Mỹ, Pháp gia tăng quan hệ an ninh quốc phòng với Indonesia, bài học cho Việt Nam
Nguyễn Trường
Theo RFA
Chính phủ Pháp choáng váng sau khi bị Australia hủy hợp đồng đóng tàu ngầm tàu ngầm khi AUKUS ra đời. Vì vậy đối tác nào sẽ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp. Câu hỏi đã được trả lời sau hai ngày (23-24/11/2021) khi Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian công du Indonesia, quốc gia đa đảo và đông dân nhất khu vực Đông Nam Á.
Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đã ký với đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi “một kế hoạch hành động nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược” đã có giữa hai nước từ năm 2011.
Phát biểu tại thủ đô Indonesia, ngoại trưởng Pháp cho biết là quan hệ song phương sẽ được làm sâu sắc hơn “trong các lãnh vực quốc phòng và hàng hải, đặc biệt với việc thiết lập một cơ chế đối thoại hàng hải song phương” vào năm 2022, nhưng cũng bao gồm cả những địa hạt như y tế, năng lượng và biến đổi khí hậu.
Trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Pháp xác nhận quan hệ giữa Paris và Jakarta chính là “tầm nhìn của chúng tôi – tức là Pháp và Indonesia - về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dựa trên pháp quyền và sự tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia”.
Việc đẩy mạnh quan hệ với Indonesia vào lúc này cũng không phải là ngẫu nhiên. Vào tháng 12 tới đây Indonesia bắt đầu đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Nhóm G20, trước khi Pháp cũng sẽ làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu trong nửa đầu năm 2022.
Tại Jakarta, Ngoại trưởng Pháp cũng đã gặp Bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Prabowo Subianto hôm 23/11/2021. Trong sáu tháng đầu năm 2021, Indonesia đã đàm phán với Pháp về khả năng mua 36 chiến đấu cơ Rafale, đồng thời cũng cho thấy sự quan tâm đến tàu ngầm, tàu hộ tống và các thiết bị quân sự khác trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực Biển Đông, trong đó có Indonesia.
Toàn cảnh khu vực Đông Nam Á trước cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung
Trong thời gian gần đây Trung Quốc dã đổ nhiều tiền đầu tư vào các nước Đông Nam Á và vượt cả Mỹ.
Nhà máy tại Malaysia do tập đoàn năng lượng Trung Quốc Risen Energy xây dựng. Bộ Ngoại thương và Công nghiệp Malaysia vào ngày 24/6/2021 cho biết Risen Energy sẽ đầu tư 42,2 tỷ ringgit (10,1 tỷ USD) vào công nghiệp quang điện tại Malaysia.
Báo Nikkei Asia của Nhật Bản đánh giá quyết định đầu tư của Risen Energy phản ánh quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.
Tại Lào, đường cao tốc do Trung Quốc hậu thuẫn, đang được thi công. Hãng thông tấn Xinhua đưa tin Chính phủ Lào đã thông qua việc xây dựng đường cao tốc tài 580 km với chi phí 5,1 tỷ USD.
Việc đầu tư của Trung Quốc vào các dự án quy mô lớn và hỗ trợ kinh tế cho các nước Đông Nam Á là nỗ lực để Bắc Kinh vượt Washington trong cuộc đua tạo tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Trong một cuộc họp trực tiếp với Ngoại trưởng Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại Trùng Khánh vào ngày 7/6/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã trao đổi với Bộ trưởng Điều phối hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho Jakarta và nhập khẩu các sản phẩm của Indonesia.
Ngày 22/6/2021, Trung Quốc cũng nhất trí với Campuchia tăng cường hợp tác để cải thiện mạng lưới giao thông. Theo đó, Bắc Kinh sẽ gửi các chuyên gia về công nghệ cơ sở hạ tầng đến Campuchia.
Trung Quốc đang cố gắng chặn nỗ lực của Mỹ kéo ASEAN về phía Mỹ
Trong tháng 6/2021, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng những quốc gia đối tác trong sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Bắc Kinh đề nghị hỗ trợ vắc-xin ngừa COVID-19 và hợp tác khi những quốc gia này gặp khó khăn trong việc chuyển sang kinh tế carbon thấp.
