Mã số định danh và những cố gắng cai quản cuối cùng
VietTuSaiGon
2013-03-20
2013-03-20
Mâu thuẫn giữa dân và nhà nước tăng cao
Có thể nói, chưa bao giờ nhiều sự kiện rất nóng lại diễn ra cùng lúc liên tiếp như những ngày gần đây, đương nhiên, những năm từ 2008 đến nay vẫn có nhiều sự kiện nóng diễn ra, nhưng xét theo trục dọc, từ vĩ mô đến vi mô, có lẽ những ngày gần đây, nhiệt độ của nó tăng cao hơn nhiều! Từ chuyện tu chính Hiến Pháp và yêu cầu hủy bỏ điều 4 từ phía nhân dân, chiêu thức kéo dài thời gian để hợp thức hóa trò chơi gian lận trong sửa đổi Hiến pháp cho đến những vụ biểu tình liên tiếp trong mấy ngày của một gia đình kết hợp với bà con chòm xóm để đòi lại công lý cho người bị chết oan ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, rồi vụ cố ghép tội, xử ông Đoàn Văn Vươn với tội danh giết người sắp tới, vụ công an giao thông đánh dân vỡ xương mặt… Rồi chuyện quản lý con người bằng những con số ấn định cho đến lúc chết…Nói chung, vụ nào cũng nổi cộm, đặc biệt nổi bật, rõ nét là mâu thuẫn rất căn bản giữa nhân dân và nhà cầm quyền. Dường như, dù nằm ở cấp độ nào, cũng cho thấy nhân dân đang nổi dậy, sự nổi dậy rất rõ nét.
Bản tin của Vietnamnet loan: Bộ Tư pháp dự kiến việc cấp mã số định danh cá nhân sẽ được triển khai từ tháng 6/2013 đến 5/2014. Mỗi mã số định danh cá nhân gồm 12 chữ số, cấp từ khi khai sinh và không thay đổi trong suốt cuộc đời… Hiện nay, 10 loại giấy tờ trên đang được giao cho một số cơ quan thực hiện quản lý, bao gồm: Bộ Tư pháp quản lý 3 loại giấy tờ gồm: giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn và giấy chứng tử; Bộ Công an quản lý 3 loại giấy tờ gồm: sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và hộ chiếu phổ thông. Hộ chiếu công vụ và Hộ chiếu ngoại giao do Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cùng quản lý, trong đó Bộ Ngoại giao là cơ quan trực tiếp cấp Hộ chiếu, Bộ Công an là cơ quan quản lý số và cung cấp sổ hộ chiếu để Bộ Ngoại giao thực hiện việc cấp; Bộ Giao thông vận tải quản lý giấy phép lái xe; Bảo hiểm xã hội quản lý Sổ bảo hiểm xã hội và Thẻ bảo hiểm y tế; Thẻ mã số thuế do Bộ Tài chính quản lý…
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tư pháp khẳng định việc lập mã số định danh cho công dân là cần thiết. "Nếu việc này chậm trễ, sau một thời gian nữa, khi các hệ thống cơ sở dữ liệu riêng lẻ đã được thiết lập và hoàn thiện, sẽ rất khó triển khai việc kết nối giữa các cơ sở dữ liệu riêng lẻ để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý dân cư và phục vụ giải quyết thủ tục hành chính", Bộ Tư pháp nhận định. Theo dự thảo đề án, việc cấp mã số định danh công dân sẽ được triển khai từ tháng 6/2013 đến tháng 5/2014….
Bản tin BBC loan: Tin cho hay phiên sơ thẩm xử ông Đoàn Văn Vươn và người thân tội giết người và chống người thi hành công vụ sẽ diễn ra từ 2/4-5/4. Hôm thứ Hai 18/3, Tòa án Nhân dân Hải Phòng đã quyết định đưa vụ án ra xét xử sau khi chuẩn bị xong cáo trạng, theo báo Thanh Niên. Các bị cáo trong vụ án với tội danh giết người, theo Điểm d, Khoản 1, Điều 93 Bộ Luật Hình sự, ngoài ông Đoàn Văn Vươn có các anh em của ông là Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Quý và Đoàn Văn Vệ. Tội danh giết người có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình. Vợ ông Vươn là Nguyễn Thị Thương, em dâu ông Vươn là Phạm Thị Báu, bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ, theo Điểm a, Điểm d, Khoản 2, điều 257 Bộ Luật Hình sự, với khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù. Các bị cáo bị truy tố từ cuối năm 2012. Vụ việc đã gây chấn động dư luận, thu hút sự chú ý của các cấp cao nhất trong chính phủ cũng như của các nước ngoài…
Đài RFA loan tin: Một vụ biểu tình bằng quan tài người chết với ít nhất 1.000 người tham gia đã xảy ra vào ngày hôm qua 17 tháng 3 tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc sau khi nạn nhân được người nhà khẳng định là bị con rể của một quan chức cao nhất tỉnh mưu sát. Nạn nhân là anh Nguyễn Tuấn Anh, 27 tuổi ngụ tại phường Hội Họp thành phố Vĩnh Yên. Thi thể của anh được người dân phát hiện tại một cống nước và trong tình trạng đang phân hủy vì đã chết qua nhiều ngày. Cơ quan pháp y sau đó đưa kết quả giảo nghiệm tử thi cho rằng anh Tuấn Anh chết do uống rượu say và ngã xuống cống nên bị ngộp nước. Người nhà nạn nhân phát hiện thi thể của anh bị bầm tím nhiều chỗ. Từ phần ngực trở lên có dấu hiệu bị đánh, răng của nạn nhân bị mất nhiều cái, tất cả dấu vết này chứng tỏ anh Tuấn Anh bị tra tấn đến chết và ngay sau đó gia đình nạn nhân đã khiêng quan tài đến trước Bưu điện thành phố Vĩnh Yên để phản đối cơ quan pháp y vì đưa ra kết quả xét nghiệm gian dối.
