‘Lễ’ không đơn thuần là... lễ
Trân Văn
Tuần này, đề nghị của ông Trần Ngọc Thêm (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) tại Hội thảo Giáo dục 2021 về “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Việt Nam tổ chức: Không nên sử dụng quan điểm “Trồng người” cũng như “Tiên học lễ, hậu học văn” vì làm giáo dục trở thành thụ động, kiềm chế sáng tạo (1)... là một trong những vấn đề gây tranh cãi kịch liệt cả trên hệ thống truyền thông chính thức (2) lẫn mạng xã hội...
Có một số người đã dụng công viết những bài khá dài để đóng góp ý kiến, nhận định về đề nghị của ông Thêm, ví dụ ông Lê Học Lãnh Vân (3). Ông Vân cho biết, ông không muốn tranh luận về việc nên giữ hay bỏ quan điểm “Tiên học lễ, hậu học văn”, ông chỉ muốn trình bày kinh nghiệm và suy nghĩ của ông về tương quan giữa “Tiên học lễ, hậu học văn” với tư duy phản biện – điều mà ông Thêm cho rằng đang bị “Tiên học lễ, hậu học văn” kiềm chế, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, thành ra cần phải loại bỏ.
Ông Vân – người được hệ thống giáo dục của Việt Nam Cộng hòa dạy dỗ - kể rằng, thời đó, khi đề cập về “Tiên học lễ, hậu học văn” thầy của ông giải thích: Lễ là những phép tắc giao tiếp với người khác tỏ lòng kính trọng. Lòng kính trọng luôn luôn có hai chiều, có lễ của thần tử đối với quân vương, mà cũng có lễ của quân vương đối với thần tử. Xã hội đã thay đổi nhưng thời đại dân chủ cũng không thể không có “lễ”, đó là là “lễ” giữa những người bình đẳng, tự do...
Ông Vân kể thêm, bởi thấm nhuần điều đã được các thầy của ông căn dặn: Lấy “lễ” đãi nhau, không gì bằng lời nói thật. Câu “quân tử chi giao đạm nhược thuỷ” quý ở lòng chân thành... nên khi trưởng thành, trong giao tiếp và lúc cần thảo luận, nếu khác ý, ông Vân... không dám không nói ra. Đó cũng là lý do ông Vân tự thấy, chữ “lễ” không những không ngược với tư duy phản biện mà còn thúc giục người ta nói lời phải, nói lời phản biện thật lòng!
Dẫn trường hợp cụ Hoàng Xuân Hãn – một học giả nổi tiếng sống ở Pháp – lúc đã ở tuổi 80, khi tiếp bất kỳ ai vẫn mặc âu phục, khoác áo veste vì nghĩ “mình phải giữ lễ với người ta” dù có khi “người ta” là con cháu ở quê nhà ghé thăm cụ khi sang Pháp, hoặc luôn luôn ra bàn làm việc ngồi trước giờ hẹn ông Vân tới nhà làm việc với đầy đủ tài liệu cần thiết, bất kể ông Vân đến thường xuyên chỉ vì muốn giữ “lễ”, ông Vân nhấn mạnh yếu tố: “Lễ” luôn luôn phải có hai chiều!
Ông Vân đề nghị ông Thêm giúp trả lời: Có đúng tinh thần của chữ “lễ” trong thời cận đại và hiện đại là sự ràng buộc một chiều, chiều từ người dưới tôn trọng người trên không? Ông Vân tin... tư duy phản biện không bị trói buộc bởi quan niệm “Tiên học lễ”. Nó bị trói buộc bởi cách tổ chức xã hội trong đó cả ngôn luận lẫn tư tưởng không được tự do. Không có tự do báo chí thì rõ ràng không có tự do ngôn luận. Khi người dân bị tù vì ý nghĩ trong đầu của họ thì rõ ràng không có tự do tư tưởng rồi.
Trới buộc tư duy phản biện ở mức thấp, trong trường học, thể hiện qua cách giáo viên có thể theo dõi hay can thiệp vào các trao đổi trên mạng của học sinh, nhà trường cũng có thể làm vậy đối với giáo viên. Ở thượng tầng là việc quá nhiều thông tin được đánh dấu mật dù không liên quan tới an ninh quốc gia như nhiều thông tin về những sự việc ai cũng biết đã xảy ra mà không tờ báo chính thống nào đăng tải! Thông tin một chiều, hạn chế thông tin và môi trường thiếu tự do tư tưởng trói buộc tư duy phản biện.
Có lẽ ông Thêm sẽ giữ im lặng rất lâu trước những thắc mắc của ông Vân như: Anh có nghĩ rằng xã hội đơn nguyên và chuyên chính là nguyên nhân của các nguyên nhân kể trên, do đó là tác nhân quan trọng trói buộc tư duy phản biện không và do đó, có phải đó là tác nhân đào tạo nên những con người thụ động, không chủ động, không sáng tạo như lo lắng của anh không?
