Tin Tổng Hợp – 28/2/22: Ngày thứ 5 chiến tranh Ukraina; Người Việt ở Ukraine

Tin Tổng Hợp – 28/2/22: Ngày thứ 5 chiến tranh Ukraina; Người Việt ở Ukraine

Chiến tranh Ukraina bước qua ngày thứ 5, Kiev và Kharkov vẫn kiên trì kháng cự quân Nga

Chiến sự tại Ukraina hôm nay, 28/02/2022 bước vào ngày thứ 5. Dù bị lực lượng Nga liên tục tấn công từ nhiều ngày qua, thủ đô Kiev và thành phố lớn thứ hai tại Ukraina là Kharkov vào trưa hôm nay vẫn đứng vững.

Theo Quân Đội Ukraina, trong đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay, lực lượng Nga đã “nhiều lần” tấn công nhằm chiếm lĩnh một số vị trí ở vùng ngoại vi Kiev, nhưng đều đã bị đẩy lùi, và tình hình thủ đô Ukraina vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền.

Theo một cố vấn của tổng thống Ukraina, vào tối hôm qua, Nga đã bắn ba tên lửa vào Kiev, trong đó có một chiếc đã bị phòng không Ukraina phá hủy.

Còn tại thành phố Kharkov, ở miền đông-bắc Ukraina, truyền thông nước này cho biết là nhiều tiếng nổ lớn đã được nghe thấy vào tối hôm qua, nhưng Quân Đội Ukraina cho biết đã giành lại quyền kiểm soát  thành phố sau khi nơi này bị lực lượng thiết giáp Nga đánh chiếm tối Thứ Bảy.

Trong bối cảnh Kiev đang bị lực
lượng Nga công hãm, hàng nghìn cư dân thủ đô đang cố tản cư đi nơi khác
để lánh nạn, bằng ô tô hoặc tàu hỏa. Bên cạnh đó cũng có hàng trăm người
từ các thành phố khác đổ về thủ đô để đầu quân chống lại kẻ thù. 

Thông tín viên RFI Stephane Siohan tại Kiev đã có mặt tại nhà ga trung tâm để tìm hiểu thêm. 

Mỗi buổi tối, nhà ga trung tâm của Kiev đều đầy ắp người, bởi vì việc đi lại trên đường phố sau giờ giới nghiêm đã bị nghiêm cấm, và người vi phạm có nguy cơ bị bắn bỏ. Do đó, vào buổi tối những ai nôn nóng chờ đợi chuyến tàu đưa họ về phía tây, hoặc những người đã quyết định lên thủ đô để nhập ngũ, đều chen chúc nhau để qua đêm trong nhà ga.

Ví dụ như Denis, 32 tuổi, quê tại Kherson, đã lên thủ đô với một ý tưởng trong đầu. Anh nói: “Tôi đã đến gặp cảnh sát và họ nói với tôi rằng cho đến thứ Hai vẫn còn giới nghiêm, nhưng sau đó tôi có thể đến trung tâm tuyển quân. Sau khi đăng ký, tôi muốn tham gia Lực Lượng Phòng Thủ Lãnh Thổ. Tôi muốn cầm súng để bảo vệ đất nước”.

Trong hai ngày, bộ Quốc Phòng Ukraina đã tuyển mộ được gần 100.000 tân binh tình nguyện, gia nhập Quân Đội hay Lực lượng Phòng Thủ Lãnh Thổ.

Tuy nhiên cũng có người như Ivan, 45 tuổi, một công nhân ở Shchastya thuộc vùng Donbass, vừa đến được Kiev sau khi thành phố của anh gần như nằm trong tay lính Nga. Anh giải thích: “Khi súng vừa nổ, chúng tôi đã chạy ngay đến nơi trú ẩn để tránh không kích. Sau đó đã có lệnh sơ tán và chúng tôi đã đến nhà ga để đón tàu hỏa lên Kiev. 80% thành phố nơi tôi ở đã bị phá hủy, không còn đèn đuốc hay điện, ga, không còn gì để sống. Nhà máy điện nơi tôi làm việc cũng bị phá hủy hoàn toàn. Tại Kiev này, tôi sẽ tạm ở với đứa con trai lớn, sau đó chúng tôi sẽ phải thay đổi cuộc sống, tìm kiếm việc làm… Chúng tôi đến đây, như đến một thế giới mới”.

