Liệu Trung Quốc có lợi dụng tình hình Ukraine để gây chiến trong khu vực?

RFA
2022.02.28


Liệu Trung Quốc có lợi dụng tình hình Ukraine để gây chiến trong khu vực?Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Brasilia, Brazil ngày 14 tháng 11 năm 2019
 REUTERS


















Trước khi Nga đem quân tấn công Ukraine, Tổng thống Nga đã tuyên bố với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về một mối quan hệ hợp tác chiến lược “không giới hạn” giữa hai nước. Truyền thông Trung Quốc còn nhấn mạnh hai nước “vai kề vai trong việc duy trì công lý trên thế giới”. Một số chuyên gia lo ngại Trung Quốc sẽ lợi dụng tình hình chiến sự ở Ukraine hiện nay. Diễm Thi phỏng vấn Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Singapore) về việc này.

Diễm Thi: Thưa tiến sĩ, ngay sau khi Nga tấn công Ukraine, dư luận cho rằng, Trung Quốc có thể lợi dụng cơ hội này để tấn công một vài nước trong khu vực. Ông nhận định ra sao ạ?

Hà Hoàng Hợp: Hiện nay, nhìn từ phía Trung Quốc, thì thấy mấy điểm như thế này:

Thứ nhất là họ không coi cái cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là một cuộc xâm lược. Thế thì cái điều ấy nó nói lên cái gì? Nói lên rằng Trung Quốc và Nga đang cùng đi theo một thứ trật tự của "kẻ mạnh là nắm lẽ phải". Nó ngược lại với cái thứ trật tự giữa truyền thống và các quy tắc luật. Từ cái điểm này thì có thể thấy rằng, khi mà nước Nga tấn công xâm lược Ukraine thì Trung Quốc chắc chắn đã chuẩn bị xong việc - có thể là - tấn công Đài Loan.

Từ nhiều tháng nay thì chúng ta vẫn đưa ra cái giả thuyết rằng họ sẽ tấn công bất kỳ lúc nào nhưng cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ không tấn công Đài Loan trước khi có Đại hội Đảng của họ vào mùa thu tới. Có nghĩa là, theo cách nói này thì từ nay đến đại hội đảng vào khoảng tháng mười tới đây, tức là tám tháng nữa thì không xảy ra chuyện Trung Quốc tấn công Đài Loan hay một chỗ nào đó ở trong khu vực.

Thế nhưng, trong hoàn cảnh Nga tấn công Ukraine đã cho Trung Quốc một cơ hội có thể nói là ngàn năm có một, có thể tính toán làm sao mà nếu tấn công Đài Loan, thì phải thu hồi được Đài Loan. Tức là phải đánh sập được chính quyền của bà Thái Anh Văn và thống nhất Đài Loan về với Trung Quốc cách nhanh nhất.

Những tính toán này thì họ đã làm từ trước rồi, nhưng còn một số những khó khăn mà họ chưa xử lý được. Mà thật sự ra, cái khó khăn lớn nhất không phải là từ phía Đài Loan, mà là từ cái chính sách của Mỹ.

Chúng ta nhớ rằng nước Mỹ có một chính sách đối với Đài Loan rằng, nước Mỹ ủng hộ Đài Loan về mặt chủ quyền theo cái chính sách gọi là "Một Trung Quốc". Có nghĩa là không coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc. Trên đời này, chỉ có một Trung Quốc mà thôi. Đài Loan vì nó nhỏ cho nên nó là một phần của Trung Quốc. Nói như thế thì có nghĩa rằng Trung Quốc cũng có thể là một phần của Đài Loan!

Nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc và của các nước lớn đã đặt ra thì chỉ có dựa trên các biện pháp hòa bình mà thôi. Một khi xảy ra chiến tranh bằng bạo lực, thì Mỹ có thể can thiệp. Thế nhưng mà cái chữ "có thể can thiệp" của Mỹ thì thế giới người ta gọi là "chính sách mập mờ" của chính quyền Mỹ. Cái được của chính sách mập mờ này là nó là một thao tác răn đe, nhưng cái chỗ yếu của nó là tạo ra một cái rủi ro lớn, là Bắc Kinh có thể đánh Đài Loan bất kỳ lúc nào.

