TRỰC TIẾP - Putin ra lệnh răn đe hạt nhân trong tình trạng ‘báo động đặc biệt'
BBC
Tường thuật trực tiếp
Ngày Chủ Nhật 27/02 hàng nghìn người dân, gồm cả một số người gốc Việt, đã đổ về khu vực trước trụ sở nhà Quốc hội, Bundestag và Cổng thành Brandenburg, Berlin để biểu tình phản đối cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.
Bà Kiều An Giang, sống tại Berlin chụp hình này trước Cổng Brandenburg Tor.
Cùng thời gian ngày Chủ Nhật, khi ngoài Quốc hội Đức ở Berlin có cuộc tuần hành lớn phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine, ngay trong Quốc hội, các nghị sĩ được triệu về, bỏ cả kỳ nghỉ cuối tuần cho phiên họp khẩn cấp, thông qua luật tăng chi phí quốc phòng của Đức lên hơn 2% GDP.
Thủ tướng Đức, Olaf Scholz (đảng cánh tả SPD) đã công bố lý do thay đổi chi tiêu quốc phòng của nước này là vì khủng hoảng Ukraine và vì hành động gây hấn, xâm lăng của Nga.
Trước Quốc hội Đức, ông cho biết 100 tỷ euro sẽ được bổ sung vào ngân sách quân sự của Berlin trong năm nay, thêm vào chi tiêu dự toán 2021 là 50 tỷ.
"Chúng ta phải chống lại đe dọa đó ngay bây giờ hay để lại cho tương lai lo?" thủ tướng Đức đặt câu hỏi.
Trang Deutsche Welle chiều 27/02 gọi đây là thời điểm "Đức đảo chiều chính sách quân sự".
Từ Berlin, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng, người vừa đi dự cuộc tuần hành lớn phản đối chiến tranh trước nhà Quốc hội, giải thích với BBC:
"Cuộc chiến của Nga ở Ukraine thực sự đã làm nước Đức mở mắt, thấy mình yếu ớt, mong manh trước cái ác. Tôi thấy người Đức nay hiểu rằng điều gì sẽ xảy ra nếu tại thời điểm này nước Mỹ đang có một vị tổng thống quay lưng lại với châu Âu và khối Nato vẫn còn đang "chết não". Đức quyết định phải lập tức thay đổi cách nhìn về thế giới hôm nay."
Các bạn đọc toàn bài ở đây:
https://www.bbc.com/vietnamese/world-60549079
Một số diễn biến chính hôm nay:
·Tổng thống Vladimir Putin nói ông đã ra lệnh cho quân đội Nga đặt các lực lượng hạt nhân của họ trong tình trạng "báo động đặc biệt" để đáp lại cái mà ông mô tả là “sự hung hãn” của Nato.
·Động thái này – điều không có nghĩa là Nga dự định sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân – đã bị lên án rộng rãi, với Hoa Kỳ nói là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, và người đứng đầu NATO mô tả là “nguy hiểm” và “vô trách nhiệm”.
·Các phái đoàn Ukraine và Nga dự kiến sẽ gặp nhau ở biên giới Belarus để đàm phán, theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
·Các lực lượng Ukraine nói họ đã đẩy lùi cuộc tấn công của Nga vào thành phố lớn thứ hai Kharkiv
·Số người chạy khỏi Ukraine giờ đã lên tới 368.000, theo con số mới nhất của LHQ
·Các quốc gia châu Âu tiếp tục có hành động chống lại Nga, với nhiều nước trong vài giờ qua quyết định đóng không phận với các chuyến bay của Nga
Quân Nga đã tới gần Obolon ở ngoại ô Kyiv hôm thứ Sáu nhưng tới giờ chưa vào được trung tâm Kyiv.
Quân đội Nga lúc này kiểm soát một hành lang hẹp dọc sông Dnieper vào phía đâong Kyiv, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh.
Đêm qua đã có đụng độ giữa các nhóm được gọi là phá hoại trên đường phố, và một kho dầu bị trúng bom ở Vasylkiv, phía Nam Kyiv.