Không lâu sau hội nghị thượng đỉnh của G7, cuộc gặp giữa các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc đã được tổ chức.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong hội nghị thượng đỉnh vào giữa tháng 6 đã quảng bá sáng kiến "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W). Đây được coi là chiến lược của nhóm G7 nhằm tạo đối trọng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại các quốc gia đang phát triển thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường”. B3W dự kiến được hiện thực hóa trong vài năm tới. Trong tháng 6, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng những quốc gia đối tác trong sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Bắc Kinh đề nghị hỗ trợ vắc-xin COVID-19 và hợp tác khi những quốc gia này gặp khó khăn trong việc chuyển sang kinh tế carbon thấp.
Indonesia trong sáng kiến An ninh hàng hải (MSI) của Mỹ
Biển Đông và eo biển Malacca có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ở khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Những năm gần đây, ngoài vấn nạn cướp biển, buôn bán vũ khí trái phép, thì vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ trên Biển Đông đã và đang làm cho vùng biển này trở nên mất an toàn hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ khiến các nước thành viên ASEAN quan ngại, mà nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ cũng hết sức quan tâm. Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI) ra đời là sự phản ánh thái độ cũng như toan tính chiến lược về an ninh mới của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.
Ngày 30/5/2015, trong phiên thảo luận tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter lúc đó có bài phát biểu với tựa đề “Mỹ và các thách thức đối với an ninh châu Á - Thái Bình Dương”. Ông bày tỏ thái độ quan ngại trước những hành động bồi đắp đảo nhân tạo và đòi hỏi chủ quyền “vô lý” của Trung Quốc trên Biển Đông: “Đến giờ vẫn chưa rõ là Trung Quốc sẽ còn đi đến đâu. Đó là nguyên nhân vùng biển này đang trở thành nguồn cơn căng thẳng ở khu vực”. Ông cũng khẳng định: “Chúng ta phải tăng cường năng lực của kiến trúc an ninh khu vực, đặc biệt là về an ninh hàng hải”; Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông: “Mỹ sẽ đến, bằng máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Bởi sau cùng, việc biến mấy đá ngầm thành sân bay không tạo ra chủ quyền và cho phép Trung Quốc ngăn cản tự do hàng hải hay hàng không”.
Để khẳng định các cam kết của Mỹ, Bộ trưởng Ashton Carter đã giới thiệu “Sáng kiến An ninh Hàng hải” (Maritime Security Initiative - MSI) mới của Mỹ ở Đông Nam Á trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ do Thượng nghị sỹ John Mc Cain đứng đầu và được Quốc hội Mỹ phê chuẩn với khoản ngân sách 425 triệu USD. Mục đích ra đời của MSI là nhằm nâng cao năng lực kiểm soát biển của Mỹ và năng lực hải quân cho một số nước thuộc ASEAN trong bối cảnh thách thức an ninh hàng hải trên Biển Đông ngày một tăng cao.
Tờ The Diplomat trong bài viết “US Kicks off New Maritime Security Initiative for Southeast Asia” ngày 16-10-2016 cho biết: trong 425 triệu USD, Mỹ sẽ chi 50 triệu USD cho năm tài chính 2016, 75 triệu USD cho năm tài chính 2017 và 100 triệu USD cho mỗi năm tài khóa 2018, 2019 và 2020. Sáng kiến này chủ yếu tập trung ở năm quốc gia là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, cùng với các đối tác Singapore, Brunei và Đài Loan.
Trước khi MSI ra đời, Mỹ đã triển khai một số chính sách an ninh biển ở khu vực Đông Nam Á đáng chú ý sau:
Sáng kiến An ninh Hàng hải khu vực (Regional Maritime Security Initiative - RMSI). Ra đời vào tháng 3-2004, RMSI là sáng kiến của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhằm mục đích thu thập thông tin quân sự và tình báo, phát triển mối quan hệ với các đối tác ở khu vực, giám sát và đánh chặn các mối đe dọa hàng hải xuyên quốc gia. RMSI được triển khai thành hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2004 - 2010): Mỹ phát triển hợp tác với các quốc gia trong khu vực nhằm đối phó với những mối đe dọa trên biển.
