Chiến tranh Nga – Ukraine: Bom đạn bên ấy, “khói lửa” bên này
Bình luận của TS. Đinh Hoàng Thắng
Có cả đồng tình lẫn lên án Nga
Cuộc chiến bước sang ngày thứ ba. Thương vong từ hai phía không kiểm chứng được nhưng chắc là không nhỏ. Thế giới rúng động, các nước lên án Vladimir Putin, kể cả ngay trong lòng nước Nga. Một bộ phận lớn dân Ukraine bám trụ, cấm súng xuống đường. Chiến trường bên kia cách Việt Nam 8.000 cây số, nhưng “khói lửa” của cuộc chiến bên ấy đang lan sang bên này, trên nền tảng các mạng xã hội ở Việt Nam cũng ác liệt không kém. Buổi Midnighttalks là một kiểm chứng (1). Sáng kiến của ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT của Alpha Books thật đáng hoan nghênh. Sáng kiến giúp xã hội Việt Nam quen với văn hóa tranh luận, ý kiến đa chiều, nhiều nhận định khác nhau. Thật ra, vấn đề phân biệt giữa chiến tranh phi nghĩa-chính nghĩa đã được đặt ra trong chiến dịch “Bão táp Sa mạc” Mỹ đánh Iraq (1991). Đấy là chưa kể đến cuộc chiến tranh Trung-Xô trên sông sông Ussuri (1969) hay cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc (1979).
Bản thân cuộc chiến Ukraine sẽ vô cùng bi thảm, trước hết là đối với người dân Ukraine, nhưng cũng là đối với cả người dân Nga và trật tự toàn cầu nói chung. Trước đây, anh em giết nhau vì ý thức hệ, giờ đây anh em giết nhau vì cái gì? Những ngày qua, hàng vạn người Nga dũng cảm liều mình chịu bắt bớ, tù đày, đã xuống đường ở các thành phố lớn như St.Petersburg và Moscow để lên án cuộc chiến này, cho thấy sự phản đối sâu sắc đối với Putin và hành động của ông ta. Nhưng không chắc những động thái này sẽ làm lung lay quyết tâm của Putin trong việc nghiền nát nền dân chủ non trẻ Ukraine, ít nhất là trong tương lai gần. Cho đến khi Tổng thống Zalensky bị vô hiệu hóa (cầu Chúa cho điều này không xẩy ra), mấy ngày qua chúng ta chứng kiến quyết tâm của chính quyền và người dân Kiev dũng cảm tham gia vào một cuộc “trứng chọi đá” không ngang sức.
Rất nhiều ý kiến của người dân trong nước đã lên án Nga, nói rằng đây là cuộc chiến tranh phi nghĩa. Luật sư Trần Đại Lâm, từ Hà Nội nói với RFA rằng, Nga đã ngang nhiên chà đạp lên luật pháp và các quy ước quốc tế khi phát động một cuộc chiến mà ông cho là có tính chất xâm lược Ukraine. Ông phân tích, Ukraine là một quốc gia có chủ quyền lãnh thổ, có chính quyền, có mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác và được thế giới công nhận là một quốc gia. Vì vậy, việc Nga thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, có nghĩa là Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế. Ông nói: “Quan điểm của tôi trong cuộc chiến này là Nga đã xâm lược Ukraine và đây là một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Bởi vì Nga đã phá bỏ những luật lệ pháp luật và những điều ước quốc tế. Tôi cực lực lên án hành vi xâm lược của Nga và Ukraine vào thời điểm hiện nay”(2). Tất cả chúng ta, mỗi người hãy cứ giữ cái cảm quan, nhận xét và đánh giá của riêng mình về cuộc chiến, nhưng hãy cùng nhau suy nghiệm về những ảnh hưởng trực tiếp đến đất nước và khu vực chúng ta. Trước mắt, đó là những hệ lụy nhãn tiền sau đây:
Những tác động đối với Việt Nam
Một khi Nga bị cấm vận, phong tỏa, những nước mua vũ khí Nga có khả năng cao cũng bị ngăn chặn nguồn cung thiết bị bảo dưỡng và vũ khí đi kèm phương tiện chiến tranh. Việt Nam hiện nay phụ thuộc sâu vào vũ khí Nga. Máy bay chiến đấu, tên lửa, tàu ngầm đều cần có vũ khí chủ lực đi kèm và phụ tùng thay thế định kì, đi theo một hệ thống cố định. Không quân, hải quân và tàu ngầm… 90% vũ khí của ta mua của Nga. Các vũ khí cả mới lẫn cũ, các thiết bị, phụ tùng trọng yếu có thể vẫn còn dùng tốt. Tuy vậy, Việt Nam không chỉ cần nhập khẩu từ nhà sản xuất các thết bị bảo dưỡng, mà còn cần mua từ Nga các loại vũ khí đi kèm phương tiện chiến đấu này nữa (3).
