Điều lạ ở Vĩnh Yên
Nguyễn Lễ
BBC Vietnamese
Cập nhật: 13:53 GMT - thứ hai, 25 tháng 3, 2013
Suốt mấy ngày qua có lẽ Vĩnh Yên là địa danh được
nhắc đến nhiều nhất trên báo chí trong nước. Trước đó, nhiều người
còn không biết có một thành phố có tên là Vĩnh Yên nằm cách Hà Nội
không xa.
Đã hơn một tuần lễ nhưng những gì xảy ra ở đô thị tỉnh lẻ này
vẫn chưa hết nóng với dư luận.Dẫu sao người chết cũng đã chết – khơi gợi lại nỗi đau của gia đình nạn nhân là điều tôi thật sự không mong muốn.
Mạng người hết sức quý giá, nhất là của một người đàn ông đang ở tuổi gánh vác giang sơn, chèo chống gia đình như anh Nguyễn Tuấn Anh.
Một gia đình bỗng dưng đổ sập, một người vợ bụng mang dạ chửa không còn nơi nương tựa, một đứa trẻ mãi mất đi tình thương của cha và một đứa trẻ nữa sắp ra đời không bao giờ được gọi bố.
Trước hết tôi xin chia sẻ nỗi đau này với gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh và cầu mong hương hồn anh được yên nghỉ nơi chín suối.
Hơi hướng chính trị
Theo kịch bản mà chính quyền đưa ra, có vẻ vụ việc bắt đầu từ khi rượu vào lời ra rồi xích mích dẫn đến hành hung và cuối cùng là án mạng.Nếu đúng như thế thì vụ án gây chấn động Vĩnh Yên không phải là điều gì lạ lùng ở Việt Nam mà chỉ là một vụ án hình sự bình thường nếu không muốn nói là rất thường.
Thế nhưng, chỉ sau một đêm từ một công nhân không ai biết Nguyễn Tuấn Anh vụt trở thành cái tên nổi tiếng được nhiều người bàn luận và tìm kiếm.
Nổi tiếng kiểu này này chắc chắn là điều mà bản thân Tuấn Anh, gia đình và đặc biệt là chính quyền không mong muốn.
"Điều không bình thường là gia đình nạn nhân đã ‘bị một số đối tượng kích động."
Đại tá Hồ Sỹ Tiến, cục trưởng Cục Cảnh sát hình
sự
Chính quyền rất nhanh chóng có câu trả lời.
Phát biểu với báo chí hôm 18/3, tức là chỉ một ngày sau khi xảy ra vụ việc ‘quan tài diễu phố’, Đại tá Hồ Sỹ Tiến, cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, người được Bộ Công an cử về Vĩnh Yên để kiểm soát tình hình, đã giải thích về ‘điều lạ’ trong vụ án này.
Theo lời ông Tiến được báo chí trong nước thuật lại rộng rãi thì ‘điều không bình thường’ là gia đình nạn nhân đã ‘bị một số đối tượng kích động’.
Chỉ với hai chữ ‘kích động’này, một vụ án hình sự bình thường bỗng chốc trở thành có hơi hướng chính trị.
Bản thân chữ ‘kích động’ có hàm ý là động cơ xấu, ý đồ xấu. Ý đồ xấu mà Đại tá Tiến muốn ám chỉ ở đây là gì nếu không phải là ‘chống phá Nhà nước’ mà kẻ chủ mưu không ai khác hơn chính là ‘các thế lực phản động, thù địch’?
Một vụ việc bộc phát ở một tỉnh lẻ như thế mà cũng có sẵn ‘thế lực phản động’ chờ sẵn để lợi dụng thời cơ tấn công. Thật lợi hại!
Nghe lời ông Tiến tôi có cảm giác các lực lượng ‘chống Nhà nước’ nhan nhản ở khắp nơi – giống như virus HIV đã bộc phát không thể dùng thuốc để kiểm soát được nữa mà chỉ còn chờ chết.
Làm sao mới đúng?
