Từ phòng thủ tới phòng the
Bài viết của Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
2021-11-28n gì bi hài hơn khi “trước thềm” Hội nghị Văn hóa toàn quốc, một vụ “phản văn hóa tập thể” kéo theo cả chục cán bộ đảng viên các cấp, các cơ quan bị kỷ luật, chỉ vì một màn truy hoan của ông Bí thư huyện ủy.
Nó cũng là món “mở hàng” cho văn bản mới, Quy định số 37-QĐ/TW, Về những điều đảng viên không được làm.
Trớ trêu thêm là nó diễn ra ngay giữa một cuộc “diễn tập phòng thủ khu vực” tại hòn đảo được coi là “phên dậu” của đất nước.
Thế mà vẫn chưa hết chất bi hài, khi mà trong suốt nửa tháng, người dân theo dõi vụ việc cứ bị bất ngờ bởi những thông tin … mù mờ, mâu thuẫn, thậm chí như bị lừa, … qua hệ thống báo chí Nhà nước, để rồi tha hồ đồn đoán, tìm kiếm thông tin trên mạng.
Từ vụ tố cáo hiếp dâm
Ban đầu, qua báo chí, chỉ biết ở huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh nhân có cuộc “giao lưu” của các cơ quan, đã xảy ra chuyện nghiêm trọng, dẫn tới ông “chúa đảo” – Bí thư, Chủ tịch huyện bị tố hiếp dâm cán bộ cấp dưới.
Công an huyện nhanh chóng vào cuộc, còn cẩn trọng hướng dẫn nạn nhân “đừng tắm rửa gì để họ báo cáo lên Giám đốc Công an tỉnh”.
Ngay trong đêm, “Công an tỉnh đã cử gần 20 người xuống làm việc với nghi phạm và lấy mẫu tinh trùng trong người nạn nhân mang đi giám định”.
Rồi “chỉ 48 giờ sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có cuộc họp”. Ông bí thư bị đình chỉ công tác.
Nghe thì rầm rộ, quyết liệt vậy, nhưng soi kỹ từng chi tiết qua nhiều báo, thấy nổi lên hàng loạt nghi vấn.
Tại sao một cuộc vui karaoke được nhiều quan chức địa phương biết, cùng tham gia vậy, mà lại để xảy ra chuyện tầy đình, như thể chỉ có trong đám du thủ du thực? “Nạn nhân” là một cán bộ có gia đình, chồng lại là công an, mà sao như … trẻ con – bị phỉnh đến khách sạn, ép uống bia, ép hát, rồi dễ dàng để bị cưỡng hiếp, lại không trực tiếp tố cáo, trình bày sự việc mà phải để mẹ chồng làm thay, trong một vụ án nghiêm trọng rất cần lời khai chính xác, trung thực? Có khá đủ điều kiện về chứng cứ, lời khai để có thể khởi tố vụ án, mà sao để lâu vậy, lại còn để nghi phạm tự do rời khỏi đảo? Lại cũng không có một thông tin nào trực tiếp từ các nhân chứng, từ cơ quan công an về vụ việc, v.v..
Tới “diễn tập khu vực phòng thủ”
Sau hai tuần công luận nín thở chờ kết quả điều tra, vụ việc mới tóe tòe loe ra, không hẳn như báo chí thông tin ban đầu. Không có án, không có hiếp dâm, mà chỉ là “quan hệ bất chính”sau màn ăn nhậu hát ca.
Thế mà, tưởng “nhẹ”, hóa ra lại rất “nặng”.
Bởi vì, không phải vụ việc xảy ra sau cuộc giao lưu giữa các cơ quan, mà sự thực đó là cả một hoạt động hết sức quan trọng, với sự tham gia của nhiều lực lượng, nhiều lãnh đạo các ban ngành, ở nơi được coi là huyện đảo tiền tiêu “phên dậu” phía Bắc của Tổ quốc, diễn ra trong hai ngày 9-10/11/2021 – cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, được báo Quân đội nhân dân đưa tin là đã “hoàn thành tốt”. Quan trọng bởi nó thực tập “chuyển lực lượng vũ trang vào các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chuyển địa phương vào các trạng thái về quốc phòng; tổ chức chuẩn bị tác chiến phòng thủ và thực hành tác chiến phòng thủ”.
Hỡi ôi! “Sẵn sàng chiến đấu”, “tác chiến phòng thủ” là như vậy đó, để ít nhất có tới 12 cá nhân chức sắc, hai tổ chức đảng bị kỷ luật qua một cuộc vui vẻ quá đà và truy hoan, giữa đại dịch.
Những con người đóng vai trò quan trọng như vậy, mà “phòng thân” còn chẳng xong, thì làm sao lo “phòng thủ” cho đất nước? Kẻ thù có tới, chỉ cần đem “đạn bọc đường” ra bắn thôi là có thêm tay sai bán nước, đâu cần đổ máu.
Báo chí, tổ chức Đảng
Đáng tiếc, trong vụ việc này, toàn bộ hệ thống báo chí Nhà nước đã đóng vai trò thụ động, không đem tới cho xã hội những thông tin minh bạch, đầy đủ, chính xác.
Hầu như các báo chỉ nhận thông tin chung chung từ phía cơ quan Đảng, chính quyền, dễ tin vào một lá đơn cùng lời trình bày của người nhà “nạn nhân”, mà không có nhân chứng, lời khai nạn nhân, đồng nghiệp nạn nhân, người dân; không truy vấn người trong cuộc để tìm ra sự thực ẩn chứa bên trong.
