Điểm báo
RFI
Phản kháng của nông dân Pháp: Gắn nông nghiệp với bảo vệ sinh thái là lối thoát
Phong trào nông dân Pháp phong tỏa thủ đô và chính sách chung của tân thủ tướng dự kiến được công bố chiều hôm nay 30/01/2024, với tâm điểm được trông đợi là nông nghiệp và công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, là các chủ đề nổi bật của nhiều nhật báo Pháp hôm nay.
Đăng ngày:
Le Monde chạy tựa trang nhất : ‘‘Khủng hoảng nông nghiệp, cuộc đọ sức tiếp diễn’’. Tuy chính phủ đã có một số nhượng bộ ban đầu, giới nông dân Pháp tiếp tục gây sức ép, để đòi chính quyền đưa ra các nhượng bộ bổ sung. Tân thủ tướng Gabriel Attal ‘‘liên tục có các cuộc tiếp xúc với nông dân, và sẵn sàng đưa ra các biện pháp mới để xoa dịu phong trào phản kháng’’. Bộ trưởng Nội Vụ chủ trương ‘‘ngăn chặn việc phong tỏa các địa điểm chiến lược, như khu chợ quốc tế Rungis, nhưng tránh đối đầu với nông dân’’.
Bài ‘‘Vì sao phong trào phản kháng của nông dân Pháp sẽ kéo dài’’ của Le Monde cho biết Liên đoàn quốc gia các nghiệp đoàn ngành nông nghiệp (FNSEA), tổ chức lớn nhất của giới nông dân Pháp, và nghiệp đoàn Nông gia Trẻ (JA) của vùng Ille-de-France đã đặt ra mục tiêu ‘‘phong tỏa’’ vùng thủ đô. Cụ thể là các rào cản trên tất cả các trục lộ chính hướng về Paris bắt đầu được dựng lên từ chiều qua. Nghiệp đoàn nông dân cánh tả Confédération paysanne, lớn thứ ba tại Pháp, chuẩn bị các cuộc tập hợp tại một số tỉnh để chuẩn bị cho một tuần phản kháng, sẽ bắt đầu với cuộc biểu tình tại Bruxelles, ngày 01/02.
Giá nông phẩm bị bắt chẹt, thỏa thuận mậu dịch tự do: ‘‘Các thủ phạm chính’’
Các quy định chặt chẽ liên quan đến sử dụng thuốc trừ sâu, giá hàng hóa nông phẩm bị bắt chẹt trên thị trường, và đặc biệt là các thỏa thuận thương mại tự do khiến hàng hóa nước ngoài, không tôn trọng các quy định của châu Âu tràn ngập trên thị trường đè bẹp các sản phẩm địa phương là các vấn đề nổi bật. Nghiệp đoàn bò thịt quốc gia FNB, một chi nhánh của FNSEA, tố cáo tình trạng 300.000 tấn thịt bò nước ngoài tràn ngập châu Âu. FNB hoan nghênh việc nước Pháp không ký kết thỏa thuận thương mại tự do Liên Âu – Nam Mỹ (Mercosur), nhưng lo ngại về các thỏa thuận khác.
Nghiệp đoàn Confédération paysanne - coi bảo vệ thu nhập của nông dân và bảo vệ môi trường là hai mục tiêu chính của cuộc tranh đấu - đòi chính quyền đưa ra các quy định về giá mua tối thiểu, không chấp nhận việc chỉ dừng ở biện pháp ‘‘cấm mua các sản phẩm dưới giá thành sản xuất’’, và ‘‘kêu gọi chính quyền loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, nhưng không được xâm phạm đến các quy định bảo vệ sức khỏe của nông dân, của người dân địa phương, bảo vệ các quyền lợi xã hội, bảo vệ hành tinh.’’
