Vài lời cùng ông văn nô
Hà Hiển- Blog HH
Mình vừa tình cờ đọc được bài viết của một ông đắc ý khoe được thiên hạ phong làm “văn nô”. Vì vậy trong entry này xin được gọi tắt ông ấy là “văn nô” cho nó vừa gọn vừa làm vui lòng tác giả.
Lọc từ bài viết khá nhiều chữ của văn nô (xin mời bấm vào ĐÂY sẽ đọc được toàn bài) có 2 đoạn này mình thấy tay này viết được:
1) “… Những bài học của lịch sử, thời phong kiến, khi vua hiền, tướng giỏi như giai đoạn đầu nhà Trần, nhà Lê, chúng ta đã đánh thắng những đội quân xâm lược hùng mạnh nhất; nhưng giai đoạn cuối, vua hèn, cận thần xúi bậy, nhà Trần đã mất ngôi dẫn đến chuyện dân ta mất nước; cuối nhà Lê thời Trịnh-Nguyễn phân tranh nội chiến, dân ta nồi da xáo thịt cùng cực đến dường nào! Thời Tam quốc bên Tàu, Lưu Bị được Khổng Minh phò trợ từng suýt đốt chết Tư Mã Ý, Tổ phụ của nhà Tấn; nhưng đến đời con là Lưu Thiện đớn hèn hàng giặc, cháu nội nhục quá đã bắt cả nhà tự sát trước bàn thờ Lưu Bị!”
2) “Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta đang cần có một Đảng mạnh như hồi đánh thắng Điện Biên Phủ, như hồi bắn rơi B52 trên bầu trời Hà Nội và khi lãnh đạo Chiến dịch HCM giành Toàn thắng, để chỉnh đốn, để đấu tranh giai cấp trong giai đoạn mới (chống nhóm lợi ích), lập lại kỷ cương phép nước, thưởng phạt công minh”
Chỉ tiếc là 2 đoạn “viết được” trên chẳng ăn nhập gì với toàn bộ nội dung bài viết của văn nô.
Cái đoạn 1 nói về nhà Trần mất ngôi vì bị bọn “cận thần xúi bậy” trong khi bài viết của văn nô tập trung đả kích những người như GS Huệ Chi, Nhà văn Nguyên Ngọc, GS Tương Lai và một số nhà văn nhà báo khác mà những người này hiện tại đều không phải là “cận thần” của chế độ hiện nay. Vậy thì đoạn này một là ám chỉ nhầm đối tượng, hai là lạc đề. Giá như sau đoạn này tác giả điểm mặt chỉ tên một lũ cận thần hiện đại, bao gồm cả cái bọn bồi bút, văn nô chuyên viết bậy xúi bậy cả chính quyền và nhân dân thì mới phù hợp với văn cảnh.
Còn ở đoạn 2 thì văn nô bảo “chúng ta đang cần có một Đảng mạnh như hồi đánh thắng Điện Biên Phủ…” thì quá đúng. Các bác nhân sĩ trí thức mà văn nô đang chỉ trích chắc cũng nhiệt liệt tán thưởng ý kiến này của văn nô.Nhưng việc chúng-ta-đang-cần-có- cái- gì- đó-như- hồi- ấy và việc chúng-ta- đang-có- cái -đó- như- hồi- ấy- hay- không là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau mà văn nô hình như cố tình không đề cập. Nói là cố tình vì mình nghĩ văn hay chữ tốt như văn nô chắc không thể không phân biệt được hai chuyện này với nhau. Có lẽ văn nô chỉ giả vờ ngu để cố tình tạo nên sự mập mờ thôi. Nhưng cũng bởi sự mập mờ đó mà toàn bộ lập luận của văn nô tốn khá nhiều chữ mà thành ra vô nghĩa.
Nhận xét
Đăng nhận xét