Chính quyền không thể nói là thông cảm với nỗi đau của dân khi huy động số lượng công an ‘nhiều chưa từng thấy’ trong ngày an táng, theo lời kể của em trai của nạn nhân với BBC.
Rõ ràng nỗi ám ảnh ‘thù địch’ khiến chính quyền nhìn đâu cũng thấy kẻ thù chứ không thấy nỗi đau đớn và oan khiên của người dân.
Ở đây tôi muốn hỏi Đại tá Tiến rằng nếu con trai ông chết thảm thương như thế, một cách không rõ ràng như thế, cơ thể không còn nguyên vẹn như thế mà ra công đường phán quan bảo là ‘tự nó chết’ thì ông có phẫn uất hay không?
Kinh động thi thể của người thân vừa nằm xuống là đi ngược lại tình cảm thiêng liêng của người Việt. Phải làm một việc cực chẳng đã – đó chính là đỉnh điểm của sự phẫn uất. Tức nước phải vỡ bờ.
Nếu hành động đó đáng bị lên án thì chính quyền cũng nên chỉ ra gia đình nạn nhân phải làm sao mới đúng?
Đi kiện ư? Kêu oan có thấu khi đã có nghi ngờ vụ việc có liên quan đến người nhà tỉnh trưởng? Pháp y chẳng đã nói là ‘say rượu, té cống, ngạt nước’ rồi đó sao?
Với lại, một khi đã chôn cất người thân rồi đi kiện thì thế nào cũng sẽ quật mồ lên khám nghiệm lại. Có đành lòng không?
Ai dám chắc rằng nếu không làm áp lực thì nạn nhân sẽ không mang theo nỗi oan khuất xuống đáy mồ sâu? Rõ ràng chỉ hôm trước hôm sau công an đã bắt chùm năm nghi phạm trong khi từ lúc nạn nhân được báo mất tích chẳng nghe thấy kết quả điều tra gì.
Cho dù chính quyền có coi đó là hành vi gây mất trật tự nghiêm trọng, nhưng xét kỹ gia đình nạn nhân không còn lựa chọn nào khác.
Nếu Đại tá Tiến coi hành động phản kháng của gia đình nạn nhân là không bình thường, thì cách nghĩ như thế mới là không bình thường.
Làn sóng người
Tôi tin chắc đại đa số cả ngàn người bước theo quan tài Nguyễn Tuấn Anh hôm ấy không có lợi ích hay liên quan gì đến gia đình nạn nhân.
Trong một đất nước có bộ máy an ninh hùng mạnh để sẵn sàng trấn áp bất cứ sự phản kháng nào, ‘biểu tình’ là một từ luôn đi với sự sợ hãi mà lâu nay ít người dân dám nghĩ bàn.
Không liên quan gì đến mình, cũng không phải là chuyện lớn quốc gia, hà cớ gì cả ngàn người làm thành làn sóng phía sau quan tài đối mặt với công an đang dàn trận?
Không thể cho rằng họ là những người hiếu kỳ đi theo hóng chuyện. Thấy công an người hiếu kỳ tức khắc sẽ tan.
Còn nếu nói theo kiểu Đại tá Hồ Sỹ Tiến thì cả ngàn người không liên quan kia chắc hẳn là những người kích động gia đình nạn nhân?
Nếu có ai đó kích động được một đám đông như thế thì quả tài ‘dân vận’ không thua chính quyền và lẽ ra đã bị công an túm cổ khởi tố từ khuya rồi.
"Cái phòng nó (vợ chồng con gái) gần đó thì cũng có lúc đánh nhau chạy tán loạn vào thì nghi ngờ như vậy."
Chủ tịch Vĩnh Phúc Phùng Quang
Hùng
Tuy nhiên, để người dân sẵn sàng xuống đường đối đầu với nhà chức trách thì trong thâm thâm họ ắt đã có sự bất mãn với chính quyền.
Vì uất ức bạo quyền mà người bán hoa quả Bouazizi đã thiêu mình để phản đối. Ngọn lửa Bouazizi đã thổi bùng ngọn lửa phẫn nộ trong lòng người dân Tunisia, đưa họ xuống đường để khởi đầu Mùa xuân Ả Rập làm sụp đổ các chế độ cường quyền.
