Điểm Báo Pháp - 30/11/2021
RFI
Covid-19 : Biến thể Omicron đại náo cả thế giới
Cái tên Omicron, biến thể mới của virus corona có mặt trên hầu khắp các trang báo Pháp ra hôm nay (30/11/2021). Vừa được phát hiện ít ngày, biến thể này đã trở thành mối đe dọa cho cuộc chiến dai dẳng với Covid-19, đối với kinh tế của cả thế giới đang cố gượng dậy. Một bầu không khí náo loạn từ khi có cảnh báo của Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO).
Les Echos chạy tựa : « Covid : Tình trạng khẩn cấp trước Omicron ». Tờ báo cho hay, các bộ trưởng Y Tế của nhóm nước giàu có G7 hôm thứ Hai (29/11) đã họp khẩn cấp và đánh giá biến thể Omicron « lây nhiễm cao », đồng thời đề nghị phải có « hành động khẩn ». Cùng lúc, Tổ Chức Y Tế Thế Giới khẳng định biến thể mới có « nguy cơ rất cao » trên quy mô thế giới. Các nước liên tiếp theo nhau đóng cửa biên giới hy vọng giảm đà lây lan của biến thể virus mới này.
Le Monde ghi nhận vài ngày qua thế giới đã thấy liên tục có những dấu hiệu cho thấy biến thể mới của Covid-19 đang lây lan mạnh, chưa cần phải đợi xác định nó có nguy hiểm hơn những biến thể trước hay không. « Một luồng gió hoảng sợ đang tràn vào rất nhiều nước từ khi phát hiện ra Omicron ». Như một phản ứng tự nhiên, cả thế giới lại tính chuyện đóng cửa trở lại. Bầu không khí lo sợ có vẻ nặng nề hơn ở châu Âu, khi mà Omicron xuất hiện vào đúng thời điểm châu lục này đang căng mình chống đỡ làn sóng dịch mới bùng lên trở lại.
Nhật báo Công giáo La Croix có bài : « Châu Âu chuẩn bị chống Omicron thế nào ». Tờ báo cho hay, trong khi những ca nhiễm biến thể mới đang lần lượt được phát hiện gần như khắp nơi trên Lục Địa Già, các nước châu Âu một lần nữa lại bị đặt trước thách thức phải phối hợp hành động ứng phó. Một cuộc chạy đua với thời gian lại bắt đầu, như nhận định của bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen.
Danh sách các nước châu Âu mà Omicron đã đến dài thêm. Liên Hiệp Châu Âu dự tính đặt thêm 1,8 tỷ liều vac-xin để chuẩn bị ứng phó với biến thể mới. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học cần phải mất ba tuần để phân tích xác định độc tính, khả năng lây nhiễm và công hiệu của vac-xin với biến thể mới này.
Ủy Ban Châu Âu hôm 28/11 khẳng định thêm : « Chúng ta phải tận dụng thời gian ». Tận dụng thời gian nhưng vẫn chỉ là kêu gọi thực hiện các biện pháp phòng dịch đã triển khai, tăng cường tiêm chủng. Mặc dù từ hôm 26/11, khi có khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, nhiều nước châu Âu đã nhanh chóng ngừng các chuyến bay từ nam châu Phi đến, thắt chặt các quy định cách ly. Trước mắt khả năng đóng cửa biên giới nội địa EU không đặt ra.
Thận trọng hay hấp tấp ?
Cái tên Omicron giờ đây đang thực sự gây một bầu không khí hoảng loạn lây truyền khắp thế giới. Trong bài viết mang tiêu đề : « Omicron, các nước ở ranh giới giữa thận trọng và hấp tấp », nhật báo Libération ghi nhận : « Với thông báo hôm thứ Sáu, Omicron phát hiện ở miền nam châu Phi là "biến thể đáng lo ngại", Tổ Chức Y Tế Thế Giới lại đẩy cả hành tinh, các lãnh đạo, nhân dân, thị trường tài chính vào trong bất lực, hỗn loạn và hấp tấp ».