Thế nhưng, kể từ cuối tuần, cả Ukraina đã bước vào một thực tế mới, với một thành phố 4 triệu dân, nơi mọi người đều phải qua đêm trong boongke, hoặc trong tầng hầm của các hộ dân cư.

Theo Ủy Ban Châu Âu, sau bốn ngày chiến tranh, bảy triệu người Ukraina đã phải di tản cư.

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220228-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-qua-ng%C3%A0y-th%E1%BB%A9-5-kiev-v%C3%A0-kharkov-v%E1%BA%ABn-ki%C3%AAn-tr%C3%AC-kh%C3%A1ng-c%E1%BB%B1-qu%C3%A2n-nga

Người Việt ở Ukraine: Bỏ đi di tản hay ở lại và đi thì như thế nào

Xe
Chụp lại hình ảnh, Chuyến xe với 20 người VN chạy khỏi Odessa về hướng biên giới Ba Lan

Chiến dịch quân sự ở Ukraine đe dọa trực tiếp và gia tăng đối với sinh mạng và sức khoẻ, tâm lý của 7,5 triệu trẻ em ở quốc gia này, theo UNICEF.

“Nhu cầu cứu trợ nhân đạo đang tăng đều, lan ra từng giờ. Trẻ em sợ hãi, bị shock và tuyệt vọng muốn được an toàn. Hàng trăm nghìn người đang di chuyển, đa số là phụ nữ, trẻ em. Nhiều gia đình đang bị chia rẽ khỏi người thân…”

Và không chỉ trẻ em mà cả người lớn, trong đó có nhiều người Việt sinh sống, làm ăn ở các vùng của Ukraine đang phải suy tính, đắn đó, đi hay là ở.

Đi thì họ phải bỏ lại tất cả để tới một quốc gia mới như Ba Lan, Slovakia, Hungary, Đức, với tương lai còn bất định, và chặng đường xa đi không dễ, tiếng tăm không biết, ở lại thì có thể gặp hiểm nguy.

Hai câu chuyện của hai người Việt ở Kyiv và Odessa cho thấy phần nào nỗi khốn khó của người dân ở quốc gia bị chiến sự những ngày qua.

Đi từ thành phố biển Odessa sang biên giới Ba Lan

Anh Phương Bắc, một người Việt đang trên đường rời khỏi Odessa, Ukraine, cho biết đi từ trung tâm thành phố Odessa cứ một đoạn lại có chốt chặn kiểm tra giấy tờ và tắc nghẽn tại những điểm này, tuy nhiên khi qua được thì đường thông thoáng hơn.

“Bọn em phải qua các chốt chặn kiểm tra giấy tờ nọ kia tắc đường quá. Mà từ đây sang tới tận Ba Lan thì còn xa lắm. Bọn em rất cần là khi qua bên kia thì được cộng đồng mình bên đó giúp đỡ.”

Ba Lan
Chụp lại hình ảnh, Một lời SOS đăng trên trang Uwaga của cộng đồng Việt tại Ba Lan

“Bọn em đi một nhóm 20 người, thuê một xe ô tô do người tây lái. Đa số là công nhân ở bên này chạy nạn. Toàn anh em đồng hương Việt Nam với nhau cùng đi, có người mình quen, có người mình không quen, và có cả trẻ con 5-6 tuổi. Mấy anh em sang làm may cho công ty bên này. Em cũng mới sang Odessa được mấy tháng thôi.

“Đồ đạc bọn em mang đi được ít lắm, một hai bộ quần áo nhẹ thôi. Tiền bạc cũng không có vì đột xuất xảy ra và mình không lường trước được.

“Odessa có đỡ hơn trên Kyiv nhưng em nghĩ là rồi chiến tranh cũng sẽ đến Odessa nên chạy trước, chứ trên Kyiv chiến tranh ác liệt hơn.