Ở Việt Nam gần đây vẫn hay nghe nói đến ‘những bài học’ từ Mùa xuân Ả Rập. Tuy nhiên sự kiện ở Vĩnh Yên và nhiều vụ việc khác cho thấy chính quyền vẫn thiếu nhạy cảm trước tình cảm của nhân dân.
Pháp y ở đâu?
Ông Tiến chỉ ra điều kỳ lạ trong hành xử của người dân, nhưng không rõ liệu ông có thấy những điều kỳ lạ trong cách ứng xử của chính quyền?Đầu dây mối nhợ của sự bùng nổ ở Vĩnh Yên trong ngày 17/3 là cái pháp y gì đấy nói rằng nạn nhân té cống ngạt nước chết.
Tôi xin lỗi dùng từ ‘pháp y gì đấy’ vì không biết đấy là cái pháp y gì. Chính quyền bảo chỉ là ‘biên bản pháp y’ còn gia đình nạn nhân thì khẳng định là ‘kết quả pháp y’ nên chẳng biết tin ai.
Nếu cái pháp y gì đấy là nguồn gốc của mọi sự phẫn uất của người dân thì ngay từ đầu khi vụ việc bùng nổ và nếu pháp y không làm gì sai lẽ ra đã phải xuất hiện trước công chúng để giải thích cho mọi người hiểu.
Đằng này, các bác sỹ pháp y trực tiếp khám nghiệm tử thi dường như biệt tích trước dư luận để mặc cho công an nói thay lời. Công chúng còn không được biết các bác sỹ pháp y đấy là ai.
Bác sỹ Mừng khẳng định lại điều mà công an đã nhắc đi nhắc lại trước đó là chưa hề có kết quả giám định mà chỉ có biên bản khám nghiệm tức là tình trạng khách quan của nạn nhân như thế nào thì ghi lại thế đó.
Một dấu hỏi ở đây là nếu ‘biên bản pháp y’ chỉ ghi đúng sự thật khách quan là nạn nhân được tìm thấy dưới mương nước thì làm cách nào mà gia đình nạn nhân có thể hiểu lầm thành kết luận ‘nạn nhân ngạt nước chết’ được?
Lại nữa, chiếu theo quy định của Luật Tố tụng hình sự thì việc khám nghiệm tử thi là ‘phát hiện dấu vết của tội phạm’ và ‘làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án’ thì các dấu vết chấn thương trên người nạn nhân và việc ‘mắt bị lồi ra’ theo mô tả của gia đình nạn nhân có được ghi lại trong ‘biên bản pháp y’ không? Nếu có thì làm sao gia đình lại bức xúc đến vậy?
Cũng theo lời kể của vị bác sỹ này thì buổi khám nghiệm có mặt đầy đủ công an, viện kiểm soát, tổ trưởng tổ dân phố và người nhà nạn nhân. Nếu thế thì sau khi có ‘biên bản pháp y’ chắc chắn người nhà nạn nhân sẽ bức xúc ngay tại chỗ thì tại sao không có ai giải thích cho nạn nhân hiểu cơ chứ?
Viện Pháp y Trung ương cũng vào cuộc thể theo yêu cầu của gia đình nạn nhân và kết quả được loan báo là ‘không khác gì với lần khám nghiệm trước’.
Kết quả ‘không khác gì’, theo như tường thuật của truyền thông trong nước, nghe rất tù mù. Pháp y Trung ương cho biết tử thi không bị chấn thương gì bên ngoài nhưng lại kết luận ‘nạn nhân bị đánh chết’.
Thử nghĩ nếu Pháp y Trung ương kết luận khác với lần khám nghiệm trước thì vụ việc sẽ đi theo hướng nào?
Chủ tịch phân trần
Người con rể này cũng đã được công an mời đến làm việc hôm 19/3. Đây cũng là việc bình thường để xác định sự liên quan hay không liên quan của đương sự.
Tuy nhiên lời phân trần của ông Hùng lại có chỗ không bình thường.
