Sáng bới đất kiếm ăn, tối đậu cành cây ngủ
2021-11-29
Tôi nói với người môi giới mình chỉ có khoản tiền trên dưới một tỷ cho việc mua nhà và vài hôm sau được dẫn đi xem một căn nhà trong chung cư mini được rao bán khá nhiều trên mạng. Nó nằm ở quận Bình Thạnh, cách đây vài mươi năm vẫn còn được gọi là quận ven, quận rìa nhưng bây giờ thì tính từ chân cầu Sài Gòn và cầu Bình Lợi trở vô người ta đều gọi là trung tâm hết cả rồi. Vì vậy nên giá nhà cửa cũng tăng phi mã. Căn hộ tôi xem là căn duplex tổng cộng khoảng 23 m2, sàn dưới khoảng hơn 15 m2, phía trên khoảng 7 m2, đã trang bị đầy đủ bàn ăn bốn ghế, một sofa vải, một chiếc giường 1,8 m, TV 32 inches, tủ lạnh, máy giặt, bếp từ đôi, máy hút mùi, máy lạnh và bình nước nóng loại nhỏ, cùng hệ tủ quần áo, tủ bếp trên dưới và kệ TV. Đầy đủ tất cả, người mua đúng là chỉ việc xách quần áo vào ở và mua thêm nồi niêu chén bát, nhưng tất nhiên-đều là hàng của những hãng không ai biết trên thị trường.
Căn hộ không có ban công, dĩ nhiên. Nếu có ban công-khoảng 4 m2 sàn dưới nữa thì phải trả thêm khoảng hơn 200 triệu.
Giá của căn hộ này được rao là gần 1,2 tỷ đồng.
Tấc đất tấc vàng, tấc hột xoàn kim cương
Và nó vẫn đang được xây, sớm nhất cũng phải đến tháng 3 năm sau mới được giao, còn nếu kẹt dịch thì có lẽ sẽ muộn hơn vài tháng nữa. Nghĩa là tôi không mua được từ chủ đầu tư với giá rẻ hơn mà là đang mua qua một người đầu cơ. Những người này mua gom đến cả chục, vài chục căn hộ từ nhà đầu tư với giá rẻ + được chiết khấu + tặng quả là bộ nội thất..v.v, sau đó bán lại kiếm lời.
“Nếu thực sự muốn mua thì sẽ cố gắng nói với chủ giảm thêm một chút nữa. Vì riêng tòa nhà này người ta ôm cả chục căn nhưng kẹt dịch nên giờ hơi kẹt vốn mới muốn đẩy ra vài căn vào lúc này. Ôm một năm rồi nên giờ ảnh cũng chỉ cần thu lại được số tiền đã đóng trước cộng với lãi ngân hàng với chút ít lời là được. Sau đó chủ mới cứ đóng tiền theo tiến độ xây, khoảng đầu năm mới là nhận nhà. Nếu anh/chị không mua bây giờ, sang năm xây xong thì giá chắc chắn tăng thêm nữa. ”-người môi giới nói rất ngọt ngào.
Gọi là nhà nhưng nó thực chất không phải là ngôi nhà được sở hữu vĩnh viễn mà chỉ có giá trị trong 50 năm, do vậy người mua chỉ có ràng buộc với chủ đầu tư bằng hợp đồng chứ không có sổ hồng (giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà vĩnh viễn). Chính xác nhất thì nó là căn hộ thuê lâu dài. Do là chung cư nên còn phải trả phí quản lý, 7.000 đ/m2 tính trên toàn bộ diện tích sử dụng (chứ không phải diện tích sàn như các chung cư quy mô hàng ngàn người ở).
Căn hộ rộng hơn, khoảng 30 m2-35 m2 có giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Còn nếu nó nằm ở vị trí rất trung tâm (ngay quận 3, gần vòng xoay Dân Chủ) thì một căn 18 m2 sàn như thế này cũng có giá 1,5 tỷ đồng.
“Áo cơm ghì sát đất” (trích Sống mòn-nhà văn Nam Cao)
Một người bạn khác của tôi bảo: “Cầm sáu tỷ đồng trong tay mà không mua được căn nhà ưng ý”.