Một khu nhà dân ở khu ngoại ô Bucha bị trúng bom.
Trong ngày thứ Bảy đã có nhiều vụ nổ ở phía tây thành phố gần Đại lộ Peremohy và một tòa nhà chung cư bị tên lửa bắn.
Cũng đã xảy ra giao tranh ác liệt ở sân bay Hostomel, phía Tây Kyiv.
Hoa Kỳ đã phản ứng lại lệnh của Tổng thống Putin đặt các lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động "đặc biệt".
Động thái này giúp việc dùng vũ khí trở nên dễ dàng hơn - nhưng Gordon Corera, phóng viên an ninh BBC đánh giá đây là cách để Nga gửi cảnh báo tới Nato, thay vì báo hiệu ý định sử dụng vũ khí đó.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, Linda Thomas-Greenfield, gọi động thái này là "không thể chấp nhận được" trong một cuộc phỏng vấn với CBS News.
“Điều đó có nghĩa là Tổng thống Putin đang tiếp tục leo thang cuộc chiến này theo cách hoàn toàn không thể chấp nhận được và chúng ta phải tiếp tục ngăn chặn hành động của ông ta bằng cách mạnh mẽ nhất có thể,” bà nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội Nga đặt các lực lượng hạt nhân của họ trong tình trạng "báo động đặc biệt" - mức cảnh báo cao nhất đối với Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga.
Phát biểu với các quan chức quân sự hàng đầu, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, ông cho biết các quốc gia phương Tây đã có "hành động không thân thiện" đối với Nga và áp đặt "các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp".
Cảnh sát Đức cho biết hơn 100.000 người đang tham gia một cuộc biểu tình ở Berlin phản đối cuộc xâm lược của Nga.
Đầu tuần này, Đức cũng xác nhận sẽ gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger tới Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố chi tiêu quốc phòng của nước này tăng mạnh.
Phát biểu tại phiên họp khẩn cấp của Quốc hội Đức, ông cho biết 100 tỷ euro sẽ được bổ sung vào ngân sách quân sự của Berlin trong năm nay.
Điều đó có nghĩa là Đức sẽ chi hơn 2% GDP hàng năm cho quốc phòng, một mục tiêu lâu nay của NATO mà nước này đã không đạt được trước đây - bất chấp áp lực từ Hoa Kỳ, và đặc biệt là cựu Tổng thống Donald Trump.
Thị trưởng của Kyiv nói rằng không có lính Nga ở thủ đô - và những kẻ "phá hoại" đã bị "phát hiện và vô hiệu hóa".
Nhưng thành phố chưa thể bình thường ngay được. Có lệnh giới nghiêm cho đến thứ Hai, và cư dân đã dán cửa sổ của họ trong trường hợp tiếng súng hoặc tiếng nổ làm vỡ kính.
Bức ảnh này là của Oleksander Dzenhilevsky ở Obolon, phía bắc thủ đô Kyiv của Ukraine.
Nếu không chiếm trọn toàn bộ Ukraine hoặc tiêu diệt chính phủ Kyiv để lập ra một chính quyền thân Nga, có khả năng ông Putin tính chia đôi Ukraine dọc sông Dniepr.
Theo Matthew Karnitschinig viết trên Politico (27/02/2022), đây là kịch bản mà Putin có thể “thỏa mãn” được nhất, nếu không chiếm trọn Ukraine.
“Các chuyên gia quân sự đồng ý rằng với Putin thì kịch bản tuyệt vời nhất là chia đôi Ukraine dọc sông Dniepr. Con sông này chảy gần như thẳng từ Bắc ở biên giới Belarus, qua phần trung Ukraine xuống phía Nam, đổ ra Biển Đen.”
