Tin khắp nơi – 27/06/2017

Tin khắp nơi – 27/06/2017

Tòa tối cao

cho phép thực thi phần lớn lệnh cấm du hành của TT Trump

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cho hay sẽ xem xét sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump về hạn chế du hành, và trong thời gian này phần lớn lệnh cấm đó có hiệu lực thực hiện.
Sắc lệnh hành pháp sửa đổi của Tổng thống Trump, thường được gọi là lệnh cấm du hành, tạm ngưng cho phép công dân của sáu nước Hồi giáo nhập cảnh Mỹ trong 90 ngày và ngưng chương trình của Mỹ nhận người tị nạn 120 ngày. Chính quyền của ông Trump giải thích rằng các bước này là cần thiết để sửa đổi hệ thống rà soát an ninh để bảo vệ an toàn cho đất nước trước những mối đe dọa từ bên ngoài.
Lệnh cấm du hành đã bị hai tòa án liên bang tại bang Hawaii và bang Maryland hạn chế thi hành. Phán quyết của hai tòa án này được các tòa phúc thẩm giữ nguyên hiệu lực.
Quan điểm của tòa án tối cao mang một sắc thái khác, cho phép lệnh cấm du hành tạm ngưng cho nhập cảnh đối với những người đến từ các nước Libya, Iran, Somalia, Sudan, Syria và Yemen, và đình chỉ chương trình nhận người tị nạn.
Tuy nhiên các thẩm phán của tòa tối cao nói rằng lệnh cấm du hành sẽ không thực thi đối với “những người nước ngoài chứng minh có quan hệ thực thụ với một cá nhân hoặc một thực thể Mỹ.”
Tòa tối cao định nghĩa các quan hệ đó là: đối với với các nhân phải chứng minh được quan hệ gia đình, đối với học sinh phải được một trường đại học nhận, và đối với người lao động thì phải có bằng chứng được thuê mướn.
Tổng thống Trump nói rằng lệnh cấm du hành sẽ có hiệu lực trong vòng 72 giờ sau khi có phán quyết của tòa tối cao.
Trong thông báo hôm thứ Hai 27/6, Tổng thống Trump nói quyết định của Tối cao Pháp viện “là một thắng lợi rõ ràng.”
Ông Trump nói thêm rằng phán quyết của tòa giúp ông bảo vệ đất nước. Ông nói: “Là Tổng thống, tôi không thể cho phép những người nước ngoài muốn làm hại chúng ta vào đất nước của mình. Tôi chỉ muốn những người nào có thể yêu nước Mỹ, yêu người Mỹ và sẽ siêng năng làm việc và có hiệu quả.”
Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho hay lệnh cấm du hành “sẽ được thực thi một cách chuyên nghiệp, với thông tin rõ ràng và đầy đủ cho công chúng, nhất là đối với những người có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, và trong sự phối hợp với các đối tác trong lãnh vực du hành.”
Tổng Chưởng lý bang Hawaii, ông Doug Chin nói rằng tổng thống được trông đợi sẽ bảo vệ biên cương đất nước, nhưng sắc lệnh được ban hành thiếu cơ sở hợp lý và mang tính ước đoán thiên lệch.”
Ông Chin nói: “Chúng tôi tin rằng tổng thống có quyền đặt anh ninh quốc gia lên trên, nhưng ông chỉ cần làm như vậy theo cách thức không phân biệt đối xử với con người chỉ vì quốc tịch của đất nước xuất xứ của họ hoặc tôn giáo của họ.”
Các thẩm phán Tối cao Pháp viện theo dự trù sẽ xét xử vụ này trong năm nay, nhưng lưu ý rằng tòa chỉ xem xét vụ này nếu đó là một điểm tranh luận. Các biện pháp của sắc lệnh cấm này chỉ đưa ra một cách tạm thời trong lúc chính phủ rà soát lại hệ thống kiểm soát an ninh.
Ba trong số các thẩm phán bảo thủ nhất bất đồng về một số điểm. Thẩm phán Clarence Thomas, trong thông báo đại diện cho các Thẩm phán Neil Gorsuch và Samuel Alito, bày tỏ lo ngại về khả năng thực thi một phần sắc lệnh này.
Thẩm phán Thomas viết: “Tôi lo rằng quyết định của tòa sẽ cho thấy khó thực hiện được. Nó sẽ đặt ra gánh nặng lên vai giới chức thừa hành phải phân biệt những cá nhân nào từ sáu nước bị cấm muốn nhập cảnh Hoa Kỳ có quan hệ thực thụ với một cá nhân hoặc thực thể Mỹ.” Quyết định này sẽ gây ra “rất nhiều kiện tụng.”
Một phần của lệnh cấm du hành đối với sáu nước nêu trên đầu tiên đã bị Tòa Phúc thẩm khu vực 4 ở Richmond, Virginia, chặn lại với phán quyết rằng các tuyên bố và nhắn tin Twitter của ông Trump cho thấy đây là lệnh cấm đối với người Hồi giáo.
Tòa Phúc thẩm khu vực 9 sau đó đã chặn cả lệnh cấm du hành đối với 6 nước lẫn lệnh tạm ngưng chương trình nhận người tị nạn; nhưng tòa này dựa vào quy chế luật pháp, và nói rằng Tổng thống Trump đã vượt quá quyền hạn của ông.
Các nhóm tranh đấu cho dân quyền và ủng hộ di dân phản đối lệnh cấm du hành và xem đó là một sự phân biệt đối xử với người Hồi giáo trái với hiếp pháp.
Trong cuộc hội luận điện thoại, bà Becca Heller, giám đốc Dự án Trợ giúp Người tị nạn quốc tế, nói rằng những đối tượng có phần chắc bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này là những người xin visa du lịch vào Mỹ.

