Cần phản ứng gì trước hành động ngang ngược của TQ?


Gia Minh, biên tập viên RFA

2013-03-27

bd1-305.jpg
Hội thảo về biển Đông tại New York hôm 14-03-2013.
Courtesy Asia Society




Tình hình tại khu vực Biển Đông tiếp tục bị khuấy động bởi phía Trung Quốc. Ngư dân Việt Nam đang là đối tượng bị phía Trung Quốc săn đuổi. Phía chính quyền Hà Nội có những phản ứng ra sao? Cần có những biện pháp gì để tránh tình trạng đó?

Thách thức dư luận

Gia Minh hỏi chuyện ông Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính Phủ. Trước hết ông nhắc lại một số diễn biến gần nhất tại khu vực Biển Đông:
Trần Công Trục: Những hoạt động của Trung Quốc gần đây chắc chắn là nhiều phương tiện thông tin đã cho dư luận biết rồi. Trung Quốc tăng cường hoạt động rất mạnh, rất là dồn dập. Đặc biệt họ sử dụng các lực lượng núp dưới danh nghĩa là các tàu chấp phát như hải giám, tuần ngư. Các tàu mang tính chất dân sự, hành chính và dưới hình thức đó họ tiến hành.
Chúng ta biết rằng các hoạt động đó ngày càng mạnh hơn lên. Hành động đó mang tính cách thách thức dư luận, bất chấp các luật pháp và công ước của quốc tế và đặc biệt gần đây thì tiếp theo những việc bắt bớ và đánh đuổi rồi ngăn cản.... và bây giờ họ sử dụng đến các vũ khí để mà đánh thẳng vào tàu đánh cá của Việt Nam mà như các bạn đã biết là một con tàu của Việt nam bị bắn cháy ở ca-bin mà suýt nữa là làm nổ tung con tàu. Điều đó rõ ràng là bước leo thang rất là mới, Trung Quốc đã sử dụng đến sức mạnh của mình, đến vũ khí để mà gây ra cái sự kiện đó. Tôi nghĩ đây là hành động rất là trắng trợn vi phạm đến luật pháp, công ước của quốc tế.
Điều thứ nhất là họ đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ngư dân Việt Nam vẫn đến đây đánh bắt và khai thác hải sản từ lâu đời rồi; từ đời cha,đời ông cho đến bây giờ họ vẫn làm trên vùng biển ,trên quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đấy là một sự vi phạm mà phía Việt Nam đã từng nói rất nhiều lần để phản đối những hành vi đó.
Thứ hai, sự phi pháp của họ là ở điểm họ đã sử dụng đến bắt bớ, giam cầm rồi đòi tiền phạt, tịch thu phương tiện của ngư dân. Đấy cũng là điều không được phép theo qui định công ước luật về biển của quốc tế năm 1952. Một bước bất thường nữa là họ đã sử dụng đến vũ khí để bắn thẳng vào tàu, đây là một hành động bị ngăn cấm và trái ngược hoàn toàn với quy định luật pháp quốc tế trong các hoạt động của tàu thuyền làm ăn đi lại trên biển.
Hành động đó mang tính cách thách thức dư luận, bất chấp các luật pháp và công ước của quốc tế và đặc biệt gần đây thì tiếp theo những việc bắt bớ và đánh đuổi rồi ngăn cản....
Trần Công Trực
Điều thứ ba tôi muốn nói là việc gây ra các sự kiện như bắn vào tàu như vậy là trái với thông lệ, hay nói cách khác là phong cách đạo đức của người hoạt động trên biển bởi vì các ngư dân rất yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau làm ăn và cả khi gặp hoạn nạn; còn đây họ lại trở thành thù địch để mà bắn vào các ngư dân, những người trong tay không có một tấc sắt hay vũ khí nào để tự vệ. Điều đó tôi nghĩ hoàn toàn trái với đạo đức và tình cảm thông thường theo truyền thống của những người đi biển.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã lên án hết sức mạnh mẽ việc làm cháy tàu của ngư dân Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đồng thời cũng là một hành vô nhân đạo. Tôi nghĩ điều nầy hoàn toàn chuẩn
Gia Minh: Ngay sáng hôm nay thì Trung Quốc cũng đã nói rằng họ làm như vậy là hợp pháp và cần thiết nhưng mà ông thấy là có thể vì phía Việt Nam chỉ có phản đối mà không có những biện pháp mạnh hơn cho nên là người ta lấn tới như lâu nay, thưa ông?
Trần Công Trục: Vâng khi sự việc xảy ra và khi nghe người phát ngôn Bộ Ngoại giao phản đối với công hàm thì rõ ràng tôi cũng suy nghĩ rằng đương nhiên là phía Trung Quốc sẽ câu trả lời như chúng ta vừa được nghe. Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Trung Quốc đã đổ tội cho Việt Nam là Việt Nam vi phạm. Điều này chúng ta đã nghe nhiều lần rồi. Bất kỳ một hành động nào họ cũng dùng luận điệu là họ phản công để tự vệ, để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc, rồi do Việt Nam, do các nước trong khu vực gây ra cho Trung Quốc. Đấy là luận điệu thông thường mà tôi nghĩ là cách làm truyền thống của người Trung Quốc. Và điều đó cũng không làm cho chúng ta ngạc nhiên.

