiền. Một số chủ cơ sở cho biết thiệt hại của họ không đáng kể.
Nhận xét
Đăng nhận xét