Hệ thống chính trị VN hiện nay tả hay hữu?

BBC


Đường phố Hà Nội

NGUỒN HÌNH ẢNH,HOANG DINH NAM

Chụp lại hình ảnh,

Đường phố Hà Nội

Tranh luận trên Facebook, KTS Dương Quốc Chính từ HN nêu ra nhận định một số người Việt Nam vẫn còn rất mù mờ khái niệm tả, hữu trong khoa học chính trị.

Sự phân biệt về tả, hữu như bạn một bạn nữ viết trên Facebook để tranh luận với tôi gần đây, là rất cổ xưa rồi, đấy là khái niệm nguyên bản từ thế kỷ 19, thời tư bản hoang dã.

Cánh tả đấu tranh cho quyền lợi của người lao động, cho nhân quyền và nhân đạo. Cánh hữu bảo vệ quyền lợi của giới chủ, muốn phúc lợi tối thiểu, lợi nhuận trên hết.

Về các định nghĩa cơ bản - tả hay hữu các bạn có thể tra Google, vì khái niệm này tuy không được dạy ở Việt Nam nhưng cũng khá phổ biến trên mạng. Ở đây mình trả lời bạn gái này dựa trên những nội dung phổ quát nhất và coi như người đọc đã biết.

Tôi viết là: Ai sống dựa vào chế độ (CS)… thì thích tả hơn. Bạn trả lời là: Không phải ai thích tả cũng dựa vào chế độ.

Chỗ này bạn hiểu sai về logic rất cơ bản. Mình bảo Vì A nên B, không có nghĩa là Vì B nên A. Bạn đang hiểu sai như vậy. Mình không hề viết ai theo cánh tả cũng dựa vào chế độ.

Có rất nhiều kiểu người thiên tả: Người lười nhác, không muốn làm vẫn muốn có ăn. Người hào phóng, muốn chia sẻ lợi ích. Người sống dựa vào chế độ, ăn lương ngân sách. Người sống dựa vào đám đông… Bạn có lẽ hiểu sai về logic nên phản biện sai.

Người Việt được cho là hay bàn luận các sự kiện chính trị nơi quán xá

NGUỒN HÌNH ẢNH,LINH PHAM

Chụp lại hình ảnh,

Người Việt được cho là hay bàn luận các sự kiện chính trị nơi quán xá

Tư duy tả hữu cũ và mới nay ra sao?

Hiện nay, tuy nền tảng tư tưởng của hai cánh vẫn giữ nguyên nhưng biểu hiện của nó đã biến tướng rất nhiều. Ví dụ, giới chủ của các đại công ty công nghệ, truyền thông, dược phẩm (Big Tech, Big Media, Big Pharma) đang bị cho là thiên tả. Họ đều là những người cực giàu, là giới chủ đó. Lý do mình đã viết ở status trước, đó là do kiếm tiền dựa vào đám đông nên họ sẽ phục vụ đám đông.

Cánh hữu bây giờ hầu như không còn các ông chủ lớn nữa, mà chỉ còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi mà cách kiếm tiền của họ không dựa trên đám đông nên họ không cần làm vừa lòng cho đám đông.

Rõ ràng giới chủ của các doanh nghiệp khổng lồ đã phải hi sinh bớt quyền lợi cá nhân (lợi nhuận) để ủng hộ cánh tả, tức là chấp nhận phúc lợi xã hội gia tăng. Nhưng vì lợi ích từ đám đông khổng lồ (khách hàng trên toàn cầu) đem lại thì phúc lợi đó vẫn là quá nhỏ khiến họ có thể bỏ qua.

Ví dụ, bạn là chủ một quán phở, bán kính phục vụ khoảng 5km, lợi nhuận chỉ vừa đủ để ông chủ thành trung lưu. Thì việc tăng lương, giảm giờ làm, đóng bảo hiểm cho nhân viên thật cao có thể biến bạn thành lao công cho chính mình. Nhưng nếu bạn là chủ hãng dược, công ty sản xuất nước ngọt quy mô toàn cầu…thì những gì bạn đóng góp cho phúc lợi của quốc gia bạn nó quá ít so với lợi nhuận có được từ khắp thế giới (bao gồm cả những nước có phúc lợi cực thấp như Việt Nam).

