Báo cáo láo thành quen...
Thiền Lâm, gửi RFA từ Việt Nam
2013-03-22
Những số liệu “cất cánh”
Như một thói quen trườn ẩn trong nhiều năm qua, vào đầu năm con Rắn, Bộ lao động thương binh và xã hội và Tổng cục thống kê lại tổ chức một hội nghị công bố về số liệu thất nghiệp và giải quyết việc làm mới.Theo đó, năm con Rồng đã thật sự đánh dấu hình ảnh “cất cánh” của ngành lao động khi tỷ lệ thất nghiệp được kìm nén chỉ ở mức 1,99%.
Như bình luận đầy hàm ý của một tờ báo trong nước, thực trạng thất nghiệp theo báo cáo của cơ quan chức năng Việt Nam sẽ không sai nếu “chỉ xét về mặt số liệu”. Điều luôn được các cơ quan hành chính luôn coi là thành tích chắc chắn đã “vươn lên một tầm cao mới”: tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm trong những năm gần đây, với năm 2011 là 2,22% và năm 2010 là 2,8%.
Nhưng việc công bố những số liệu trên lại diễn ra trong bối cảnh bằng vào một động thái hiếm hoi từ trước tới nay, Ủy ban kinh tế quốc hội khẳng định con số doanh nghiệp phải giải thể và phá sản trong hai năm qua đã lên đến 100.000.
“Không thể có chuyện trong một năm kinh tế gặp nhiều khó khăn như năm 2012, có hơn 50.000 doanh nghiệp giải thể hoặc dừng hoạt động; hơn 400.000 lao động thất nghiệp, nghỉ việc, nhảy việc…; các thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài thu hẹp, lao động xuất khẩu không tăng…, mà số lượng tạo việc làm mới vẫn đạt 1,6 triệu!” - một bức cảm chân thành của ông Bùi Sỹ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Ông Lợi cũng chân thực hoài nghi về nhiều thống kê về thị trường lao động là không thực chất: “Số liệu thống kê của các cơ quan còn cho thấy tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và thu nhập, tiền lương vẫn được cải thiện. Các con số này chắc chắn là có vấn đề”.
Kết quả “trưng cầu dân ý”
Hoàn toàn trái ngược với não trạng của những nhà chiến lược bàn giấy, vào cuối năm “rồng cất cánh”, một thống kê của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM lại nêu ra những dẫn chứng có tính thực tiễn cao: nhu cầu lao động ngành dệt may, da giày trong quý 4/2012 giảm đến 43% so với quý 3 cùng năm và giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước đó. Dệt may và da giày cũng là một trong 5 nhóm ngành tuyển dụng ít nhất ở quý cuối cùng của năm 2012.
Bầu không khí của tết nguyên đán vừa qua, khác hẳn thời kỳ 2007-2010, cũng cay nồng khí sắc của năm “bò sát”. Thay cho thông lệ gần tết các doanh nghiệp ồ ạt tuyển dụng lao động thời vụ để đẩy mạnh sản xuất, hoàn tất đơn hàng, thời gian qua nhiều công ty lại ngưng tuyển dụng, thậm chí còn giảm bớt nhân lực. Bởi thế điều không mấy ngạc nhiên là sau tết 2013, một bộ phận lao động đã chọn cách ở lại quê mà không quay lại TP.HCM. Tỷ lệ 17% số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp bỏ về quê, tăng 2% so với năm 2011, cũng góp phần phản ánh cái thực tại “suy thoái về tư tưởng” như thế.
Vnexpress - một trong những tờ báo điện tử có lượng truy cập lớn nhất ở Việt Nam, đã tiến hành một cuộc “trưng cầu dân ý” vào thời điểm cuối năm 2012 với chủ đề “Nỗi lo lớn nhất hiện nay của bạn là gì?”. Kết quả là có đến 32,2% số người được hỏi chọn nỗi lo mất việc, giảm lương, vượt qua cả vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm phát hay bệnh tật ốm đau.
Trong khi đó, Tổng cục thống kê Việt Nam lại bảo lưu quan điểm “Kinh tế 2012 rất khó khăn nhưng số liệu thất nghiệp lại không bi quan như nhận định” - như lời một cấp phó của cơ quan này. Theo đó, trong số 52,6 triệu người trong độ tuổi lao động, chỉ có chưa đầy 1 triệu người bị thất nghiệp.
Nhưng lại diễn ra một nghịch lý ngay giữa các cơ quan quản lý. Khi năm 2012 bước sang quý cuối cùng, một quan chức của Cục việc làm thuộc Bộ Lao động thương binh và xã hội đã xác nhận trong 9 tháng đầu năm 2012 đã có đến 345.000 người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp, gần bằng một nửa so với tổng số người đăng ký hưởng thất nghiệp từ năm 2010 đến 2012.
Phản biện nội bộ
“Số liệu thống kê lao động và việc làm tại Việt Nam lâu nay vẫn tồn tại nhiều bất cập, cả về tính chính xác lẫn ý nghĩa đối với nền kinh tế” - nhận định có vẻ chua chát của chuyên gia có nội hàm phản biện là ông Lê Đăng Doanh - “Chỉ tiêu tạo việc làm mới vẫn đều đặn được báo cáo là hơn một triệu mỗi năm, nhưng để chỉ ra những việc làm ấy ở đâu thì rất khó. Trong khi đó, các chỉ số thất nghiệp lại rất thiếu thực chất khi thống kê tại Việt Nam”.Theo một chuyên gia khác là ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên viện trưởng Viện khoa học lao động và xã hội, cơ quan thống kê đã bỏ sót một lượng lớn người làm nông nghiệp, hoặc lao động thấp ở đô thị.