Giai đoạn 2 (2010 - 2020): Mỹ triển khai xây dựng hệ thống theo dõi và kiểm soát eo biển Malacca và Biển Đông, gia tăng khả năng bảo đảm an ninh vùng biển quốc tế cũng như lãnh hải của mỗi nước.
Tuy nhiên, RMSI đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Malaysia và Indonesia. Hai quốc gia này cho rằng RMSI sẽ dẫn tới việc vi phạm chủ quyền và bị lệ thuộc vào quốc gia bên ngoài, mặc dù phía Mỹ sau đó khẳng định:
(1) RMSI không phải là hiệp ước hay liên minh;
(2) RMSI không dẫn tới lực lượng thường trực tuần tra khu vực Thái Bình Dương;
(3) RMSI không phải là thách thức với quốc gia có chủ quyền;
(4) RMSI hoạt động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Ngoài những sáng kiến kể trên, phía Mỹ cũng đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hợp tác an ninh biển ở khu vực như: Chương trình huấn luyện, đào tạo quân sự quốc tế (IMET); Chương trình hợp tác hải quân chống khủng bố (CIPAT); Chương trình huấn luyện hợp tác Đông Nam Á (SEACAT); Nhóm chuyên gia ADMM về An ninh biển (EAG-MS, 2011); Nhóm chuyên gia (EWG) về An ninh Hàng hải (2013); Hội nghị Tư lệnh Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS, 1987); Hội nghị Hải quân Ấn Độ Dương và Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương (USPACOM),v.v. nhằm nâng cao năng lực an ninh - quốc phòng cho các nước thành viên ASEAN đặc biệt là năng lực kiểm soát an ninh trên khu vực Biển Đông.
Với Malaysia, Mỹ trang bị cho nước này hệ thống thông tin liên lạc an toàn, hệ thống dữ liệu hoạt động chung của Quân đội (MAF) để kết nối Trung tâm hoạt động bay Hoàng gia Malaysia với các lực lượng tác chiến và Bộ chỉ huy. Mỹ cũng lắp đặt hệ thống liên lạc an toàn cho Bộ chỉ huy Hạm đội của Hải quân Malaysia tại căn cứ hải quân Lumut, nâng cấp Trung tâm tác chiến tổng hợp.
Với Indonesia, Mỹ hỗ trợ các thiết bị di động để thu thập, đánh giá, phân tích và báo cáo tin tức cho Trung tâm chỉ huy hàng hải Indonesia, từ đó giúp phân tích thông tin, kết nối dữ liệu và phối hợp hoạt động tốt hơn trong cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo. Lực lượng Không quân Thái Bình Dương và Vệ binh Quốc gia Hawaii cũng sẽ hợp tác với Không quân và Hải quân Indonesia về hoạt động bay luân phiên và phòng không radar mặt đất.
Đối với Thái Lan, quốc gia này sẽ nhận được sự trợ giúp của Mỹ nhằm tăng cường năng lực chỉ huy và kiểm soát giữa Quân đội Thái Lan với các Bộ chỉ huy trực thuộc.
Với Việt Nam, Mỹ cử chuyên gia hỗ trợ huấn luyện sử dụng máy bay không người lái, thiết bị an ninh, hệ thống tìm kiếm cứu nạn trên biển SAROPS, giúp đỡ về năng lực thực thi pháp luật trên biển cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam…
Thông qua viện trợ, Mỹ có thể bán khí tài quân sự, dễ bề triển khai các hoạt động quân sự và ký thỏa ước an ninh với một số quốc gia Đông Nam Á. Điều này phản ánh, Mỹ tăng mức quan tâm tới lĩnh vực an ninh biển của Đông Nam Á, tăng hoạt động bổ trợ cho chiến lược “xoay trục” và những chương trình khác ở khu vực. Ngoài ra, Mỹ cũng là nhà cung cấp khí tài quân sự hiện đại cho nhiều nước đối tác ở Đông Nam Á.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2010 - 2017, Mỹ đã bán vũ khí cho Đông Nam Á với trị giá là 4,58 tỷ USD (chiếm 6% doanh số toàn cầu của Washington).
Hằng năm, Mỹ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập quân sự thường niên ở khu vực. Thông qua các hoạt động này, Mỹ từng bước thắt chặt quan hệ an ninh với nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Chính sách của Mỹ tập trung vào nhóm các nước là đồng minh, đối tác quan trọng và có vị trí chiến lược trên khu vực Biển Đông.