Luật truy lùng di dân tại Texas bị chống đối

Luật mới của bang Texas nhằm trừng phạt các thành phố bảo vệ di dân có thể tạo ra một tiểu bang truy lùng di dân, theo lập luận của một thị trấn biên giới nhỏ và một số thành phố lớn nhất tại Texas ngày 26/6 trước một thẩm phán liên bang để yêu cầu thẩm phán ngăn chặn luật này.
Luật được phe Cộng hòa ủng hộ tại Texas, bang có ranh giới dài nhất với Mexico, sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 9. Đây là luật đầu tiên kiểu này kể từ khi ông Donald Trump thuộc Đảng Cộng hòa trở thành Tổng thống vào tháng 1 năm nay với cam kết truy lùng di dân bất hợp pháp.
Luật có tên SB4 qui định phạt tù các cảnh sát trưởng, cảnh sát tư pháp và những giới chức ở tuyến đầu không hợp tác thi hành luật lệ di trú Mỹ. Luật cũng cho phép cảnh sát hỏi về tình trạng di trú của những người bị giam giữ hợp pháp.
Một luật sư của tiểu bang Texas nói luật giúp đảm bảo đồng nhất trên toàn tiểu bang về việc áp dụng luật di trú và ngăn các địa phương theo lập trường không hợp tác với nhà cầm quyền liên bang.
“Đây là một đạo luật ôn hòa phù hợp với chính sách di trú liên bang,” ông Darren McCarty, một luật sư của tiểu bang nói trong phần phát biểu mở đầu.
Tuy nhiên, ông Lee Gelernt, luật sư của Hiệp hội các quyền Tự do Dân sự Hoa Kỳ đại diện cho nguyên đơn, nói nếu Tòa án cho phép luật Texas tiến hành thì có thể ảnh hưởng toàn tiểu bang.
“Luật này sẽ làm cho Texas thành một tiểu bang truy lùng di dân,” ông Gelernt nói với thẩm phán Orlando Garcia.
“Chúng tôi có thể bị cách chức nếu chúng tôi ủng hộ một chính sách khác biệt với luật,” Thị trưởng Austin, Steve Adler, nói bên ngoài Tòa án. Ông nói thêm luật vi phạm điều khoản bảo vệ tự do ngôn luận trong Hiến pháp.
Những thành phố khác kiện ra tòa đòi ngăn chặn luật này bao gồm Austin, Dallas, Houston và San Antonio.

Trung Quốc nói Mỹ không nên can thiệp vụ Lưu Hiểu Ba

Bắc Kinh đáp trả Washington đã đưa ra “nhận xét thiếu trách nhiệm” sau khi Hoa Kỳ chỉ trích cách Trung Quốc đối xử với ông Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động bị giam giữ được trao giải Nobel hòa bình.
Nhà hoạt động chính trị, người phải chịu mức án 11 năm tù vì tội lật đổ do kêu gọi dân chủ cho Trung Quốc, được chuyển tới bệnh viện sau khi bị chẩn đoán ung thư gan.
Vợ ông, bà Lưu Hà, bị quản chế tại gia, cho biết không còn kịp cứu chữa cho ông.
Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi Trung Quốc “trả tự do thực sự” cho hai vợ chồng.
“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc thả ông Lưu và cho phép vợ ông, bà Lưu Hà không bị quản chế tại gia,” phát ngôn viên Hoa Kỳ, bà Mary Beth Polley nói.
Một số chính trị gia Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc cho ông Lưu ra nước ngoài chữa bệnh. Ông Lưu Hiểu Ba là nhà bất đồng chính kiến, một trong những nhân vật chủ chốt trong đợt biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng chỉ trích kêu gọi này: “Trung Quốc là quốc gia có luật pháp. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Tất cả các quốc gia khác nên tôn trọng sự độc lập về tư pháp và lãnh thổ của Trung Quốc, và không nên dùng những trường hợp cá nhân để can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.”
Ông Lưu được trao giải Nobel Hòa Bình vắng mặt năm 2010, với ủy ban trao giải gọi nhà bất đồng chính kiến là “biểu tượng xuất sắc nhất” về đấu tranh nhân quyền ở Trung Quốc
Ông không được phép ra nước ngoài để nhận giải và giải thưởng giành cho ông được đặt vào chiếc ghế trống trong buổi lễ. Chính quyền Trung Quốc, vốn coi ông là tội phạm, giận dữ trước giải thưởng này.
Sau đó, bà Lưu bị quản chế tại gia tuy chưa từng bị kết tội. Chính quyền Trung Quốc không giải thích vì sao bà bị cấm di chuyển.
Theo lời bạn bè kể lại, bà Lưu đã được phép thăm chồng, đang chữa trị tại bệnh viện ở phía Bắc tỉnh Liêu Ninh sau khi có chẩn đoán ung thư vào ngày 23/05, theo South China Morning Post dẫn lời luật sư Mạc Thiếu Bình.
Ông Lưu Hiểu Ba được thả một ngày sau đó và đang được chữa trị ở Thẩm Dương.
“Ông ấy không có kế hoạch gì đặc biệt. Ông ấy đang được trị bệnh,” Luật sư Mạc nói với hãng tin AFP.
Tuy nhiên, xuất hiện trong video được chia sẻ trên mạng vào tuần này, bà Lưu vừa khóc vừa nói: “Họ không thể phẫu thuật, không thể hóa trị, không thể xạ trị được cho ông ấy.”
Thông cáo từ chính quyền Liêu Ninh nói ông Lưu đã được thả để chữa bệnh và đang được tám chuyên gia ung bướu điều trị.
Ông Lưu còn ba năm trong tổng mức án 11 năm vì tội “kích động lật đổ” sau khi soạn ra Điều 8 – kêu gọi dân chủ đa đảng và tôn trọng nhân quyền ở Trung Quốc.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói ông đáng ra không nên chịu tù đày.
Tổ chức này thúc giục Trung Quốc đảm bảo “chăm sóc y tế, cho ông được gặp gia đình và ông cũng như tất cả những người bị bắt giữ do chỉ thực hiện các quyền của mình phải được thả ngay lập tức và vô điều kiện”.
Sau giải Nobel, quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy bị đóng băng và chỉ được bình thường hóa vào tháng 12/2016.

Hình ảnh về Mỹ bị thay đổi lớn vì Trump?

Nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump đã có sự “ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách thế giới nhìn nhận Hoa Kỳ,” một nghiên cứu quy mô lớn cho thấy.
Cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, phỏng vấn hơn 40.000 người từ 37 quốc gia trong năm nay, cho thấy mức độ ưa thích nước Mỹ chỉ tăng ở Việt Nam và Nga, nhưng suy giảm ở rất nhiều nước khác.
Pew kết luận rằng Tổng thống Hoa Kỳ và các chính sách của ông “đều không được ủng hộ rộng rãi trên thế giới”.
Cuộc khảo sát chỉ cho thấy hai trên 37 nước có quan điểm tốt hơn về ông Trump so với ông Obama – là Israel và Nga.
Nhưng báo cáo này cũng cho thấy nhiều người cảm thấy mối quan hệ của đất nước họ và Hoa Kỳ sẽ không thay đổi trong nhiều năm tới.
Những điểm mấu chốt từ cuộc khảo sát, được tiến hành từ 16/2 đến 8/5, bao gồm:
Độ ưa thích nước Mỹ giảm
Chỉ số ưa thích nước Mỹ giảm ở mức độ rộng toàn cầu. Số dân chúng có quan điểm tích cực về nước Mỹ giảm mạnh ở nhiều nước thuộc Mỹ Latinh, Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á và Châu Phi.
Mức độ ưa thích nước Mỹ chỉ tăng ở hai quốc gia là Nga và Việt Nam.
Tin trưởng Obama hơn Trump
Cựu Tổng thống Obama ở thời điểm kết thúc nhiệm kỳ được tín nhiệm cao hơn nhiều so với Tổng thống Trump ở thời điểm hiện tại.
Ở Việt Nam, mức chênh lệch đánh giá độ tín nhiệm giữa Obama và Trump là 13 điểm. Còn ở Indonesia, độ chênh lệch lên tới 41 điểm.
Giữa các đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, sự tín nhiệm giảm nhiều nhất.
Hầu hết đều không có quan điểm tích cực về Trump
Dựa trên thang đánh giá từ “Nguy hiểm”, “Không chập nhận được”, “Ngạo mạn,” “Có quan tâm,” “Đủ tư chất,” “Thuyết phục,” “Một nhà lãnh đạo tài năng, hầu hết đều đánh giá ông Trump là một người “kiêu ngạo,” báo cáo của Pew cho biết.
Hầu hết đều cho ông Trump là nhà lãnh đạo mạnh mẽ, nhất là ở khu vực Mỹ Latin và các quốc gia châu Phi. Tuy nhiên rất ít có quốc gia nào thấy ông Trump hội tụ đủ tư chất làm tổng thống.
Đây không phải là ý kiến của chúng tôi mà là ý kiến của 40.447 người do công ty Pew và đồng sự của họ phỏng vấn.
Mọi người có thể lo lắng về việc Trump có ảnh hưởng gì tới đất nước của họ, rất nhiều có thể thấy ông ta kiêu ngạo hay nguy hiểm – nhưng như thế không có nghĩa là việc ông ấy làm tổng thống có tác động trực tiếp tới họ.
Điều này có thể không đúng với mọi trường hợp, nhưng trung bình khoảng 41% người dân cho rằng quan hệ giữa đất nước họ với Hoa Kỳ không thay đổi.
Tuy khảo sát tập trung vào ý kiến quốc tế, nhưng một báo cáo gần đây cũng của Pew cho thấy rằng tỷ lệ ủng hộ ông Trump tại Hoa Kỳ vẫn ở mức thấp kể từ khi ông lên nắm quyền.
Chỉ khoảng 39% người Mỹ cho rằng ông làm tốt vai trò của mình. Tuy nhiên, ông Trump vẫn được đa số ủng hộ trong đảng của mình.

Google bị EU phạt khoản khổng lồ 2,7 tỷ euro

Leo KelionBiên tập viên cao cấp về công nghệ
Google bị Ủy hội châu Âu phạt khoản tiền 2,42 tỷ euro (2,7 tỷ đô la) sau khi cơ quan này nói hãng đã lạm quyền trong việc đưa dịch vụ so sánh mua sắm của mình lên trên cùng trong các kết quả tìm kiếm.
Đây là khoản tiền phạt lớn nhất từ trước tới nay được đưa ra đối với tội danh các công ty gây lũng đoạn thị trường.
Phán quyết cũng yêu cầu Google phải chấm dứt các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh trong vòng 90 ngày, nếu không sẽ bị thêm khoản phạt nữa.
Google nói hãng sẽ kháng cáo.
Tuy nhiên, nếu không thay đổi cách hoạt động dịch vụ Mua sắm (Shopping) trong vòng ba tháng, Google có thể sẽ bị buộc phải trả 5% các khoản thu nhập trung bình mỗi ngày trên toàn cầu của công ty mẹ là hãng Alphabet.
Dựa trên báo cáo tài chính mới nhất của công ty, con số này ước tính khoảng 14 triệu đô la mỗi ngày.
“Những gì Google đã làm là bất hợp pháp chiếu theo luật chống độc quyền của EU,” người phụ trách vấn đề hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh của EU Margrethe Vestager nói.
“Hãng đã không cho các công ty khác cơ hội cạnh tranh bình đẳng, cơ hội sáng tạo, và quan trọng hơn cả, là hãng đã không cho người tiêu dùng châu Âu được hưởng lợi từ việc cạnh tranh, quyền lựa chọn đúng đắn và sự sáng tạo.”
Bà Vestager nói thêm rằng quyết định này từ nay sẽ tạo tiền lệ trong việc xử l‎í các khiếu nại có liên quan về cách Google tạo lợi thế cho các dịch vụ bản đồ, vé máy bay giá rẻ và cách dịch vụ kinh doanh địa phương trong phạm vi các công cụ tìm kiếm của hãng.
Trước đó, Google nói rằng Amazon và eBay có ảnh hưởng nhiều hơn tới thói quen chi tiêu của dân chúng, và nói hãng không chấp nhận nội dung các cáo buộc đưa ra đối với hãng.
“Khi qu‎ý vị mua sắm trực tuyến, qu‎ý vị muốn tìm được các sản phẩm mình cần một cách nhanh chóng, dễ dàng,” phát ngôn viên của hãng đáp trả nội dung phán quyết.
“Và các nhà quảng cáo thì muốn quảng bá các sản phẩm tương tự. Đó là lí do tại sao Google đưa ra các quảng cáo mua sắm, kết nối người dùng với hàng ngàn nhà quảng cáo lớn nhỏ theo cách thức hữu ích cho cả hai bên.”
“Chúng tôi không đồng ý với kết luận được đưa ra trong ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ xem xét chi tiết qu‎yết định của Ủy ban và sẽ cân nhắc việc kháng cáo; chúng tôi mong được tiếp tục trình bày vụ việc.”

Mỹ cảnh báo Syria về ‘mưu toan’ tấn công hóa học

Hoa Kỳ loan báo họ xác định được Syria “mưu toan chuẩn bị” cho một cuộc tấn công vũ khí hóa học khác và đưa ra cảnh cáo mạnh mẽ đối với chính phủ nước này.
Nhà Trắng cho biết các hoạt động này tương tự như các hoạt động được tiến hành trước vụ nghi là tấn công hóa học hồi tháng Tư.
Hàng chục người đã thiệt mạng trong vụ tấn công này, khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh không kích nhắm vào một căn cứ không quân Syria.
Tuyên bố của Hoa Kỳ cảnh báo Tổng thống Bashar al-Assad sẽ phải “trả giá rất đắt” nếu một cuộc tấn công khác xảy ra.
Tuyên bố nói rằng “một cuộc tấn công vũ khí hóa học khác của chế độ Assad” có khả năng dẫn đến “việc thảm sát hàng loạt thường dân”.
“Quân đội Hoa Kỳ hiện diện ở Syria nhằm loại trừ IS khỏi Iraq và Syria. Nếu ông Assad tiến hành một vụ tấn công giết người hàng loạt khác bằng vũ khí hóa học, ông và quân đội của ông sẽ phải trả giá rất đắt.”
Giới chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ ngạc nhiên trước tuyên bố của Nhà Trắng và cho hay vấn đề này không được thảo luận trước với các cơ quan an ninh quốc gia, truyền thông Mỹ tường thuật.