Con sông nổi tiếng ở Đông Âu mà chỗ rộng nhất 7km, từng chứng khiến các trận đánh ác liệt thời Chiến tranh Napoleon, và trong Thế Chiến II, rất có thể sẽ là biên giới tự nhiên giữa hai phần của Ukraine trong tương lai một khi kịch bản đó xảy ra theo ý Putin.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước ông đã nộp đơn kiện Nga tới Tòa án Công lý Quốc tế và đang yêu cầu hội đồng thẩm phán tòa này ra lệnh Moscow ngừng xâm lược.
Tòa án Công lý Quốc tế, có trụ sở tại The Hague, là tòa án cao nhất của Liên Hợp Quốc và quyết định xem một quốc gia có vi phạm luật pháp quốc tế hay không.
Tòa án không thể buộc tội hình sự đối với các cá nhân là nguyên thủ quốc gia.
Trong khi quân đội Nga tiến vào Kharkiv, thành phố thứ hai của Ukraine, các cuộc tấn công cũng đang tiếp tục diễn ra xung quanh thủ đô Kyiv của Ukraine.
Các hình ảnh được chia sẻ trực tuyến cho thấy đám cháy và những cột khói bóc lên sau khi tên lửa của Nga bắn vào gần thành phố trong đêm qua.
Một cuộc tấn công đã làm trạm dầu bốc cháy ở thị trấn Vasylkiv, phía tây nam thủ đô.
"Kẻ thù muốn phá hủy mọi thứ," thị trưởng của thị trấn, Natalia Balasinovich nói.
Nhà chức trách ở Kyiv đã ra lệnh cho công dân ở trong nhà cho đến sáng thứ Hai trong lúc lực lượng Nga áp sát thành phố.
Tất cả những người mạo hiểm ra ngoài "sẽ được coi là thành viên của các nhóm phá hoại của địch", họ cảnh báo.
Hàng nghìn người đã phải ngủ trong các hầm tránh bom và ga tàu điện ngầm, trong khi những người khác cầm súng do chính quyền phân phát để giúp bảo vệ thành phố.
Một đoạn video được BBC xác minh cho thấy một nhóm binh sĩ Ukraine nấp sau bức tường, trong khi một người phóng tên lửa vác vai.
Số người chạy khỏi Ukraine hiện đã lên tới 368.000 người, theo UNHCR.
Hơn 150.000 người đã vào Ba Lan kể từ khi bắt đầu xung đột - trong khi hơn 43.000 người Ukraine chạy sang Romania trong ba ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Liên đoàn Judo Quốc tế đã đình chỉ tư cách chủ tịch và đại sứ danh dự với Vladimir Putin. Tổng thống Nga có đai đen judo.
Quyết định này là một trong số những "lệnh thanh trừng" thể thao được công bố trong những ngày qua.
Giải Grand Prix Công thức 1 của Nga, dự kiến diễn ra tại Sochi vào tháng 9, đã bị hủy bỏ.
Và hồi đầu tuần, đã có thông báo rằng trận chung kết Champions League 2022 sẽ diễn ra ở Paris chứ không phải ở St Petersburg.
Tại thành phố Dnipro ở Ukraine những ngày này các công viên đông các tình nguyện viên.
Đến từ mọi ngành nghề như giáo viên, kỹ sư...họ cùng tham gia làm bom xăng để chống cuộc xâm lược từ Nga.
Tất cả công đoạn đều làm bằng tay.
Arina, một giáo viên nói, "Không ai nghĩ chúng tôi trải qua ngày cuối tuần như vậy, nhưng dường như đây là điều quan trọng nhất phải làm lúc này".
Còn Elena, gửi con cho ông bà thì nói rằng, "Ngồi ở nhà mà không làm gì còn sợ hãi hơn. Tôi không tin là điều này lại xảy đến với chúng tôi, nhưng chúng tôi còn sự lựa chọn nào khác?"
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine đã công bố ước tính về những thiệt hại mà lực lượng nước này gây ra cho Nga cho đến nay.
Bà Hanna Malyar từ Kyiv cho biết trong một bài đăng trên Facebook rằng các con số trong ba ngày đầu tiên của cuộc xung đột là sơ bộ và có thể thay đổi.