Tau-ca-VN-bi-ban-chay-Cabin_2bb33-250.jpg
Tàu cá VN bị truy đuổi và bị tàu TQ bắn cháy hôm 20 tháng 3. Courtesy nld.

Điều quan trọng tôi vẫn nói rằng là cần có sự tuyên bố về mặt nguyên tắc, đây là điều cần thiết, để khi có những hành động vi phạm đó thì chúng ta có thái độ nhằm phản đối về mặt pháp lý nghiêm khắc cần phải làm nhưng không chỉ dừng lại ở đấy mà tiếp tục cần phải có những biện pháp cụ thể hơn. Nếu không thì dư luận người ta nghe cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc, biết bên nào đúng, bên nào sai. Vấn đề là chỗ đó. Bây giờ tôi nghĩ cần phải tiếp tục câu chuyện này, phải tập họp bằng chứng, chứng cứ rồi phải đưa ra dư luận cho rõ ràng và theo những phương thức đàm phán. Chẳng hạn như hai nước với những sự kiện đó phải ngồi xuống cùng nhau để làm cho rõ nhưng mà nếu hai nước đàm phán cũng không thể giải quyết thì đưa vấn đề ra các tổ chức tài phán quốc tế để xem xét và xử lý. Cơ quan tài phán đó họ sẽ giúp cho chúng ta công cụ và có những biện pháp công bằng trên tất cả những việc mà Trung Quốc làm đối với hoạt động của người dân Việt Nam để xem ai đúng, ai sai. Lúc đó ta sẽ tìm được giải pháp. Điều đó hoàn toàn phù hợp với những gì mà luật pháp quốc tế đã qui định. Đồng thời cũng tạo cho các bên có thể giải quyết các xung đột một cách hòa bình để khỏi xảy ra việc đáng tiếc vừa rồi. Tôi nghĩ điều đó phải làm nhưng nếu như chúng ta chỉ phản đối qua lại thế này và không có một hành tiếp theo nào đó thì rõ ràng phía Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động tiếp theo càng làm cho mọi chuyện phức tạp hơn.