Vatican lo ngại về giám mục bị giam tại TQ

Tòa thánh Vatican “vô cùng quan ngại” cho một giám mục bị giam giữ sau khi bị “trục xuất một cách thô bạo” khỏi giáo phận của ông tại Trung Quốc.
Giám mục Peter Thiệu Chúc Mẫn bị quan chức bắt giữ hồi tháng Năm, phát ngôn viên Tòa Vatican Greg Burke nói.
Gia đình của giám mục không nhận được bất cứ thông tin gì về lý do ông bị trục xuất hay tung tích hiện tại của ông.
Mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc trở nên căng thẳng vì bất đồng về việc ai có thẩm quyền bổ nhiệm giám mục tại quốc gia này.
Ông Burke nói rằng ông “rất đau buồn” trước tình trạng bắt giữ một giám mục từ giáo phận tại Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang.
Ông nói rằng vụ việc gây bất lợi cho nỗ lực tìm tiếng nói chung giữa giới chức Trung Quốc và sự hiện diện của Công giáo tại quốc gia cộng sản.
“Giáo Hoàng hy vọng giám mục Peter Thiệu Chúc Mẫn sẽ trở về giáo phận của ông sớm nhất có thể và được tiếp tục sứ mệnh quản nhiệm nhà thờ của ông, ” ông Burke nói.
Những người Công giáo đang tìm tung tích của giám mục và lo sợ rằng ông bị nhà cầm quyền gây áp lực để tuyên thệ trung thành với Đảng Cộng Sản thay vì Tòa Vatican.
Thông tin này được tiết lộ trong lúc có nhiều tin tức cho rằng Vatican và Bắc Kinh đang tiến tới một thỏa thuận lịch sử về việc bổ nhiệm giám mục cho hơn 10 triệu người Trung Quốc theo Công giáo.
Có khoảng 100 giám mục tại Trung Quốc, với một số được Bắc Kinh chấp thuận, một số khác thì do Vatican và nhiều người được cả hai bên chấp thuận một cách không chính thức.
Một thỏa thuận giữa chính phủ Trung Quốc và Giáo Hoàng Francis về việc bổ nhiệm giám mục tại đất nước này là bước tiến tích cực trong việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Vatican.

Hàng không mẫu hạm Anh chạy thử

Hải quân Anh Quốc vừa đưa hàng không mẫu hạm mới ra chạy thử ngoài biển.
Mang tên Nữ hoàng Anh ‘HMS Queen Elizabeth’, tàu có trị giá hơn 6 tỷ bảng Anh.
Là tàu chiến lớn nhất được đóng cho Hải quân Hoàng gia Anh, tàu nặng 65 nghìn tấn và có bãi đáp rộng bằng ba sân đá bóng cho 40 phi cơ.
Bộ Quốc Phòng Anh cam kết sẽ đưa tàu vào vận hành chính thức muộn nhất là vào năm 2026.

THAAD tiếp tục là vấn đề tranh cãi tại thượng đỉnh Mỹ-Hàn

Các giới chức Nam Triều Tiên lên tiếng ủng hộ hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD trước cuộc họp thượng đỉnh của Tổng thống Moon Jae-in với Tổng thống Donald Trump trong tuần này, nhưng vấn đề này vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi trong lúc các nhà lập pháp ở Washington bày tỏ lo ngại về việc kế hoạch triển khai hệ thống phi đạn này bị trì hoãn.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD sử dụng radar cực mạnh với công nghệ hồng ngoại để đánh chặn tên lửa đạn đạo bắn đến.
Năm 2016, Washington và Seoul thỏa thuận triển khai THAAD để giúp Nam Triều Tiên chống khả năng tên lửa đạn đạo và hạt nhân ngày càng phát triển của Bắc Triều Tiên.
Bảo vệ quân đội Mỹ
THAAD còn để bảo vệ cho 28.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Nam Triều Tiên.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Cory Gardner của bang Colorado và Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez của bang New Jersey mới đây đã gởi thư yêu cầu Tổng thống Trump đặt ưu tiên cho việc triển khai hệ thống THAAD trong cuộc họp với Tổng thống Moon của Nam Triều Tiên trong tuần này.
Trong thư gởi Tổng thống Trump, hai nghị sĩ này nói: “Chúng tôi đề nghị ông lập lại với Tổng thống Moon rằng quyết định triển khai THAAD là một quyết định của liên minh để bảo vệ cho cả binh sĩ Mỹ và hàng triệu người dân Nam Triều Tiên, trong khi nó không đặt ra bất cứ mối đe dọa nào cho các nước láng giềng của Nam Triều Tiên.
Triển khai THAAD bị trì hoãn
Việc triển khai THAAD do người tiền nhiệm theo quan điểm bảo thủ của ông Moon là cựu Tổng thống Park Geun Hye thỏa thuận với Mỹ. Tuy nhiên hồi tháng 3, bà Park đã bị luận tội vì bị tố cáo dính líu trong vụ bê bối tham nhũng nhiều triệu đôla.
Ngay sau khi lên cầm quyền hồi tháng 5, Tổng thống Moon đã ra lệnh dừng việc triển khai đầy đủ hệ thống phòng thủ THAAD lại cho đến khi nghiên cứu ảnh hưởng môi trường được thực hiện xong.
Hôm thứ Hai 26/6, bà Kang Kyung-wha, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, lập lại rằng nước Cộng hòa Triền Tiên ủng hộ việc cuối cùng sẽ triển khai THAAD.
Bà Kang nói: “Chính phủ Nam Triều Tiên không có ý định rút lại cam kết đã đưa ra trên tinh thần liên minh Mỹ-Hàn. Thông qua thẩm định ảnh hưởng môi trường là một tiến trình cần thiết cho địa phương. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ hủy bỏ hoặc thay đổi quyết định triển khai hệ thống THAAD.”
Trung Quốc trả đũa
Tổng thống Moon cũng cố tìm cách hóa giải sự chống đối THAAD của Trung Quốc và những tiếng nói chống đối ngay trong nước ông.
Bắc Kinh xem hệ thống radar cực mạnh của THAAD vốn có thể quét vào lãnh thổ của Trung Quốc và theo dõi các hoạt động quân sự là một mối đe dọa đến an ninh quốc gia của Trung Quốc. Tin nói Trung Quốc đã thực hiện những biện pháp hạn chế thương mại không chính thức đối với các hoạt động kinh doanh của Nam Triều Tiên để trả đũa.
Viện nghiên cứu Huyndai nói rằng nếu kéo dài việc Trung Quốc hạn chế du hành, ngành mỹ phẩm và giải trí của Hàn Quốc sẽ bị thiệt hại hơn 7 tỉ đôla trong năm nay. Tuy nhiên, sau quyết định của Tổng thống Moon hoãn triển khai phi đạn THAAD, có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh nới rộng một số biện pháp cấm đoán trong thương mại song phương.
Theo ông Zhag Tuosheng, một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Quỹ Phát triển Chiến lược Quốc tế của Trung Quốc có trụ sở ở Bắc Kinh, để giải quyết vấn đề này thì Nam Triều Tiên và Mỹ phải có những biện pháp trấn an Trung Quốc về những lo ngại về an ninh thực sự của Bắc Kinh.
Trong một bài viết cho Quỹ Phát triển Đông Á trong tuần này, ông Tousheng nói: “Ví dụ như có thể thay đổi hệ thống radar của THAAD, khống chế tầm mức và hướng theo dõi của radar này, và chủ động cung cấp cho Trung Quốc công nghệ và dữ liệu liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
Phản đối trước Ðại sứ quán
Cuối tuần qua, những người biểu tình chống THAAD đã tuần hành ôn hòa trước Ðại sứ quán Mỹ ở trung tâm thủ đô Seoul. Các nhà tổ chức nói rằng hơn 3.000 người tham gia biểu tình.
Một số người chống đối THAAD ở Nam Triều Tiên tranh luận rằng cái giá phải trả cho việc gây hấn đối với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng là không đáng. Các nhà phân tích nói THAAD không thể chống đỡ một cuộc tấn công lớn của pháo binh Bắc Triều Tiên nhắm vào 25 triệu cư dân Seoul và những khu vực sát biên giới. Nhưng người sống gần biên giới thì lo ngại hệ thống radar của THAAD có thể gây nguy hại cho sức khỏe và môi trường.