Trò chơi điện tử hấp dẫn giới trẻ

NGUỒN HÌNH ẢNH,HOANG DINH NAM

Chụp lại hình ảnh,

Trò chơi điện tử hấp dẫn giới trẻ

Ví dụ gần gũi hơn là giới showbiz, họ thu được tiền tỷ từ đám đông cần lao, thì họ sẵn sàng làm màu, từ thiện, lội nước trao quà, thậm chí khóc lóc trước cảnh đời éo le nghiệt ngã. Tức là cái họ mất đi quá ít so với cái họ thu được thì tiếc gì mà không làm từ thiện, trao quà và nói lời cao đẹp chứ (toàn là những bài của cánh tả cả đó). Có vài vạn người nhận được quà từ thiện, nhưng người trao quà kiếm được hàng chục tỷ trong hai tháng, thì ai chả muốn theo cánh tả!

Hiện nay, luật lệ về thuế, công đoàn, lương tối thiểu, nhân quyền, phúc lợi xã hội…đã rất chặt chẽ và nhiều thứ đã không thể đảo ngược nên mặt trái của cánh hữu, kiểu tư bản hoang dã, hầu như đã không thể bộc lộ. Nên việc chê bai cánh hữu theo khía cạnh này hầu như là phi thực tế, kiểu chửi ai đó "dã man" vì cụ tổ của người đó "dã man".

Các vấn đề mà hai cánh vẫn còn đấu tranh chủ yếu là dựa trên quan điểm, không có đúng hay sai tuyệt đối. Ví dụ tăng hay giảm phúc lợi (tất nhiên không thể cắt bỏ rồi) cho một số thành phần. Cho phép nhập cư nhiều hay ít (không thể cấm hay thả tuyệt đối). Học phí, viện phí cao hay thấp (tuỳ loại trường, bệnh viện).

Có nhiều cách để người nghèo có thể tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao. Cánh tả thiên về phúc lợi, tức là lấy tiền ngân sách ra để bao cấp cho tất cả có quyền lợi như nhau. Cánh hữu thiên về bảo hiểm và học bổng. Có nghĩa là nếu bạn có đóng góp (ít hay nhiều) và bạn chăm chỉ học hành và hoàn cảnh khó khăn…, thì bạn vẫn được sử dụng dịch vụ chất lượng cao.

Mặt trái của cánh tả thì vẫn như xưa, tức là tạo nên đám đông ỉ lại, không có động lực làm việc, thích nghèo bền vững để ăn trợ cấp. Thậm chí giả nghèo để lấy trợ cấp.

Khẩu hiệu là một phần không thiếu trong đời sống chính trị Việt Nam?

NGUỒN HÌNH ẢNH,HOANG DINH NAM

Chụp lại hình ảnh,

Khẩu hiệu là một phần không thiếu trong đời sống chính trị Việt Nam?

CNXH trên thế giới trước đây và VN ngày nay

Tóm lại là mặt trái của cánh hữu thì đã được khắc phục hầu hết. Còn mặt trái của cánh tả thì vẫn y chang. Mặt trái này chỉ có thể được hạn chế phần nào khi dân trí ở mức rất cao. Khi mà mỗi cá nhân phải tự có ý thức làm việc, không sống dựa dẫm và biết xấu hổ khi phải ăn bám. Đó chính là lý do khi thánh tổ cộng sản Karl Marx cho rằng CNCS là giai đoạn sau của CNTB, hay là CNCS phải quá độ qua CNTB, khi mà con người đã có một nền tảng dân trí cao và kinh tế phát triển. Khi người ta vui vẻ làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, chính là như ở Bắc Âu mà bạn ví dụ, đó là điều kiện để có XHCN (không phải CSCN).