Đúng như thế. Với giá nhà ở trong hẻm nhỏ chưa quy hoạch thuộc các quận trung tâm hiện nay trung bình khoảng 200 triệu đồng/m2 thì một tỷ đồng hầu như không thể mua được nhà riêng. Cho dù nó bằng 200 tháng lương-gần 17 năm làm việc ròng của công chức ra trường vài năm.Giá đất mặt tiền nhiều nơi vào khoảng 1 tỷ đồng/m2.
Ở ngoại thành khá xa như TP Thủ Đức, quận 12, quận 8, Bình Chánh, Nhà Bè giáp Long An… giá chung cư cũ cỡ 60 m2 (nhà trống, tầng thấp từ tầng 5 trở xuống) vào khoảng 1,8 tỷ đồng. Nếu làm việc ở những nơi này thì ổn, nhưng nếu làm việc ở trung tâm thành phố thì quãng đường 15 km-20 km di chuyển trong tình trạng nắng nóng + kẹt xe của Sài Gòn sẽ là bị hành hạ mỗi ngày.
Mô hình gia đình trẻ ở TP.HCM chủ yếu là gia đình hạt nhân, không có người thân ở gần giúp đỡ nên nếu chọn nhà xa thì cha mẹ phải lấy trường cho con gần nơi làm việc để tiện đón về mỗi chiều. Nếu cháu bé tan trường sớm hay đau bụng đau dạ gì lúc ở trường thì ba mẹ chạy đến cũng gần hơn.
Nhưng nhà xa thì phải đi làm sớm và về muộn để tránh giờ cao điểm.
Cho nên Sài Gòn và Hà Nội mới có cái cảnh sáng sớm thì em bé ngồi phía trước gục đầu vào cái gối cột ở tay lái xe máy của cha mẹ ngủ nốt cơn dở giấc. Chiều thì tay cầm hộp sữa, tay cầm ổ bánh mì nhai như nhai rơm sau lưng mẹ, vì tan học ở trường còn phải đi học (ít nhất) một lớp học thêm nếu cháu học phổ thông cơ sở trở lên. Bữa cơm tối gia đình bắt đầu vào 9h đêm là hết sức bình thường.
Nghĩ cho kỹ, nó là một đời sống kéo cày vô cùng thảm hại và luẩn quẩn. Hết đời nọ đến đời kia, con người quần quật lao vào kiếm tiền chỉ để tồn tại: ăn uống và có một mái nhà. Làm thế nào để hùng tâm tráng chí, bay bổng sáng tạo, hay đơn giản chỉ là tận hưởng cuộc sống khi cả một đời người lúc nào cũng buộc phải chạy việt dã bắt buộc như thế?
Nếu đó là một phần trong chính sách ngu dân kiểu mới thì tôi xin quỳ gối thán phục những bộ óc đã nghĩ ra nó. Tuy thô thiển nhưng không phải dễ dàng nhìn ra được.
Bán đất là con đường giải phóng duy nhất
Các quận trung tâm thành phố không phải là không còn đất để phát triển nhà ở cao tầng, kéo giá nhà xuống phù hợp với mức thu nhập trung bình của tuyệt đại đa số. Nhưng chính sách nhà đất từ vài chục năm nay hầu như chỉ là công cụ kiếm lợi cho những anh Cả chị Hai có quyền và được biết trước thông tin quy hoạch (người ta hay gọi là nhóm lợi ích) để mua đi bán lại kiếm lãi.
Quy hoạch nhà ở có nghĩa là không có quy hoạch cái mẹ gì sất cả mà chỉ là chấm ngọn bút thần vào những vị trí nào đó, thổi lên vài dự án rõ là choáng lộn, và thế là đất xung quanh bắt đầu tăng giá phi mã. Cả- Hai vét tiền từ bán đất đẫy tễ rồi thì đến lượt anh Ba chị Bốn cào lại một lần nữa. Ung dung xây lên vài chục cái cao ốc lổn nhổn mà người bên căn hộ này giẫy một cái thì hàng xóm cũng nghe rõ không sót một mảy, thuê truyền thông đánh bóng nào là khu dân cư Ngọc trai, khu dân cư Kim cương “chỉ dành cho giới thượng lưu” biết tận hưởng thụ cuộc sống…. Ngọc trai với Kim cương chiều chiều kẹt xe hỗn loạn vì các tỷ phú yêu nước chỉ đầu tư mỗi cái nhà, còn mạng lưới giao thông, tiện ích với chung quanh thế nào kệ mẹ, kính cửa sổ mỗi tháng buồn buồn rơi vỡ từ tầng cao xuống vài lần, cắm vài cái cây cảnh gọi là sinh thái… để lừa những người có tiền.