Bài học kinh nghiệm

Gia Minh: Philipines vừa rồi cũng đưa ra tòa án để giải quyết các tranh chấp giữa Philipines và Trung Quốc hiện nay nhưng mà Trung Quốc vẫn cứ khăng khăng bác bỏ chuyện đó. Như ông nói, Việt Nam đưa ra mà Trung Quốc họ cũng bác thì mình phải tiếp bằng cách gì cho nó hiệu quả, thưa ông?
Trần Công Trục: Rõ ràng Philipines vừa rồi họ có đưa đơn lên tòa án trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc thì tôi nghĩ rằng họ làm như vậy là hoàn toàn đúng và họ được sự đồng tình ủng hộ của nhiều quốc gia và đặc biệt là chuyên gia luật biển của quốc tế, thậm chí của một chuyên gia luật của Trung Quốc thì họ cũng đánh giá rằng nếu như Trung Quốc không theo kiện, không cử người tham gia thì họ sẽ ở thế bất lợi. Như vậy đã có người tiên phong sử dụng các lợi thế của mình để đưa vụ việc ra tòa án quốc tế và chính vì điều đó họ có được tiếng nói, có một công rất lớn lao trong việc giúp cho các bên có thể tìm ra cách xử lý, cách giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Điều đó có thể là một bài học của chúng ta để áp dụng nó trong trường hợp của Việt Nam cũng như là một số các nước có liên quan trực tiếp đến vấn đề trên biển Đông.
Tôi cũng nghĩ rằng trong thế giới hiện nay, trong đời sống văn minh hiện đại chúng ta phải sống theo luật, theo lý và chúng ta cũng cần có tiếng nói ủng hộ chung của cộng đồng quốc tế.
Trần Công Trực
Phía Trung Quốc, đương nhiên, tôi nghĩ rằng họ luôn tỏ thái độ trái lại với tất cả với công việc của các nước như Philipines,Việt Nam và của các nước trong khu vực như đã làm từ trước. Tôi cho rằng điều đó cũng không đáng làm ngạc nhiên lắm. Tuy nhiên cũng không phải như vậy mà chúng ta chùn bước không làm gì vì việc của chúng ta không phải phụ thuộc vào thái độ của Trung Quốc mà phải theo luật pháp của quốc tế. Nếu Trung Quốc không đồng tình hay không tham gia thì tòa án trọng tài quốc tế và luật biển sẽ có những biện pháp để đưa ra những phán quyết và những phán quyết đó có những giá trị bắt buộc đối với các bên có liên quan giúp cho dư luận và công luận nhận ra ai đúng, ai sai để có thể tạo ra những đồng thuận. Tôi cũng nghĩ rằng trong thế giới hiện nay, trong đời sống văn minh hiện đại chúng ta phải sống theo luật, theo lý và chúng ta cũng cần có tiếng nói ủng hộ chung của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn những hành động vi phạm bất chấp luật pháp của quốc tế. Chính những điều đó giúp tạo nên sức mạnh để bảo vệ hòa bình, an ninh và tạo cơ hội để phát triển luật pháp của khu vực và quốc tế trong thời buổi hiện nay.
Gia Minh: Gần đây có nhiều các hội thảo để người ta nói rõ tình hình ở biển Đông, thưa ông, nhưng mà một khi được mời tham gia, thì bao giờ cũng vậy Trung Quốc họ cũng cho rằng họ đúng và những nước trong vùng là sai và thậm chí vừa rồi thì người đại diện tại hội thảo gần đây nhất tại New York, họ cũng nói rằng đây là chuyện phân quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc chứ không hề có liên quan gì đến các nước. Vậy thì ông thấy những phát biểu của ông tướng Chu Thành Hổ đó ra sao ạ?
Trần Công Trục: Vâng, tôi cũng đọc được những thông tin liên quan về lời phát biểu của phía Trung Quốc, đặc biệt là của ông Chu Thành Hổ, giám đốc viện Quốc Phòng của Trung Quốc. Ông ta phát biểu nhiều và đương nhiên ông ta bảo vệ cái quan điểm rất sai trái của mình. Trong tất cả những nội dung mà các học giả đã viết về các hoạt động của Trung Quốc thì tôi nghĩ rằng với các nói đó tự họ đã bộc lộ những điểm yếu của mình. Rõ ràng họ đã thể hiện rằng đây chỉ là sự phân chia lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ mà các nước khác không có vai trò gì hết là một sai lầm rất lớn.

001_GR308262-250.jpg
Bản đồ hình lưỡi bò do TQ tự công bố nhằm chiếm trọn biền Đông. AFP photo.