Từ hôm Chủ Nhật (28/11) một loạt các nước từ Trung Đông, châu Phi, châu Á vội vàng đóng cửa với các du khách nước ngoài, đặc biệt với du khách đến từ các nước vùng nam châu Phi. Trong đó có những nước như Úc, vừa mới hé mở biên giới sau gần 20 tháng, giờ lại vội vã khóa chặt trở lại.
Nam Phi và một số nước lân cận bỗng nhiên bị cắt đứt với thế giới bên ngoài. Như để tỏ thông cảm với Nam Phi, hôm 28/11, Tổ Chức Y Tế Thế Giới lại lên tiếng kêu gọi các nước không đóng cửa biên giới, rằng biện pháp hạn chế đi lại phải dựa trên cơ sở khoa học. Theo Libération, các nước, đặc biệt các quốc gia giàu có vẫn chủ trương « cẩn tắc vô ưu », làm tất cả để bảo vệ mình trước chứ không chờ khoa học chứng minh. Trong khi đó việc đóng cửa biên giới ngay từ đầu đã tỏ ra không có hiệu quả để ngăn Covid-19.
Đúng là biến thể Omicron đã lan nhanh và có mặt ở hầu hết các lục địa, nhưng điều quan trọng là phải đánh giá được mức độ nguy hại của biến thể mới liệu có lớn hơn các biến thể trước và biến thể có kháng vac-xin hay không. Cho đến giờ các nhà khoa học chưa có câu trả lời dứt khoát, chỉ là những suy đoán. Thế giới đang chờ đợi các nhà bào chế cập nhật lại vac-xin hiện đang lưu hành.
Theo Libération, việc xuất hiện biến thể mới trên lục địa ít được tiêm chủng nhất thế giới lại dấy lên tranh luận về bất bình đẳng tiếp cận vac-xin. Theo WHO, mới có 7,4% dân số châu Phi được tiêm chủng, trong khi châu Âu là 66%, và ở Hoa Kỳ là 59%. Trong một thông cáo công bố hôm 29/11, nhiều tổ chức phi chính phủ đã quy tội cho các nước giàu. Chính các quốc gia này đã khiến cho phần còn lại của thế giới không được tiếp cận đầy đủ với vac-xin ngừa Covid.
Đòn mạnh đánh vào du lịch
Trang kinh tế báo Le Figaro chạy tựa : « Biến thể Omicron : báo động cho du lịch thế giới ». Tờ báo ghi nhận, vì quá lo sợ biến thể Omicron, nhiều nước những ngày qua đã siết chặt thông thương đi lại, gây lo lắng cho ngành du lịch ở khắp nơi, đang trong thời điểm cố hồi phục. Việc một loạt các nước lần lượt theo nhau đóng cửa biên giới với miền nam châu Phi hay tăng cường các biện pháp kiểm soát đi lại, cách ly hành khách là một đòn nặng nề mới đánh vào du lịch. Sau gần hai năm sống kiệt quệ trong đại dịch, mới gần đây trong chiến lược chung sống với Covid các nước bắt đầu cho mở cửa biên giới dần dần trở lại với hy vọng phục hồi du lịch, nhất là tận dụng kỳ nghỉ cuối năm này.
Theo Le Figaro, Tổ Chức Du lịch Thế giới (OMT) đã đưa ra con số về hậu quả kinh tế của năm 2021 đối với ngành, theo đó lượng du khách đã giảm từ 70% đến 75% so với năm 2019. Thu nhập thế giới trực tiếp từ du lịch vẫn thâm hụt 2.000 tỷ đô la. Tương lai của ngành công nghiệp không khói vẫn mịt mù giờ lại bị bồi thêm « rủi ro rất cao » của biến thể Omicron.