Trả lời BBC ngay hôm 17/3 khi vụ việc còn đang sôi sùng sục ở Vĩnh Yên, ông Hùng đã nói rất rõ ràng về vụ án, như xảy ra lúc nào (11, 12h đêm), ở đâu (Nhà nó (vợ chồng con gái) ở cách xa mấy chục mét cơ, không ở gần đó) và cả chi tiết (uống rượu, đánh nhau).
Cũng có thể cơ quan công an đã báo cáo cho ông Hùng kết quả điều tra nên ông biết chăng? Nhưng nên nhớ lúc đó công an tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung toàn lực để xử lý vụ biểu tình.
Tuy nhiên, chi tiết bí ẩn nhất mà ông Hùng nói là ‘cái phòng nó (vợ chồng con gái) gần đó thì cũng có lúc đánh nhau chạy tán loạn vào thì nghi ngờ như vậy’.
Nói vậy thì hóa ra nhà con rể ông Hùng là nhà hoang vô chủ à? Làm sao mà côn đồ đang ẩu đả có thể chạy ra chạy vào dễ dàng như vậy được?
Chi tiết đáng ngờ nhất trong toàn bộ vụ việc là ‘đầu mối quan trọng’ Nguyễn Văn Hiệp, người đi cùng nạn nhân trong đêm xảy ra án mạng.
Điều gút mắc là tại sao khi Tuấn Anh bị đánh hội đồng, Hiệp chạy thoát được lại không kêu người đến cứu? Và rồi sáng hôm sau Hiệp không sang nhà nạn nhân xem nạn nhân đã về chưa mà phải đợi đến khi người nhà nạn nhân hỏi mới nói?
Có dấu hiệu cho thấy đây không chỉ là một vụ ẩu đả bình thường như lời công an tuyên bố.
Dân sai 'toàn tập'
Cũng Đại tá Hồ Sỹ Tiến được truyền thông trong nước dẫn lời nói: “Qua kiểm tra thấy công an tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện đúng và đầy đủ trình tự.”
Vụ việc ‘diễn biến phức tạp, làm mất an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng’ là do người hiểu sai ‘biên bản pháp y’, và ‘không hiểu biết pháp luật’ nên hành động sai trái.
Vậy là chính quyền không sai còn người dân thì sai toàn tập.
Không biết người dân có đồng ý là mình đã sai hay không. Thôi thì chính quyền nói sao thì chịu vậy. Nếu có không đồng ý thì cũng không dám cãi vì sẽ bị ghép vào tội ‘phản động’ như chơi.
Có thể thấy là người dân Việt Nam thật yếu ớt trước một chính quyền quá uy quyền!
"Qua kiểm tra thấy công an tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện đúng và đầy đủ trình tự. Vụ việc diễn biến phức tạp, làm mất an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng là do người hiểu sai biên bản pháp y, không hiểu biết pháp luật. "
Đại tá Hồ Sỹ Tiến, cục trưởng Cục Cảnh sát hình
sự
Ở trên tôi có nói là chính quyền thiếu nhạy cảm với nhân dân. Nhưng mà nhạy cảm được không khi mà họ không có liên hệ với nhân dân thông qua bầu cử.
Nhưng như vậy chính quyền cũng có lợi thế là không cần sợ dân. Lợi thế đó, biết đâu, cũng có thể là tử huyệt.
Tử huyệt đó là mặc nhiên rằng người dân đã quen được lãnh đạo, được dạy dỗ nên sẽ không có chuyện phản kháng và phản kháng nếu xảy ra là ‘bất bình thường’.
Tử huyệt đó cũng ở chỗ coi thường người dân, không tôn trọng người dân đúng mức nên mới có chuyện dễ dàng nói người dân sai mà không cần hiểu tâm tư tình cảm của người dân
Sự việc ở Vĩnh Yên cho thấy không có gì là tuyệt đối. Người dân bình thường vẫn hiền lành nhưng nếu gặp chuyện cùng cực thì cũng sẽ tức nước vỡ bờ.
Nhận xét
Đăng nhận xét