Chính phủ quá nhân nhượng: ‘‘Một trò chơi nguy hiểm’’
Về phong trào phản kháng của nông dân Pháp, nhật báo Công giáo La Croix bất đồng với đối sách của chính phủ. Bài xã luận nhan đề ‘‘Trò chơi nguy hiểm’’ chỉ trích chính phủ đã dung túng giới nông dân. Theo La Croix, chính phủ khi yêu cầu các lực lượng bảo vệ trị an ‘‘ứng xử kiềm chế’’ và liên tục đưa ra các giải pháp nhượng bộ ‘‘đã chuốc lấy hai nguy cơ’’. Thứ nhất là cho thấy chính phủ đã quá mềm dẻo với giới nông dân có máy kéo phong tỏa đường xá khác hẳn với giới y tá hay giáo viên. Thứ hai là, thái độ này khuyến khích một bộ phận nông dân kéo dài phong trào, bởi các biện pháp của chính phủ không bao giờ đáp ứng được các đòi hỏi đủ loại của giới nông dân, không chỉ liên quan đến thu nhập, hay gánh nặng hành chính, mà còn liên quan đến ‘‘bản sắc của chính nghề nông dân’’.
Tình hình càng nan giải hơn đối với chính phủ khi những người phản kháng ‘‘đang nhận được sự ủng hộ của dư luận’’. Theo La Croix, hy vọng chủ yếu hiện nay đặt vào ‘‘diễn văn về chính sách chung’’ của tân thủ tướng Attal chiều nay. 20 ngày sau khi nhậm chức, thủ tướng Attal sẽ vừa phải đưa ra các biện pháp cấp thời, nhưng ‘‘phải thể hiện được năng lực xây dựng được một chính sách nông nghiệp về dài hạn, và xác định rõ các lằn ranh đỏ mà những người phản kháng không được vượt quá’’. ‘‘Phần còn lại trong nhiệm kỳ của ông Atall tại phủ thủ tướng phụ thuộc vào điều này’’, La Croix kết luận.
Liệu tân thủ tướng ‘‘cầm cương trở lại được đất nước’’ ?
Tương tự như La Croix, Le Figaro tập trung sự chú ý vào bài diễn văn về chính sách chung của thủ tướng Attal trước Hạ Viện. Trang nhất Le Figaro ghi nhận bối cảnh không hề dễ dàng với tân thủ tướng 34 tuổi, khi hàng đoàn xe kéo của nông dân lũ lượt đổ về thủ đô. Chiều hôm qua, một số quan chức chính phủ đã từng đặt câu hỏi về việc liệu có nên duy trì diễn văn về chính sách chung của chính phủ như dự kiến trong bối cảnh căng thẳng này. Trước bài phát biểu, thủ tướng Attal ‘‘đã xông xáo khắp nơi tìm cách giảm nhẹ nỗi giận dữ của nông dân, nhưng vô ích’’. Việc bổ nhiệm nhiều thành viên trong nội các cũng bị đình lại cho đến cuối tuần này do phong trào nông dân.
Xã luận Le Figaro, với tựa đề ‘‘Attal phải chăng là một con người tự do ?’’, đặt hy vọng vào vị thủ tướng ‘‘trẻ’’, trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp, tràn đầy quyết tâm’’, có thể ‘‘cầm cương trở lại đất nước’’ trong một bối cảnh khủng hoảng chồng chất, từ phản kháng Áo Vàng, chống cải tổ hưu trí, bạo động các vùng ngoại ô, đến cuộc phản kháng của nông dân hiện nay…
Lên án ‘‘nền độc tài’’ của Liên Âu với ‘‘Green Deal’’
Theo Le Figaro, thách thức vô cùng khó vượt qua, một mặt bởi chính quyền hiện nay không có được đa số tại Quốc Hội, mặt khác, nước Pháp phải đương đầu với ‘‘sự cai trị của giới độc tài châu Âu’’. Nhật báo thiên hữu trực diện lên án dự án chuyển sang nền kinh tế xanh (Green Deal) của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, được ví như một ‘‘lò hơi ngạt giết người nhân danh vì sinh thái’’ đang dẫn tất cả ‘‘đi theo con đường giảm tăng trưởng’’.