Còn việc cải tạo, nâng cấp, hay quy hoạch lại toàn bộ các khu dân cư hiện hữu vốn phát triển tự phát, nhà cửa thấp tầng tốn đất nhưng vô cùng lộn xộn và thiếu tiện nghi thành các quần thể chung cư tiện ích và văn minh trên cùng một diện tích chiếm đất, hay phân chia vùng lõi đô thị (dành cho trụ sở hành chánh, các tòa nhà công cộng….) và khu dân cư thì chẳng anh Ba chị Bảy nào thèm làm. Có bỏ được đồng nào vào túi đâu, ngu gì?
Hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác miệt mài, các thế hệ quan chức nối tiếp nhau tậu biệt thự nguy nga ở Âu, Mỹ, Hy Lạp…. , gởi tiền vào nhà băng Thụy Sĩ. Sự nghiệp cạp đất mà ăn của bọn họ cũng thành công rực rỡ. Giá nhà đất Sài Gòn Hà Nội đều năm sau cao hơn năm trước, hiên ngang đứng trên đỉnh thế giới khiến cho đại đa số người dân không thể nào sờ vào nổi.
Thị thành hoa lệ: Hoa cho quan và lệ cho dân
Vì vậy, Sài Gòn hay Hà Nội chỉ hào nhoáng ở cái mặt ngoài. Trong tuyệt đại đa số các con hẻm/ngõ ở khắp trung tâm là những căn nhà tối tăm bé tẹo như cái hộp, phần nhiều dưới 30 m2. Ở những con đường hạng ba và trong hẻm, nhà có diện tích sàn 40 m2 ít nhất năm sáu tỷ; 50 m2 ít nhất chục tỷ trở lên, còn trên nữa thì xếp vào hàng siêu phẩm. Vẫn có đấy nhưng trừ những nhà giàu có ra thì không ai dám ở cả, họ cho thuê làm công ty, nhà hàng, khách sạn, tiệm buôn bán, hoặc cho thuê hết các tầng dưới, bản thân ở tầng trên, hoặc đi mua/thuê chung cư để ở.
Ngày xưa không có ngôi nhà nào bé như cái chuồng cu thế cả. Nhưng hàng chục năm giá nhà đất tăng đều đều 20%-30% qua mỗi năm, cộng với việc nhiều gia đình có đông con cháu nhưng ít học, không có nghề nghiệp chuyên môn tốt nên không kiếm được tiền mua nhà riêng, nên ngôi nhà ban đầu của cha mẹ sẽ được xẻ nhỏ ra để chia. Vì thế trong các con hẻm, không hề hiếm những “ngôi nhà” chỉ tám mét vuông nhưng vẫn sinh sống cả một gia đình. Và đó cũng là một trong các nguyên nhân chủ yếu khiến TP HCM là nơi lây lan dịch nhanh và nhiều nhất trong đợt dịch thứ tư vừa qua.
Chủ nhân của những chuồng chim/chuồng gà trung tâm đó cũng chẳng sung sướng gì. Chỉ cần qua tối đa hai vòng thừa kế, miếng đất đã bé lại bằng vài cái chiếu, nhưng bán để ra ngoại thành ở thì họ không muốn vì xa nơi chôn nhau cắt rốn, bà con quây quần chung quanh. Quen sống bám mặt đường, lên chung cư biết nấu nồi bún bò chỗ nào, cất cái xe hủ tíu vào đâu, lại còn mỗi tháng mấy trăm ngàn tới cả triệu đồng phí quản lý, tiền gởi xe, rồi ti tỉ cái gì cũng phải xin phép ban quản lý, rồi nguy cơ hư hỏng xuống cấp sau ít năm... Quan trọng nhất là mặt sàn 15 m2 vẫn có thể lên vài cái lầu hay gác khi con cái lớn lên, nhưng một căn hộ chung cư đền bù thì 40 m2 là chết cứng 40 m2, không thể cơi nới gì được.