Những tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân Trí đồng loạt đưa tin, nhiều video clip trên mạng xã hội cho thấy ít nhất là 1.000 người dân đã đối diện với lực lượng cảnh sát cơ động khi quan tài được mang đi trên nhiều con đường của thành phố. Tuy nhiên không có một xô xát nào xảy ra… Tình trạng lạm dụng quyền hành để giết người đang có dấu hiệu phổ biến trong nhiều cơ quan nhà nước… Năm 2010 anh Nguyễn Văn Khương cư ngụ tại xã Hồng Thái tỉnh Bắc Giang bị công an mời vào đồn rồi đánh chết khiến gia đình nạn nhân cũng mang quan tài tới trước trụ sở UBND tỉnh Bắc Giang đòi làm rõ vụ việc.
Cái chết của anh Khương sau đó gây cho nhiều ngàn người biểu tình đòi thực thi công lý nhưng vẫn không thấy có một bản án cụ thể nào cho vụ này. Người dân cho rằng vụ án tại Vĩnh Yên hôm nay cũng không ra ngoài cách giải quyết như vụ Bắc Giang và hàng trăm vụ khác nếu kẻ thủ ác là công an hay con cái, hoặc cán bộ cao cấp của nhà nước…
Xâu chuỗi các vụ việc/sự kiện tưởng không có gì liên quan với nhau này lại, cho ra một mối liên hệ rất chặt chẽ, nó phản ánh rất rõ thái độ, nhận thức của nhân dân trước những hành tung của nhà cầm quyền. Và nó cũng cho thấy hành động, thủ đoạn của nhà cầm quyền đang sử dụng với nhân dân Việt Nam. Dường như, càng về sau, hai thái cực: Nhân Dân – Nhà Nước càng lúc càng tách rời, phát triển ngược chiều nhau, đến độ, nếu như có sự va chạm (những trường hợp các báo đăng tải bên trên là những cú va chạm) thì sức công phá đã đến mức không thể lường được.
Thêm quyền được bắn vào dân
Một khi nhân dân đã đủ nhận thức để đánh giá nhà cầm quyền đang cai trị mình bằng các tiểu xảo và thủ đoạn, và đủ dũng khí để cất lên tiếng nói phản kháng của mình, đó cũng là lúc nhà cầm quyền nhận ra những chiêu thức cũ đã lỗi thời, những trò tuyên truyền, mị dân đã phản tác dụng, họ bắt buộc phải tìm một thủ đoạn mới để khống chế nhân dân, nhằm giữ vững nền cai trị của mình (bằng một hình thức trá hình nào đó, tỉ như “để thiết lập trị an, để đảm bảo an ninh cho đất nước…”). Và, nếu có thể, họ không từ bỏ thủ đoạn nguy hiểm và tàn ác nhất: Bắn!
Đề xuất của Bộ Công an Việt Nam về việc bắn trực tiếp vào nhân dân với lý do đảm bảo người thi hành công vụ được an toàn, tính đề kháng, tính tự vệ… và đề xuất này đã bị các nhà trí thức, các thành phần nhân dân bác bỏ, phản đối vì lý do nó chỉ cho thêm cái quyền được bắn thằng vào người dân cho những nhân viên công an Việt Nam vốn dĩ rất hung hăng, quen dùng bạo lực và có một số biểu hiện khát máu.
Trong tình huống mà mọi cuộc biểu tình phản đối nhà nước có thể nổ ra bất cứ nơi nào, lúc nào, cái quyền được bắn trực tiếp của công an cũng là một vũ khí đắc lợi để bảo đảm sự tồn tại chế độ, thay vì bắt bớ và làm nhiều trò để giam hãm người bất đồng chính kiến với đảng Cộng sản. Chỉ cần một phát “đoàng”, xem như yên mọi chuyện, sau đó sẽ là hàng loạt cái cớ hợp lý cho việc bắn giết này, trò này vốn là sở trường của công an Cộng sản mà lại!
