Mỹ trục xuất 12 nhà ngoại giao Nga tại Liên Hợp Quốc - VNExpress
Mỹ thông báo trục xuất 12 thành viên trong phái bộ Nga tại Liên Hợp Quốc vì "hoạt động tình báo", động thái Moskva gọi là "thù địch".
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya hôm 28/2 xác nhận 12 nhà ngoại giao của nước này bị giới chức Mỹ tuyên bố là "người không được chào đón" và phải rời đi trước ngày 7/3. Nebenzya nói động thái này "vi phạm nghiêm trọng" vị thế của Mỹ với tư cách nước chủ nhà Liên Hợp Quốc.
"Có rất nhiều quốc gia hiểu lập trường của Nga, những việc Nga đang làm và lý do đằng sau đó", Nebenzya nói, song không nêu rõ ông có thuộc số những nhà ngoại giao phải rời đi.
Đại sứ Nga sau đó tuyên bố Moskva sẽ đáp trả động thái của Washington vì đó là "thông lệ ngoại giao". "Đó không phải lựa chọn của chúng tôi, chúng tôi không phải bên bắt đầu", ông nói, thêm rằng ông không phải người quyết định phản ứng của Nga.
Phát ngôn viên của phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Olivia Dalton nói rằng những người được lệnh rời đi đã "lạm dụng đặc quyền cư trú tại Mỹ bằng cách tham gia hoạt động gián điệp có hại cho an ninh quốc gia của chúng tôi".
"Chúng tôi thực hiện hành động này phù hợp với Thỏa thuận về Trụ sở Liên Hợp Quốc. Hành động này đã được xem xét trong nhiều tháng", bà Dalton cho hay.
Richard Mills, phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, trước đó nói trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an rằng hàng chục người đã tham gia hoạt động phi ngoại giao. "Những nhà ngoại giao được yêu cầu rời Mỹ đã tham gia các hoạt động không phù hợp với trách nhiệm và nghĩa vụ của họ trên tư cách nhà ngoại giao", ông Mills nói.
Phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc bao gồm khoảng 100 người, theo nguồn tin ngoại giao Nga. Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov mô tả việc Mỹ trục xuất 12 nhà ngoại giao Nga tại Liên Hợp Quốc là "động thái thù địch", Moskva "vô cùng thất vọng" và "hoàn toàn bác bỏ" các tuyên bố của Mỹ.
"Washington một lần nữa không thực hiện nghĩa vụ đảm bảo điều kiện bình thường cho hoạt động của các phái bộ nước ngoài tại Liên Hợp Quốc. Các nhà ngoại giao Nga một lần nữa bị nhắm tới. Hành động của Washington không nhằm mục đích xoa dịu cục diện quốc tế, cũng như duy trì quan hệ song phương giữa hai cường quốc ở mức cần thiết cho hòa bình và an ninh quốc tế", Anatoly Antonov đăng Facebook.
Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine với tuyên bố "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine". Sau 5 ngày xung đột, lực lượng Nga được cho là đã chuyển sang dùng chiến thuật bao vây các thành phố lớn của Ukraine. Quan chức Lầu Năm Góc nhận định Nga đổi chiến thuật khi đà tiến quân chậm lại do "vấp phải kháng cự dữ dội từ quân đội Ukraine", cũng như đối mặt thách thức về hậu cần.
Sau khi Nga tấn công Ukraine, Mỹ cùng đồng minh đã áp loạt lệnh trừng phạt lên Moskva cũng như Tổng thống Putin. Các nước phương Tây hôm 26/2 nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), được coi là lệnh trừng phạt rất nặng. Moskva nhiều lần khẳng định loạt lệnh trừng phạt thể hiện sự bất lực của phương Tây.
Phái đoàn Nga và Ukraine hôm 28/2 đàm phán tại Belarus trong 5 giờ, nhưng chưa kết quả cụ thể nào được công bố, dù hai bên nhất trí sẽ tiếp tục trao đổi. Tổng thống Zelensky trước đó nói ông không kỳ vọng nhiều vào hoạt động này. Trong khi đó, một nhà đàm phán Nga bày tỏ hy vọng "đạt được một số thỏa thuận càng sớm càng tốt" để chấm dứt xung đột.
Công tố viên Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) Karim A A Khan hôm qua công bố kế hoạch mở cuộc điều tra về tình hình Ukraine, nói rằng có "cơ sở hợp lý" để tin rằng tội ác chiến tranh đã xảy ra trong xung đột. Ông A Khan cho biết cuộc điều tra sẽ xem xét các tội ác bị cáo buộc của "bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột trên bất kỳ phần nào của lãnh thổ Ukraine" và văn phòng của ông sẽ điều tra "càng nhanh càng tốt".
- Mỹ đình chỉ sứ quán tại Belarus, cho nhân viên rời Nga
- Nga chỉ 'lối an toàn' cho dân rời Kiev
- 9 điểm chính sau năm ngày chiến sự ở Ukraine
- Tổn thất với Nga khi bị loại khỏi SWIFT
- Nga, Ukraine nhất trí tiếp tục đàm phán
Huyền Lê (Theo AFP, Al Jazeera)
Nhận xét
Đăng nhận xét