Ukraine ước tính thiệt hại quân sự của Nga cho đến nay bao gồm:
• 4.300 người chết
• 27 máy bay
• 26 trực thăng
• 146 xe tăng
• 706 xe chiến đấu bọc thép
• 49 khẩu đại bác
• 1 hệ thống phòng không Buk
• 4 hệ thống phóng nhiều tên lửa Grad
• 30 xe
• 60 xe chở xăng dầu
• 2 máy bay không người lái
• 2 thuyền
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời cảm ơn đến lực lượng đặc biệt của Nga và nói họ là những người đang "làm trọn bổn phận quân sự một cách anh dũng" ở Ukraine.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình cũng được công bố trên trang web của Điện Kremlin, ông Putin ca ngợi "sự phục vụ hoàn hảo của họ nhân danh nhân dân Nga và đất mẹ vĩ đại của chúng ta".
Ông kết thúc bài diễn văn trên truyền hình rằng: “Tôi cầu chúc may mắn, thành công và tất cả những điều tốt đẹp nhất đến với bạn và những người thân của bạn”.
Bài diễn văn này được đọc để đánh dấu ngày lực lượng đặc biệt của Nga, được tổ chức vào ngày 27 tháng 2 hàng năm kể từ năm 2015.
Đây là một video cho thấy hình ảnh người dân Ukraine ngăn xe tăng Nga tiến lên bằng cách đi theo đoàn đông về phía chúng.
Video này được quay ở Koryukivka, thuộc vùng Chernihiv.
Kho dầu ở thành phố Vasylkiv, gần Kyiv, bốc cháy làm dấy lên lo ngại về khói độc và người dân được cảnh báo nên đóng cửa sổ và ở trong nhà.
Một người Việt ở CH ly khai Donetsk kể:
"Sau 8 năm đợi chờ rồi (kể từ khi ly khai năm 2014) người dân ở đây ai cũng muốn chiến tranh với Ukraine chấm dứt thật nhanh.
Bây giờ xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine như thế này thì người dân Donetsk sẽ được nhờ vì hy vọng Nga sang bên kia đánh thì chỗ này sẽ yên ổn, không có ai đụng vào đây nữa.
Cho nên người dân ở đây cảm thấy dễ thở hơn một chút. Không phải là vì họ muốn gây chiến để đánh chết dân hay chết quân đội của Nga hay của Ukraine đâu. Điều đó không ai muốn cả, nhưng mà đã mệt mỏi lắm rồi nên muốn chiến tranh ra chỗ khác đi, tám năm rồi."
Các bạn đọc thêm ở đây để biết vì sao ông nghĩ nhiều người dân muốn Donetsk sáp nhập vào Nga.
Nga nói một phái đoàn đã đến Belarus dường như để đàm phán với Ukraine.
Tuy nhiên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ lời đề nghị, và cho biết các cuộc đàm phán tại Minsk đã có thể diễn ra nếu Nga đã không tấn công Ukraine từ lãnh thổ của Belarus.
Tuy nhiên ông Zelensky để mở các khả năng đàm phán tại những địa điểm khác.
Ông nói: “Nếu không có các hành động hung hãn từ lãnh thổ của các người [Belarus], thì chúng tôi đã có thể nói chuyện tại Minsk….các thành phố khác có thể được sử dụng làm địa điểm đàm phán.
“Dĩ nhiên chúng tôi muốn hoà bình, chúng tôi muốn gặp, chúng tôi muốn chiến tranh kết thúc. Warsaw, Bratislava, Budapest, Istanbul, Baku chúng tôi đã đề nghị các địa điểm này đến phía Nga.
“Và các thành phố khác cũng phù hợp với chúng tôi - ở một đất nước mà lãnh thổ không được dùng để phóng tên lửa vào chúng tôi. Đây là cách duy nhất mà các cuộc đàm phán có thể chân thành và thật sự chấm dứt chiến tranh.”
Nhận xét
Đăng nhận xét