8 năm biến động cùng kinh tế Việt Nam qua lời kể của vị chuyên gia mê võ thuật và thiền
KINH TẾ VĨ MÔ - ĐẦU TƯ Thứ 7, 24/06/2017, 09:37 AM
Trở về Việt Nam năm 2009, chuyên gia tài chính ngân hàng Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từ bấy đến nay là cố vấn cấp cao cho một ngân hàng. Ông cũng thường xuyên tham gia các hội thảo chuyên đề trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và bất động sản, như là cách để đóng góp cho đất nước.
Trong một dịp chuyện trò mới đây với Báo Trí Thức Trẻ, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đã có những tâm sự về quãng thời gian 8 năm trở về Việt Nam
Biến động ngân hàng 8 năm qua: “Giai đoạn đặc biệt nhất đời tôi”
Ông Hiếu chia sẻ, ý định trở về Việt Nam phục vụ đất nước đã có trong ông từ khi ông đi du học tại Tây Đức. Đó là khi ông đặt bút vào làm luận án tiến sĩ những năm 79 tại Đại học Munich. Lúc đó ông mang ý định một ngày nào đó trở về Việt Nam phục vụ tại ngân hàng trung ương, vì luận án tiến sỹ của ông là một công trình nghiên cứu tính độc lập của 8 ngân hàng trung ương trong vùng Đông Nam Á Châu (không bao gồm Việt Nam vì thiếu tư liệu). Bởi tất cả cũng chỉ vì ý niệm muốn làm gì đó cho đất nước.
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ông được giáo sư đỡ đầu giới thiệu sang làm việc cho Commerzbank tại New York. Rồi sau đó ông về bang California và làm việc cho nhiều ngân hàng lớn tại Los Angeles bao gồm Crocker National Bank, Wells Fargo Bank, Canadian Commercial Bank, Standard Chartered Bank và Israel Discount Bank of New York, qua những vị trí từ chuyên viên tín dụng đến cấp quản lý tại hội sở. Năm 1995 lần đầu tiên ông trở về Việt Nam và làm việc cho Deutsche Bank tại TP HCM, vị trí Phó TGĐ.
Ông trở về Mỹ năm 1997 và tiến hành việc thành lập ngân hàng First Vietnamese American Bank (FVAB) năm 2005. Đây cũng là ngân hàng Việt Nam đầu tiên được thành lập trên đất Mỹ.
Trở về nước năm 2009, thời kỳ hoàng kim của ngân hàng và cho đến nay, đã giúp cho ông được chứng kiến những biến động quan trọng của ngành nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung, như cách ông Hiếu gọi “là giai đoạn đặc biệt nhất của đời tôi”.
“Thời điểm tôi về nước, ngành ngân hàng đang phát triển, bành trướng một cách mạnh mẽ. 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài vừa được cấp phép hoạt động, và 3 ngân hàng nội địa mới cũng được cấp giấy phép kinh doanh”, ông nói.
Trong sự bùng nổ đó, ông Hiếu cho biết có những ngân hàng chỉ sau 1 năm, tổng tài sản đã tăng gấp đôi. Tăng trưởng tín dụng vào khoảng 30 – 40% thay vì chỉ 17 – 18% như hiện tại, mà chủ yếu là cho vay các doanh nghiệp có vốn nhà nước, cho vay BĐS và các món vay thế chấp bằng BĐS.
“Ngân hàng và BĐS lúc đó lên như diều gặp gió”, ông nhận xét.
Nhưng chỉ sau vài năm bong bóng BĐS bị vỡ, nhiều doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành thua lỗ, ngành ngân hàng đi vào khủng hoảng và đã phải gánh một lượng lớn nợ xấu khổng lồ, đã có lúc lên đến 17% tổng dư nợ toàn hệ thống và hiện nay vẫn còn khoảng 600 nghìn tỷ đồng bao gồm nợ xấu trên sổ sách của ngân hàng, nợ bán cho VAMC và nợ có khả năng trở thành nợ xấu. Những năm 2011 – 2012, Chính phủ đã nhận thấy bong bóng BĐS và rủi ro khủng hoảng hệ thống, từ đó chỉ định NHNN điều chỉnh mạnh mẽ và thành lập VAMC để xử lý nợ xấu. Số lượng ngân hàng cũng vì thế giảm theo.
“8 năm qua, ngành ngân hàng Việt nam đã trải qua từ giai đoạn bùng nổ đến khủng hoảng và điểu chỉnh. Tăng trưởng của ngành không được như xưa, lãi suất cũng giảm từ 18 – 20% thời hoàng kim về còn 6 – 7% hiện tại. Nhiều ngân hàng biến mất khỏi thị trường, có những ngân hàng được sát nhập, hay trong 2 năm vừa rồi 3 ngân hàng đã được Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng”, ông Hiếu kể.
Ông cũng cho biết thêm, bên cạnh tái cơ cấu ngành ngân hàng Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện thành công hai chủ trương: đẩy lùi vàng hoá và đô la hoá; tiền đồng không bị lạm phát như các năm trước, ổn định hơn nhiều, và ngày nay thị trường vàng khá ổn định.
Và dù rằng kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng không còn tăng trưởng mạnh như thời điểm trước nhưng nó lại thể hiện được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.
