Biết nghe sự thật khó hơn - https://baotiengdan.com
Lưu Trọng Văn
29-1-2024
Sáng qua, bí thư thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên gặp gỡ một số trí thức văn nghệ sĩ theo lời mời của Viện Nghiên cứu Phương Đông.
Ông Nên chân thành và mộc mạc nói: “Hôm nay coi tờ lịch ngày 28.1.2024 có dòng chữ: ‘Những tình yêu chân thành thường không bằng phẳng’. Có nghĩa là tình yêu chân thành thường gặp chuyện này, chuyện khác. Chúng ta cũng vậy. Yêu nước, yêu quê hương, yêu nghề chắc chắn gặp bao gập ghềnh không bằng phẳng. Hôm nay gặp các anh chị tôi chỉ muốn nghe, kể cả những điều không bằng phẳng“.
Đạo diễn Xuân Phượng, tuổi tròn 95, nói ngắn gọn: Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng. Trước đây anh Sáu Dân rất mở lòng nghe sự thật. Giờ em muốn nghe những người chỉ nói sự thật thì quý hoá quá Nên à!
Tiếp theo gã được mời nói. Gã gọn lỏn vài điều: Các cụ dạy học ăn học nói. Tôi nghĩ học thở trước học ăn. Thở quan trọng hơn. Học nghe trước học nói. Nghe quan trọng hơn. Anh Nên muốn nghe là rất quý. Nghe, lắng, lặng, suy, nghĩ, rồi mới nói. Mà đã nói thì nói thật. Lãnh đạo TP luôn muốn TP này sống chân tình. Con người ta chỉ thể hiện sự chân tình bằng không dối trá nhau. Chỉ nói sự thật mới chân tình. TP mình có thể chưa là TP giàu có nhất, chưa là hòn ngọc Viễn Đông này nọ, nhưng ráng phấn đấu là TP ở đó mọi người nói thật với nhau. Như vậy là TP đáng sống lắm rồi.
Trần Mạnh Hảo đọc thơ “Tổ quốc và Tình yêu”. Rồi Hảo nói, thơ là tiếng nói tình cảm chân thật của nhà thơ. Trước sự thật đau buồn của Nhân dân, thơ không thể ngoài cuộc. Tôi ở quê tôi hay ở nơi khác sau 1975 có thể bị bắt vào tù rồi vì làm những bài thơ như Khóc Nguyên Hồng. Nhờ ông Võ Văn Kiệt bí thư thành uỷ rất bao dung. Khi có lệnh bắt tôi vì những bài thơ tôi nói sự thật, ông Kiệt đã ngăn lại. Ông bảo TP này phải là nơi chia sẻ được nhiều khác biệt.
Nguyễn Duy đọc bài thơ “Đánh thức tiềm lực” nói về sự dối trá, xu nịnh, về những sự ru ngủ dẫn đến tiềm lực bị ngủ yên. Nguyễn Duy nói: Biết nói sự thật đã khó. Biết nghe sự thật còn khó hơn.
Bí thư Nên lắng nghe thơ Trần Mạnh Hảo nói về mất mát hy sinh của dân tộc. Ông rơm rớm nước mắt rồi bắt tay Trần Mạnh Hảo. Ông chăm chú nghe thơ Nguyễn Duy rồi nói: Bài thơ làm cách đây 40 năm mà giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Trước khi vào cuộc trao đổi, bí thư Nên đến bên Nguyễn Nhật Ánh, đưa một cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh nhờ ký tặng cho đứa cháu. Ánh nói, nhận sách của mình từ tay ông bí thư thành uỷ mà lo ngại, sợ đó là sách giả. Rất vui đây là sách thật. Ánh nói, đã chuẩn bị tinh thần nếu đó là sách giả thì sẽ không ký tặng. Không thể tiếp tay cho bọn làm hàng giả được. Ánh kể, một lần tiếp xúc bạn đọc, khi bạn đọc đưa sách ký thì phát hiện hơn một nửa là sách giả. Một lần ba nhà làm phim bàn chuyện làm phim về truyện của Ánh, cả ba đưa ra ba cuốn sách của Ánh để xin chữ ký thì cả ba cuốn đều là sách giả.
