Độc tài Vua Chúa, Độc tài Cộng Sản, và Độc tài không Cộng Sản
- Vương Văn Quang
Tranh Mana Neyestani
“Một người thông minh & lương thiện thì không thể cộng sản,[Nguyễn Quốc Chánh – “ê, tao đây”]
Một người thông minh mà cộng sản thì không thể lương thiện, &
Một người lương thiện mà cộng sản thì chắc chắn không thông minh”.
Một trong những nguyên nhân khiến hệ thống nhà nước Độc Tài Cộng Sản bên châu Âu sụp đổ dễ dàng, nhanh chóng, là, trước khi bị áp đặt Nhà Nước Cộng Sản, họ [tiêu biểu như Đông Đức, Tiệp, Ba Lan, Hung] đã phát triển công nghiệp tư bản, và Nhà Nước Dân Chủ Tư Sản. Do đó, người dân [đặc biệt tầng lớp trí thức] của họ đã được “hít thở”, “tập tành” [khái niệm, ý thức, khát vọng] dân chủ.
Ở Việt Nam thì sao?
Việt Nam chúng ta đã đốt cháy giai đoạn, đi thẳng từ nhà nước Phong Kiến tới nhà nước Cộng Sản [thực chất cũng là một dạng Phong Kiến. “Quân xử thần tử thần bất tử bất trung”. Nghĩa là chúng ta đi từ Phong Kiến tới Phong Kiến].
Vua Chúa Phong Kiến là một thực thể hữu hình, là con người cá nhân, nên người ta dễ nhìn thấy nó, nó tốt xấu ra sao; còn Phong Kiến Cộng Sản, vua tập thể lại là khái niệm, nó trừu tượng và siêu hình, nên rất khó nhìn ra bộ mặt thật của nó, nhất là bản thân nó luôn biến báo, lươn lẹo. Điều này lí giải tại sao cho tới giờ phút này, vẫn không thiếu người thật lòng “yêu đảng”, mong đảng nghĩ lại, sửa mình, đảng không thể sai, chỉ có “con sâu rầu nồi canh”. Đây là tư duy tiêu biểu của con người “thần dân”.
Một hành trình của dân tộc lê thê dài dằng dặc, mòn mỏi từ Phong Kiến tới Phong Kiến, ắt cái ý thức hệ thần dân sẽ ăn sâu vào máu. Đó là bi kịch của đốt cháy giai đoạn.
Chúng ta chưa từng được hít thở không khí tư bản công nghiệp, cũng như chưa bao giờ được thụ hưởng một nhà nước/chính thể Dân Chủ Tư Sản. Đây là một trong những lí do khiến nhà nước Cộng Sản ở ta còn tồn tại đến ngày nay.
Như vậy, có thể thấy, chúng ta chưa được chuẩn bị kĩ càng để trở thành những con người [có khái niệm, ý thức, khát vọng…] tự do, có ý thức công dân.
Hôm nay, một nhà lí luận trên facebook, sau khi dẫn đường link sang blog Nguyễn Quang Lập, ông ta nói những lời khủng khiếp, dường như ông là Kant, là He-ghen, là Nít, là Các Pốp Pơ … vậy [trong tình huống hài hước nhất, tôi cũng chưa bao giờ cả gan viết với giọng điệu này. Tôi không biết ông Nguyễn Quang Lập, ông Ngô Minh, nên hoàn toàn có thể loại trừ trường hợp “khen, chê” bầy đàn]. Thật ra, ông ta, nhà tư tưởng facebook, có quyền vĩ cuồng, tôi không care, nhưng đáng tiếc, ông ta nói vớ vẩn.
Trích dẫn [cóp & bết]:
Ngô Minh viết bài này quá tệ. Ông Nguyễn Quang Lập có lẽ cũng ko hiểu biết gì về tình hình Campuchia nên mới cho đăng bài viết kém cỏi này lên. Ông tung hê Hun Sen cho thấy ông không biết, không hiểu về kẻ độc tài, tráo trở này. Song song với đó là ông chẳng hiểu gì về tình hình chính trị ở Cambodge. Làm gì có cái việc năm 2013 nếu CPP thắng lợi sẽ cùng Funcipec liên hợp thành lập chính phủ. Ông Ngô Minh cũng không biết được có đến bao nhiêu đối thủ đối lập chính trị, những nhà báo nhân dân đã bị các tên sát thủ của Hun Sen đưa sang bên kia Thế Giới. Hun Sen và đảng CPP của ông ta đang sử dụng cách làm như tất cả các thủ lãnh độc tài khác trên Thế giới và không ngoại trừ cả cách làm như Việt Nam để giành thắng lợi trong những cuộc bầu cử ở Cambodge.Tôi có ý định viết những dòng này với thái độ nghiêm túc, nhưng sau khi trích dẫn, tôi không thể không: hehehe…
Lời khuyên cho ông Ngô Minh là, biết thì thưa thì thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Trong môi trường Internet, sự rối loạn thông tin sẽ làm cho nhiều người sau khi đọc bài của ông nhầm tưởng Hun Sen là vị thủ tướng từ bi, tài ba mà chẳng thể biết được đó là tên tham quyền cố vị, độc ác, tham tàn.
