Pháp : Bế tắc chính trị, chưa thể có chính phủ mới
RFI
Thời sự chính của các báo Pháp ra hôm nay là nước Pháp tiếp tục bế tắc chính trị, chưa có chính phủ mới, một tháng rưỡi sau cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn; cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sôi động với Đại hội đảng Dân Chủ chính thức chỉ định ứng viên Kamala Haris ra tranh cử tổng thống Mỹ thay ông Joe Biden ; các cuộc xung đột tiếp tục diễn ra ác liệt ở Ukraina.
Đăng ngày:
Về chủ đề chính trị nội bộ nước Pháp, nhật báo Le Figaro chạy tựa chính trang nhất : « Trước bế tắc chính trị, các dân biểu nháo nhác » để phản ánh hiện trạng gần một tháng rưỡi sau khi vào Quốc Hội mới được bầu, việc chỉ định một thủ tướng đứng ra thành lập chính phủ vẫn bị đình lại, các dân biểu lo lắng tình hình này hoạt động ở Hạ Viện sẽ bị tê liệt.
Theo Le Figaro, lịch trình đã ấn định, dự án ngân sách cho năm 2025 phải được trình lên Hạ Viện để tranh luận vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 10, ngoài ra còn có hơn 150 dự luật đang chờ được xem xét. Trong khi đó, « Quốc Hội trong mù mờ chờ đợi chỉ định chính phủ mới », tựa bài viết của tờ báo.
Trong khi chờ có chính phủ mới, các dân biểu chưa biết bắt đầu công việc nghị trường thế nào, nhất là họ lo ngại kể cả có được chính phủ thì Quốc Hội mới vẫn có nguy cơ bị tê liệt trong các cuộc thảo luận về những vấn đề quan trọng vì không một lực lượng chính trị nào có được đa số rõ rệt, dân biểu các đảng phái chia rẽ, đứng ra lập quá nhiều nhóm (hiện có tới 11 nhóm dân biểu).
Theo Le Figaro, « các đại biểu đang nghỉ phép vô thời hạn. Kể từ khi khép lại kỳ họp công khai đầu tiên vào ngày 2/8, Quốc Hội vẫn chưa có chương trình nghị sự. Ngày trở lại vẫn chưa được biết, chờ bổ nhiệm thủ tướng và chính phủ ».
Sau vòng hai của cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn hôm 07/07, liên minh các đảng cánh tả với tên gọi Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) về đầu nhưng không có được đa số quá bán với 182 ghế, đảng Đồng Hành (Ensemble) của tổng thống được 168 ghế và đảng cực hữu tập Hợp Dân Tộc (RN) có 143 ghế. Nhất là đảng cầm quyền, cũng như RN nhất quyết không hợp tác với Nước Pháp Bất Khuất LFI, lực lượng chính của liên minh cánh tả. Trong khi đó, NFP cương quyết đòi chỉ định thủ tướng của phe mình. Trải qua các cuộc tìm kiếm, mặc cả khó khăn giữa các đảng, cuối cùng Mặt Trận Bình Dân Mới đưa ra được cái tên Lucie Castet, một phụ nữ xuất thân từ tổ chức xã hội dân sự, để được chỉ định làm thủ tướng.
Tuy nhiên, tổng thống Emmanuel Macron không chấp nhận, tạm duy trì thủ tướng và chính phủ cũ để xử lý thường vụ đến sau Thế Vận Hội Mùa Hè Paris để tránh xáo trộn. Đến giờ, Olympic Paris đã khép lại được hơn một tuần, tổng thống vẫn chưa cho thấy tín hiệu sẽ chọn ai đứng ra thành lập chính phủ, ngoài thông báo từ ngày thứ Sáu này sẽ tiếp lãnh đạo các đảng phái để trao đổi và tham khảo ý kiến. Chính trị Pháp từ đó đến giờ không chỉ bị xáo trộn mà phải nói là rơi vào khủng hoảng, bế tắc hoàn toàn.