Đại sứ Nga tại Mỹ bị triệu hồi

Đại sứ Nga tại Mỹ bị triệu hồi về nước, BuzzFeed News ngày 26/6 dẫn ba nguồn tin biết rõ quyết định này cho biết.
Ông Sergey Kislyak trở về nước chứ không được bổ nhiệm nhiệm vụ mới tại Liên hiệp quốc ở New York như tin đưa trước đây, tờ báo nói.
Sự việc diễn ra trong khi FBI và Quốc hội Mỹ đang điều tra các liên lạc giữa nhà ngoại giao 66 tuổi này với các phụ tá hàng đầu của Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Ngày giờ chính thức đại sứ Kislyak rời Mỹ chưa được loan báo nhưng Hội đồng Thương mại Mỹ-Nga sẽ tổ chức buổi tiệc chia tay ông Kislyak vào ngày 11/7 tới đây tại khách sạn St. Regis, theo BuzzFeed.
Ông Kislyak bị chú ý vì những liên lạc trao đổi giữa ông với ông Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, đã khiến ông Flynn bị sa thải vì không tự giác khai báo hoàn toàn sự thật.
Cách đây không lâu có tin rằng ông Kislyak được cân nhắc làm lãnh đạo một văn phòng chống khủng bố ở Liên hiệp quốc tại New York. Tuy nhiên, vị trí đó đã được giao cho nhà ngoại giao Nga kỳ cựu Vladimir Voronkov, một giới chức Liên hiệp quốc loan báo tuần trước.
Báo chí Nga loan tin Điện Kremlin dự kiến gửi Thứ trưởng Ngoại giao Anatoly Antonov thế chỗ ông Kislyak làm đại sứ Nga tại Mỹ.
Bộ Ngoại giao Nga nói đại sứ Kislyak rời chức sau 9 năm công tác trong khuôn khổ kế hoạch luân phiên định kỳ có từ trước.
Nguồn: BuzzFeed News/CNN

Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ thực thi lệnh cấm du hành ‘theo trình tự’

Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ thực thi lệnh cấm du hành của Tổng thống Donald Trump ‘theo trình tự’ phù hợp với lệnh của Tòa Tối cao, theo loan báo của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao ngày 26/6.
“Chúng tôi sẽ thông báo cho những người du hành tới Mỹ và các đối tác trong ngành du lịch biết rõ là chúng tôi thực thi sắc lệnh một cách chuyên nghiệp, có tổ chức, và đúng lúc,” nữ phát ngôn nhân Heather Nauert cho biết.
Bà Nauert cũng nói thêm rằng Bộ Ngoại giao sẽ liên lạc với các đối tác thực thi chương trình nhận người tị nạn của Mỹ và sẽ thông báo rõ ràng những thay đổi khi có hiệu lực.
Tối cao Pháp viện Mỹ ngày 26/6 phục hồi một phần sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump cấm nhập cảnh người tị nạn và người từ 6 nước có đa số theo Hồi Giáo. Tòa đồng ý trong năm nay sẽ quyết định tính hợp pháp của sắc lệnh ông Trump ban ra.
Các thẩm phán Tối cao Pháp viện thu hẹp phạm vi phán quyết của Tòa cấp dưới hoàn toàn ngăn chặn lệnh hành pháp ngày 6/3 của ông Trump, cho phép lệnh cấm tạm thời của Tổng thống có hiệu lực đối với đối với những người không có quan hệ kinh doanh hay quan hệ gia đình tại Mỹ.

Mỹ: Phe Cộng hòa sửa đổi dự luật chăm sóc sức khỏe

Các Thượng nghị sĩ Cộng hòa ngày 26/6 công bố những thay đổi trong dự luật bảo hiểm sức khỏe thay thế Obamacare, bổ sung một biện pháp phạt tiền những người để bảo hiểm sức khỏe cá nhân quá hạn trong một thời gian dài. Trước đó, dự luật bị chỉ trích rằng sẽ tạo ra chương trình bảo hiểm tệ hơn và tốn kém hơn.
Tổng thống Donald Trump và những đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội đã đẩy mạnh việc thu hồi và thay thế Obamacare, dấu ấn lập pháp của cựu Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama.
Dự luật của Thượng viện được công bố tuần trước ngay lập tức bị các đảng viên Cộng hòa bảo thủ lẫn ôn hòa chỉ trích, gây nghi ngờ về khả năng thông qua luật này. Đảng Cộng hòa chiếm đa số 52 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện.
Hiện chưa rõ là những khoản được duyệt xét lại trong dự luật có thể lay chuyển các đảng viên Cộng hòa từng chống lại dự luật nguyên thủy hay không.
Các lãnh đạo tại Thượng viện muốn bỏ phiếu thông qua dự luật trước thời gian Quốc hội nghỉ Lễ Độc lập 4/7 bắt đầu vào cuối tuần này.
Tuy nhiên, ngày 26/6, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (Amatrice), hội y sĩ lớn nhất nước Mỹ, loan báo chống lại dự luật vừa kể.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội, cơ quan không đảng phái, cuối ngày 26/6, sẽ công bố đánh giá về chi phí và ảnh hưởng của dự luật đối với thâm thủng ngân sách quốc gia.