“Odessa bọn em gần biển, nó đánh ven biển thì cũng lo sợ. Đêm hay có tiếng nổ, đạn pháo giật mình không ngủ được, mà bọn em không có hầm trú ẩn…”

Anh Phương Bắc, 38 tuổi trên chuyến xe sang Ba Lan
Chụp lại hình ảnh, Anh Phương Bắc, 38 tuổi trên chuyến xe sang Ba Lan

Kể tới đây thì anh Phương Bắc cho biết phải xuống xe để kiểm tra giấy tờ và mong muốn khi qua biên giới được cộng đồng người Việt tại Balan giúp đỡ.

Ở lại thì phải đối mặt với nguy hiểm có thể ập tới bất cứ lúc nào

Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, ông Tuyen Nguyensy, một người Việt đã sống ở Kyiv, Ukraine hơn 30 năm. Ông lập gia đình và có con cũng tại thủ đô này. Nơi đây là nhà, là tổ ấm nhưng bây giờ gia đình ông phải đối mặt với sự bất định, hiểm nguy.

Ngay khi Nga cho quân vào xâm lược Ukraine, chính ông cũng bất ngờ. Ông Tuyen Nguyensy nhớ lại: “Diễn biến quá nhanh, người ta không bao giờ nghĩ Putin tàn bạo đến thế vì 2 dân tộc này rất gần gũi.”

“Hiện 5-6 ngày nay, cứ nghe còi báo động là cả gia đình vội đi ẩn nấp. Điện thoại luôn cố gắng cập nhật tình hình qua các kênh Telegram, nhóm bạn bè ở khắp các thành phố, kênh riêng của các tình nguyện viên chiến trường.

“Lương thực chỉ còn đủ cho một tuần nhưng bây giờ ăn gì không còn cần thiết nữa. Quan trọng nhất đối với tôi là mạng sống của gia đình và lo mất nước,” ông Tuyen Nguyensy bộc bạch.

Ông cũng cho BBC biết thêm, nếu có cơ hội di tản sang châu Âu, gia đình ông sẽ cố gắng đi để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, ông Tuyen Nguyensy cũng nói việc vượt qua phong tỏa để đến biên giới EU với chặng đường 600-1000 km là vô cùng rủi ro. Xăng có thể mua nhưng cũng phải chờ, xếp hàng cả trăm mét.

Ông Tuyen cũng chia sẻ về việc nói đến chiến tranh với hai con của ông, hiện đang là sinh viên đại học và đều là công dân Ukraine:

“Các cháu đều cảm nhận được hết. Không hoảng loạn, rất bình tĩnh và thực hiện các động tác hay cách thức tự cứu khi hỏa hoạn, cháy nổ mà chúng được học ở trường. Các cháu đọc rất nhiều về chiến tranh VN và nói đây là trải nghiệm khó quên. Chúng có căm hờn hành động này của giới cầm quyền Nga nhưng không hề có sự hằn thù dân tộc, tức không hề căm ghét người dân Nga một cách cực đoan mà chỉ phẫn nộ với kẻ trực tiếp ném bom Ukraine thôi.”

Trên Facebook cá nhân, ông Tuyen Nguyensy viết: “Ngày 6 – Chúng tôi còn sống!”

Ông nói, đó là một trong những mẩu tin nhắn trong các nhóm chat Viber, Zalo… của anh em, bạn bè đồng hương người Việt ở Ukraine trong những ngày khốc liệt này.

Sau một đêm thấp thỏm đầy âu lo thiếu ngủ thì sáng dậy nhắn tin cho nhau thăm hỏi nắm bắt tình hình. Hiện không có thiệt hại về người trong cộng đồng Việt Nam khoảng 7-8.000 người trên cả nước nhưng nhà thì có 2 người bị pháo kích – 1 căn hộ trong chung cư và 1 nhà vườn rất đẹp ở ngoại ô Kiev.