Trung - Ấn : Tranh chấp lãnh thổ triền miên
Nhật báo Le Monde chú ý nhiều đến Trung Quốc với bài viết : « Trong vùng Himalaya, xung đột Trung-Ấn mở rộng. »
Le Monde cho biết từ hơn một năm rưỡi nay, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đối mặt nhau tại khu vực Ladakh trên độ cao 5.000 mét của dãy Himalaya. Thi thoảng đã xảy ra các vụ đụng độ, nổ súng. Nguyên do là Bắc Kinh và New Delhi tranh chấp nhau đường giới tuyến thực tế ở phía đông Ladakh. Mặc dù đã qua 13 cuộc đàm phán quân sự cũng như ngoại giao và một thỏa thuận đã ký vào tháng Hai, nhưng căng thẳng biên giới vẫn thường trực. Hai nước đã tập trung khoảng từ 50 đến 60 nghìn quân cùng các vũ khí hạng nặng ở hai bên khu vực được xác định là khu phi quân sự. Hai nước giờ tiếp tục chạy đua xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, cầu cống, đường xá ở khu vực tranh chấp.
Trung Quốc và mối quan tâm đến Iran
Trong một lĩnh vực khác vẫn liên quan đến Trung Quốc, Le Monde có bài « Trung Quốc, nhà đàm phán rất thú vị trên hồ sơ hạt nhân Iran ».
Vào lúc các vòng thương lượng về hạt nhân Iran vừa nối lại tại Vienna (Aaso), ngày 29/11, Trung Quốc, nước ký thỏa thuận 2015, không tin có đột phá nào. Bài báo cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách tăng tường hợp tác với Teheran, đồng thời luôn phản đối trừng phạt. Nhưng nếu thỏa thuận Iran thành công, Bắc Kinh sẽ có được nhiều lợi ích, không chỉ kinh tế mà còn cả về hình ảnh, vị thế chính trị, giúp Trung Quốc cắm chân sâu hơn vào Trung Đông.
Le Monde cho biết, hợp tác giữa Trung Quốc và Iran không chỉ trong lĩnh vực dân sự, thương mại mà còn cả quân sự. Đến năm 2014, Iran đã là khách hàng lớn thứ 3 của công nghiệp quân sự Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh vẫn do dự trong việc giao cho Iran một số thiết bị nhạy cảm vì sợ các trừng phạt của Washington. Le Monde nhắc lại vụ Mạnh Vãn Châu của Hoa Vi vừa rồi là một kinh nghiệm cho Bắc Kinh. Ngược lại, Trung Quốc lại đang rất thèm khát nguồn dầu mỏ của Iran.
Joséphine Baker vào Panthéon
Liên quan đến thời sự Pháp. Hầu hết các báo đều có bài về sự kiện hôm nay, nước Pháp tổ chức buổi lễ long trọng có sự tham dự của tổng thống Emmanuel Macron, đưa tượng trưng nữ nghệ sĩ Joséphine Baker vào điện Panthéon, Paris, để yên nghỉ bên cạnh những người con ưu tú nhất trong lịch sử nước Pháp. Le Figaro viết : Sinh năm 1906 trong một nước Mỹ phân biệt chủng tộc, cô gái nghèo nhỏ bé Baker đã trở thành một minh tinh trong làng nghệ thuật ở Paris. Có biệt danh « Vệ Nữ đen », diễn viên múa gốc Mỹ này nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong những năm 1920 đến 1930, giai đoạn bùng nổ phát triển của các lĩnh vực nghệ thuật ở Pháp.
Là công dân Pháp, bà tham gia kháng chiến chống phát xít trong Đệ Nhị Thế Chiến. Bà còn là một nhà đấu tranh chống phân biệt chủng tộc nhiệt thành. Nữ nghệ sĩ qua đời năm 1975, bà được vinh danh là một nhà ái qu.ốc của nước Pháp và xứng đáng có một vị trí trong điện Panthéon
Nhận xét
Đăng nhận xét