Vợ chồng y bác sĩ 15 năm nấu cơm, bỏ tiền túi xây nhà lưu trú 0 đồng cho bà con nghèo ở TP.HCM

 Thời sự 31/01/2024 09:54

(Tổ Quốc) - Ngoài việc tham gia cứu chữa người bệnh, nhiều năm nay vợ chồng lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy và bác sĩ Lê Thanh Nga còn bỏ tiền túi ra nấu cơm, xây nhà lưu trú 0 đồng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Current Time0:04
/
Duration3:36
HD
Auto

Lòng tốt quanh ta: Vợ chồng y bác sĩ 15 năm nấu cơm, xây nhà lưu trú 0 đồng cho bệnh nhân nghèo

15 năm nấu cơm, lo chuyện bao đồng

10h trưa, sau một buổi sáng tất bật nấu hơn 200 suất cơm, bác sĩ Lê Thanh Nga cẩn thận vào hộp, sắp ngay ngắn trên bàn rồi chờ cô chú bán vé số, người khuyết tật đến nhận cơm.

Dưới cái nắng gay gắt của TP.HCM những ngày cuối năm, nhìn từng dòng người xếp hàng, cầm trên tay những phần cơm trưa rồi cúi đầu cảm ơn khiến bác sĩ Nga vô cùng xúc động.

Cứ đều đặn thứ 3 - 5 tại số 63 đường Man Thiện, vợ chồng bác sĩ Nga lại chuẩn bị hàng trăm phần thức ăn để phát cho mọi người

"Lúc trước tôi làm ở bệnh viện, tận mắt chứng kiến những bệnh nhân ở tỉnh xa về, nhiều người không có điều kiện nên chỉ ăn uống qua loa rồi uống thuốc. Thấy vậy tôi mới nảy ra ý định nấu cơm, cháo miễn phí để phát cho bệnh nhân ở bệnh viện và người khó khăn, khuyết tật. Thoắt một cái đã 15 năm, tôi thấy thật sự hạnh phúc khi bản thân đã góp một phần nhỏ giúp đỡ mọi người", bác sĩ Lê Thanh Nga chia sẻ.

Theo bác sĩ Nga, sau khi ra trường và công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, bác sĩ Nga quyết định nghỉ việc để về phụ giúp chồng là lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy làm bên dược liệu. Từng trải qua khoảng thời gian khó khăn khi bị hở van tim 2 lá, thời gian nằm viện nhiều hơn ở nhà nên khi cuộc sống thoải mái hơn, bác sĩ Nga dành hết tâm huyết để giúp đỡ những người kém may mắn.

Vợ chồng y bác sĩ 15 năm nấu cơm, xây nhà lưu trú 0 đồng: "Tôi làm không để đánh bóng tên tuổi, tôi làm vì bệnh nhân nghèo" - Ảnh 3.

Bác sĩ Nga đã có hơn 15 năm gắn với công việc nấu cơm 0 đồng cho người dân, bệnh nhân nghèo

"Lúc còn sinh viên, tôi có lập nhóm Y bác sĩ thiện nguyện vì người nghèo rồi duy trì đến nay, mỗi tuần tôi nấu cơm phát tại nhà vào thứ 3-5, riêng chủ nhật thì vợ chồng tôi phát cháo tại các bệnh viện. Dù đôi lúc bản thân tôi gặp không ít khó khăn, mệt mỏi nhưng chỉ cần nghĩ đến bệnh nhân nghèo, tôi lại tự động viên mình cố gắng", nói đoạn, bác sĩ Nga trầm ngâm, đôi mắt đỏ hoe.

"Một số người không hiểu nói tôi làm để đánh bóng tên tuổi, nhưng tôi nghĩ nếu mình cứ nghe những lời tiêu cực đó rồi buông tay thì những người nghèo, đối tượng khó khăn lại thiệt thòi. Vậy nên ai nói gì mặc kệ, tôi làm đúng bằng cái tâm của mình, chỉ cần giúp được người nghèo là tôi cảm thấy hạnh phúc rồi", bác sĩ Nga trải lòng.

Những người đến nhận cơm hầu hết là các cô chú bán vé số lớn tuổi, khuyết tật

Bỏ tiền túi xây nhà lưu trú 0 đồng

Để có nguồn kinh phí duy trì bếp ăn, vợ chồng bác sĩ Nga quyết định dành riêng một căn nhà cho thuê để lấy tiền nấu cơm cho bệnh nhân nghèo. Ngoài ra, một số anh chị em, bạn bè biết được hoạt động ý nghĩa của vợ chồng bác sĩ Nga và nhóm Y bác sĩ thiện nguyện vì người nghèo nên cũng chung tay hỗ trợ. Ai có gạo góp gạo, lâu lâu lại tặng thịt cá, rau củ đến bếp ăn.

"Mỗi lần phát cơm, cháo, nhìn những nụ cười, nước mắt hạnh phúc của các cô chú lớn tuổi bán vé số, khuyết tật, bệnh nhân nghèo, tôi hạnh phúc lắm. Đó cũng là nguồn động viên giúp bản thân tôi tiếp tục", bác sĩ Nga chia sẻ.