Đêm qua quanh hoặc bên trong các TP lớn như Kiev, Khacov, Odessa, Chernhigov…đều diễn ra những trận đánh ác liệt và bị pháo kích bằng tên lửa hành trình “Smech”, “Grad”, bom chùm…và thậm chí 3 quả tên lửa khủng Iskander (tầm bắn đến 500km) được phóng từ Mozur (Belorus). Các TP bị vây hãm đến thời điểm này vẫn đứng vững, quân đội UKRAINE vẫn đánh bật kẻ địch và ks các sân bay quan trọng – mục tiêu của quân địch hòng sử dụng làm nơi đổ bộ quân chi viện. Một thành phố biển phía Nam Berdian rơi vào tay giặc. Thành phố này có duy nhất 1 gia đình Việt Nam sinh sống, hiện họ vẫn an toàn. 1 TP nhỏ khác thuộc tỉnh Khacov sát biên giới Nga cũng thất thủ do thị trưởng thuộc dạng Nga gian tự nộp cho quân chiếm đóng.

Cứu trợ
Chụp lại hình ảnh, Cộng đồng Việt tại Ba Lan đóng góp một căn lều cung cấp hàng cứu trợ ở cửa khẩu Zosin-Uscilug

“Thật vô cùng cảm động vào những khoảnh khắc nguy cấp này có vô cùng nhiều cuộc gọi điện, nhắn tin của bạn bè, người thân từ khắp nơi trên thế giới, thậm chí có nhiều người chưa hề gặp. Các tổ chức thiện nguyện, cá nhân người Việt đồng hương từ các nước giáp biên Séc, Slovakia, Hungary, Ba Lan, Moldova, Romania… liên tục nhắn tin bày tỏ sẵn sàng trợ giúp và họ đã lo sẵn chỗ ở, chăn ấm, đồ ăn. Các ĐSQVN tại Romania, Hung, Ukraine… đều công bố điện thoại nóng khi cần trợ giúp và yêu cầu lập danh sách đồng hương khi di tản sang đó. Tuy nhiên việc vượt qua phong toả là vô cùng rủi ro.

“Khi viết những dòng này (11:40 ngày 28/02) các thành phố lớn vẫn đang bị pháo kích, ném bom dữ dội. Có lẽ quân Nga vẫn nỗ lực tìm ‘chiến thắng’, gây áp lực để hoà đàm,” ông Tuyen Nguyensy nhận định.

Ba Lan mở rộng vòng tay

CH Ba Lan được các báo châu Âu ca ngợi trong những ngày qua là đã tổ chức đón người tỵ nạn chiến tranh từ Ukraine vào lãnh thổ của họ qua nhiều cửa khẩu biên giới.

Người tới, chỉ cần được phía Biên phòng Ukraine cho sang, là Ba Lan nhận, kể cả không có giấy tờ và bất kể quốc tịch gì, theo báo Gazeta Wyborcza.

Theo Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR), hơn 500.000 người đã rời Ukraine vì lý do an toàn trước cuộc xâm lược vô cớ của Nga.

Phát ngôn viên Shabia Mantoo cho biết khoảng 281.000 người tị nạn đã vào Ba Lan, hơn 84.500 người ở Hungary, khoảng 36.400 người ở Moldova, hơn 32.500 người ở Romania và khoảng 30.000 người ở Slovakia, số còn lại không xác định sống rải rác ở các quốc gia khác.

Những quốc gia mà người tị nạn Ukraine có thể đến
Chụp lại hình ảnh, Những quốc gia mà người tị nạn Ukraine có thể đến

Cùng thời gian, các báo Ba Lan cho hay Ba Lan đón ít nhất 115 nghìn trong con số nêu trên, chủ yếu qua cửa khẩu Medyka.

Tại đây, hàng người và xe kéo dài nhiều cây số hình thành mấy ngày qua, và tuyến xe lửa cũng đầy ứ người tỵ nạn.

Tình trạng của những người đã sang được đất Ba Lan qua các cửa khẩu cũng khác nhau.