Xã luận Le Figaro, với hàng tựa « Trò bịp », nhận định : « Trong đời thực, những thách thức của Pháp vô cùng lớn: phục hồi ngân sách, khủng hoảng nhà ở, chống nhập cư bất hợp pháp, tái công nghiệp hóa, hỗ trợ trường học và bệnh viện, chuyển đổi sinh thái... Đất nước cần một chính phủ. Và phải nhanh chóng. »
Chủ đề này cũng là hồ sơ chính của nhật báo thiên tả Libération. Tờ báo có cuộc phỏng vấn dài với bà Lucie Castet, ứng viên cho chức thủ tướng của Mặt Trận Bình Dân Mới để cho thấy quan điểm lãnh đạo, dự định, chương trình hành động của bà nếu được chỉ định làm thủ tướng. Tờ báo cũng tỏ sự ủng hộ với ứng cử viên của liên minh cánh tả.
Đại hội đảng Dân Chủ Mỹ : Màn tiễn biệt xúc động
Về thời sự quốc tế, sự kiện được nhiều báo quan tâm là đại hội đảng Dân Chủ Mỹ đang diễn ra tại Chicago, từ ngày 18 đến 21 tháng 8 để chính thức chỉ định bà Kamala Harris, thay ông Joe Biden ra tranh cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Việc chỉ định bà Harris chỉ là thủ tục mang tính hình thức, vì thế các báo tập trung vào phản ánh không khí của đại hội, đặc biệt với màn tổng thống Joe Biden chuyển giao « ngọn cờ » cho bà Kamala Harris ra tranh cử tổng thống Mỹ 2024 trong ngày đầu của đại hội. Các báo đều mô tả một màn từ biệt xúc động, cùng những phát biểu của các diễn giả, lần lượt trên sân khấu để vinh danh tán dương công lao, thành tích của ông Joe Biden trong nhiệm kỳ tổng thống, nhưng vì lý do tuổi cao sức khỏe yếu và trước áp lực trong đảng Dân Chủ, ông đã phải rút lui nhường lại đường đua vào Nhà Trắng cho cấp phó của mình.
Le Figaro nhận xét : « Những lời tri ân cảm động dành cho tổng thống sắp mãn nhiệm cũng nhằm mục đích dành cho cử tri, khép lại một chương chính trị rất bất thường, thay thế ứng cử viên này bằng một ứng cử viên khác ngay giữa chiến dịch bầu cử ». Tờ báo nhấn mạnh thêm, « nếu ngọn đuốc thực sự đã được truyền lại cho thế hệ mới, như truyền thông Mỹ lặp đi lặp lại liên tục, thì đúng hơn là nó đã bị giật khỏi tay Biden ».
Tại Chicago tối qua, ông Biden rời sân khấu, phần còn lại dành cho Kamala Harris, đó là hình ảnh lưu lại trong lịch sử của đảng Dân Chủ.
Đức giảm nguồn lực hậu thuẫn Ukraina vì chuyện nội bộ
Một thời sự quốc tế khác được nhật báo Le Monde tiếp tục quan tâm là cuộc chiến tranh Ukraina trong mối liên quan đến chuyện nội bộ của nước Đức. Tựa chính trang nhất của tờ báo ghi nhận : « Quân Nga vẫn tiến trong miền Đông Ukraina ». Le Monde cho biết quân đội của Matxcơva tiếp tục tiến trong vùng Donetsk, bất chấp Kiev hy vọng làm chậm đà tiến của Matxcơva bằng cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga. Hôm thứ Hai 19/08, chính quyền vùng miền Đông của Ukraina đã ra lệnh sơ tán toàn bộ dân khỏi thành phố Pokrovski và các vùng phụ cận. Phóng viên của tờ báo có bài phóng sự dài mang tiêu đề : « Donbass : những ngày cuối cùng ở bệnh viện sản của thành phố Pokrovski trong vùng tự do », ghi lại không khí khẩn trương và xúc động của các nhân viên chuẩn bị sơ tán các sản phụ của bệnh viện khi quân Nga đang tiến gần chỉ ở cách đó hơn chục km.