Diễm Thi: Thưa Tiến sĩ, làm thế nào để khắc phục sự ‘mập mờ’ hiện nay?

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Để khắc phục cái sự mập mờ này thì vào chiều hôm qua, cựu Thủ tướng Nhật là ông Abe Shinzo đã tuyên bố rất rõ ràng. Ông nói rằng, ông kêu gọi chính quyền của ông Joe Biden phải bỏ cái chính sách này đi. Có nghĩa là phải tuyên bố rõ ràng rằng, một khi Đài Loan bị Trung Quốc tấn công quân sự, thì Mỹ sẽ đánh Trung Quốc để mà bảo vệ Đài Loan.

Với người Trung Quốc thì họ rất là lo ngại chuyện nếu lúc này nước Mỹ bỏ cái chính sách mập mờ đi, thì Trung Quốc sẽ khó mà có thể tấn công được Đài Loan.

Với quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật thì Nhật có một cái cầu nối như thế này:  Tháng 11 năm ngoái, chính phủ Nhật ra một tuyên bố rất mạnh là rằng an ninh của Đài Loan tức là an ninh của Nhật Bản. Lý do vì cả chuỗi đảo chạy từ trên Hokkaido xuống đến đảo của Nhật gần Đài Loan nhất chỉ cách Đài Loan có 99 cây số thôi. Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan tức là nó đụng đến cái đảo đấy của Nhật, tức là tấn công Nhật. Khi đó Nhật sẽ phải đánh. Cho nên khẳng định an ninh của Đài Loan là an ninh của Nhật là một tuyên bố rất mạnh đủ để cho nước Mỹ nếu chưa đi đến một chính sách rõ ràng trong quan hệ với Đài Loan thì chính sách an ninh mới này của Nhật khắc phục cho người Mỹ sự chậm trễ đó.

Vì sao? Vì nếu Trung Quốc đánh Đài Loan thì Nhật sẽ phải nhảy vào. Mà Mỹ lại là đồng minh của Nhật thì Mỹ bắt buộc sẽ phải nhảy vào.

Chuỗi logic của vấn đề nó nằm ở chỗ này mà chuỗi này bây giờ người Trung Quốc biết rất rõ.

Diễm Thi: Giả sử Trung Quốc tấn công Đài Loan thì theo ông, Trung Quốc phải hứng chịu hậu quả như thế nào?

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Người Nhật đã nói rõ hơn nữa về chuyện nếu phải đánh thì họ sẽ đánh như thế nào. Người Nhật sẽ củng cố được hai sức mạnh. Thứ nhất là phòng thủ tên lửa. Thứ hai là khả năng phản công, có nghĩa, nếu bị tấn công thì Nhật sẽ đánh trả như thế nào? Người Nhật nói luôn không giấu diếm là họ sẽ chủ động tấn công phá hủy các căn cứ quân sự của kẻ thù.

Bậy giờ quay lại vấn đề Trung Quốc. Với hoàn cảnh này thì rõ ràng Trung Quốc muốn đánh Đài Loan thì phải suy tính kỹ. Có hai khả năng Trung Quốc sẽ đánh Đài Loan ngay bây giờ: Một là tính nhầm rằng mình đang mạnh và Đài Loan đang yếu. Đánh là chết. Thứ hai, đánh mà không xong, mà để dây dưa thì cũng không thể hoãn đại hội đảng. Mà không thể hoãn đại hội đảng thì có khi nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc nó lật Tập Cận Bình. Đấy là cái Trung Quốc sợ nhất.

Bây giờ mình nói họ đang tính nhầm. Giả sự họ tính không nhầm, có nghĩa đánh và thắng luôn thì sao?