Vì sao Le Figaro đặt tên bài xã luận ‘‘Attal phải chăng là một con người tự do’’? Người tự do hay người thoát khỏi thân phận nô lệ ngụ ý nói đến hy vọng của Le Figaro, về khả năng của tân thủ tướng có được một hành xử độc lập với tổng thống Emmanuel Macron, nổi danh với chủ trương thỏa hiệp (‘‘en même temps’’) và luôn kiểm soát chặt thủ tướng.
Điều sống còn là ‘‘kết hợp được nông nghiệp với bảo vệ môi sinh’’
Trái ngược với Le Figaro, nhật báo kinh tế Les Echos ủng hộ chủ trương của tổng thống kết hợp nông nghiệp với bảo vệ môi sinh. Bài ‘‘Làm thế nào liên kết được nông nghiệp với sinh thái’’ nhấn mạnh : ‘‘Cuộc khủng hoảng nông nghiệp hiện nay phải là một dịp cho một giai đoạn mới việc kết hợp được những ưu tiên của nông nghiệp với các ưu tiên của việc bảo vệ môi sinh’’. Nói một cách khác, thách thức đặt ra là : ‘‘Liệu có thể cùng lúc làm giảm nỗi giận của người nông dân nhưng không chặn đứng công cuộc chuyển sang nền kinh tế xanh ?’’. Tổng thống Macron, trong cuộc họp chính phủ hôm qua, đã xác định ‘‘không được đối lập hai mục tiêu này’’. Thách thức là vô cùng lớn, nhưng theo Les Echos, có nhiều khả năng thực hiện được việc này.
Chính phủ dường như đang hành động theo hướng này
Hành động của tân thủ tướng trong những ngày vừa qua cho thấy đây là hướng đi có triển vọng. Trong số các biện pháp đáp ứng một số đòi hỏi của nông dân phản kháng đã không có các biện pháp ngược lại các quy định về bảo vệ môi sinh đã được các nước châu Âu thông qua, ví dụ như về các khu vực cấm sử dụng thuốc trừ sâu (ZNT – zones de non traitement), vốn là một đòi hỏi chủ yếu của Liên đoàn FNSEA, liên hiệp các nghiệp đoàn nông nghiệp lớn nhất nước Pháp. Thủ tướng Attal cũng đã ‘‘tránh né mọi biện pháp có thể bị lên án là biểu hiện cho một bước lùi quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ môi trường’’.
Việc điều hòa các mục tiêu vì nông nghiệp và vì sinh thái về mặt nguyên tắc là có khả năng xét theo thành phần các thành viên chính phủ được huy động vào nỗ lực chung này, trước hết việc việc huy động được sự tham gia của hai bộ trưởng Nông Nghiệp và bộ trưởng Sinh Thái, hai bộ trưởng Tư Pháp và bộ trưởng Nội Vụ, các bộ vốn thường xuyên ở trong thế đối đầu. Lần này, theo Les Echos, nếu lắng nghe họ, chúng ta ‘‘ngạc nhiên’’ thấy rằng họ đều cùng lập luận theo một hướng. Phải chăng đây là một dấu hiệu cho thấy chính sách ‘‘en même temps’’ (tạm dịch là đồng thời, cùng lúc) của tổng thống Macron sẽ được thực thi ? Les Echos cũng nhắc lại là, tổng thống Macron trong cuộc tái tranh cử nhiệm kỳ hai đã xem chuyển đổi sang kinh tế xanh là chủ trương cốt lõi, với việc đích thân thủ tướng được phân công thực thi mục tiêu này.
Dân Pháp đặt nhiều niềm tin vào tân thủ tướng, nhưng hy vọng khó kéo dài
Libération cũng chú ý đến chính sách chung của chính phủ, được tân thủ tướng công bố chiều này. Bài xã luận, mang tựa đề ‘‘Mềm dẻo’’, cho biết dân Pháp đang đặt hy vọng vào tân thủ tướng, nhưng nhiều khả năng là niềm tin sẽ không kéo dài. Theo thăm dò dư luận Vicavoice, 39% cử tri có quan điểm ủng hộ, 40% phản đối, tỉ lệ ủng hộ cao nhất đối với một thủ tướng kể từ khi ông Macron lên cầm quyền năm 2017.