Với một quốc gia chậm tiến và dân trí thấp như Việt Nam thì tư tưởng thiên tả nói trên chính là thảm hoạ. Bởi tính tự giác của người dân hầu như không có, chỉ lăm le trục lợi, ăn bám. Xã hội mà đa số có tư tưởng dựa dẫm, luôn há mồm chờ từ thiện, thậm chí CP còn đi kêu gọi người dân cứu trợ thì làm sao mà phát triển được?

Đó là lý do tại sao mình chống lại tư tưởng tả khuynh hay cực tả ở Việt Nam và ủng hộ con đường tuần tự từ độc tài cánh hữu để phát triển đã. Sau đó mới tiến tới dân chủ, phúc lợi cao cùng các giá trị cao đẹp của phương Tây.

Nhưng éo le thay, ở các nước nghèo và dân trí còn thấp người ta lại càng dễ bị lừa phỉnh của các chính trị gia thiên tả. Bởi vì người ta khuếch trương cổ vũ cho các giá trị cao đẹp thì bao giờ chả dễ lừa người hơn là khuyên bảo người khác là cố gắng học hành làm việc chăm chỉ đi thì sẽ giàu có.

Đó là cái vòng luẩn quẩn cho các nước cựu thuộc địa, dân nghèo và ít học thì thích cánh tả và CS, theo tả và CS lại càng nghèo và dốt bị nhồi sọ và ăn bám lẫn nhau. Nước nào trải qua giai đoạn "tàn bạo" của độc tài cánh hữu hoặc tương đương thì mới thoát nghèo được.

Ở Việt Nam, số lượng người có tư tưởng thiên tả là quá đông. Vì lượng người sống dựa vào ngân sách, ăn lộc chế độ là quá đông. Nên đó là cái gốc rễ của sự chậm tiến về kinh tế.

Made in Vietnam là cụm từ được báo chí nhà nước ưa dùng

NGUỒN HÌNH ẢNH,PATRICK T. FALLON

Chụp lại hình ảnh,

Made in Vietnam là cụm từ được báo chí nhà nước ưa dùng

Thử xem chế độ CS 2.0 của Việt Nam và TQ là tả hay hữu?

Để nhận diện tả hay hữu thì cần dựa vào nhiều đặc điểm. Tuy nhiên có một số thể chế lại có tính pha tạp một số đặc điểm của cả hai cánh. Ví dụ điển hình là chế độ phát xít. Đức quốc xã có rất nhiều đặc điểm của chế độ CS, cánh tả, đó là tính toàn trị, nhà nước quản lý hầu hết các mặt của xã hội, đó là đặc trưng CS.

Đặc biệt là khả năng tuyên truyền nhồi sọ thì hai bên ngang nhau. Nhưng Đức Quốc xã (Nazism) vẫn có đặc điểm của cực hữu, đó là tinh thần quốc gia, dân tộc cực đoan và khác cộng sản ở chỗ không thủ tiêu giai cấp bóc lột và không áp dụng kinh tế kế hoạch triệt để. Quốc xã nghĩa là Quốc gia XHCN, bản thân nó lẫn lộn hai màu.

Như vậy, Đức Quốc xã có nhiều đặc điểm của cánh tả và cộng sản hơn là cánh hữu. Còn Trung Quốc và Việt Nam lâu nay cũng có tinh thần dân tộc khá cực đoan. Trước đây, giai đoạn CS 1.0 (nguyên bản), thì tính dân tộc đó còn bị lấn át bởi tính giai cấp. Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ thì tính giai cấp đã bị nhạt màu đáng kể.

Dân tộc Kinh và dân tộc Hán cũng có xu hướng đồng hoá các dân tộc khác nhưng chủ yếu thông qua tuyên truyền khéo léo và từ từ kiểu tằm ăn dâu chứ không cực đoan kiểu tiêu diệt, đàn áp như Đức Quốc xã.