Modi: ‘Quyền lợi Mỹ – Ấn ngày càng hội tụ’

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói ông “tự tin rằng các quyền lợi của Ấn Độ và Hoa Kỳ ngày càng hội tụ về một điểm” giữa lúc ông đang chuẩn bị gặp Tổng thống Donald Trump tại Toà Bạch Ốc.
Trong một bài quan điểm đăng trên tờ Wall Street Journal, Thủ Tướng Modi bày tỏ lạc quan về đà tăng trưởng kinh tế và tăng cường thương mại song phương giữa hai nước.
Ông Modi viết:
“Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không mấy ổn định, hai quốc gia chúng ta là những cỗ máy tăng sức cho nhau để tăng trưởng và đổi mới”.
Trong chuyến đi đầu tiên tới thăm Hoa Kỳ kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, hôm Chủ nhật ông Modi đã gặp các giám đốc điều hành doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ và các thành viên trong cộng đồng kiều bào Ấn Độ.
Tại một cuộc họp ở một khách sạn thủ đô Washington quy tụ các nhà lãnh đạo của nhiều công ty công nghệ hàng đầu Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ ca ngợi những lợi ích của việc làm ăn ở Ấn Độ, nơi mà ông nói có sự can thiệp “tối thiểu của chính phủ”, khiến công việc kinh doanh ở nước Nam Á này dễ dàng hơn.
Trong số những người tham dự cuộc họp có ông Sundar Pichai của Google, Satya Nadella của Microsoft và Shantanu Narayen của Adobe Systems, tất cả đều là người Mỹ gốc Ấn. Giám đốc Amazon Jeff Bezos và Tim Cook của Apple cũng tham dự cuộc họp.
Sau đó trong cùng ngày, tại một khách sạn ở Bắc Virginia, Thủ tướng Modi gặp gỡ gần 1.000 thành viên của cộng đồng Ấn Độ tại Hoa Kỳ.
Ông Modi sẽ gặp Tổng thống Trump tại Toà Bạch Ốc trong ngày hôm nay, Thứ Hai 26/6 trong cuộc đối thoại trực diện đầu tiên của hai nhà lãnh đạo. Trước cuộc họp, ông Trump hôm thứ bảy viết trên Twitter rằng ông nóng lòng muốn thảo luận các vấn đề chiến lược với một “người bạn thật sự”.
Hai chính phủ đang làm việc để ra một tuyên bố chung về cuộc chiến chống khủng bố.
Một quan chức cao cấp của Toà Bạch Ốc nói: “Chúng ta có thể trông đợi một số sáng kiến mới về hợp tác chống khủng bố.”
Có những lo lắng ở New Delhi về việc ông Trump đã không quan tâm đúng mức tới Ấn Độ trong quá khứ, nhưng ông Trump nói chung vẫn tỏ ra tích cực về Ấn Độ, dựa trên những thông điệp công khai của ông.
Ông Trump trước đây đã đi thăm Mumbai trong tư cách một doanh nhân, và ông vẫn sở hữu một số tài sản mang nhãn hiệu Trump tại Ấn Độ.
Như ông Trump, ông Modi trước khi tham chính từng là một nhà kinh doanh. Dự kiến ông Modi sẽ gặp một số giám đốc điều hành Mỹ, thương lượng một thỏa thuận với hãng chế tạo drone General Atomics của California để đặt mua 22 máy bay không người lái, không vũ trang Guardian (MQ-9) cho Hải quân Ấn Độ để tuần tra hàng hải, và có thể, điều đình với công ty Lockheed Martin và Tata Advanced Systems để sản xuất máy bay chiến đấu F-16 tại Ấn Độ.

Tướng Iraq: Chiến sự ở Mosul sắp kết thúc

Trận chiến để chiếm quyền kiểm soát toàn bộ thành phố Mosul từ tay quân Nhà nước Hồi giáo sẽ kết thúc trong một vài ngày tới, và nỗ lực chống trả của các phần tử chủ chiến đã thất bại, một tướng lãnh Iraq nói với Reuters hôm thứ Hai.
Trung tướng Abdul Ghani al-Assadi, chỉ huy các đơn vị ưu tú chống khủng bố (CTS) ở Mosul, cho biết:
“Chỉ còn lại ít tàn quân trong thành phố, cụ thể là ở Phố Cổ”.
Tướng Assadi nói “Về phương diện quân sự, Daesh (Nhà nước Hồi giáo) đã cáo chung. Họ đã mất tinh thần chiến đấu và thế cân bằng, chúng tôi đang kêu gọi họ hãy đầu hàng hoặc là chết”.
Quân đội Iraq nói rằng khu vực còn thuộc quyền kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo chỉ còn chưa đầy 2 km vuông ở Mosul, từng được coi là thủ đô trên thực tế của Nhà Nước Hồi giáo.
Theo tướng Assadi, hôm Chủ nhật, Nhà nước Hồi giáo đã tìm cách trở lại để tái chiếm khu vực lân cận bên ngoài Phố Cổ nhưng đã thất bại. Tướng Assadi nói thành phố Mosul sẽ rơi vào tay quân chính phủ trong “vài ngày nữa, nhờ ơn Thượng đế”.
CTS đang dẫn đầu cuộc chiến trong khu vực đông đúc dân cư với những con hẻm chằng chịt và chật hẹp của Phố Cổ lịch sử, nằm bên bờ tây sông Tigris.
Liên minh quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo đang hỗ trợ trên không và trên bộ cho chiến dịch tấn công đã kéo dài 8 tháng.
Tuần trước, các phần tử chủ chiến đã phá hủy đền thờ Hồi giáo lịch sử Grand al-Nuri và tháp nghiêng của đền thờ, nơi mà cách đây 3 năm về trước, thủ lãnh IS Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập một vương quốc Hồi giáo, trải dài trên một phần lãnh thổ của Iraq và Syria. Khu đất của đền này vẫn nằm trong tay của các phần tử chủ chiến.
Hôm thứ Hai, Quân đội Iraq cho biết đã chiếm khu phố al-Faruq ở phía tây bắc Phố Cổ, đối diện với đền thờ Hồi giáo.

Brexit: Thủ tướng Anh trấn an công dân châu Âu

Thủ tướng Anh Therasa May, hôm qua 26/06/2017, đã giải thích chi tiết về quy chế mới dự kiến áp dụng cho 3,2 triệu công dân châu Âu sống và làm việc tại Anh Quốc sau Brexit. Thủ tướng Therasa May muốn trấn an họ. Tuy nhiên, một số điều kiện mà Luân Đôn đưa ra, bị tiếp nhận một cách lạnh nhạt.
Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix giải thích :
Theresa May nói bà muốn xóa đi nỗi lo sợ của công dân các nước châu Âu sống tại Anh Quốc bằng một đề nghị mà bà đánh giá là « nghiêm túc và đúng đắn ». Bà phát biểu : « Tôi muốn các vị ở lại. »
Các công dân châu Âu sống tại Anh Quốc được 5 năm, tính tới ngày hạn chót Anh Quốc rời Liên Hiệp theo thương lượng, có thể sẽ được quyền gửi yêu cầu qua Internet để được hưởng quy chế mới và một thẻ thường trú đặc biệt. Quy định này sẽ giúp họ được hưởng mọi quyền lao động và chăm sóc y tế như một người Anh. Những người tới sau hạn chót nói trên thì phải đợi hai năm mới được xin hợp thức hóa giấy tờ, nhưng không đảm bảo sẽ được chấp thuận.
Lãnh đạo phe đối lập Công Đảng, ông Jeremy Corbyn, chỉ trích biện pháp trên là « quá ít và quá muộn ». Lãnh đạo Công Đảng cho rằng lẽ ra chính phủ phải đơn phương đảm bảo các quyền hiện có của các công dân châu Âu ngay sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit.
Hơn nữa, một số quy định lại khiến người châu Âu tại Anh lo lắng. Nếu bà Theresa May bảo đảm là không có chuyện chia rẽ họ khỏi gia đình, các đề xuất của bà hàm ý là họ phải đưa người thân sang Anh trước Brexit, nếu không, người thân của họ sẽ phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về nhập cư.
Cuối cùng, trong trường hợp có tranh chấp, kiện tụng, Luân Đôn muốn là tư pháp Anh chứ không phải Tòa Án Công Lý Châu Âu phán xử. Nhưng đây lại là một trong những khúc mắc trong thương lượng với Bruxelles. Ông Michel Barnier, ủy viên châu Âu phụ trách Brexit, đề nghị Anh Quốc có những bảo đảm rộng rãi hơn và rõ ràng hơn.

Pháp : Một cựu đảng viên đảng Xanh làm chủ tịch Quốc Hội mới

Hôm nay, 27/06/2017, Quốc Hội mới của Pháp họp phiên khai mạc sau khi được bầu lên ngày 18/06 vừa qua. Các dân biểu của đảng Cộng Hòa Tiến Bước đã quyết định chọn một cựu đảng viên đảng Xanh, ông François de Rugy, làm ứng cử viên chức chủ tịch Quốc Hội.
Do đảng của tổng thống Emmanuel Macron chiếm đa số tuyệt đối ở Quốc Hội mới, cho nên chiều nay, chắc chắn là ông de Rugy được bầu vào chức vụ này trong một cuộc bỏ phiếu kín.
Năm nay 43 tuổi, nguyên là một đảng viên đảng Xanh, làm dân biểu từ năm 2007, ông François de Rugy đã giữ chức phó chủ tịch Quốc Hội từ năm 2016. Là dân biểu Quốc Hội trong nhóm nghị sĩ đảng Môi Trường, ông đã rời khỏi nhóm này cùng với 5 dân biểu khác, để gia nhập nhóm nghị sĩ Xã Hội. Nhưng trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông de Rugy đã quyết định đầu quân cho ứng cử viên Emmanuel Macron. Sau đó, ông tái tranh cử Quốc Hội với tư cách ứng cử viên đảng Cộng Hòa Tiến Bước.
Sau khi được nhóm nghị sĩ chọn là ứng cử viên chủ tịch Quốc Hội Pháp hôm nay, ông de Rugy đã cam kết sẽ làm cho Quốc Hội trở nên “dân chủ hơn, hiệu quả hơn và hiện đại hơn“.
Trong khi đó, cựu thủ tướng Manuel Valls hôm nay thông báo rời bỏ đảng Xã Hội. Trong cuộc bầu cử vừa qua, ông Valls đã ra tranh cử Quốc Hội, nhưng là với tư cách ứng cử viên độc lập. Trong Quốc Hội mới, ông Valls sẽ ngồi chung với phe đa số và không loại trừ khả năng gia nhập khối nghị sĩ của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, đảng của tổng thống Macron.
Cũng về chính giới Pháp, cựu thủ tướng và thượng nghị sĩ Jean-Pierre Raffarin hôm nay thông báo rời khỏi chính trường để thành lập một tổ chức phi chính phủ quốc tế mang tên Leaders for Peace, “để báo động về những nguy cơ chiến tranh”.

Hồng Kông trong bàn tay thép của Trung Quốc

Ngày 01/07/2017 tới đây là đúng 20 năm Hồng Kông trải nghiệm chính sách « một quốc gia, hai chế độ », theo đề xuất của Đặng Tiểu Bình khi đàm phán với Luân Đôn và sẽ kéo dài đến 50 năm. Thực tế cho thấy hệ thống này đang bị sụp đổ từng mảng lớn. Vì sao Bắc Kinh không tôn trọng lời hứa ?
Theo tinh thần nguyên tắc « một quốc gia hai chế độ », Hồng Kông phải được hưởng tự do dân chủ cho đến năm 2047. Đây là những quyền chính trị xa lạ đối với người dân tại lục địa. Tuy nhiên, 20 năm sau ngày nhượng địa cũ của Anh Quốc được trao lại cho Trung Quốc, đông đảo người dân Hồng Kông cảm thấy các quyền tự do tại đặc khu hành chính bị thu hẹp dần dần. Hai chế độ đâu không thấy mà chỉ thấy hai bàn tay thép.
Trưng cầu dân ý trước 2047 ?
Trong bối cảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp đi Hồng Kông dự lễ kỷ niệm, giáo sư Lâm Lập Hoà (Willy Lam), một nhà phân tích có uy tín nhận định một cách khéo léo : nguyên tắc một quốc gia đang lấn át nguyên tắc hai chế độ.
Trong khi đó, giới tranh đấu dân chủ không giấu lo âu. Đối với Hoàng Chi Phong, 20 tuổi, một trong những khuôn mặt tiên phong của phong trào xuống đường năm 2014 thì vùng lãnh thổ 1000 km2 này đang đứng trước một khúc quanh : Quy chế chính trị của Hồng Kông đang bị đe dọa.
Cho đến nay thì Hồng Kông vẫn còn những đặc quyền so với Hoa lục, như tự do phát biểu, tư pháp độc lập và một chút dân chủ trong việc bầu cơ quan lập pháp. Thế nhưng, nhiều biến cố gần đây làm công luận nghi ngờ ý đồ của Bắc Kinh như là vụ bắc cóc năm nhân viên và chủ nhân một nhà sách, chuyên phát hành các cuốn « thâm cung bí sử » của giới lãnh đạo Trung Quốc. Bằng mọi giá, Bắc Kinh không để vi-rút dân chủ lan sang Hoa lục.
Từ khi phong trào Dù Vàng làm tê liệt Hồng Kông trong hai tháng của năm 2014, lời kêu gọi Hồng Kông tự trị, thậm chí độc lập, ngày càng xuất hiện nhiều.
Hoàng Chi Phong, nay là lãnh đạo đảng Demosito, lưu ý là trước năm 1997, người dân Hồng Kông chưa bao giờ được Luân Đôn và Bắc Kinh hỏi ý kiến. Phải tổ chức trưng cầu dân ý về tương lai của Hồng Kông, trước khi hiệp ước chuyển tiếp Trung Quốc – Anh Quốc hết hạn vào năm 2047, đó là mục tiêu tranh đấu của đảng đối lập này.
Tuy nhiên, công luận Hồng Kông bị phân hóa. Một phần dân chúng muốn yên phận vì thấy Trung Quốc quá mạnh. Phần khác, nhất là doanh nhân và chính trị gia chuyên nghiệp được Trung Quốc ưu đãi, tiếp tục bảo vệ tư lợi. Cựu lãnh đạo an ninh Hồng Kông Diệp Lưu Thục Nghi (ReginaIp), một người bị phe dân chủ gọi là tay sai của Trung Quốc, cho rằng quy chế « bán tự trị đứng vững » cần gì thay đổi. Tân trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), thân Trung Quốc, cam kết « hàn gắn » mối xung khắc giữa hai cộng đồng, nhưng dứt khoát bác bỏ chủ trương độc lập với Hoa lục.
Ngoài yếu tố chính trị, người dân Hồng Kông còn bị chia rẽ vì cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn và vì giá nhà đất leo thang, do đầu tư địa ốc của doanh nhân Hoa lục. La Quán Thông (Nathan Law), dân biểu đối lập và cũng là người trẻ nhất trong nghị viện, bi quan : người Hông Kông đã mất hết hy vọng. Đó là vấn đề rất lớn của Hồng Kông.
Xem gương Hồng Kông nhìn lại Biển Đông
Theo Japan News, lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là Tập Cận Bình không có ý đồ bóp chết Hồng Kông. Áp lực tại Hồng Kông xuất phát từ cá tính độc đoán của nhân vật được mô tả là « đệ tử hàng đầu của Mao ». Nếu quan sát kỹ, chính sách của Tập Cận Bình thi hành tại Hồng Kông diễn ra cùng lúc và cùng chiều tại Hoa Lục và trên biển : đàn áp nhân quyền, kềm kẹp tự do ngôn luận trong nước và ráo riết bành trướng ở Biển Đông và Hoa Đông.
Theo lý giải của các quan chức của đảng Cộng Sản Trung Quốc thì căng thẳng hiện nay không phải do đối chọi ý thức hệ, mà là do « xung đột giá trị toàn diện ». Nói cách khác, Bắc Kinh tìm cách trấn áp mọi phong trào chống đảng Cộng Sản và ngược lại để sống còn, Hồng Kông tìm mọi cách bảo vệ các quyền tự do.
Về lâu về dài, xung khắc này có thể xem là hệ quả cuộc đối đầu giữa hai phong trào : một bên là nỗ lực dân chủ hóa Trung Quốc và bên kia là Hán hóa Hồng Kông.

Brazil : Tổng chưởng lý đề nghị truy tố

tổng thống Michel Temer

Tại Brazil, một năm sau khi nữ tổng thống Dilma Rousseff bị truất phế đến lượt tổng thống Michel Temer sắp bị truy tố về tội nhũng lạm quyền thế, tham ô, theo đề nghị của tổng chưởng lý Rodrigo Janot ngày 26/06/2017 dựa trên kết quả điều tra của cảnh sát liên bang. Với điểm tín nhiệm chỉ còn 7%, Michel Temer sẽ là vị tổng thống Brazil đầu tiên bị truy tố khi còn tại chức.
Từ Rio de janeiro, thông tín viên Anne Vigna tường thuật :
Đã một tháng nay, tổng thống Brazil bị cảnh sát liên bang điều tra về những cáo buộc nhận hối lộ, cản trở tư pháp và tham gia tội ác có tổ chức.
Kết luận của cảnh sát rất rõ ràng : Michel Temer đã khuyến khích đút lót chủ tịch Quốc Hội Eduardo Cunha, người đã bị mất chức và đang thọ án tù. Dù một doanh nghiệp có gặp ông để tố cáo tình trạng tham ô thường trực này, nhưng tổng thống không hề thông báo cho tư pháp. Trái lại, theo kết quả điều tra, tổng thống Michel Temer còn tỏ ý đồng tình. Một tuần sau, ông chỉ định một dân biểu cùng đảng nhận 15.000 đôla của doanh nghiệp nói trên.
Tổng chưởng lý Rodrigo Janot nghe theo kết quả điều tra của cảnh sát và chính thức đề nghị truy tố tổng thống tội nhận hối lộ.
Tiến trình thủ tục pháp lý bắt đầu với ủy ban Tư Pháp của Quốc Hội. Bên cáo buộc và bên bào chữa sẽ có 15 buổi điều trần trước khi Quốc Hội biểu quyết. Nếu được hai phần ba dân biểu chấp thuận truy tố thì tổng thống sẽ bị đưa ra Toà Án Tối Cao“.

Tổng thống Mỹ kêu gọi

giải quyết nhanh hồ sơ Bắc Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 26/06/2017 kêu gọi nhanh chóng giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên, buộc nước này chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Từ khuôn viên Nhà Trắng, bên cạnh thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu : « Chế độ Bắc Triều Tiên gây ra những vấn đề lớn và đó là điều chúng ta phải giải quyết, và phải nhanh chóng giải quyết ». AFP cũng cho biết tổng thống Mỹ cũng đã cám ơn thủ tướng Ấn Độ, vì đã cho áp dụng các lệnh trừng phạt mới nhắm vào Bình Nhưỡng theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Còn theo bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis, Bình Nhưỡng là « mối đe dọa khẩn cấp nhất và nguy hiểm nhất ».
Để đáp trả, hãng tin nhà nước KCNA của Bắc Triều Tiên hôm nay 27/06 cáo buộc tổng thống Mỹ Donald Trump « theo đuổi chính sách độc tài của Hitler » nhằm chia thế giới thành hai phe « bạn » và « thù », gọi chính sách của ông Trump là « một kiểu phát xít của thế kỷ XXI ». Cũng theo Bình Nhưỡng, chính sách « Nước Mỹ trên hết » của Donald Trump là nhằm thống trị thế giới bằng các phương tiện quân sự giống quan niệm của Hitler.
Quan hệ Hoa Kỳ – Bắc Triều Tiên đặc biệt xấu đi bởi vụ sinh viên Mỹ Otto Warmbier qua đời tại quê nhà Cincinnati, bang Ohio, sau khi được Bắc Triều Tiên thả, trong tình trạng hôn mê, sau 18 tháng bị giam trong tù.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn