Quan hệ Việt - Anh trong kỷ nguyên Ấn Độ - Thái Bình Dương mở
Sunday, November 28, 2021 7:57 AM // Bình Luận , RFA , Tin Tức
Hoàng Văn Minh
Theo blog RFA
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Anh vừa qua dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) là một sự kiện đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam và Anh. Phái đoàn “hùng hậu” tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp bên lề với các quan chức và tổ chức của Anh, phản ánh sự quan tâm đến việc phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương.
Anh đã lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam vào ngày 16/7/1973, vài tháng sau khi ký Hiệp định hòa bình Paris. Quan hệ Việt-Anh có phần hạn chế trong 20 năm nhưng đã bắt đầu được cải thiện sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và cuộc xung đột Campuchia được giải quyết vào năm 1991.
Năm 2010, Việt Nam và Anh đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong các lĩnh vực hợp tác chính trị-ngoại giao, các vấn đề toàn cầu và khu vực, thương mại và đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, quốc phòng an ninh và kết nối nhân dân. Trong số nhiều sáng kiến, để triển khai quan hệ Đối tác chiến lược, Việt Nam và Anh đã thiết lập Đối thoại chiến lược được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần luân phiên ở Hà Nội và London do cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì.
Quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư
Về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, Anh đã ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới; thường có lập trường đứng về phía Việt Nam trong các vấn đề tranh chấp thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) và ủng hộ EU công nhận Việt Nam là nước có Quy chế kinh tế thị trường.
Quan hệ thương mại Việt Nam và Anh tăng nhanh từ những năm 1990 đến nay. Trong giai đoạn từ 2010-2018, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt- Anh tăng trung bình 17,8%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm, trong đó Việt Nam liên tục xuất siêu. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng chững lại ở mức 9-10%/năm.
Thương mại hai chiều Việt Nam - Anh năm 2020 đạt khoảng 5,6 tỉ USD (xuất khẩu đạt 4,9 tỉ USD, nhập khẩu đạt 700 triệu USD). Trong nửa năm đầu 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Anh tiếp tục đà tăng trưởng, đạt 3,293 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,88 tỷ USD, tăng 28.9% so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu từ Anh đạt 413 triệu USD, tăng 22.1%. Nửa đầu năm 2021, xuất siêu từ Việt Nam sang Anh có giá trị 2,5 tỷ USD, tăng 30.2% so với cùng kỳ 2020.
Hiện Anh đang là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ ba của Việt Nam. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong giai đoạn từ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 1,4%/năm. Việt Nam xuất siêu sang Anh khoảng 4,5 tỷ USD/năm. Riêng năm 2020 có mức tăng trưởng thấp do hệ lụy từ tác động của đại dịch COVID-19.
Thương mại song phương giữa hai nước được nâng lên một tầm cao mới với việc ký kết hiệp định UKVFTA vào ngày 11/12/2020, có hiệu lực chính thức từ ngày 1/5/2021. Đây là một trong những hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Anh ký ngay sau khi rời EU.
Nhờ tác động tích cực từ hiệp định UKVFTA, thương mại song phương từ đầu năm 2021 đến nay đều đạt mức tăng trưởng tốt, tuy vẫn chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp của cả hai bên đang hiện thực hóa được những cơ hội và lợi ích mà Hiệp định này mang lại.
Về đầu tư, theo cập nhật mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/10, Vương quốc Anh có 439 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3,98 tỷ USD.
Tính riêng 10 tháng đầu năm 2021, Vương quốc Anh có 35 dự án mới, 11 lượt dự án tăng vốn, 63 lượt góp vốn, mua cổ phần, tổng vốn đầu tư đăng ký 225,03 triệu USD. Anh xếp thứ 13/97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Về đầu tư của Việt Nam sang Anh, tính lũy kế đến tháng 10, các nhà đầu tư Việt Nam đã có 11 dự án mới, 3 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,55 triệu USD, xếp thứ 37/78 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam (1).
Hiện nay, trong số các đối tác thương mại của Anh, Việt Nam xếp thứ 38 trong tổng số 241 đối tác, xếp thứ 25/233 nước có xuất khẩu vào Anh. Trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu vào Anh, chiếm 3,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Anh (2).
Quan hệ an ninh - chiến lược
Sau khi khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” trở thành một cụm từ địa chính trị thông dụng mới, Anh đã nhanh chóng chấp nhận khái niệm này và tích cực sử dụng nó thay thế cho cụm từ truyền thống là “châu Á-Thái Bình Dương”, nhằm mô tả sự thay đổi trong nhận thức về cấu trúc quyền lực và vị thế chiến lược của Anh trong khu vực rộng lớn trải dài từ Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương.
Năm 2021 là năm Anh có bước đột phá trong thực hiện ý tưởng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Có bốn dấu hiệu chính cho nhận định này: Thứ nhất, Chính phủ Anh đã ban hành báo cáo “Nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh: Đánh giá tổng hợp về chính sách an ninh, quốc phòng, phát triển và đối ngoại". Thứ hai, nhóm tác chiến tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth chính thức lên đường tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hiện thực hóa tuyên bố từ rất lâu rằng tàu sân bay của Anh sắp có mặt tại khu vực. Thứ ba, Anh đã ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng và an ninh ba bên AUKUS với Mỹ và Australia, thiết lập một liên minh trên thực tế. Thứ tư, Anh chính thức xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tìm cách hội nhập khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về mặt kinh tế.
Những điều này cho thấy một sự chuyển hướng trong chính sách của Anh nhằm mục đích theo đuổi sự can dự sâu sắc hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm ủng hộ sự thịnh vượng chung và ổn định của khu vực này thông qua các mối quan hệ ngoại giao và thương mại chặt chẽ hơn (3). Theo “Đánh giá tổng hợp về chính sách an ninh, quốc phòng, phát triển và đối ngoại,” Anh cần tìm cách củng cố quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những nước quan trọng để thực hiện mục tiêu này (4).
Nhóm tàu tấn công HMS Queen Elizabeth cùng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản do tàu chở trực thăng hạng Hyunga dẫn đầu tham gia cùng nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson dẫn đầu tham gia tập hoạt động chung ở Biển Philippines hôm 3/10/2021. Hình: US Navy |
Đối với Việt Nam, quốc gia này cũng nhận thấy môi trường quốc tế và khu vực đã trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, trong Sách trắng Quốc phòng được phát hành cuối năm 2019, Việt Nam đã nhận định: “Gần đây, châu Á - Thái Bình Dương đã chứng kiến những thay đổi lớn với xu thế đối thoại hòa bình, tác động tích cực đến sự ổn định và phát triển của khu vực. Một số nội dung mới, như: “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, sáng kiến “Vành đai, Con đường”, “Chiến lược hành động hướng Đông”,... thu hút sự quan tâm của nhiều nước. Tuy nhiên, khu vực này vẫn là nơi các nước lớn gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, cả truyền thống và phi truyền thống. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ sẽ diễn biến phức tạp hơn, dễ xảy ra va chạm, xung đột, đe dọa sự ổn định, hòa bình và phát triển của khu vực.” (5)
Chính vì vậy, Việt Nam đã lựa chọn chính sách đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá. Theo đó, Việt Nam cố gắng sử dụng cách tiếp cận đa phương để thiết lập quan hệ với nhiều đối tác nhất có thể sao cho đảm bảo quyền tự do và bảo vệ mình không bị phụ thuộc quá mức vào một cường quốc nhất định. Việt Nam đã ưu tiên phát triển kinh tế để tạo bệ đỡ cho sức mạnh an ninh của mình. Chính vì vậy, Việt Nam đã chấp nhận tham gia vào rất nhiều các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Trong số đó, Anh là một đối tác quan trọng.