Vợ chồng y bác sĩ 15 năm nấu cơm, xây nhà lưu trú 0 đồng: "Tôi làm không để đánh bóng tên tuổi, tôi làm vì bệnh nhân nghèo" - Ảnh 5.

Nụ cười hạnh phúc của bác sĩ Nga khi tận tay trao yêu thương đến với mọi người

Với những ấp ủ to lớn dành cho bệnh nhân nghèo, sau một thời gian dài trì hoãn vì dịch bệnh, năm 2022, vợ chồng bác sĩ Nga quyết định xây nhà lưu trú 0 đồng để hỗ trợ cho các bệnh nhân ở xa, không có chỗ ăn ở trong quá trình điều trị bệnh.

Căn nhà trọ rộng hơn 100m2 ở phường Phước Long (TP. Thủ Đức) sau hơn 1 năm hoạt động đã trở thành mái nhà chung cho rất nhiều bệnh nhân nghèo.

Bên trong căn nhà lưu trú lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười

Ôm đứa con trai 9 tuổi bị não úng thủy vào lòng, anh Phạm Minh Tiến (quê Kiên Giang) xúc động: "Cũng nhờ bác Nga cho 2 cha con anh ở đây, có được chỗ ăn ở như thế này anh hạnh phúc lắm. 5 năm rồi, 2 cha con cứ rong ruổi ở bệnh viện, lúc có tiền thì bắt xe đò về quê, lúc không tiền thì nằm hành lang bệnh viện để đợi đợt điều trị tiếp theo. Khổ cực lắm nhưng anh vẫn luôn cố gắng, đi cứu chữa cho cháu đến lúc cháu không còn ở với mình nữa…".

Vợ chồng y bác sĩ 15 năm nấu cơm, xây nhà lưu trú 0 đồng: "Tôi làm không để đánh bóng tên tuổi, tôi làm vì bệnh nhân nghèo" - Ảnh 7.

Anh Tiến xúc động khi 2 cha con được lưu trú trong căn nhà tình thương của vợ chồng bác sĩ Nga

Trong khi đó, ngoài việc được hỗ trợ chỗ ăn ở miễn phí, bà Nguyễn Thị Lan (quê Đắk Lắk) vô cùng biết ơn vợ chồng bác sĩ Nga khi đã tận tình hỗ trợ, tập trị liệu giúp sức khỏe bà ngày một tốt hơn.

"Trước bà bị mệt nhiều lắm, giờ tập thể dục của 2 bác thấy khỏe hơn hẳn. Cứ nửa tháng bà lại lên bệnh viện điều trị 1 lần, có nhà lưu trú của vợ chồng bác Nga, bà đỡ nhiều lắm. Ở đây ai cũng vui vẻ, hòa đồng, đó cũng là động lực để bà điều trị bệnh", bà Lan chia sẻ.

Vợ chồng y bác sĩ 15 năm nấu cơm, xây nhà lưu trú 0 đồng: "Tôi làm không để đánh bóng tên tuổi, tôi làm vì bệnh nhân nghèo" - Ảnh 8.

Bà Lan phấn khởi vì bản thân đã có chỗ ăn ở miễn phí sau thời gian dài điều trị bệnh

Nhìn thấy những cô chú, bệnh nhân lớn tuổi, khó khăn có chỗ ăn ở miễn phí, chung sống trong nhà lưu trú như anh em một nhà, hết mình hỗ trợ nhau, bác sĩ Nga xúc động.

"Nhìn các cô chú có chỗ ăn, chỗ ở, đó là niềm hạnh phúc to lớn của tôi suốt hơn 1 năm nay. Tôi hi vọng bản thân có đủ sức khỏe để duy trì được việc phát cơm, nhà lưu trú cho người dân, bệnh nhân nghèo. Đồng thời tôi cũng mong có thêm sự đồng hành của mọi người để những việc làm này ngày một lan tỏa hơn, giúp đỡ, hỗ trợ cho nhiều bệnh nhân hơn. Tôi chỉ ước vậy thôi", bác sĩ Nga cười hiền hậu.

Bác sĩ Nga mong rằng bản thân có đủ sức khỏe, tài chính để lan tỏa tình yêu thương đến nhiều người hơn nữa...

Với tấm lòng thiện nguyện suốt nhiều năm qua, ngoài những bằng khen, giấy chứng nhận, năm 2023, nhóm Y bác sĩ thiện nguyện vì người nghèo do bác sĩ Lê Thanh Nga làm trưởng nhóm đã vinh dự là 1 trong 10 tập thể được vinh danh ở giải thưởng Tình nguyện quốc gia do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.

Đây cũng là nguồn khích lệ to lớn để vợ chồng y bác sĩ Lê Thanh Nga  và nhóm Y bác sĩ thiện nguyện vì người nghèo cố gắng hơn nữa trong việc mang yêu thương, sẻ chia đến với mọi người.

Trúc Lam - Trúc Linh

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?