Việt Nam và Trung Quốc hiện nay phân biệt giàu nghèo rất cao, phúc lợi xã hội ở mức thấp, chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục công ở mức thấp, dịch vụ tư thì giá khá cao. Đó là một số đặc điểm giống cánh hữu thời tư bản hoang dã.

Nhưng điều đó không hề biến CS 2.0 thành cánh hữu. Bởi vì đây vẫn là chế độ toàn trị, chính quyền của Đảng CS vẫn muốn cai trị mọi mặt của xã hội, chỉ có một số mặt họ KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT thì đành phải thả mà thôi. Ví dụ như ngôn luận và việc thu nhận kiến thức của dân nhờ mạng toàn cầu Internet.

Bộ máy chính quyền và các đoàn thể xã hội sân sau ăn bám rất đông dẫn đến ngân sách không đủ để chi cho lương công chức cũng như phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục công ở mức cao. Thực tế là giá dịch vụ giáo dục và y tế công ở Việt Nam vẫn là tương đối thấp, đổi lại là chất lượng kém. Hai ngành này vẫn thiên về bao cấp, là đặc trưng XHCN.

Áo dài, nón là và cờ thường xuất hiện

NGUỒN HÌNH ẢNH,HOANG DINH NAM

Chụp lại hình ảnh,

Áo dài, nón là và cờ xuất hiện cùng nhau

Phúc lợi ở Việt Nam kém là do thu ngân sách kém trong khi số dân sống dựa vào ngân sách lại quá đông. Còn phúc lợi của một số doanh nghiệp nước ngoài hay tư nhân thực tế vẫn cao, nhưng đó là cá biệt. Tương tự vậy với lương thưởng. Chính sách thuế, để phục vụ phúc lợi, phải dựa trên đa số nên nói chung nó phải thấp, thì các doanh nghiệp mới không chết vì thuế quá cao.

Tóm lại, phúc lợi ở Việt Nam nói chung thấp là hệ quả của chế độ có bộ máy quá cồng kềnh và không hiệu quả, ngân sách luôn thiếu, giật gấu vá vai. Chứ không phải là do giới chủ cắt giảm phúc lợi để tăng lợi nhuận như cánh hữu thời tư bản hoang dã. Về bản chất là hoàn toàn khác nhau dù hình thức có vẻ giống nhau.

Lưu ý là giới chủ (tư bản nhà nước) không bóc lột nhân công bằng lợi nhuận công khai mà chủ yếu bằng tham nhũng (thu nhập ngầm). Đó cũng là khác biệt về bản chất với tư bản cánh hữu.

Còn tư bản thân hữu, kiểu nhóm mafia Đông Âu, tuy bóc lột nhân công gần giống tư bản cánh hữu nhưng đổi lại lương và phúc lợi đối với nhân công của họ cũng không hề thấp so với mặt bằng chung, do doanh nghiệp có lợi nhuận cao thu được từ sự cấu kết với chính quyền.

Đặc trưng rõ nhất của CS 2.0, cả nước Nga và đa số các nước thuộc Liên Xô cũ là tư bản thân hữu. Thân hữu bản chất cũng là tả bởi nó tạo nên nhóm doanh nghiệp được bao cấp trá hình không khác gì doanh nghiệp nhà nước được bảo hộ, ưu tiên.

Như vậy CS 2.0 không hề là cánh hữu cả về bản chất lẫn bề ngoài (luôn hô hào do dân vì dân) dù họ có vài đặc điểm có vẻ giống với tư bản hoang dã.

Nói cộng sản kiểu mới là cánh hữu là thấy cây mà không thấy rừng, hạ thấp cánh hữu, hoặc không hiểu khái niệm cơ bản của khoa học chính trị.

Bài đã đăng trên trang Facebook cá nhân của KTS Dương Quốc Chính khi tác giả viết 'TRẢ LỜI MỘT BẠN GÁI CÁNH TẢ' để giải thích các khái niệm ý thức hệ chính trị tả hoặc hữu, theo cách nhìn riêng. BBC đăng lại và đặt tựa đề mới với sự đồng ý của tác giả. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?