Việt Nam: Đất nước thống nhất nhưng chống dịch bất nhất
- Trần Việt
- Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn
Việt Nam không có các tiểu bang như Mỹ hoặc các tiểu vương quốc như UAE. Nhưng tính bất nhất thể hiện từ tổ chức, con người đến chủ trương, chính sách về dịch Covid 19 và các biến thể đã biến các tỉnh, thành Việt Nam thành những tiểu vương quốc.
Không ai ngờ dịch bệnh lại kéo dài dai dẳng và nguy hiểm như vậy. Thời gian đầu chủ quan, làm được vài chuyện hiệu quả thì tự mãn ngút trời. Khi dịch bùng phát mạnh thì lúng túng.
Vài tháng đầu, lúng túng là đương nhiên nhưng gần hai năm vẫn lúng túng thì quá vô duyên và vô lý.
Vì sao có tiền nhưng người Việt phải chọn về VN qua ngả Campuchia?
Ban đầu chống dịch bằng giăng dây, dán niêm phong nhà, xe; sau đó phân loại vùng xanh, vàng, cam, đỏ.
Nay bỏ, phân loại theo cấp độ 1, 2, 3, 4. Có người bảo, gọi là gì cũng được, miễn là chống dịch hiệu quả. Hiệu quả chưa thấy, chỉ thấy rối ren và lúng túng.
Trên dưới bất nhất
Ngày 27/11 Chủ tịch Hà Nội đề nghị phân loại F1, F2 theo đặc thù đô thị lớn.
Theo đề nghị này, mỗi F ở Việt Nam sẽ có hàng chục loại. Từ F thủ đô, F Sài Gòn, F Đà Nẵng đến F tỉnh. Từ F quận, thành phố trực thuộc đến F thị xã, F huyện; rồi F dân tộc, F vùng sâu…Ngày 25/11, Bí thư Hà Nội chỉ đạo thí điểm cách ly F0 nhẹ tại trung tâm y tế lưu động, F1 cách ly tại nhà, trừ 4 quận trung tâm. Có vẻ như Covid 19 khoái nhà giàu nên mới vậy. Đà Nẵng nhân rộng mô hình cách ly F1 tại nhà.
Sài Gòn thì cách ly F0, F1 tại nhà; F0 nặng mới đi viện từ 1/10/2021, sau khi dỡ phong tỏa. Cách này các nước làm bình thường từ đầu dịch, trừ Trung Quốc. Từ chiến lược "Zero Covid" do Trung Quốc khởi xướng, nay chuyển sang "Sống chung với virus" của Mỹ và thế giới.
Cứ F0, F1 là gom cách ly ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam đã phải trả giá bằng hàng chục ngàn sinh mạng oan ức. Đã gọi là dã chiến thì không thể đủ điều kiện bình thường, từ không gian, dinh dưỡng, vệ sinh, điều trị đến nhân lực. Có bệnh viện dã chiến ở Bình Dương 37.000 giường. Vào đó, là lây chéo, khỏe thành bệnh, bệnh là chết chắc, trừ mấy người được trời cứu, chưa đến số.
Lấy cơ quan, trường học làm khu cách ly lại càng tệ. Người khỏe bình thường còn không chịu nổi nữa là người bệnh. Thậm chí có nơi còn dựng lều như cắm trại cách đây nửa thế kỷ. Nói vậy vì lều trại hiện nay đủ tiện nghi chứ không phải chỉ là tấm bạt làm mái. Không ít người khỏi bệnh nhưng vẫn bị ám ảnh lâu dài về các khu cách ly mình từng trải.
Có nhà hàng ở Đà Lạt treo bảng tổ chẳng "Không bán cho người ngoài tỉnh" và có nhiều người bị hỏi "Có phải người Sài Gòn?". Đã bán còn bảo cho. Đáng buồn, cấp quản lý và nhiều người xem đó là bình thường, cho đến khi dư luận dậy sóng.
Có tỉnh miền Tây buộc niêm phong cửa xe ô tô khi đi qua tỉnh. Không biết xe gắn máy thì niêm phong gì? Một vài tỉnh còn cấm người dân ra khỏi nhà ban đêm. Cứ như virus ngủ ban ngày, đêm mới ra hoạt động.
