Nên gọi là Kiến nghị 71″ từ đây?
3242013
Nguyễn Huy Canh
Trước thực trạng bên trong đảng có nhiều biến đổi và suy thoái nghiêm trọng ;và trong bối cảnh đất nước, thế giới hiện đang có nhiều biến đổi sâu sắc: quyền lực chính trị của mỗi một quốc gia ngày càng có xu hướng “nhân dân hóa”, tôi cho rằng việc giữ nguyên vẹn điều 4HP là biểu hiện của một nhãn quan chính trị bảo thủ.
Góp ý xây dựng HP92 sửa đổi, đảng đã có một tư tưởng cởi mở, nhân văn và dân chủ với một tuyên bố “không có vùng cấm” trong việc góp ý này. Tinh thần “khai sáng”đó cho tôi một phát biểu về điều 4 cần phải được chỉnh sửa theo hướng dân chủ: quyền lực chính trị phải được trao trả lại cho nhân dân, và đảng cần“tái cấutrúc” lại bản thân mình theo hướng chỉ là một tổ chức chính trị, một chính đảng trước khi trở thành đảng cầm quyền do nhân dân trao cho bằng lá phiếu…
Với tư tưởng đó, tôi đã không kí tên vào Kiến nghị 72 và phụ lục dự thảo HP 2013. Kiến nghị 72 đã trình bày về một thể chế chính trị đa đảng phái (thể hiện rõ ở điều 9 của Dự thảo) mà với tôi thì nhìn thấy tính không tưởng của nó cũng như một sự nguy hiểm chính trị với giả định nó được diễn tiến vào lúc này.
Không tán thành với Kiến nghị 72, nhưng tôi luôn trân trọng tư tưởng và đạo đức chính trị của các nhân sĩ, trí thức đã dày công xây dựng nên nó. Bởi nó thể hiện mong muốn về một chế độ dân chủ và quyền lực minh bạch; bởi nó là một thái độ chính trị nghiêm túc, một phản ứng vào chế độ đảng chủ đang bộc lộ nhiều khuyết tật: bè phái, tham nhũng, chuyên quyền và một lối sống xa hoa; bởi nó là một mong muốn cho nhân dân và đất nước đi lên, hòa cùng nhịp sống với thế giới tiến bộ.
Tôi trân trọng, ngưỡng mộ về văn hóa, đạo đức chính trị của những tác giả đã xây dựng nên nó. Tôi quan niệm rằng, tác giả không phải là những người trực tiếp soạn thảo ra nó. 72 vị nhân sĩ trí thức đứng tên chính là cha đẻ của Kiến nghị 72, là ngọn cờ cho hàng chục nghìn tư tưởng và trái tim nhiều cảm hứng của nhân dân hướng theo…
Vì sự trân trọng ấy mà tôi sửng sốt, thất vọng… khi người trưởng đoàn của nhóm kiến nghị, ông Nguyễn Đình Lộc lại trối phắt rằng vị trí trưởng đoàn của ông là không có ý nghĩa, và rằng ông không phải là người tham gia soạn thảo nên nó trong buổi trả lời phỏng vấn được phát trên VTV1 ngày 22/3.
Là một chính trị gia đã nhiều tuổi, chẳng nhẽ ông không hiểu được rằng ông đã nằm trong phạm trù nhóm 72, là 1/72 nhân cách tạo nên linh hồn của kiến nghị 72 dù ông không tham gia chấp bút? Nếu ông hiểu điều sơ đẳng đó thì ông không thể biến một việc làm, một thái độ chính trị đầy nghiêm túc có tính dấn thân của mình trước đó thành trò hề được. Ông đã xúc phạm mình, và hơn thế đã phản bội lại niềm tin cùng chí hướng của nhóm 72 đã cùng ông tạo dựng lên những tư tưởng đó, cũng như với hơn chục nghìn người trong nhân dân đã tin tưởng theo ông. Người ta có dư luận con cái ông bị sức ép của nhà đương cục. Nếu đúng như thế, ông phải rút đi chữ kí đầu tiên của mình và xin lỗi nhân dân mới là sòng phẳng. Tôi không tin vào cái bi kịch đó. Với tôi, ông là một kẻ mơ hồ, nửa vời, phản trắc.
Kiến nghị 72 dù với tất cả những hạn chế trong kĩ thuật thiết kế của nó, dù rằng nó còn nhiều ảo tưởng chính trị, nhưng nó cũng đã có thể được xem như là biểu hiện mong muốn về một thể chế dân chủ đa nguyên cho đời sống chính trị VN. Với ý nghĩa ấy, kiến nghị 72 đã là một cảm hứng, một biểu tượng, một phạm trù trong dòng chảy nhận thức của lịch sử chúng ta. Để cho trọn vẹn một biểu tượng , với hiện tượng Nguyễn Đình Lộc, tôi muốn rằng nhóm 72 nhân sĩ trí thức hãy nên gọi nó là kiến nghị 71 từ đây…
Tác giả gửi Quê choa
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
Nhận xét
Đăng nhận xét