Ông Hiếu nhận định chung “Tám năm qua ngành ngân hàng của Việt Nam trải qua một thời kỳ đầy biến động, thành công có, nhưng thất bại cũng không ít. Ngành ngân hàng đã vững vàng hơn, ổn định hơn nhưng vẫn còn rất nhiều chuyện phải giải quyết: khối nợ xấu vẫn rất lớn, ba “ngân hàng 0 đồng” vẫn chưa hồi phục. Một vài ngân hàng mà chỉ cách đây ít năm là đầu tầu trong hệ thống các NHTM cổ phần thì ngày nay đang cố tìm cách vượt khó khăn để tồn tại.
Vấn đề vốn chủ sở hữu của một vài ngân hàng bị sói mòn nghiêm trọng vì lỗ và nợ xấu, vấn đề sở hữu chéo và lợi ích nhóm vẫn chưa có cách giải quyết triệt để. Quản lý rủi ro còn cách xa với thông lệ quốc tế, lãi suất huy động và cho vay vẫn cao, và xếp hạng tín nhiệm của ngành ngân hàng Việt Nam trên thế giới còn rất thấp”.
“Tôi quan niệm ngành ngân hàng là hàn thử biểu của nền kinh tế. Nhìn vào đó có thể biết được kinh tế đang ấm, nóng hay như thế nào, và ngược lại. Nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ sức tăng trưởng cao so với các nước chung quanh nhưng nay bộc lộ nhiều điểm yếu. Cũng thế, ngành ngân hàng đã chứng tỏ sự tăng trưởng mạnh trong một thập nguyên qua nhưng nay đã thể hiện nhiều thiếu sót và đang cần một sự tu bổ toàn diện” ông nói thêm.
Ông kết luận “Điều làm tôi vui nhất trong thời gian qua là đã được đồng hành với ngành ngân hàng trải qua một thời kỳ quan trọng trong lịch sử hiện đại của ngành ngân hàng Việt Nam. Có lẽ tôi là một trong rất ít chuyên gia tài chính ngân hàng từ nước ngoài về có được cái may mắn và cơ hội quí báu đó.”
Cô đơn ở Việt Nam với công việc, võ thuật và thiền
Gia đình ông Hiếu vẫn ở Mỹ. Nhiều năm trước, ông đã thành công khi thuyết phục vợ về Việt Nam làm việc và sinh sống. Vợ ông, bà Beate Winkler Nguyễn, về Việt Nam năm 2010 và làm hiệu trưởng trường American International School trong TP HCM. Nhưng cũng chỉ được 2 năm rồi bà Beate trở về Mỹ.
“Gia đình tôi cũng thông cảm để cho tôi sống xa gia đình, vì chiều theo mong ước của tôi là được trở về phục vụ đất nước. Chúng tôi chấp nhận từ cả 2 phía. Mỗi năm, tôi về Mỹ ít nhất 1 lần dịp Giáng sinh để ở cạnh người thân”, ông nói.
Giờ ở Việt Nam, ngoài công việc liên quan đến tài chính – ngân hàng mà ông đã gắn bó suốt 38 năm, ông dành thời gian cho Aikido (Hiệp khí đạo), một môn võ Nhật Bản. Bên cạnh môn Aikido với đệ tam đẳng huyền đai, ông cũng là võ sư môn Taekwondo với đệ nhị đẳng huyền đai và huấn luyện viên môn võ Việt, Võ Lâm Kung Fu, với đệ nhất đẳng huyền đai.
Dù thời trẻ đã gắn bó với nhiều bộ môn võ thuật nhưng ông chọn Aikido là môn đồng hành đến giờ. Bởi lẽ, ông chia sẻ, Aikido rất khác biệt, nó không phải là môn võ thiên về tấn công, chủ đích đả thương và tiêu diệt, mà Aikido là võ tự vệ, lấy nhu chế cương. Quan trọng hơn, như tên gọi Hiệp khí đạo, Aikido là võ đạo, là con đường rèn đạo. Người học cũng vì thế không chỉ tập trên thảm mà còn áp dụng trong đời sống hàng ngày.
“Một trong những nguyên tắc tôi sử dụng hàng ngày trong giao tiếp và kinh doanh là khi người ta đẩy mình kéo, người ta kéo mình đẩy chứ không bao giờ họ đẩy mình cũng đẩy, họ kéo mình cũng kéo... đó là sự giằng co, tạo phản lực. Hãy nương theo lực, hoà quyện lại. Đấy là cách làm chủ tình thế và làm chủ cả con người mình, vì mình không đi tìm sự thắng bại mà tìm sự hòa giải”, ông nói.
“Nguyên tắc như vậy áp dụng trong kinh doanh rất tốt. Khi kinh doanh, nếu đối đầu sẽ có người thua người thắng. Còn hợp tác, hợp lực thì sẽ có kết quả win – win”, ông bật mý thêm.
Ngoài việc làm chủ tình thế, ông còn cho rằng việc rèn luyện võ đạo cũng giúp tâm ngay thẳng, không vướng dục vọng, tham lam. Đó là điều cần thiết trong ngành của ông, vốn làm việc với tiền.
Bên cạnh aikido, ông Hiếu còn tập thiền. Thiền, võ đã giúp ông không chỉ chỉ thanh tịnh trong những ngày sống ở Việt Nam mà còn giúp ông có thêm sức khoẻ để tiếp tục cống hiến. “Một ngày tôi vẫn làm việc từ 12 – 14 tiếng mà không hề thấy mệt. Các anh bảo vệ và các chị tạp vụ của tòa nhà chỗ tôi làm việc rất ngạc nhiên khi thấy tôi vào văn phòng làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật mà mặt mày vẫn tươi vui và chào hỏi khi gặp họ”, ông cười nói.
Theo Trí thức trẻ
Nhận xét
Đăng nhận xét