Bí thư Nên lặng người đi trước sự thật Nguyễn Nhật Ánh kể. Ông nói: Đó là trách nhiệm của tôi, tôi đây có nghĩa là những người lãnh đạo TP. Sự thật không thể có được khi cái dối trá lấn lướt. Vừa rồi anh Nguyễn Nhật Ánh nói nhà văn cứ làm bổn phận của mình là viết văn. Nhưng tôi nghĩ, cuộc sống này đòi hỏi mọi người liên kết nhau. Anh nghĩ viết văn là đủ bổn phận nhưng ai bảo vệ anh khi anh viết lên sự thật? Ai bảo vệ anh khi sách anh bị in lậu? Đảng đang khuyến khích bảo vệ những giá trị thật, bảo vệ những người dám nói thật, dám làm thật. Sự dối trá, xu nịnh như thơ anh Nguyễn Duy lên án hơn 40 năm trước, tiếc thay vẫn còn đó.
Sau khi lắng nghe, chăm chú ghi chép nhiều ý kiến nữa của một số văn nghệ sĩ, bí thư Nên nói ngắn gọn: Để có kiến thức thì phải đọc. Nhưng phải có kiến thức thì mới đọc được. Nhà văn Bích Ngân vừa nhắc chuyện tôi tặng ông đại sứ Mỹ cuốn “Thời xa vắng” của Lê Lựu. Tại sao tôi chọn tặng ông đại sứ cuốn tiểu thuyết đó? Tôi đọc “Thời xa vắng”, phải đọc ba lần tôi mới hiểu được sự thật nhà văn muốn nói: Nửa đời đầu yêu cái người khác yêu. Nửa đời sau yêu cái mình không có. Vậy là hết… mẹ đời rồi. Cuối cùng mới trở về cái mình có… Đó, ông nhà văn ám chỉ đất nước mình đó, rồi cũng nhận ra mình, đi lên, thì quá chậm rồi. Tôi bảo ông đại sứ, đọc cuốn này ông sẽ hiểu hành trình của đất nước tôi.
Hôm nay có mời nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Anh Trình Quang Phú người đứng ra tổ chức cuộc gặp này nói, anh Tuấn bệnh không đến được. Tôi hồi trẻ đọc “Cù lao Tràm”, đọng lại trong tôi cái sự quy tụ tài năng, trí tuệ. Muốn quy tụ được tài năng, trí tuệ phải có tư duy vượt lên. Tôi nhớ nhất lời thoại này của nhân vật: “Dường như khi cái mục đích ích kỷ xâm chiếm con người thì mối quan hệ tình cảm, tâm hồn, chính kiến và đạo lý đều được phân giải giản đơn trong vạch đen”. Lời thoại rất đơn giản, đời thường, khi sự ích kỷ rơi vào mình thì mọi thứ khác bị phân giải.
Tôi đọc “Gánh gánh gồng gồng”của cô Xuân Phượng, ngẫm nghĩ câu này, cả cuộc đời cô Phượng gian khổ cùng kháng chiến, gặp lại mẹ, mẹ hỏi: Con theo mấy ông đó chi cho khổ?
Đọc và ngẫm nghĩ nhiều lắm. Đọc của các anh chị được các anh chị truyền lửa cho. Đọc để hiểu cái mình chưa làm được còn nhiều lắm, vẫn ở phía trước.
Vừa rồi tôi gặp cụ Nguyễn Đình Tư, tôi hỏi cụ đang viết gì? Cụ bảo đang viết các bộ sử các địa phương, xong rồi sẽ viết về cuộc đời tôi: Kiếp người. Tôi thưa với cụ: Xin cụ viết cuốn “Kiếp người” trước ạ. Cần lắm một cuốn sách như thế: Kiếp người!
_______
Một số hình ảnh của tác giả:
Nhận xét
Đăng nhận xét