Hoặc: Anh nghĩ sao về nhận xét, trong xã hội khi mà cá nhân quá nhỏ nhoi trước cơ quan, cấp trên có quá nhiều quyền lực với cấp dưới, thiếu vắng sự bình đẳng thì chữ “lễ” được hiểu theo nghĩa của ngàn năm phong kiến xưa? Trái lại, trong xã hội mà sự bình đẳng hiện diện rộng rãi, tự do của con người được tôn trọng và bảo vệ thì chữ “lễ” được hiểu một cách phóng khoáng, do đó không còn trói buộc sự chủ động, tính phản biện của cá nhân, chữ “lễ” đó có tác dụng nào tích cực không anh?
***
Giống như ông Lê Học Lãnh Vân, đề nghị của ông Trần Ngọc Thêm là lý do khiến ông Nguyễn Văn Nghệ viết một bài dài với rất nhiều dẫn chứng từ thực trạng xã hội Việt Nam để chứng minh: Tất cả cũng bởi “vô lễ” mà ra! Xã hội mà “vô lễ” thì “trên không ra trên, dưới không ra dưới” (4). Sau 1954 – thời điểm Việt Nam bị chia đôi thành hai quốc gia biệt lập. Miền Bắc không còn ai nhắc: “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Ông Nghệ ôn lại chuyện cũ: Sau gần 20 năm “đào tận gốc, trốc tận rễ” mọi thứ... tàn dư phong kiến, thực dân, năm 1973, nhà giáo Nguyễn Lân ở miền Bắc XHCN rụt rè đề nghị: “Có nên vận dụng phương châm 'tiên học lễ hậu học văn' trong việc giáo dục thế hệ trẻ của ta ngày nay không?” khi... “một số trẻ em không ngoan, trong nhà thì bướng bỉnh với cha mẹ, ra đường thì hỗn láo với mọi người, đến trường thì xấc xược với thầy giáo”. Đề nghị đó bị lên án như nỗ lực bới lại... rác bẩn và nếu Thủ tướng khi ấy là ông Phạm Văn Đồng không can thiệp thì không rõ số phận của nhà giáo Nguyễn Lân sẽ ra sao trong đợt đánh hội đồng này... Năm 1975, sau khi miền Nam được... giải phóng, đất nước thống nhất, giống như miền Bắc XHCN, “Tiên học lễ hậu học văn” bị đục bỏ khỏi sinh hoạt học đường và sinh hoạt xã hội...
Không phải tự nhiên mà cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, “Tiên học lễ, hậu học văn” xuất hiện trở lại trong sinh hoạt học đường ở cả hai miền Nam, Bắc. Ông Nghệ nhắc rằng, không phải tự nhiên mà cổ nhân đúc kết: “Bất học lễ vô dĩ lập”(Không học lễ thì không thể nên người) và người thật sự có văn hóa thì theo phương châm: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (Không phải lễ thì chớ trông, không phải lễ thì chớ nghe, không phải lễ thì chớ nói, không phải lễ thì chớ làm).
Dẫn một nhận định của ông Nguyễn Thế Hùng khi xảy ra scandal “công chức bẻ hoa, chụp ảnh”: Đạo lý xã hội suy đồi, cái đúng, cái sai không phân biệt được. Ở Việt Nam bây giờ, ngay trên các phương tiện truyền thông đại chúng và quan niệm xã hội rất lệch lạc nên cái đúng, cái sai người ta không hiểu được. Điều này rất đáng buồn. Những người biết cái đúng và muốn tuyên truyền thì có khi nhà nước không cho làm. Những xã hội dân sự muốn truyền bá cái đúng thì lại không được nhân rộng, phổ biến, cho nên những điều không đúng có dịp sinh sôi nảy nở. Nói cho cùng người ta gọi nhà dột từ nóc dột xuống là như thế”... ông Nghệ phê phán việc phân biệt xuất xứ của “Tiên học lễ, hậu học văn” vì nếu điều đó đúng, có thể áp dụng vào đời sống của quốc gia, của dân tộc thì có gì ngại về “xuất xứ” để phải phân biệt?
***
Giữa “lời qua, tiếng lại” về đề nghị của ông Trần Ngọc Thêm, Tầm Dương không bình luận mà đưa lên facebook bài “Tiên học lễ - vấn đề không chỉ của nhà trường” mà ông từng viết cách nay 21 năm với kết luận: Lễ là biểu hiện đạo đức luân lý và kết tinh quan niệm giá trị chung nhất của toàn xã hội, là một bộ phận của hệ thống chuẩn mực xã hội và một phương tiện của hệ thống quản lý xã hội, thấm vào mọi cơ tầng của hoạt động sống của con người cũng như mọi chi tiết của hệ thống giao tiếp xã hội, có cơ cấu nội tại riêng biệt và cơ chế phát triển độc lập như một thực thể xã hội. Vậy thì “Tiên học lễ” đâu phải chỉ là vấn đề của nhà trường (6)?
Chú thích
(2) https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tranh-cai-de-xuat-bo-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-795943.html
(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1878142242395216&id=100005983757010
(4) https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/4487698327974841
(5) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=646797146557560&id=100036818401918
Nhận xét
Đăng nhận xét