“Đánh cho nó một bài”
Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn
Nhà báo Lê Phú Khải viết về ông Nguyễn Công Khế trong hồi ký “Lời ai điếu” như sau:
“Nếu phải chọn một ông tổng biên tập thật điển hình cho thời kinh tế thị trường định hướng XHCN thì phải chọn Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập báo Thanh Niên.
Tôi đã bị Nguyễn Công Khế lừa một vố đau. Đó là vào cuối năm 2002 Đài Tiếng nói Việt Nam có một bản tổng kết năm gửi cho cơ quan thường trú tại TP.HCM và các đơn vị trực thuộc Đài. Đọc bản tổng kết đó người ta thấy thành tích to lớn mở rộng cơ quan thường trú của đài trên thế giới… Rồi còn có cả một công văn của Phó tổng giám đốc Kim Cúc ca ngợi công lao của sếp Trần Mai Hạnh từ khi về đài năm 1996 gửi đi khắp nơi…”
Khế thật chua
Nhà báo Lê Phú Khải kể, ông đã viết một bài báo vạch trần thủ đoạn của ông Trần Mai Hạnh và ê kíp của ông ta núp sau công trình “mở rộng cơ quan thường trú của Đài trên thế giới” thực chất là thuê và mua nhà cửa ở khắp nơi, tiêu tiền tỷ của ngân sách Nhà nước nhưng chất lượng phát thanh thì lại không hề được nhắc tới. Sau những thương vụ thuê, mua nhà làm cơ quan thường trú, ê kíp của ông Hạnh đã phất lên nhanh chóng.
Ông Khải gửi trực tiếp bài báo đến cho ông Khế, vì tin báo Thanh Niên là tờ báo tích cực chống tiêu cực.
“Một người bạn ở báo Thanh Niên cho tôi hay, Khế đã đọc bài đó và… OK!
(Nhưng) đợi mãi không thấy báo Thanh Niên đăng bài. Ít lâu sau, tôi nhận được thông tin của một cán bộ trong ban lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam cho hay, Nguyễn Công Khế đã gửi bài của tôi ra Hà Nội cho bên an ninh, với nhận xét bài viết không có gì sai, nhưng vì để “giữ uy tín” cho Nhà nước nên không đăng. Gửi cho an ninh để biết. Một cán bộ an ninh đã cầm bài viết này qua Đài để tống tiền Kim Cúc (Phó Tổng giám đốc) và Trần Mai Hạnh!
Một người bạn tôi đã mắng tôi là thằng ngu vì không biết gì về Nguyễn Công Khế cả. Anh còn cho biết Khế luôn dùng tờ báo của mình để gây thanh thế, chẳng hạn y cho phóng viên của báo đi viết về tiêu cực, nhưng khi vụ việc có liên quan đến một ông lớn nào đó…
Ví dụ, đồng chí X xưa kia ở tỉnh Y, nay đã lên trung ương làm đến Bộ Chính trị mà bài viết có dính líu đến đồng chí đó khi còn ở địa phương thì Khế không đăng mà gửi bài cho đồng chí ấy biết “để giữ uy tín” cho lãnh đạo, thế là đồng chí X đã “mắc nợ” Khế. Khi báo Thanh Niên tổ chức một cuộc thi hoa hậu nào đó, Khế gửi giấy mời, thế là đồng chí ấy, dù là Chủ tịch nước cũng phải đến dự tận quê Khế ở miền Trung xa xôi. Một tờ báo hạng B mà Bộ Chính trị phải đến dự thì uy tín của Khế lên như diều…”
***
Tôi không xác minh được các thông tin trên, nhưng “Lời ai điếu” của nhà báo Lê Phú Khải đăng trọn vẹn trên internet đã lâu mà không thấy ai phản bác (trong khi đám nhà báo là chúa thích phản bác, phản biện, không thể nào biết sự thật mà không kể ra cho cả làng cùng biết), thì có cơ sở để tin đó là sự thật.
Anh ơi có đứa nói xấu anh này
Thực ra cái chiêu gởi bài viết tố cáo tiêu cực cho chính người bị tố cáo (anh ơi có đứa nói xấu anh này) là chiêu thông thường và hay được các quan báo bẩn xài nhất. Xài nhiều vì nó dễ quá, mà hiệu quả luôn luôn như, hoặc trên cả những gì họ mong đợi. Mong đợi gì ư? Tất nhiên là tiền, hoặc quyền, hoặc cả hai.
Với Ban tuyên giáo và các quan chức lãnh đạo, thậm chí các doanh nhân giàu lớn, tổng biên tập chỉ là một chức vị quèn, một tên tay sai ăn theo nói leo, miễn có tiền thì chỉ đâu đánh đó. Nhưng đó là những đánh giá sai lầm và hời hợt. Một phó tổng biên tập hoặc tổng biên tập nắm giữ một mảnh trời trong ngành, sở hữu vô số thông tin có giá trị, còn nếu là báo Nhà nước thì ít nhất có thể “phiên” ngang thành phó sở, hoặc giám đốc sở, hoặc vụ phó, vụ trưởng, từ đó có thể leo cao hơn nữa, kiếm bẫm hơn nữa.
