Vợ hỏi ‘nghề nội trợ được thưởng Tết bao nhiêu’, chồng nghe xong tái mặt
Hai năm liên tiếp, ông xã không cho tôi về Tết bên ngoại mà chỉ vun vén lo tiền lì xì, quà cho nhà chồng. Không thể nín nhịn, tôi vùng lên đòi quyền lợi, yêu cầu chồng thưởng Tết.
Có những lựa chọn, mình biết là sai lầm nhưng ở thời điểm ấy, chẳng có con đường nào khác để đi. Đó là tôi của 5 năm trước, lúc quyết định nghỉ việc, ở nhà chăm con, làm nội trợ.
Sau 3 năm kết hôn, vợ chồng tôi nhờ thụ tinh nhân tạo mới có con gái đầu lòng. Đứa con này là món quà quý giá mà vợ chồng tôi trong ngóng suốt mấy năm trời. Vì vậy, chúng tôi muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con.
Lúc tôi sinh con, bố mẹ hai bên không hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần. Vợ chồng tôi thay nhau chăm con và làm việc.
Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì hiệu quả làm việc của chúng tôi sẽ giảm đáng kể. Thu nhập và vị trí đang có khó có thể duy trì.
Trong tình thế đó, ông xã đề nghị tôi nghỉ việc, ở nhà chăm con. Anh tập trung làm việc và làm thêm bên bất động sản.
Tôi băn khoăn, lo lắng một ngày nào đó mình trở thành kẻ ăn bám trong mắt chồng. Thế nhưng, anh khẳng định hiểu những hy sinh của tôi, không bao giờ có ý nghĩ khinh thường vợ.
Thời gian đầu, sau giờ làm, anh tranh thủ về sớm, chơi với con để tôi lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Anh kể cho tôi nghe chuyện công việc, đồng nghiệp ở công ty. Điều đó khiến tôi vui vẻ, cảm giác mình không bị bỏ lại phía sau.
Một năm sau, anh thường lấy lý do ra ngoài gặp đối tác để nhậu nhẹt đến khuya. Tất cả việc nhà, chăm con đều một mình tôi quán xuyến.
Những lúc con bệnh, tôi thực sự mệt mỏi đến mức muốn buông xuôi. Vậy mà, anh còn nhậu say, về nôn khắp giường. Tôi phải thức trắng đêm lau dọn nhà cửa, nấu mì, pha nước chanh… cho anh.
Không được chồng san sẻ việc nhà, tôi tự nhủ, mỗi người một việc, anh đi làm vất vả, kiếm tiền thì mình làm hậu phương. Tôi chọn khi buồn thì khóc một trận, rồi tiếp tục chịu đựng. Tôi không dám to tiếng hoặc yêu cầu chồng thay đổi.
Tết năm ngoái, dịch bệnh, công ty của anh cắt giảm lương thưởng. Thế nên, anh chọn về nội ăn Tết cho đỡ tốn kém.
Điều lạ là anh nói công ty giảm lương thưởng nhưng những khoản mua sắm quà cáp, tiền lì xì cho nhà chồng không thiếu món nào.
Còn nhà ngoại, anh đưa tôi 500 nghìn đồng, bảo mua giỏ quà gửi về quê. Tôi rất tủi thân, muốn mua thêm vài thứ nhưng trong người không có tiền riêng.
Từ ngày nghỉ làm, tôi luôn ngửa tay xin tiền chồng. Ngoài các khoản tiền chợ, tã sữa, thuốc men, tôi cần mua đồ lót, cắt tóc, làm móng… thì phải chờ chồng cho tiền.
Năm nay, chồng tôi sử dụng “điệp khúc” công ty cắt giảm lương thưởng và tiếp tục chọn về nội mùa Tết. Tôi cố nén cơn giận, hỏi anh chuyện sắp xếp quà Tết cho nội ngoại.
Và, đúng như tôi dự đoán, nhà ngoại chỉ có giỏ quà trị giá 500 nghìn đồng, còn nhà nội được chi không thiếu một khoản nào.
Tôi trách chồng sống không công bằng, bên trọng bên khinh, năm ngoái về nội thì năm nay về ngoại. Nghe thế, chồng tôi nổi máu gia trưởng, to tiếng: “Tôi làm ra tiền thì bố mẹ, anh chị bên tôi phải được phần hơn”.
Tôi chỉ chờ câu nói đó để trút hết uất ức bao năm. Tôi hỏi anh: “Nội trợ thì không phải làm việc sao? Tôi ở nhà làm tất cả những việc không tên để anh yên tâm kiếm tiền.
Tôi làm nhiều hơn cả người giúp việc, vừa làm vợ vừa làm mẹ. Vậy mà, anh khẳng định chỉ có anh làm ra tiền.
Nếu anh đã sòng phẳng như thế thì làm ơn tính xem phải trả lương, thưởng Tết công cán “nội trợ” của tôi là bao nhiêu?
Tôi sẽ dùng đúng số tiền đó để về thăm bố mẹ, lì xì cho các cháu của tôi. Tôi thề chẳng chìa tay xin anh thêm một đồng nào nữa”.
Nói xong, tôi quay sang chồng thì thấy anh tái mặt, không nói nên lời. Tôi không rõ anh đã hiểu nỗi khổ, vất vả của vợ hay chưa.
Nhưng, tôi chắc chắn mình đã nói và làm đúng. Anh cần phải biết dù làm nội trợ, tôi vẫn có quyền tiêu tiền anh làm ra.
Độc giả Hương Lan
Nhận xét
Đăng nhận xét