Không thấy báo nào cho biết vụ việc xuất phát từ cuộc diễn tập khu vực phòng thủ.
Khi thông tin về các án kỷ luật từ tổ chức Đảng, cũng không làm rõ được là ngoài lý do “vi phạm quy định về nêu gương, quy định những điều Đảng viên không được làm, quy định về sử dụng rượu, bia và kỷ luật, kỷ cương công vụ”, còn có việc “tiếp tay” cho ông bí thư “quan hệ bất chính” hay không. Nếu thiếu, cần nghiêm túc điều tra, xử lý.
Thậm chí, có mâu thuẫn nghiêm trọng. Ví như, trong những ngày đầu, các báo đều cho biết có lá đơn của “một người dân” tố cáo ông bí thư hiếp dâm, nhưng kết cục lại hoàn toàn khác, rằng đơn tố “hành vi không trong sáng với nhân viên cấp dưới”. Không thấy báo nào đặt dấu hỏi về lá đơn tố cáo tội phạm kia, chẳng khác gì giúp che giấu cho một hành vi có thể là vu cáo. Vậy độc giả tin vào đâu?
Pháp lý và đạo lý
Về phía công an, tuy vào cuộc nhanh, nhưng đã tỏ ra lúng túng, chậm công bố kết quả. Cái tiếng án “hiếp dâm” kéo dài, gây nhiều đồn đoán không lợi trong dư luận.
Đến khi đã có thể khẳng định không có chuyện hiếp dâm, nhưng cơ quan này cũng không chính thức công bố cho báo chí, trong khi đơn tố cáo của gia đình “nạn nhân” đã được “gửi đi khắp nơi”. Những thông tin về án kỷ luật của bên đảng không thể làm thay được.
Đặc biệt, rất rõ dấu hiệu vu khống cho ông Bí thư, nhưng cũng không được đánh giá, liệu có cấu thành tội phạm hay không, hay chỉ xử lý hành chính thôi.
Qua thông tin của báo chí, trước và sau kết luận vụ việc, người ta có thể phỏng đoán ý đồ của những ai đó trong cuộc muốn giữ “danh dự”, hoặc trả thù mà dẫn tới hành động bất nhẫn dựng chuyện “hiếp dâm”. Nếu có, hành vi này cần phải bị lên án, phải chịu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng “gài bẫy” trong nội bộ để hạ bệ ông Bí thư.
Với các tập thể, các cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật đảng, cũng cần thêm hai dấu hỏi là liệu họ có vi phạm Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia hay không.
Cần “cởi trói” lần hai cho văn hóa, văn nghệ
Tất cả hiện tượng đó là quá đủ nhầy nhụa những chất liệu cho một bức tranh văn hóa đương đại. Ở một xã hội bình thường, sẽ có những bài viết phân tích, lên án từ nhiều góc độ về văn hóa, đạo đức; thậm chí có cả trong văn học, điện ảnh; hay chỉ những bức biếm họa thôi, sẽ góp phần đấu tranh với tệ nạn, thói đạo đức giả trong giới chức quyền.
Đó là những thứ vũ khí sắc bén chống tiêu cực, chứ đâu phải chỉ “đốt lò” là đủ.
Thế nhưng … ai cũng biết là không thể có với thực tế bao năm nay, trong lúc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa được bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với cái tên cũng mới, thêm hai chữ “tiêu cực”; có nghĩa Đảng CSVN rất muốn cố gắng tẩy sạch những thứ văn hóa đồi bại trong lối sống, gọi là “suy thoái biến chất” như vụ việc vừa qua, trong hàng ngũ cán bộ đảng viên.
Để hiểu, nói đến “văn hóa” không chỉ nghĩ tới văn học, nghệ thuật, mà sâu xa, rộng hơn là cả lối sống, tư cách đạo đức.
Ngót 35 năm trước, Đảng CSVN làm cuộc “Đổi mới”, trong đó có khái niệm “cởi trói” cho văn hóa, văn nghệ. Cả nước như bừng tỉnh, nhiều nhà văn, nghệ sĩ đã có những tác phẩm để đời. Văn hóa, văn nghệ được “cởi trói” đã góp phần rất lớn đấu tranh với cái ác, cái xấu, tạo dựng thêm cho nền văn hóa, phong tục tập quán đẹp của Dân tộc.
Thế rồi, chỉ được vài năm, có lẽ từ sự sụp đổ của Bức tường Berlin, cuộc biểu tình bị đàn áp ở Thiên An Môn đã khiến cho cánh cửa đổi mới văn hóa Việt Nam đóng sập lại.
Hậu quả ghê gớm của cuộc “cởi” rồi lại “trói” đó nay đã thấy ngày càng rõ. “Đổi mới” không thể chỉ là kinh tế, còn nếu chưa “dám” đổi mới chính trị, tư tưởng, thì cũng rất cần song hành “Đổi mới” cho văn hóa, văn nghệ.
Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, TBT Nguyễn Phú Trọng có nhận xét “gần đây tôi không thấy có bài hát nào hay”.
Nghe đơn giản vậy, nhưng đó liệu có phải là vô tình hay hữu ý một gợi ý cho các nhà quản lý, tham mưu, rằng muốn có một bài hát hay, một bộ phim, vở kịch, cuốn tiểu thuyết hay, thì văn nghệ sĩ, những người hoạt động văn hóa dứt khoát phải được “cởi trói” lần nữa?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Nhận xét
Đăng nhận xét