Sau khi Anh rời khỏi EU, Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ với Anh. Mặc dù hai bên có nhiều khác biệt về quan điểm đối với tình hình quốc tế và trong nước, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội hợp tác. Trong những năm qua, trước thách thức của đại dịch COVID-19, tác động của biến đổi khí hậu và những thay đổi trong trật tự quốc tế đã khiến hai nước có thêm động lực để thúc đẩy mối quan hệ lên tầm cao mới.
Việt Nam đặc biệt lo ngại trước sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, là quốc gia láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam không thể khước từ quan hệ với Trung Quốc. Mặc dù vậy, Việt Nam đã cố gắng coi sự lớn mạnh của Trung Quốc vừa là mối đe doạ nhưng cũng có thể vừa là cơ hội. Một mặt, Việt Nam cũng đã được hưởng lợi trong quan hệ kinh tế - thương mại với Trung Quốc, nhưng mặt khác, Việt Nam cũng lo ngại sẽ mất quyền tự chủ chiến lược và Trung Quốc sẽ chiếm đoạt các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông. Thêm nữa, Việt Nam cũng lo lắng về việc Trung Quốc có thể sử dụng các đảo nhân tạo mà nước này đã bồi lấp và quân sự hoá ở biển Đông để kiểm soát tuyến đường thương mại biển quan trọng. Đây cũng chính là điều Anh lo ngại. Bên cạnh lý do đảm bảo tự do hàng hải và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, 12% tổng khối lượng thương mại của Anh phải đi qua biển Đông (6), do đó, Anh cũng lo lắng trước việc Trung Quốc đang gia tăng các hành động hung hăng để độc chiếm biển Đông.
Cả hai nước có cùng một mối lo ngại trước sự đe doạ của Trung Quốc ở biển Đông. Điều này đã giúp gắn kết mối quan hệ hai nước với nhau. Việt Nam coi việc phát triển quan hệ đối tác an ninh với các cường quốc bên ngoài là một phần trong hành động cân bằng quyền lực. Nhưng Việt Nam cũng cần giữ quan hệ tốt với Bắc Kinh để giúp cho việc tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị mặc dù cũng có lo ngại Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc trong tất cả các hoạt động của mình. Mong muốn độc lập và tự chủ đã thúc đẩy Việt Nam nỗ lực không chỉ đa dạng hóa mối quan hệ kinh tế mà còn đa dạng hoá các quan hệ trong lĩnh vực an ninh.
Quan hệ giữa Việt - Anh vẫn đang trên đà phát triển tốt đẹp. Chuyên gia Bill Hayton trong một bài viết gần đây có nhận định rằng: “Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh địa chính trị ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều quan trọng là hai bên phải duy trì mối quan hệ này trong khi tăng cường lòng tin. Dù quan hệ giữa hai nước thường bị xem nhẹ, nhưng Anh có thể đóng một vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam, giống như Việt Nam có thể hỗ trợ Anh trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.” (7)
_______________
Tham khảo:
1. http://baochinhphu.vn/Doi-ngoai/Don-bay-dua-quan-he-Viet-NamAnh-len-tam-cao-moi/451447.vgp
2. https://dangcongsan.vn/thoi-su/tiep-tuc-thuc-day-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-vuong-quoc-anh-595678.html
3. https://www.ft.com/content/93de6cc1-451a-465d-8233-8c9b903cedd4
4. https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/975077/Global_Britain_in_a_Competitive_Age-_the_Integrated_Review_of_Security__Defence__Development_and_Foreign_Policy.pdf, p. 62
5. http://mod.gov.vn/wps/wcm/connect/a7f22b32-724d-4643-9301-878e2ca4d8db/QuocphongVietNam2019.pdf?MOD=AJPERES&CACHEID=a7f22b32-724d-4643-9301-878e2ca4d8db, p. 13
6. https://www.geostrategy.org.uk/research/enhancing-british-vietnamese-relations-in-a-more-competitive-era/
7. https://www.aspistrategist.org.au/why-improving-vietnam-uk-relations-matters-for-the-indo-pacific/
Nhận xét
Đăng nhận xét