Toàn bộ ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời quan hệ mọi mặt Nga – Việt. Câu chuyện tranh chấp giữa Tập đoàn dầu khí VN (PVN) với Power Machines của Nga xảy ra trước cuộc xâm lăng vào Ukraine hiện nay. Nhưng nó báo trước những khó khăn trong ngành năng lượng của Việt Nam trong tương lai, nếu Hà Nội chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế. Lúc Putin gặp ông Tập trong thế vận hội, hai bên thỏa thuận hàng trăm tỷ USD qua các Gazprom và Rosneft. Nếu nay mai, hai tập đoàn này của Nga, vì bị cấm vận, họ bán lại cho các Tập đoàn Trung Quốc cổ phần của họ tại các mỏ trên Biển Đông thì Việt Nam tính sao? (4)
Quan hệ kinh tế nói chung cũng sẽ ảnh hưởng lớn. Nguyên nhân của việc này theo giáo sư Thayer, Nga xâm lược Ukraine như hiện nay thì bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề. Bất cứ nước nào làm ăn với Nga đều bị cấm vận lây, do vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và xứ sở bạch dương. Chúng ta đang nói đến khả năng về một cuộc xung đột giữa những nền kinh tế lớn nhất thế giới, với Hoa Kỳ và Châu Âu liên minh chống lại Nga, và nếu Trung Quốc quyết định ủng hộ Nga thì chắc sẽ dẫn đến thảm hoạ. Và với Việt Nam đó là viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra. Việt Nam phụ thuộc vào nền kinh tế, an ninh, và sự ổn định toàn cầu. Nếu những điều đó bị gián đoạn thì sẽ làm trật bánh chiến lược kinh tế của Việt Nam, cụ thể là tham vọng đưa nước này trở thành quốc gia có thu nhập cao hơn (5).
Vấn đề Biển Đông sẽ trở nên nan giải hơn. Liệu Trung Quốc có kế hoạch mở một cuộc tấn công trên Biển Đông hay không, hay là họ sẽ cho Việt Nam thấy sự thay đổi về mặt tình hình thực tế, khi mà Hoa Kỳ sẽ không thể đóng vai trò quyết định ở khu vực nữa vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, hay nói cách khác là Việt Nam sẽ không thể dựa vào Mỹ để đối phó với Trung Quốc. Nếu vậy thì Việt Nam có phải nhượng bộ thêm và để Trung Quốc làm chủ tình hình, cũng như tránh đối đầu? Giáo sư danh dự chuyên về nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Australia Hugh White cho rằng cách thức ứng phó của Mỹ đối với những tham vọng của Putin ở châu Âu sẽ định hình bước đi tiếp theo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Đông Á và Đông Nam Á (6).
Bất kỳ cuộc chiến nào trong thời đại toàn cầu hóa này đều sẽ gây ra những hệ quả tổng hợp sâu rộng đối với phần còn lại của thế giới, ngay cả đối với ASEAN. Sự kết nối của Đông Nam Á với thế giới rộng lớn hơn, trong đó sự phục hồi kinh tế xã hội Việt Nam sau đại dịch COVID-19 đòi hỏi các biện pháp ổn định toàn cầu. Cuộc chiến ở Ukraine sẽ là một bước thụt lùi đáng kể trong vấn đề này. Ngoài ra, cuộc xung đột nếu không làm giảm các nỗ lực của Mỹ trong việc tái can dự vào khu vực thì cũng sẽ gây sao nhãng. Và nếu hành động của Putin không bị ngăn chặn, điều gì có thể ngăn cản Trung Quốc không tìm cách thử thách Mỹ? (7)
______________
Tham khảo
1. https://youtu.be/ADiX97u6bT4
4. https://vnexpress.net/nga-trung-ky-thoa-thuan-dau-khi-hon-117-ty-usd-4424092.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Nhận xét
Đăng nhận xét