Hay thật, người ta nhầm tưởng Hun Sen là “vị thủ tướng từ bi, tài ba” thì sao cơ chứ? không phải người ta [không loại trừ ông, người viết những lời sấm sét trên] vẫn luôn “nhầm tưởng” hàng ngày đó sao? mà, tệ hơn, những nhầm tưởng của các ông là những nhầm tưởng liên quan thiết thân tới tư tưởng, thái độ xã hội, thái độ chính trị, đời sống của chính các ông.
Cứ cho rằng, Hun Sen là nhà độc tài, thì ông ta là thứ Độc Tài Không Cộng Sản [không nói tới việc đảng ông ta không mang tên Cộng Sản, chỉ xét tới việc chấp nhận đa đảng, là thấy điều này]. thực tế, người dân Căm Pu Chia đang được hít thở loại không khí chính trị trong lành hơn Việt Nam nhiều. Hãy nhìn bảng phân loại tự do báo chí, xem người ta hơn mình bao nhiêu bậc? ông Hun Sen tiêu diệt đối thủ chính trị [ai có quyền lực chính trị mà không làm thế nếu có thể?], chứ ông ta có tiêu diệt nhân dân như Pôn-Pốt đâu mà nhà lí luận facebook phẫn nộ?
Độc Tài Không Cộng Sản ít khốn nạn hơn Độc Tài Cộng Sản, vì Độc Tài Không Cộng Sản không bị vướng víu những giáo điều lạc hậu và ngu xuẩn của Chủ Nghĩa Cộng Sản [bài phát biểu nổi tiếng của ông tổng Trọng, là một ví dụ].
Trong vài trường hợp, người dân còn phải cám ơn độc tài, những nhà Độc-Tài-Không-Cộng-Sản. Hãy nhìn sang Nam Hàn, và nhà độc tài Park Chung Hee!
Tôi thật lòng mong muốn, Việt Nam chưa nên thoát độc tài, vì người Việt chưa có khái niệm gì về Xã Hội Dân Sự, chưa nắm vững Nhân Quyền, chưa có nhu cầu, khát khao Dân Chủ như nhu cầu ăn, ngủ, hít thở. Cái gì cũng cần thời gian, tiến trình. Và cả sự tập luyện.
Người dân là tấm gương phản ánh chính thể/nhà nước
Tôi mong muốn Việt Nam có một nhà Độc-Tài-Không-Cộng-Sản. Bởi như đã trình bầy bên trên, bi kịch của việc “đốt cháy giai đoạn” sẽ tồi tệ như thế nào. Độc-Tài-Không-Cộng-Sản, vì không bị giàng buộc bởi giáo điều cộng sản, nên sẽ có hành xử open hơn, sure. Độc Tài Không Cộng Sản có ngu xuẩn đến mấy, có vĩ cuồng, vô liêm sỉ đến mấy, thì cũng không dám vỗ ngực: tao là đạo đức, tao là văn minh, tao là chân lí tuyệt đối. Độc Tài Không Cộng Sản [độc tài cá nhân], nó giống với độc tài vua chúa, là con người cá nhân, nên người ta dễ nhận ra, nó là “minh quân” hay “hôn quân”.
Trong hoàn cảnh hiện đại, độc tài hôm nay không dễ bịp như vua chúa phong kiến, nó không thể, không bao giờ dám ảo tưởng [và áp đặt] ý tưởng “thiên tử”. Do đó, đây là một điều kiện cho nhân dân tập tành dân chủ.
Trong tình huống này là lựa chọn giữa cái khốn nạn và cái ít khốn nạn hơn. Chỉ tiếc rằng, hiện nay, ở Việt Nam chưa có gương mặt nào sáng giá để trở thành nhà Độc-Tài-Không-Cộng-Sản.
Vương Văn Quang
Nhận xét
Đăng nhận xét