Ở Việt Nam chống dịch như chống giặc nên phải huy động tổng lực, toàn dân. Khổ nỗi, nhiều cấp quản lý hiểu chống giặc theo nghĩa đen, vô tình làm khổ dân, xem dân như giặc. Mỗi ngành có kế hoạch chống giặc riêng, chẳng ai chịu ai, thành ra chống đủ thứ.
Có người nửa đùa nửa thật "Kinh tế nói chung và chống dịch nói riêng, Việt Nam có rất nhiều thế mạnh, mà mạnh nhất là - Mạnh ai nấy làm".
Doanh nghiệp 'chịu đòn'
Tôi có anh bạn là sếp của một công ty du lịch rủ uống cà phê bệt để nhớ lại thủa nghèo khó, chân ướt chân ráo vào Sài Gòn lập nghiệp. Anh bảo thích cái không gian đặc thù, được tiếp xúc với dân lao động, nghe và biết đủ thứ tin của thông tấn vỉa hè. Cứ nghĩ chắc có tin vui du lịch. Đọc báo thấy du lịch khởi sắc, các nơi rộn ràng đón khách, cả nội địa lẫn quốc.
Gặp bạn, vẫn phong cách bụi dị, hơi tưng tửng. "Bạn già. Có chuyện vui buồn hả". "Vui buồn có đủ, ai chẳng vậy. Nhưng đang chán". Mấy chục năm thân quen, lần đầu nghe bạn kêu chán. "Vui vì vẫn còn sống qua đại dịch, ít nhất là tới hôm nay. Hehe. Buồn, ngày nào cũng có, nhưng không sao".
Bạn bảo đáng chán, tính bỏ nghề du lịch. Không phải vì dịch bệnh mà bị hành bởi các quy định, nhất là giao thông vận tải. Bạn trút bầu tâm sự, cứ như truyện dài nhiều tập. Mới bỏ phong tỏa, du lịch rục rịch khởi động, ngành giao thông vận tải buộc các xe chở khách phải có giấy phép với mã quét QR. Cứ như xe cộ cũng bị F0, F1 như người.
Công ty có đội xe riêng, phải tất tả xin giấy phép từng chiếc. Được mấy bữa, "đùng một cái", hủy quy định.
Phiền nhất là đi máy bay. Ngày 25/10/2021, hàng không buộc du khách khai báo thông tin cá nhân và cam kết chịu trách nhiệm nếu khai báo không trung thực. Cả hai việc đều quá thừa. Thông tin cá nhân đã có trong Sổ sức khỏe điện tử, còn khai báo trung thực là đương nhiên, không cần cam kết. Bị phản ứng vì cách làm thủ công, mất thời gian, có thể trễ chuyến bay, ùn tắc phòng chờ, dễ lây dịch, nên 0 giờ ngày 25/10, quy định bị hủy bỏ.
12g ngày 26/10, Cục Hàng không lại tái lập quy định cũ do áp lực từ các tỉnh thành. Danh sách hành khách còn được gửi về từng địa phương để giám sát, quản lý. Không biết là khách đi xe đò, xe bút, xe tự lái, xe lửa, xe gắn máy, tắc ráng, xuồng ba lá… thì giám sát và quản lý thế nào? Tới 0 giờ ngày 29/10, một lần nữa, quy định này bị hủy vô thời hạn.
Bạn bảo vừa được mời dự liên hoan phim Việt Nam ở Huế. Đã chích đủ 2 liều vaccine, vẫn phải test dịch vụ âm tính mới được lên máy bay. Xuống khách sạn xét nghiệm dịch vụ tiếp vì kết quả ở Sài Gòn chỉ để đi máy bay.
Vào Huế, phải test Huế. Hơi phiền nhưng không sao. Khổ nhất là mấy người bay chuyến tối. Dịch vụ test hết giờ làm việc. Không có test Huế, không được vào khách sạn ở Huế. Có khách sạn tự test thì hôm sau bị phạt vì khách sạn không được phép, test là độc quyền của ngành y.
Anh nói chán nhất là xoay xở đưa khách đi du lịch. Báo đăng du khách nhộn nhịp xuống Cần Giờ (TP HCM). Khách đăng ký tour, hỏi khu du lịch Rừng Sác thì bảo chưa mở cửa. Chỉ thí điểm đón vài đoàn y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Ngày Truyền thống Phụ nữ Việt Nam 20/10, kiếm được vài đoàn nhỏ du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc, mừng như trúng số. Đặt dịch vụ, nhà thuyền trả lời, đầu tháng 11 mới hoạt động lại. Khách đợi không được, mất luôn, tiếc đứt ruột.