Gần như tất cả người Ukraine đều hoặc được đón bởi dân Ba Lan, các nhóm thiện nguyện chở xe miễn phí (tàu hỏa Ba Lan không lấy tiền vé cho mọi người tỵ nạn), và có địa chỉ ở Ba Lan hoặc các nước khác để đi tiếp.

Nhưng người châu Á, châu Phi thì thường bị kẹt lại như tờ Gazeta Wyborcza tường thuật từ Karczow.

Tại một khu tạm cư của Karczow, số chỗ cho 2000 người nay đã đầy tới 60%.

Báo này, trong bài của Michal Olszewski ngày 27/02 nói người Pakistan, Cameroon, Afghanistan… kêu ca rằng khi ở phía Ukraine, họ bị đối xử tệ, miệt thị chủng tộc hoặc vòi vĩnh tiền hối lộ.

Từ phản ánh của các trang tiếng Việt trên Facebook ở Ba Lan như Uwaga, có vẻ người Việt Nam chạy khỏi Ukraine không rơi vào cảnh đó vì tìm đến các mối người Việt bên Ba Lan để đi tiếp.

Trang này cho hay từ hôm 26/02, cộng đồng Việt tại Ba Lan đóng góp một căn lều cung cấp hàng ở cửa khẩu Zosin-Uscilug, với hai người Ukraine, hai Ba Lan và hai Việt Nam túc trực để trợ giúp người tỵ nạn. (Các bạn có thể tham khảo trang Uwaga -Người Việt ở Ba Lan để biết thêm thông tin).

Ukrainian refugees arrive from their homeland at Zahonyi railway station close to the Hungarian-Ukrainian border
Chụp lại hình ảnh, Người tỵ nạn từ Ukraine vào Hungary qua trạm xe lửa Zahonyi

Tại Hungary, Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary hôm 26/2/2022 cũng họp và đã ra thông báo chính thức về việc hỗ trợ, giúp đỡ người Việt Nam từ Ukraine sang lánh nạn tại Hungary.

Các thông tin trên trang Facebook của Hiệp hội có nhiều comment của bà con VN sẵn sàng trợ giúp kể cả mời đồng bào Việt từ Ukraine về chia sẻ chỗ ở.

Ví dụ, bạn Dang Muoi viết: “Em có nhà có thể ở 4 người trong vòng 1 tháng nếu cần hơn em sẽ tính các bác nhé.”

Vấn đề chung, tuy thế, là chặng đường khá dài và bất trắc cho người tỵ nạn từ các vùng chiến sự ở Ukraine tới biên giới các nước EU như Hungary, Ba Lan.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-60559182

(AFP) – World Cup 2022: FIFA bắt đầu trừng phạt Nga. Sau 3 ngày im lặng, Liên Đoàn Bóng Đá Quốc Tế FIFA, cơ chế tổ chức Cúp Bóng Đá Thế Giới World Cup, vào tối hôm qua, 27/02/2022 đã ban hành những biện pháp trừng phạt đầu tiên nhắm vào Nga về tội gây chiến tranh tại Ukraina. Theo các quyết định của FIFA, kể từ nay, đội bóng quốc gia của Nga phải thi đấu dưới danh nghĩa “Liên Đoàn Bóng Đá Nga” và không còn sử dụng quốc ca hoặc vẫy cờ Nga. Các trận đấu “trên sân nhà” của Nga sẽ phải diễn ra trên một sân trung lập. Khả năng loại hẳn Nga ra khỏi World Cup 2022 cũng được FIFA gợi lên. Các biện pháp trừng phạt đầu tiên kể trên tuy nhiên đã bị một số quốc gia coi là không đủ và họ đã từ chối thi đấu với Nga. Ba Lan, Séc và Thụy Điển đã cho biết là họ từ chối đối đầu với đội Nga vào cuối tháng Ba. Ba Lan phải đấu với Nga vào ngày 24/03 trong trận giành vé vớt đi dự World Cup-2022, giống như Thụy Điển hoặc Cộng Hòa Séc năm ngày sau đó nếu Nga vượt qua vòng loại.