Nhưng không phải tổng biên tập nào cũng xài được chiêu này. Vì muốn tống tiền thiên hạ thì phải bắt được thóp người ta cái đã. Cái thóp ấy là những việc làm trái pháp luật, trái đạo đức của những người tai to mặt lớn hoặc có rất nhiều tiền. Ví dụ một quan chức nâng giá hợp đồng với nhà nước (như vụ KIT test Việt Á vừa rồi chẳng hạn) để chiếm đoạt phần chênh lệch. Hoặc những vụ đòi hối lộ mới làm việc như chuyến bay giải cứu…
Các phóng viên giỏi nhất của các báo sẽ được giao nhiệm vụ điều tra những cá nhân, đơn vị “có mùi”, để phanh phui sự thật trên mặt báo. Hầu hết họ đều tự nguyện làm việc với niềm tự hào, vì lên tiếng cảnh báo và vạch trần cái xấu, cái ác nhằm bảo vệ xã hội chính là một sứ mệnh của báo chí.
Nhưng nếu cấp trên của họ là kẻ ngụy quân tử hoặc gian tham thâm hiểm thì lý tưởng và sự cống hiến, thậm chí hy sinh vì nghề nghiệp của các nhà báo trung thực sẽ trở thành chiếc đệm lót chân sang trọng mang lại tiền tài danh vọng cho các cấp trên (đáng kính!) của họ.
Thích từ thiện, yêu đạo lý, mê tiền
Một phó tổng biên tập một báo lớn tại TPHCM từng bị một số phóng viên “tố” là cướp trắng công sức của không ít phóng viên điều tra mới vào báo, hoặc đang làm việc dưới quyền. Họ theo đuổi những loạt bài điều tra công phu và nguy hiểm hàng nhiều tháng ròng. Làm báo, ai chẳng muốn người đọc biết đến tên mình, nhất là với những bài báo gây chấn động dư luận. Nhưng để bảo mật thông tin và giữ an toàn cho phóng viên, họ chỉ ký dưới loạt bài bút danh chung chung “Nhóm nhà báo”, ngoài nội bộ ra thì cực ít người biết người viết là ai. Nhưng đến bài cuối, vị phó tổng biên tập đột nhiên thò tay vào, lấy quyền cấp trên sửa sang chút ít câu chữ, diễn đạt… trong bài viết rồi ngang nhiên ký rõ nét, đầy đủ họ tên mình bên cạnh tên tác giả.
Người làm báo hiểu ngay, hành động đó là để tạo lập danh tiếng trong làng báo. Cạnh đó, nó là cú đập cửa rất to, rất rõ đối với doanh nghiệp/cơ quan/cá nhân… đang bị phanh phui tiêu cực. “Tao đây, chúng mày biết cái gì cần làm và phải gặp ai rồi đấy”. Phóng viên bị cướp công sức và danh tiếng chỉ biết tức nghẹn, nhưng ai dám phản đối cấp trên trực tiếp, lại đang có danh “nhà báo điều tra” nổi tiếng? Tố ra, ai tin họ?
Cái chiêu lấy bài của phóng viên, rồi gửi, thậm chí đọc trực tiếp cho đương sự nghe (để sau đó phải biết điều), vị phó tổng biên tập này cũng làm rất quen tay. Bị phát hiện, ông ta cuống quýt né gió bằng cách nhờ doanh nghiệp đổi thành quà từ thiện cho một trường học. Trong đó, doanh nghiệp buộc phải “từ thiện” cho ông ta bao nhiêu thì (không phải chỉ mình) ông ta biết.
Tiền bạc và cả cái sự gọi là thích từ thiện (bằng tiền của người khác) của vị phó tổng biên tập nổi tiếng này bắt đầu từ những sự việc như vậy.
Tổng biên tập một tờ báo khác (đã chuyển) thì từng nổi tiếng về sự… chậm và không trả lương cho phóng viên. Khi họ đòi hỏi và thắc mắc, vị này thản nhiên buông thõng: “Các cô mà còn phải sống bằng nhuận bút à?”. Các nữ phóng viên của tờ báo không dám hỏi lại theo sếp thì phụ nữ làm báo nên sống bằng tiền gì mới phải!
Sau này, vị nọ lại trở nên nổi tiếng về sự … thích nói đạo lý.
Dùng cán bút làm đòn xay doanh nghiệp
Những tổng biên tập kém sắc sảo hơn thì bán mình trọn gói cho doanh nghiệp lớn nào đó, thực sự làm chân làm tay, luôn luôn chạy các tin bài ca ngợi doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp đó tận mây xanh. Đặc biệt khi doanh nghiệp có những sự việc hoặc tin đồn bất lợi thì “báo nhà” xù lông xù cánh lên bảo vệ bất chấp, “đập tan các luận điệu phản động”. Thù lao cho hợp đồng nằm trong hai gói: Một, công khai, trả cho tờ báo dưới danh nghĩa các gói tài trợ, quảng cáo. Hai, cho cá nhân tổng biên tập, bằng tiền và những chuyến đi nước ngoài ăn chơi bét nhè, miễn phí toàn bộ chi phí còn kèm thêm tiền tiêu vặt và quà mang về.
Dưới trướng những tổng biên tập lính đánh thuê dĩ nhiên là một đội lính đánh thuê thấp cấp hơn nhưng độ thô thiển và tham lam chỉ hơn không kém. Tôi từng làm việc với hai phóng viên của hai tờ “báo nhà” được triệu từ Hà Nội vào Sài Gòn để bàn tính cứu một doanh nghiệp lớn đang có nhiều tai tiếng về một mảng kinh doanh. Ngay cả khi “chủ tử” là giám đốc truyền thông của doanh nghiệp còn băn khoăn về mức độ đưa tin vì cái sai thuộc về doanh nghiệp thì hai anh phóng viên nọ đã đập bàn quả quyết: “Đánh, phải đánh, chị cứ để bọn em, tí nữa lên bài luôn, tối nay em gửi cho mấy báo quen nữa”. Hoàn toàn phơi bày bản chất đánh thuê và ti tiện, không hề có bước xác minh nào, bất chấp đó là thông tin bịa đặt. Tôi còn nhớ rõ giọng nói khinh thường của anh phóng viên già hơn trong hai người khi tôi yêu cầu không được dùng thông tin đó trong bài viết: “Anh thì biết cái gì, cần gì phải có thật!” (lúc ấy họ không biết tôi làm việc trong doanh nghiệp mà nghĩ tôi cũng là lính đánh thuê giống họ).
“Đánh cho nó một bài”-tôi rất thường nghe câu dọa dẫm này từ phía các nhà báo/phóng viên đánh thuê.
-Giàu thế mà cả năm nó không cho mình một cái quảng cáo. Để kỳ này đánh cho nó một bài!
-Bọn này kiêu lắm, ỷ có ông A ông B bảo kê, không thèm chơi với mình. Để đánh cho nó một bài, xem còn láo không!
-Đánh cho nó một bài, ngoan ngay ấy mà!
Thật đúng là “Dùng cán bút làm đòn xay doanh nghiệp” (nhại câu Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ của Sóng Hồng - bút danh của Tổng bí thư Trường Chinh).
Trong làng báo, người ta kể vanh vách anh Trưởng ban kinh tế của tờ báo nổi tiếng nọ được doanh nghiệp bất động sản tặng mấy căn hộ cao cấp ở những đâu những đâu; anh Trưởng văn phòng đại diện của báo kia được đồng nghiệp đặt hỗn danh “Bàn tay đẫm máu cá basa” (đánh thuê cho doanh nghiệp, tung tin gây tổn thất cho nông dân nuôi cá) như thế nào, một nhóm nhà báo có tiếng lập hội đánh thuê cho bất cứ ai trả tiền cao, từ nhân vật chính trị cho đến nhãn hàng…
Nhưng “xay doanh nghiệp” là chuyện nhỏ. Các lính đánh thuê xay cả nhân sự lãnh đạo cao cấp. Họ tham gia vào những trò hạ bệ, tâng bốc, dìm dập nhau của các tai to trước những kỳ đại hội Đảng có sắp xếp nhân sự cho bộ máy cấp cao. Người đọc nhà nghề chỉ cần ngửi mùi là biết ngay những cần câu nào đang được thả: Các tờ báo thi nhau đăng dày đặc tin tức về một cá nhân nào đấy mà trước đó rất chìm. Thậm chí như đã kể-không cần hoàn toàn chính xác, các quan báo đánh thuê pha trộn nửa thật nửa giả vào các tin đồn xấu về đối thủ của “chủ tử”, rồi tung lên kín các mặt báo và mạng xã hội. Chiêu này nhẹ nhàng nhưng nếu tổ chức tốt việc nội ứng ngoại hợp thì hiệu quả to vô cùng: Cá nhân sáng giá lập tức bị dừng quá trình bầu bán hay chọn làm việc, cho đến khi tin đồn được giải tỏa. Nhưng được vạ thì má đã sưng tấy: trong quá trình xác minh tin đồn về anh thì ai đã ngồi vào ghế ấy xong xuôi cả rồi.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước
Nhận xét
Đăng nhận xét