Vả lại, một ngôi nhà 30 m2 trong hẻm bán đi tuy có gần chục tỷ thật, nhưng chia ra cho con cháu cũng không đủ để chúng mua một nơi ở mới gần gũi.
Về tỉnh?
Đất ở các tỉnh rẻ chỉ bằng một phần mấy ở Hà Nội, Sài Gòn, nhưng có mấy ai học đại học ở Sài Gòn, Hà Nội xong mà muốn về quê. Về quê, chỗ đâu mà làm? Trừ vài tỉnh có du lịch hay sản xuất công nghiệp có nhiều việc làm như Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Bắc Ninh…, còn đại đa số các tỉnh đều đã ổn định về số việc làm trong các công sở. Về với mẹ thì không phải nặng gánh chuyện nhà ở, nhưng đồng lương bèo bọt, không có cơ hội làm thêm, không có cơ hội học hành và thăng tiến, đã vậy còn phải đút ít nhất vài trăm triệu để giành lấy chỗ làm lương vài ba triệu… Thế nên chỉ một số rất ít sinh viên tốt nghiệp đại học xong về lại quê làm việc. Hoặc gia đình họ khá ổn nên không cần tự lập lắm, hoặc con ông cháu cha đã được lót ổ sẵn. Hoặc-dạng này hiếm hơn, là những người rất an phận, nghĩ bản thân khó cạnh tranh ở thành phố lớn nên bằng lòng ở tỉnh. Hoặc-dạng này thì vô cùng hiếm: về quê tự kinh doanh, phát triển làm giàu.
Tóm lại là, suốt gần 50 năm quy hoạch theo kiểu dồn nước vào chỗ trũng, cả nước với 63 tỉnh thành vẫn chỉ có TP HCM và Hà Nội liên tục phát triển, là hai cái hồ lô hút nhân lực (trừ một số địa phương sống gần nhưng hoàn toàn nhờ du lịch như Quảng Ninh, Huế…). Vậy là dân cố cựu thì cũng sống chết giữ chỗ, nhân lực mới từ khắp nơi ùn ùn đổ về và các quan chức thì vỗ tay cười vang. Tấc đất tấc vàng, tấc hột xoàn kim cương-các quan tấm tắc-ông bà dạy cấm có câu nào sai!
Đọc đến đây có quý vị nào đặt câu hỏi về chính sách nhà cho thuê hay không?
Xin thưa, nhà cho thuê chưa bao giờ được xem là một chính sách nhà ở ở Việt Nam. Không có đời quan chức nào dại dột nào yêu cầu thay đổi chính sách, đưa việc quản lý và cho thuê nhà vào luật pháp cả. Chỉ có bán đứt thì họ mới có lợi, điều đó không phải nói lại nữa. Cho thuê nhà vì vậy là lĩnh vực hoàn toàn thả nổi, hoàn toàn do tư nhân điều tiết, không phải tuân thủ luật lệ nào. Thích cho thuê thế nào thì làm thế ấy, do đó mới đẻ ra những mô hình xóm trọ công nhân, xóm trọ sinh viên, lao động nghèo… giống nhau hàng loạt, nhưng thực chất vẫn chỉ là những khu ổ chuột to hơn một tí và làm bằng xi măng mà thôi.
Còn con người sống mãi trong các khu ổ chuột thì cố lắm cũng chỉ thành con gà mà thôi. Sáng ra bới đất kiếm ăn, tối đậu cành cây ngủ nhưng rất hạnh phúc vì tưởng tiếng gáy của mình kéo mặt trời lên.
____________________
Tham khảo:
https://laodong.vn/bat-dong-san/tphcm-khong-tang-gia-dat-nam-2022-vi-dich-covid-19-978101.ldo
https://thanhnien.vn/thuc-hu-chuyen-bat-dong-san-khap-noi-tang-gia-post1406124.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Nhận xét
Đăng nhận xét