Nhật báo thiên tả, căn cứ vào quan điểm của các đồng minh cũng như đối lập của tân thủ tướng, cho rằng ông Attal nhiều khả năng ‘‘sẽ có một chính sách rất mềm dẻo, nếu không muốn nói là nhiều phần mang tính cơ hội chủ nghĩa’’. Libération tỏ ra không mấy tin tưởng vào việc thủ tướng Attal sẽ duy trì được sự ủng hộ ở mức độ cao như trên, khi nhìn vào thành phần chính phủ hiện tại, và các trông đợi rất lớn từ phía người dân.
Pháp –Thụy Điển coi bảo vệ Ukraina là mục tiêu hàng đầu
Chuyến công du Thụy Điển của tổng thống Pháp là một hồ sơ trang nhất của Les Echos, với ba trọng tâm : ‘‘Tầm quan trọng sống còn’’ của việc hậu thuẫn Ukraina, công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, và cải thiện năng lực cạnh tranh kinh tế. Bài ‘‘Pháp – Thụy Điển đổi mới mối quan hệ đối tác chiến lược’’ của Les Echos cho biết rõ quyết tâm của Pháp và quốc gia Bắc Âu cùng nỗ lực thúc đẩy Liên Âu bảo đảm tương lai của Ukraina gắn liền với Liên Âu, và việc tăng cường sức mạnh quốc phòng song phương Pháp – Thụy Điển và sức mạnh quốc phòng của khối là nằm trong mục tiêu chung vì an ninh của toàn châu lục, ‘‘không để các thế lực độc tài làm mưa làm gió’’.
Tăng tốc tiến trình chuyển sang kinh tế xanh, rời bỏ năng lượng hóa thạch để đạt trung hòa về khí thải vào năm 2050 cũng là điều được chính quyền hai nước tái khẳng định. Để thực hiện được điều này, Pháp và Thụy Điển phối hợp trong nỗ lực tăng gấp 3 công suất điện hạt nhân.
Hệ thống phòng không Ukraina còn quá mỏng, ngoài thủ đô Kiev
Thủ đô của Ukraina là nơi duy nhất có được một hệ thống phòng không dày đặc do phương Tây viện trợ là chủ đề trang nhất Le Monde. Nhận định trên đây không hẳn là một lời khen, mà để chỉ ra sự thiếu hụt của các hỗ trợ quân sự, khiến tất cả các vùng ngoài thủ đô Kiev không được bảo vệ đủ mức trước các cuộc oanh kích của Nga. Theo nhật báo Pháp, thách thức là vô cùng lớn, phải có rất nhiều tiền để duy trì được một hệ thống phòng không hiệu quả, khi một drone của Nga với cái giá 20.000 đô la phóng đi, có thể phải cần đến một tên lửa trị giá từ 150 đến 500 nghìn đô la để bắn hạ. Việc huy động pháo binh với đạn cỡ 35 ly để hạ tên lửa sẽ giúp cho Ukraina tiết kiệm hơn nhiều. Quân đội Ukraina hiện đang tìm cách kết hợp hai hệ thống, tên lửa siêu hiện đại với pháo binh truyền thống để tự vệ hiệu quả hơn.
Kavkaz có thể là nơi xuất phát của ngôn ngữ được hơn nửa dân cư thế giới sử dụng
Trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, nhật báo Le Figaro hôm nay giới thiệu nghiên cứu quy mô lớn đang diễn ra để truy tìm nơi phát xuất của những người đầu tiên nói thứ ngôn ngữ được coi là tổ tiên của hàng trăm ngôn ngữ thuộc hệ Ấn – Âu, hiện được hơn một nửa dân số trên hành tinh sử dụng. Theo một số kết luận ban đầu, các cộng đồng đầu tiên nói ngôn ngữ này cư trú tại vùng nam Kavkaz, tức thuộc lãnh thổ Gruzia, Armenia hiện nay, vào khoảng 8.000 năm trước. Kết quả này khác với các giả thuyết trước đó về địa điểm xuất phát là các vùng thảo nguyên miền đông bắc châu Á.
Nhận xét
Đăng nhận xét