Kurt M.Campbell - cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương, kiến trúc sư trưởng trong chính sách “Xoay Trục” đã từng viết: “Chính sách của Mỹ ở châu Á từ lâu tập trung vào khu vực Đông Bắc Á, nhưng một phần quan trọng của Chiến lược Xoay Trục sang châu Á thật ra lại là việc tái tổ chức sự tập trung ở bên trong châu Á về phía các nước Đông Nam Á,... Quan trọng nhất, Đông Nam Á cũng là khu vực có các đối tác tiềm năng đầy hứa hẹn mà Mỹ cần thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn, đặc biệt là Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Brunei”.
Và trong sáng kiến MSI cũng vậy, chính sách an ninh biển của Mỹ vẫn chủ yếu tập trung ở những nước có vị trí chiến lược án ngữ trên khu vực Biển Đông và eo biển Malacca. Ngoài Philippines và Thái Lan - hai quốc gia có hiệp ước quân sự của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á; Singapore - nước có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh, nơi Mỹ đã xây dựng được mối quan hệ chính trị, an ninh vững chắc, Mỹ cũng đẩy mạnh tăng cường quan hệ với các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Brunei.
Mỹ nhận định: “Trong số các tổ chức đan xen nhau ngày càng tăng về số lượng trong khu vực, có lẽ tổ chức quan trọng nhất là ASEAN”, và “Mỹ quay trở lại sự tập trung với ASEAN”. Mỹ ủng hộ các cơ chế hợp tác an ninh của ASEAN như ARF, EAS, ADMM+, v.v., trong đó có vấn đề Biển Đông; ủng hộ đa phương hóa, quốc tế hóa tranh chấp trên Biển Đông, thẳng thừng bác bỏ các yêu sách “đường lưỡi bò” từ phía Trung Quốc, thắt chặt hơn nữa quan hệ với ASEAN, xác định Đông Nam Á là một trọng tâm, mắt xích quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mục đích cao nhất của MSI là kiềm chế Trung Quốc. Mỹ đã nhận thấy sự “trỗi dậy” của Trung Quốc trong phát triển lực lượng quân đội, nhất là lực lượng hải quân, không quân. Việc nước này triển khai chiến lược “đại dương xanh”, chiến lược “hải quyền”, xây dựng “chuỗi ngọc trai”, bồi đắp trái phép các “đảo nhân tạo” trên biển nhằm mở rộng “không gian sinh tồn”, cùng với những đòi hỏi chủ quyền vô lý ở khu vực Biển Đông đã đe dọa nghiêm trọng tới an ninh khu vực và các lợi ích của Mỹ. Vì vậy, Mỹ từng bước triển khai các hoạt động nhằm đối phó với Trung Quốc.
Không chỉ thắt chặt quan hệ với các nước đồng minh, đối tác, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để nâng cao khả năng giám sát khu vực Biển Đông, Mỹ còn triển khai nhiều hoạt động như coi vấn đề Biển Đông ngang hàng với vấn đề eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên: “Đông Bắc Á nổi bật với vấn đề Bán đảo Triều Tiên, và Đông Nam Á là vấn đề Biển Đông” và tuyên bố “quyền đi lại tự do trên Biển Đông và đó là lợi ích quốc gia của Mỹ”.
Các cuộc tập trận quân sự ở khu vực vì vậy cũng được Mỹ tăng cường: “Khu vực Đông Nam Á đã trở thành khu vực diễn tập quân sự nhiều nhất trên toàn cầu”. Điều đáng nói là, Trung Quốc đã trở thành mục tiêu số 1 của Mỹ về tần suất, phạm vi và phương thức do thám.
Riêng tại Đông Nam Á, Mỹ đã điều chỉnh, bố trí lại lực lượng và các căn cứ quân sự. Theo đó, Mỹ đã từng bước thiết lập các căn cứ quân sự hay các cơ sở tạm trú tại Thái Lan, Philippines, Singapore và tăng cường quan hệ an ninh với Indonesia, Malaysia và Việt Nam dựa trên các thỏa thuận hợp tác giữa các bên.