Tiếp nối thái độ bức bối chân thành của mình, ông Bùi Sỹ Lợi làm sâu sắc thêm vấn đề: “Về số liệu, hiện chúng ta đang tồn tại hai con số từ hai cơ quan khác nhau là Bộ lao động thương binh và xã hội và Tổng cục thống kê của Bộ kế hoạch và đầu tư. Bộ lao động thương binh và xã hội thống kê bằng hình thức “đếm đầu, tóm tay” cụ thể số lao động qua hệ thống các sở lao động địa phương. Mà số lượng báo cáo từ địa phương thì từ trước đến nay vẫn mang tính hình thức, thậm chí là bệnh thành tích. Trong khi đó, kết quả của Tổng cục thống kê dựa trên việc điều tra chọn mẫu. Phương pháp này chỉ chính xác khi mẫu được điều tra trên diện rộng”.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Dũng không quên nhắn nhủ “Ở Mỹ và một số nước, họ cũng tiến hành điều tra hàng tháng như Việt Nam. Nhưng họ đặt các trạm quan sát lao động ở từng vùng với số lượng phù hợp, căn cứ trên cung cầu lao động nên kết quả có được rất chính xác”.
“Giả số liệu”
Không quá khác tình trạng “giả số liệu” từ vĩ mô đến vi mô rất phổ biến ở Trung Quốc mà một nhà phản biện có tiếng là giáo sư Lang Hàm Bình ở Đại học Hồng Kông đã điềm chỉ, hoạt động số liệu và điều hành vĩ mô ở Việt Nam vẫn luôn tồn tại một cách biệt đầy ẩn ý và không kém nguy hiểm với khu vực được xem là “cơ sở hạ tầng”.
Một cách hiển nhiên, vòng quay vốn phản ánh sắc nét sự trì trệ của nền kinh tế. Liên tiếp trong hai năm 2011-2012, vòng quay vốn chỉ đạt 0,8 lần, giảm sút đến hơn phân nửa so với hơn hai lần của những năm trước.
Nhưng lại còn một minh chứng sắc nét hơn cả thế.
Ngay vào đầu năm 2012, khi một số giới chức quản lý hồ hởi mô tả về một khởi đầu cho sự cất cánh của Việt Nam, nền kinh tế gắn liền với hàng loạt hệ lụy xã hội lại phát lộ một tâm thế bò sát đến không ngờ: báo chí và một số chuyên gia phản biện trong nước thẳng thừng nêu ra con số có đến 200.000 doanh nghiệp không đóng thuế, mà cách nào đó có thể hiểu rằng những trường hợp xấu số này đã không thể tồn tại trong điều kiện nền kinh tế bị biến thành con tin của nhóm lợi ích ngân hàng - như một cách ví von của dư luận nội địa.
Với hơn 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên toàn cõi Việt Nam, những trường hợp bị coi là xấu số trên chiếm đến 1/3. Nói cách khác, tỷ lệ thất nghiệp cũng có thể tương ứng 30% hoặc hơn thế.
Dù thực trạng cách biệt giữa các giai tầng cùng hố sâu phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam là quá lớn, nhưng lại khó có gì có thể che lấp sự khác biệt cũng quá lớn giữa một Việt Nam kinh tế lụn bại, khả năng điều hành kém cỏi cùng nhiều vấn nạn trầm kha về tham nhũng và nhóm lợi ích đặc quyền đặc lợi, với một Hoa Kỳ được xem là đứng đầu thế giới về sản lượng kinh tế nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ngấp nghé con số 8%.
“Thành quen”
Với người Mỹ, việc mất đến 4 năm để kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 10% vào cuối thời tổng thống Bush xuống còn 7,7% vào đầu nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Obama đã là một thành tích đáng tự hào. Tương tự, nhiều quốc gia Tây Âu như Pháp, Anh và Đức đều không thể và cũng chẳng muốn giấu diếm cái thực trạng họ phải đối mặt với nạn thất nghiệp luôn chực chờ từ 9-11% đáng sợ như thế nào.Không có barem nào để so sánh về mức độ minh bạch với các quốc gia phát triển, có chăng tình trạng quá mù mờ và thấp kém về số liệu lao động của Việt Nam chỉ có thể sánh ngang với tỷ lệ thất nghiệp thực tế từ 26-27% ở Tây Ban Nha và Hy Lạp - nơi các chính thể bị tham nhũng di căn quá sâu đậm.
Mối nghi ngờ không dứt và ngày càng sâu đậm của công luận và dư luận trong nước cũng rất có thể thêm một lần nữa khiến cho uy tín của chính phủ trở nên viễn tưởng trong tâm trí người dân, với “tác nhân gây ung thư” trong trường hợp này chính là một cố tật quá khó sửa của Bộ lao động thương binh xã hội và Tổng cục thống kê.
Câu chuyện “giả số liệu” của Việt Nam cũng có thể làm người ta liên tưởng đến một ngụ ngôn nội tình khác, xảy ra vào thượng tuần tháng 3/2013.
Trong một hội nghị ngành ngân hàng tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, sau khi thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình thêm một lần nữa khẳng định “quyết tâm” về việc cơ quan này sẽ can thiệp rất mạnh để bình ổn thị trường vàng, trưởng ban nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh đã buột phát một lời khuyến cáo mà có thể trở nên ngạn ngữ dân gian Việt Nam: “Ngân hàng báo cáo láo thành quen”.
Câu chuyện trên lại dẫn đến một ngụ ý không tránh khỏi: phải chăng tình trạng “giả số liệu” ở Việt Nam chỉ thuần túy do căn bệnh thành tích chủ nghĩa đã “thành quen”, hay còn bởi thái độ bất chấp hiện tồn và bỏ mặc cả một nền quốc kế dân sinh cũng đã “thành quen” nốt?
Thiền Lâm, gửi RFA từ Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét