Vận mệnh, an nguy của VN qua một số thông tin xác thực
26/06/2017
Hoàng Tuấn Minh
Việc Trung Quốc đã triển khai khoảng 40 tàu và máy bay vận tải Y-8 đến khu vực khai thác dầu của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, sau khi Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc - Thượng tướng Phạm Trường Long - đã cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam từ ngày 18 đến 19/6/2017 và bất ngờ rời Hà Nội vào chiều tối ngày 18/6 mà không công bố nguyên nhân được rộ lên. Trên một số trang mạng, facebooker trong đó có cả facebooker rất nổi tiếng có cho rằng sự kiện này có liên quan đến mỏ khí Cá Voi Xanh mà Việt Nam chuẩn bị khai thác là không chuẩn xác. Xin gửi đến những bạn đọc quan tâm đến vận mệnh, an nguy của đất nước một số thông tin xác thực để hiểu rõ hơn.
Bản đồ phân lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông. |
1. Từ mỏ khí Cá Voi Xanh
Mỏ khí Cá Voi Xanh (Blue Whale) thuộc lô 118 nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 100 km về phía Ðông, thuộc vùng biển Ðà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam nhưng lại sát cái vạch “lưỡi bò” tức đường 9 đoạn mà Trung Quốc ngang ngược lập ra để tuyên bố chủ quyền Biển Ðông. Tháng 5/2011, Exxon Mobil (Hoa Kỳ) đã khoan ba giếng tại lô 118, hai giếng tìm thấy khí. Ðây là mỏ khí được coi là lớn nhất Việt Nam thời điểm hiện tại ước có trữ lượng thu hồi tại chỗ khoảng 150 tỉ mét khối. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã lên tiếng đe dọa Việt Nam cũng như các công ty dầu khí quốc tế tham gia dò tìm, khai thác dầu khí tại vùng biển Việt Nam vì dính “lưỡi bò” nên các hoạt động của Exxon Mobil đã khựng lại.
Ngày 12/07/2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế ở The Hague (Hà Lan) tuyên bố bác bỏ yêu sách đường “lưỡi bò” ngang ngược phi lý của Bắc Kinh do bị Philippines kiện. Tranh thủ “thiên thời, địa lợi” đó nên Việt Nam đã kiên quyết tiến hành: Ngày 26/3/2017 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) và tỉnh Quảng Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án mỏ khí Cá Voi Xanh. Đây là một dự án điện khí lớn nhất Việt Nam có vốn đầu tư xấp xỉ 10 tỉ USD. Theo kế hoạch thỏa thuận giữa các đối tác, tập đoàn Exxon Mobil sẽ đầu tư 1 giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi; 2 cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88 km nối vào bờ biển Chu Lai.Trên bờ, PVN sẽ đầu tư một nhà máy xử lý khí; một nhà máy điện 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 600-700 MW. Cả hai nhà máy xử lý khí và điện trên sẽ đặt tại Khu kinh tế mở Chu Lai (thuộc xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Các nhà máy trên dự kiến vận hành vào năm 2023.
Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm gần với bán đảo Sơn Trà, nơi mà Trung đoàn Radar 351 (Vùng 3 Hải quân) đặt radar giám sát bờ biển - Coast Watcher 100 - tối tân nhất thế giới hiện nay. Nó có thể phát hiện các tàu thuyền di chuyển ngoài giới hạn đường chân trời với khả năng giám sát bờ biển liên tục 24 giờ/ngày liên tục trong 365 ngày mà không cần bảo trì. Mọi biến động của một khu vực rộng lớn từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) đến quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa đều hoàn toàn xác định chính xác được vị trí từng con tàu một với độ tin cậy cao hơn cả vệ tinh. Mặt khác Cá Voi Xanh là vị trí rất gần đất liền và chì cách đảo Lý Sơn gần 20 hải lý, tất cả đều nằm trong tầm hỏa lực của pháo bờ biển và tên lửa của Việt Nam nên Trung Quốc chỉ dám đánh võ mồm mà chưa dám “ho he” hành động gì trên thực địa cả.
2. Đến Lô 136/03 khu vực Bãi Tư Chính
Sau khi xâm chiếm được các thực thể ở Trường Sa của Việt Nam năm 1988, Trung Quốc cho rằng họ có “chủ quyền lịch sử” ở đây vì nó nằm gần rìa tây nam của đường chín đoạn mà Trung Quốc tự thể hiện trên Biển Đông. Đến năm 1992, Trung Quốc đã ra giấy phép cho phép thăm dò dầu khí ở lô mà chúng gọi là Vạn An nằm trong một khu vực được quốc tế gọi là Vanguard Bank (tức là Bãi Tư Chính) thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tranh giành tài nguyên ở một vùng biển cách bờ biển của họ xa như vậy. Dù nó nằm cách bờ biển Trung Quốc hơn 650 hải lý (khoảng 1200 km) và chỉ cách Việt Nam 200 hải lý. Khi tàu Trung Quốc tìm cách khảo sát khu vực hồi năm 1994, Việt Nam đã đưa tàu hải quân ra ngăn chặn. Rồi khi Việt Nam đưa giàn khoan ra nơi này, đến lượt Trung Quốc tìm cách ngăn trở. Cả hai bên đều chưa khai thác gì được ở đây.
Hồi năm 1996, công ty Benton Oil and Gas, tiền thân của Harvest Natural Resources của Mỹ, đã mua lại quyền thăm dò lô “Vạn An” với giá 15 triệu USD. Harvest không bao giờ có thể triển khai khai thác lô này. Do thuộc chủ quyền của mình nên Việt Nam cũng đặt mục tiêu thăm dò khai thác của lô này và trao quyền cho công ty Talisman của Canada và ExxonMobil của Hoa Kỳ. Trung Quốc xem đây là hành động “xâm phạm chủ quyền của chúng”. Vì vậy 5/2011 Trung Quốc đã cho một đội tàu cá ra ngăn trở và cắt cáp một tàu thăm dò địa chất của Talisman đang hoạt động trong khu vực. Tuy nhiên, Talisman - ExxonMobi vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp bị quấy nhiễu và hiện đang khoan ở một lô mà Việt Nam gọi là 136/03.
Tháng 7/2014 Brightoil, một công ty niêm yết tại Hồng Kông có nhiều quan hệ với giới lãnh dạo chính trị cao cấp ở lục địa, mua quyền khai thác đối 2,5 triệu hecta đáy biển từ công ty Harvest Natural Resources với giá chỉ 3 triệu USD. Tuy nhiên, kể từ khi Brightoil được trao quyền thăm dò ở đây, Bắc Kinh đã gây hấn trở lại. Hồi cuối tháng 10/2014, tàu Hải Dương 4 của Trung Quốc được bốn tàu khác hộ tống đã thám sát địa chất ở lô này trong vòng hai tuần lễ. Lãnh đạo Việt Nam dường như đã quyết định không đối đầu với Trung Quốc để hàn gắn những đổ vỡ trong quan hệ song phương do sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 gây ra.
Sau nhiều năm trời được phía Việt Nam cùng chung sức và bảo vệ, Talisman – Exxon Mobil vẫn kiên trì khảo sát địa hình, khoan thăm dò dầu khí và cuối cùng đã phát hiện có dầu ở phía nam Lô 136/03 thuộc khu vực Tư Chính – Vũng Mây. Trữ lượng dầu hoàn toàn có đủ để khai thác thương mại. Chính vì vậy mà Trung Quốc tức tối yêu cầu Việt Nam ngừng các hoạt động khai thác dầu tại lô 136/03. Đó cũng chính là một trong những nhiệm vụ nặng nề mà Phạm phải gánh vác trong chuyến công du sang thăm Việt Nam.
Lô 136/03 hoàn toàn nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là chuyện đương nhiên, rồi mất bao nhiêu năm đầu tư tiền của công sức hơn nữa lại có lợi ích Mỹ đứng sau mà nay đã tìm thấy dầu trong lúc nền kinh tế khó khăn, ngân sách ngày càng thâm thủng thì không bao giờ Việt Nam chấp nhận ngừng các hoạt động khai thác cả. Cho dù kể cả đó là tối hậu thư của Trung Quốc đi chăng nữa. Đây cũnh chính là nguồn cơn khiến Trung Quốc đã triển khai khoảng 40 tàu và máy bay vận tải Y -8 đến khu vực khai thác của Việt Nam để quấy phá và cản trở gây nên xung đột hiện nay.
Vùng đặc quyền kinh tế của người khác mà Trung Quốc tự sang đi bán lại nhiều lần nay lại đòi đuổi chủ của nó đi nơi khác thì kể cũng lạ trên đời. Nếu ai mà chấp nhận điều đó thì có lẽ là kẻ điên.
Tên lửa đất đối hải Shaddock, đây là loại tên lửa mà Liên Xô (trước đây) chỉ bán riêng cho Việt Nam, nó là một loại tên lửa chống hạm khá mạnh và có sức công phá lớn và có khả năng chống tàu chiến hạng nặng kể cả tàu sân bay. Hiện nay Việt Nam đã tự mình sản xuất được loại tên lửa này chiều dài tên lửa 11,7 m; nặng 4,8 tấn; đường kính 880 mm; sải cánh dài 2,6 m; tốc độ gấp 2,5 tốc độ âm thanh; tầm bắn xa nhất là 550 km. Shaddock là tổ hợp tên lửa chống hạm có tầm bắn xa nhất Đông Nam Á hiện nay và cũng là loại duy nhất của Hải quân Việt Nam có thể vươn tới Trương Sa.
Bản đồ hoạt động và thăm dò khai thác dầu khí của các Công ty dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông. |
Hoàng Tuấn Minh
(Blog Tễu)
Nhận xét
Đăng nhận xét