Doanh thu vũ khí Mỹ đạt kỷ lục do tác động từ chiến tranh Ukraine
- Max Matza
- BBC News
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đẩy nhu cầu vũ khí tăng vọt, qua đó giúp doanh thu bán vũ khí ra nước ngoài của Mỹ đạt kỷ lục 238 tỷ USD trong năm 2023.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, chính phủ nước này đã trực tiếp thực hiện đàm phán 81 tỷ USD trong tổng doanh thu, tăng 56% so với năm 2022.
Phần còn lại đến từ hoạt động bán hàng trực tiếp của các công ty quốc phòng Mỹ cho nước ngoài.
Nước láng giềng của Ukraine là Ba Lan, hiện đang trong quá trình mở rộng quân đội, nằm trong số những khách hàng mua sắm vũ khí lớn nhất của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ba Lan đã chi 12 tỷ USD mua lô trực thăng Apache, 10 tỷ USD cho Hệ thống Pháo phản lực di động cao (Himars) và 3,75 tỷ USD cho xe tăng M1A1 Abrams.
Ngoài ra, Ba Lan này còn chi 4 tỷ USD cho Hệ thống Chỉ huy Tác chiến Phòng thủ Tích hợp Phòng không và Tên lửa.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã cam kết sẽ tiếp tục chương trình hiện đại hóa quân đội của chính phủ bảo thủ tiền nhiệm, với mục tiêu biến Ba Lan thành "lực lượng lục quân hùng mạnh nhất châu Âu".
Cùng lúc, Đức đã chi 8,5 tỷ USD mua trực thăng Chinook, Bulgaria chi 1,5 tỷ USD mua xe bọc thép Stryker và Na Uy chi 1 tỷ USD mua trực thăng đa nhiệm.
Cộng hòa Czech chi 5,6 tỷ USD mua máy bay chiến đấu F-35 và đạn dược.
"Chuyển giao vũ khí và thương mại quốc phòng là những yếu tố quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ và có khả năng tác động lâu dài đến an ninh quốc tế và khu vực," báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm thứ Hai cho biết.
Doanh thu bán hàng tăng cao cũng còn xuất phát từ việc các nước quay lưng lại với Nga – vốn là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai sau Mỹ trong nhiều thập kỷ, theo bà Mira Resnick, chủ nhiệm văn phòng chuyển giao vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.
Phát biểu với tờ Politico, bà Mira Resnick nhận định “ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang và sẽ tiếp tục thất bại” và các nhà sản xuất vũ khí Nga đang "mất đi những nguồn tài nguyên từ nước ngoài", chẳng hạn tiền mặt.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden lập luận rằng việc Hoa Kỳ ủng hộ Ukraine đã giúp thúc đẩy nền kinh tế nội địa thông qua hoạt động bán vũ khí.
Tuy nhiên, giới lập pháp Mỹ ngày càng muốn chấm dứt việc hỗ trợ trực tiếp cho Ukraine. Nhiều thành viên phe Cộng hòa yêu cầu xem xét việc hỗ trợ này song song với việc cải tổ chính sách nhập cư.
Vào thứ Tư (31/1), Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ đến thăm cơ sở sản xuất tên lửa Lockheed Martin ở Alabama, mong muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đối với liên minh này.
Bên ngoài châu Âu, báo cáo về vũ khí cho thấy Hàn Quốc đã chi 5 tỷ USD mua máy bay F-35 và Úc chi 6,3 tỷ USD mua máy bay C130J-30 Super Hercules. Nhật Bản cũng đã đạt thỏa thuận 1 tỷ USD cho một máy bay cảnh báo sớm trên không E-2D Hawkeye.
Nhận xét
Đăng nhận xét