Chưa dừng ở đây, sắp tới, sẽ có thêm vụ quản lý con người bằng dãy 12 con số cho đến lúc chết. Đương nhiên, điều này không xa lạ với các nước tiến bộ, nó có phần hợp lý của nó. Rất tiếc, nó chỉ hợp lý một khi được nhân dân chấp nhận và được thiết lập như một định chế của niềm tin từ phía nhân dân. Ở đây, trong chế độ Cộng sản xã hội chủ nghĩa, nơi mà mọi quyền tự do bị bóp chặt, mọi thông tin đều bưng bít, việc quản lý con người của nhà cầm quyền chỉ cho ra một hệ quả duy nhất: Kiểm soát cá thể tốt hơn, rõ hơn để dễ bóp chặt và khuôn giới mỗi cá nhân vào một thứ qui định của kẻ cầm quyền. Những ai có ý hướng bất đồng hoặc có tư tưởng tự do, dân chủ sẽ dễ dàng bị nhận dạng.
Nếu như trước đây, sự quản lý này nằm ở cấp huyện, cấp tỉnh, thì bây giờ, nó liên thông trung ương.Vì sao họ lại muốn quản lý nhân dân ở cấp trung ương? Vì bây giờ là thế giới phẵng, mọi người trên mặt địa cầu này đều có thể liên lạc, hoạt động trao đổi thông tin, dữ kiện và chiến lược, sách lược, thậm chí kế hoạch (không ngoại trừ kế hoạch lật đổ nhà nước, đảng cầm quyền!) thông qua internet và một số kênh khác như du lịch, chuyển vị trí tọa đàm/trao đổi sang một nước thứ ba… Đến đây, có thể nhận thấy cách quản lý công dân của nhà nước đã quá lạc hậu về mặt nhân quyền lẫn kĩ thuật. Chuyện nhân quyền còn lạc hậu thì miễn bàn, vì nó sẽ còn lạc hậu dài hơn nữa, vấn đề kĩ thuật, đương nhiên với sự quản lý theo cấp độ địa phương, từ xã đến tỉnh, đa phần hoạt động của người dân sẽ bị quản lý trong đơn vị địa phương, những địa phương khác chỉ biết đến khi có sự cố nổi bật (ví dụ như chị em Huỳnh Thục Vy vào biểu tình ở Sài Gòn, đến khi chị em cô đã biểu tình thì công an Quảng Nam mới biết thông qua thông báo của công an Sài Gòn để vào bắt…).
Trường hợp quản lý theo cấp độ trung ương thì mọi việc đều khác, một người mang mã số n nào đó đến khách sạn ở một tỉnh thành khác thuê phòng, chủ khách sạn báo cáo mã số lên công an khu vực, bằng công cụ tin học, chỉ trong tích tắc, công an khu vực sẽ liên lạc với trung tâm dữ liệu trung ương, nắm bắt mọi thông tin về “tiền án, tiền sự” của cá nhân đó và họ có thể ra tay khống chế, bắt bớ một cách thuận tiện, không cần phải xin dữ liệu theo chiều ngang (tỉnh này xin dữ liệu của tỉnh kia). Và, mỗi cá nhân chỉ còn đóng vai trò một con chim trong lồng đúng nghĩa, không thể đi đâu thoát khỏi tầm quản lý của nhà cầm quyền.Đương nhiên, đó là cách mà nhà cầm quyền cần để duy trì độc tài.
Nhưng thực hiện nó đến đâu là chuyện hoàn toàn khác! Bởi, một khi nhân dân đã không đồng thuận với nhà cầm quyền, và trong tình trạng Việt Nam hiện nay, nhân dân không những không đồng thuận mà còn mất niềm tin, bác bỏ và phản đối mọi sách lược của nhà cầm quyền, thì cho dù có nhốt nhân dân trong lồng như nhốt chim, cũng không thể nhốt được tư tưởng phản kháng của họ, cũng không thể lường trước được sức mạnh tập thể của hơn chín mươi triệu dân đang cùng quắc mắt nhìn về ba triệu con người đang kiềm hãm tự do của mình.Và hơn nữa, trò chơi cố gắng bóp chặt tự do của con người trong bàn tay độc tài giữa thế giới tiến bộ, thế giới phẳng là trò chơi của kẻ cố tình lau khô nước đá hoặc là “cao cấp” hơn một chút là xỉa răng cọp giữa rừng già, hay nói mỹ miều thì đây là trò chơi lặn cá mập đại dương. Dường như những trò này chỉ có giá trị với người có não trạng không bình thường. Mọi chuyện thật là khó lường! Mọi cố gắng chẳng khác nào cố gắng làm đẹp “Bác trong lăng”! Và không chừng, cái gọi là “quyền được bắn trực tiếp” vào nhân dân và gắn mã số định danh lên mỗi công dân là trò chơi cuối cùng của chế độ! Game over!
Nhận xét
Đăng nhận xét