Nhờ nhân viên tháo vát, kiếm được mối khách đi xem dự án bất động sản ở tỉnh B. Đoàn đầu tiên đi 9 xe 45 chỗ, rất hoành tráng. Cả hướng dẫn viên, lái xe, hành khách đều phải tiêm đủ 2 liều, test dịch vụ âm tính, triệt để thực hiện 5K. Công ty gửi danh sách làm công văn xin phép dừng dọc đường 1 điểm để vệ sinh. Ăn sáng và trưa trên xe.
Xuống dự án xong, lên xe đi qua xem dự án đối thủ, đang ở vùng cam nên chỉ được ngồi trong xe, tham quan qua cửa kính. Được vậy, phải cậy nhờ, điện thoại cho cho Phó chủ tịch tỉnh, rồi chủ tịch thành phố, nhờ hỗ trợ, đề phòng trực trặc. Cả nhân viên công ty, lẫn khách đều phấn khởi.
Mấy đoàn sau đi vài ba xe mỗi tuần đều xuôi chèo. Tuần này lại gặp khó. Ngành giao thông vận tải và UBND tỉnh chỉ thị cấm tất cả xe chở khách đi vào vùng 3 (vùng cam trước đây). Cứ như virus có thể lây từ xa và xuyên qua cả xe bít kín cửa kính. Xin phép chỉ vào xem đất dự án, không tiếp xúc với ai, không được. Hạ bậc, chỉ ngồi trên, cũng không được.
Mỗi nơi một kiểu
Lãnh đạo địa phương thật lòng chỉ cách. Chỉ thị cấm xe chở khách chứ không cấm xe riêng. Có thể đi xe nhà thì được. Như vậy là thêm phát hiện mới, virus thích đi xe lớn, thoáng hơn nên mới bị cấm. Điều đáng nói là mấy resort gần đó, ngành du lịch cho phép mở cửa đón khách. Vì cấm xe vận chuyển khách, các công ty lữ hành coi như chết trước giờ G. Chỉ khách gia đình, đi xe tự lái, du lịch tự túc mới đi được.
Bạn cho biết, vừa rồi, anh em ở Đà Nẵng phản ứng vì Sở Du lịch ban hành công văn (số 4122/HD-BVHTTDL) quy định các doanh nghiệp lữ hành phải chịu toàn bộ trách nhiệm và chi phí nếu để lịch lây lan.
Du khách bị lây dịch, không rõ nguồn gốc, có khi từ điểm đến như khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, mua sắm mà doanh nghiệp lữ hành phải chịu toàn bộ trách nhiệm và chi phí thì chỉ có thể phá sản, thậm chí "cách ly dài hạn" (đi tù). Lời chẳng bao nhiêu và chưa thấy nhưng nhãn tiền khả năng khách nhiễm F0 là nhãn tiền. Thà bỏ nghề còn hơn. Không chán sao được.
Tôi chẳng biết nói gì để chia sẻ, càng không dám khuyên lơn. Khẳng định "sống chung với virus" mà thiếu bản lĩnh, tự tin (không phải chủ quan); lúc nào cũng phập phồng, hoảng loạn thì không khéo, sống chung thành chết chung. Cũng khó trách các địa phương tùy tiện. Tỉnh thành nào dám chống lệnh trung ương nếu các chỉ thị cứ "Yêu cầu", "Đề nghị", như năn nỉ cấp dưới. Sao không "Ra lệnh"? Đã "Chỉ thị" là bắt buộc.
Chỉ thị nào cũng thòng câu "Các địa phương chủ động, linh hoạt theo tình hình thực tế" làm sao thống nhất hành động được. Sợ trách nhiệm, thừa hành chỉ thị một cách máy móc như robot, cần phải tránh nhưng chủ động như các tiểu vương quốc, lại càng phải tránh. Nhất là chủ động chỉ làm khổ dân, hành doanh nghiệp là chính.
Quyết đoán, nhạy bén và hiệu quả như Thái Lan mà họ tuyên bố, phải 3 năm du lịch mới trở lại như trước dịch. Chống dịch kiểu Việt Nam, chẳng biết tới bao giờ, du lịch mới phục hồi như xưa.
Tác giả Trần Việt là hưu trí sinh sống tại Sài Gòn, từng nhiều năm làm việc trong lĩnh vực du lịch.
Nhận xét
Đăng nhận xét