Họ sẽ thắng trong vài chục giờ đầu tiên. Sau đó phản ứng của Đài Loan là một; Nhật Bản là hai; Mỹ là ba; Úc là bốn; Ấn Độ là năm sẽ không thể nào lường được. Do đó, kể cả Trung Quốc tính đúng thì họ cũng không có gì đảm bảo là chắc thắng. Cho nên sự vui mừng của Trung Quốc khi Nga đang xâm lược Ukraine sẽ không được lâu bởi tính kỹ ra thì đều là bất lợi cả.

Diễm Thi: Nếu Trung Quốc đánh Đài Loan thì rất có thể Trung Quốc cũng sẽ tấn công Trường Sa tại Biển Đông nơi Việt Nam đang giữ hơn 20 đảo. Vậy theo ông, Việt Nam cần phải làm gì?

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Tóm lại, kể cả tính đúng hay tính sai thì vẫn có khả năng Trung Quốc có thể đánh Đài Loan bất kỳ lúc nào. Khi Trung Quốc đánh Đài Loan thì họ sẽ đồng thời đánh luôn Trường Sa. Trường Sa bây giờ có 27 điểm mà Việt Nam đang giữ. Họ sẽ đánh hết vì nó gần họ. 27 điểm này nó chỉ là tượng trưng thôi. Nó mấy nhà giàn bằng sắt, bằng thép dựng lên nhưng ở trên có cắm cờ Việt Nam, khẳng định chủ quyền Việt Nam ở đó. Nếu Trung Quốc tấn công, phá hủy hay giết binh lính ở đấy, có nghĩa là gây chiến thì Việt Nam bắt buộc phải đánh lại có thể bằng tên lửa và có thể gây thiệt hại rất lớn cho Trung Quốc.

Đấy là một khả năng. Còn nếu họ không đánh Việt Nam mà chỉ đánh Đài Loan thì Việt Nam lại càng phải chuẩn bị để phòng thủ tốt hơn. Phòng thủ tốt nhất vẫn là chiến lược chống xâm nhập. Đặt ra các vùng cấm mà không ai có thể vào được. Vùng cấm của Việt Nam là bờ biển, là không phận, là những chỗ có nhà giàn. Phải quây lại để họ không vào được. Đấy là cái phòng thủ quan trọng mà không tốn kém lắm. Họ đã làm, còn làm tốt đến mức nào thì không ai nói được, nhưng mà đã làm. Và sự sẵn sàng của Việt Nam đơn giản là Việt Nam không cần phải năng lời với Trung Quốc, trong khi Trung Quốc rất nặng lời và có hành động phi pháp với Việt Nam.

Điều đó Việt Nam đã có một cái gì đó. Không thể nói chính quyền Việt Nam cũng mang tên Cộng sản mà lại phải sợ chính quyền Cộng sản Trung Quốc - một chính quyền đặt việc cướp lãnh thổ của nước khác trong đó có Việt Nam cao hơn lợi ích bề chính trị cũng như lợi ích về thức hệ.

Giữa Ukraine và Đài Loan có sự khác biệt rất lớn. Trung Quốc sẵn sàng nói ‘Đài Loan không phải Ukraine’ vì nó dùng một thứ quan niệm riêng gọi là nguyên tắc ‘một Trung Quốc’ nói rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc và bằng mọi cách Trung Quốc sẽ lấy về. Đấy là thái độ bá quyền của những kẻ cậy mình có sức mạnh, và từ sức mạnh nắm lẽ phải y như Nga đối xử với Ukraine bây giờ. Mà đối xử như thế là hoàn toàn dựa trên một sức mạnh bất chấp lẽ phải.

Như vậy, cái quan trọng nhất của những nước trong khu vực là cảnh giác đối với Trung Quốc. Cảnh giác bây giờ đang ở mức độ cao. Việt Nam thì rõ ràng chưa tham gia một cái gì về mặt quân sự hay quốc phòng với những nước như Ấn Độ, Nhật Bản hay Úc. Thế nhưng khi xảy ra chiến tranh thì chắc chắn tình hình sẽ phải khác, và Việt Nam khác hẳn Ukraine.

Diễm Thi: Cảm ơn Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đã dành thời gian cho RFA 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?