Tôi nghĩ lợi ích của các nước trong khu vực phải có liên quan trực tiếp và cần phải được xử lý. Còn vấn đề quan hệ của các nước khác thì họ phải tìm tiếng nói đồng tình, hỗ trợ để giúp cho các công việc của các nước quan hệ trực tiếp giải quyết với nhau mới chính đúng qui luật, đúng với các qui định của luật pháp. Đây không phải là lợi ích của Hoa Kỳ và của Trung Quốc. Lợi ích cốt lõi để phân chia quyền lực đó, theo tôi, là những tư tưởng của nước lớn không đúng đắn. Đấy là một quan niệm hết sức sai lầm và cũng bắt nguồn từ những tư tưởng này họ mới gây ra những điều phi lý và bất chấp luật pháp và công ước quốc tế. Tôi chắc chắn rằng điều này không được sự đồng thuận của các quốc gia trong khu vực vá quốc tế.
Gia Minh: Khi mà nói đến các giải pháp cho tình tình hiện nay thì người ta cũng nói là phải giữ nguyên trạng và thậm chí phía Trung Quốc họ cũng nói như vậy nhưng trên thực tế thì không hề giống nhau, thưa ông? Vậy ông thấy đúng là Trung Quốc vẫn có những âm mưu khi mà họ muốn người khác không làm gì nhưng họ vẫn tiến hành những hoạt động của họ?
Trần Công Trực: Điều đó đã được hoàn toàn minh chứng trong quá khứ, trong thời gian vừa qua với những hoạt động của Trung Quốc. Thế thì vấn đề ở đây là giữ nguyên hiện trạng là một trong những nguyên tắc pháp lý thường được quốc tế sử dụng khi các bên ngồi lại đàm phán với nhau. Để tạo ra những cuộc đàm phán thuận lợi thì thường người ta có một thỏa thuận giữ nguyên hiện trạng, không làm thêm phức tạp tình hình giúp giải quyết mọi vấn đề, mọi tranh chấp một cách hòa bình (gọi là status quo). Đây là điều quốc tế vần thường áp dụng. Tuy nhiên, ở đây có vấn đề là Trung Quốc nêu ra như vậy, thực ra trong tuyên bố của các vấn đề ứng xử biển Đông của các nước Asean với Trung Quốc trước đây thì tinh thần cũng đúng như vậy - không làm thêm phức tạp tình hình-không chiếm đóng thêm - không gây ra những lộn xộn và đó là biểu hiện của “status quo”. Chính Trung Quốc bây giờ cũng nhắc lại điều đó nhưng trong thực tế thì họ làm ngược lại hoàn toàn.
Đây chỉ là một sự tuyên bố có tính chất nhằm đánh lừa dư luận còn trong thưc tế thì khác hẳn, cụ thể là chuyện của một con tàu đánh cá nhỏ nhoi của ngư dân Việt Nam vừa mới bị bắn cháy. Đây là thực tế trả lời cho việc “giữ nguyên hiện trạng” của Trung Quốc. Vì vậy tôi nghĩ chúng ta phải rất là cảnh giác với tất cả những điều họ nói, về những tuyên bố có tính cách ngoại giao của họ. Chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề mà hiện nay, trong khu vực này, để tìm nguyên nhân từ đâu của những tranh chấp, những lộn lộn. Theo tôi, cả dư luận quốc tế, những người quan tâm, các học giả, những nhà chính khách, người ta cũng đã có nhiều ý kiến tìm ra được nguyên nhân của vấn đề. Đó chính là những hoạt động của Trung Quốc.
Tôi còn nhớ một tuyên bố của một đại biểu Trung Quốc tham gia hội thảo nói rằng, chính ông tướng này, thời điểm này rất thích hợp cho Trung Quốc và Asean ngồi vào ký cái bộ nguyên tắc ứng xử trên biển Đông. Tôi nghĩ rằng tại sao họ nói như vậy và giờ thì họ lại nói chưa phải là thời điểm thì chẳng qua họ muốn lợi dụng cái mà họ gọi là thời điểm rất thích hợp đó để họ bắt đầu các cuộc triển khai mạnh hơn nữa để giành các lợi thế, chiếm các ưu thế trước khi họ ngồi vào đàm phán với các nước để tìm ra bộ qui tắc ứng xử. Đấy chính là các mục tiêu của Trung Quốc. Họ quyết tâm dùng mọi biện pháp để giành được thế chủ động cũng như lợi thế của mình để họ thực hiện được các chiến lược của họ đó là khống chế được toàn bộ biển Đông, tìm con đường vươn ra biển để trở thành một cường quốc biển trước khi trở thành một siêu cường quốc tế.
Gia Minh: Cảm ơn ông về những trình bày, những chia sẻ của ông vừa rồi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?