Nhìn chung, mục đích sáng kiến MSI đã phản ánh mục tiêu ủa Mỹ đã theo đuổi dựa trên ba trụ cột là ngoại giao, pháp lý và quân sự, cũng như 5 vấn đề cơ bản về Biển Đông là: Luật quốc tế; kiềm chế, ngăn chặn; khuyến khích; cam kết ngoại giao và sử dụng công cụ ASEAN.
Trung tâm huấn luyện hàng hải trị giá 3,5 triệu USD, đặt tại khu vực chiến lược ở đảo Batam, quần đảo Riau của Indonesia được khở công ngày 25/6/2021 là tiếp nối MSI
Sự kiện có sự tham gia của đại diện Indonesia, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Jakarta và Cục Thực thi pháp luật và ma túy quốc tế Mỹ (INL).
Chuẩn đô đốc Indonesia Tatit Eko Vichaksono cho biết Trung tâm đào tạo này sẽ là nền tảng quan trọng để Văn phòng nâng cao nguồn nhân lực về an toàn và an ninh trên biển. Trung tâm sẽ có các phòng học, không gian văn phòng, doanh trại, nhà ăn và một đường dốc cho tàu biển hạ thủy. Trung tâm có sức chứa 50 học viên và 12 giáo viên hướng dẫn
Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim cho biết trung tâm hàng hải này sẽ là một phần trong các nỗ lực giữa hai nước, nhằm thúc đẩy an ninh trong khu vực.
"Là bạn bè và đối tác của Indonesia, Mỹ tiếp tục giữ cam kết trong việc ủng hộ vai trò quan trọng của Indonesia trong việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực, thông qua nỗ lực chống lại tội phạm trong nước và tội phạm xuyên quốc gia", Hãng tin Reuters dẫn lời đại sứ Sung Kim trong thông cáo của Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia (Bakamla).
Trung tâm hàng hải này nằm tại khu vực giao điểm chiến lược giữa eo biển Malacca và Biển Đông, sẽ do Bakamla điều hành, và sẽ được trang bị các lớp học, doanh trại, cũng như một cơ sở bệ phóng.
Việt Nam
Việt Nam cần nhận diện, nắm bắt được chính sách an ninh biển của Mỹ đối với Việt Nam để xây dựng mối quan hệ phù hợp dựa trên lợi ích chung của cả Việt Nam, Mỹ và ASEAN. Về cơ bản, chính sách an ninh biển của Mỹ đối với Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu dựa trên lợi ích vị trí địa chiến lược của Việt Nam trên Biển Đông. Mỹ muốn thông qua Việt Nam để tăng cường khả năng hiện diện trên Biển Đông, kiềm chế tham vọng và ảnh hưởng của Trung Quốc.
Việt Nam cần tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác đối ngoại quân sự quốc phòng với Mỹ để bảo vệ các lợi ích hợp pháp trên biển của Việt Nam. Thời gian qua, tranh thủ sự quan tâm của Mỹ trong vấn đề an ninh, an toàn hàng hải trên khu vực Biển Đông, Việt Nam đã nhận được khá nhiều sự giúp đỡ của Mỹ trong các chương trình, hoạt động viện trợ vũ khí trang bị, giáo dục đào tạo, đặc biệt là những giúp đỡ trong nâng cao năng lực chấp pháp, thực thi pháp luật trên biển cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Việt Nam cần tăng cường hợp tác an ninh trên biển với Mỹ trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc “ba không” trong quốc phòng.
Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn ở khu vực ngày một gay gắt, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông có chiều hướng phức tạp hơn, Việt Nam cần xử lý khéo léo, cân bằng các mối quan hệ, tránh xung đột lợi ích với Mỹ và Trung Quốc. Nếu quá thân thiết với Mỹ, Trung Quốc sẽ có các hành động, đặc biệt là trên khu vực Biển Đông vì cho rằng Việt Nam dựa vào nước lớn để chống lại họ. Ngược lại, nếu coi Trung Quốc là quan hệ số 1, Việt Nam sẽ mất nhiều cơ hội trong hợp tác với Mỹ và các nước đồng minh. Vì vậy, bảo đảm cân bằng lợi ích của cả Mỹ và Trung Quốc là cách tốt nhất để Việt Nam tránh khỏi tình trạng bị kẹt giữa các cường quốc.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Nhận xét
Đăng nhận xét