Cuộc xâm lược của Ukraine có làm Trung Quốc mạnh bạo hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?

RFA

 2022.02.28



Cuộc xâm lược của Ukraine có làm Trung Quốc mạnh bạo hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh tại cuộc họp báo ngày 24/2/2022.
 Reuters

Sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine trên quy mô toàn diện, các con mắt đang đổ dồn vào Trung Quốc để xem liệu Bắc Kinh có động thái cơ hội nào ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay không. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang theo dõi diễn biến ở Ukraine một cách “chăm chú” trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.

Trong khi từ chối gọi hành động của Putin là “xâm lược”, các quan chức Trung Quốc nói rằng họ “đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới nhất” về tình hình ở Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh cho biết: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và ngăn ngừa tình hình vượt quá khả năng kiểm soát”.

Trung Quốc đã duy trì lập trường này kể từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine.

Việt Nam - quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông - đã phát ngôn rất hạn chế về cuộc xung đột này.  Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam khi được hỏi đã nói giống hệt như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế."

Hà Nội từ lâu vốn nghi ngờ về những ý định của Bắc Kinh ở Biển Đông và chắc chắn đang theo dõi sát sao các động thái của Trung Quốc.

4b44165c-1a9c-4fb4-b124-a317cf949906.jpeg
Lính Ukraine đang khám xét hiện trường 1 chiếc máy bay bị bắn hạ ngày 25/2/2022 tại Kiev, Ukraine. Ảnh AP

Trò chơi chờ đợi

Bắc Kinh, trong khi đó, cũng đang dõi theo tình hình ở Ukraine.

“Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng minh của Putin, đang chăm chú theo dõi tiền lệ do Putin tạo ra” - giáo sư (GS) John Blaxland tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia nói.

“Nếu ông ta [Putin] thoát được, điều này có thể giúp Trung Quốc tự tin, hung hăng hơn ở Biển Đông hoặc gia tăng phá hoại sự ổn định và độc lập của Đài Loan - một trung tâm kinh tế tự trị đồng thời là một nền dân chủ tự do sôi động trong khu vực”- GS Blaxland nói.

Ông Grant Newsham, một đại tá thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu và trở thành nhà phân tích chính trị cũng cho rằng: “Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ và ghi chép”.

“Nếu phản ứng của Mỹ và phương Tây đối với cuộc xâm lược Ukraine được coi là yếu ớt hoặc không hiệu quả và cuối cùng chấp nhận việc Nga chiếm Ukraine như một chuyện đã rồi thì Trung Quốc sẽ bạo dạn hơn để tiến tới”.

 “Việc này sẽ mất vài tháng. Nhưng trong thời gian chờ đợi, Trung Quốc sẽ giữ căng thẳng với Đài Loan đồng thời thắt chặt kiểm soát Biển Đông và tiếp tục gây sức ép với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông” – ông Newsham nhận định và nói thêm rằng theo quan điểm của ông “đây là tình hình quốc tế nguy hiểm nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai".

Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington cho biết: Bắc Kinh không thích sự so sánh giữa Ukraine - một quốc gia có chủ quyền, có đại diện tại Liên Hợp Quốc - với Đài Loan, vùng lãnh thổ mà họ coi là một phần của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bà nói rằng phản ứng của Hoa Kỳ đối với cuộc xâm lược Ukraine có thể là một tham khảo cho Trung Quốc.

“Trung Quốc đang theo dõi Mỹ phản ứng như thế nào với cuộc khủng hoảng Ukraine như một phép thử sự quyết tâm và sẵn sàng của Mỹ trong việc đưa quân tham gia vào một cuộc khủng hoảng quân sự ở rất xa Mỹ” - bà Yun Sun nói.

Nếu các nhà lãnh đạo ở Việt Nam và các nước giáp Biển Đông có lo lắng về những hành động mà Trung Quốc có thể làm thì chắc chắn họ cũng không thể hiện điều đó.

Báo chí nhà nước Việt Nam không nói về bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải độc lập và tự chủ.

370975d1-f90a-47b4-9741-8cebbbdbcdfa.jpeg
Một phụ nữ đang cầu nguyện cho hòa bình tại Quảng trường Độc lập ở Kiev, Ukraine ngày 24/2/2022. Ảnh: AFP

Quan ngại được bác bỏ

Teodoro Locsin Jr, nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines, đã tweet khá nhiều về cuộc xung đột ở Ukraine nhưng ông không đưa ra bình luận nào về cuộc xâm lược của Nga. Ông cũng không bày tỏ bất kỳ quan ngại nào về Biển Đông.

Thay vào đó, ngoại trưởng Philippines đã nói về việc đến Ba Lan để gặp “người dân của tôi” - những người Philippines đã chạy trốn khỏi Ukraine.

Philippines và Việt Nam là hai quốc gia tích cực theo đuổi các tuyên bố chủ quyền chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng là các bên tranh chấp.

Theo ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines, chính quyền ở Manila “không có lập trường” về tình hình đang diễn ra ở Ukraine đồng thời “đang đứng ngoài cuộc”.

“Nhưng tất nhiên, có những lo lắng và các cuộc thảo luận riêng trong giới học thuật và an ninh”- ông nói.

Một số nhà phân tích khác bác bỏ lo ngại về các hành động tức thì của Bắc Kinh ở Biển Đông.

“Không có bất kỳ vụ việc lớn nào giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông kể từ năm 2019. Cả hai bên đều muốn duy trì điều đó và Trung Quốc sẽ không làm bất cứ điều gì chống lại Việt Nam trong thời điểm hiện tại ” - ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Australia đồng thời là một chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam cho biết.

 “Với Philippines, Bắc Kinh đã tằng cường thể hiện sự quyết đoán và hung hăng vào năm ngoái khi Tổng thống Rodrigo Duterte quay lưng lại với lập trường thân Trung Quốc của mình” - GS Thayer nhận định.

 “Nhưng với cuộc bầu cử tổng thống sắp đến và việc ông Duterte sẽ rời nhiệm sở thì không cần thiết phải tiếp tục gây áp lực” - ông nói thêm.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?