Cũng liên quan đến chiến tranh Ukraina, Le Monde có bài : « Tại Đức, cuộc bầu cử địa phương tác động đến viện trợ cho Kiev ». Tờ báo trở lại sự việc. Sau các cuộc thảo luận căng thẳng, ba đảng trong liên minh của chính phủ Olaf Scholz đã đạt được thỏa thuận về ngân sách 2025 của nước Đức, theo đó viện trợ cho Ukraina sẽ bị cắt giảm một nửa, từ 8 tỷ năm 2024 xuống 4 tỷ euro. Một trong những lý do là nước Đức đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử địa phương tại ba bang quan trọng Sachsen, Thüringen và Brandenburg. Tại đó, đảng cực hữu và cực tả, những đảng chủ trương đòi chấm dứt cung cấp vũ khí cho Ukraina đang lên mạnh. Các đảng trong liên minh cầm quyền đang có nguy cơ thất bại ở cuộc bầu cử địa phương này. Chính phủ liên minh buộc phải có thỏa hiệp để phục vụ mục tiêu tranh cử. Hơn nữa, đảng Xã hội Dân chủ của thủ tướng cũng đang lủng củng trong nội bộ, trong đó có vấn đề liên quan đến viện trợ quân sự cho Ukraina. Nhân sự kiện, Le Monde có bài xã luận chạy tựa : « Quyết định không đúng lúc của Đức »
Le Monde nhận định: Cuộc chiến tranh quy mô lớn trở lại lục địa châu Âu đã làm xáo trộn tình hình địa chính trị và buộc các quốc gia châu Âu phải tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Sẽ là tai họa nếu Đức, cường quốc kinh tế hàng đầu trong Liên Hiệp Châu Âu và là nhà cung cấp viện trợ lớn chỉ đứng sau Hoa Kỳ cho Ukraina, rút khỏi nỗ lực này với lý do là những cấp bách chính trị trong nước.
Tờ báo nhấn mạnh, đây chính là điều mà tổng thống Nga Putin mong đợi từ đầu cuộc xâm lược Ukraina. Tức là các đồng minh Châu Âu của Kiev thoái thác dần hậu thuẫn cho Ukraina vì khó khăn tài chính, dư luận trong nước của họ mệt mỏi chán nản. Quyết định của Berlin càng không đúng lúc, khi mà Pháp cũng đang lâm vào khủng hoảng và Hoa Kỳ thì đang lo bầu cử tổng thống.
Bangladesh từ yêu sách nhỏ đến cuộc nổi dậy lớn
Liên quan đến thời sự khu vực châu Á, Nhật báo Le Figaro trở lại với những biến động chính trị ở đất nước Nam Á, Bangladesh với bài : « Tại Bangladesh, cuộc cách mạng sinh viên đã lật đổ Sheikh Hasina thế nào ».
Tờ báo cố gắng giải mã biến động chính trị mới đây ở đất nước nam Á, chỉ một nhóm nhỏ thanh niên đã biến các yêu sách chống lại một quyết định phân biệt đối xử có chọn lọc của chính phủ thành một cuộc nổi dậy toàn quốc và thành công với sự ủng hộ ngầm của quân đội.
Tất cả được bắt đầu tại khuôn viên trường đại học ở Dhaka. Trong 5 tuần, sự bất mãn về một quyết định phân biệt đối xử của chính phủ, do một số sinh viên phát động đã dâng lên mạnh mẽ trở thành một cuộc cách mạng lật đổ bà thủ tướng Sheikh Hasina, một nhà độc tài 76 tuổi đã nắm quyền từ năm 2009, kiểm soát một Nhà nước cảnh sát và cỗ máy đàn áp khiến đối thủ của mình khiếp sợ bằng tra tấn và giết người. Sự sụp đổ bất ngờ của thủ tướng Bangladesh đã khiến các nhà quan sát trên khắp thế giới kinh ngạc. Ban đầu, số người biểu tình chỉ từ 30 đến 40 người, ít ngày sau, làn sóng phẫn nộ đã nhanh chóng lan rộng ra toàn quốc và những ngày đầu cũng đã có đàn áp thẳng tay của chính quyền và máu của người biểu tình đã đổ, khoảng 300 người đã thiệt mạng trong các cuộc đàn áp.
Cuối cùng, các chỉ huy cảnh sát và quân đội đã thức tỉnh, quyết định đến gặp bà thủ tướng thông báo họ không ủng hộ và cho bà 45 phút để rời khỏi đất nước. Quá thời hạn trên, người biểu tình tràn vào dinh tổng thống và người đàn bà thép của Bangladesh đã phải vội vàng lên trực thăng sang Ấn Độ lưu vong, không kịp có thời gian ghi âm thông báo từ chức.
Nhận xét
Đăng nhận xét