(AFP) – Covid-19 Pháp giảm bớt các hạn chế. Kể từ hôm nay, 28/02/2022, việc đeo khẩu trang không còn bắt buộc trong viện bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hàng, nhưng vẫn được quy định ở nơi làm việc, trong cửa hàng, cơ quan hành chính, các cơ sở dịch vụ công cộng và phương tiện giao thông.. Ngoài ra, đối với những ca tiếp xúc nhưng đã tiêm chủng, chỉ cần một xét nghiệm (tự xét nghiệm, PCR hoặc kháng nguyên) hai ngày sau khi bị ghi nhận là trường hợp tiếp xúc, thay vì ba như trước đây.

(AFP) – Chiến tranh Ukraina khiến hơn 500.000 người phải rời đất nước, hơn 50% lánh nạn sang Ba Lan. Hôm nay Cao ủy Liên hiệp Quốc về người tị nạn cho biết chỉ riêng trong ngày thứ Bảy 26/02, có khoảng 77.300 người từ Ukraina sang Ba Lan trú ẩn. Trong khi đó, Janez Lenarcic, Cao ủy châu Âu phụ trách xử lý các vụ khủng hoảng hôm qua 27/02/2022 dự báo có khoảng 7 triệu người Ukraina phải rời khỏi đất nước vì cuộc xâm lược của Nga. Quan chức châu Âu cảnh báo đây sẽ là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trên lục địa này tính từ nhiều năm nay.

(AFP) – Chiến tranh Ukraina: Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc mở phiên họp đặc biệt khẩn cấp, vào 15h giờ quốc tế ngày 28/02/2022, với sự tham gia của 193 thành viên. Từ năm 1950 đến nay, mới chỉ có khoảng 10 phiên họp đặc biệt như thế này được Đại hội đồng Liên hiệp Quốc tổ chức. Theo dự kiến, tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay cũng có cuộc họp trực tuyến với các đồng minh và đối tác để phối hợp đối phó với Nga. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo các nước G7 đều hoàn toàn chống lại vụ Nga xâm lược Ukraina.

(AFP) – Tỉ phú Nhật Bản Hiroshi Mikitani ngày 27/02/2022 thông báo tặng 7,7 triệu euro cho Ukraina. Tỉ phú Mikitani là người sáng lập Rakuten, nền tảng thương mại và các dịch vụ trực tuyến lớn của Nhật. Ông tuyên bố, trong thư ngỏ gửi tổng thống Ukraina Zelensky, số tiền nói trên là dành cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo giúp các nạn nhân của vụ tấn công của quân đội Nga.

(AFP) – Virus corona lây lan nhanh, lãnh đạo y tế Hồng Kông cân nhắc khả năng phong tỏa thành phố. Bà Sophia Chan hôm nay 28/02/2022 thông báo trên sóng phát thanh là khả năng phong tỏa Hồng Kông đang được đưa ra thảo luận cho dù lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga từng tuyên bố không tính đến việc phong tỏa. Hôm qua, Hồng Kông thông báo 26.000 ca nhiễm mới và 83 ca tử vong thường nhật, trong khi từ đầu đại dịch đến nay, thành phố này mới ghi nhận 12.000 ca nhiễm.

(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ công nhận “tình trạng chiến tranh” giữa Nga và Ukraina. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Casuvoglu hôm qua 27/02/2022 cho biết, Ankara đã chính thức công nhận “tình trạng chiến tranh” giữa Nga và Ukraina, và theo công ước Montreux năm 1936, nước này có quyền hạn chế việc tiếp cận của hai bên tham chiến tới Eo biển Dardanelles, thông về phía Biển Đen.

(Reuters) – Hơn 2.000 người bị bắt trong các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Nga. Tổ chức nhân quyền Nga OVD-Info cho biết, hôm qua 27/02/2022, cảnh sát nước này đã bắt giữ hơn 2.000 người trong các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Ukraina được tổ chức tại 48 thành phố trên khắp Nga. Tổng cộng đã có hơn 5.500 người bị bắt kể từ hôm điện Kremlin phát động tấn công Ukraina hôm 24/02.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220228-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?